Search

4061. Cảm Ơn Nghịch Cảnh Giúp Ta Trưởng Thành

Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu. Hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Bổn Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con biết tinh tấn miên mật hành trì Mật Thiền Chánh pháp để lan toả tình yêu thương thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức thể nhập vào tâm tánh thiện lành quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô thường, Khổ là Vô ngã.

Chúng con cũng nguyện cho ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho tất cả mọi đệ tử chúng con tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tim sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ bi chứng minh.

Mời các bạn ngồi với tư thế phù hợp với cơ thể giữ toàn thân buông thư buông lỏng nhẹ nhàng và chúng ta trở về với hơi thở của Chánh niệm. Hít vào phình bụng ta biết hít vào và ghi nhận sự hít vào phình bụng, thở ra cũng như thế rồi chúng ta tổng trì mật ngôn:

Mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi.

Mật ngôn: NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang quán tâm Trí Tuệ để hiểu thấu được Vô thường, Khổ và Vô ngã.

Mật ngôn: Ma Sa Ốp Uê là quán chiếu tâm Tỉnh Giác.

Và mật ngôn cuối cùng là Sa Bi Mô U quán chiếu tâm tánh Thiện Lành.

Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác, Thiện Lành quán trong Chánh niệm hơi thở qua các mật ngôn giúp chúng ta gắn kết mật thiết với chư Phật, tiếp hiện được năng lượng tha lực của chư Phật và lan tỏa tới cho nhau, hồi hướng tới cho nhau.

Hãy bắt đầu hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.

Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoangMa Sa Ốp UêSa Bi Mô U (7 biến)

Các bạn! Hôm nay chúng ta sẽ cảm thấy rằng cuộc đời này nhẹ nhàng hơn khi hiểu thấu được những chuyện đương nhiên sẽ xảy ra trong cuộc đời.

Cuộc đời là một chuỗi dài của những sự sợ hãi tới với chúng ta. Cuộc đời là những chuỗi dài của những phiền não tới với mỗi người. Ở trên đời này nào ai có thể luôn luôn ưng ý được tất cả mọi sự đâu? Chúng ta cứ như ông trời con mong muốn tất cả phải như ý của mình, và khi không như ý, ta phiền não, ta sợ hãi, ta đau khổ. Phải nhìn lại một chút để nhận định cuộc đời theo lời của Phật, mình sẽ an vui khi thấu rõ được lời của Phật dạy. Những câu ví von như là: phải cảm ơn nghịch cảnh đã tới với cuộc đời bởi nghịch cảnh làm cho chúng ta trưởng thành. Một câu nói có vẻ hay nhưng nếu như nghịch cảnh làm cho chúng ta trưởng thành mà ta không hiểu được nghịch cảnh là gì, như thế nào, tại sao chúng lại hiện diện vào cuộc đời của ta thì cũng chưa có rốt ráo.

Biết bao nhiêu nghịch cảnh tới với mỗi một con người. Bảo Thành có quen một người rất thân, người mẹ của cô ấy có một cái mụn như là mụn ruồi mọc ở mũi. Mụn ruồi nhìn xấu to dần lên trên cái mũi, lớn dần bự dần. Cũng phải bốn năm rồi chẳng để ý, thấy nó lớn muốn đi phá để cho nó đẹp, vì ngay cái mũi có một cái nốt ruồi hình thù quá xấu mọc càng ngày càng lớn thì kỳ. Khi đi khám để cắt đi, bác sĩ mới khám phá ra rằng mụn ruồi đó không bình thường như ta nghĩ mà là một cái mụn ung thư ác tính. Nghe thấy như vậy, người mẹ như muốn té xỉu, còn tất cả các con thì bàng hoàng. Đó là một cái nghịch cảnh mà thông thường ta nghĩ như ở trên trời sập xuống, giáng xuống. Bây giờ gia đình đó tâm thái bất ổn, người cha đã mất, nay mẹ lại có một cái mụn ruồi ung thư ác tính ở trên mũi. Hầu hết, các bạn biết không, nghịch cảnh nó tới mà chúng ta không thể kiềm chế được, biết trước được, phòng ngừa được. Khi nó xảy ra thường mang đến sự bàng hoàng, kinh động, sợ hãi, đau đớn tột cùng. Có một người quen Phật tử tại tiểu bang Minnesota này đây, có người vợ thân yêu. Hai vợ chồng lớn rồi, khi người vợ lớn đến tuổi già chân yếu phải ngồi ở xe lăn không tự lo được, người chồng cũng lớn tuổi rồi gần tám mươi rồi. Thay vì người lớn vào trong những nhà dưỡng lão ở bên Mỹ này có sự chăm sóc tốt, có y tế, có đầy đủ phương tiện, có ưu đãi đàng hoàng, nhưng có lẽ sống trong nhà dưỡng lão của một đất nước quá lớn, cộng đồng cùng ngôn ngữ là Việt Nam ít, nên  sự lựa chọn là đi về Việt Nam để cho người con của mình chăm sóc. Không có một vị hoặc một đấng cha mẹ nào khi lớn tuổi mà không nghĩ rằng con cái của mình sẽ giúp đỡ mình. Bà cụ về Việt Nam để người con được nuôi dưỡng mẹ, cũng có tiền hưu, đầy đủ tiền mỗi tháng. Tính ra cái tiền của bà cụ hơn thật là nhiều đối với người làm việc ở bên đó. Tuy nhiên chỉ vài tháng đầu người con chăm sóc nhưng vài tháng sau chẳng muốn chăm sóc mẹ nữa. Vậy là người nhà bên này phải tìm cách để đưa bà cụ vô trung tâm nuôi dưỡng lão ở Việt Nam. Đó cũng là một nghịch cảnh cho bà cụ.

Chúng ta cứ nhìn đi, biết bao nhiêu nghịch cảnh đã tới với chúng ta. Có những cái nghịch cảnh tới hình như đã vùi dập chúng ta vào trong sự sợ hãi, phiền não, mất thăng bằng trong cuộc sống, làm cho chúng ta trở thành nhút nhát, mất ý chí, không còn sức mạnh để vươn lên, khủng hoảng tinh thần. Có phải chăng cuộc đời này nếu cứ bằng phẳng nào ai hơn ai, và nào có được những vị anh hùng kiệt xuất phải không các bạn? Cuộc đời phải có thử thách và thử thách luôn luôn trái nghịch với những điều ta mong cầu. Vậy nên cuộc đời mới xuất hiện những bậc kỳ hùng hảo hớn, anh hùng cái thế bởi những người ấy có thể vượt qua những cái điều trái nghịch đang xảy ra. Chúng ta không hào hùng như những vĩ nhân của lịch sử nhưng sự tồn tại hiện thời của chúng ta đã chứng tỏ rằng mình đã vượt qua rất nhiều những nghịch cảnh trong cuộc sống, những trái ngang trong cuộc đời. Nghịch cảnh giữa sự đối xử của vợ chồng con cái, xã hội, của công ăn việc làm, của hoàn cảnh, của biết bao nhiêu những sự việc xảy ra không như ý, nhưng rồi chúng ta cũng vượt qua, cũng là người hùng của riêng mình, cũng là vĩ nhân đời người của chính mình bởi đã vượt qua nghịch cảnh. Và mỗi một lần chúng ta vượt qua cái nghịch cảnh của cuộc đời, chúng ta thấy trưởng thành hơn về kiến thức về tâm thức. Sự trưởng thành của con người không chỉ nói tới cái trưởng thành của thân xác lớn lên, mà sự trưởng thành của con người còn tính về sự trưởng thành của tâm thức, của kiến thức, của trí thức. Mình học Phật, mình nhìn cái nghịch cảnh tới với chúng ta như thế nào? Phải nhìn rõ theo lời Phật, mình tự tại hơn. Và khi đương đầu với nghịch cảnh không còn sợ hãi, mà có thể mượn cái nghịch cảnh đó như một phương tiện để tương tác phát triển kiến thức của mình, nhìn thấu lý của cuộc đời hơn.

Có hai người bạn thân sống sát vách nhà nhau. Người làm về nghề nông trồng lúa, trồng cây rau cỏ. Một người thì buôn bán. Hai người này chơi thân với nhau. Thói thường ở đời của người Việt Nam thường có cái bàn Thiên cúng kiếng ở bên ngoài và sáng nào cũng thắp nhang cúng bái lạy trời lạy đất. Hai người bạn thân đó ngày nào cũng cùng giờ đó ra vào thắp nhang van vái. Người làm nông van vái: “Lạy trời lạy đất, chư Phật gia hộ hôm nay không mưa để cho lúa rau của chúng con được tốt”. Cái anh bạn buôn bán rầu rĩ cả ngày bởi hôm nay ra trễ có mấy phút thôi mà anh bạn đã cầu mưa rồi, mà mình thì buôn bán cần nắng ấm để bà con đi lại dễ dàng mua đồ. Bạn mình cầu mưa mà mình cầu trễ chắc là ông trời sẽ nghe theo bạn cho mưa vậy thì làm sao? Cho nên buồn lắm nhưng vẫn cầu thì lại cầu rằng: Thưa trời, thưa Phật, thưa đất hôm nay ban cho con được trời nắng ấm để mọi người đi ra đường mua hàng của con. Thì người bạn bên nghe thấy vậy cũng rầu rĩ buồn lắm. Mình trồng rau cỏ, lúa, các thứ mà trời cứ nắng vậy tưới nhiều khổ thì làm sao cây cối phát triển được. Không biết chút nữa trời nắng hay trời mưa nhưng mà hiện tại hai người bạn rất thân có hai cái ý cầu khác nhau, nghe được tiếng cầu khẩn của người khác trong lòng đã phiền não, đã sợ hãi.

Các bạn thấy không? Ông trời có mưa hay có nắng, người xưa vẫn gọi là “ông trời” bởi vậy vẫn cầu trời để ban. Chúng ta lệ thuộc vào ông trời, cầu khẩn van xin ông trời, mỗi người mỗi ý, mỗi người có ước muốn khác nhau tùy theo nhu cầu của cuộc sống. Dù ông trời có ban cho chúng ta thì cũng ban trời mưa rồi trời nắng. Dù là trời nắng hay trời mưa thì cũng phật ý người dưới dân gian đang cầu. Mà nếu như không mưa thì đó là nghịch cảnh của người làm nông. Nếu như không nắng thì là nghịch cảnh của người buôn bán. Câu đó tóm lại Phật nói đã rõ: “Cầu không được là khổ”. Những cái khổ mà ta cho nó là vô lý nhưng đó là chân lý của đời sống. Vậy trong Phật giáo có câu: “Đời là bể khổ”. Bể khổ là bởi vì nó nghịch với chúng ta nhưng nó lại hiển nhiên xảy ra không thể ngăn cản chặn đứng được.

Phật dạy có tám cái khổ cho chúng ta mà hầu hết đó là nghịch cảnh cuộc đời bởi nói trái nghịch với sự mong muốn của mọi người. Cái khổ là sinh ra, sinh ra là khổ bởi sinh ra chúng ta không thể biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra cho mỗi người, cho mỗi ngày, mỗi giây mỗi khắc nên sinh ra khổ. Chúng ta được sinh ra và sống, ta chẳng thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra cho ông bà, cho cha mẹ, cho người vợ ta yêu, cho người chồng ta yêu, cho con cái, cho công việc làm, cho nhà cửa, cho sức khỏe. Đó, cái mụn bình thường nay trở thành ung thư ác tính, cái chuyện bình thường nghĩ là con nuôi nhưng con lại bỏ. Ta không thể biết được chuyện gì xảy ra. Và những chuyện xảy ra hầu hết không như điều ta mong cầu, tạm gọi là nghịch cảnh mang đến sự phiền não đau khổ. Nếu dùng cái chữ “cảm ơn nghịch cảnh vì đã làm ta trưởng thành” tạm gác qua một bên đi. Nay chúng ta hãy cùng nhau nhìn rõ những điều nghịch cảnh là trái nghịch với chúng ta là gì? Nó là sự hiển nhiên tới. Từ từ mình sẽ coi cái sự hiển nhiên đó là gì. Nhưng chúng ta hãy công nhận rằng Phật nói đúng: Hiển nhiên tức là “nó như là”. Nó đã như là thế, chẳng phải vì ta mà nó khác, vì ta nó như ý ta. Nó luôn như thế.

Sinh ra là khổ, già sẽ khổ, bệnh sẽ khổ, rồi chết. Bốn điều đó là sự hiển nhiên của mọi vật sống. Không ai, vật sống nào trốn khỏi. Cái đó thuộc về cái thân tướng sắc tướng này, thật là rõ. Chúng ta sống có thân và tâm. Thân ta sinh ra, thân này sẽ bị già đi và sẽ có những cái chứng bệnh và rồi chúng ta chết. Đó là cái thân. Cái tâm có bốn phần làm cho chúng ta khổ. Nhưng trước khi đi vào cái tâm, nhìn vào cái thân, có phải: Sinh, lão, bệnh, tử là nghịch cảnh không? Đúng! Bởi trên đời này chúng ta luôn luôn muốn tồn tại mãi mãi, không già, không bệnh và không chết. Như vậy thì đừng có sinh ra. Vô sanh thì đâu có già, bệnh, chết. Nhưng nếu sanh ra lại muốn bốn cái điều sinh, lão, bệnh, tử đừng xảy ra, nó vô lý. Đã sinh ra là có già, có bệnh, có chết. Đời đời kiếp kiếp từ cổ đến kim, bất cứ một sự sống nào cũng đều phải bị sự chi phối vận hành hiển nhiên của thành – trụ – hoại – không. Phải nhận diện ra đây là chân lý của đời sống. Đừng phá vỡ, tìm ngược lại, nếu mong cầu ngược lại thì gọi là nghịch cảnh, ứng vào cái câu bốn phần sau – đau khổ của tâm.

Cái đau khổ đầu tiên của tâm là: Cầu mà không được. Cầu gì? Cầu sinh ra không được khổ, cầu sinh ra không bệnh, cầu sinh ra không có già, cầu sinh ra không chết. Có được đâu? Rồi cầu trời mưa cầu trời nắng, cầu mọi điều như ý, có được đâu? Phật dạy: “Cầu không được là khổ”. Cuộc đời phải có sanh có diệt, có hợp rồi có tan. Cái khổ của tâm thứ hai là: Phải chia tay với người mình yêu thương, như trường hợp bị chết, trường hợp bỏ nhau. Đó là cái khổ của đời người, phiền não của đời người và đó là nghịch cảnh. Cầu không được cũng là nghịch cảnh, chia tay người mình yêu thương là nghịch cảnh. Rồi sống gần gũi với những oan gia trái chủ, với những người hoàn toàn không hợp, nói không hợp, làm việc không hợp, sống không hợp gọi là xung khắc về mọi mặt. Khổ dữ lắm! mà cái từ thường gọi là: “oan gia trái chủ”. Đó là nghịch cảnh. “Tôi thiệt là nghiệt ngã, sinh ra trong cái nghịch cảnh con cái không nuôi khi tuổi già, nói chuyện không hợp với chồng vợ, con cái, cha mẹ”, đi đâu cũng khắc! khắc! khắc đủ thứ. Rồi khắc tên nhau vào trong tâm, ám ảnh cái tên đó mà khổ. Cái khổ nữa là cái khổ của ngũ uẩn khổ, của cảm thọ khổ, của tư tưởng suy nghĩ khổ, của sự vận hành thân, tâm, ngữ, ý khổ, của cái nhận thức sai lầm khổ.

Các bạn! Những cái cho là nghịch cảnh là sự tự nhiên, do đâu? Do nghiệp ta tạo. Và do đâu? Do thiên nhiên vận hành. Cái nghịch cảnh tới với chúng ta phải nhìn thấu và nhận ra rằng mọi nghịch cảnh không như ý đều do nghiệp ta tạo. Phật dạy phải tiếp nhận điều đó. Và cái nghịch cảnh thứ hai là nghịch cảnh của thiên nhiên là của sự “như là thế” mà ta thiếu kiến thức để ứng dụng những cái hiện tượng như thế vào đời, không như ý ta nên ta cho là nghịch cảnh. Ví dụ:

Một cơn sóng lớn người tài khôn khéo thì vượt qua, không khéo bị nhận chìm. Ngày nay có biết bao nhiêu những cơn sóng, người ta đã mượn được cơn sóng để tạo ra năng lượng điện, gọi là thủy điện của sóng. Triều cường lên xuống cũng tạo ra điện. Những nhà thể thao mượn sóng để lướt sóng và cơn sóng giúp cho chúng ta tạo được sự vần vũ nơi biển mang oxy tới mọi nơi và đồng thời làm sạch biển, tạo cái sức sống mới, tái tạo lại môi trường cho muôn sinh vật sống ở dưới biển và tạo cho không khí tốt đẹp hơn cho Trái đất này. Mọi hiện tượng xảy ra trong cuộc đời này đều có cái ý nghĩa. Người ta ngày nay càng phát triển vì thấy những điều không như ý là những cái bài học để tiến lên. Trong khoa học, người ta đã tìm ra những chuyện nghịch cảnh đối với ngành y, tức là những điều vượt khỏi tầm tay là kẻ thù số một tiêu diệt mạng sống của con người. Những nhà khoa học về y khoa và y học không dừng bước, chính  những cái nghịch cảnh mang lại sự thử thách lớn để họ tìm hiểu tăng trưởng kiến thức và rồi thay đổi được vận mệnh của con người. Những nhà khoa học gia họ không dừng ở cái chỗ trời mưa trời nắng, mà họ tìm hiểu cái nguyên nhân trời mưa trời nắng và hiểu thấu được để có thể dự báo thời tiết cho người làm nông, thời tiết cho người buôn bán, thời tiết cho người ra biển đi đường sông, thời tiết cho người đi đường hàng không, khi mưa bão tuyết, khi nào cất cánh khi nào hạ cánh giúp ích cho loài người bởi tăng trưởng kiến thức qua sự học hỏi nghiên cứu để phục vụ đời sống con người.  

Những cái nghịch cảnh tới với chúng ta do nghiệp chướng tạo ra để rồi có bốn cái khổ của thân là sinh – lão – bệnh – tử. Của tâm là: cầu bất đắc – muốn cầu nguyện như ý không được, phải chia tay người mình yêu thương, phải sống chung với những người trái nghịch ý, xung khắc và những cái thay đổi của môi trường đi qua những cái cảm thọ suy tưởng, hành xử, nhận thức, gây khổ cho chúng ta. Đó là sự tạo ra bởi nghiệp. Hiểu được điều đó, chúng ta thấy rằng cả cái Thái Dương hệ nghịch cảnh đang xảy ra cho con người này cốt lõi là do nghiệp. Nghiệp ác ta tạo ra tạo thành nghịch cảnh. Nghiệp thiện ta tạo ra trở thành thuận cảnh, xuôi buồm mát mái, thuận buồm xuôi gió là thiện nghiệp. Còn nghịch cảnh tức là chuyện xảy ra không như ý là do ác nghiệp. Người khoa học nhìn thấy nghịch cảnh, tăng trưởng kiến thức để thay đổi. Ta nhìn vào nghịch cảnh thay đổi nghiệp để chặn đứng những cái nghịch cảnh và chuyển hóa chúng.

Ta không phân tích cái nghịch cảnh tới trong đời dưới dạng này dạng kia bởi trong thời gian ngắn gọn, ta hãy nhìn nghịch cảnh và nhận rằng: mọi điều nghịch cảnh là do sự trái nghịch, là do ác nghiệp tạo ra. Còn những cái thuận cảnh là do thiện nghiệp. Và một phần khác là do sự đương nhiên xảy ra của nhân duyên trời đất tạo lên. Những nghịch cảnh như trời mưa trời nắng, những hiện tượng xảy ra không như ý bất chợt tới đều là những cái mang tới sự nhận thức mới. Nếu chú tâm học hỏi nghiên cứu, tăng trưởng kiến thức, thêm ý chí ta sẽ mượn được những sự trái nghịch đó để khám phá vùng kiến thức sâu hơn cao hơn ứng dụng vào đời người. Ngày xưa gặp mưa gặp nắng chẳng phân tích rõ ràng, ra biển chẳng biết như thế nào, sóng gió ra sao, nơm nớp lo sợ. Ngày nay dự báo thời tiết biết và phòng ngừa được những cái sự xui xẻo xảy ra gọi là nghịch cảnh thiên nhiên ập tới. Người mẹ kia giá như hồi xưa, sơ sơ thôi mới phát hiện cái nốt ruồi mà đi khám bệnh thường niên ba tháng, sáu tháng một lần nhất định sẽ có thể phòng ngừa được sớm, nhưng để đến bốn, năm năm trời khi cái mụn nó quá lớn đi khám thì đã ung thư ác tính. Chúng ta thấy sự thành – trụ – hoại – không; sinh – lão – bệnh – tử, Cầu bất đắc, Oan tắng hội, Ái biệt ly, Ấm xí thực những điều mang khổ cho chúng ta đó đều có thể phòng ngừa được bằng cách hành thiện tích đức để chuyển hóa nghiệp ác. Còn những cái chuyện của thiên nhiên xảy ra của Thành – trụ – hoại – diệt, như thân này Sinh – lão – bệnh – tử đều có thể ngừa được nếu chúng ta biết chăm sóc sức khỏe của bản thân, chăm sóc sức khỏe của tinh thần và chăm sóc để trưởng thành về kiến thức.

Cho nên, khi nghịch cảnh tới, nói cảm ơn nghịch cảnh để giúp chúng ta trưởng thành chỉ là một cách nói rất hay, nhưng đúng ra mỗi người phải luôn luôn chuẩn bị cho mình đầy đủ kiến thức, trí tuệ để sống và hiểu biết hơn đối với những hiện tượng “như là”. Phật nói “như là”, có những hiện tượng “như là thế”, có ta hay không có ta chúng cũng xảy ra. Cho nên học đón nhận cái “như là” bằng cái tâm rộng mở, bằng trí tuệ hiểu thấu, ta sẽ tự tại. Còn không, những cái sự biến đổi sinh – lão – bệnh – tử của tâm thức, của thân sẽ gây phiền não, sợ hãi. Nếu vượt qua thì gọi là trưởng thành, không vượt qua thì bị đè bẹp.

Hãy nhớ: Mọi sự việc xảy ra trên đời đều do nhân quả tạo ra. Nhìn gọn và nhỏ như vậy thôi để chúng ta tinh tấn mà tu, chuyển hóa những nghịch cảnh bằng cách hiểu thấu những nghịch cảnh tới với trong đời của ta dưới mọi phương diện đều do nghiệp. Và cái nghiệp đó, cái nhân đó, cái duyên đó do ta tạo ra. Đồng thời, dùng cái trí tuệ quán chiếu trong thiền định thẩm thấu được cái ý nghĩa của Vô thường sanh diệt, ta sẽ tự tại không khổ. Và dĩ nhiên mọi sự thử thách tới trong cuộc đời này, có thể gọi văn hoa hơn, sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn. Nếu như chúng ta có sự chuẩn bị bằng sự tu tập hiểu thấu được nhân quả, hiểu thấu được Vô thường thì muôn sự ở đời xảy ra không còn là nghịch cảnh nữa. Nhưng là phương tiện để chúng ta lướt qua những cái thử thách đó đi đến sự thành công. Ngày nay muôn chuyện xảy ra như là đã được những nhà khoa học, về không gian học, tâm lý học, toán học, y học, mọi cái ngành học ứng dụng cụ thể để mang lại lợi ích cho con người. Chúng ta cũng như thế, mọi nghịch cảnh là sự thiên nhiên tạm gọi như vậy của nghiệp tạo ra. Ta có thể tạo ra nghiệp thiện để xoay chuyển nghịch cảnh đó. Và nếu tạo được cái nghiệp thiện xoay chuyển được nghịch cảnh đó, đó là sự trưởng thành của tâm thức, của tâm linh. Và nếu như hiểu thấu mọi hiện tượng xảy ra thì ta có sự trưởng thành của kiến thức do học hỏi. Trên con đường thành tựu được sự an lạc và hạnh phúc, rất cần sự tu học nhìn, nhận rõ, hiểu thấu. Mập mờ thì chúng ta trong mọi nghịch cảnh là sự xui xẻo của ai đó đổ vào cuộc đời. Còn nếu hiểu được đúng như lời dạy của Phật: Mọi nghịch cảnh đều do nhân quả và ta đều có thể thay đổi được. Sự thay đổi được nghịch cảnh là thay đổi được mệnh số của cuộc đời, tạm gọi là sự trưởng thành hơn trong cuộc sống này khi nghịch cảnh tới với chúng ta.

Các bạn! Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.

Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con nhận rõ mọi nghịch cảnh đã, đang, sẽ tới với chúng con đều do nhân quả, nghiệp của chúng con tạo ra. Xin gia trì cho chúng con tinh tấn tu học để tăng trưởng kiến thức và có được tuệ giác nhìn thấu, để mượn những nghịch cảnh khi tới làm phương tiện hiến thân cho cuộc đời, đạt được sự an lạc và hạnh phúc.

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoangMa Sa Ốp UêSa Bi Mô U (7 biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn