Search

4084. Cô Đơn Có Đáng Sợ

Bảo Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Hãy cùng nhau với một lòng thành kính, quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Trong tháng này, theo như lời Phật dạy, tháng Vu Lan nhớ về mẹ cha, biết ơn các Ngài. Một lòng thành kính tưởng nhớ đến các đấng sinh thành đã vãng sanh, chúng con nguyện xin Chư Phật ban rải hồng ân Tam Bảo, năng lượng tỉnh giác tới với quý Ngài. Để quý Ngài nương theo đại hùng đại lực đó mà được siêu sanh Tịnh độ. Chúng con cũng nguyện cầu cho cha mẹ, ông bà hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc và đồng nguyện cho hàng đệ tử của chúng con luôn tinh tấn tu trì Mật Thiền Chánh Pháp lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, hành trì các pháp thiện, quán chiếu Vô thường, Khổ và Vô ngã. Nguyện xin Chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái. Hãy ngồi xuống, chúng ta ngồi xuống cùng với nhau trở về với hơi thở của chánh niệm vào ra chậm rãi, tự tại, buông thư. Hít vào bằng mũi ta phình bụng, thở ra bằng miệng tổng trì mật ngôn ta hóp bụng. Quán chiếu tâm Từ Bi – Trí Tuệ – Tỉnh Giác – Thiện Lành. Nhẹ nhàng biết, nhìn cho rõ, ghi nhận cho rõ mọi cảm xúc, mọi suy nghĩ tới lui. Không phân biệt, không dính mắc, tự tại với tánh biết nhìn rõ, ghi nhận rõ. Hãy bắt đầu hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, tổng trì Mật ngôn, tiếp hiện năng lượng và lan tỏa cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TàMô TàMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (07 biến)

Các bạn đồng tu thân mến! Tháng này là tháng đại phước, người có cái tâm nhớ về cội nguồn với lòng thành kính, tưởng nhớ đến các đấng sinh thành, đến cửu huyền thất tổ, đến những người thân đã quá vãng, giữ tâm thanh tịnh, quán chiếu vô thường sanh diệt, chánh niệm. Người ấy như kẻ đói trên sa mạc tìm được vườn cây đầy đủ hoa trái. Như kẻ khát gục ngã trên sa mạc tìm được nguồn nước, sức sống trở lại. Đức Phật đã dạy và nhắc nhở cho chúng ta thấy cái giá trị tuyệt vời của lòng hiếu thảo, hiếu kính đến các đấng sinh thành. Mùa Vu Lan hiếu hạnh đã đây rồi, ai ai trong chúng ta, trong ngày mùng một này đây luôn biết phóng sanh, biết hồi hướng công đức qua các pháp thiện lành, biết cúng dường, biết làm việc thiện, biết sống thanh tịnh, biết nhìn trở lại cái tâm của mình.

Các bạn, chắc có lẽ trong mùa này đây, khi đi tới chùa hoặc tưởng niệm về các đấng bậc sinh thành đã quá vãng, ai đó trong chúng ta sẽ buồn lắm. Vì nhìn quanh cha chẳng còn, mẹ chẳng thấy, sẽ có những nỗi niềm cô đơn tràn về. Cô đơn tùy theo tình huống, tùy theo hoàn cảnh có giá trị khác nhau. Cần phải hiểu thấu được sự cô đơn trong cuộc đời, sự tai hại và ứng dụng sự cô đơn làm sao để không có tai hại. Theo cái học của cuộc đời về tâm lý, cũng như các bậc giác ngộ đã nhìn thấu về tâm linh, sự cô đơn rất nguy hiểm. Nhiều khi chúng ta sống trong đời có những giây phút thật tuyệt vời, khi đứng giữa không trung bao lao, trái đất rộng lớn chẳng có bóng người mà không bao giờ cảm nhận sự cô đơn. Vẫn vui, vẫn hạnh phúc, vẫn tươi vẫn cười, tự tại một mình. Nhưng có nhiều lúc, giữa cái thế giới hàng tỷ hàng tỷ con người, và xung quanh ta biết bao nhiêu người thân, gần gũi thế mà cô đơn lại tràn về. Nhìn đâu, nhìn ai mình cũng thấy không có sự gắn kết, sự lẻ loi, cảm giác cô đơn ập tới.

