Bảo Thiện đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con miên mật hành trì mật thiền chánh pháp hơi thở chánh niệm, lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức, hành việc bác ái, quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, nguyện cho hàng đệ tử chúng con thân tâm thường an lạc, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc, xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, giờ này đây trong buổi tập thiền cùng với nhau, chúng ta hãy ngồi xuống buông thư, buông lỏng toàn thân, thanh tịnh hóa thân tâm của mình qua hơi thở vào ra cùng với chánh niệm, biết rõ, nhận rõ mọi cảm xúc, mọi cảm giác, suy nghĩ của mình. Đồng thời chúng ta cũng tổng trì mật ngôn quán chiếu tâm Từ Bi, tâm Trí Tuệ, Tỉnh Giác và Thiện Lành để gắn kết với chư Phật, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau, hãy bắt đầu.
Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, nhận biết rõ ràng, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho muôn loài.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)
Các bạn đồng tu thân mến! Cuộc sống ngày xưa, xưa thật là xưa, xưa lắm, cho tới bây giờ thời đại văn minh ý tưởng của con người không có khác. Khi đi tìm một điều gì ta luôn tìm những cái siêu xuất, cái cao nhất, cái hay nhất, cái phi thường, cái mà gọi là xuất chúng, cái mà không ai có thể làm được. Điều đó có, vì bạn nhìn chung quanh đi, khi mua một món đồ ta nhất định phải mua một thứ gì gọi là hàng độc, không đụng hàng. Khi học một thứ gì ta học thứ mà không ai có, để cho mình được nhất nhất, cao ở trên thiên hạ, đời cứ vì thế, cái gì cũng muốn nhất. Ai trong chúng ta cũng miệt mài tìm tòi những cái phi thường, cái mà gọi là ghê gớm, ghê gớm, nghe thấy kinh hồn. Ai cũng khoe mình có những cái kinh khủng lắm, hơn người.
Con đường học đạo trong các tôn giáo, ngày nay và ngày xưa chúng ta vẫn cầu làm sao đó học được một pháp môn thật là ghê gớm, thật cao, thật hay và để làm gì? Để chúng ta có thể vượt trội hơn mọi người, hình như ai cũng thích hơn người. Vì vậy khi chúng ta nghe thấy một đấng giác ngộ, một đấng đứng đầu các tôn giáo xuất trần làm đạo, cứu độ thế gian hay phổ độ giúp đời, thì cũng ngỡ rằng đấng đó phải dạy một thứ gì ghê gớm lắm, thần thông lắm, phi thường lắm. Các bạn cứ tự hỏi bản thân và những người khác học đạo, xưa đến giờ ta đã miệt mài chạy theo những cái gọi là phi thường, pháp môn phi thường. Để mà chung quanh cuộc đời này có biết bao nhiêu những người vỗ ngực xưng rằng, họ đã đạt tới mức cao tột vô cùng, phi thường, họ là thần tiên, Phật thánh, ghê quá, nghe thấy sợ quá. Khi Đức Phật hoặc chúng ta học về điều Đức Phật dạy, Đức Phật lại nói đến những điều rất bình thường, không có phi thường. Phật nói về cái khổ, nói về nguyên nhân tạo khổ, Phật nói về niềm vui hạnh phúc và Phật nói về những điều gì đó cần thực hiện để có niềm vui và hạnh phúc. Sao bình thường quá, một đấng giác ngộ lại nói những điều ai mà không biết.
Rồi Phật dạy để hành được những điều đó để thoát khổ, nhận ra cái khổ, để hiểu được hạnh phúc an lạc thực sự và thành tựu được nó. Phật chỉ một phương pháp, phương pháp đó ai cũng trông chờ, nghĩ rằng Đức Phật nói phải cao siêu lắm, phải hay dữ lắm, phải nổi trội, phải phi thường. Nhưng hỡi ơi khi Phật kể ra ai cũng lắc đầu ngán ngẩm “Sao chúng tôi đợi những cái phi thường, mà Ngài là bậc giác ngộ lại dạy một phương pháp quá bình thường thế?”
Tại sao gọi là bình thường? Vì Phật quay đi quay lại bốn mươi mấy năm trời trên đạo nghiệp ở trần gian phổ độ chúng sanh, cũng dạy đi dạy lại chánh niệm tỉnh giác qua hơi thở. Người đời đã gào thét, chửi mắng “Trời ơi! Ai mà không biết thở, đi dạy thở để làm gì? Không thở thì chết tiêu rồi còn gì nữa mà ngồi đó dạy thở”.
Đấy, bạn nghĩ coi có đúng không? Phật dạy thở và ai cũng đã biết thở, nên người ta cho Đức Phật, bậc giác ngộ lại đi dạy một cái rất bình thường.
Thưa các bạn, hơi thở chánh niệm để đưa chúng ta trở về sự tỉnh giác toàn diện, thoát u mê, không khổ, mà có hạnh phúc sung sướng. Tuy rất bình thường qua những thao tác là hít vào chậm rãi, biết rõ, thấy rõ, ghi nhận rõ mọi cảm xúc, mọi suy nghĩ. Nhưng các bạn biết không, nó tầm thường hả? Không đâu, rất bình thường, nhưng không có tầm thường. Rất bình thường nhưng không có một ngôn từ vi diệu nào, ngay cả hai chữ gượng ép cho nó là phi thường siêu xuất cũng không thể diễn tả được hơi thở bình thường mà Phật dạy, đó là hơi thở chánh niệm tỉnh giác. Các bạn có nghĩ rằng chúng ta đã rơi vào chiều hướng đi tìm những cái cao hơn không? Để rồi khi Phật dạy hơi thở chánh niệm tỉnh giác chúng ta đã coi thường. Mật thiền chánh niệm hơi thở, nghe hai chữ mật thiền có vẻ cao, nhưng trong toàn bộ sự tập luyện của mật thiền chúng ta cũng lại tập những điều Đức Phật dạy rất bình thường, đó là hơi thở của chánh niệm. Quán chiếu, không quán tưởng, không tưởng tượng, quán chiếu các bạn. Quán chiếu có nghĩa là nhìn cho rõ những hiện tượng những gì ta đã có, mà quán chiếu cái gì? Quán chiếu tâm từ bi, tình thương, nhìn sâu vào trong trái tim, nhìn sâu vào cảm thức của mỗi người.
Ai trong chúng ta dù có nhiều lúc hung ác, giận dữ, sân si, nhưng vốn luôn luôn có tình thương, tình thương đối với mình, đối với gia đình, cộng đồng, nhân loại. Điều đó luôn có và chánh niệm hơi thở hít vào thở ra chậm rãi, nhìn và nhận diện, tiếp hiện và tiếp nhận năng lượng tình thương vốn có trong chúng ta, là một linh dược thần kỳ chữa lành mọi đau đớn, mọi khổ ải, mọi phiền u, mọi nghiệp chướng. Làm cho chúng ta sung sướng trong cuộc đời này các bạn ơi. Cho nên các bạn hãy nhớ chánh niệm hơi thở đưa ta về sự tỉnh giác và khi tỉnh giác mọi u mê tan biến, bởi ta nhìn thấy trong ta có năng lượng vi diệu của tình thương, của tâm từ bi và trong chánh niệm hơi thở đó ta lại nhận ra rằng ta luôn luôn có trí tuệ, sự sáng suốt để hiểu thấu, hiểu rõ mọi hiện tượng. Để từ đó dõng mãnh nhẹ nhàng buông xả những chấp trược, những giận hờn, những ghen tuông, những bực bội, những khó chịu và xả luôn cái tôi, bản ngã của mình. Để năng lượng yêu thương lan tỏa tới muôn người trong cuộc sống này.
Các bạn ơi, chúng ta thật sự luôn luôn có sự tỉnh giác ở trong lòng, không cần phải đi tìm, chỉ cần nhìn cho rõ, tiếp nhận, tiếp hiện và để lan tỏa bằng tình thương, sự sáng suốt, thì trên đời này ai trong chúng ta cũng hành được việc thiện. Các bạn, bình thường nhưng không tầm thường. Hơi thở mà Đức Phật dạy cho chúng ta rất bình thường là chỉ hít vào thở ra, thấy biết rõ mọi cảm xúc, mọi suy nghĩ. Rồi trong cái thấy biết rõ đó lại tác ý để nhận diện ra thật rõ rằng trong mỗi người chúng ta có tình thương, có sự sáng suốt, có sự tỉnh thức và có được những nghĩa cử thanh cao trao cho muôn người. Thấy bình thường không các bạn? Bình thường, nhưng không tầm thường thực sự. Người thực sự hiểu được lời Đức Phật dạy không bao giờ cầu kỳ hóa các pháp môn của Ngài dạy, không bao giờ gượng ép, mang sắc tướng huyền ảo của thế gian đắp vào như phấn son cho đẹp một thời. Để rồi khi thực sự va chạm những thực tế trong cuộc đời, phấn son sắc tướng của các pháp môn liền trôi chạy theo tâm sân giận, bực bội, tham và si mê của chúng ta.
Người học Phật không tìm theo những cái trôi nổi ở ngoài thế gian rao bán ở trên mạng hoặc miệng lưỡi của người đời tiếp thị, những ngôn từ cao về những pháp môn huyền bí mà cả đời họ chẳng hiểu, nói vô lượng kiếp ta chẳng thấu. Đức Phật dạy những phương pháp rất bình thường mà vốn ai cũng có, vốn ai cũng biết, nhưng chúng ta đã coi thường cái vốn ta có, để rồi đã khổ, đã mê, đã si, đã chấp. Hãy trở về một lần nữa các bạn, chân thật mở rộng vòng tay, tiếp hiện sự rất bình thường là lời dạy qua chánh niệm hơi thở tỉnh giác của Phật. Để chúng ta vượt qua những cái mà xưa đến giờ ta đã để trong tâm như một định kiến không thể vượt qua được, nghĩa là phật pháp phải nhiệm mầu, cao siêu, ở những pháp môn gọi là độc đáo.
Các bạn, những cái đó không đúng đâu, Phật dạy những chuyện rất bình thường mà ai cũng nhận diện được, nghe được và hiểu được, hành được và ứng dụng được, có kết quả được, thực dụng, rõ ràng. Phật không dạy cho ta những chuyện phi thường để đợi đến vô lượng kiếp sau mà tận hưởng. Phật truyền dạy những chuyện rất bình thường nhưng không tầm thường, để ngay cuộc đời thường này của chúng ta ai ai khi thực tập đều luyện được, khi học đều hiểu thấu, khi hành đều thông và đều có kết quả. Kết quả đó là gì? Là đạt được niềm vui và hạnh phúc. Kết quả đó là gì? Là bớt khổ, bớt phiền não, bớt đau đớn. Kết quả đó là gì? Là mình biết mở rộng vòng tay, thương yêu mọi người thực sự một cách chân thật.
Các bạn, chúng ta hãy nhớ và luôn ghi nhớ, chánh niệm hơi thở là chánh niệm trong sự quán chiếu, để đưa ta trở về nhận diện sự tỉnh giác vốn có trong chúng ta. Rất bình thường đấy, nhưng không có tầm thường đâu. Ai hiểu được giá trị này mang vào thực tập mỗi một ngày, người đó là người khôn ngoan, biết bước ra khỏi sự tăm tối để tiếp hiện ánh sáng của hạnh phúc an lạc. Đừng làm người khờ nữa để đắm chìm trong đau khổ. Đừng làm người ngu để sân giận với chính những đấng bậc sinh thành nên chúng ta là cha mẹ, là vợ chồng, con cái, là anh chị em, là những người ta tương tác mỗi một ngày. Hãy là người khôn và ngoan qua sự thực tập chánh niệm hơi thở, để tăng trưởng phước báu và công đức. Người khôn ngoan là người biết lập phước, tạo đức cho mình, cho mọi người. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở chánh niệm.
Thưa Phật! Xin Ngài dạy cho chúng con những phương pháp hít thở trong chánh niệm, rất bình thường nhưng không tầm thường. Nay chúng con hiểu thấu được và phát nguyện thực hành chánh niệm hơi thở mỗi ngày, xin gia trì cho chúng con.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)