Thu Hằng đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.
Mời tất cả các bạn chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tinh tấn miên mật hành trì mật thiền chánh pháp, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, thể nhập vào tâm tánh thiện lành, quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho hàng đệ tử chúng con, thân nhân và gia đình luôn phiền não đoạn diệt, bệnh tật tiêu trừ, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta luôn luôn ghi nhớ lời của Đức Thế Tôn truyền dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, lấy Từ Bi lan tỏa tình yêu thương. Trở về với hơi thở của chánh niệm là trở về cội nguồn của sự sống để tiếp hiện với năng lượng thanh tịnh từ cõi Phật, Bồ Tát qua các mật ngôn ta quán chiếu. Mật ngôn quán tâm Từ Mu A Mu Sa, mật ngôn quán tâm Trí Tuệ Nammô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mật ngôn quán tâm Tỉnh Giác Ma Sa Ốp Uê và mật ngôn quán tâm tánh Thiện Lành Sa Bi Mô U. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành quán tứ nhiếp quán pháp vô lượng của Ngài Quan Âm trong chánh niệm hơi thở, hành trì như vậy mỗi người sẽ đón nhận được và tiếp hiện nguồn năng lượng, tha lực của chư Phật để chuyển hóa, thanh tịnh hóa thân tâm của mình và lan tỏa tới cho mọi người, chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi phình bụng, thở ra bằng miệng hóp bụng vào, tổng trì mật ngôn, lan toả và hồi hướng năng lượng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)
Các bạn đồng tu, chúng ta cứ bệnh hoạn rồi yếu đuối, mất hết năng lượng là bởi vì chúng ta tiêu hao năng lượng quá nhiều cho những chuyện tiêu cực, cũng bởi vì trong mỗi người chúng ta luôn chất chứa những nguồn năng lượng bất tịnh, tiêu cực nhiều. Để rồi ta cứ thế lao đầu vào những chuyện vô bổ, vô ích, tiêu cực hàng ngày và hơn nữa cuộc đời này hai chữ yêu thương nó đã vắng bóng từ lâu rồi, đâu còn hiện hữu trong cuộc đời nữa. Nhìn đâu cũng thấy hận thù, nhìn đâu cũng thấy ghen ghét, tình yêu thương như vắng bóng ngàn đời. Mà mỗi người chúng ta nếu như vắng bóng mà cố tâm tìm còn nhận diện được, nhưng sự vắng mặt của tình thương cộng hưởng với tâm tánh chẳng bao giờ đi tìm tình thương nơi chính cuộc đời của mình, gia đình, xã hội, tác động mạnh mẽ hơn nữa là tánh ghen ghét thường hiện hữu.
Từ đó mà chúng ta bất kể là ông bà hay cha mẹ, là người thân, là chồng hay vợ, là người với người, thậm chí chúng ta đối với cỏ cây, đối với đất đá, đối với thiên nhiên tự tại vẫn căm ghét. Có nhiều người bước vào nhà rồi bước ra nhà rất bình thường thôi, nhưng một hôm vấp té vì sơ ý, ngẩng mặt lên thấy cái cây đằng trước ghét ngay, chắc có lẽ cái cây này nó mọc ở vị trí không hay, phong thủy không tốt làm ta vấp té, đốn ngay, chặt ngay, đốt ngay, cưa ngay. Bất cứ một chuyện gì xảy ra trong cuộc đời này chúng ta bắn liên tục vào những tấm bia của cuộc đời, vì chúng ta mấy ai nhận ra lỗi lầm của chính mình đâu. Cho nên khi lầm lỗi, khi sai trái phải tìm bia đỡ đạn bắn loạn xạ lung tung, cái mầm cũng là do sự ghen ghét.
Nhà Phật gọi mọi tương quan trong cuộc đời đều do nghiệp, nói về nghiệp thì quá mênh mông, nói gọn hơn để chúng ta có thể tóm lại được, nhìn cho rõ để chúng ta tu và sửa cho cuộc đời thêm vui, bớt buồn, thêm an lạc, bớt phiền não. Hình như mỗi chúng ta luôn luôn đi tìm người đỡ đạn cho những lầm lỗi, sai trái của mình, ít có thời gian nhìn thấu bản thân. Từ đó mà trong gia đình hoặc trong tình người, bất cứ một chuyện gì sai trái, nhìn ngang nhìn dọc, bắt đầu là bắn. Vợ chồng cãi cọ, cha mẹ bất an, ly tán, ly thân, ly dị cũng vì cứ cãi nhau, đổ lỗi cho nhau, chẳng nhìn vào mình. Ta cứ tìm người để bắn đỡ đạn cho những sai trái của mình đó các bạn, đó là một trong những lý do. Đức Phật đã dạy và nhìn nhận qua sự giác ngộ, cũng như các nhà tâm lý đã nghiên cứu chúng ta thích tìm bia đỡ đạn, thúch tìm người đỡ cho những lầm lỗi của ta, vì luôn luôn trốn tránh bản thân của mình, tạo tiền đề cho sự ghen ghét trỗi dậy. Khi con người cảm thấy cô đơn, người ta cũng hay ghen ghét nói xấu nhau, ghen ghét rồi nói xấu.
Ở trên mạng xã hội, trong cộng đồng, dù không mang đích danh cái tên tuổi đó nhưng vẫn là những cái hội gọi là hội nói xấu nhau, còn có thể vì kiêng cử che lấp bởi những cái tên cho đẹp, nhưng thật ra đó chỉ là hiệp hội nói xấu nhau. Có nhiều nhóm mạnh hơn đề thẳng luôn tên hội nói xấu. Thế giới này gần gũi với nhau để tán dương những điều đẹp của nhau sao hiếm muộn quá, quá hiếm. Ta gặp gỡ nhau tụm 3 tụm 7 là bắt đầu nói xấu, ghen ghét nói xấu. Có câu ở dân gian nói rằng nếu như có hai người hợp tâm và ghét một người thứ ba, rồi ngồi đàm luận nói xấu nhau, đó là ý của ông trời rồi. Mà trên đời này thật ra không phải chỉ có hai người hợp tâm nói xấu kẻ thứ ba đâu, họ có cả nhóm, cả hội kìa, gần gũi bắt đầu nói xấu, thị phi. Cũng vì sự ghen ghét như những hạt bụi nhỏ tích lũy tìm nhau để tấn công nói xấu người khác, là do cái nhân cô đơn. Cô đơn vì không có tình thương lan rộng để liên kết với mọi người, nhưng có sự ghen ghét, ô nhiễm để móc nối với mọi người, đàm tiếu thành hội nói xấu. Các bạn nghĩ coi có đúng không?
Có khi nào chúng ta ngồi lại với nhau để tán dương công hạnh, nói những lời hay ý đẹp cho người khác đâu, có, rất ít. Nhưng hầu hết là ta bắt đầu xỉa xói, đâm thọc, ta không học cách sống tịch tĩnh như trong kinh người biết sống một mình, mà Đức Phật dạy ý rằng chúng ta phải biết sống trong sự thanh tịnh. Nếu có liên kết với mọi người, liên kết trong sự tán dương, sự tốt đẹp. Nghiệp lực chi phối đời người rất nhiều, lan tỏa mọi ngóc ngách của cuộc đời, chi ly khó tìm. Những điều cơ bản trong cuộc đời mà ghét bỏ nhau, chính như chúng ta vừa được nhắc tới đó là bởi vì ta thích đổ lỗi, tìm người đỡ đạn cho những lầm sai của ta, bởi vì ta cô đơn, thêm nữa chúng ta sợ hãi những điều mới lạ. Một nhóm bạn chơi với nhau có thêm một người mới tới gia nhập vào nhóm bạn, người này có tài thống lĩnh hoặc có một tài nào đó gắn kết, gần gũi hơn, thì bắt đầu chúng ta sợ hãi, sợ họ xâm nhập làm hư hội, hư nhóm, thế là liên kết tấn công ngay.
Chúng ta không thích những điều mới lạ bởi không nằm trong vùng kiến thức của mình, vì chúng ta mất đi niềm tin vào bản thân, mất đi niềm tin vào kiến thức khả năng, gặp những điều mới lạ liền chê ngay. Ngẫm nghĩ điều này thấy có lý, ta cứ chê bai những sáng kiến mới, ta cứ dìm hàng những người mới, rồi ta bắt đầu đánh phá họ cũng vì ghen ghét, ta sợ những cái mới lắm, bạn nhìn đi thấy không. Vậy nên ta cứ ôm ấp hoài niệm những cái cũ, cổ xưa, chẳng bao giờ tiến thân, hội nhập, học hỏi vào những vùng mới mà ngày nay nhân loại, con người khám phá ra, để mang tới sự hòa nhập cho nhau, thay vì đó ta lại chia rẽ và ghen ghét. Để mang tới sự lợi lạc phục vụ cho đời sống con người, thì ta làm khan hiếm để đời sống của chúng ta èo uột, thiếu vắng phương tiện thiện xảo.
Những điều này hiện diện chung quanh cuộc đời của chúng ta, ba điểm đó cộng thêm một điểm cơ bản nữa là chúng ta luôn luôn không cảm thấy an toàn. Vì không an toàn chúng ta cứ chống bám, chúng ta phải bảo vệ mình, chúng ta phải đánh phá, phải tiêu diệt. Vì không cảm thấy an toàn nên chúng ta tăng trưởng sự ghen ghét, loại bỏ những ai hơn mình, đang xâm nhập vào vùng cảm xúc tạm gọi an toàn của cá nhân. Bốn điều căn bản này cũng do nghiệp, mà nghiệp đó là nghiệp vi tế của sân hận biến thành ghen ghét, nên dễ tìm bia đỡ đạn. Nên chúng ta cảm thấy cô đơn, sợ những điều mới lạ, không cảm được sự an toàn của bản thân. Tánh ghen ghét, sự chuyển mình vi tế của tâm sân hận bộc lộ, để từ đó cuộc đời của ta luôn luôn tràn đầy sự ghen ghét lẫn nhau.
Ba đời chư Phật, mười phương chư Phật, các vị Bồ Tát thánh hiền thấy rõ tâm sân sản sinh ra những đệ tử mù quáng, những thành viên điên rồ đó là tâm ghen ghét. Thay vào điều ấy các Ngài luôn phát triển tâm yêu thương. Ghen ghét đầy, sân hận đầy vì thiếu vắng tình thương. Chúng ta đã thiếu đi tình thương giữa tình nghĩa của vợ chồng, giữa cha, giữa mẹ, ông bà, giữa con cái, người thân, bạn bè, giữa các nhóm hội, giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với vật. Thiếu vắng tình thương nên đụng đâu xã hận, xã sân, ghen ghét tuôn ra, giết chóc lẫn nhau bằng tay, bằng dao gươm, bằng miệng, bằng lưỡi, bằng ý tưởng, thiếu vắng tình thương.
Người thiếu vắng tình thương hay không thể thương ai là người không có trí tuệ. Người có tâm từ là người có trí tuệ, người có trí tuệ là người thấu rõ được vô thường. Hai chữ vô thường rất hay, chúng ta hãy xắt lát thật mỏng để hiểu hai chữ vô thường đơn giản hơn. Vô thường ở đây nói đến ngay thân mạng của cuộc đời chỉ trong chớp mắt, chứ không thọ cả trăm năm. Để rồi mỗi người dành dụm thời gian trong tâm ganh ghét, hận thù, mà không phát triển tình thương. Phải quán chiếu đời người ngắn lắm, mong manh lắm, dễ vỡ lắm, nay còn mai mất chẳng ai hay. Một hơi thở vào tuột ra chẳng tìm lại hơi thở được nữa, đã chết rồi. Phải nhìn rõ sự sống và sự chết, ranh giới ở giữa chết và sống nó quá gần, quá mỏng, chớp một cái là xong.
Vô thường ở mạng sống này mỗi người cần phải quán chiếu nhìn rõ thấy ngắn ngủi, thấy đời người mong manh mới thông hiểu đời sống giá trị tuyệt vời khi còn là người. Khi còn là người ta phải phát triển tình thương thôi, vì khi chớp mắt ông bà cha mẹ, vợ chồng người thân, bạn bè biết có còn nữa hay không. Để rồi ghen gét hận thù trong những tâm nhỏ mọn của tâm cô đơn, sợ hãi, bất an, của cái tâm cứ đổ lỗi cho mọi người, thúc giục đẩy đưa bằng sự ghét bỏ nhau. Chư Phật và các vị Bồ Tát nhìn thấu rõ bởi trí tuệ quán chiếu vô thường, mà các Ngài luôn luôn phát triển tình thương và mang tình thương, năng lượng yêu thương vô ngần, không chấp, không phân biệt, tinh tuyền, trong sáng, sạch sẽ, gội rửa, tắm gội và nuôi dưỡng chúng sanh.