Ở cái lứa tuổi mới trưởng thành chưa hoà mình vào với xã hội, tuổi dậy thì đôi khi cũng hoang mang cô đơn. Rồi vào tiếp một bước, đi vào thực sự đời thường, bạn bè giận nhau, không chơi với nhau nữa – cô đơn. Vợ chồng không nhìn mặt nhau – cô đơn. Anh chị em không thể nói chuyện được – cô đơn. Cha mẹ, ông bà không thể gặp gỡ – cô đơn, cô đơn và cô đơn. Rồi thì đâu đó ở quán cà phê trong góc tối lại nghe được khúc nhạc cô đơn của ai đó lặng lẽ một mình ngồi trong bóng tối nhâm nhi ly cà phê đắng. Một người cô đơn ngồi giữa hoang vu, nơi chốn đông người lây nhiễm đến người khác làm cho người khác cũng cô đơn. Thực ra sự cô đơn của con người có cái năng lượng tiêu cực ảnh hưởng đến người khác cũng làm cho người xung quanh bị cô đơn thực sự.

Bạn thử nghĩ trong sự trải nghiệm của cuộc sống, tới một cái chỗ vui và nhộn nhịp bạn bị sự cảm ứng, bạn bị ảnh hưởng và bạn vui, vui lắm. Nhưng bạn tới một nơi buồn, nó buồn hắt hiu, buồn ơi là buồn, buồn lắm! Thì bạn cũng chùng xuống và buồn theo. Buồn có tính cách ô nhiễm thực sự! Hay nói đúng hơn mọi mọi cảm xúc trong cuộc đời, vui buồn sướng khổ đều có sức ảnh hưởng tùy theo cái cảm xúc đó mạnh, mãnh liệt hay chỉ là vừa vừa. Ảnh hưởng đến người thân trong gia đình, đến cộng đồng xã hội. Cái cô đơn thực sự, những bác sĩ tâm lý, những bậc giác ngộ khai thị, ngoài sự ảnh hưởng đến người ngoài nó có một sức mạnh ảnh hưởng nguy hiểm đến chính chúng ta, chính mỗi người chúng ta.

Các bạn, hãy cùng với Bảo Thành nghe về sự nguy hại của những nỗi niềm cô đơn, của những đợt cô đơn, của những cơn sóng cô đơn ập về trong chúng ta, nguy hiểm lắm! Nói về sức khỏe, nói về con người thực tế, đừng nghĩ viển vông tới những cảnh giới huyền bí, huyền vi, thực tế và khoa học đã chứng minh thực rõ. Khi chúng ta cô đơn, cái sự cô đơn nó làm cho chúng ta day dứt, khó chịu, không gắn kết được. Sự lo lắng đó nó ảnh hưởng đầu tiên là đến hệ thống tiêu hoá. Lúc ấy ăn không ngon nhưng cảm thấy đói, gặp món gì cũng muốn ăn, ăn toàn những cái đồ không lành mạnh, vậy nên người cô đơn ăn uống thất thường. Bởi cơ thể lo lắng, tiết ra chất hoocmon, loại hoocmon này làm cho chúng ta cồn cào ruột, bụng chỉ muốn ăn thôi, như con ma đói. Ăn thoáng chốc một vài ngày nhìn lại thấy tăng cân, béo phì, trường hợp này có. Cho nên, các bạn cô đơn mà không biết quán chiếu rất dễ béo phì, ăn uống thất thường, tiêu hoá không có tốt, gây cái chứng rối loạn tiêu hoá, bệnh về đường tiêu hóa, thường tăng trọng bất thường. Và dĩ nhiên cái thứ nhất như vậy rồi, mà tăng trọng bất thường thì hệ luỵ thứ hai kéo theo dễ bị bệnh tim mạch, đột quỵ, đau tim, tắc nghẽn, máu trong mỡ, rất khoa học các bạn! Các bạn nhìn đi, nhìn dưới con mắt khoa học, đây là thực tế. Khi rối loạn tiêu hoá, ăn thất thường, toàn là đồ mỡ thì béo phì, mỡ trong máu, bệnh đột quỵ, đau tim là chuyện rất thường. Các bạn thấy chưa?

