Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật!
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con tinh tấn miên mật hành trì Mật Thiền Chánh Niệm hơi thở, lan toả tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, hành trì các pháp thiện, quán chiếu thấu rõ Vô thường, Khổ, Vô ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho tất cả mọi người thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tim sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ bi chứng minh.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Trong lúc này, các bạn hãy cùng với Bảo Thành ngồi xuống buông thư tự tại, nhẹ nhàng theo tư thế phù hợp với cơ thể của mình. Lưng giữ cho thẳng, cổ cho ngay, trở về với hơi thở của Chánh niệm vào ra chậm rãi. Hit vào bằng mũi ta phình bụng, ta biết ta hít vào phình bụng ghi nhận cho rõ, thấy cho rõ, thở ra bằng miệng trì mật ngôn. Ta hóp bụng vào ta trì mật ngôn, thấy rõ, ghi nhận cho rõ với các mật ngôn trì tụng trong Chánh niệm của hơi thở để quán chiếu tâm Từ bi, tâm Trí tuệ, tâm Tỉnh giác và Thiện lành, chúng ta mỗi người đều có thể tiếp hiện được năng lượng tha lực của chư Phật vào thân tâm.
Hãy bắt đầu hít vào bằng mũi, phình bụng, thở ra chậm rãi, hóp bụng vào, tổng trì mật ngôn.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 biến)
Các bạn thân mến!
Hôm nay trời dịu mát và tươi như báo hiệu mùa hè sắp sửa qua và mùa thu đang dần tới. Tiết trời giao mùa theo cái lạnh se se. Đặc biệt là ở đây, nơi Tổ Đình chùa Xá Lợi không khí thấy rất tốt cho sức khỏe. Chúng ta mỗi một ngày cứ dần trôi qua có biết bao nhiêu những cái cảm xúc lui tới với chúng ta. Phải chăng cuộc sống này đây chúng ta sẽ phải bị lệ thuộc vào cảm xúc thật nhiều hay không? Mỗi một người tùy theo cái cách mà mình sống, cách đó thiên về cái cảm xúc của con tim hay ý thức của lý trí. Sự khác biệt thật rõ trong cuộc đời giữa cảm xúc và ý thức bằng lý trí. Người đồng tu chúng ta, theo lời Đức Phật dạy, luôn luôn nhìn và nghiên cứu hành trì để cái cảm xúc mà người xưa thường gọi là cảm xúc của bản năng không đè bẹp chúng ta. Mà cuộc đời mỗi người có sự tham dự của lí trí, của tư duy, của suy nghĩ và làm chủ được cảm xúc, cân bằng cảm xúc, làm chủ cái bản năng, cân bằng cái bản năng, không để cho bản năng cảm xúc dẫn dắt chúng ta.
Trong Phật học có bảy loại cảm xúc tóm gọn lại. Mọi cảm xúc cũng chỉ nằm ở trong bảy thể loại này mà thôi. Chúng ta có cái cảm xúc của bản năng vốn có nhiều đời do nghiệp tác thành.
Và cảm xúc thứ nhất là: Vui mừng. Lâu ngày không gặp ai, nay gặp lại vui mừng lắm. Vui mừng rồi đến Hạnh phúc, gặp người quen biết như thân nhân, bạn bè, cha mẹ, ông bà, vui mừng biết bao, thật hạnh phúc. Điều đó ai cũng có sự trải nghiệm, cảm xúc này là cảm xúc của trái tim là bản năng vốn có. Cái thứ ba là: Sân giận bực mình khó chịu đó các bạn. Có những con người gặp ta sân ta giận, ta bực ta khó chịu. Cảm xúc thứ tư là: Buồn tủi. Ai đó người thân lâu ngày không đến thăm, tủi tủi buồn buồn, hoặc tới mà không chào cho ra lẽ cũng buồn buồn tủi tủi. Cái thứ năm là Yêu thích. Cảm xúc của yêu thích mãnh liệt lắm. Thích cái gì rồi không ai cản được đâu. Cái thứ sáu là: Ghen ghét. Ghen ghét rồi thì trời cũng có thể sụp. Cái thứ bẩy là: Hoảng sợ lo âu. Bảy thể loại cảm xúc này gọi theo văn chương một chút của Phật giáo gọi là “Thất tình”. Bảy thể loại cảm xúc tình cảm của con người thể hiện mỗi ngày trong tương tác, trong hành xử đối với người, đối với vật, đối với muôn loài. Bảy thứ cảm xúc này chi phối toàn diện cuộc đời của con người. Người xưa cũng như Đức Phật dạy trái tim (là văn chương để nói, còn cảm xúc là thật rõ ràng để phân tích), ta chọn con tim hay lí trí, tức là ta đi theo cái cảm xúc của mình và để cảm xúc nó dẫn dắt theo cái bản năng hay có lí trí tham dự vào để quyết định cuộc sống? Mình chia sẻ với nhau để hiểu nha các bạn.
Một câu chuyện ví dụ để ta hiểu thấu được sức mạnh của cảm xúc nơi trái tim và cái sức mạnh của lí trí trong sự tu luyện.
Ví dụ thật cụ thể dễ hiểu như: Người quản tượng tức là người huấn luyện voi, giữa con voi và con người cái sức nào mạnh hơn? Con voi có sức mạnh hơn con người gấp một ngàn lần. Con người trước mặt con voi là yếu đuối rồi. Trái tim của chúng ta, hay nói cảm xúc của chúng ta, mạnh như con voi, nó có thể quật chết chúng ta ngay, kềm toả không được đâu. Một anh quản tượng không huấn luyện con voi cho kỹ mà để con voi nó bất kham, nó chống đối, nó trỗi dậy, anh quản tượng bó tay, sẽ nguy hại. Nhưng nếu như anh quản tượng, người huấn luyện voi biết huấn luyện con voi kỹ lưỡng, những con voi có sức mạnh gấp mình cả hàng ngàn lần cũng phải quy phục trước sự điều khiển của người huấn luyện voi. Con voi tượng trưng cho cảm xúc cho con tim. Người huấn luyện voi, anh quản tượng tượng trưng cho lí trí của sự huân tu luyện tập.
Các bạn! Câu chuyện này mình thấy thật rõ mà. Nhiều lần các bạn và Bảo Thành đã bị cảm xúc quật ngã, như cái sự vui mừng quá trớn hoặc là hạnh phúc quá lố, hoặc là giận hờn vượt tầm, hoặc buồn tủi quá đáng, hoặc yêu thích điên cuồng, hoặc là ghen tuông quá cỡ, hoặc là lo sợ hoang mang, không làm chủ được. Cảm giác này, cảm xúc này, ai cũng thấy hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. Nếu như mỗi người để cho con tim hay cảm xúc dẫn dắt, chẳng khác nào để cho con voi giẫm đạp lên mình, chết thôi dập nát thôi.
Khi chúng ta tu, kinh Pháp Cú Đức Phật dạy: “Tâm phải được làm chủ”. Có nghĩa là mỗi người chúng ta phải trở thành người huấn luyện voi, người quản tượng cho tài ba. Tu tập cho rõ ràng để điều khiển được con voi của cảm xúc, để chinh phục được con voi của cảm xúc. Có nghĩa, ta không triệt tiêu giết chết con voi cảm xúc, làm tê liệt cảm xúc, biết dẫn dắt mọi cảm xúc theo cái lí trí của tinh thần Nhân quả, Thiện ác, qua cái Chánh kiến và sự tư duy qua sự tu tập trong Chánh niệm để làm chủ mọi cảm xúc của chúng ta. Làm chủ không phải là để tiêu diệt để trở thành lãnh cảm, tê liệt mà là như cái người nhạc trưởng thật khéo biết hòa âm phối khí đánh nhạc để cho cả bảy anh nhạc công (là bảy cái thất tình kia, bảy cái cảm xúc kia) được hoà âm phối khí cho hay trở thành một dàn nhạc giao hưởng du dương, không tự tung tự tác, mạnh ai người đó thị hiện phô bày. Lý trí được huân tu, tâm được luyện, trở thành nhạc trưởng thật hay để đánh nhịp cho bảy cái nhạc công.
Anh nhạc công đầu tiên là vui mừng.
Anh nhạc công thứ hai là hạnh phúc.
Anh nhạc công thứ ba là giận hờn.
Anh nhạc công thứ tư là buồn tủi.
Anh làm công thứ năm yêu thích.
Anh thứ sáu là ghen tuông.
Anh thứ bảy là hoang mang lo sợ.
Bảy anh nhạc công tượng trưng cho bảy cái cảm xúc của chúng ta, không có gì là đáng sợ, đáng nguy hại. Nó chỉ sợ và đáng nguy hại như con voi không được huấn luyện. Thú tánh dâng trào quá mạnh, phá làng phá xóm, dẫm nát đời ta. Còn nếu như anh voi kia được anh quản tượng được cái tâm có lí trí huân tu rèn luyện rõ ràng, điều khiển được anh voi, anh voi có thể giúp con người làm biết bao nhiêu việc. Trong cái lí trí của sự huân tu, lấy cái tánh biết để nhận thức thật rõ mọi cảm xúc tới lui đều ở trong cái quy luật của Vô thường sanh diệt. Từ đó ta không lạm dụng cảm xúc để cho con voi cảm xúc dẫn dắt chúng ta, mà ta nương vào cảm xúc vốn nơi cái thân người này để cho tâm được sáng, cho cái lí trí có đầy đủ cái nghị lực bình tĩnh vững trãi giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống theo Nhân quả, Thiện ác, luật mà Đức Phật đã khám phá ra chi phối toàn diện cuộc đời vào vũ trụ này.
Các bạn trả lời cho Bảo Thành đi các bạn theo con tim hay lí trí? Nhiều lần các bạn theo con tim rồi tức là đi theo cảm xúc rồi. Vào những mùa tết lễ đó các bạn, ra chợ mà theo sự rung động của cảm xúc thì hết tiền thôi. Thấy không? Thấy hoa thấy quà đẹp là hết tiền, chẳng còn tiền. Và cuộc đời của ta đã cạn kiệt sức lực của mình, năng lượng của mình cũng chỉ vì con voi cảm xúc chạy ngược chạy xuôi dẫm nát tất cả. Đã bao nhiêu lần các bạn vui mừng, hạnh phúc, giận hờn, buồn tủi, yêu thích, điên cuồng, ghen ghét, sợ hãi lo âu? Mỗi một ngày đều có những cái cảm xúc đó các bạn, không đợi đến một tháng, một năm cuộc đời để truy xét đâu. Từ sáng thức dậy cho đến tối, bảy cảm xúc của con tim đó nó thể hiện thật rõ trong các mối tương tác giữa người với người, giữa người với vật, với ông bà cha mẹ, với vợ chồng con cái, với cảnh vật. Rồi những cảm xúc đó nó dằn vặt ta, nó chi phối quá lớn như con voi điên con voi khùng, lại chuốc vào rượu cho say, nguy hại lắm. Phải một lần nhận ra được cái sự nguy hại của cảm xúc, nếu không có sự can dự của lí trí của cái tâm được luyện được tu.
Người thực tập Mật Thiền Chánh niệm tỉnh giác là người đưa cái tâm vào môi trường học vi diệu mà bậc thầy là Phật dạy để tâm ta trở thành anh quản tượng, anh huấn luyện voi tay nghề cao. Điều khiển được mọi cảm xúc của chúng ta trong mọi môi trường thời gian không gian. Hay hay lắm! Ta đã thấy biết bao nhiêu lần con voi làm trò. Ở bên Thái Lan, các nước Phật giáo nguyên thủy, voi là biểu tượng của bậc Thánh. Lịch sử của Đức Phật ra đời cũng liên quan đến con voi trắng. Con voi cảm xúc của chúng ta liên quan tới cái tâm Phật của mình có được hiển lộ hay u tối trở thành vô minh hay không. Thì những nước nguyên thủy người ta huấn luyện voi biết cúng dường Phật, cúng dường chư Tăng. Trong những lễ hội như Phật Đản, ta thấy thật là nhiều các chú voi được huấn luyện xếp hàng cung nghinh chư Tôn, đức Tăng Ni cúng dường rất đẹp mắt. Con voi là tượng trưng cho cảm xúc cho trái tim, cho thất tình rất mạnh. Toàn bộ đời sống của con người bị chi phối bởi con voi cảm xúc này. Phật nhìn thấy rõ khi giác ngộ. Và chính vì cái con voi cảm xúc này không được cái anh quản tượng, anh huấn luyện voi tài ba hướng dẫn, nên từ lâu đời rồi Bảo Thành và các bạn đã bị đầy ải ở trong tam đồ khổ, luân hồi sanh tử hoài không có thoát ra được và đau khổ phiền não quá.
Theo con tim hay lí trí? Theo con tim để cảm xúc dập vùi ta, hay theo lí trí của sự tu tập Mật Thiền Chánh niệm tỉnh giác để trở thành anh huấn luyện voi anh quản tượng. Hay nói cho rõ hơn là trở thành một nhạc trưởng vĩ đại biết đánh nhịp cầm trịch để bảy nhạc công cảm xúc nơi trái tim nhịp nhàng như những phương tiện siêu việt tạo lên những âm thanh tuyệt vời cho cuộc đời của mình. Bạn thấy các nhạc công mà không được huấn luyện kỹ, mạnh ai người đó đánh, nghe điếc tai khó chịu lắm. Và bảy cái cảm xúc của con người rất tự nhiên nếu không được huấn luyện cho rõ thì cảm xúc đó lấn át chúng ta. Lúc vui, lúc buồn, lúc hạnh phúc, lúc giận, lúc hờn lúc tủi, lúc thương, lúc ghét, lúc sợ hãi, nó vần xoay nó vần xoay liên tục trong ngày, ta sẽ trở thành người điên mất thôi. Có khi nào các bạn dằn vặt bởi những cảm xúc, thao thức suốt cả đêm, ngủ hoài mà không được, điên cả đầu. Bạn hét lên chắc điên mất thôi. Vì những cảm xúc, giận cả cuộc đời, giận cả một ngày, giận từ sáng đến tối, buồn, bực bội, ghen ghét. Yêu, yêu đến đắm đuối, nhớ từng giây từng phút. Hạnh phúc, hạnh phúc không ngừng để rồi nó đi rồi không còn trong tầm tay nữa, cứ thế cứ thế mà mong chờ. Rồi vui mừng vui mừng đến mức mở tiệc đãi khách, say xỉn ăn chơi xả láng tối ngày. Các bạn thấy không? Lo âu. Những cái cảm giác này nó chân thật lắm, chúng ta luôn có bảy cái cảm giác, bảy cái cảm xúc này. Không huấn luyện, không đều khiển, ta sẽ khổ mãi.
Vậy nên, hôm nay chúng ta hãy trả lời cho bản thân của mình, để cho con tim là cảm xúc nó đè bẹp ta, hay mời cái tâm của mình tới tham dự vào qua cái sự tu luyện của Mật thiền Chánh niệm Tỉnh giác để trở thành anh quản tượng biết điều khiển voi, trở thành anh nhạc trưởng có thể đánh nhịp cho các nhạc công hát đờn ca như một băng nhạc giao hưởng tuyệt vời.
Các bạn! Phải suy nghĩ thôi, phải tư duy! Sự trải nghiệm phiền não đau khổ hoặc hạnh phúc an vui an lạc của con người rất quan trọng. Bởi cái trải nghiệm cái kinh nghiệm đó cho chúng ta thấy được cái lợi và cái hại để chọn lựa một đời sống tốt đẹp hơn. Đã đồng tu với nhau, ta hiểu thấu, chọn lựa cái con đường lợi lạc cho hạnh phúc và bình an, hạnh phúc và an lạc.
Rất quan trọng! Mật thiền Chánh niệm, ta điều khiển được mọi cảm xúc vui mừng gặp được Pháp, được Phật, được Tăng. Hạnh phúc gặp được Phật, được Pháp, được Tăng. Để từ đó chuyển hóa mọi sân giận, mọi buồn tủi, mọi cái ghen ghét, mọi cái lo âu và sợ hãi. Hai cái cảm xúc đầu là vui mừng, hạnh phúc đó nó sẽ có một cách chân thực trong sự tu luyện của Mật thiền Chánh niệm tỉnh giác để năm cái cảm xúc sau không trở thành gánh nặng đè bẹp ta.
Là người, rất cần vui mừng và hạnh phúc, huân tu và rèn luyện, vui mừng hạnh phúc kia sẽ khởi lên từ cái Chánh kiến trong sự tư duy quán chiếu thật rõ bởi Chánh niệm Tỉnh giác. Các bạn, đừng bỏ phế cuộc đời cho cảm xúc đè bẹp ta. Hãy huấn luyện tâm ta trở thành anh quản tượng huấn luyện voi thật hay, anh nhạc trưởng thật hay để đánh nhịp những cảm xúc của mình một cách nhịp nhàng. Đời sẽ hạnh phúc và vui mừng biết bao.
Chúng ta hãy trở về với hơi thở của Chánh niệm.
Thưa Phật! Thất tình là bảy cảm xúc của con người, nếu không được huấn luyện cho thật rõ nơi Chánh niệm Tỉnh giác, chúng con sẽ khổ não phiền ưu vô cùng. Nương vào Chánh niệm Tỉnh giác của Mật thiền để tâm được làm chủ trở thành người quản tượng huấn luyện voi thật giỏi, điều khiển được con voi cảm xúc của cuộc đời. Huấn luyện chuyên tu trong Chánh niệm Tỉnh giác để trở thành nhạc trưởng thật hay, biết bắt nhịp phối âm phối khí cho tất cả mọi cảm xúc nhịp nhàng cân bằng trong đời sống.
Xin Phật gia trì cho chúng con kiên định và tinh tấn hành trì để làm được điều này.
Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 biến)