Bảo Đăng đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu.
Mọi người chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con tinh tấn miên mật hành trì mật thiền chánh pháp, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức, thể nhập vào tâm tánh thiện lành, quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện xin chư Phật gia trì cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ và hàng đệ tử chúng con tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy ngồi xuống theo một tư thế phù hợp với cơ thể của mình, giữ lưng và cổ cho ngay ngắn trong trạng thái buông lỏng, buông thư. Hãy trở về với hơi thở chánh niệm, hít vào phình bụng ta biết ghi nhận sự hít vào, thở ra hóp bụng ta biết ghi nhận sự thở ra và tổng trì các mật ngôn, quán chiếu. Mật ngôn Mu A Mu Sa quán tâm Từ Bi lan tỏa yêu thương, mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang quán tâm Trí Tuệ thấu rõ Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, mật ngôn Ma Sa Ốp Uê gắn kết với chư Phật, quán tâm Tỉnh Giác, phá tan mê lầm chấp trược và mật ngôn Sa Bi Mô U quán tâm Thiện Lành trở về Phật tánh chân như, chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)
Các bạn đồng tu, lại một tuần nữa vừa đi qua, thứ hai ngày mới của đầu tuần. Đời người đã có biết bao nhiêu những tuần đã đi qua, mỗi một tuần đi qua như trăng tròn rồi trăng khuyết, nhìn nếu đếm thời gian chắc có lẽ đầu đã phai màu. Những ngày tháng đã qua đi quá nhiều, nhưng trong những ngày tháng qua đi đó hôm nay thứ hai được gọi là ngày mới. Ngẫm nghĩ thử coi trong đời của chúng ta có ngày nào chúng ta làm mới cuộc đời của mình hay không? Hay để cho cái mới của ngày dần trôi và quá khứ trở thành cũ kỹ, mà chưa một lần nào tâm thức ngồi tĩnh lặng để suy nghĩ về làm mới cuộc đời. Trên con đường sống hiện tại của kiếp người, biết bao nhiêu những sinh hoạt thường niên và có biết bao nhiêu những tôn giáo được lập ra. Thời đại mở cửa rộng mở bốn phương, ai ai cũng có quyền sống và tự do tín ngưỡng, là thời kỳ mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới, tuổi trẻ những người kiến thức hoặc tầm học những điều hay đều có cơ hội như nhau, để tìm hiểu các chân lý ảo diệu, các tôn giáo, các nền minh triết, triết học, những lý lẽ hay sống ở đời.
Ngày xưa những điều hay đó tàng ẩn ở trên núi cao, trong rừng sâu. Cho tới bây giờ mỗi người chúng ta vẫn bị ám ảnh con đường đạo cao siêu là phải ở trên núi cao. Đối với Phật giáo được nâng tầm huyền bí mà cả đời hoặc vô lượng kiếp con người không thể hiểu, bởi che mờ bởi hai chữ huyền bí. Huyền bí của Phật giáo hình như không đúng với tinh thần của Đức Phật, Đức Phật vào cuộc trần này không huyền bí, Ngài như thế giới rộng mở để ai ai cũng hiểu. Nhưng ngày nay người ta mang cái rộng mở của Phật để mọi người, mỗi chúng sanh đều hiểu, thực hành được, giải thoát khỏi đau khổ, thành hai chữ huyền bí. Cho nên sơn lâm chướng khí là nơi người ta hướng tới.
Nói đến Phật giáo phải nói đến Hy Mã Lạp Sơn núi tuyết thật cao chọc trời, tuyết phủ quanh năm, hang động ở đó lạnh cóng cả người. Mà bậc nào, ai đó ở đó được vài năm, vài tháng hoặc vài chục năm, không biết chứng ngộ điều gì thì ai cũng quỳ phục, thần lạy sát đất bậc thánh của trần gian giác ngộ. Cứ như vậy trong các câu chuyện về huyền bí Phật giáo, Hy Mã Lạp Sơn là nơi ta đều hướng tới. Đời này phương tiện dữ lắm mới có thể tới Hy Mã Lạp Sơn hoặc gần đó như một cụm núi xa xa như ở Nepal Ấn Độ, như ở Tây Tạng, tụ chung dãy núi dài như thế gọi Hy Mã Lạp Sơn, cao nhân ẩn dật, đạo lý phi thường, thần thông không thể bàn cãi được, hấp dẫn, hấp dẫn.
Nhưng nếu một tôn giáo, một con đường đạo hấp dẫn ở trên đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn chẳng ăn nhằm gì với cuộc đời rất thường của Bảo Thành và các bạn. Nơi thành phố, nơi thành thị, nơi xã hội hiện thời thì đạo đó có nghĩa lý gì đâu, sự cao siêu nhiệm mầu đó có nghĩa lý gì đâu, bởi chẳng giúp ích gì cho những người rất bình thường như chúng ta. Ngẫm nghĩ các bạn thấy không, cuộc sống hiện thời là công nhân, là nông dân, là văn phòng, là những người có kiến thức hoặc đang học hỏi tầng lớp khác nhau, sống rải rác ở mọi nơi với sinh hoạt đa sắc màu. Đạo Phật mà ở trên núi thì xã hội này đạo Phật tìm ở nơi đâu?
Đức Phật thuở xưa Ngài cũng tu ở trên núi, trên rừng, ngồi dưới gốc cây để giác ngộ, nhưng cuối cùng Ngài cũng đi từ rừng, từ núi, từ nơi giác ngộ vào thành thị. Một cái thành nổi tiếng mà Ngài thường lui tới đó là thành Xá Vệ, nơi ấy có kinh vua, có quan, thành phố lớn, tiếp cận với hàng vua chúa quan quyền, tiếp cận với muôn người đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Hình ảnh thôi đã thầm nhắc rằng Đức Phật đã mang con đường chân lý giác ngộ để phá chấp mê, đạt được sự hạnh phúc thoát luân hồi sinh tử, an lạc vô cùng tới với muôn dân, muôn người, muôn tầng lớp khác biệt. Đạo Phật đã nhập vào thế gian, nhập vào cuộc trần, chẳng xa rời như điều huyễn tưởng ngày nay chúng ta mơ mộng, chân lý cao phải ở đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn, đỉnh núi cao. Mà đúng, chân lý huyền diệu thoát luân hồi phải ở trên đỉnh, chuyển ngược một chữ đơn giản, cái đỉnh đó là đảnh đầu của mỗi người biết hướng tới điều vô thượng. Đạo Phật ở trên đảnh đầu của chúng ta, ánh minh tuệ chiếu soi muôn đời, chỉ cần trở về nơi đảnh đầu trong chánh niệm hơi thở ta sẽ thấy.
Đúng như vậy các bạn, đạo Phật ngày nay mỗi một người Phật tử học, mỗi một người trong chúng ta trong thời đại đặc biệt này phải nhìn thấy lời Phật, chân lý của Phật. Đạo Phật nói chung ngay trong cái thế của cuộc đời mỗi người, trong sinh hoạt của gia đình cha mẹ đối với con cái, phải nhìn thấy sự tương tác giữa cha mẹ và con cái có chân lý của Đức Phật, có con đường đạo của Phật giáo. Đó là nhân quả thiện ác, đó là trí tuệ, đó là sự thức tỉnh ngay trong sinh hoạt hàng ngày, đó là tình yêu thương lan tỏa, đó là những ngôi lời ái ngữ thiện lành. Thật là rõ ràng, tình thương, sự sáng suốt trong mọi mối quan hệ, sự tỉnh thức trong mọi hoàn cảnh và từ bi, bác ái, yêu thương trong mọi góc độ của cuộc sống, đó chính là đạo.
Sự khó khăn trong gia đình giữa vợ chồng phải thấy được làm sao mang đạo của Phật, chân lý của Phật thay đổi cách ứng xử giữa vợ giữa chồng. Ứng xử bằng tình yêu thương, ứng xử bằng sự sáng suốt, nhìn cho rõ nguyên nhân tạo ra sự gay cấn, hiềm hận, những trái nghịch. Sáng suốt thấu rõ được cái thiện cái ác, sự đối xử, sự ứng xử, sự ham muốn, sự ghen tuông, sự giận hờn, sự đam mê chấp trược. Phải luôn luôn tỉnh thức, đừng u mê để sa đà vào những con đường cám dỗ của thế gian, ăn uống bê tha, nhậu nhẹt say xỉn, tiêu xài quá đáng rồi sa đà vào muôn chuyện ở đời. Các bạn, tỉnh thức rất quan trọng và hơn nữa là trong đời sống đó phải có được tâm tánh thiện lành từ trong tư tưởng, suy nghĩ về với nhau thì phá được sự trái nghịch trong suy nghĩ, trong tư tưởng, hòa hợp trong tâm ý, thiện lành bằng những lời nói dịu dàng, dễ thương, ái ngữ, đồng thuận, hòa thuận, nhu mì, thiện lành bằng những hành động bác ái trìu mến.
Rõ như vậy mà các bạn, đâu phải trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn cần một ông đạo có lông mày dài, tóc bạc phơ, đạp ở trên mây, hạ xuống cõi trần cứu đời đâu. Phải nhìn thấy lời Phật dạy trong mọi sinh hoạt của cuộc sống, nơi gia đình, nơi công việc hoặc là người công nhân, là giám đốc hoặc là sếp, là tổ trưởng. Bất cứ có quyền lực lớn hay nhỏ, có địa vị cao hay thấp, công việc dù có khác, mọi tương tác trong xã hội đa dạng phức tạp ngày nay ta phải thấy được lời của Phật dạy, con đường của Phật dạy đều là nhiệm màu, ứng hóa kịp thời để giữ được tâm thanh tịnh, sự an lạc hạnh phúc cho nhau. Đạo Phật, chân lý của Phật không còn chôn vùi trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn, đó chỉ là một huyền thoại không có thật.
Vì chính Đức Phật có khi nào ẩn ở trên núi Hy Mã Lạp Sơn đâu. Nếu theo kinh thì Ngài có ở trên núi chút chút thôi mà, có ở trong rừng mấy năm và hầu hết là gọi là rừng như người xưa vẫn sống kề cận rừng đó xa chút xíu thôi. Thuở mà thiên nhiên còn gần gũi với con người, thuở mà con người chưa phá rừng phá núi, thuở mà con người sống thành thôn thành làng nhỏ nhỏ đây đó thì rừng và núi rất gần gũi với con người. Nhưng nhìn cho rõ Đức Phật tu và sống rất gần gũi với đời sống của muôn người thời ấy, thì đạo Phật không phải là đạo ở trên cao sơn lãnh thổ, rừng thiêng núi độc. Mà đạo Phật, chân lý Đức Phật khai phá là để giải quyết những vấn đề của con người ở mọi nơi, mọi chốn, mọi thời gian tạo khổ cho nhau. Để chúng ta không còn tạo khổ nữa mà xây dựng một nền tảng hạnh phúc, vững chãi cho mọi ứng xử của cuộc đời đúng tinh thần của Đức Phật, tinh thần của nhân quả, của yêu thương, của tha thứ, của trí tuệ, của tỉnh thức và của thiện lành.
Bạn học gì không biết, bạn học pháp môn nào không cần hay, bạn tu với bậc thầy cao siêu nào không cần nghĩ tới. Nhưng nếu trong cuộc đời của bạn tu bạn không thể mang tình thương để lan tỏa, bạn không thể mang sự sáng suốt để phân định nhân quả, bạn không thể sống một đời sống tỉnh thức không u mê, bạn không thể thực hiện được các pháp thiện lành đối với chồng vợ, đối với con cái, đối với ông bà cha mẹ, nhân quần xã hội, bạn bè, thôn xóm. Thì đạo Phật, chân lý bạn đang học, thì cái chùa bạn đang theo, vị thầy bạn đang tung hô là thầy của bạn, minh sư của bạn đấy, chẳng có giá trị gì hết. Bởi biết bao nhiêu những giá trị cao siêu học được từ chùa, từ pháp môn bạn tu, từ các bậc minh sư bạn không thể ứng dụng vào cuộc đời thật, thì có gì để tôn vinh ca tụng đâu các bạn.
Thật là uổng công cho một ngôi chùa được thành lập, thật là uổng công cho vị nào dạy pháp môn bạn đang tu, thật là uổng và phỉ báng bậc minh sư bạn đang theo và những điều bạn học chẳng thể giải quyết những vấn đề rất cụ thể trong đời sống. Các bạn ngẫm nghĩ sẽ thấy con đường chân lý của Đức Phật là con đường soi sáng tâm để nhìn rõ, nhìn rõ để phá mê, nhìn rõ để không tạo nghiệp, nhìn rõ để tích phước, lập đức, lập công, nhìn rõ để không còn sống trong phiền não đau khổ mà an vui hạnh phúc. Con đường của Đức Phật là con đường mang yêu thương vào cuộc đời, vào chính trong gia đình của chúng ta, vào chính trong cộng đồng xã hội nơi ta sống, vào mọi sinh hoạt của kiếp người.
Đạo Phật gọi là đạo luôn luôn tỉnh thức để không bị sự dẫn dắt của những người lợi dụng sự ham muốn, sự yếu đuối của chúng ta đẩy đưa chúng ta vào con đường tội lỗi, sa đọa. Đạo Phật phải là con đường dựa trên nền tảng của bác ái yêu thương, của từ thiện, của bố thí, của phóng sanh, nhìn rõ mọi người như thể tay chân như là mình, là cha, là mẹ, là người thân, không có sự đối xử khác biệt. Đạo Phật thật rõ như thế, nhập vào cuộc trần rồi, Đạo Phật đã nhập thế. Các bậc tôn túc ngày nay không ẩn trong núi, họa hiếm là có những ngôi chùa những nơi chôn xa xa thành phố một chút, nhưng các Ngài nhờ phương tiện sâu rộng của ngày nay, xa đó không gặp nhau vẫn nhập vào cuộc trần này trên con đường đạo qua các phương tiện đại chúng như YouTube, Facebook, như zoom, như thâu lại băng dĩa.
Bảo Thành và các bạn một số gặp gỡ nhau rồi, nhưng một số chưa có nhân duyên gặp mặt, nhưng ta vẫn gặp nhau ở trên mạng. Thuận lòng, hợp duyên, cùng căn cơ ta đồng hành trên con đường tu, xa thế mà còn gặp. Đạo Phật không xa sinh hoạt của thế gian, nhập vào đời rồi. Các bậc tôn túc đã kề cận người Phật tử thường xuyên hơn, như người mẹ biết sẵn sàng hi sinh cả đời để dẫn dắt con cái nên không hề bao giờ mệt mỏi, sợ hãi. Dù phải hi sinh thân xác này thì người mẹ đáng kính của chúng ta vẫn luôn luôn kề cận ta, người cha cũng như vậy. Đức Phật đã mang chân lý yêu thương đó đặt sâu vào trong trái tim của các vị tôn túc, để các Ngài ngày nay dấn thân mọi nơi, mang ánh đạo vàng thắp sáng miền tăm tối. Người Phật tử chúng ta nhận diện được điều ấy, nhất định phải mang chân lý của Phật, nền minh triết, ánh sáng trí tuệ, tình yêu thương, sự tỉnh thức và tâm bác ái vào đời sống cụ thể của mình. Mà cái cụ thể nhất vẫn là nơi gia đình, gia đình của chúng ta.
Bạn có thấy Phật hiển ngự trong cuộc đời không nơi các bữa ăn sáng, trưa, tối. Bạn có thấy Phật hiển ngự trong sự tương tác giữa vợ chồng, khi ăn nói, khi san sẻ, khi tâm sự, khi đồng vươn vai ra gánh việc gia đình lúc khó khăn, lúc vui, lúc buồn, lúc thành công, lúc thất bại, lúc đau khổ, lúc hạnh phúc, lúc phiền não, lúc an lạc hay không? Bạn có thấy được Đức Phật hiển ngự mọi nơi, mọi chỗ, mọi nẻo đường, mọi sự việc, mọi sinh hoạt của kiếp người của bạn và trong xã hội hay không? Phật hiện hữu thật gần, đạo Phật không xa như là một chân lý ở trên Hy Mã Lạp Sơn hay trên đỉnh trời cao không với tới. Đạo Phật là nhân quả thiện ác. Đạo Phật là yêu thương sáng suốt. Đạo Phật là tỉnh thức, bác ái, nhân lành. Nhập vào cuộc trần là mang đạo hòa nhập vào mọi sinh hoạt của cuộc đời. Thấy Phật hiện diện và đồng hành với chúng ta, thấy con đường Phật dạy thật rõ nét, ứng dụng vào mọi sinh hoạt của kiếp người. Thấy Phật thật gần gũi, thấy chư Bồ Tát như bạn hiền, thấy Phật như cha mẹ, đó mới là con người thật sự hiểu thấu đạo Phật và như vậy đúng như nhập vào cuộc trần, mang đạo vàng thắp sáng miền u mê.
Các bạn, đừng ngồi đó mà tưởng tượng đạo Phật ở trên trời, đừng ngồi đó mà tưởng tượng con đường đạo phải là thần, thánh, tiên, phải là Bồ Tát, phải là Phật. Con đường đạo hiện rõ trong kiếp người, thành Phật có nghĩa là hết mê, hết chấp, thành người sống hạnh phúc an lạc, không đắm chìm trong dục vọng. Sự thành tựu đó cần phải được chuyển hóa một cách rất rõ ràng trong mọi hình thức của cuộc đời. Đạo không ở trong chùa, Phật không ở trên bàn thờ, trên núi cao, trong rừng sâu, Phật nơi sinh hoạt của cuộc sống. Nếu bạn mở mắt ra bằng con mắt của tình thương nhìn vào cuộc đời, nếu bạn mở mắt ra nhìn cuộc đời bằng con mắt sáng suốt, nếu bạn mở mắt ra nhìn xã hội này bằng con mắt tỉnh thức, nếu bạn mở mắt ra và bước vào thế gian này bằng tình yêu thương, bằng lòng bác ái. Thì là bạn đang bước cùng với Phật và thấy Phật thật gần gũi trong thế gian, Phật đã nhập cuộc trần để dẫn dắt chúng ta thoát mê lầm trong trần thế
Bạn đi tìm Phật ở đâu? Ở trong kinh. Bạn đi tìm Phật ở đâu? Ở trong chùa. Bạn đi tìm Phật ở đâu? Giáo lý cao siêu nhiệm màu, pháp môn đỉnh đỉnh cao cao hay những bậc minh sư theo họ họ sẽ cứu bạn? Nếu cứ như thế bạn đã hiểu sai. Phật ở ngay trong cuộc đời, Phật đã nhập vào cuộc trần để dìu dắt mỗi người chúng ta thoát qua miền u mê, biết đối xử tốt, biết thương yêu nhau, biết tha thứ sáng suốt, biết mang việc thiện để nâng đỡ nhau. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành là nhịp cầu bốn bậc để chúng ta bước qua miền u mê, tới được bờ giác ngộ ngay nơi cuộc đời của mình, gia đình của mình. Đối với ông bà nếu còn phước báu ông bà còn đó, thì Phật ngay chỗ đó ta thấy được. Nếu còn cha mẹ thì là đại phước rồi, ngay chỗ ấy Phật ta thấy được nơi đời sống của cha mẹ, vợ chồng, con cái, người thân, xã hội, chỗ nào cũng vậy.
Phật ở đâu? Phật nơi cuộc trần, mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, mọi con người, mọi tình huống đều có Phật ở đó, bởi Phật là giác. Nếu chúng ta tỉnh thức và biết yêu thương, sáng suốt đối xử với nhau bằng những nghĩa cử thanh cao, từ bi bác ái, Phật ngay đó mà hiện hình ứng hóa vào cuộc đời. Ngay đó ta đã thoát mê bởi luôn có Phật hiện hữu trong cuộc đời của chúng ta. Không tìm Phật ở đâu xa, Phật đã nhập vào cuộc trần và nhất định những người trong trần gian này như các bạn và Bảo Thành phải mang chân lý của Phật ứng dụng vào đời thường của mình, mang Phật vào đời sống của mỗi một người tùy theo căn cơ, căn duyên đang hiện hữu trong thân tướng, trong địa vị, nơi từng hoàn cảnh phước báu đặt để ta. Để từ đó ta gieo trồng nhiều phước báu hơn, tăng trưởng công đức nhiều hơn và từ từ thành tựu được như Phật. Các bạn, đừng tìm Phật ở xa, hãy tìm Phật ngay trong đời sống của chính mình, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.
Thưa Phật! Ngài đã nhập vào cuộc trần này, mang đạo mầu soi sáng cho thế nhân. Nguyện xin Ngài luôn gia trì cho chúng con nhận diện thật rõ để đời sống này nơi gia đình, nơi mọi cảnh sống chúng con đang hiện hữu đều là con đường đạo, dẫn đưa chúng con gặp gỡ Phật.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, nhận diện được Phật trong cuộc đời nơi ông bà, nơi cha mẹ, nơi vợ chồng, nơi con cái, nơi xã hội, thôn xóm.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)