Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Kính mời tất cả mọi người chúng ta đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho hàng đệ tử chúng con tinh tấn miên mật hành trì Mật Thiền Chánh pháp để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức, thể nhập vào tâm tánh thiện lành, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô thường, là Khổ, là Vô ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà, cha mẹ, tất cả những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho hàng đệ tử chúng con phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả và bệnh tật tiêu trừ. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật từ bi chứng minh.
Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta hãy ngồi xuống, ngồi xuống trong tư thế buông thư nhẹ nhàng, phù hợp với cơ thể. Lưng, cổ cho ngay ngắn buông thư. Chúng ta nhớ Đức Phật dạy rằng: “Lấy Trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ bi để lan tỏa tình yêu thương”. Ngồi xuống hít vào thở ra trong Chánh niệm, quán chiếu tâm Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác, Thiện lành qua các mật ngôn vi diệu là chúng ta được gắn kết với chư Phật, Bồ tát để tiếp nhận được nguồn tha lực yêu thương tới với chính mình, tịnh hóa thân tâm mà lan tỏa năng lượng vi diệu đó tới với muôn người. Khi hít vào các bạn nhớ hít vào bằng mũi phình bụng, thở ra bằng miệng, trì mật ngôn và hóp bụng vào một cách chậm rãi từ từ.
Chúng ta hãy bắt đầu. Hít vào bằng mũi đưa, xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 biến)
Mô Phật! Các bạn đồng tu thân mến! Mỗi một ngày ta đồng tu với nhau là một ngày các bạn và Bảo Thành tiếp nhận được nguồn năng lượng vô biên siêu thế để sưởi ấm tâm hồn của mình, để tưới tẩm vào tận cùng nơi thâm sâu của tâm thức, để gội rửa những phiền ưu ai oán, để làm mới cuộc đời của chính mình, và để như một ngày mới khi hừng dương vừa tới, trong mỗi người chúng ta lại một lần nữa được sống trong nguồn suối tinh sạch Cam Lồ Như Lai của Quan Âm. Một lần sống vĩnh viễn hạnh phúc, an lạc trong Chánh niệm.
Ở đời vẫn thường nói câu: “Nước mắt chảy xuôi”. Và có lẽ chúng ta đã nghe về câu nói này nhiều rồi. Hình như nói nhiều đã trở thành một câu thành ngữ của Việt Nam. “Nước mắt chảy xuôi” nhắc nhở cho phận đời của chúng ta rằng những bậc là cha mẹ hiểu thật rõ: kiếp đời này khi sinh ra con cái thì phận làm cha mẹ sẽ hy sinh tất cả vì con, sẽ làm tất cả vì con, sẽ cho đi tất cả vì con cho tới tận hơi thở cuối cùng. Mà chẳng bao giờ nghĩ và mong cầu rằng: Ở dưới những người con có thể chạy ngược lên bằng tình thương đối với cha mẹ. Tình yêu thương của cha mẹ là tình yêu thương cho đi, là tình yêu thương hy sinh tất cả, là tình yêu thương tận hiến cho con cái, là tình yêu thương sẵn sàng chết vì con cái.
“Nước mắt chảy xuôi”, đúng như thế! Bao nhiêu giọt từ tâm, từ trong trái tim của cha mẹ đã chảy xuôi xuống dòng đời để cho phận làm con trưởng thành được nuôi dưỡng trong an bình. Ngẫm nghĩ càng thấy nó cao siêu, tình của cha mẹ đối với con cái. Cha mẹ không mong rằng một ngày mai khi ta về già con cái lớn sẽ nuôi dưỡng, chỉ mong rằng con cái thành nhân có đức độ, thành tài tự nuôi thân. Sống cho hiền lương, hiểu được chân lý của nhân quả, sống cho tử tế là cha mẹ vui lắm rồi. Nhưng cuộc đời này đâu phải như vậy. Có những đấng bậc sinh thành nuôi con cái những lúc đau không dám kêu, đói không dám nói, lạnh không dám đắp chăn, dành hết phần cho các con. Thế mà có những phận làm con đã đi nghịch lại chân lý, để rồi làm cho cha mẹ, những đấng bậc sinh thành thật nhiều lần, nhiều lúc đã quặn đau và suốt đêm trường khó có thể nhắm mắt được giấc ngủ yên.
Chúng ta có nghe câu nói: “bà có tin tôi là tôi dám giết bà hay không?”. Nghe hơi nghịch lí nhưng có. Sự việc xảy ra là có một người mẹ nuôi con chăm sóc cho con, cha chết sớm làm mẹ đơn thân. Khi con lớn, rồi chẳng biết sao, sa vào đàng tội lỗi nghiện ngập, xì ke, ma túy, lấy hết tiền của của mẹ, lấy tất cả của mẹ rồi. Mảnh đất hương hỏa cũng cầm sổ đỏ lấy tiền ăn chơi. Cuối cùng chỉ còn một chút gọi là túp lều che mưa che nắng cũng đòi bán hết. Người mẹ mới khuyên bảo người con. Trong sự hướng dẫn khuyên bảo đó, người con đã giận và thốt lên câu nói đó: “Bà có tin rằng tôi dám giết bà hay không?”. Người mẹ đau đớn lắm. Và dĩ nhiên chẳng cần phải suy nghĩ nhiều, mỗi người chúng ta đều sẽ đau vô cùng. Dù chỉ là người dưng nghe được cái âm thanh sắc bén, ngỗ nghịch tàn khốc mẹ sẽ buồn sẽ đau muôn đời, huống hồ chi là chúng ta. Cứ tưởng như đó chính là câu chuyện nhưng thực tế chuyện đó đã xảy ra. Không phải một lần mà đã nhiều lần những người trong chúng ta đã được nghe qua cái câu nói hỗn hào, vô ơn như vậy từ những người con đối với cha đối với mẹ. Chúng ta đã thấy những cái cảnh mà con cái đánh đập cha mẹ. Chúng ta đã thấy những cái cảnh mà con cái có cha mẹ bệnh nằm liệt giường, chẳng chăm sóc mà về còn vòi vĩnh, đòi hỏi đủ thứ, hắt hủi. Chúng ta đã thấy cảnh cha mẹ bị con cái bỏ rơi. Chúng ta đã thấy những cảnh cha mẹ con cái không chăm sóc, đầy đọa, đánh đập chửi bới, lấy hết đồ quẳng ra ngoài đường. “Nước mắt chảy xuôi” đúng như thế. Dù sao đi nữa những đứa con ngỗ nghịch vẫn là chủng tử, vẫn là giọt máu của mình nên các đấng sinh thành vẫn ngậm nước mắt chảy ngược vào tim, khắc khoải trong từng giây phút đau đớn, miệng mỉm cười và nguyện cầu cho con một ngày và mỗi ngày luôn an lạc tốt đẹp.
Không đi sâu vào những cái cảnh đó, ta thấy rồi: Nghịch lý ở trong đời luôn có. Nhưng hôm nay mượn cái hình ảnh nước mắt chỉ chảy xuôi nói về con đường đạo của chúng ta.
Các bạn thân mến! Đức Phật của chúng ta là bậc cha lành, là mẹ hiền lương. Ngài luôn luôn chẳng phải là nước mắt chảy xuôi mà là dòng Pháp Vũ. Trí tuệ, tình thương của Ngài luôn xuôi xuống trần gian và rải xuống tràn đầy trên mỗi một phận người nghiệp chướng tràn đầy như chúng ta. Ngài không bao giờ rời bỏ chúng ta, Ngài không bao giờ xoay lưng lại với chúng ta. Ngài luôn luôn từng bước chân an lạc nhẹ nhàng, gõ cửa tâm thức của mình, bước vào để dìu dắt dẫn đưa chúng ta thoát qua biển trầm mê, nhìn rõ những nghiệp ác, từ bỏ, thấu được những nghiệp lành, tinh tấn mà hành. Đức Phật là cha là mẹ của chúng ta. Chúng ta là con của Phật, luôn luôn thương yêu Phật, luôn luôn nghe lời Phật, thực tập pháp tu. Thế nhưng là những đứa con đã đắm chìm trong vô lượng kiếp bởi nghiệp ác, bởi lầm mê. Ta tới với Phật vẫn chưa bằng cái tâm cầu đạo giác ngộ để giải thoát, vẫn bằng cái ý tưởng vòi vĩnh Phật, đòi hỏi ở nơi Phật, chiếm đoạt ở nơi Phật để có được những nhu cầu trong đời sống về tiền, tình, tài, về danh vọng địa vị, về nhà cửa, về sự ăn uống thỏa thích trong cuộc đời, về những nhu cầu rất người dù đã trưởng thành tự lo, nhưng ta chẳng bao giờ dùng cái kiến thức vận hành đời sống. Nhưng trở về với Phật là để ăn bám Pháp Phật nhiệm màu phục vụ nhu cầu đời sống. Và cứ như thế trong hoang phế cuộc đời bằng những cái ác nghiệp tạo ra, phung phí hết cái phước báu, cái công đức của ông bà, cha mẹ để lại cho chúng ta. Thay vì: “Có đức mặc sức mà ăn, Có phước thì cả đời tận hưởng”, nhưng chúng ta đã phế bỏ phước báu, đã tiêu diệt cái đức của mình bằng ác nghiệp. Nhưng cứ chạy về với Phật để đòi, và khi chúng ta không được thoả mãn, những cái lòng tham ước muốn, lầm chấp, chúng ta đã mang Phật từ trong tâm, đã mang Phật từ trong căn nhà chân tâm quẳng ra ngoài đường. Chúng ta đã phỉ báng Phật, chúng ta đã hắt hủi Phật, chúng ta đã đánh đập Phật, chúng ta đã chê bai Phật, chúng ta đã ruồng bỏ Phật và đã xoay lưng lại với chân lý nhân quả. Có! Có khi nào các bạn mất niềm tin nơi Phật chưa? Có! Mất là bởi vì các bạn tới với Phật chẳng cầu đạo giác ngộ giải thoát, nhìn rõ nghiệp quả tạo ra để chuyển hóa và sửa chữa, nhưng chỉ tới với Phật để vòi vĩnh cái sự thần thông, cái sự ban ơn. Hay nói đúng hơn là tới để chiếm đoạt những cái gì mình mong muốn có từ Phật, biến Phật thành con ở, như nhiều người trong chúng ta đã biến cha mẹ thành con ở. Biến Phật thành nô lệ, bởi nhiều người trong chúng ta cũng biến cha mẹ thành nô lệ phục dịch cả đời. Cái tâm như thế làm sao ta thoát khổ được? Đừng đợi đến khi cha mẹ chết, mất cha mẹ rồi khổ, than. Đừng đợi đến khi mắt mờ, chân run, cơ thể bệnh hoạn, già nua mới nghĩ về nhân quả, còn sức đâu để tu?
Các bạn! Dòng Pháp Vũ của Phật luôn chảy xuôi như nước mắt của cha mẹ xuôi về với chúng ta. Chúng ta đừng tự mình lỡ tâm bách hại chính mình bằng cách chẳng tin vào con đường nhân quả Phật đã truyền dạy cho chúng ta. Hãy nhớ, Pháp Phật chảy xuôi xuống cuộc đời, và đời ai đó trong chúng ta đón nhận Pháp Phật, thấu được nhân quả thì cuộc đời đó sẽ luôn hạnh phúc và bình an. Có khi nào bạn nghĩ rằng chúng ta đã trở thành những đứa con ngỗ nghịch với cha mẹ? Bạn có khi nào nghĩ chúng ta đã trở thành những người Phật tử chẳng tới với Phật bằng sự cầu đạo giải thoát mà chỉ tới để vơ vét chiếm đoạt, không được thì hắt hủi, chê bai, gièm pha, không được thì phỉ báng, đánh đập? Có đấy! Bạn hãy bình tĩnh nhìn cho thật rõ về chính cái con đường học Phật của chúng ta ngày nay đang ở cái chỗ nào. Tâm ta nghĩ sao về con đường tu học? Phải sâu lắng lắm, phải tịnh tỉnh, phải tư duy và phải nhìn thấu. Nếu hiểu được cho thấu thì những người con không bao giờ để cho dòng nước mắt của cha mẹ chạy xuôi nữa. Mà ít nhiều gì cuộc đời của chúng ta như Trái đất này cũng còn bốc hơi nước trở lại với trời, đó là sự tuần hoàn của nước. Nước mưa từ trời rơi xuống nuôi sống muôn loài, nhưng ít nhất từ muôn loài hơi nước cũng được bốc lên. Tình thương của cha mẹ xuôi vào dòng đời chảy mãi tới chúng ta. Chúng ta có để một chút nào đó cho cái hương đức độ, cái hương tình yêu bốc lên thấm vào nơi bờ mi khô cạn vì con cái của cha mẹ hay không? Chúng ta có để hương Giới, Định, Tuệ còn bay lên, gởi tới mười phương chư Phật qua cái phẩm hạnh mình tu hay không? Hay tới cái cửa Phật là chỉ để đòi hỏi nhu cầu sống của cuộc đời? Chẳng dụng kiến thức vận hành cho đúng.
Các bạn! Mỗi người trong chúng ta nhất định từng ngày qua phải suy nghĩ, phải suy nghĩ để làm mới cái tâm tưởng của mình trên con đường tu. Phải suy nghĩ để thay đổi cách nhìn đối với cha mẹ, phải suy nghĩ để thay đổi cách hướng tâm về với Phật, con đường Phật truyền dạy cho chúng ta. Không thể hời hợt cho qua một cách vô tâm. Mà cần phải có cái tâm, có cái tâm, cái tầm đạo giải thoát. Đừng chạy theo phòng trào, đừng chạy theo cái loè loẹt của xã hội, cái se xua của cuộc đời. Đừng chạy theo cái danh ảo vọng của bằng cấp, đừng khoe khoang vật chất, đừng tự cao tự đại, đừng hời hợt cho qua. Nếu giọt nước rơi xuống từ trời không thấm vào lòng đất thì đất kia khô cằn sự sống đâu có? Nếu lời Pháp Vũ của Phật không thể thấm vào trong cái sự tư duy, trong cái suy nghĩ để vận hành qua những cái hành vi nghĩa cử, những cách đối xử bằng ngôn ngữ trong đời thường cho tử tế thì tất cả những gì ta làm, ta học, ta tu, ta vịn vào để sống trên đời này nó trở thành vô nghĩa. Dẫu vẫn biết trong đời phận làm con nhiều lúc rất buồn vì cha mẹ, nhưng hãy nhớ cái điều trái nghịch mà cha mẹ đang diễn bày trước mắt chúng ta chỉ là một phần nhỏ của kiếp nhân sinh luôn có. Còn cái tình thương của cha mẹ đối với chúng ta thì vô bờ vô bến, đếm không hết, nhìn không thấu đâu. Chỉ có thể lắng lòng xuống để nghe tiếng trái tim chân thật của chính mình mới hiểu được cha mẹ.
Các bạn! Phật đạo là con đường tình thương, là ánh sáng của sự hiểu biết, là sự tỉnh giấc trong u mê, là sự bác ái đối với nhau mỗi một ngày. Người ta tu ở trên đời chẳng phải là để khổ, khổ hạnh hành hạ thân xác như thời xưa Đức Phật đã một lần trải qua. Đức Phật đi tu và giác ngộ chỉ vì một mục đích là thấy chúng sanh khổ, chúng sanh phiền não, Ngài tu là để tìm con đường hướng dẫn cho chúng sanh hết khổ hết phiền não, được sung sướng và hạnh phúc. Cha mẹ cũng như thế. Các Ngài đã hy sinh tất cả để cho phận làm con như chúng ta được hạnh phúc, được sung sướng, đừng khổ, đừng phiền não. Nhưng ngược lại vì hy sinh cho con cái, biết bao nhiêu cha mẹ đấng bậc sinh thành ăn không dám ăn, bệnh không dám đi nhà thương hốt thuốc, khát không dám uống, đau không dám than, gánh gồng chồng chất năm này qua năm kia để cho con được trưởng thành vững chãi ở trong đời. Chúng ta tu đối với pháp của Phật là để từ bỏ con đường ác, để mang tất cả những phiền não đau khổ trong cuộc đời biến chúng bằng cái tâm thiện, thành an vui và hạnh phúc. Tu là để sung sướng tận hưởng nguồn an lạc qua các pháp thiện mình làm. Tu chẳng phải là hành xác khổ ải. Thấu như vậy mới thấy được Đức Phật là bậc cha lành, là mẹ hiền mẫu thương yêu. Để chúng ta, từ nay tới với Phật, không phải là để vòi vĩnh đòi hỏi, phục vụ nhu cầu cho đời sống con người, biến Đức Phật thành nô lệ, thành người phục dịch cho những điều ta mong muốn. Mà tới tôn vinh Phật là một vị Thầy, là cha là mẹ thương yêu, dìu dắt hướng dẫn ta thoát khỏi những phiền não đau khổ ở trong đời.
“Nước mắt chảy xuôi” là một thành ngữ của người Việt, nhưng đừng để cái hình ảnh của nước mắt chảy xuôi để rồi những người con như chúng ta chửi bới cha mẹ rằng: “Ông bà đó nha, sinh ra chúng tôi thì phải có trách nhiệm nuôi nấng”. Câu nói phản nghịch như vậy sắc hơn dao cứa vào trong tim cha mẹ, đau lòng vô cùng. Đừng mặc định như những người trẻ tuổi vô ơn, nông nổi, não nhỏ nghĩ rằng cha mẹ sinh ra là phải có trách nhiệm với chúng ta. Hãy nhớ! Chúng ta được sinh ra bởi tình yêu của cha mẹ, cũng được nuôi dưỡng bởi tình thương của cha mẹ. Trong tình yêu và tình thương chẳng có trách nhiệm, chỉ có sự hy sinh và tận hiến mà thôi. Nếu bạn không có chút tình thương và tình yêu bạn sao có thể phụng hiến và hy sinh cho cha mẹ được? Và cha mẹ cũng như thế. Cho nên đừng quy chụp rằng với cái thành ngữ rằng: “Nước mắt chảy xuôi” để con cái muốn làm gì thì làm, cha mẹ phải có trách nhiệm. Rất đau lòng cho cha mẹ đấy. Tư duy thôi, suy nghĩ thôi, mình cùng nhau học Phật, mình cùng nhau tư duy về lời Phật dạy, mình cùng nhau hành trì trong Chánh niệm hơi thở để tiếp nhận sự ban rải năng lượng tình thương của Phật tới với muôn loài. Để thắp sáng nguồn tự tâm nhìn rõ nhân quả, bỏ ác hành thiện để sống trong sự tỉnh thức vượt qua u mê, để mang lòng bác ái, rải rộng muôn nơi thì chúng ta nhất định cần phải lắng đọng tâm tư để biết ơn cha mẹ mãi mãi trong cuộc đời này. Đừng phụ ân cha mẹ, đừng mang cái thành ngữ “Nước mắt chảy xuôi” để chúng ta trở thành những người con ngỗ nghịch. Và đừng nghĩ rằng cái thành ngữ “Nước mắt chảy xuôi” là Phật trời có trách nhiệm với chúng ta. Phật trời tới thế gian này để dạy cho chúng ta có trách nhiệm với bản thân và những ai là người trong đời này đều phải có trách nhiệm với bản thân của mình. Và mỗi chúng ta trong trái tim đều có tình thương và tình yêu. Tình thương yêu đó là tình thương yêu luôn sẵn sàng phụng hiến cho tha nhân. Đặc biệt hiếu thảo với cha mẹ và sẵn sàng vì cha mẹ mà làm tất cả những điều cao cả theo thiện pháp.
Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.
Thưa Phật! Xin Ngài gia trì cho chúng con hiểu thấu được đúng nghĩa câu: “Nước mắt chảy xuôi”, sống đúng đạo làm con, xin gia trì cho chúng con.
Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, lan tỏa cho nhau, sống lòng hiếu đạo.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 biến)