Người biết nuôi dưỡng phẩm tánh cao cả là tình thương bằng trí tuệ nhìn thấu vô thường là người khôn ngoan, người ấy sẽ luôn luôn có một đời sống an lạc và hạnh phúc. Người ấy sẽ bớt hận thù, chẳng còn ghen ghét, người ấy không tìm bia để đỡ đạn cho những lầm lỗi, mà luôn luôn lan tỏa để gắn kết tình thương đối với mọi người, mọi chúng sanh. Người có trí tuệ thấu được vô thường, tình thương vô thượng, người ấy chẳng bao giờ cảm thấy cô đơn, đi đâu đều có bạn, tứ hải đều có nhà. Người có trí tuệ nhìn thấu vô thường, tình yêu vô tận, để chẳng còn một chút gì sợ hãi những điều mới lạ, đi tới đâu điều mới điều lạ và trí tuệ thấu được vô thường nên tập trung tư tưởng tiếp thu, nhận diện, học hỏi, nghiên cứu, áp dụng vào đời sống. Người có trí tuệ nhìn thấu được vô thường là người luôn luôn biết yêu thương, yêu thương muôn loài muôn vật.
Người ấy không bao giờ sợ hãi, có dũng khí, đi tới đâu cũng sẵn sàng đi, gặp ai cũng sẵn sàng gặp, việc gì cũng sẵn sàng làm, bởi có trí tuệ thấu được vô thường. Họ không để dành những điều tốt đẹp cho ngày mai, mà họ phải gạt bỏ ngay tâm ghen ghét, thực hiện những pháp thiện hiện hữu trong từng giây phút. Tình thương chỉ có thể có và được khơi dậy lan tỏa nơi mỗi người có trí tuệ, trí tuệ đây không phải là người đầy ắp kiến thức ở đời. Biết bao nhiêu những người có kiến thức ở đời như thủ tướng, tổng thống, nguyên thủ các quốc gia, những nhà kinh tế học, bác sĩ, luật sư, tiến sĩ, kỹ sư, người cao cấp người giàu, chúng ta thấy họ vẫn ghét bỏ nhau vì trí tuệ mà tạm gọi kia chỉ làm mớ kiến thức lập nghiệp kiếm tiền để sống, chẳng phải trí tuệ mà Đức Phật nhắc nhở chúng ta là trí tuệ của sự nhìn thấu vô thường sanh diệt nơi thân mạng của cuộc đời.
Các bạn, phải quán chiếu cuộc đời thật ngắn, kiếp sống là vô thường, có đó rồi mất đó. Không phải như vậy để ta sợ hãi, thấy được cái chết kề cận quán chiếu rõ đời vô thường để yêu thương. Mà muốn yêu thương phải thấu vô thường và trong tình yêu thấu được vô thường là người luôn luôn đồng hành với nhau để thông cảm, để san sẻ, để tăng trưởng sự hiểu biết bằng sự tha thứ và bao dung. Không ai có thể hiểu biết nhau, thông cảm cho nhau, đồng hành với nhau mà thiếu vắng lòng bao dung tha thứ, thiếu vắng bao dung tha thứ là người ghen ghét ích kỷ. Cho nên để đồng hành, để hiểu biết, để đồng sự, để gần gũi mà yêu thương nhau, người ấy nhất định phải có lòng bao dung và tha thứ.
Những chìa khóa rất đơn giản vậy nhìn cho thấu, ứng dụng được vào cuộc đời này, mấy ai trong chúng ta sẽ phải sử dụng đến sự ghen ghét nữa đâu, không, ta sẽ luôn luôn tràn đầy tình yêu thương. Chư Tổ ngàn xưa đã thấy được điều đó, truyền dạy bởi Đức Phật, chư vị Bồ Tát. Trong Thất Bảo Huyền Môn, trong mật thiền chánh niệm đã lấy hơi thở chánh niệm vào ra, trong thiền quán của chư Phật dạy về Tứ Nhiếp Pháp, nhưng chúng ta nhiếp bốn cái tâm – tâm Từ bi, tâm Trí tuệ thấu được vô thường, tâm Tỉnh giác và tâm Thiện lành bác ái, bao dung. Quán chiếu bốn tâm này mỗi ngày và nhận diện thật rõ sự vô thường sanh diệt của đời người, để phát huy tới sự tốt đỉnh của tình yêu, của tình thương.
Mu A Mu Sa là lan tỏa tới mọi người tình thương của ta, Mu A Mu Sa là chư Phật, Bồ Tát ban rải năng lượng nước tình thương, gội rửa phiền muộn, ghen ghét, hận thù đau đớn, phiền não của chúng ta. Chữa lành tất cả để chúng ta có thể một lần nữa đứng dậy trong tình thương chân chính của sự hiểu thấu vô thường. Các bạn, phải tập luyện, phải tu tập, phải rèn luyện mỗi một ngày để phát huy khả năng tuyệt vời đó. Tình thương sẽ không bao giờ thiếu vắng đối với những ai tinh tấn tu luyện mỗi một ngày, để tăng trưởng cái nhìn thấu suốt về mọi cảnh giới, mọi hiện tượng đều là vô thường. Đặc biệt là thấy được đời sống vô thường này, ta sẽ chẳng còn thời gian để cho sự ghen ghét nhau lấn chiếm tâm thức của mình nữa và ta nhất định sẽ đẩy lùi sự ghen ghét nhau bằng tình thương.
Ở đâu có tình yêu thương ở đó có ánh sáng của trí tuệ. Ở đâu có tình yêu thương ở đó có sự hiện diện của mười phương Chư Phật, Bồ Tát, thánh hiền. Ở đâu có tình yêu thương ở đó có sự thông cảm, hiểu biết, đồng hành, đồng sự, ở đó có sự dấn thân hy sinh, có lòng bác ái. Ở đâu có tình yêu thương tăm tối sẽ đẩy lùi, phiền não sẽ chẳng còn, khổ đau sẽ tận diệt. Ở đâu có tình yêu thương mọi vết đau ở trong lòng đều được chữa lành, mọi vết thẹo của tâm đều được tẩy xóa, mọi vết xước trong tâm tưởng đều chẳng còn. Ở đâu có tình thương ở đó có trí tuệ.
Các bạn, đời sống quá ngắn, đừng để tình thương vắng bóng trong cuộc đời. Bạn cứ khổ, Bảo Thành cứ phiền não, chúng ta cứ ghét bỏ nhau là bởi vì ta không có tình thương. Mà để yêu thương nhau thật sự ta phải thấy đời sống là vô thường, chính vì đời sống vô thường đó ta thấu được nên ta luôn bao dung và tha thứ. Ta luôn đặt mình trong mọi hoàn cảnh của những ai ta đang tiếp cận, tiếp xúc, có thể là ông bà cha mẹ, là vợ, là chồng, con cái, bạn bè. Để đồng một hướng với họ, nhìn rõ những tư duy suy nghĩ, những cảm xúc của họ, đồng hành với họ, là tri kỷ với họ để san sẻ. Hiểu biết nhau là hai chữ rất thường, nhưng để hiểu biết phải nhìn thấu, muốn nhìn thấu phải đứng về hướng người ta đang nhìn, không còn sự chống kình đối nghịch nhau. Các bạn, cuộc sống ngắn lắm, đừng để miệt mài lăn theo những cơn dốc của sự sân hận ghét bỏ nhau, mà vững chãi bước lên từng bậc của những nấc thang cung bậc yêu thương, của lòng bao dung tha thứ bằng cái thấu vô thường kiếp đời ngắn ngủi qua sự thực tập chánh niệm hơi thở mật thiền
Quán chiếu khơi dậy tình thương, thắp sáng cái nhìn xuyên suốt của mạng người và luôn luôn sống tỉnh thức bằng lòng bác ái yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Tăng trưởng được những đức hạnh cao quý như thế thì trên đời này tìm đâu ra những hội nhóm nói xấu, ghen ghét nữa, trên đời này chẳng phải người ta và chính mình chẳng còn ghen ghét. Ta đã biết yêu thương và khi ta biết yêu thương, ánh sáng trí tuệ, sự nhìn thấu trong ta sẽ tỏ ngộ từng sát na trong cuộc sống. Các bạn, người ta cứ ghen ghét nhau bởi vắng bóng tình thương, thiếu sự hiểu biết, không rõ vô thường. Các bạn, hãy thực tập thiền định mỗi ngày, hãy thực tập mật thiền chánh niệm hơi thở mỗi ngày để tăng trưởng tình thương, để có sự hiểu biết tốt đẹp hơn và để có cái nhìn thấu rõ vô thường trong kiếp nhân sinh. Mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.
Thưa Phật! Chúng con cứ ghét bỏ nhau vì chẳng bao giờ biết yêu thương, vì luôn đổ lỗi tìm bia đỡ đạn, vì cô đơn sợ hãi, thiếu an toàn, những thứ đó là do sự biến tướng của tâm sân giận trở thành sự ghen ghét hận thù với nhau. Xin gia trì cho chúng con biết phát triển tình thương qua mật ngôn Mu A Mu Sa, biết nhìn thấu vô thường qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, biết luôn luôn tỉnh thức qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, biết bác ái yêu thương qua mật ngôn Sa Bi Mô U.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, đừng ghét bỏ nhau, hãy yêu thương nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)