Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập
Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con tinh tấn miên mật hành trì mật thiền chánh pháp, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức và hành trì các pháp thiện, quán chiếu thấy rõ vạn pháp đều là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ và hàng đệ tử chúng con tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta luôn luôn khắc ghi lời của Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi lan tỏa tình yêu thương. Mỗi một ngày trở về với chánh niệm của hơi thở vào ra, hít vào bằng mũi phình bụng, thở ra bằng miệng hóp bụng, tổng trì các mật ngôn. Mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi, mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là quán tâm Trí Tuệ để thấu được Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, mật ngôn Ma Sa Ốp Uê quán chiếu tâm Tỉnh Giác và mật ngôn Sa Bi Mô U quán chiếu tâm tánh Thiện Lành chân như Phật tánh. Bốn mật ngôn này khế hợp hài hòa với chánh niệm hơi thở trong từng giây phút, mỗi người chúng ta sẽ tiếp hiện được nguồn năng lượng tha lực của chư Phật vào thân tâm, để lan tỏa và hồi hướng cho nhau, chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)
Mô Phật! Các bạn đồng tu, như Bảo Thành có duyên số thường không ở cố định một nơi, cứ đi liên tục. Ở tại nước Mỹ này Bảo Thành thường đi tới các đạo tràng, các chùa để sinh hoạt. Thời gian gần đây với tâm nguyện xây dựng những điều tốt đẹp trong tầm tay, phù hợp khả năng và tương trợ trong tinh thần cùng các bạn đồng tu kiến lập những điểm hội tụ trên mạng hoặc nơi đây, nơi đó, gắn kết mật thiết, phát tâm tu hành. Nhìn thấy ở trên đời này và chiêm nghiệm theo lời Phật dạy, muôn sự ở đời vô thường, thấu được, hiểu được. Nhìn lại cuộc đời của mình cũng như cuộc đời của tất cả các bạn đồng tu, người sống ở trên cõi trần gian này có những lúc buồn bã, vì bất chợt một điều gì đó theo ước nguyện của mình hoặc một điều gì đó đang hiện hữu trong cuộc đời biến mất.
Trong sự mất mát đó ta buồn và ta thường thì thầm với chính mình một câu như để an ủi cho lòng bớt đau, cho lòng bớt nhớ “Thôi thì ở đời này chuyện gì cũng phôi pha, chẳng có còn đó mãi đâu, đau một lúc nó cũng phôi pha rồi hết, nhớ một chút rồi cũng phôi pha trở lại bình thường, buồn ơi là buồn nó cũng sẽ phôi pha thôi.”
Ta hay khuyên bản thân và cũng từng nói với người mình quen biết “Thôi đừng buồn nữa, chuyện gì tới thì tới, chẳng bao giờ bao tồn tại mãi, nó sẽ phôi pha thôi.”
Đi sâu vào những cảm xúc của đời người có thăng có trầm, có đó rồi đi, vui vui, tủi tủi, buồn buồn, đủ thể loại cảm xúc trải nghiệm trong cuộc đời ngắn ngủi, ta cũng thấy chuyện gì rồi cũng phôi pha. Nếu trên đời này cái gì cũng phôi pha thì còn đâu dư âm của cuộc sống, nhưng thực ra nó phôi pha, còn hay không là do mỗi người chúng ta có khởi tâm nuôi dưỡng. Những cái ác mà nuôi dưỡng nó mãi mãi ở đó, những cái thiện mà bỏ quên thì nó cũng phôi pha dần chẳng còn. Nuôi dưỡng điều gì, ác hay thiện, tốt hay xấu, vui hay buồn, phiền não hay đau khổ, mỗi người phải luôn luôn tư duy để nhìn rõ bởi lầm mê.
Bảo Thành và các bạn thường nuôi dưỡng những điều không phù hợp, khổ mà tưởng là hạnh phúc, phiền não mà tưởng là an vui. Cái nó sẽ bị mất và biến đi chẳng còn thuộc về ta, lại tưởng rằng nó của ta mãi mãi để rồi ôm giữ, nuôi dưỡng, từ lúc nhận diện ra quá trễ. Khi học về giáo lý của Đức Phật, các bạn thân mến Đức Phật dạy vô thường, tất cả các pháp đều vô thường biến đổi, nói nhẹ nhẹ để cho mình đỡ khủng hoảng tinh thần. Chuyện gì cũng sẽ phôi pha, nhẹ lòng một chút cho tâm nó an nhàn, có. Nhưng khi Đức Phật giác ngộ và trở về chút xíu trước khi giác ngộ, Ngài thấy con người khổ quá sinh lão bệnh tử khổ, khổ muôn trùng khổ và thấy sự khổ đó Ngài nhìn nó cứ vậy chẳng bao giờ phôi pha. Nếu sự khổ nó có thể phôi pha thì cuộc đời mình sẽ nhẹ biết bao, nhưng sự khổ chẳng phôi pha, chẳng qua là liệu trình tâm lý nói vậy cho nhẹ.
Nếu cái nghèo nó phôi pha thì có ai sợ nghèo, khổ có phôi pha thì ai sợ khổ. Vẫn biết vạn pháp là vô thường nhưng nếu tác động không khéo vào những nhân duyên, cái gì cũng có thể kéo dài mãi mãi, như nghiệp lực lưu truyền từ đời này qua đời kia đâu có phôi pha đâu. Nói vô thường là nó biến đổi nhưng nó không có phôi pha và biến mất. Vô thường là luôn biến động, biến đổi, chẳng trường tồn dưới bất cứ một dạng nào, nó biến đổi từ dạng này qua dạng kia. Như cảm xúc của dạng buồn nó cũng có thể biến đổi thành vui, đang vui có thể biến thành buồn, nhưng cảm xúc thì không bao giờ mất. Đức Phật thấy chúng sanh khổ Ngài đi tu, dùng chữ đi tu cho nhẹ nhàng như chúng ta tu vậy đó mà, học hỏi rồi tu. Ngài khi giác ngộ mới nhận ra là mọi chúng sanh đều bình đẳng tánh và trí.
Mọi chúng sanh đều có phẩm chất Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành để thành tựu được đạo quả an lạc giải thoát, không ai mà không có. Nó không bao giờ mất, nó là thường hằng vĩnh cửu, đời này qua đời kia không bao giờ mất. Chuyện gì cũng vô thường, chuyện gì cũng sẽ phôi pha, nhưng tình thương, tâm từ bi đó quý vị, ánh sáng trí tuệ, sự tỉnh giác, tâm tánh thiện lành gọi là Phật tánh, là chân như không bao giờ mất. Như trong Tâm Kinh ta tụng mỗi một ngày – bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Chẳng sanh mà cũng chẳng diệt, chẳng dơ mà cũng chẳng sạch. Không có sanh diệt, không có dơ bẩn, không có thêm, không có bớt, nó cứ như vậy nó vĩnh hằng. Qua câu nói của Đức Phật, qua lời khai thị của Phật, các bạn và Bảo Thành phải khẳng định rằng chúng ta vốn có tánh Phật như Phật đã dạy và có khả năng để giải thoát luân hồi đau khổ an lạc.
Nói cho mạnh miệng một chút xíu nhưng các bạn đừng có sợ bởi Phật đã dạy rồi. Phật là Phật, Phật dạy “Ta đã là Phật các con sẽ là Phật”.
Như vậy chúng ta sẽ là Phật, trong ta quả Phật, Phật tánh vẫn thường hằng hữu không biến mất, không tăng không giảm, không dơ không sạch, nó đó, chưa từng phôi pha. Phật tánh của chúng ta là tình thương, tình thương là từ bi, chưa bao giờ phôi pha, chưa từng phôi pha. Có lúc ta giận ta hờn, có lúc ta ghét, ta căm phẫn, ta chửi rủa nhau, nhưng tình thương đó chưa bao giờ phôi pha. Hãy nhìn đi có những lúc người mẹ giận dữ con cái, la mắng chửi bới, nhưng tình yêu của mẹ đối với các con chưa từng phôi pha, tình yêu vô biên giới, tình mẹ mênh mông như trời như bể, như biển trời các bạn. Tình mẹ đó là một cách nói, nhưng nếu chúng ta tinh tế hơn thì tình mẹ đó chính là Phật tánh bất sanh diệt, luôn luôn hiện hữu, không bao giờ và chưa từng phôi pha.
Tình thương của chúng ta đối với cha mẹ, đối với ông bà, đối với vợ chồng con cái, đối với xã hội, đối với mọi người, đối với bạn thân đồng tu, đối với muôn loài chưa từng phôi pha. Nhiều khi ta cảm thấy như ta không còn tình thương đối với ai, chỉ còn sự sân giận, ghen ghét, hận thù. Thưa không, tánh Phật luôn luôn hằng hữu chưa từng phôi pha và tình thương tâm từ bi là tánh Phật chưa bao giờ phôi pha đâu. Nếu ai đó nhận diện được sự hiện diện của tâm Từ bi, tâm Trí tuệ, tâm Tỉnh giác, tâm tánh Thiện lành cũng thế, đó là phẩm chất cao cả của Phật tánh chưa bao giờ phôi pha trong cuộc đời. Dù chúng ta có lầm chấp, có tội lỗi, có nghiệp chướng, có điên đảo mộng tưởng thì Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành kia vốn luôn có trong ta.
Như mặt trời không bao giờ mờ nhưng ta không thấy được ánh sáng, chính là bởi vì những áng mây đen dày đặc che phủ. Khi mây đen tan dần theo năm tháng, theo ngày giờ mặt trời vẫn sáng như thế. Tình thương, trí tuệ, sự tỉnh thức và tâm tánh thiện lành như mặt trời chân như Phật tánh, chẳng bao giờ biến mất phôi pha. Nhưng những áng mây đen của tham chấp, của si mê nó che đi thôi. Dù có che cũng không sẽ làm cho mặt trời của tình yêu, mặt trời của sự tỉnh giác, trí tuệ và sự thiện lành của chúng ta mất đi được, lu mờ, phôi pha, luôn luôn có đó. Nhận diện được điều đó chính là hiểu rõ chân lý Đức Phật dạy. Thúc đẩy sự tinh tấn của chúng ta vì chúng ta không phải chỉ có tin nữa, mà biết rằng Phật tánh có nghĩa là Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành của chúng ta, khả năng đó không bao giờ phôi pha, không bao giờ lu mờ, không bao giờ biến mất, nó vẫn còn hiện hữu nơi mỗi chúng ta.
Trong công hạnh hành trì giáo pháp của chư Phật Ngài đã nhìn thấu căn cơ của mỗi một hàng đệ tử. Ứng dụng thật nhiều các phương pháp phù hợp với trình độ, để đưa chúng ta về nhận diện rõ chân lý Phật tánh Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành của chúng ta chưa bao giờ lu mờ phôi pha, chưa bao giờ biến mất vì mê, vì lầm, vì không hiểu rõ ta không nhận diện tiếp hiện được. Một trong các pháp vi diệu, một trong các phương pháp tuyệt vời, một trong những cách đơn giản dễ thực tập. Không cần biết bạn trình độ nào, sinh ra trong hoàn cảnh căn cơ, nghiệp thức, môi trường, quốc độ nào. Phương pháp này ai cũng thực tập được, dễ hiểu. Đó là chánh niệm hơi thở, bát chánh đạo có nói đến chánh niệm. Hơi thở luôn có nơi mỗi một người, mỗi một chúng sanh, hơi thở ngừng, chết. Hơi thở đi đâu cũng có, ngủ cũng có hơi thở, thức có hơi thở, làm có hơi thở, cà phê cà pháo ngoài đường có hơi thở, nói chuyện cũng có hơi thở, hơi thở là vốn bất diệt luôn có nơi chúng ta nếu còn thân mạng sống này.
Môi trường nào, chỗ nào, hoàn cảnh nào hơi thở luôn hiện diện, không mang theo mà có, nên hơi thở là phương tiện tinh tế vi diệu hiện hữu. Phật nhận ra và Ngài đưa chúng trở về mượn ngay hơi thở trong sự sống để chánh niệm. Chánh niệm có nghĩa là hít vào biết hít vào, thở ra biết thở ra, rèn luyện tánh biết và ghi nhận mọi hiện tượng đang xảy ra trong cuộc sống. Mọi hiện tượng đang hiện hữu thân xác vật lý này cần phải điều dưỡng cho khỏe, thì khi ta điều khí hít vào thở ra đều đặn như các bác sĩ, những nhà khoa học đã khám phá và khuyên chúng ta, phương pháp điều dưỡng khí hít vào thở ra chậm rãi đều đặn cho mọi hoàn cảnh. Thực tập thành thói quen sẽ tốt cho sức khỏe, bởi hít thở đều đặn và khỏe mạnh mang đầy đủ oxy vào phổi, dưỡng nuôi các tế bào thần kinh cũng như toàn diện các tế bào mà máu đưa tới. Đây là phương pháp khoa học thực tiễn mà. Phật ngàn xưa đã nhận ra sự bổ ích của hơi thở đều, đẹp, nên khuyên chúng ta hít thở cho đều trong chánh niệm, rèn luyện tánh biết, ghi nhận mọi hiện tượng.
Khi nói tới chưa từng phôi pha đó là tâm từ bi, trong chánh niệm hơi thở ta ghi nhận hơi thở vào ra để biết và ghi nhận rằng tâm từ bi, tình thương của chúng ta luôn hiện hữu trong từng giây phút của hơi thở, ghi nhận nó. Hít vào thở ra biết và ghi nhận trong ta luôn có tình thương. Hít vào thở ra biết và ghi nhận trong ta có trí tuệ, để thấu được vô thường – khổ – vô ngã. Hít vào thở ra biết và ghi nhận ta có phẩm tánh tỉnh thức, không u mê. Hít vào thở ra biết và khi nhận tâm tánh thiện lành luôn luôn hiện hữu. Hít vào thở ra biết và ghi nhận rằng Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành luôn luôn hiện hữu chưa bao giờ sanh diệt, chưa bao giờ dơ sạch, chưa bao giờ tăng giảm, chưa bao giờ phôi pha, luôn luôn hiện hữu nơi ta. Chỉ cần qua chánh niệm của hơi thở, thực tập rèn luyện dùng câu cho nó hay hay một chút xíu là hành trì. Hành trì tức là tu luyện, hành trì có nghĩa là rèn luyện, hành trì có nghĩa là thực tập. Không ngừng nghĩ, không bỏ cuộc, không ngày có ngày không, không có gián đoạn đó các bạn, gọi là hành trì.
Hành trì mật thiền, mật là Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành vốn có ẩn tàng trong ta. Thiền là quán chiếu. Mật thiền là nhận diện được, tiếp hiện được khả năng vốn có, phẩm cách để thành Phật, thoát khỏi sanh tử mà Phật đã khai thị. Khi Ngài giác ngộ Ngài ồ lên một tiếng và nói “Ta là Phật, chúng sanh sẽ là Phật và mọi loài chúng sanh đều bình đẳng tánh trí.”
Sự khai thị này nếu chúng ta theo Phật, quy y theo Phật – Pháp – Tăng, thọ năm giới, học Phật triền miên từ ngày này qua ngày kia mà không khẳng định thật rõ ràng sự bình đẳng tánh trí có nơi mọi chúng sanh và ta sẽ là Phật, để rồi khước từ tìm những thứ không thuộc về ta.
Phẩm cách để sẽ là Phật, thành Phật đó là Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành. Chánh niệm hơi thở thực tập rèn luyện mỗi một ngày, biết và ghi nhận, khẳng định Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành luôn hiện hữu. Ghi nhận, ghi nhận trong sự tương tác hàng ngày giữa ta và cha mẹ, ông bà, người thân, vợ chồng và con cái, thấy đó ta vẫn luôn có tình thương đối với tất cả. Ngay cả các loài chúng sanh ta vẫn có tình thương, cho nên khi thấy một chúng sanh nào chết ta cũng có cảm xúc. Khi thấy một người buồn ta cũng có cảm xúc và trí tuệ là khả năng nhận diện các pháp đều vô thường sanh diệt, biến đổi không thường hằng. Ta có khả năng nhận diện ra, bám víu vào những cái đó sẽ khổ, để xây dựng một bản ngã sẽ khổ. Ta có khả năng không có u mê sống tỉnh thức, tỉnh giác và ta có khả năng làm những việc thiện đối với nhau. Như cúng dường, bố thí, từ thiện, phóng sanh, thấy ai đau khổ ta biết an ủi, thấy ai thiếu thốn ta biết cho đi, thấy ai bệnh hoạn ta biết giúp đỡ hiến thuốc, thấy ai nghèo khổ bất hạnh chúng ta luôn luôn dấn thân làm.
Đó là bản tánh của Phật vốn nơi chúng ta, nếu chúng ta biết trở về nhận diện, ghi nhận và thể nhập vào để suy nghĩ, lời nói, hành động của chúng ta luôn luôn khởi nguồn từ tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành. Thì ta là người đang thực hiện phẩm cách cao cả của Phật tánh và khi thấm nhuần rồi, cái mà Đức Phật gọi sẽ là Phật đó sẽ hiển lộ, sẽ hiện hình, sẽ rõ hơn. Để ta biết, ta ghi nhận và thể nhập thành một để rời xa những tánh ác, những điều xấu bất tịnh. Như vậy là ta đang thực thi đúng như lời Phật dạy sẽ là, ta đang sẽ là. Để sẽ là thì ta phải là Từ bi, là tình thương. Ta phải là ánh sáng dẫn đường ta đi. Ta phải là tỉnh thức vượt qua u mê. Ta phải hiền lương giúp đỡ muôn người, muôn vật, muôn loài không có ác. Nó chưa từng phôi pha đâu các bạn, nó hiện hữu trong chúng ta không bao giờ mất. Chỉ vì chúng ta không chịu thực tập để nhận diện, để biết, để ghi nhận và thể nhập để đồng hành, để hòa mình vào bổn tánh mà Đức Phật dạy gọi là sẽ là Phật.
Các bạn thân mến, trong hành trì của mật thiền lấy cái gốc là hơi thở đúng như Phật dạy để chánh niệm, để rèn luyện tánh biết và ghi nhận, ta ghi nhận cái gì và biết cái gì? Ta phải biết tâm Từ bi, ghi nhận nó. Ta phải biết Trí tuệ, ghi nhận nó. Ta phải biết sự Tỉnh giác, ghi nhận nó. Ta phải biết sự Thiện lành và ghi nhận nó, nơi ta, nơi thân này, nơi tâm này, nơi cuộc sống của kiếp người này. Hít vào phình bụng, thở ra chậm rãi, biết và ghi nhận Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành, chỉ có vậy. Nhắc đi nhắc lại mỗi một ngày, nhắc nhở mình, biết mình, ghi nhận mình có Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành được chuyển ngữ từ bốn mật ngôn vi diệu Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U .
Bốn mật ngôn này là bốn mật mã vi diệu để gắn kết chúng ta mật thiết với chư Phật, chư Bồ Tát, với Trời Đất, với thiên nhiên tự tại, với bổn tánh của Như Lai hằng hữu nơi ta. Để tiếp hiện nguồn năng lượng tha lực để chuyển hóa và thay đổi từ xấu thành tốt, từ phiền não thành an lạc, từ đau khổ thành hạnh phúc, từ bệnh hoạn thành khỏe mạnh, từ rối rắm thành trong sáng. Quan tâm đặc biệt đến đời sống trên con đường tu qua mật thiền chánh niệm hơi thở, biết ghi nhận nơi ta có Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành, là người đích thực đã quy y Tam Bảo Phật – Pháp – Tăng, đã thọ giới, đã học Phật. Còn nếu không nhận diện rõ điều ấy thì mặc dù có trăm ngàn pháp môn, vô lượng kinh điển có đọc qua, hằng hà sa kiếp có tu tập mà không nhận rõ Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành vốn có nơi ta, để trở về nương vào chánh niệm hơi thở, biết ghi nhận và thể nhập vào, thì muôn đời, vô lượng kiếp khổ, khổ muôn trùng, thật khó thoát. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.
Thưa Phật! Trong chánh niệm hơi thở của Bát Chánh Đạo, Phật đã dạy chúng con tánh biết và ghi nhận, nhận diện cho rõ Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành chưa từng phôi pha, luôn luôn hiện hữu trong cuộc đời của chúng con. Xin chư Phật gia trì để chúng con quay trở về nương vào chánh niệm hơi thở, biết và ghi nhận chúng.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, lan tỏa đến muôn loài.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)