Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập
Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Chúng ta hãy một lòng thành kính quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con tinh tấn miên mật hành trì mật thiền chánh pháp, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, hành trì các pháp thiện, quán chiếu các pháp đều là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho hàng đệ tử của chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bạn tay trái. Chúng ta hãy ngồi xuống thong dong và tự tại, đưa tánh biết nhận thức qua hơi thở chánh niệm. Mọi cảm xúc, mọi suy nghĩ, mọi hiện tượng qua tâm, nhận biết nơi thân từ bên ngoài hoặc ở bên trong đều ghi nhận thật rõ trong sự tác ý, quán tưởng tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành, với các mật ngôn vi diệu Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U, chúng ta sẽ tiếp hiện được nguồn năng lượng tha lực từ chư Phật để chuyển hóa nghiệp thức của mình.
Hãy bắt đầu hít vào bằng mũi phình bụng ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)
Các bạn, chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự biến động toàn cầu chỉ trong chớp mắt, với thế giới mạng ai cũng có thể biết được. Biến động về sự thăng hoa trong các nền khoa học như y học, xã hội học, thiên văn học, kinh tế học, tất cả các môn học. Mà sự tiến bộ thăng hoa của nhân loại toàn cầu hình như tới tai của chúng ta rất chậm, vì mấy ai trong chúng ta có cái tâm nghiêng về những điều tốt đâu. Ngược lại sự biến động trên toàn cầu về những tội ác, về những cái xấu, về sự tranh giành quyền lợi, về đấu đá đè bẹp lẫn nhau, vì quyền lực, vì ngôi báu qua tiền tài ghen tuông, chỉ một chớp mắt là đầy tai của chúng ta rồi. Trên mạng xã hội thông tin đại chúng vượt xa tầm người ta khó nghĩ tới, là thông tin thuộc về thể loại càng ác, càng xấu, càng bất tịnh làm lũng đoạn tinh thần, làm bắt hại người khác ta nghe và thuộc, rồi truyền bá thật nhanh. Cho nên một tin xấu gì đó, ở đâu, của ai, chớp mắt cả thế giới đều biết.
Thực ra mọi hiện tượng luôn xảy ra theo hai chiều tốt và xấu. Nhưng cái tốt ít ai nhìn, cái xấu thật dễ thâu gom cho đầy tâm trí của chúng ta. Con đường mà Đức Phật dạy qua không phải là một nền triết học, suy nghĩ, phân tích, rồi đưa ra một mệnh đề mọi người học theo. Nhưng là con đường của sự huân tu rõ ràng với công hạnh hành trì miên mật, quán chiếu trong chánh niệm hơi thở để thấy rõ sự chi phối của muôn loài, của vạn vật, của vũ trụ. Với mục đích duy nhất là để cho chúng ta, con người và mọi loài không còn bị phiền não đau khổ, có được an lạc và hạnh phúc trong cuộc đời ngắn ngủi. Một quy luật mà Đức Phật tìm thấy và chi phối toàn diện vũ trụ này nhân sinh đó là nhân quả. Mọi suy nghĩ, mọi lời nói và hành vi đều tạo ra nghiệp, theo nhân quả tạo ra nghiệp. Nhân nào quả đó, nhân xấu trổ nghiệp xấu, nhân tốt trổ nghiệp thiện, tốt lắm.
Chữ nghiệp nói chung phân tích cho rõ trong nghiệp thì gọi là cái lực, thường gọi với hai chữ nghiệp lực. Nghiệp nó có lực để dẫn dắt, để kéo chúng ta. Nếu nghiệp mà không có lực không thể chi phối ta được, nhưng nghiệp ta tạo ra là từ suy nghĩ, lời nói và hành vi tạo ra một cái lực, lực thiện hay lực ác, lực bất tịnh hay thanh tịnh. Lực đó nó cộng hưởng nhiều đời nhiều kiếp, trong từng ngày, từng giây, từng phút ta sống, nó chi phối, dẫn dắt mọi suy nghĩ, hành vi và lời nói của chúng ta. Bất cứ một việc gì xảy ra dù chỉ là một hạt bụi bay lơ lửng giữa không trung, đều bị chi phối bởi cái lực của nghiệp. Nhìn rõ được điều này, quán chiếu cho rõ trong chánh niệm hơi thở mới có được sự an lạc. Còn người không thấu rõ được nhân quả, nghiệp lực chi phối trong cuộc đời không thể làm chủ được tự thân, sự suy nghĩ, hành vi, lời nói của mình. Tâm ấy là tâm phóng dật, tâm tán loạn, không được tu, được luyện để làm chủ.
