Search

4101. Sống Có Đức Sẽ Vượt Tất Cả Nghiệp Chướng

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập

Bảo Thành xin kính chào gia đình Phạm Gia của chúng ta, anh Sơn và anh Hổ, cô MC khả ái, cùng tất cả quý ông bà anh chị em, các bạn hiện diện trong phòng zoom ngày hôm nay. Dạ xin chào!
Mời tất cả mọi người chúng ta ở bất cứ một tư thế nào, cũng hãy cùng với Bảo Thanh trở về trong sự tự tại của hơi thở chánh niệm trong vòng 30 giây. Bạn ngồi, bạn nằm, bạn đang đi, đang đứng, tư thế nào không quan trọng, quan trọng là chúng ta hãy đưa tâm trở về với hơi thở của thực tại, biết được hơi thở vào ra. Lắng nghe mọi cảm xúc, mọi tư tưởng đang khởi dậy nơi tâm của mình và chỉ nhìn thôi, nhìn cảm xúc đó, nhìn tư tưởng đó, biết cho thật rõ những cảm xúc ở trạng thái nào, tư tưởng đang nghĩ về đâu, ghi nhận thật rõ như vậy là đủ. Hãy cùng với Bảo Thành trong 30 giây, bây giờ chúng ta hãy bắt đầu.

Các bạn thân mến, mình là con người thật yếu đuối, không ai dám vỗ ngực xưng tên rằng mình mạnh mẽ mãi được đâu. Có biết bao nhiêu người vỗ ngực xưng tên rất mạnh, nói rất lớn, chỉ một giây sau đó sức mạnh họ tự xưng kia, sự mạnh mẽ đó chẳng còn. Mình vẫn nói có đó rồi mất ngay mấy ai mà có được mãi mãi, chuyện này không phải chỉ truyền tai nhau nhưng là thực tế của một sự trải nghiệm trong đời người. Do vậy mà những chuyện không như ý xảy ra ở đời là rất thường nhưng không thể coi thường được. Những cái gây ra tai nạn cũng rất thường thôi, nhưng không coi thường được bạn ơi. Bởi vì khi tai nạn xảy ra có biết bao nhiêu đau đớn chúng ta sẽ phải trực diện.

Hôm nay chúng ta nói tới chữ Đức. Nếu phân tích thì nhiều cách suy nghĩ để phân tích, mình nói theo kiểu ông bà mình đơn giản một chút xíu “Có đức mặc sức để ăn” đời này qua đời sau không hết. Một câu nói giản dị nhưng đầy đủ ý nghĩa, không cầu kỳ nơi những con mọt sách phân tích chữ đức để chuyển hóa nghiệp, để chuyển cái này chuyển cái kia, rồi đưa đến sự hiểu lầm cho mọi người. Thay vì như chủ đề hôm nay “Có đức sẽ vượt qua tất cả mọi nghiệp chướng”. Sự tinh nghịch của chúng ta lại không hiểu được rằng có đức để vượt qua tất cả mọi nghiệp chướng, thay vào chữ vượt qua là không có, có đức không có mọi nghiệp chướng, không bị mọi nghiệp chướng. Mình thích thay đổi theo tâm tham của mình để rồi mình bị bất mãn không như ý, bực mình hơn nói “Tôi có đức như vậy đó mà tại sao nghiệp chướng cứ tới”. Vì chúng ta đã thay đổi ý nghĩa của chữ có đức để vượt qua.

Các bạn nghĩ với Bảo Thành một chút xíu có đức sẽ vượt qua tất cả mọi nghiệp chướng. Không phải có đức là sẽ không gặp nghiệp chướng, không có nghiệp chướng. Mình lấy hình ảnh rất gần thôi, nếu những ai theo Phật, chính Đức Phật là bậc đại đức rồi, đại giác ngộ. Ngài vượt qua, đúng nghĩa là Ngài vượt qua tất cả mọi nghiệp chướng, nhưng Ngài vẫn phải gặp những chướng ngại trong cuộc sống. Đâu phải Ngài là bậc đại đức giác ngộ rồi, những sự chướng ngại ở trong đời không bao giờ tới đâu, tới! Không nói từ thuở nhỏ khi chưa chứng đắc thành Phật, mà khi thành Phật rồi Ngài gặp người anh em họ là Đề Bà Đạt Đa, theo cả cuộc đời, tìm đủ mọi cách hạ nhục, hạ bệ và giết hại Phật. Nếu mình nghĩ rằng có đức sẽ không bao giờ gặp nghiệp chướng thì Đức Phật, bậc đại đức kia tại sao gặp những sự chướng tai như thế.

Nhìn sâu hơn ta hiểu không phải sẽ không gặp, bởi vô lượng kiếp trước ai ai, chúng ta cũng tạo nghiệp rồi, nay trổ quả. Những tháng ngày qua chúng ta đã tạo nghiệp rồi, nay nó trổ quả bắt buộc phải gặp, nhưng khi gặp sẽ vượt qua như Phật. Ông em họ cả cuộc đời bắt hại Phật, nhưng Phật vượt qua vì Phật có đức của lòng từ bi. Ngài là bậc từ đại bi yêu thương muôn loài quá lớn, năng lượng của nhân đức đó chuyển hóa tất cả sự chướng ngại khi tới với Ngài. Như người khôn ngoan luồng gió tới biết giăng buồm để con thuyền buồm lướt sóng mà đi. Khi chướng ngại tới cái đức của ta chính là cánh buồm mà mỗi người có thể giăng cao, hứng lấy sự chướng ngại kia mà đưa ta vượt qua sóng gió cuộc đời, sóng gió của nghiệp thức. Hiểu theo cách này ta thấy đúng nghĩa rằng có đức vượt qua tất cả mọi nghiệp chướng, không phải là có đức sẽ không gặp mọi nghiệp chướng.

Đi thêm một chút nữa thì cuộc đời của chính Đức Phật gặp biết bao nhiêu những người theo tôn giáo khác, đã tẩy não đệ tử của mình tới bắt hại Phật, vu khống hàm oan, giết người, độn bụng cho có thai vu khống cho Phật. Rồi gặp biết bao nhiêu chướng ngại của những vị vua chúa thời đó, nghe sự xu nịnh của những người hiểu lầm không biết về Phật, bắt hại Phật. Chi tiết thì Phật gặp quá nhiều, quá nhiều những chướng ngại trong cả cuộc đời khi đã thành Phật. Nhưng ở bất cứ một trạng thái chướng ngại nào dù tới từ vua chúa, một kẻ hung ác nhất như ông Vua A Xà Thế hoặc một tướng cướp sát nhân như ông Vô Não. Hoặc những người kề cận, thân thiện nhất, tìm đủ mọi giây, mọi phút để hại Ngài như Ngài Đề Bà Đạt Đa, Đức Phật vẫn an nhiên tự tại. Vì Ngài có đức, cái đức của Ngài là đức bao dung và từ bi, nên mọi chuyện xảy ra Ngài đều vượt qua trong sự tự tại và an nhiên.

Bảo Thành muốn chia sẻ sự vượt qua không phải là không có, vượt qua mọi nghiệp chướng. Bảo Thành và các bạn tạo quá nhiều nghiệp mà mình không biết, trong nghiệp đó có nghiệp tốt và nghiệp xấu. Nghiệp tốt gây ra sự gì? Sự an lạc cho mình, sự thuận buồm xuôi gió, cái đó ta gọi là may mắn tới. Nghiệp xấu gây ra sự chướng ngại, trở ngại. Cho nên khi các bạn nói đến chữ đức đừng nghĩ rằng sẽ không có những sự chướng ngại tới, sẽ có, vì ta đã tạo nhiều nghiệp chướng. Nhưng khi nó xảy ra ta vẫn thuận buồm xuôi gió lướt qua, bởi ta là người biết căng cánh buồm đức độ của mình vượt qua chướng ngại của cuộc sống.

Bạn hỏi tại sao có đức sẽ vượt qua mọi chướng ngại, mọi nghiệp chướng? Đức Phật dạy mọi suy nghĩ, mọi hành vi, mọi lời nói của ta đều tạo ra nghiệp, tức là năng lượng, cái lực, lực tốt hay lực xấu thôi, khác biệt ở chỗ tốt và xấu. Đức ở đây nói tới dạng năng lượng vi diệu tốt để chuyển hóa mọi dạng năng lượng bất tịnh, tiêu cực, chướng ngại do chính ta tạo ra nay trổ quả. Đừng nghĩ nó quá đơn giản, nó đơn giản nhưng nó tuyệt vời lắm. Mỗi một lời nói của chúng tạo ra nguồn năng lượng thiện hoặc là ác, phải rất cẩn thận chọn lựa trong sự sáng suốt bởi ta không thể ngậm miệng suốt cuộc đời. Nhiều người ngậm miệng tu mà tịnh khẩu, khâu miệng lại không nói thì tư tưởng nó cũng tán loạn, khởi lên liên tục. Từ đó ta là phải tu thuật tư tưởng hướng thiện nữa, tư tưởng suy nghĩ của ta không hướng thiện, hướng ác tạo ra nghiệp ác, chướng ngại tới không vượt qua. Vì như sóng gió tới thuyền lại bị thủng lỗ, không có buồm nước sẽ nhận chìm chúng ta.

Do vậy chúng ta hãy nhớ thật đơn giản, chữ đức của Đức Phật đơn giản là chỗ mà làm thiện sẽ có đức. Đức đó do việc làm thiện mà ta tạo ra nguồn năng lượng vô biên, để vượt qua tất cả mọi sóng gió của nghiệp chướng đối với mình. Ông bà mình nói đơn giản không cần dùng ngôn ngữ của nhà Phật đâu, ăn ngay ở lành đó là đức, có năng lượng vi diệu. Nói cho ngay cho thẳng, đi cho thẳng cho ngay đừng có xiên xẹo, nói đừng có quàng xiên, đừng có đâm chỗ này đâm chỗ kia, đâm bị thóc thọc bị gạo. Đó là những lời giáo dưỡng của ông bà, của cha mẹ, của cửu huyền, của những người trên, của những bậc thầy cô nhắc nhở ăn ngay ở lành. Chỉ có vậy thôi là tạo ra nguồn năng lượng vi diệu gọi là đức mặc sức mà ăn suốt đời, con cái hưởng không có hết. Muôn sóng gió của nghiệp chướng nếu nó đúng thời trổ quả ta cũng an nhiên tự tại. Như chính Đức Phật gặp, biết bao nhiêu những chuyện từ vua chúa, quan quyền, những kẻ đối nghịch bắt hại, Ngài vẫn tự tại. Vì lòng nhân đức bao dung của Ngài, tâm thiện của Ngài, năng lượng đó quá lớn, quá mạnh, đủ để bao dung những người tội lỗi, những người xúc phạm mình, đủ để chuyển hóa tất cả mọi nghiệp chướng nhiều đời đã tạo ra.

Chúng ta chưa là Phật nhưng là người nghe được lời Phật qua những ngôn từ bình dị của cha mẹ, của thầy cô, của những bậc trên trong gia đình hai chữ ăn ngay ở lành. Ăn ngay ở lành ai không biết, vậy để tích đức nói dễ hiểu hơn cho mọi người là chúng ta hãy biết thương yêu nhau, biết tha thứ cho nhau, biết giúp đỡ những người nghèo khổ, những mảnh đời bất hạnh. Hai chữ biết yêu thương nhau là phải biết yêu thương như Đức Phật dạy trong mùa lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ, thương yêu cha mẹ, bởi cha mẹ chính là hai vị Phật sống ở trong gia đình. Yêu thương anh em, chị em ruột của mình, bà con cô bác. Nếu như chẳng yêu thương được cha mẹ, anh chị em ruột, thì chẳng thể yêu thương người ngoài, có chăng chỉ là xây dựng cảm tình để kiếm lợi cho mình mà thôi.

Rất thực tế từ bên trong ra bên ngoài, nhìn từ trong sự sinh hoạt của gia đình tới sự sinh hoạt ở bên ngoài, chúng ta phải dùng hai chữ yêu thương là tấm gương để soi. Nhưng không thể yêu thương nếu bạn không có lòng bao dung và tha thứ. Cho nên yêu thương kèm với bao dung tha thứ đó chính là năng lượng vi diệu để chúng ta làm thiện, có lòng yêu thương ta làm thiện ngay từ trong gia đình của mình, từ cha mẹ, ông bà, từ những người thân của mình tới những người ngoài mảnh đời bất hạnh, neo đơn, mồ côi. Đó là những nghĩa cử tạo được đức cho chúng ta. Nhiều người nói phải có tiền thật nhiều, cho tiền xây nhà xây cửa mới có đức. Nhiều người nói để dành khi tôi thành tựu có tất cả tôi sẽ đi làm việc thiện để có đức. Dạ thưa không, đức độ trong đời sống của chúng ta chính là mình sống như thế nào, sống bằng lòng nhân ái bao dung, sống bằng sự yêu thương hiểu biết, sống bằng những ngôn từ của mình sử dụng cho đúng để mang lại sự hạnh phúc an lạc cho người.

Các bạn có thấy đôi khi một lời mình nói làm đau lòng cả đời, mà một lời mình nói tháo gỡ biết bao nhiêu sự rối rắm ở trong đời. Cho nên Đức Phật dạy cho chúng ta ba mấu chốt mà ta có thể ứng dụng, hay nói đúng hơn là ba phương tiện mà ta có thể xài được mỗi một ngày, ở bất cứ nơi đâu để tạo đức. Đó là cách ăn, cách nói, cách suy nghĩ và hành vi của chúng ta. Bởi có câu tội ở trong tư tưởng, tội ở trong lời nói, tội ở trong việc làm có nghĩa là nghiệp do tâm, do ý của mình, ý khởi tạo nghiệp, nghiệp do khẩu lời nói, nghiệp do thân là hành vi, chữ nghiệp và chữ tội nhiều. Cho nên các bạn, đây thân ngữ ý của chúng ta, miệng của chúng ta là lời nói, hành vi và suy nghĩ của chúng ta là ba phương tiện để tạo ra đức. Chúng ta trong phòng zoom này luôn luôn dùng ái ngữ thiện lành để truyền trao, thì kiến thức đây chính là đang tích đức. Chúng ta luôn khởi ý chân thành học hỏi và chia sẻ đây chính là đang tích đức. Chúng ta luôn luôn có những hành vi rất cụ thể trao cho nhau đó là đang tích đức.

Trong phòng zoom của mình chủ động về dinh dưỡng, chất dinh dưỡng của thân, dinh dưỡng của tâm và dinh dưỡng về tâm linh, linh hồn. Thân, tinh thần và tâm linh mang biết bao nhiêu kiến thức hữu dụng truyền trao cho nhau bằng lòng chân thành để mình dưỡng thân này. Bạn không thể cứ ăn đồ bổ mà thân tốt đâu. Nếu bạn ăn đồ bổ toàn là yến rồi nhân sâm, những chất dinh dưỡng thực dưỡng cao, cao quý, nhưng bạn mà có những hành động ác thì bao nhiêu sự dinh dưỡng kia đổ sông đổ biển hết. Có biết bao nhiêu câu chuyện bạn thấy rồi họ giàu như vua, có đầy đủ chất dinh dưỡng bởi có cả những nhà bếp dinh dưỡng, trí tuệ kiến thức lớn phụng dưỡng hàng ngày. Nhưng những vị không phải là minh vương mà có tâm ác độc đó các vị. Các vị thấy không họ chết sớm lắm tại hung ác dẫn lên một cái đưa quân đánh xứ người, tàn sát bao nhiêu con người, tâm độc như vậy thân họ bị bệnh thật là dễ. Có những người chăm sóc cho thân, nhưng rồi có những hành động quá ác, dinh dưỡng lấy vào chỉ uổng phí tiền tài mà thôi, hành động ác kia tiêu diệt tất cả mọi tâm đức thì chẳng được lợi lạc gì.

Do đó mà chúng ta nói chất dinh dưỡng của Phạm Gia của chúng ta lưu truyền, chỉ có thể có tác dụng khi phối hợp nhịp nhàng với những hành vi thiện lành. Ngẫm một chút rất đúng, bởi đây không phải chỉ có Phật nói mà là lời trao truyền của ông bà, của cha mẹ, của cổ nhân, của thầy cô, của các bậc đứng đầu tất cả mọi tôn giáo. Nếu bạn chỉ chú trọng về rèn luyện tinh thần theo thế tục, mà không khởi tâm thiện lành như các bậc đứng đầu các tôn giáo dạy cho chúng ta, ý khởi thiện lành thì cũng chẳng có lợi ích gì. Dù bạn có khéo tới đâu để mang lợi lại cho mình, nhưng ngôn từ của bạn không phải là ngôn từ thiện lành thì là xảo ngôn, cầu lợi mà thôi, chẳng thể vượt qua nghiệp chướng được vì có đức đâu. Do đó đức ở đây chỉ thâu gọn trong ba chỗ mà ta có thể thực hành được nơi ba phương tiện là thân – ngữ – ý. Tóm lại là ý thiện, lời thiện, hành động thiện. Như ông bà nói ăn ngay ở thiện là được rồi, ăn ngay, nói năng cho ngay thẳng, sống cho lành thiện, thì chúng ta sẽ có đức. Đức đó tạo được năng lượng vô biên các bạn ơi, tạo được năng lượng vô biên để chuyển hóa, để vượt qua nghiệp chướng. .

Bạn nhớ cùng với Bảo Thành, người có đức không phải là không bao giờ gặp nghiệp chướng tức là gặp những chuyện không như ý. Người có đức vẫn gặp những chuyện không như ý, nhưng khi chuyện không như ý tới ta có đủ năng lượng và kiến thức, trí tuệ, lòng bao dung và nhân ái để chuyển hóa, để vượt qua. Đây là mấu chốt Bảo thành muốn nhắc các bạn, nhiều bạn hiểu lầm thay vào chữ vượt qua thành chữ không có, để rồi tạo đức dữ lắm, làm việc thiện dữ lắm, cố gắng giữ một thời gian thấy những sự không như ý xảy ra, đâm ra bắt đầu càm ràm “Trời ơi, tôi tưởng có đức sẽ không có nghiệp chướng xảy ra”.
Nay nghiệp chướng nhiều quá, nay những chuyện không như ý nhiều quá xảy, ra họ bất mãn, họ bỏ cuộc. Có đức sẽ vượt qua mang ý nghĩa rằng dù có đức vẫn có nghiệp chướng, chúng ta có khả năng vượt qua. Như người biết rèn luyện thực dưỡng rõ ràng, thì khi gặp bệnh hoạn chính cái nuôi dưỡng thân xác kia có đầy đủ các chất đề kháng, sẽ giúp cho chúng ta lành bệnh mau hơn. Không ai dám nói rằng ta ăn uống đúng thực dưỡng, dinh dưỡng mà không có bệnh, vẫn có bệnh nhưng bệnh mau khỏi, bệnh mau hết và ít bệnh hơn.

Do đó các bạn đừng bao giờ cưỡng cầu thay đổi chữ vượt qua thành chữ không có, để rồi mình bất mãn, mình đau khổ, mình quay ngược lại bỏ phương pháp mình thực tập theo tôn giáo mình đã được học. Bất cứ tôn giáo nào ở trên đời đều dạy chúng ta ăn ngay ở lành, tức là hành thiện bỏ ác. Chúng ta đừng tranh luận những ý nghĩa cao siêu hơn để tôn sùng, thần tượng hóa tôn giáo của mình, từ đó mà chê bai các tôn giáo khác. Mà hãy nhớ rằng tôn giáo nào cũng vậy –  ăn ngay ở lành và cha mẹ, ông bà nào, thầy cô nào, người yêu thương nào quan tâm đến chúng ta cũng đều dạy cho chúng ta và hướng dẫn cho chúng ta ăn ngay ở lành. Người ăn ngay ở lành sẽ có đức, sẽ có năng lượng vi diệu để khi những sự không như ý, những sự chướng ngại của nghiệp chướng nhiều đời, nhiều ngày ta tạo nay trổ quả nó hiện diện, ta có thể vui cười, an yên tự tại vượt qua. Nhưng người khôn ngoan biết mượn tấm ván để lướt sóng. Bạn có biết trò chơi lướt sóng trên ván không? Ở bên Mỹ này người ta rất thích, người ta chỉ có một miếng ván thôi bơi bơi ra ngoài biển, khi sóng ập tới họ đứng lên trên ván giữ sự thăng bằng và mượn cơn sóng đó lướt qua tất cả.

Rất hay! Sóng gió của cuộc đời, sóng gió của nghiệp chướng bạn chỉ cần đứng vững trên tấm ván của đức độ, lòng bao dung nơi bạn. Thì sóng gió kia dù có cao tới đâu như sóng thần đi nữa, bạn cũng có thể lướt sóng gió để tới bờ. Hay hơn nữa cái đức của chúng ta có, lòng nhân đức của chúng ta có, chính là cánh buồm để chiếc thuyền của cuộc đời dù mong manh tới đâu, khi gió chướng ập tới ta căng buồm lèo lái để tới bờ an vui. Các bạn, đó là sự chia sẻ của Bảo Thành ngày hôm nay, mong rằng chúng ta đừng hiểu lầm có đức không gặp nghiệp chướng, không có nghiệp chướng. Mà hãy tuân thủ nhớ thật rõ người có đức sẽ vượt qua, hai chữ vượt qua thật vi diệu, vi diệu lắm. Đức có là ở lòng lành thiện, ăn ngay ở lành, từ ý, từ lời nói và hành vi. Ý lành nói cho lành, hành động cho lành, ý thiện nói cho thiện, hành động cho thiện, đó là người đang biết tích lũy, tích đức, có đức. Mọi nghiệp chướng trong cuộc đời tới, mọi chuyện không như ý trong cuộc đời xảy ra, chúng ta đều vượt qua trong sự an yên và tự tại, vững mạnh hơn, vững chãi hơn, mạnh mẽ hơn, lợi hại hơn xưa. Dạ xin hết!

Con rất biết ơn đến Thầy ạ. Cả nhà ơi có thấy bài chia sẽ Phật pháp của Thiền sư chúng ta giá trị không ạ? Cả nhà hãy cùng Hà thả thật nhiều trái tim trên màn hình để gửi lời biết ơn đến Thiền sư ạ!
Xin lỗi cả nhà ngày hôm nay thì em có di chuyển tới một khu vực khác nên có ảnh hưởng đến tiếng ồn, cả nhà có thể cùng quý Thầy hoan hỷ cho con ạ!

Vâng rất là tuyệt vời đúng không ạ? Đúng như chủ đề ngày hôm nay thì sống có đức sẽ vượt qua tất cả nghiệp chướng. Như Thầy đã chia sẽ có đức nhưng mà chúng ta vẫn có nghiệp chướng, nhưng chúng ta biết tu thì sẽ vượt qua tất cả nghiệp chướng một cách nhẹ nhàng. Và tích phúc đức là con đường cải tiến vận mệnh một cách tốt nhất, không còn cách lựa chọn nào khác đúng không ạ? Bằng cách thì chúng ta phải mở lòng từ bi bao dung cho tất cả mọi người xung quanh của chúng ta trong cuộc đời này. Nếu bạn sống mà tâm luôn được thanh thản đó mới là hạnh phúc thật sự. Một lần nữa rất là biết ơn bài chia sẻ trước của Thiền sư vô cùng là giá trị. Bây giờ thì đến thời lượng là chúng ta cùng nhau tương tác với Thiền sư. Ngày hôm nay là ngày cũng rất là đặc biệt, hôm nay là đúng ngày đại lễ tháng Vu Lan báo hiếu, thì nếu cô bác, anh chị nào có những câu hỏi hay có những thắc mắc gì trong cuộc sống, thì có thể đây là một cơ hội tuyệt vời nhất để chúng ta có thể tương tác cùng với thầy ạ. Kính mong cả nhà chúng ta cùng nhau có thể giơ cánh tay vàng lên để ban tổ chức hỗ trợ mic cho cô bác anh chị ạ!

Thường thì trong bài những chủ đề của Thầy, thì hầu như là bài pháp của Thầy chỉ trong khoảng thời gian 30 phút thôi, 25 đến 30 phút thôi, còn lại thì Thầy dành riêng của buổi zoom để Thầy tương tác cùng với các cô bác, anh chị, bởi vì đây là một chủ đề và không phải là một bài giống như dinh dưỡng để chúng ta nói hết một hồi là xong, là chúng ta thôi. Nhưng bởi vì trong cuộc sống thì chúng ta có những thắc mắc gì trong cuộc sống thì có thể tương tác với Thầy, bởi vì Thầy rất là muốn tương tác cùng với tất cả các cô bác anh chị trong phòng zoom của chúng ta. Cho nên chúng ta cứ hoan hỷ, bởi vì chúng ta cứ nghĩ đây là nhà của mình ạ, không có vấn đề gì hết. Vì cuộc sống không thể nào mà chắc chắn ai cũng có những niềm vui hay nỗi buồn, hay là có rắc rối gì đó chứ không phải là không có đúng không ạ. Thì bây giờ đây là một cơ hội chúng ta chưa nói được với ai hoặc là chưa có thể tâm sự được với ai, thì ngày hôm nay là một ngày rất là tuyệt vời đúng không ạ. Một tháng thì phòng zoom của Phạm Gia sẽ cho chúng ta hai ngày được gặp Thầy, thì đây là cơ hội tốt nhất, tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể tương tác cùng với Thầy. Cho nên cô bác, anh chị có những thắc mắc, có những câu hỏi gì, hay là ngày hôm nay chúng ta nhận định những giá trị gì về chủ đề này qua bài giảng pháp của Thầy, thì cũng có thể bật mic lên chia sẻ cảm nhận với ban tổ chức, với Thầy và tất cả cô bác trong vòng zoom, được không ạ!

Khi chúng ta tương tác với nhau nó có sự giao thoa năng lượng, các bạn nhớ không mình đi ra đường mới sáng sớm gặp một người không ưa chửi mình, thì cả ngày mình bực bội, năng lượng tiêu cực nó cứ dồn mình khó chịu lắm. Nhưng mà ra ngoài đường gặp một người bạn thân chào, à chào chị MC đi đâu mà tươi quá. Mình chỉ bằng một ngôn ngữ giao thoa vậy thôi cả ngày vui. À cô đó nói mình tươi mình sẽ phải tươi cả ngày. Mà đúng như vậy trong sự chia sẻ với nhau bằng cái tâm mở rộng trải lòng ra, Bảo Thành và các bạn, cô bác sẽ có sự giao thoa năng lượng. Trong cuộc sống này bất cứ cách sống nào đều có năng lượng hiện diện hết. Mình ăn dinh dưỡng đó chị MC, thì cũng phải dùng đến năng lượng calorie như thế nào cho phù hợp. Những hành động, nghĩa cử trải lòng chia sẻ tạo thành nguồn năng lượng lớn lắm và chúng ta giao thoa như vậy giúp mình sống vượt qua những chướng ngại trong cuộc đời. Bảo Thành thì không nghiêng về vấn đề thuyết pháp, mà gợi ý để chia sẻ thôi. Mình hãy gợi ý những cái gì, lời nói của Bảo Thành là gợi ý cho chúng ta đơn giản hơn một chút xíu, không nghiêng về tôn giáo quá nhiều và rồi mình chia sẻ với nhau. Các bạn có thể kể cho Bảo Thành nghe những chuyện đức độ của ông bà, cha mẹ, nhờ có đức đó mà những thăng trầm trong cuộc đời của ông bà cha mẹ hoặc nhờ đức của chính mình mà những nghịch cảnh xảy ra mình vẫn an yên mình vượt qua.

Bảo Thành nhớ thật rõ bà cụ của Bảo Thành người có đức dữ lắm. Bà cụ mất năm 1992, nhưng hồi xưa bà cụ một thời giàu dữ lắm, thời trước 1975 bà cụ giàu. Rồi sau khi đất nước thay đổi, nhiều người có gặp hoàn cảnh nghèo 1975 năm đến 1980, bà cụ không biết làm gì nhưng mà cứ ai tới nghèo cứ mang tiền ra cho, cho riết rồi bà cụ cũng nghèo luôn, hết tiền luôn. Nhưng mà biết bao nhiêu sóng gió trong cuộc đời của bà cụ xảy ra đối với các con, đối với gia đình, đối với dòng tộc, bà cụ rất an yên, tự tại và sống an vui cho tới chết. Dù lúc có tiền nhiều lắm luôn luôn cho người ta, nghèo không có tiền để ăn nhưng vẫn sống an vui và hạnh phúc. Đó là cái đức mà Bảo Thành học được nơi mẹ của mình. Có nghĩa rằng ở cuộc đời này khi biết cho đi đó là tâm đức rộng lớn. Nhưng đối với mẹ cho không phải là cho bằng tiền, bằng vàng, mà cho bằng tâm chân thật, bởi có nhiều đâu, gọi là có mà cho thì khi ta gọi có cho đó là sự chia sẻ. Khi biết chia sẻ, khi biết san sẻ với nhau dù một chút muối, dù một chén cơm, dù một ly nước cũng đã đặc biệt rồi.

Bảo Thành nhớ có một câu chuyện rất đặc biệt trong kinh thánh của Chúa nói đó. Chúa nói rằng khi đói mình cho người ta ăn, khi khát mình cho người ta uống, khi rách rưới mình cho người ta mặc, khi bệnh hoạn mình cho người ta thuốc, dù một chút thôi đó chính là cho Đức Chúa trời, người đó có đức vô cùng. Nhà Phật cũng như thế, khi chúng ta biết thương đến những mảnh đời bất hạnh, không phải ở trong những trại dưỡng lão hay gì, mà ngay trong cuộc đời của mình. Bất hạnh có thể là cha, là mẹ, là anh chị em đang gặp những nghịch cảnh hoặc do ta không đối xử đúng mà họ cảm thấy như bị bất hạnh. Như nhiều người nói rằng tôi thật bất hạnh vì đứa con, có nghe thấy chưa? Tôi thật là bất hạnh vì có người con, vì có ông anh, ông chú, đó cũng là bất hạnh đó. Ta mang tình thương ta san sẻ để cho ai đó trong đời của mình đừng rơi vào trạng thái trầm cảm của sự bất hạnh, đó chính là tích đức. Cho nên các bạn chia sẻ với nhau đi. Thấy một cánh tay rồi, dạ xin mời!

Dạ ban tổ chức sẽ hỗ trợ mic cho chị Lục ạ, em mời chị Lục mở mic của mình ạ!

Dạ em xin được cám ơn dẫn chương trình đã cho em phát biểu ý kiến. Xin chào Thầy Thành, thì hôm nay em bị mạng kém, sóng hơi kém nên vào hơi chậm, không nghe được khúc đầu của thầy giảng chỉ nghe khúc sau thôi. Em có cảm nhận thế này, mình là con người là có cái tâm, cái tâm Phật, mình sống trên đời này là mình phải có cái đáy lòng của mình cho đi. Có khi cho đi được nhận lại, có khi cho đi nhưng không cần nhận lại và có khi cho đi không được nhận lại, nhưng mình vẫn cứ nên cho đi. Với tấm lòng của mình mình đối xử với mọi người nên có chữ tâm Phật một chút. Ví dụ như ngành nghề của Lục chẳng hạn, Lục làm ở bệnh viện nói là lương y như từ mẫu, nhưng ngoài từ mẫu ra rồi, ngoài chức trách của nghề y ra rồi. Thì bản thân mỗi cá nhân người điều dưỡng hay bác sĩ đều có hơn cả chữ tâm của người làm y nữa, xem họ còn hơn cả bản thân mình. Ví dụ như Lục chẳng hạn, mỗi bệnh nhân khi những giai đoạn cuối đời của họ, họ rất cần sự hỗ trợ của mình, cần sự chia sẻ của mình, thì mình là người bên cạnh họ hơn cả người nhà của họ nữa. Họ nắm lấy tay mình trước khi họ rời về thế giới bên kia.

Vì sao lại không muốn chào người thân của họ mà chào mình, họ không muốn nắm tay người thân của họ mà nắm tay chính mình và họ từ từ trút hơi thở cuối cùng một cách rất thanh thản. Thì Lục đã cho họ cảm nhận là mình gần gũi với họ, họ cần mình, họ cần những lúc mình bên cạnh họ, họ cảm thấy yêu đời tự tin và cảm thấy mãn nguyện khi mình đứng bên cạnh họ lúc cuối đời. Thì Lục đã cho như vậy rất rất nhiều người và Lục đã cho tình cảm như vậy và họ rất là biết ơn Lục. Qua bài giảng của Thầy giảng thì Lục thấy rằng mình sống trên đời này, mình đối xử giữa người với người là phải có chữ tâm, tâm cho đi, tâm chia sẻ, tâm giúp đỡ nhau, tâm thành thật với nhau, tốt bụng với nhau. Cứ cho đi rồi sẽ nhận lại được những gì mình cho nó còn hơn cả. Tất cả giá trị về mặt tinh thần và giá trị về chiều sâu là rất lớn, theo Lục là như vậy. Cho nên sống trên đời ngoài chữ tâm bình thường của chúng ta ra, sống hàng ngày ra, mình đặt chữ tâm nguyện trong trái tim mình, thì mình sẽ sống một cách độ lượng, sống một cách rất là từ thiện, sống một cách rất là chia sẻ, sống một cách rất là hòa nhã và gọi là rất hiền. Thì Lục xin phép chia sẻ như vậy, mong sự góp ý của Thầy, MC cùng mọi người. Xin cảm ơn!

Cảm ơn cô Lục đã có có một tấm lòng bao dung khi ở trong ngành y của mình. Hồi nhỏ Bảo Thành cũng được nghe lương y như người mẹ, thật ra những bậc lương y còn hơn mẹ của mình nữa, năm 2017 ông cụ của Bảo Thành 95 tuổi đột nhiên phát hiện ung thư thời kỳ cuối, bác sĩ nói 6 tháng chết nhưng thực ra sống được 1 tháng. Bảo Thành từ bên này bay về sống với ông cụ 4 ngày, quán chiếu tấm lòng của các vị lương y, bác sĩ y tá và những người làm việc trong nhà thương. Khóc hoài, mình khóc, Bảo Thành khóc bởi tấm lòng của các bậc lương y quá lớn, mà ngay cả những người con cũng không thể làm được như vậy. Ở bên Mỹ này Bảo Thành thường đi tới những nhà thương chăm sóc cho những người đang chết, không phân biệt tôn giáo. Họ là Thiên Chúa, mình tới đó không mang Phật tới để nói họ nói. Hồi Giáo, Bà La Môn, đạo gì không quan trọng, chỉ cần tình thương.

Bên Mỹ nó có chương trình đó họ gọi mình tới mình đăng ký, thì mình đi vô nhà tù hoặc đăng ký vô chỗ mà các bệnh nhân đang chết dần, chết dần, nhiều người không có thân nhân nắm bàn tay như cô Lục vừa nói, thì thầm với họ hoặc chỉ nghe họ nói thôi. Rồi ở bên này nó hay, nó có một cuốn kinh cầu nguyện đủ mọi tôn giáo ở trong đó hết, đủ mọi ngôn ngữ ở trong đó hết, rồi mình tới đó mình biết được họ là tôn giáo nào thì mình đọc lời nguyện của tôn giáo họ. Những người đang chết đó khi được một người tới nắm bàn tay chia sẻ, ngồi thật gần, thật ấm, thật thương và đọc lời nguyện của tôn giáo họ. Họ từ từ đi trong hạnh phúc và an vui. Điều đó Bảo Thành đã từng làm, nay nghe được sự chia sẻ của cô Lục mình hạnh phúc lắm, bởi cuộc đời mình đã chứng kiến biết bao nhiêu bác sĩ từ bên nước ngoài và ngay cả những bác sĩ y tá, y sĩ đã chăm sóc cho cụ của mình năm 2017 mình biết lắm. Xin tri ân ngành y, tri ân cô Lục thật là nhiều, tri ân những tấm lòng như vậy bởi trên đời rất cần, rất cần những đấng bậc lương y như cô. Dạ xin chân thành!

Dạ rất tuyệt vời đúng không ạ? Ngày hôm nay em cũng cảm thấy rất là xúc động bởi vì chị Lục chị là bác sĩ ở đâu ạ? Chị giới thiệu đôi nét về bản thân mình đi ạ!

Dạ em xin tự giới thiệu em không phải là bác sĩ ạ, em là cử nhân điều dưỡng ạ, em làm tại bệnh viện huyện, hiện tại đang được học chuyên sâu tại khoa hồi sức tích cực, luôn tiếp xúc với bệnh nhân giữa sống và chết ạ!

Ngành y chúng ta đang rất cần những người như chị Lục chúng ta, giống như câu nói Thầy đã chia sẽ, là chúng ta mở rộng từ bi nhân từ đối với tất cả mọi người, thì trên cuộc đời này bạn sẽ sống một cuộc sống thanh thản, đó mới là hạnh phúc. Em tin chắc rằng là cuộc sống này cần phải có nhiều bác sĩ, nhiều những điều dưỡng mà giống như chị Lục để cuộc sống chúng ta được cân bằng hơn. Một lần nữa xin cảm ơn lời chia sẻ của chị Lục và cũng cảm ơn Thầy ạ! Tiếp theo em mời điểm cầu của chị Viên ạ!

Con bạch thầy ạ! Con biết ơn bài chia sẻ của Thầy hôm nay đã cho con ngộ ra được nhiều điều, mình cần phải sống có đức hơn. Cuộc đời con cũng đã từng như Thầy nói đấy, cũng đã từng lao đao về tiền bạc, cũng không còn một đồng nào trong tay và nhiều lúc cũng không còn muốn sống nữa. Nhưng chắc là con nghĩ là do phước của con vẫn còn lớn, đã được thượng đế che chở cho nên con vẫn tồn tại đến ngày hôm nay. Hôm nay được ngồi trên zoom, được nghe Thầy chia sẻ về cách sống, cách làm người thì con cũng cảm nhận ra là tất cả mình đều là phải làm thế nào phải có tâm, có đức, sống phải có trước có sau và sống có nhân thì sẽ được quả tốt. Còn con bạch Thầy, Thầy cho con hỏi là cũng nhiều lúc con cũng không hiểu tại sao mà nhiều đêm con có những giấc mơ, chỉ có mấy ngày hôm sau giấc mơ của con nó thành hiện thực. Thì con cũng chưa lý giải được là không biết thượng đế ban cho, hay là các Ngài mách bảo gì, mà con lại có những giấc mơ mà chỉ vài hôm sau là giống được những giấc mơ giữa con đã từng mơ. Cho nên là những giấc mơ của con nhiều khi con rất là hay để ý, bởi vì con cảm tưởng như là các thượng đế lúc nào ở bên mình, để báo cho mình biết một điều sắp xảy ra. Thế cho nên con bạch Thầy là con không hiểu gì về Phật cho nên là con xin Thầy giải thích giúp con ạ. Con biết ơn Thầy ạ!

Dạ thưa chị và tất cả các bạn! Thời đại ngày nay đó nhà nào cũng có hệ thống bảo vệ, camera bảo vệ đúng không? Báo bảo mật của mình, bảo vệ từ xa, mình bắt mấy cái camera ở nhà, rồi ở phòng này, phòng kia, đầu ngõ, gắn luôn lên trên cái phone, có cái app gắn lên phone. Bảo Thành cũng có gắn ở trong chùa này để những Phật tử tới mình biết, mình ra mình tiếp đón họ. Dù nhiều khi Bảo Thành đi xa không ở đây, nhưng mà có chuyện gì xảy ra chùa đều biết. Còn nếu mình có hệ thống yếu, không có mạng thì đi xa không được, thì gần thôi. Thấy thuận lợi, ai tới nhà hoặc tới ngõ mình đều hay. Điều đó chứng tỏ rằng mình có thể biết được chuyện đang xảy ra phải không? Ở nhà mình người tới mình gắn camera rồi mình biết.

Một kiếp nào rồi, một lúc nào rồi ai đó trong chúng ta có đến 6 cái camera đã được gắn ở trong tâm, bởi sự nuôi dưỡng trong tâm thiện. Nhà Phật gọi là lục căn, 6 căn của chúng ta. Tất cả mọi chuyện xảy ra trên đời này do căn u mê, những giác quan ta bị u mê đó nó không có wi-fi nên chuyện xảy ra không biết. Nó xảy ra rồi cũng không biết nữa, chứ không phải là chuyện chưa xảy ra, đang xảy ra, đã xảy ra không biết, đang xảy ra không biết, u mê đến mức mà không biết gì hết. Sáu cái camera đó nó không có wi-fi, wi-fi là tâm đức của mình để 6 căn của mình. Sáu giác quan của mình trở thành sáu cái máy ghi âm, chụp hình, báo cho mình biết ai đang hiện diện ở chỗ kia, để mình chuẩn bị đó. Người ta tới, khách tới mình chào đón, trộm tới mình biết ngăn ngừa. Những giấc mơ là những thông tin báo tới giác quan của chúng ta, thần thức của chúng ta, nếu chúng ta có cái wi-fi là tâm đức hiền lương mình thường dùng thượng đế mách bảo, mình thường tạo nên một cái nhân ngã, một cái chủ ngã, điều đó tốt bởi vì mình luôn khiêm tốn mà.

Trời thương tôi, cha mẹ thương tôi, ông bà thương, Cửu Huyền Thất Tổ thương, nên khi tai qua nạn khỏi. Điều đó tốt, nó giúp cho mình khiêm tốn hơn chứ không ai vỗ ngực nói “Ồ nhờ đức của tôi mà tôi vượt qua”.

Ít lắm, chỉ có mấy vị mà mình ở ngoài đó thí dụ cô vượt qua thì cũng có lời khuyên, nhờ đức của ông bà và đức của bản thân, chuyện xảy ra đó cô đã vượt qua. Chứ không ai nói vỗ ngực xưng tên, vượt qua cái đứng lên vỗ ngực xưng tên tôi nhờ có đức mà tôi vượt qua. Mà đúng là có đức vượt qua, mình có đức mình mới hưởng được đức của ông bà cha mẹ. Chị là người có tâm đức hiền lương dù nghèo vẫn sống thiện. Phúc cho những ai có lòng nhân ái, có tình thương biết an ủi, thì người đó luôn luôn được thượng đế ở gần, Thượng đế ở đây tức là các đấng yêu thương, mình dùng chữ thượng đế tức là đấng giác ngộ, là đấng luôn luôn yêu thương mọi người. Thượng đế đó có thể là cha mẹ, là ông bà, là đấng có tình thương lớn. Mình không định nghĩa chữ thượng đế nằm theo tôn giáo của Thiên Chúa, cho nên ai là người Thiên chúa giáo xin thông cảm Bảo Thành định nghĩa chữ Thượng đế tức là đấng quyền năng, đấng yêu thương, đấng có quyền năng bởi tình yêu thương.

Thì khi chị đã có tâm đức hiền lương rồi, tức là chị có wi-fi tốt, những năng lượng nó chuyển tải những thông tin có thể đang xảy ra, như kẻ trộm đang rình rập hoặc như người đưa thư tới, hoặc bạn bè mang quà tới tặng, hoặc chuyện này chuyện kia. Thì vấn đề mà xảy ra đối với chị có cả hai phương diện tốt và xấu, thuận và nghịch, đúng không chị? Cho nên khi chúng ta có những giấc mơ thấy được điều tốt mà có giấc mơ thấy được điều xấu nó xảy ra, chị có đức và có wi-fi nhận được. Nhưng chị hãy chuẩn bị để khi điều xấu nó xảy ra trong giấc mơ nó mách báo, chị an yên tự tại. Cũng như người khôn nói có dự báo thời tiết đó, ngày mai mưa lũ đó mà mình phải đi ra đường thì nhất định phải mặc áo mưa và mang dù, nhất định không thể chạy qua những cái cầu mà nước lũ nó kéo, rồi có thể kéo xuống suối, xuống sông, tức là mình phòng ngừa được. Còn nếu như mình được mách báo ngày mai mà mình chiêm nghiệm rồi là có người tốt tới, thì mình cũng phải sẵn sàng với tâm thái an yên tự tại tốt hơn, để đón mời người khách quý đang tới với chúng ta.

Cho nên chị là người không phải may mắn, mà chị là người đã có đức và có được cái wifi, có được cái mạng đó, mạng là mạng internet, ở đây tức là có mạng tâm đức quá lớn để không phải là giấc mơ nữa. Mà những điều thông tin nó dự báo tới qua sáu giác quan chị cảm nhận được. Chị hãy nuôi dưỡng tâm thức đó để điều đó nó sáng hơn, nó rõ hơn. Chuyện đó là chuyện có thật tới với chị là bởi chị có tâm đức hiền lương. Ai có tâm đức hiền lương đều có khả năng mà người ta gọi là giác quan thứ sáu hoặc mình gọi là được khai mở, chuyện gì cũng được, muốn dùng từ gì cũng được hết. Nhưng đối với Bảo Thành chỉ đơn giản người có tâm đức hiền lương, luôn luôn cảm nhận được, cảm ứng được những chuyện sẽ xảy ra với cuộc đời của mình. Người có tâm đức hiền lương có khả năng chuẩn bị để đương đầu với tâm thái tốt nhất, để chuyển nghịch hay thuận mình đều có kết quả tốt. Dạ cảm ơn chị chia sẻ!

Dạ cho con xin một phút. Bạch Thầy! Lần đầu tiên con nằm mơ những giấc mơ đó thì mới đầu con chưa hiểu, thì con chỉ kể lại với gia đình mình thôi, thì sau đó một thời gian chuyện đó đã xảy ra và cái nằm mơ đầu tiên của con là nằm mơ về những điều không tốt. Thì mới đầu con cũng nghĩ chắc là do mình nghĩ nhiều quá mình mơ thôi, nhưng con ngẫm lại hóa ra thì điều đó nó là sự thật. Cho nên từ ngày đó trở đi cứ có những đột nhiên có một giấc mơ nào đó cho nên con sẽ thật cẩn thận, nếu đã mà là thấy giấc mơ xấu là con tuyệt đối thật cẩn thận thì là con tránh được. Còn những giấc mơ nào mà tốt thì các bạn lại ngẫm à xem là chuẩn bị tốt rồi đấy ta xem nó có đúng đúng không? Nhưng con thấy cũng là đúng sự thật, rõ thật thế. Cho nên con mới hỏi hôm nay có Bạch Thầy chuyện là con hỏi để cho Thầy giải thích cho con, để con hiểu rõ về giấc mơ của con hơn. Chứ còn đúng là như Thầy nói là cũng là một kiểu như là dự báo thời tiết ấy, điều tốt là mình chuẩn bị đón nhận và điều xấu là mình tránh đi. Thì đúng Bạch Thầy là con thật sự là hôm nay con được vỡ ra nhiều điều do thầy giải thích thì con được vỡ ra, con biết ơn Thầy ạ! Biết ơn chương trình!

Biết ơn chị!

Vâng ạ! Rất là tuyệt vời đúng không ạ! Rất là cảm ơn câu của chị Viên ạ và cám ơn lời giải thích của Thầy. Ngày hôm nay thì với câu hỏi của chị Viên, thì em cũng nhận ra được giá trị đó là những người mà có năng lượng giống như chị Viên, thì đó là những người có tâm đức hiền lương. Cảm ơn chị, một lần nữa xin chúc chị mình có trong cuộc sống mình sẽ tu thêm, mình sẽ tích thêm thì tâm đức hiền lương của chị nó sẽ nhiều hơn. Một lần cảm ơn chị rất là nhiều ạ!

Tiếp theo em mời chị Hiền Nga!

Con xin kính chào Thầy, em chào tất cả các anh chị, em xin giới thiệu em tên là Nga, em đang ở Sóc Sơn Hà Nội ạ! Hôm nay rất là hoan hỷ con được nghe pháp thoại của Thầy, thì trong dịp Vu Lan này thì con cũng có một số thắc mắc, nhưng mà chủ yếu là về vấn đề mọi người đi làm từ thiện ạ. Ở xung quanh con thì có rất là nhiều người đi làm từ thiện, nhất là trong tháng Vu Lan này thì rất nhiều người kêu gọi cho việc là đi làm từ thiện, quyên góp này khác. Nhưng mà trong đấy con có thấy là mọi người quyên góp, nhưng mà mọi người cũng hay tư lợi cho cá nhân của mình nữa. Ví dụ như là quyên góp được nhiều, nhưng mà không đưa đến tận tay của những người cần quyên góp đấy hoặc là có thể là người ta quyên góp chỉ vì danh tiếng thôi, hoặc là vì cái gì đấy chứ không hẳn là vì những người mà đáng được từ thiện đấy. Với bản thân con thì con nghĩ là dù người ta làm với mục đích gì, thì miễn là vẫn hơn những người không làm gì cả.

Nhưng mà con muốn được nghe lời giải thích của Thầy, Thầy khai sáng cho con về vấn đề đấy, để nếu ví dụ như xung quanh bạn bè của con chẳng hạn. Nhiều khi là con cũng muốn quyên góp để đến một tổ chức nào đấy, nhưng mọi người lại nghe được thông tin là người đứng đầu của tổ chức này quyên góp, để có nghĩa là lại sẽ bớt xén để cho vào túi mình hoặc thế này thế kia đấy. Con cũng có giải thích là thôi thì mình cứ quyên góp bằng tâm của mình, còn mình cứ cho đi, nếu như mà người ta không nhận, người ta không mang hết cái chỗ của mình đi đấy, thì là người ta sẽ phải gánh nghiệp đấy. Còn mình cho đi thì mình cứ cho, nhưng mà nhiều khi là các bạn của con thì các bạn ấy không đồng tình với việc đấy, thì Thầy cho con xin một lời khuyên. Hoặc là con có thể giải thích với mọi người xung quanh con như thế nào, để cho mọi người hiểu được vấn đề như thế nào từ thiện, đặc biệt là trong tháng Vu Lan này. Con cảm ơn Thầy ạ!

Khái niệm về từ thiện mỗi quốc gia nó khác nhau. Người đứng đầu một tổ chức từ thiện như ở bên Mỹ Bảo Thành ở đó, tất cả mọi quỹ gom về đó đều được khấu trừ một phần để trả lương cho những người làm từ thiện. Bên này nó vậy và họ được khấu trừ nhiều khi là 30% để trả lương cho nhân viên làm từ thiện hoặc nhiều hơn tùy theo quỹ và một phần đó mang đi làm từ thiện, đó là quy luật sống bên này. Cho nên những cái hội như hội chữ thập đỏ một hội lớn của Mỹ này, luôn luôn họ giữ lại một phần theo luật của nhà nước ấn định để họ chi trả cho nhân viên, những người hành xử từ thiện. Đối với người từ thiện Á Đông của chúng ta là không có tư tưởng đó, mình tình nguyện đi thôi. Dĩ nhiên trên đời không có cái gì hoàn hảo hết. Không phải là tư lợi, nhưng mà đôi khi có những chi phí rất cần thiết cho những người làm từ thiện, mà họ lấy trong ngân quỹ từ thiện đó để chi phí cho chuyến từ thiện đó được phép. Thì ví dụ mình chi ra 10 triệu để làm từ thiện nhưng để xe chở này hết 1 triệu phải không, rồi mọi người chuẩn bị này kia nhiều khi hết thêm triệu nữa. Chúng ta khắc nghiệt quá 10 triệu đưa là phải 10 triệu tới, nhưng hãy nhớ những chi phí khác cũng cần lắm. Cho nên nếu mình chi ly như vậy cũng không sao đâu.

Đối với Bảo Thành trong mùa lễ Vu Lan nếu tâm hoan hỷ lớn như chị hãy trao đi, còn người nhận và trao lại cho người khác như thế nào thì nghiệp của người đó, người đó phải trả. Nếu họ hoàn hảo theo phong tục tập quán nơi mình đang cư trú về từ thiện đó, nói rằng trao một đồng phải mang một đồng tới, họ làm đúng họ có phước. Trao một đồng họ trao bớt đi và còn giữ lại một phần, thì phước và nghiệp của họ họ chịu. Bây giờ các bạn của mình không đồng ý giải quyết cho đơn giản, Phật gọi là hằng thuận chúng sanh. Nếu bạn không đồng ý, muốn làm từ thiện trong tháng Vu Lan, nhưng sợ người đi làm từ thiện mình trao phó cho họ họ làm sai, thì hãy gom lại cùng với nhóm bạn đó chọn một trung tâm nào đó nơi xóm nghèo, nơi trại dưỡng lão, nơi trại mồ côi hoặc những mảnh đời bất hạnh, mình tình nguyện mình đi. Nhưng đừng chê trách những người đang làm tình nguyện nghe đồn rằng họ không làm đúng. Nếu mình không có khả năng đó đi làm như họ thì mình tự lực đứng dậy dù rất ít, dù một đồng thôi trong nhóm bạn bè năm sáu người đó mà thôi. Nếu mình ngại người ta không làm đúng, thì thôi mình tập trung mình chọn một ngày nào đó mình đóng góp có thể là gạo, áo quần, thuốc men, tịnh tài, mang tới một chỗ nào mình chọn đó mình làm luôn. Như vậy tránh sự tranh cãi và rồi cũng tránh đi sự bất mãn để mình không còn chủ động làm từ thiện nữa.

Tháng Vu Lan là tháng rất tốt để ta tỏ lòng từ thiện nhân ái, giúp đỡ bản thân của mình, hồi hướng cho cha mẹ ông bà, Cửu Huyền Thất Tổ đã mất. Đồng thời đừng dành đến tháng 7 nghe bạn để làm Vu Lan nữa để mà cống hiến từ thiện. Mỗi một tháng ta nên có một ngày hướng tới gọi là ít nhất, hướng tới điều đó để thực hiện pháp thiện, hành trì pháp thiện. Mỗi một tháng nên có một ngày nghĩ tới những người bất hạnh, những người nghèo, những xóm nhà trọ, những người rất cần chúng ta dù ít thôi. Không tin tưởng ai thì chủ động làm để tránh đi sự tranh cãi tổn phước của mình, dù người ta làm đúng hay sai không biết, nghe tiếng đồn để rồi mình phao tin đồn đó cho lớn, cho rộng hơn mình đang tạo khẩu nghiệp cho chính mình. Mình đã không làm từ thiện mà tạo khẩu nghiệp chuyến buôn này lỗ, lỗ hoàn toàn. Tháng 7 này mình lỗ hoàn toàn bởi vì cái khẩu của mình là khẩu bất thiện. Cho nên Bảo Thành khuyên chị đó, nói với bạn bè rằng thôi mình không tin người ta mình tự làm đi, mấy bạn họp mặt lại với nhau đóng góp ít thôi, có nhiêu làm bấy nhiêu, mang chia sẻ với mọi người tới sống gần hoặc sống xa. Hoặc là tìm một cơ sở, một nhóm nào đó mình tin tưởng mình trao. Còn nhóm không tin tưởng thì mình cũng không nên đồn, bởi vì mình cũng không biết chính xác. Còn nếu đã biết chính xác rồi thì mình tránh. Dạ xin cảm ơn chị!

Dạ con xin tri ân công đức của Thầy, cũng trong mùa Vu Lan con xin kính chúc Thầy sức khỏe, kính chúc toàn thể các bạn bè, anh chị em trong gia đình của chúng ta có một mùa Vu Lan báo hiếu thật là ấm áp bên gia đình yêu thương của mình. Con xin tri ân công đức của Thầy – A Di Đà Phật!

Con xin cảm ơn Thầy! Cảm ơn Thầy và cảm ơn câu của chị Hiền Nga. Rất là tuyệt vời đúng không ạ, bởi vì bản thân đối với em cũng vậy, trong cuộc sống thì không tránh khỏi được việc mà chúng ta không làm hài lòng được người khác, bởi vì bây giờ bằng cách tốt nhất thì chúng ta chỉ tập trung vào chính mình thôi. Điều mà chúng ta làm thiện chúng ta làm tốt, làm những việc gì mà không cảm thấy xấu hổ với bản thân, với tấm lòng mình thì chúng ta cứ làm được không ạ! Rất là cảm ơn chị Hiền Nga và em đã thấy tiếp theo đó là anh Quốc Hữu, em mời anh ạ!

Dạ chào Thầy Bảo Thành, chào chị MC Lê Hà và toàn thể mọi người trong phòng zoom. Em là Hữu hiện tại em đang sống ở Vinh. Câu chuyện của chị Nga là câu chuyện từ thiện và cũng hai năm trước là ở Vinh cũng hay lũ lụt, con đi thiện nguyện, hay kêu gọi để giúp đở những người đang bị lũ lụt. Con có đi thiện nguyện ở chổ Cha và sơ có nuôi một em bé trẻ mồ côi, mình làm từ tâm của mình, không cần phải cân đo đong đếm gì hết, cứ cho đi không cần phải được nhận lại, lúc đó lòng con được nhẹ nhàng.

Dạ đúng, anh Hữu nói rất đúng, cho đi không cần biết tới đâu, chỉ bằng tấm lòng là đủ. Tuy nhiên trong quá khứ chúng ta thấy có những người có tên tuổi nổi tiếng và những tổ chức thật lớn, được nhiều người có lòng nhân ái tin tưởng và gửi về, để nhờ bàn tay của họ trao lại trong những cơn lũ lụt, những mảnh đời bất hạnh. Họ đã không hoàn thành trách nhiệm của họ, làm tổn thương đến những anh chị dấn thân làm từ thiện. Ngày nay chữ từ thiện trở thành câu hỏi nghi ngờ đàm phán không tốt. Bởi vậy khi làm từ thiện, chúng ta cũng cần phải có kiến thức nhận rõ đối tượng đại diện làm từ thiện kia có tấm lòng lớn hay không? Còn vô tình mình trao người ta gọi là trao trứng cho ác, thì điều đó dĩ nhiên mình trao bằng tấm lòng rồi, mình không có tạo nghiệp mình tạo phước. Ngay hành động mình làm từ thiện đã tạo phước, còn người kia làm không đúng họ tạo nghiệp của họ. Tuy nhiên trong những giây phút ngặt nghèo của cuộc đời bão tới như ở Miền Trung lũ lụt hoặc các nơi đang rất cần sự giúp đỡ, mình trao gửi tới cho người mình tin tưởng, mà không mang tới cho những người bất hạnh kia mình sẽ buồn lắm.

Do vậy mà chúng ta thời đại này có cái mạng lưới rồi hãy tìm hiểu thật kỹ những ai mình tin tưởng, để sự trao ra của mình, mình an tâm và mình thấy đáng tin tưởng hơn. Cho nên các bạn hãy dùng kiến thức sàng lọc thật kỹ những tổ chức hoặc anh chị em nào đó làm từ thiện mình tin tưởng mình làm, để tâm mình được an. Điều đó vừa có phúc cho mình và vừa có phúc cho người mình trao truyền cho họ để nhờ họ làm từ thiện, để tránh trường hợp mình trao truyền cho ai đó rồi sau đó mình căm phẫn. Dù biết rằng tâm mình rất lớn nhưng khi mình thấy những chuyện xảy ra quá lớn, cái tâm lớn của mình nó biến mất, biến thành tâm nhỏ bé. Cảm ơn anh thật là nhiều có tấm lòng tin tưởng và những mùa lũ đã giúp đỡ người ta, mà tin tưởng vậy là tuyệt vời. Tuy nhiên khuyên các bạn nào mà nếu còn nghi ngờ đó, thì mình hãy tự làm hoặc là hãy lên trên mạng tìm hiểu thật kỹ trước khi mình trao ra để tâm mình được an. Cám ơn anh chia sẻ, cám ơn anh Hữu!

Dạ, cám ơn Thầy, cám ơn cả nhà đã lắng nghe ạ!

Dạ vâng cám ơn anh Hữu, cám ơn Thầy ạ! Trên điểm cầu con có thấy có một điểm cầu của Sư Cô Trí, con xin mời Sư Cô!

Dạ! Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Con kính bạch Thầy, con là Nguyễn Thị Trí, pháp danh của con là Thanh Nhã. Con đang ở chùa Giác Hoàng, 135 Lý Nam Đế phường 7 quận 11 thành phố Hồ Chí Minh. Hôm nay chùa Sư phụ con có làm lễ Vu Lan cho nên là con cũng xem điện thoại hơi trễ, rồi cũng chưa có sạc pin. Nên hôm nay con cũng đủ nhân duyên lành để được vào lớp học này, thì cũng biết ơn Thầy đã vào lớp để chia sẻ cho chúng con được biết về đạo đức. Chắc là con đã sắp hết pin tại nãy con vào thì con thấy lớp có zoom để học, con lật đật con xin sư phụ con lên chánh điện để cho nó yên tĩnh, tại giờ này ở tầng dưới là còn đang dọn dẹp rất là đông. Cho nên là con xin Thầy hoan hỷ cho con vào lớp đã trễ. Con kính bạch thầy, con là học bên đông y, mà con học rất là trễ, con xuất gia cũng rất trễ cho nên là con cũng không có hiểu. Nói chung là con đã tin nhân quả thì con mới xuất gia còn mà học về Phật pháp, thì con cũng chưa có đi sâu, cho nên con cũng có duyên lành được là bác sĩ của chính mình của Thầy Hân, để bổ sung thêm bên đông y của con. Con vô nửa chừng thì con có nghe Thầy chia sẻ về cái tâm từ của con người, con cũng có một chút để mà bạch với Thầy.

Con học trong lớp đông y Long An thì con cũng đang thực tập chương trình 1 năm cũng đã trôi qua xong. Lúc đó thì con cũng có một chị này đang bệnh nặng, chị bị té xe, bị giống như là não của chị đang bị hấp ở bệnh viện Chợ Rẫy. Chị thấy con vào thì mấy bạn làm trước giới thiệu cho con, thì chị thấy con là ánh mắt của chị không có thích, không có hài lòng là nói con mới vào kiểu như là không rành về bên đông y, cho nên là làm chỉ không hài lòng. Thì người bạn đi trước với con nói cái này là Sư cô, Sư cô rất là có tâm hoặc là có bàn tay phục dược vậy đó, là do chú giới thiệu để thuyết phục với chị đó để cho con được dán xông điện và được châm cứu. Quý bác sĩ châm cứu rồi con sẽ móc điện, nhưng mà chị sợ là con không biết rành sẽ làm cho chỉ đau, cho nên là con mới nói là “Không sao đâu chị nhiều khi em không biết thì em vô đây em học hỏi. Nếu mà những việc gì mà em làm không vừa ý thì chị dạy em để em học thêm”.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn