Mô Phật!
Bảo Thành xin kính chào quý thầy, quý sư cô và các bạn đồng tu. Mình hãy cùng nhau quy ngưỡng về với Phật, Pháp, Tăng để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con tinh tấn kiên định hành trì Mật thiền Chánh niệm hơi thở tỉnh giác để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, hành các pháp thiện, quán chiếu thấy rõ các pháp đều Vô thường, Khổ, Vô ngã. Chúng con cũng nguyện cho Cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ và cho tất cả mọi người thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật từ bi chứng minh.
Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái. Các bạn hãy ngồi xuống với tư thế phù hợp với cơ thể. Toàn thân buông lỏng buông thư nhẹ nhàng, giữ lưng cổ ngay, đừng gồng cứng. Trở về với hơi thở Chánh niệm vào ra chậm rãi, hít vào các bạn hít bằng mũi và đưa xuống bụng phình ra. Thở bằng miệng, trì mật ngôn, quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác và hóp bụng lại. Hãy bắt đầu!
Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho muôn loài
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 lần)
Mô Phật! Các bạn thân mến, hôm nay Bảo Thành rất vui và hạnh phúc. Có câu chuyện kể cho mọi người cùng nghe. Hồi xửa, hồi xưa có câu chuyện kể rằng, có một nhà thương buôn, ông này buôn bán phân cho người ta làm ruộng. Mà người nông dân thì chân chất, chất phác, thương nhân nói sao họ nghe vậy và làm vậy. Và cái người thương buôn này buôn phân, bán phân các loại để mà trồng lúa đó. Ông ta không bao giờ buôn bán các thứ phân và các chất đúng như lời ông ta nói. Thường là những cái thứ độc hại không phù hợp với lúa. Rồi người nông dân mua về cấy. Mà các bạn biết rồi, lúa chẳng mọc, chẳng có bông, chẳng có gạo. Mà phân mua thì tiền nhiều. Thường gặt lúa xong, bán lúa rồi mới mang tiền trả cho thương buôn. Và cứ những cái mùa như vậy, lúa gặt không có, bởi vì phân bán mà không phải phân. Thất thu, người nông dân khất nợ và không có tiền để trả. Thế là vài mùa sau thôi bị bể nợ. Và cái ông thương buôn này lúc đó chèn ép người nông dân phải bán ruộng, bán đất với một cái giá rẻ như bèo. Và như vậy người thương nhân giàu có lên và người nông dân chữ nghĩa thì ít mà cái lòng chân thật thì nhiều nên bị ông thương buôn này lừa gạt hết đất, hết nhà, hết cửa. Ông thương buôn thì giàu lắm, người con của ông ta giàu quá rồi ăn chơi, nghiện ngập, làm đủ mọi thứ. Có một bữa nọ lái xe tông vào ông cụ nhà nghèo, tông chết ông ấy. Thường cái tội này là tù lâu năm dữ lắm, bởi say xỉn, có sự nguy hại đến tánh mạng người khác. Nhưng thương buôn giàu mà, đòi hối lộ đút tiền cho những người có quyền chức, rồi lại lấy tiền mua chuộc con cháu của cái người nghèo kia để mà bịt miệng. Thế là con của ông ấy không phải vào tù các bạn ạ, tỉnh bơ à. Rồi ông ấy nói rằng ở đời thật là sướng, có của thật là sướng, tù tội như vậy mà bỏ tiền cho người có quyền, chi tiền cho người bị nạn, thế là con mình không phải tù tội. Thật đúng với các chân lý “của đi thay cho người”. Thật là sướng!
Hình như câu này nghe quen “của đi thay người”. Mỗi khi ta mất mát của cải, ta nói “của đi thay người” như là một cái sự tâm lý trị liệu để giúp cho mình đỡ lo lắng, đỡ phiền muộn. Nghe riết, nghe người ta nói như một câu trị liệu tâm lý rồi cái câu thành ngữ luôn, rồi ta tưởng nó là chân lý. Rồi lỡ ai mất cái gì cũng nói “của đi thay người”. Như cái ông thương nhân nhà giàu đó, lừa gạt người nông dân, đến khi con mình gây ra tai họa ăn chơi, nhậu nhẹt say sưa, xì ke ma túy tông chết người thì bỏ tiền ra gọi là của đi thay người. Nhưng ta nhìn lại cái ông lão nhà nghèo kia thì ngược lại “người đi thay của”. Bởi cái mạng chết và có của đền bù. Nghe câu chuyện ta nghĩ đi, ta muốn “người đi thay của” hay “của đi thay người”?. Người thấp cổ bé miệng thì người đi thay của, chết được đền chút tiền. Còn người có tiền thì của đi thay người. Nhưng các bạn biết sao không? Sau đó cái người con nhà giàu kia đó, không có bị đi tù nên chứng nào tật ấy. Cũng say, cũng xỉn rồi cũng nhậu. Một lần say xỉn nhậu, đi đò qua sông té lộn cổ xuống sông vào ban đêm, chẳng ai vớt được. Ba ngày sau xác phơi ở trên sông chình ình. Ông bố than, ông ấy bảo giá mà thời đó nó đi tù, vài ba năm, lâu thì mười, lâu nữa mười lăm năm còn nhanh vì vài năm nó ra. Nhưng mình đã không để cho nó đi tù mà lấy tiền để mua chuộc, “của đi thay người” đó, nay thì nó chết rồi. Ông ấm ức vô cùng, cứ ngồi đó vỗ ngực, giá mà để nó đi tù. Các bạn, nghe câu chuyện này chúng ta thấy cái thành ngữ “của đi thay người” không phải là chân lý, chỉ là cách nói an ủi cho những ai mất của mà thôi. Mất của và mang của đi thay thế cho những điều sai trái của mình làm thì không thể gọi là “của đi thay người”.
Con đường Đức Phật dạy nhân quả thật rõ. Dù chỉ là cây kim, cuộn chỉ, hạt thóc mà mất đi, mất khỏi, không còn trong tay ta nữa cũng có cái nhân duyên, cũng có cái nhân quả. Chẳng phải ta mất nó để thay thế cho cái mạng ta. Vì nếu như ta bị chết, bị này, bị kia, tai nạn, thì của đi thay thế như ông nhà giàu, không như thế được các bạn. Nghiệp tạo ra nó có cái nhân duyên gây, nó có cái hiệu ứng mất và còn. Còn nếu như “của đi thay người” thì trên đời này không có công lý, không có nhân quà. Thiếu gì người nhà giàu mang tiền như ông thương gia kia đó nhưng cái kết là đứa con thực sự phải chết vì cái con đường phá sản, cái tâm đức và tâm linh say xỉn té xuống chết. Chúng ta người học Phật không thể lấy những cái câu thành ngữ như một cái liều tâm lý trị liệu để an ủi, rồi lâu dần nghe người ta lặp đi lặp lại biến thành chân lý. Cần phải có Chánh kiến nhìn thấu. Đức Phật không dạy cho chúng ta “của đi thay người”. Cho nên các bạn, nếu như chúng ta từ xưa đến giờ vô tình, không có cố ý lặp đi lặp lại cái thành ngữ “của đi thay người” để an ủi mình hay an ủi người, hãy nhớ: có những điều rất sai, không đúng nhưng lặp đi lặp lại ở những cái trường hợp làm cho mình nhẹ lòng tâm lý lâu dần truyền đi truyền lại ta tưởng thành chân lý, như vậy gọi là tà kiến, sai.
“Của đi thay người” không phải theo cái hình thức như thế đâu. Mà phải nói rằng của cải sẽ tạo thành phước báu, có công đức lớn. Nếu chúng ta có của cải dù chỉ là cọng chỉ, cây kim, hạt thóc mà biết cho đi, biết san sẻ theo tinh thần của bác ái, của từ thiện, của cúng dường chúng sanh, của hiến dâng thì chỉ một hạt thóc thôi, một cọng chỉ, một cây kim, một việc rất nhỏ, cho người rách một cái áo mặc, cho người đói một chén cơm, cho người khát một ly nước, cho người bệnh một viên thuốc, cho người đau khổ trầm cảm sự lắng nghe, an ủi và chia sẻ, một lời yêu thương chân thành. Đó tức là cho đi, đấy gọi là từ thiện và bác ái. Hình thức này gọi là mang những thứ mình có để trao tặng cho người khác đạt được phúc đức, công đức, phước báu. Và những cái phước đó sẽ tạo thành những cái thiện nghiệp lực thật lớn để che chở cho chúng ta, để chuyển hoá những sự xui xẻo, những sự hư hoại của nghiệp chướng ta đã tạo khi nó trổ quả. Đừng vì những cái cách nói, những cái phương châm, những cái thành ngữ nghe lọt lỗ tai, sướng, để rồi “của đi thay người”. Theo hình thức của nhà thương buôn kia, lấy của cải tiền bạc úp vào miệng người ta để phủ lấp cho những lầm lỗi sai trái của mình. Điều đó có thể chấp nhận theo cách làm việc của thế tục nhưng cái nghiệp tạo ra hậu quả rất lớn. Bằng chứng người con thay vì bị vô tù để sám hối cải tạo thì sự chiều chuộng đó đã khiến đứa con cứ như vậy mà ăn chơi sa đà, nhậu nhẹt xì ke để rồi ngồi trên thuyền say lộn cổ xuống sông mà mất xác.
Các bạn, cuộc sống này giữa cái chân lý Đức Phật dạy đã bị pha trộn vào cái liệu trình tâm lý làm đảo lộn hết chân lý rồi. Thế là chúng ta những người được nghe nhắc đi nhắc lại, cảm thấy có lý, thuận tai để làm cho mình bớt sầu, bớt buồn, bớt khổ thế là lệch lạc, xa đường Chánh pháp của Phật. Bạn hãy nhớ không có cái thành ngữ nào là chân lý cả, chỉ là cách nói xuôi. Của không thể đi để thay thế cho người được. Mà chỉ có của cải thì dâng hiến trong cái sứ mệnh từ thiện, bác ái, yêu thương, san sẻ mới tạo thành phước báu, công đức để chuyển hoá những nghiệp ác nhiều đời mà Bảo Thành và các bạn đã tạo ra. Đừng để những từ ngữ hoa mỹ dễ nghe hợp thức hoá qua sự lặp đi lặp lại của nhiều đời, hoặc trong nhóm, trong cái vùng miền ta sinh sống và vô tình ta biến thành chân lý. Như vậy lầm lạc sai đường nguy hiểm lắm. Hãy nhớ bố thí là hạnh cao cả, tạo được phước báu và công đức thật lớn. San sẻ tình yêu thương bởi ta có lòng bác ái dù cái hành động rất nhỏ bé, rất khiêm nhường. Dù cái vật trao đi rất bé nhưng đầy đủ phước báu và công đức. Cho nên từ hôm nay trở đi, đừng để cái thành ngữ “của đi thay người” mê hoặc chúng ta. Ví dụ như chúng ta lái xe không cẩn thận rồi tông xe, xe nó nát, ta nói “của đi thay người” rồi cứ từ đó chạy ẩu. Lần sau đụng xe chắc gì chiếc xe ấy đi thay chúng ta. Người con của người thương buôn kia đấy, đụng xe chết người các bạn, “của đi thay người” bởi cha có tiền mà. Rồi người nông phu già nua kia thì “người đi thay của”, có chút tiền mà mất cha đấy các bạn. Còn người kia mất tiền được con thoát khỏi tù, nhưng rồi đứa con nào có thể nhìn nhận nhưng sai lầm để rồi sửa đâu. Vậy là cuối cùng cũng chết sớm trôi sông. Cuộc đời của chúng ta cũng như vậy, bất cứ một điều gì ta làm cần phải chịu trách nhiệm trong cái sự suy nghĩ trách nhiệm sáng suốt, nhận diện được đúng sai. Và đừng bao giờ lấp liếm bản thân của mình bởi cái thành ngữ “của đi thay người”. Và cứ một việc gì xảy ra không tốt cho chúng ta để hao tổn vật chất, hãy nhớ theo cách nghĩ này: của cải mất đi ta có thể kiếm lại được nhưng thân mạng mất đi thật khó kiếm. Ông cụ kia thân mạng mất đi con cái làm sao kiếm lại cha? Còn cái ông thương buôn kia của cải mất có thể kiếm lại được cho nên đã chiều con thành hư. Do đó mà chúng ta hãy nhớ, có những trường hợp trong cuộc đời ta mất của, ta mất tiền, ta mất nhà, ta mất xe, ta mất cái thứ này, mất cái thứ kia, hãy nhớ đừng vì nuối tiếc để rồi đâm ra điên cuồng hại đến sức khỏe, thân mạng của mình. Những lúc như vậy hãy nhớ lời Phật dạy, sự mất mát kia là định luật thiên thu của nghiệp quả nhiều đời ta đã tạo, nay trổ ta phải mất. Và tự nhắc nhở bản thân rằng: của có mất đi, thân mạng vẫn còn đây thì của cải kia vẫn tìm kiếm lại được, vẫn làm để tạo ra được. Đừng vì sự mất mát mà làm cho tâm thần hoảng loạn, sức khỏe tiêu hao rồi đâm ra điên loạn, có những cái hành động gây hại đến thân mạng của mình và thân mạng của người khác.
Các bạn! Chúng ta hãy trở về với hơi thở Chánh niệm. Thưa Phật! Ngài từng dạy trong dân gian có nhiều cách nói nghe dịu dàng hợp lý nhưng không phải là chân lý. Thế nhưng chúng con mê muội, vẫn đón nhận như một chân lý để lầm lạc tạo nghiệp mãi mà thôi. Xin gia trì cho chúng con có đủ sự sáng suốt trong Chánh niệm của hơi thở để phân định đâu là liệu trình tâm lý để an ủi và đâu là chân lý mà Ngài đã dạy cho chúng con.
Hãy hít vào bằng mũi, phình bụng, thở từ từ hóp bụng, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 lần)