Có nhiều chuyện xảy ra theo thói quen thông thường của mọi người thường nói “Ôi sự việc đó xảy ra cho cô hoặc cho tôi, cho anh hoặc cho chị, cho ông bà, nó tạo ra đau khổ và phiền não, chỉ để chúng ta trả nghiệp mà thôi.”
Nếu nghiệp nó trổ để trả nghiệp thì tại sao biết bao lần ta đau khổ phiền não ta trả rồi mà không hết. Hôm nay mình nói một chút ngay chỗ này thôi, nếu đau khổ phiền não tới là trả nghiệp tại sao ta cứ đau khổ phiền não hoài, trả hoài không hết. Ở đời nợ có trả phải có hết, ngoại trừ người không trả thì cái gốc ban đầu nó đẻ ra con ra cháu, lời lãi triền miên trả không được, nhưng nếu đã trả phải hết. Vậy đau khổ phiền não là trả nghiệp sao không hết phiền não và đau khổ?
Các bạn, chúng ta suy nghĩ như vầy cùng với nhau, ta bị té gãy chân ngay lúc đó mọi người đều nói “Ôi gãy chân như vậy, bị thương như vậy, tai nạn như vậy là trả nghiệp”.
Nhưng các bạn bị té bao nhiêu lần, rồi, trả nghiệp kia té đi té lại, cuối cùng nói mình có nghiệp đó quá nhiều, một cách nói tâm lý nghe an ủi bản thân nhưng không thể hết nghiệp được. Cách nói đó nó làm cho ta rơi vào trạng thái bị động, chấp nhận, chấp nhận. Cho nên chuyện gì xảy ra đau khổ phiền não tới đâu cũng chấp nhận. Chính vì sự chấp nhận như thế trong im lặng, mà biết bao nhiêu sự đổ vỡ đã xảy ra trong gia đình. Té gãy chân, gãy tay biết nghiệp nó trổ rồi, nhưng lại phải biết thêm một điều nữa, nghiệp quá khứ chi phối chúng ta trổ quả gãy chân gãy tay.
Nhưng hiện tại với trí tuệ, với tâm Phật sẽ thành, ta có thể tạo ra nhiều nghiệp tốt hơn để chuyển hóa nghiệp xấu trổ quả gãy tay gãy chân. Ngay cái nghiệp mà nó trổ quả ta đâu có phải là trả để hết, mà ta đã đến thời chịu trổ quả bởi nghiệp xấu về ta. Nhưng chính trong lúc đó ta dùng trí tuệ quán chiếu thì nghiệp trổ quả gãy tay kia là tiền đề để ta xây dựng và tích phước nghiệp mới tốt đẹp hơn. Ta quán chiếu gãy tay này là do nghiệp nó trổ quả, nhưng gãy tay này ta được tạo biết bao nhiêu những thiện nghiệp quán chiếu những người gần gũi yêu thương như bác sĩ y tá, người thân mang tới bệnh viện thuốc thang và ta chủ động phối hợp với bác sĩ y tá người thân uống thuốc kiêng cử để tay mau lành. Đó là sự chủ động dựa trên nền tảng trổ quả bất thiện, bị gãy tay mà tạo được thiện nghiệp biết ơn những người giúp đỡ và giữ tâm thanh tịnh hướng thiện không bối rối, thụ động ngồi đó.
Nếu bạn gãy bạn ngồi đó bạn nói “Trời ơi, cái này là đau khổ đây, là trả nghiệp”
Y tá tới không để y tá chữa, bác sĩ tới không để bác sĩ chữa, người nhà mang vô bệnh viện ta không cho, không phối hợp uống thuốc kiêng cử, trả nghiệp mà thôi trả cho nó hết. Nói như vậy các bạn nói không bao giờ có chuyện đó, nhưng có. Ví dụ trong cuộc đời có những sự rắc rối trong tình cảm của vợ chồng đưa đến cãi cọ, đưa đến những chuyện lộn xộn linh tinh khác. Người ta nói nghiệp nó tới rồi, quả báo tới rồi, đau khổ đó là trả nghiệp ta cứ cam chịu đày đọa của chồng, của vợ, của những chuyện linh tinh gây ra đau khổ, cuối cùng nó bùng nổ, nó đỗ vỡ. Như vậy đâu phải là trả nghiệp, nhưng phải quán chiếu nghiệp kiếp trước nay nó trổ, ta vẫn chủ động tác động để làm cái nền mới để vượt qua, sửa để hàn gắn tình thương yêu.
Tay gãy mà không đi chữa, không chủ động đứng dậy chữa trị, ngồi đó mà kêu trả nghiệp, tay không lành được đâu. Vết thương bị xảy ra không chữa trị phòng ngừa, tẩy rửa, thuốc thang nó sẽ bị thối rữa, đau mãi không hết. Bất cứ vết thương nào, nỗi niềm đau đớn nào chỉ cam chịu bởi vì nghĩ rằng đau khổ là trả nghiệp, ngồi đó cam chịu là người thiếu trí tuệ trong tư duy, có bệnh mà không chữa. Khác thường ở chỗ mà Đức Phật nhận định rằng qua sự giác ngộ của Ngài, mỗi chúng ta có khả năng vượt qua tất cả mọi nghiệp chướng đã tạo. Như trong Tâm Kinh Bát Nhã vượt qua, vượt qua, vượt qua tất cả. Khả năng vượt qua tất cả đó chỉ có thể được thành tựu qua sự quán chiếu nhìn thấu được nhân quả. Nghiệp trổ quả ta vẫn có tâm Phật trong chánh kiến, chánh tư duy để chánh tinh tấn và có chánh định trong chánh niệm vượt qua nó. Đừng chỉ chấp nhận như nghiệp trổ quả nằm ù lì ở đó mà chịu trận cho nghiệp nó vùi dập chúng ta.
Bạn có thấy không có nhiều lúc nghiệp nó trổ vì chữ trả nghiệp ta quá thụ động, nằm im để cho nghiệp nó đè như là ma đè như vậy đó, thoát sao được. Nghiệp đè còn sợ hơn ma đè, nghiệp này là ma thứ dữ gọi là ma chướng của cuộc đời. Nghiệp nó trổ quả nằm đó cho nó đè không thoát được, gia đình tan vỡ, cuộc đời dần dần bị hư phế, không có chủ động đứng dậy. Hãy nhớ tất cả mọi thứ trên đời đều bị chi phối bởi nghiệp, nghiệp quá khứ. Nhưng cái chi phối cả nghiệp quá khứ để hoàn thiện hay làm xấu hơn đều do nghiệp của hiện tại đây. Nếu tâm được làm chủ, được huân tu thì mọi nghiệp quá khứ tâm làm chủ huân tu kia sẽ làm chủ được nghiệp quá khứ. Để quả nó trổ không như ý vẫn trở thành như ý, do chính sự tác động của nghiệp hiện tại trong chánh niệm hơi thở, trong sự quán chiếu. Nhìn thấy điều này bạn sẽ hạnh phúc thôi.
Bảo Thành có một người quen ở trong xóm thôn xưa mình ở, người này tuổi bằng tuổi con cháu thôi, hai mươi mấy tuổi. Vì nhậu nhiều, uống rượu nhiều bị ung thư phổi, bác sĩ nói có thể chết bất cứ lúc nào. Anh ấy cho rằng đây là nghiệp phải trả nên cứ ù lì chẳng sợ, cùi không sợ lở, điếc không sợ súng, uống rượu ngày đêm thêm vào. Sáng sớm thay vì người ta ăn sáng thì em này uống vào cả hai xị rượu, ăn uống thì sơ sài, chẳng muốn làm gì, lê lết chỗ này chỗ kia xin tiền chỉ để uống rượu. Đây chính là sự nhận thức sai, phong bế cuộc đời, làm cho hư phế kiếp người. Rất nhiều người trong chúng ta không bị ung thư phổi để bỏ mặc cuộc đời, nhưng bị ung thư sự suy nghĩ, ung thư cảm xúc, ung thư trong các mối tương tác hàng ngày giữa vợ giữa chồng, giữa cha mẹ, ông bà, giữa người thân, giữa công việc làm, mọi thứ, rồi nói rằng điều này xảy ra là nghiệp trổ quả ta phải trả. Chẳng chủ động chuyển hóa, ù lì cho khối ung thư đó hoành hành cho tới chết.
Hãy nhớ nhà Phật cao siêu ở chỗ chuyển hóa, chuyển hóa ngay hiện tại trong chánh niệm, mọi chuyện chi phối bởi nghiệp quá khứ đều được chuyển hóa bởi tâm niệm trong chánh kiến của hiện tại, bởi nghiệp lực tác ý thiện lành chuyển hóa ngay tại chỗ. Đây là quyền làm chủ mạng sống, đây là sức mạnh mà Phật đã khai thông cho chúng ta khi Ngài giác ngộ. Để chúng ta không bị ông chủ nhân ông của nghiệp thức quá khứ đày đoạ chi phối. Rồi người khác mượn điều đó mà cài đặt ta vào gầm u tối để đau khổ càng đau khổ thêm. Hãy nhớ chuyển hóa, ta có một cái lực thật mạnh trong trí tuệ của chánh niệm, chuyển hóa toàn diện sự chi phối nghiệp quá khứ. Cho nên khi đau khổ tới ta nhận biết quả quá khứ trổ do nhân quá khứ đó, ta trả. Nhưng ta lại có được cái lực mạnh hơn là chuyển hóa quả nhân bất thiện kia thành quả của nhân thiện, chuyển hóa chúng.
Có hai anh em trong một gia đình, cha mẹ mất để lại cho người em út lâu đài cao quý và một công ăn việc làm, buôn bán rầm rộ, tiền nhiều. Nhưng người anh thì khờ khạo chẳng biết làm gì, chỉ biết làm ruộng quanh năm, nên ông bà để lại thật nhiều ruộng, đất đai sình lầy cho người anh khờ khạo kia. Người em thông thái hãnh diện bởi cha mẹ để lại lầu cao, nhà lớn, công việc làm tiền ra tiền vào như nước, nhiều lắm, giàu có. Đến thời kinh tế sụp đổ nghèo khổ chẳng làm được nữa, nhà lầu cao cũng phải bán vào nhà trọ ở. Nhưng người anh khù khờ kia lại đến thời, khang hiếm đất đai, từ vùng thôn quê đó biến thành thành thị, dự án xây nhà cao tầng gần đó. Thế là biết bao nhiêu đất ruộng hôi thối sình lầy trồng lúa năm xưa biến thành đất nền, bán quá nhiều tiền. Từ sự khờ khạo đất sình ôm lấy ruộng đồng để có gạo mà ăn, nay anh ấy được bán đất nền, giàu có phi thường.
Ở chỗ là chúng ta cứ đợi thời tưởng rằng quả nó trổ tốt như người em sung sướng, rồi quả nó trổ xấu như người anh đất ruộng, nhưng nhân quả nó xoay vần lúc thịnh lúc suy. Nếu mình trổ được quả thiện như người em biết trân quý, biết tích lũy và biết làm việc cho đúng trong sự quán chiếu, giàu sẽ giàu thêm. Nhưng chính vì khinh thường người anh của mình, sống ỳ ạch trên sự hưởng của gia tài cha mẹ để lại, đến khi thất thế thì chẳng còn gì. Còn người anh dù sao đi nửa cũng ôm đất sình lầy ruộng đồng của cha mẹ làm ruộng nuôi thân. Cái khờ của người chân thật đã biến thành nền tảng của sự đổi mới, nên giàu có trong chánh kiến. Mỗi người chúng ta cũng như thế, ai cũng hưởng được cái lộc do cái quả bởi nhân thiện tiền kiếp trổ. Nhưng nếu như khờ khạo như người em một mai hết phước sẽ ở nhà trọ, nhà trọ của tham sân si đau khổ dữ lắm.
Còn nếu như chúng ta nhìn thấy dù là sinh lầy cha mẹ để lại, tức là cái nghiệp là cha mẹ của chúng ta để lại ta chăm chỉ trồng trọt, trồng lúa, dưỡng tâm tánh thiện lành, một mai tâm thiện lành hưng thịnh đầy đủ, phúc báu công đức ruộng đồng kia trở thành đất nền của miền chân như. Xây dựng được những nguồn hạnh phúc và an lạc cho nhau. Hãy bỏ ngay tư tưởng đau khổ là trả nghiệp, ngồi ì để chịu đựng, kham khổ để mà trả, không. Nghiệp bất tịnh quá khứ trổ thành đau khổ và phiền não, phải tươi cười và nhận định rằng Phật đã chỉ cho chúng ta có năng lượng của chánh niệm để chuyển hóa, hai chữ chuyển hóa cao siêu vô cùng. Mọi tình huống trong cuộc đời này xảy ra theo chiều hướng xấu xa nhất, cũng được chuyển hóa nếu tâm thanh tịnh, sẽ không đưa đến sự đổ vỡ toàn diện khi nó khởi lên. Nhưng nếu chúng ta ỳ ạch, ỳ ạch không chịu chuyển hóa bằng chánh kiến trong sự tư duy sáng suốt, thì chẳng khác gì như người khờ khạo chất chứa thêm bom đạn vào kho và mồi lửa cho nổ tung ra sau này.
Sự đổ vỡ tới bởi vì chúng ta không chủ động chuyển hóa ngay khi nó tới, mà cứ y ạch ở đó đến khi nó đủ lực rồi không còn sức chống đỡ. Đức Phật dạy bất cứ một chuyện gì ta đều hóa được ngay lập tức trong chánh niệm. Một đời sống chánh niệm Tỉnh giác, Từ bi và Trí tuệ là một đời sống chủ động tạo phước và công đức thiện lành, trong từng giây phút đang trôi qua của cuộc đời. Ta làm mới, ta thay đổi để chuyển hóa, ta không cam chịu cái gọi là khổ đau của nghiệp bất tịnh trổ quả hiện tại, ngồi đó để nó vùi lấp chúng ta, phải chủ động. Trong mật thiền chánh niệm hơi thở, trong sự công phu sớm tối mỗi ngày, chúng ta ai cũng có những quả trổ do nhân bất tịnh nhiều đời ta tạo ra. Nhưng hãy nhớ mật thiền giúp cho chúng ta sáng suốt nhìn rõ, quán chiếu thật rõ, biết thật là rõ, ghi nhận nó và rồi mang tâm từ bi, sự sáng suốt trong tỉnh thức hành trì các pháp thiện lành để chuyển hóa chúng.
Nhân nào không quan trọng, trổ quả nào không quan trọng, chỉ cần ngay hiện tại chánh niệm của hơi thở, của sự tỉnh giác, trí tuệ và từ bi. Chúng ta cầm trên tay chiếc chìa khóa để mở cửa Niết Bàn, để bước qua những sự u mê tăm tối, khổ đau, tận hưởng nguồn an lạc và hạnh phúc ngay bây giờ, tại đây, chỗ này. Hãy bỏ ngay tư tưởng đau khổ tới là trả nghiệp, rồi ngồi ù lì. Nhưng hãy nhận lãnh sự khai thị rằng đau khổ tới là nghiệp trổ quả, chủ động đi trong chánh niệm để chuyển hóa toàn diện, để ta luôn hạnh phúc và an vui. Đó là cách suy nghĩ có lợi lạc, cách suy nghĩ tích cực để chuyển hóa tất cả. Còn không Bảo Thành và các bạn đang ngồi trong vùng tối tăm, trong vũng sâu chờ đợi đất đá của bất tịnh nghiệp trổ quả khổ đau, vùi lấp, chôn lấp mãi mãi mà thôi. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.
Thưa Phật! Ngài đã khai thị và chỉ dạy cho chúng con nhận ra rằng, đúng, đau khổ phiền não tới là quả của nhân bất tịnh cần phải trả. Nhưng chúng con vẫn được Ngài dạy rằng có tự lực trong chánh niệm để chuyển hóa, mà không cam chịu quả bất thiện đang trổ trong hiện thời. Xin gia trì cho chúng con để luôn luôn tinh tấn sáng suốt trong sự tỉnh thức, để chuyển hóa tất cả mọi bất thiện nghiệp không như ý đang xảy ra trong cuộc sống này.
Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)