Cái thứ ba, chính vì đột quỵ, đau tim bất thường như vậy đó nó làm tới rối loạn não bộ, điện não chạy lung tung không có gắn kết, không theo một thứ tự. Làm cho suy nghĩ của chúng ta chậm lại, không phản ứng nhanh, không sáng suốt. Rồi nó kéo tới cái hệ luỵ thứ tư là tâm lý yếu đuối, dễ bị run rẩy sợ hãi, hoang mang, lo lắng đi đến trầm cảm. Cái thứ năm, nó làm cho chúng ta thay đổi nhận thức, đi đâu cũng thấy cô đơn và sợ hãi, gặp người không gắn kết nói chuyện được. Gặp số đông thì lũi lũi vào bóng tối, lùi lại đằng sau, trở thành tự kỉ, lẩm bẩm một mình như người điên, thích tâm sự riêng tư với búp bê, với cây cối, với đá với rừng, với những vật vô tri. Bởi vật vô tri không có phản ứng nên người đó chẳng có cảm thức nhận xét với những con người bên cạnh để đồng cảm, thông cảm. Họ cảm thấy không có gắn kết, nên mượn vào những cái vật này, vật kia như tri kỉ để thỏ thẻ tâm sự, nên người cô đơn đôi khi chúng ta thấy họ uống ly cà phê mà họ tâm sự với những giọt đắng. Họ nhìn con búp bê mà đắm đuối, họ nhìn cái cây mà trầm mình trong đó, họ nhìn cục đá mà tưởng như trơ trọi giữa đời, đấy, nguy hại! Cái thứ sáu này mới nguy hiểm, họ dễ rơi vào tình trạng lạm dụng về các loại gây nghiện như rượu bia, xì ke ma tuý, ăn chơi. Để chuyển hoá cô đơn họ nghĩ những cái thứ đó có thể làm cho họ biết được mà hết cô đơn. Uống một chén sầu vơi, uống một ly thôi cô đơn nó hết, họ nghĩ như vậy nên dễ gây nghiện. Cái thứ bảy, là họ quên không còn biết chăm sóc cho bản thân, sống tiều tụy, sống bê tha, sống lủi thủi như người khùng người điên. Và cái thứ tám rất nguy hại, nguy hại ở chỗ sự cô đơn còn nguy hại hơn cả khói thuốc chúng ta hút. Đấy, tám điều nguy hại trong trạng thái cô đơn mà ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều.

Bạn có còn nhớ, có những lúc bạn cô đơn chưa? Chỉ một ngày đã tiều tuỵ rồi, có những lúc bạn cô đơn dù chỉ một giây thôi mà hoang phế tâm hồn, mà tan nát trái tim, bạn có cảm nhận thấy không? Những cơn gió lạnh giữa mùa đông nó phủ lên trên đầu, nó thổi ập vào mặt, nỗi cô đơn cũng như thế, chết vùi trong sự lạnh lẽo. Cô đơn thật đáng sợ bởi nó ảnh hưởng đến tâm lý, sức khoẻ của con người. Nó làm hoang phế, hư hại, hư phế cuộc đời của chúng ta. Người đồng tu như chúng ta chẳng sợ cô đơn bởi đã có bửu bối của Phật dạy rồi.

Thời xưa, ở nơi thành Xá Vệ, Đức Phật dạy về cái hạnh người biết sống một mình. Chúng ta cảm thấy một mình cô đơn dù giữa chỗ đông người, nhưng Đức Phật lại ca ngợi cái hạnh biết sống một mình. Khi nói đến sống một mình ta cảm thấy như cô đơn, không phải! Sống một mình như thế nào, hãy nghe cùng với Bảo Thành nhắc về lời Phật. Thuở ấy, có một vị Tỳ Kheo luôn luôn tán tụng, ca ngợi hạnh sống một mình. Bởi vị ấy chỉ sống một mình thôi, đi khất thực một mình, ở một mình, ăn một mình, làm cái gì cũng một mình, không sống chung với ai. Phật nghe qua mời người đó tới để nói chuyện, Phật hỏi: “Ông sống một mình như thế nào, ông nói cho tôi nghe?”. Người đó nói: “Tôi sống một mình, chỉ sống một mình thưa Phật! Ăn một mình, uống một mình, khất thực một mình, tu một mình, cho nên cái sự tu một mình như vậy là cái hạnh người biết sống một mình, thích lắm!” Ở đời mà một mình chắc cô đơn dữ lắm nhưng vị này không thấy cô đơn. Phật mới nói với ông ấy rằng: “Điều ông vừa nói là rất tốt, nhưng tôi biết một phương thức nhiệm mầu hơn trong hạnh người biết sống một mình”. Ông ta lắng nghe và nói rằng: “Thưa Phật, xin hãy dạy cho con.” Phật nói: “người biết sống một mình là người không còn dính mắc, luôn hiện hữu trong chánh niệm của hiện tại. Giữa rừng hoang, giữa sa mạc hay giữa chốn chợ búa đông người, người ấy không hề dính mắc, chánh niệm tự tại, đó chính là người biết sống một mình. Bởi người đó khi chánh niệm hơi thở trong hiện tại biết sống một mình như thế, thì quá khứ đã đi qua chẳng bao giờ bám víu, tương lai chưa tới chẳng bao giờ cầu mong, hiện tại nơi đây chánh niệm tỉnh giác”.

Các bạn thấy không? Người biết sống một mình là người biết chánh niệm tỉnh giác trong hơi thở. Dù ở rừng sâu núi thẳm, sa mạc mênh mông hay giữa rừng người ồn ào ta vẫn tự tại. Chẳng phải trốn ở đâu, chẳng phải lùi vào đâu, và người ấy chẳng bao giờ níu kéo quá khứ. Phải chăng những cái cô đơn của chúng ta ập về xâm chiếm tâm hồn là vì quá khứ của một thuở nào đó đã ra đi. Người níu kéo quá khứ thường ngồi thì thầm một mình, tôi đã từng sung sướng, tôi đã từng có vợ có chồng, tôi đã từng yêu, tôi đã từng giàu, tôi đã từng có quyền lực, tôi đã từng, tôi đã từng và tôi đã từng,… Cứ thế họ bị cô đơn trong hiện tại bởi cái quá khứ của một thuở nào đó huy hoàng, oanh liệt chẳng còn. Người ôm ấp quá khứ như vậy thường rơi vào cô đơn. Cũng như tôi đã từng có cha có mẹ, nay cha mẹ mất cứ thế mà níu kéo khóc than sẽ cô đơn. Và cô đơn thì dĩ nhiên sẽ bị bệnh như những điều chia sẻ vừa rồi. Và có những con người lại trầm mình trong tương lai, đau khổ quá, buồn quá thì lại nghĩ rằng “ôi, tương lai tôi sẽ là anh hùng hảo hớn, tôi sẽ là vua là chúa, tôi sẽ là hoàng hậu hoàng tử, tôi sẽ là người giàu, tôi sẽ thành công, tôi sẽ trẻ, tôi sẽ và tôi sẽ,…” Hai chữ “tôi đ㔓tôi sẽ” đôi khi chúng ta biến mình trở thành ảo tưởng rồi trầm cảm bởi sự trầm mình trong quá khứ, đắm mình trong tương lai. Ảo tưởng, trầm cảm là cơn bệnh nguy hại và những dấu hiệu vừa rồi như Bảo Thành vừa nói là những dấu hiệu cần được phát hiện để nhận thức rằng chúng ta đang dần dần rơi vào cô đơn, nguy hại đến sức khoẻ vô cùng. May mắn quá, Bảo Thành và các bạn không bị rơi vào trạng thái đó, dù có nhiều lúc ta đã cô đơn thực sự, nhưng nay thì không, hết rồi, vui rồi, vì sao? Vì mỗi một ngày ta hoà vào cái âm thanh vi diệu của Phật, của Bồ tát, âm thanh của Từ Bi, âm thành của Trí Tuệ, âm thanh của Tỉnh Giác, âm thanh của Thiện Lành qua các Mật ngôn vi diệu vang vọng trong tâm, rung động nơi thân, phát ra thành tiếng nơi miệng qua chánh niệm của hơi thở quán chiếu. Chánh niệm, Tỉnh giác, sống trong hiện tại với tình thương, với sự sáng suốt, với sự tỉnh thức và tâm tánh hiền lành chính là hạnh cao siêu nhiệm mầu nhất mà Phật dạy – hạnh người biết sống một mình.

Bạn và Bảo Thành từ hồi xưa đến giờ sống một mình là sống tách rời xã hội, chui vào trong rừng lập thất, chui vào trong am, chui vào trong cái thất đóng cửa lại, có cái lỗ nhỏ nhỏ nhập thất vùi mình trong đó, thảy cái đạch một cái có miếng ăn có chai nước, không phải! Đó chẳng phải là sống một mình, mà sống trốn tránh. Sống một mình là sống chánh niệm tỉnh giác để nhìn thấu nhìn rõ, biết rõ biết thấu, ghi nhận vạn pháp tới lui sanh diệt, tự tại ngay trong hiện tại, đó là hạnh người biết sống một mình. Thẩy bạn vô giữa thành phố ồn ào đông người, bạn chẳng cô đơn, chẳng bị lôi kéo, bạn vẫn tự tại bởi luôn sống chánh niệm hơi thở tỉnh giác. Sống trong bờ vực thẳm, dưới vực sâu, trong rừng, nơi sa mạc, bạn cũng tự tại bởi chánh niệm tỉnh giác. Thật là tuyệt vời phải không các bạn? Cô đơn không đáng sợ, nhưng rất đáng sợ nếu cái cô đơn đó ta không hiểu thấu ta sẽ bị bệnh. Người cô đơn dù chỉ một giây, một thoáng trôi qua thì đầu đã bạc, mặt đã tiều tuỵ, sức khỏe đã yếu rồi. Đấy, các bạn thấy đấy! Thấy như vậy để chúng ta phải ngăn ngừa sự cô đơn tới với mình và phải thấy cái hạnh một mình Đức Phật dạy để luôn luôn Chánh niệm, Tỉnh giác, Từ Bi, chẳng còn dính mắc. Hạnh người biết sống một mình chẳng phải là cô đơn, là hạnh cao quý nhiệm mầu. Người mà không biết cái hạnh này dễ rơi vào trạng thái cô đơn bệnh hoạn vô cùng. Cho nên cô đơn đáng sợ với những người không hiểu biết, cô đơn đáng mừng vì chẳng còn gọi là cô đơn mà là hạnh người biết sống một mình. Hạnh người biết sống Chánh niệm và Tỉnh giác.

Hôm nay chia sẻ như vậy, để nếu như có bạn nào đã vào trong những cơn một mình, tự hoang phế trong cô liêu, hãy nhớ đừng đi sâu nữa, hãy Chánh niệm Tỉnh giác để không còn cô đơn. Còn bạn nào nghe rõ về cái hạnh mầu nhiệm “Người biết sống một mình” thì chúng ta đây đang sống một mình giữa chỗ đông người, đang sống một mình giữa chốn đông người ồn ào phố thị như chúng ta là hạnh của người thường xuyên chánh niệm tỉnh giác trong hơi thở của từng ngày, chẳng còn dính mắc. Mỗi một ngày trôi qua, hơi thở chánh niệm tỉnh giác, hơi thở chánh niệm từ bi, hơi thở chánh niệm trí tuệ, và hơi thở chánh niệm thiện lành. Bốn báu vật vô giá, bốn viên dạ minh châu bừng sáng dưới ánh tuệ quang của mười phương Chư Phật Bồ Tát. Chúng ta không bao giờ cô đơn, chúng ta luôn tự tại, thần thông là tự tại. Nếu bạn tự tại được trong chánh niệm hơi thở, bạn là người có thần thông. Điều này cần chú ý!

Các bạn thấy chưa? Cho nên dù mùa Vu Lan nếu nhớ lại mẹ cha chẳng còn, chánh niệm hơi thở tỉnh giác thì chẳng còn cô đơn. Trong cái hoà âm của chánh niệm và tỉnh giác kia, ta sẽ lại nhìn được thấy hình dáng, hình dung của các đấng sinh thành trong chánh niệm hơi thở luân lưu trong tâm thất của chúng ta.

Các bạn, cô đơn hay không cô đơn, mỗi người chúng ta tự biết. Nhưng theo hạnh người biết sống một mình của Đức Phật dạy, mọi nỗi niềm cô đơn của đời người sẽ chẳng còn là sự nguy hại tới lui với chúng ta. Ta sẽ khoẻ, ta sẽ vui, ta sẽ hạnh phúc và ta sẽ luôn luôn tỉnh giác trong chánh niệm, chẳng còn dính mắc, thần thông tự tại là thế. Đừng để cô đơn chiếm cứ đời mình. Các bạn ơi, thôi chúng ta trở về với hơi thở chánh niệm.

Thưa Phật! Cô đơn đáng sợ gây ra bệnh hoạn, đau khổ và phiền não, sống một mình là hạnh mầu nhiệm Phật đã dạy. Chánh niệm, Tỉnh Giác chẳng còn dính mắc là hạnh mầu nhiệm người biết sống một mình, chẳng cô đơn giữa thế giới hàng tỷ người. Xin Chư Phật gia trì cho chúng con luôn hành trì Mật thiền Chánh niệm, Tỉnh Giác.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn tiếp hiện năng lượng, sống hạnh một mình, Chánh niệm, Tỉnh giác.

Mu A Mu Sa – NamMô TàMô TàMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (07 biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn