Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập
Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buồi đồng tu hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho hàng đệ tử chúng con biết tinh tấn miên mật hành trì mật thiền chánh pháp, lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, hành trì các pháp thiện, quán chiếu sự Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho hàng đệ tử chúng con tinh tấn tu học, thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tin sâu vào nhân quả. Đặc biệt hôm nay chúng con cũng nguyện và hồi hướng cho Bảo Duy vừa có ca mổ, đầy đủ phước báu của Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ và tự thân, mau lành bệnh, mau khỏe. Nguyện chư Phật từ bi chứng minh!
Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái. Hãy ngồi xuống, hãy trở về với hơi thở của chánh niệm, hãy hít vào chậm rãi thở ra từ từ buông thư nhẹ nhàng, biết thật rõ mọi cảm xúc của thân và suy nghĩ của tâm, ghi nhận thật rõ, thật rõ. Quán chiếu tâm yêu thương, sự sáng suốt, sự tỉnh thức và lòng bác ái thiện lành.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)
Mô Phật! Có những ngày tháng trôi qua thật êm đềm trong cuộc đời của mình, nhưng cũng có những ngày tháng chẳng có một chút nào êm đềm cả, đau khổ, tủi nhục đè nặng ở trên vai, chán chường, sợ hãi, hoang mang ở trong đầu. Có thật nhiều lúc mỗi người chúng ta hoàn toàn bế tắc trước những nghịch cảnh xảy ra ở trong đời. Bế tắc với chuyện công ăn việc làm, bế tắc với chuyện vợ chồng con cái, bế tắc với sự thay đổi của cuộc sống, sức khỏe hoặc những mối tương tác hàng ngày. Những lúc mà chúng ta bị bế tắc lòng mình không có thoải mái, khó chịu. Sự bế tắc như vậy làm giảm tuổi thọ, làm cho tinh thần mình sa sút, làm cho thể chất bị hao mòn, có vui gì đâu khi phải đương đầu với bế tắc trong cuộc sống này. Ai ai cũng muốn được hanh thông trong cuộc đời thường chúc nhau, chúc cho bạn, chúc cho ông bà, cha mẹ, người thân, chúc cho ai đó hanh thông. Trong đạo thì chúc sự hanh thông đạo nghiệp, ở đời thì chúc hanh thông vạn sự. Ngẫm cho kỹ hầu như đó chỉ là một lời chúc nghe đẹp lòng nhau. Nhưng có hanh thông hay không đều phải nhờ vào phước báu hoặc công đức của mỗi người.
Khi bế tắc, khi đương đầu với bế tắc chúng ta phải làm sao? Các bạn có bị bế tắc bao giờ chưa? Khi bạn bị bế tắc như vậy bạn có biết phải làm sao để đương đầu với sự bế tắc đó không? Nhiều người không biết phải làm sao, không biết phải làm sao và rồi thẫn thờ, lạc mất lối đi đường về, khù khờ, tê dại, sống vất vưởng khi bế tắc xảy ra trong cuộc sống. Mình chia sẻ với nhau lời của Phật, để xem thử khi bế tắc trong cuộc sống của các bạn đồng tu chúng ta phải xử trí như thế nào? Câu chuyện kể rằng hồi xưa có một vị thiền sư sống giữa biên giới của hai nước. Bởi nước nào, quốc gia nào cũng có nhiều chuyện bê bối về chính trị, nên vị thiền sư này chọn nơi cao sơn biên giới của hai nước để ẩn tu. Một hôm nước bên kia có một vị quan văn gặp bế tắc giải quyết chuyện trị vì thiên hạ của vua, không tìm ra, nhức đầu quá, liền lần lần mò tới cao sơn giữa biên giới hỏi vị thiền sư rằng “Thưa thiền sư, tôi là quan văn chữ nghĩa uyên thâm, kiến thức thì đầy, từng đỗ trạng, giỏi lắm, nay gặp sự bế tắc này, bế tắc dồn bế tắc, không biết phải giải quyết ra sao?”
Vị thiền sư thường là một người biết uống trà, đưa một tách trà lên tay cho vị quan văn bảo cầm lấy đi, rồi vị thiền sư pha một ly trà thật nóng đổ vào tách trà mà vị quan văn đang cầm. Ngài cứ đổ, tiếp tục đổ, đổ nữa, đổ đầy, đổ cho tràn ra, trà nóng quá vị quan văn nóng chịu không nổi liền buông tách trà rơi xuống đất vỡ. Thiền sư nói “Cái gì rắc rối quá, bế tắc quá buông như ly trà”
Nhưng mà hình như chúng ta để đến bỏng rồi mới buông. Sao không buông từ thuở sớm mà đợi nước nóng tràn ra bỏng mới buông. Hai chữ buông thật dễ, buông tách trà, buông – bỏ, buông bỏ hai chữ dễ quá mà, đọc biết liền nhưng trên đời này mấy ai có thể buông bỏ một cách dễ dàng đâu. Hầu hết sự bế tắc xảy ra chúng ta cứ ôm ấp, chúng ta cứ giữ thôi, mãi ở trong lòng, trong trái tim, để cho trái tim tan nát tơi bời, ôm ở trong đầu để cho đầu tối tăm nhức mỏi. Lúc đó bỏ, bỏ thì tim kia đã tan nát rồi, buông, buông thì đầu óc đã thẫn thờ khờ dại, thương tích đầy mình, khổ sở quá. Sao phải đợi đến lúc quá khổ sở, tan nát cả trái tim, thẫn thờ cả tâm hồn mới buông, mới bỏ. Mà sao không thực tập, không tu luyện để có thể buông bỏ khi nhận xét ra, nhận thấy, biết rõ đó là điều không tốt, con đường cùng đi vào bế tắc.
Các bạn, nếu không trải qua một sự tập luyện, một sự tu luyện, ta cứ đợi đến bế tắc rồi mới tìm cách buông bỏ, thì chẳng khác nhà quan văn kia nước nóng của trà bỏng tay mới buông bỏ, bỏ đó, buông đó nhưng tay đã bỏng. Ta cũng sẽ buông, ta cũng sẽ bỏ nhưng không phải là cái bỏ, buông của tánh biết, của trí tuệ, của hiểu thấu, mà là buông của miễn cưỡng giữ không được nữa. Biết bao nhiêu những mối tình trắc trở ta không nhận xét ra, ghi, biết rõ, hiểu thông và đồng hành để nâng đỡ vượt qua trở ngại. Nhưng đợi đến mức mà nó cháy bỏng tâm can, đầu óc đảo điên, thân sắc tiều tụy, đành phải buông bỏ, tan vỡ cả cuộc đời, sầu đau muôn kiếp, khổ. Chúng ta hầu hết là buông bỏ được nhưng đợi đến phút cuối vì không giữ được nữa, không nắm được nữa, không còn nữa mới buông, sự buông đó gây khổ. Bạn hỏi khi bế tắc phải làm sao? Thì buông bỏ, nhưng đừng đợi đến khi bế tắc như quan văn, phải học cách nhận biết thật rõ trong chánh niệm của hơi thở, để biết và ghi nhận những cảm xúc, những suy nghĩ, những hiện tượng đang xảy ra. Mang tâm từ bi tưới tẩm vào đó ngay, mang ánh sáng của trí tuệ nhìn cho thấu để giải quyết, mang sự tỉnh thức không có u mê. Để lòng bao dung tha thứ, để tâm thiện có thể tương ứng với mọi hiện tượng mà chuyển hóa. Đừng để cái tôi, bản ngã chống đối hoài cho tới phút cuối nắm giữ không được, bỏng cả tâm hồn mới buông.
Buông đó là buông bỏ của sự đổ vỡ đã không còn, nhưng đó là chuyện của ông quan văn của nước kia thôi. Còn nước bên cạnh lại có ông quan võ cũng gặp bế tắc vì Vua cứ điều khiển đi chiếm nước hoài, đánh nhau hoài, giải quyết không xong cũng lại lên cao sơn hỏi vị thiền sư. “Thưa Ngài, ngài ở giữa hai biên giới nước này nước kia, nhích một cái qua nước bên này, nhích một cái qua nước bên kia, ngài ở giữa tôi gặp bế tắc không biết làm sao mà giải quyết?”
Thì nhà Thiền sư cũng có thói quen uống trà, đưa một tách trà cho vị quan võ và cũng lấy một ấm trà thật nóng, đổ vào ly trà, đổ, đổ tiếp, đổ đây, đổ tràn. Nóng quá, nóng quá, các bạn nghĩ sao đây, chắc chắn các bạn sẽ nghĩ ông quan võ này như ông quan văn kia thôi, thôi buông một cái bể ly trà phải không? Chắc vậy, nhưng không, ông quan võ bởi luyện võ nên tay của ông ta có độ cứng, có sự chịu đựng của tâm. Từ tay trái nước tràn ra nóng quá ông đưa ly trà qua tay phải ông cầm, ly trà lại làm cho tay phải nóng tay ông lại chuyển qua tay trái, ông chuyển một hồi, ông chuyển một thời, ông chuyển một lúc ly trà nguội dần, nguội dần, nguội dần bởi chuyển từ phải qua trái, từ trái qua phải, từ phải qua trái, cứ lần lượt chuyển qua chuyển lại, chuyển nó đi và rồi ly trà đã nguội dần. Ông ta đưa lên miệng nhâm nhi thấy ngon quá, tri ân vị thiền sư đã cho thưởng lãm hương vị trà của thiền môn.
Các bạn, thói đời nắm giữ không được là phải bỏ, nhưng hôm nay ta học cách buông bỏ ở chỗ tu luyện để nhận biết ngay từ đầu để buông bỏ, không buông bỏ khi đổ vỡ toàn diện, sụp nguồn năng lượng rồi mới buông. Ta học cách buông bỏ khi đối xử, đối ứng với bế tắc bằng cách chuyển hóa như quan võ. Không phải trên đời chuyện gì đụng vô là bỏ, là buông, nếu buông bỏ sớm quá làm sao ta có khả năng nếm được hương vị của trà do vị Thiền sư trao tặng. Trên đời này ta hiểu thấu trong vô thường tới rồi đi, khi tới mà chưa đi, buông và bỏ cũng không được, đi rồi nắm bắt, giữ và ôm cũng chẳng còn. Khi nó còn hiện hữu đó bởi nhân duyên, ta có biết chuyển hóa từ tay phải qua tay trái để sự nóng giận, sân si của ta nguội dần, mà sự sáng suốt nhìn thấu hơn trong tỉnh thức. Ngõ hầu tình thương được lan tỏa tưới tẩm, lòng bao dung tha thứ được chia sẻ thì vẫn còn cơ hội, vẫn còn cơ hội trong sự bế tắc nhìn thấu để hiểu, nhìn thấu để gắn kết, nhìn thấu để đồng hành và nhìn thấu để không còn dính mắc.
Hai câu chuyện đưa chúng ta tới một điểm chung rằng cần phải tu luyện để tâm có chánh định vững chãi. Quán vô thường để hiểu khi nó tới và khi nó đi, khi nó đang hiện hữu, đã đi thì đừng níu kéo nắm giữ, đã tới thì đừng đẩy đưa và đang hiện hữu thì đón nhận như thế nào? Sự bế tắc tới với cuộc đời là bởi vì ta có tâm lầm chấp, chỉ chọn lựa những điều mình ưng, thích, ưa, yêu, mến, tâm phân biệt đó tạo ra sự bế tắc. Còn nếu chúng ta có tâm biết chuyển từ tay phải qua tay trái bằng tình thương, từ tay trái qua tay phải bằng sự sáng suốt, rồi từ tay phải qua tay trái bằng sự tỉnh thức và từ tay trái qua tay phải bằng lòng bác ái, bao dung và tha thứ, thì bế tắc kia nóng như ly trà cũng nguội dần để ta có cơ hội uống, nhâm nhi hương vị của cuộc đời.
Các bạn, chúng mình đã tu với nhau bốn năm trời trong mật thiền chánh niệm qua hơi thở, không phải để tiêu diệt toàn diệt sự bế tắc, mà là để nhận biết được sự bế tắc khi nó tới, khi nó còn, khi nó đi. Và mang nội lực thâm hậu của một quan võ từng ra trận trên những chiến trường nghịch cảnh, sầu bi, ai oán, não phiền, vững chãi chuyển hóa để hưởng được hương vị của chánh niệm qua các hiện tượng do duyên, phước báu và công đức, nghiệp chướng tạo thành. Không có gì phải khước bỏ buông ngay, chẳng có gì phải từ chối đẩy lui, nó tới do duyên, chuẩn bị tâm thật kỹ như quan võ thì không đợi đến bỏng tay, không còn có thể giữ được nửa như quan văn buông bỏ cho bể ly. Ly trà của một vị thiền sư mời chúng ta rất quý cần phải giữ bảo vệ.
Mọi hiện tượng tới với cuộc đời cần phải được chuyển hóa từ tiêu cực thành tích cực, từ bất tịnh thành thanh tịnh, uống vào đi đó gọi là pháp vị thắng mọi vị. Tâm của chúng ta, tâm chánh niệm của chúng ta là vị thiền sư nằm giữa hai biên giới của phải trái, của đúng sai, của yêu ghét, của khen chê. Vị thiền sư là tâm chánh niệm trong hơi thở, vị thiền sư chánh niệm hơi thở này có pháp phương tiện vi diệu, để chúng ta có thể buông ngay từ đầu khi nhận biết rõ hoặc chuyển hóa ngay từ đầu khi nhận ra, chứ không đợi đến phút cuối. Nếu ông thiền sư chánh niệm này được tu luyện đúng mức, còn như giả sư chẳng chịu tu, có nghĩa tâm của ta không chịu tu chỉ ê a vài tiếng kinh, tiếng cầu, tiếng xám, không luyện, không tu thì khi bế tắc xảy ra ta sẽ bị bỏng tay, rồi mọi chuyện đổ vỡ hoặc ta không kịp chuyển hóa, điêu đứng cuộc đời.
Các bạn hãy trở về với chánh niệm của hơi thở đi các bạn, tập luyện cho rõ để tâm ta trở thành một vị thiền sư không phải là ẩn, mà ngự ở trên đỉnh núi cao của muôn nghịch cảnh giữa trái và phải, đúng và sai, khen và chê, tốt và xấu, thành và bại. Ứng dụng phương tiện của tình thương, của sự sáng suốt, của sự tỉnh thức và của lòng nhân ái, để khi bế tắc tới liền hanh thông ngay tại chỗ. Còn nếu không tu luyện thiền sư chẳng ở đó, bế tắc tới rồi sẽ đày đọa vào cõi khổ của tâm thức đen tối mà thôi. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.
Thưa Phật! Xin Phật gia trì cho chúng con luôn luôn kiên định trước mọi nghịch cảnh, không bỏ cuộc. Tập mật thiền, hành trì chánh niệm hơi thở mỗi ngày để tâm của chúng còn trở thành một vị thiền sư ngự ở trên đỉnh cao của cuộc đời, để mọi bế tắc tới đều có cái nhìn sáng suốt, thấu suốt.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)