Search

4087. Tu Như Thế Nào Để Được Giải Thoát?

Trần Công Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu. Với lòng thành kính, chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con luôn luôn kiên định siêng năng miên mật hành trì mật thiền chánh pháp, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng trí tuệ, sống đời tỉnh giác, thực hiện các pháp thiện lành và quán chiếu thấy rõ các pháp đều là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng nhiều đời được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho hàng Phật tử chúng con, thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, hãy ngồi xuống, chúng ta hãy ngồi xuống trong tư thế phù hợp với cơ thể của mình, toàn thân buông lõng, buông thư nhẹ nhàng thôi. Hít thở chậm rãi, nhận biết rõ ràng, ghi nhận rõ ràng, từng hơi thở vào ra chậm rãi. Hãy nhớ hít vào bằng mũi thì phình bụng, thở ra bằng miệng trì mật ngôn hóp bụng vào, cứ như vậy vận hành nhẹ nhàng. Quán chiếu tâm Từ Bi – Trí Tuệ – Tỉnh Giác – Thiện Lành của chúng ta, hơi thở chánh niệm này sẽ đưa chúng ta trở về bên trong nội tâm của chính mình, giúp cho mình nhìn rõ được mọi suy nghĩ, nhận diện được mọi cảm xúc và nương vào các mật ngôn trong chánh niệm hơi thở. Chúng ta sẽ tiếp nhận được năng lượng chư Phật, Bồ Tát ngay trong hiện kiếp này, hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Chào các bạn, hôm nay thôi nghe Bảo Thành kể chuyện đi, mình tu nhưng nghe kể chuyện. Càng tu hình như có nhiều chuyện để kể cho nhau nghe, nhiều chuyện để kể cho nhau nghe về tu, nhưng không lắm chuyện rỉ rả bên tai tạo phiền não.

Các bạn, hồi xưa có một tên thợ săn, loài thú gì tên thợ săn này cũng muốn bẫy cho bằng được để về ăn thịt. Thợ săn này đào lỗ gài bẫy ở đó, rồi có một chú nai ngơ ngác lọt xuống hầm sâu mà người thợ săn đào để bẫy con nai. Con nai càng vùng vẫy nhảy lên thì càng bị dây nhợ ở dưới cột chặt vào, nhảy không được đuối sức, dần dần sắp chết rồi. Con nai đã sắp chết rên rỉ ở hố sâu, cũng rất may có một nhà hiền sĩ đi ngang khu rừng đó, nghe được tiếng rên xiết đau khổ của con nai trong giờ phút cuối sắp chết rồi. Bậc hiền sĩ này mới theo tiếng rên rỉ đó đến được hố sâu, nhìn xuống thấy chú nai tội nghiệp, tội nghiệp lắm, hấp hối sắp chết. Bậc hiền sĩ liền tìm cách hay đưa con nai thoát khỏi hố sâu, tắm rửa cho sạch sẽ, cho ăn cho mạnh khỏe và nói với nai hãy trở về với thế giới của chính mình. Chú nai nhìn người hiền sĩ trong lòng rất vui, vui vẻ rồi nhẹ nhàng bước vào rừng, trở lại với cuộc sống.

Hình như câu chuyện hết rồi, dừng ở đó, nếu mình suy nghĩ một chút xíu chú nai kia đã được thoát khỏi cạm bẫy của người thợ săn, chú nai kia đã được giải thoát khỏi hố sâu của người thợ săn, không còn bị cột chặt, không còn bị kềm hãm, giam ở dưới hố sâu nữa và trở về sống an vui với thiên nhiên núi rừng. Đó chính là sự giải thoát của chú nai do bậc hiền sĩ giúp đỡ, còn cạm bẫy kia do ai? Do người thợ săn, người hạ quyết tâm bắt cho được chú nai hoặc thú rừng về ăn. Các bạn, mình tu từ chùa này qua chùa kia, từ pháp môn này đến pháp môn kia, luyện cho đến bạc đầu, tu cho tới mỏi gối mà vẫn ngớ ngẩn như con nai, thấy cạm bẫy mà không hay, rớt xuống hố rồi mới rên xiết kêu la. May mà gặp bậc hiền sĩ, còn nếu giây phút cuối cùng không gặp bậc hiền sĩ sao thoát khỏi được hố sâu.

Thế nhưng khi hỏi giải thoát thì tu như thế nào mới giải thoát được ta không biết, ta không biết tu như thế nào. Bởi tới chùa nào, gặp vị thầy nào, pháp môn nào cũng ca tụng nói rằng tối thượng và đây là con đường đi đến sự giải thoát. Nhưng chúng ta học tin đó, hành đó, khi hỏi ta suy nghĩ, ta đâm nghi, không biết rằng con đường ta tu có phải là con đường đưa đến sự giải thoát hay không? Hay tu riết rồi càng tu càng xuống dốc, lọt vào hầm sâu, tu riết thành tù, tù túng cột chặt trong những luồng hoặc làn điệu tư tưởng của những người chưa bao giờ giác ngộ. Tu thế nào là đúng để đưa đến sự giải thoát? Người học Phật phải biết học thật rõ, mấu chốt tu là để giải thoát mà mình không có biết tu như thế nào để giải thoát. Pháp môn thì nhiều quá, nhân duyên gặp được cấp bậc thầy cũng nhiều, nhưng có thượng duyên mới gặp được người hướng dẫn thật rõ để ta tu mà giải thoát.

Tu hoài không hiểu được giải thoát là gì? Tu như thế nào để giải thoát, ta liền quá mông lung mơ mộng, đưa hai chữ giải thoát vào huyền thoại của huyền bí, rồi sao? Hai chữ giải thoát xa quá, xa tầm tay, nghĩ vớ vẫn tưởng rằng giải thoát như đang ngồi thiền, đang đọc kinh, bừng tỉnh một cái như phi thuyền bay lên trên cõi nào đó gọi là Niết Bàn. Người ta cứ kể người giác ngộ là đã giải thoát, mà người giác ngộ bay bay, người giác ngộ là thần thông, người giác ngộ là tới được trời, cõi nào cũng tới được, xuống cả địa ngục, muốn đi đâu là đi. Và thế chân lý Đức Phật đưa đến sự giải thoát đã được huyễn hoặc trong huyền bí mù mờ, mà cả đời hay vô lượng kiếp ta chẳng thể hiểu, chẳng thể thấu, lấy đâu để tu mà giải thoát. Ngẫm nghĩ đi các bạn, mình uống cà phê mình còn nhâm nhi mà lời Phật dạy không ngẫm nghĩ sao thấu đáo được. Phải ngẫm, suy ngẫm, chữ suy ngẫm trong nhà Phật đơn giản là phải suy nghĩ cho kỹ gọi là chánh tư duy, phải có chánh tư duy mới hiểu thấu.

Không bàn nữa các bạn, rối quá, nhiều pháp môn biết đâu mà tu đi đến sự giải thoát, càng nói càng rối. Nghe lời Phật đi, mình đệ tử của Phật mình nghe lời Phật, bởi chúng ta đều có thượng duyên như nhau mới gặp được bậc thầy vô thượng của trời người đó chính là Đức Phật Thích Ca. Ta không gặp Ngài bằng xương thịt, nhưng ta gặp được Ngài bằng những lời truyền dạy của Ngài còn lại nơi kinh, qua sự diễn giải của các bậc thầy, rất đặc biệt, rất đặc biệt các bạn. Thầy của chúng ta là Đức Bổn Sư dạy như thế nào để đi tới sự giải thoát, quá dễ, quá dễ luôn các bạn. Mà tu được lời quá dễ của Phật thì đó là quá tốt. Ta thoát được khổ như con nai vùng vẫy trong hầm sau của tăm tối chờ chết, thì được bậc hiền sĩ vớt ra. Đức Phật dạy ai trong chúng ta cũng là một bậc, cũng có một bậc hiền sĩ kề cận, ta chẳng bao giờ mời tới bậc hiền sĩ đó, mà cứ giao du với đồ tể, thợ săn, đào hầm sâu tự rơi xuống, nhốt mình trong đó.

Đồ tể thợ săn kia là gì? Là ba tên ác tham sân si, đào đến 10 lỗ sâu vây quanh chúng ta để kìm hãm, đó là ngũ dục – ngũ trần. Ngũ dục là gì? Là tiền tài, là danh vọng, là tình ái, là nhà cửa xa hoa và sự ăn uống đắm đuối trong cuộc đời, đó gọi là ngũ dục. Đơn giản là thứ ở bên ngoài ta muốn tìm kiếm để thỏa mãn cảm giác của chúng ta. Ngũ trần là gì? Năm điều ở bên trong do giác quan nhìn cảnh bên ngoài mà đắm đuối. Như con mắt nhìn thấy cái đẹp thì khen trời khen đất, đắm chìm trong đó. Như tai nghe lời hay thì bỏ cha bỏ mẹ, bỏ nhà bỏ cửa đi luôn, dù phải vào trong rừng. Mũi ngửi mùi ngon ngất ngưỡng ngày đêm. Miệng mà nếm được món thơm rồi thôi chết, chết suốt cuộc đời. Còn những cảm giác trong sự va chạm làm tê liệt thần kinh luôn. Mười thứ đó là mười hố sâu do chính ba tên đồ tể thợ săn tham sân si đã đào ngay trong nhà của chúng ta, cuộc đời này.

Rồi chúng ta cứ ngơ ngác, mình giả khờ, giả ngơ chứ đâu có ngơ có khờ như con nai tơ ngơ ngác, đạp trên lá vàng rớt xuống hầm sâu của những ngũ trần, ngũ dục, chết, rớt xuống rồi mới biết, vì sao? Chờ đến ba tên đồ tể, ba kẻ thợ săn kia thoát sao được. Ba đánh một không chột cũng què, tham sân si cả ba đánh chết nhiều đời vô lượng kiếp rồi. Nhưng dù có ba tên đó đi nữa cũng không thể đánh lại bậc hiền sĩ, bậc hiền sĩ này tuy chỉ có một mình võ công thâm hậu lắm. Bậc hiền sĩ này có đến 8 chiêu thức thượng thừa của võ công, đưa ta giải thoát ta, giúp ta thoát ra khỏi hầm sâu núi thẳm của vô minh đen tối, đắm chìm trong ngũ dục ngũ trần. Bậc hiền sĩ đó có tám chiêu, bậc hiền sĩ đó là gì? Là tâm Phật của chúng ta. Có 8 chiêu mà bậc Thầy Bổn Sư có võ công cao nhất ở trên đời không ai sánh bằng đã dạy.

Chiêu đầu tiên là suy nghĩ cho sáng suốt gọi là chánh kiến, bát Chánh Đạo đó các bạn, có xa gì đâu, có cầu kỳ gì đâu, dễ lắm. Chúng ta cần phải có một sự suy nghĩ sáng suốt đó là Chánh Kiến. Cần có một sự suy nghĩ cho rõ ràng, tỏ tường, thông suốt đó là Chánh Tư duy. Cần phải biết ứng dụng những lời nói phù hợp, ở Việt Nam hay gọi là nhân văn đó mà, cho đẹp, cho hay, cho hiền hòa ái ngữ. Rồi phải có những công việc làm cho đúng, cho tốt và chăm sóc cuộc đời của mình cho phù hợp, phải nỗ lực đúng mức, phải bình tĩnh – Chánh Niệm đó. An lạc, phải vững chãi không vấp té – Chánh Định. Tám chiêu đó thôi, bậc hiền sĩ là tâm của chúng ta đủ sức mạnh để cởi trói cho chính mình, đó gọi là giải thoát, giải thoát không khác gì con nai được giải thoát.

Nếu tu đúng là tu đúng trên con đường Bát Chánh Đạo của Phật, để cởi trói mọi ràng buộc của vô minh do ba tâm tham sân si đày đọa ta trong ngũ dục, ngũ trần. Những điều đó như 10 sợi dây cột chân, cột tay, cột người và tròng cổ ta lại không thể gỡ được. Chỉ có cái tâm thực hành bát chánh đạo mới trở thành một vị hiền sĩ để tự cởi trói cho chính mình, vậy thôi, đơn giản mà, tu đúng là như thế. Đọc kinh, niệm Phật, cúng kiến, bái lạy là một hình thức tạm gọi là phương tiện trong trường hợp ta rối rắm, phiền muộn, cần nương vào để ổn định tâm lý. Những phương thức đó như con nai vùng vẫy dưới hố sâu thôi, tạm được trong lúc đầu nhưng đến phút cuối thì cũng kiệt sức mà chết, ở trong hố sâu mà làm sao thoát được. Nếu không có bậc hiền sĩ gỡ dây đưa lên trên cái hố đó. Nếu không có tâm thực hành tám con đường đạo mà Đức Phật dạy, để từ đó có được khả năng nhìn thấu được nguyên nhân của những cái bẫy do ngũ dục ngũ trần cài đặt, thì ta sao thoát được, ta không thoát được, ta sẽ khổ.

Đức Phật thấy chúng ta khổ và phiền não do mười sợi dây vừa nói trên cột chặt bởi tham sân si, thủ ác gây ra. Rất may Phật lại nhận ra ta có bậc hiền sĩ nơi tâm của Bát Chánh Đạo. Chính vì tu luyện cho rõ trong chánh niệm hơi thở, mà ta có khả năng gỡ rối tất cả mọi sự ràng buộc ta đã cột chặt vào chính mình và quẳng xuống hố sâu của vô minh. Chính cái nhìn sáng suốt mà chúng ta nhận diện được mọi khổ đau, phiền não do nguyên nhân gì, tới từ đâu. Nếu không nhận diện được khổ đau và phiền não, hiểu thấu được nó như thế nào, tới từ đâu, nguyên nhân nào, sao ta có thể thoát. Nếu chú nai kia mà không thấu được cái hố sâu là do người thợ săn đào, phủ lên những vẻ đẹp của ngũ dục ngũ trần, nhất định mon men tới sẽ rớt vào đó chết thôi. Nhưng các bạn, trong kinh Đức Phật nói loài nai rất là thông minh, một lần bị sa bẫy rồi, được giải thoát rồi sẽ không bao giờ bị sa vào bẫy nữa, chúng khôn ngoan biết được và tránh xa.

Con nai của cuộc đời chúng ta cũng có khả năng nhận diện được hầm sâu hố thẳm của vô minh, nếu bậc hiền sĩ là tâm tu luyện trong tám con đường thánh của Phật. Chánh niệm hơi thở nhìn rõ, hiểu được nguyên nhân, lơ mơ như con nai, khờ khạo thấy bẫy mà không biết, rớt xuống rồi được tâm chánh niệm vớt ra. Chúng ta sẽ nhìn thấu được nguyên nhân và không bao giờ lờ mờ như con nai, ngơ ngác như con nai để một lần nữa rớt vào trong đau khổ và phiền não. Ai trong chúng ta cũng khổ đau và phiền não, nằm dưới hầm sâu của vô minh. Nhưng hãy nhớ ngay chỗ rớt xuống đau đớn đó có một bậc hiền sĩ, bậc hiền sĩ đó là tâm Phật tu luyện bát Chánh Đạo. Các bạn và Bảo Thành đã đi đúng vì mình thực tập một chi phần của Bát Chánh Đạo là chánh niệm, mang tâm từ bi để gội rửa mọi dơ bẩn trong tâm thức của mình.

Tâm Từ bi Mu A Mu Sa, nước thanh lương tịnh thủy cam lồ lưu ly gội rửa trần ai, giải thoát chúng sanh, phẩm hạnh cao quý Mẹ Hiền Quan Âm. Ta còn mang ánh sáng gọi là tia lazer đó, ánh sáng siêu việt của Trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang chiếu vào mọi ngõ ngách tăm tối, cắt đứt mọi phiền ưu nghiệp chướng, chặt đứt hẳn. Rồi mang Tỉnh giác của Ma Sa Ốp Uê để chuyển nghiệp quá khứ đã tạo, cắt đứt, dừng hẳn, chuyển nghiệp. Chánh niệm mật thiền quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, hành các pháp thiện là cái gì? Là bảo bối của bậc hiền sư, của bậc hiền sĩ, của đệ tử chân truyền của Phật, có khả năng tháo gỡ cho chính mình, giải thoát chính bản thân. Đừng mơ tưởng sự giải thoát nó bay như chuồn chuồn, như bươm bướm là đà trên cảnh nào. Mà hãy nghĩ rằng giải thoát là có khả năng cởi trói những điều sai lầm, tội lỗi, nghiệp chướng do chính ta tạo ra, cột chặt lấy chính mình.

Ai có thể gở được? Chỉ có người sáng suốt, chỉ có người suy nghĩ và thấu hiểu và chỉ có người lúc nào cũng bình tĩnh, vững chãi, kiên cố. Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất mà Đức Phật dạy trong Tứ Diệu Đế, bài pháp đầu tiên dạy cho năm anh em Kiều Trần Như, pháp môn vi diệu. Còn sau này sự dài dòng về văn tự hoặc diễn tả cho hoa mỹ là những bài phụ thôi, bài chính là Tứ Diệu Đế, bài pháp đầu tiên chuyển pháp luân tại vườn Nai, năm người đệ tử đầu tiên năm anh em Kiều Trần Như đủ nhân duyên lắng nghe. Chúng ta chẳng học điều đó để tu đến sự giải thoát, mơ tưởng đến những huyền nghĩa người ta cài đặt vào hai chữ giải thoát thành Phật, thành tiên, thành thần, thành thánh, quyền năng vô cùng. Phật dạy quán vô ngã ta lại ghép thành một cái ngã mạnh hơn để giải thoát khổ đau bản ngã kiếp người.

Các bạn, con đường tu đúng để đi đến sự giải thoát chính là trở về với bát Chánh Đạo. Chánh niệm hơi thở quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành là pháp môn vi diệu nằm trong Bát Chánh Đạo của thiền quán chiếu, để ta nhìn rõ và trở thành một bậc hiền sĩ tự cởi trói cho mình thoát khỏi hầm sâu, hố thẳm của vô minh, của tội lỗi, của nghiệp chướng. Đừng ngồi đó mà mơ ước những pháp môn vi diệu, học một ngày, luyện một giây thôi là bay. Ngày nay cũng có nhiều pháp môn hay lắm, họ không học, họ không luyện, họ ngậm vô miệng thôi là họ bay lên cột điện, họ nhảy từ nóc nhà xuống, họ không có sợ. Các bạn có biết họ ngậm vô miệng không? Không phải ngậm sâm tìm trầm mà ngậm đá để ngáo, gọi là ngáo đá đó các bạn. Mình không tu như vậy được, mình phải ngậm ở trong tâm con đường Bát Chánh Đạo, chánh niệm, chánh niệm và chánh niệm mãi mới có thể cởi trói cho mình giải thoát.

Hãy trở về khiêm hạng một chút, khiêm tốn một chút, bình thường đi, bình thường thôi. Đừng biến mình trở thành những kẻ dị thường mà hãy bình thường học pháp vô thường của Phật, để trở thành những vị phi thường. Phi thường ở đây là có khả năng nhìn thấu, nhìn rõ, biết được phiền não đau khổ tới từ đâu và có khả năng tháo gỡ, cắt đứt, chuyển hóa. Chánh niệm mật thiền là một trong tám con đường mà Phật dạy giúp chúng ta, để thoát mọi khổ đau và phiền não. Chia sẻ hôm nay để các bạn cùng nhớ, đừng lần mò theo sự hoa mỹ, cứ giả nai ngơ ngác hoài để cạm bẫy cuộc đời đày đọa ta vào hố sâu. Như con nai vàng ngơ ngác bạn biết rồi, rớt xuống hầm bẫy của thợ săn hết ngơ ngác, chết đó. Một lần té là tội lỗi nghiệp chướng, một lần rơi vào vô minh là đời đời đau khổ lắm.

Hãy hiểu thấu đi, suy nghĩ đi các bạn, suy nghĩ cho kỹ, học Phật cần phải suy nghĩ và cần phải sáng suốt. Chánh niệm hơi thở giúp cho chúng ta có sự suy nghĩ sáng suốt, có sự suy nghĩ kỹ, thấu được, hiểu được, biết được, rồi từ đó buông xả, cởi trói để giải thoát sự ràng buộc của ác nghiệp nhiều đời do tham sân si, đắm chìm trong ngũ dục ngũ trần nhiều đời rồi đó, khổ rồi đó. Thôi hãy trở thành bậc hiền sĩ nha các bạn, lấy tâm chánh niệm quán chiếu Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành, có đủ võ công thượng thừa ba tên đồ tể tham sân si chẳng làm được ta đau, chẳng hề làm ta đau. Bạn ơi, hãy trở về với tâm của một bậc hiền sĩ qua hơi thở chánh niệm.

Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con lìa xa kẻ ác, gần gũi với bậc hiền sĩ nơi tâm biết giữ chánh niệm, quán chiếu Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành, để từ từ cởi trói và giải thoát khỏi hầm sâu của ngũ dục – ngũ trần nhiều đời chúng con đã bị đày đọa trong vô lượng kiếp.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn