Search

4056. Nhân Duyên Ngộ Đạo

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.

Kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tinh tấn miên mật hành trì mật pháp, lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống một đời tỉnh thức và hành trì các pháp thiện, để quán chiếu thấy rõ vạn pháp đều là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hàng đệ tử chúng con tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy ngồi xuống với tư thế phù hợp với cơ thể của mình, buông thư nhẹ nhàng. Trở về với hơi thở của chánh niệm vào ra hít bằng mũi phình bụng chậm rãi, thở bằng miệng hóp bụng chậm rãi từ từ. Trong mật thiền kết hợp giữa hơi thở của chánh niệm và các mật chú để tiếp hiện tha lực năng lượng yêu thương, trí tuệ, tỉnh giác, thiện lành của chư Phật, chư Bồ Tát hỗ trợ cho nguồn tự lực tinh tấn phát triển cái nhìn sâu sắc, thấy rõ bản thể của mình và lan tỏa năng lượng ấy tới với tất cả những người chúng ta yêu thương và muôn loài chúng sanh, chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Các bạn thân mến, ở trên đời này ngõ hầu bất cứ một chuyện gì chúng ta không thể biết nếu không hiểu và không thể làm được. Hiểu biết rất quan trọng, yếu tố cần thiết nó tới từ sự trải nghiệm của những ai có tâm nghiên cứu, học hỏi. Còn như một đời không nghiên cứu học hỏi, có chuyện gì mà ta có thể làm được một cách hoàn mãn đâu. Biết như thế mà cuộc đời của mỗi người chúng ta hầu như cứ lần mò, chẳng chịu học và nghiên cứu, khi đã mãn đời hối tiếc. Ai trong chúng ta cũng đều có những nhân duyên phù hợp với căn cơ, với thiện duyên, với phước báu, với công đức nhiều đời. Đặc biệt sinh ra làm người kiếp này nhân duyên đều có đủ muôn hình vạn dạng. Chúng ta nhận diện xung quanh cuộc đời của mình, nhìn cho thật rõ, tư duy cho kỹ bằng chánh kiến sẽ ngộ ra cuộc đời ý nghĩa của chính mình.

Trong tháng này vẫn là tháng tư trăng tròn, kỷ niệm ngày Phật đản, đó là tinh thần của Đại thừa, tinh thần của nguyên thủy, Rằm Tháng Tư kỷ niệm ngày Vesak tam hợp, có nghĩa kỷ niệm ngày Đức Phật giáng sinh, ngày Đức Phật thành đạo và ngày Đức Phật nhập Niết Bàn trùng một ngày trăng tròn tháng tư. Để thấy cả cuộc đời Đức Phật từ khi sinh ra, nhìn rõ nhân duyên và phát nguyện tầm đạo thực hành miên mật tới sự giác ngộ viên mãn. Nhân duyên ngộ đạo vốn có sẵn nơi mỗi một con người, dù bạn là người rất bình thường tại gia, có thọ giới quy y hay chưa, có là Phật giáo hay các tôn giáo khác không có gì khác biệt cả. Bạn là bậc xuất gia, các đấng từ phụ cao cả, các chư vị ấy và chúng ta cũng đồng bình đẳng mà thôi. Khác về tướng, về phương thức con đường hành trì, về cái thế địa vị ở đời. Trong tâm Đức Phật một bậc giác ngộ nhận ra không khác biệt giữa ta và người, giữa ta và muôn loài chúng sanh. Vì khi Ngài ngộ đạo Ngài đã thốt lên “Tất cả mọi chúng sanh đều có trí tuệ, đều có tâm từ bi, đều có sự tỉnh giác, đều có tánh thiện, yếu tố để trở thành bậc giác ngộ như ta”

Đức Phật thuở nhỏ khi sinh ra Ngài nhìn thấy sự đau khổ trong thế gian, phát nguyện tìm một con đường đưa đến sự giải thoát cho mình và cho tất cả muôn loài. Giữa đêm tối Ngài đã vượt tường ở cung thành bủa vây bởi quân lính, thành trì cao nhưng chẳng cản được bước chân của Ngài. Ngài ra đi tầm đạo và đã tìm được các vị sư phụ thật cao nổi tiếng thời ấy, học thành tựu nhưng chưa đến sự giải thoát như mình mong muốn, Ngài bỏ Ngài đi. Hai vị thầy cao cả thuở đầu đó, chứng đắc được toàn diện cách tu của họ nhưng chưa phải là cứu cánh của Ngài. Ngài đi vô rừng cùng với năm anh em Kiều Trần Như tu khổ hạnh và nghĩ rằng con đường khổ hạnh bất thường đó sẽ ngộ được đạo. Nhưng không, Ngài trở lại cuộc sống bình thường tu luyện dưới cội Bồ Đề 49 ngày và thành đạo, thốt lên một câu làm cho trời đất trung chuyển là “Tất cả muôn loài chúng sanh đều có phẩm chất, có trí tuệ, có tâm từ bi, tỉnh giác yêu thương, có tố chất để thành một bậc giác ngộ, nhưng vì chúng sanh si mê tham chấp nên không thể thoát khỏi mà thôi”.

Để thành tựu được cái vốn có, cuộc đời của Ngài đã dạy nhiều đệ tử, Đức Phật chuyên tâm đồng hành với mọi đệ tử và quán chiếu nhân cách, quán chiếu căn duyên để ứng dụng các pháp phương tiện một cách phù hợp. Đánh thức người đệ tử đó và để cho người đệ tử đó ngộ được chân lý con đường đạo giải thoát luân hồi sanh tử. Thời Đức Phật toàn là những vị thánh tăng nhưng xuất thân khác biệt lắm, có những vị trí tuệ cao đã cao lắm rồi như ông Xá Lợi Phất, một bậc gọi là có tâm kỳ học cao siêu của bà la môn, nhưng cũng chẳng thể gọi là giác ngộ nếu không theo Phật, ngộ được con đường đạo thoát luân hồi sanh tử. Ngài Xá Lợi Phất, rồi cứ từ từ tính tới Ngài Mục Kiền Liên, Phú Lâu La, Ngài Ca Diếp, bao nhiêu đệ tử của Phật đều có nhân duyên đặc biệt. Nhưng những vị ấy đều đã là những vị học cao rồi. Có hai vị đệ tử mà khi Bảo Thành thành đọc qua những câu chuyện trong kinh của Đức Phật thời Đức Phật thấy rất thích, nó phù hợp với căn cơ của Bảo Thành, nó phù hợp với căn cơ chung của đại chúng, của huynh đệ, của các bạn đồng tu.

Có một vị học sao cũng chẳng hiểu, chẳng biết đầu óc hình như hơi chậm. Đức Phật thấy thế liền kêu ông ta hãy ra chăm sóc vườn bông đi, đừng học gì nữa, học có thuộc có hiểu đâu, ra tưới bông ngắm bông đi. Bởi Ngài thấy thời xưa vị này có nhân duyên trồng bông hoa, vị này ra chăm sóc bông, tưới, trồng hoa. Bất chợt một hôm thấy hoa nở đẹp chạy vào trình với Phật “Thưa thầy, hoa đã nở đẹp quá trời”

Phật nói “Hoa nở con phải biết hoa nở, hoa đẹp con phải biết hoa đẹp, con hãy ra biết hoa nở và ngắm cái đẹp của hoa đi”

Người đệ tử vui mừng chạy ra ngoài biết được hoa đã nở, ngắm hoa đẹp giữa trời đất, lòng hoan hỷ vô cùng. Khi chiều tối bông hoa nở tươi buổi sớm đẹp đẽ cả ngày, buổi tối đấy héo úa, nó xấu, nó tàn. Đệ tử chạy vào bạch với Phật rằng “Sư phụ ơi, hoa sáng nở con biết, đẹp cả ngày con đều ngắm nhưng giờ buổi tối rồi hoa lại tàn xấu quá”

Phật mới nói “Hoa nở vào buổi sớm con phải biết hoa nở vào buổi sớm, cả ngày hoa đẹp con phải biết cả ngày hoa đẹp, khi tối tới hoa tàn hoa úa con phải biết hoa tàn úa”

Người đệ tử đó ngộ liền và chạy ra quán tưởng thấy rõ sớm hoa nở biết nở, ngày hoa đẹp biết đẹp, tối hoa tàn biết tàn. Sớm nở, giữa đẹp, tối tàn, đời người có khác gì như thế, vô thường vần xoay ngộ ngay con đường đạo.

Một câu chuyện dễ thương, một nhân duyên đặc biệt nhưng chẳng cao siêu như những câu chuyện huyền bí của các bậc đạo sư sau thời Đức Phật hoặc các bậc thiền sư cao cả khác, ẩn mình trong hang trong cốc, nhập thất chẳng ăn chẳng uống. Một tuần, một tháng, một trăm ngày, vài năm bất chợt giác ngộ, phá động chui ra hét lên một tiếng rung động trời đất, rồi được lưu truyền những câu chuyện cổ tích huyền thoại nhân duyên ngộ đạo phi thường của các bậc ấy. Đối với Bảo Thành thiết nghĩ các bạn rất bình thường như Bảo Thành, chúng ta là những con người lam lũ trong cuộc đời, làm sao từ bỏ chồng, bỏ vợ, bỏ cha mẹ, ông bà, gia đình và cảnh sống hiện thời vào trong vùng gọi là sơn lâm núi thẳm, rừng thiêng núi độc, ẩn ở trong động, nhập ở trong thất rồi điên khùng phá động la hét, ngộ được đạo hay sao? Không!

Buổi sớm hoa nở biết hoa nở, cả ngày hoa đẹp biết hoa đẹp, tối hoa tàn biết hoa tàn, Phật dạy chỉ thế. Nhìn vào hoa mà liễu ngộ vô thường, nhìn vào cảnh đời của chính mình khổ, vui, hạnh phúc phiền não xảy ra trong sự tương tác hàng ngày giữa gia đình, vợ chồng, con cái, cha mẹ, ông bà, giữa xã hội đa dạng hiện thời. Tạo ra muôn vạn những cảm xúc vui buồn, sướng khổ, hạnh phúc lẫn lộn, cười ra nước mắt, đau đớn ở trong tim, hớn hở cả ngày hoặc tui tủi cả đêm, có, nhìn vào đó đấy. Phật nói hoa nở biết nở, khổ biết khổ, vui biết vui, buồn biết buồn, sướng biết sướng, chuyện gì đang xảy ra phải biết và nó đang hiện diện phải biết. Như hoa nở đẹp, hoa đẹp biết đẹp, nhìn cho đến khi nó tàn, nó phai biết nó tàn nó phai, nó mất, nó không còn bởi vô thường, thành trụ họai không tới rồi đi không có gì tồn tại mãi. Khi nó tới biết tới, khi nó còn hiện diện biết hiện diện, khi nó đi biết nó đi, ghi nhận không thêm bớt, không đào bới, không phán xét đó gọi là thiền quán chiếu tâm của mình tới lui trong cuộc sống.

Người đệ tử đó có học gì cao siêu đâu, giác ngộ và nhân duyên ngộ đạo của người Phật tử đó chẳng phải trong Tam Tạng đại kinh, Liễu Nghĩa Đại thừa, Phương Quãng hoặc những kinh mà hay hay Phật giảng cả ngày, người đó đâu có hiểu thấu chỉ ngắm bông thôi. Chúng ta hãy như người đệ tử đó đi, đón nhận mình như hiện tại, chẳng phải ngắm bông mà ngắm cuộc đời của chúng ta, nhìn cuộc đời của chúng ta. Chữ ngắm và chữ nhìn được phiên dịch cho nó cầu kỳ hoa mỹ, văn tự của Phật giáo là quán chiếu nhìn cho rõ, nhưng từ quán chiếu nó cao siêu quá nó làm cho ngay ngất lòng người, rồi vượt xa tầm cỡ suy nghĩ của ta, ta nghĩ chẳng bao giờ ta làm được.

Quán chiếu là nhìn cho rõ, chúng ta đã không nhìn rõ cuộc đời của mình, thì bây giờ hãy nhìn cho rõ mọi cảm xúc tới lui mỗi ngày, mỗi giây, mỗi lúc. Bạn nhất định đã nghe chữ vô thường, nay bạn nhìn rõ đi, nhìn rõ những hiện tượng của tâm, nhìn rõ những hiện tượng của thân tạo ra, nhìn rõ những suy nghĩ khởi lên đều sớm nở và hiện diện như hoa đẹp, tối nó cũng sẽ tàn. Tới trụ đó rồi đi vậy thì cái tới, cái đi, cái đang hiện diện đó là vô thường đấy. Chỉ cần hiểu như vậy thôi, biết như vậy, ghi nhận như vậy bạn đã là người có nhân duyên ngộ đạo, đạo đây là đạo lý vô thường, người hiểu được vô thường mới biết trân quý cuộc sống.

Các bạn, có một tấm gương đặc biệt của câu chuyện thứ hai nhân duyên ngộ đạo, cũng một người đệ tử học hoài cũng không hiểu, không biết gì. Phật nói “Con ơi, thôi con lấy một tấm vải trắng con soi, khi mặt trời lên con đưa tấm vải đó về hướng mặt trời, nhìn cho rõ nghe con”

Ngày nào người đệ tử đó cũng cầm tấm vải trắng giăng ở chỗ mặt trời đó, nhìn thấy tấm vải trắng đẹp. Nhưng anh ta đứng một hồi mồ hôi nó chảy ra, anh ta lấy tấm vải đó anh ta lau mồ hôi, rồi lại tiếp tục soi vào ánh mặt trời để nhìn. Bất chợt anh ta nhận ra tấm vải trắng kia thật đẹp, nhưng khi lau qua người của mình mồ hôi chảy đó, soi vào mặt trời nó không còn trắng nữa, nó bắt đầu có màu khác biệt, màu của sự dơ bẩn nơi thân, mồ hôi chảy ra lau chùi nó dơ. Anh ta mới nhận ra được tâm hồn trong trắng của mỗi người dưới ánh sáng của trí tuệ đều đẹp. Vòng quanh cuộc đời lũi đầu vào ở trong những điều tham chấp, mà làm cho tấm khăn trắng dơ bẩn, tâm Phật bị che mờ, anh ta ngộ được đạo. Trí tuệ vốn có, tố chất thành Phật vẫn có đó, nhưng vì chúng ta đã mang nó lau chùi sàn nhà tâm thức của nghiệp ác nên nó dơ bẩn. Chỉ cần giũ sạch, gội sạch, rửa sạch, sạch sẽ nó lại trở về nguyên xưa trong trắng.

Phật giác ngộ khi nhìn thấy con người đau khổ và tầm con đường đạo giải thoát và khi đã giác ngộ Ngài nhận ra muôn loài chúng sanh đều có tố chất để thành Phật, không khác ai, không có khác biệt, vì chấp vì mê. Các bạn đừng so sánh bản thân của mình với những bậc giác ngộ cao siêu, ngày nay vẫn thấy được kể. Nào là vị này vị kia có nhân duyên rất đặc biệt, rất đặc biệt, rất đặc biệt. Nghe chữ đặc biệt thấy mà ớn hồn, còn chúng ta không đặc biệt hay sao? Để từ chỗ đặc biệt của những vị đạo sư ngộ đạo kia, nhân duyên đấy, ta tự dìm hàng bản thân, nghĩ rằng làm sao mình có được cơ phận hoặc nhân duyên đặc biệt ngộ đạo, họ có phước đức lớn công đức lớn. Nói như vậy là ta đã phỉ báng tuyên ngôn của Đức Phật rằng mỗi chúng sanh đều có nhân duyên đó, tố chất để thành Phật hết, trí tuệ viên mãn hết. Chẳng phải vì người đó có nhân duyên đặc biệt còn ta không có, ta và người từ cổ kim cho tới nay hoàn toàn y như thế, khác là ta có tinh tấn hay không?

Ta đã nhìn thấy hoa nở, hoa đẹp, hoa tàn. Ta đã nhìn thấy tấm vải trắng đẹp, lau chùi nó dơ và ta đã giặt để nó được trắng lần nữa, nhưng ta lại lau chùi nó lại dơ, rồi giặt, rồi lau. Hoa nở, hoa đẹp, hoa tàn, hoa tàn, hoa nở, hoa đẹp, ta thấy mà. Có điều ta không nhìn cho rõ để thấu được con đường đạo vô thường, thấu được vô thường, hiểu được vô thường là đạo. Nhân duyên ngộ đạo vốn có sẵn trong cuộc đời của mỗi người. Những đau khổ phiền não, những cay đắng ngọt bùi, hạnh phúc, an lạc, những lúc khủng hoảng tê tái, những lúc hạnh phúc cao ngất, những lúc mà phải chia tay với người mình yêu thương, những lúc mà phải vĩnh biệt, ly biệt, ly thân rời bỏ nhau, những lúc mà thành tựu, được, có. Ta đều đã trải qua sự trải nghiệm đó, nhưng ta không nhìn rõ để rồi ngồi hối tiếc chuyện đã qua.

Hoa sớm nở ngày đẹp, ngày đẹp tối tàn, đời vô thường có gì mà phải níu giữ. Nhưng vốn là người đa cảm xúc, cảm giác đó vẫn còn mồn một trong tâm, đã đi rồi nhưng sao cứ níu kéo để cả ngày đau đớn và nhớ nhung, trầm mình trong cảm xúc đó, đánh mất sự sống của hiện tại. Cũng như bao đệ tử của Phật ta chẳng bao giờ ngộ được đạo vô thường, rồi đổ thừa ta không có nhân duyên đặc biệt. Nhân duyên ngộ đạo chẳng đặc biệt như những câu chuyện huyền thoại kể ra, mà nhân duyên ngộ đạo luôn luôn hiện hữu ở trong đời. Người có tâm quyết định giải thoát khỏi đau khổ và phiền não của mình là người hiếu học, đặt mình trong khuôn khổ của sự tu luyện nhất định. Những hiện tượng xảy ra, những nhân duyên vốn có là nền tảng để chúng ta thành tựu được sự an lạc trong cuộc sống.

Phải đáng khen ngợi cho tất cả chúng ta, các bạn đồng tu. Nhiều người nói họ tu đã 10 năm, 20 năm 30, 40 năm nhưng đối với Bảo Thành vẫn vui và hạnh phúc vô cùng dù chúng ta mới tu khoảng 4 năm. Khi đại dịch lan tràn ta khởi đầu cho sự tu ở trên YouTube, trên Facebook, trên Zoom. Vì môi trường ngăn cấm không thể đi, con đường đạo chẳng thể ngừng, sự tu luyện chẳng thể rời xa, hình thành sự đồng tu trên không gian mạng là một điều rất tốt. Chúng ta vẫn thấy nghe giảng trên mạng, hướng dẫn trên mạng, đúng, nhưng đồng tu trên mạng như các bạn và Bảo Thành là một sự đồng tu miên mật mỗi một ngày. Ngày nào chúng ta cũng tu, ngày nào chúng ta cũng quán chiếu trong chánh niệm của hơi thở, chia sẻ với nhau đôi chút để thấu hơn những sự trải nghiệm trong đời và nhìn được nhân duyên vốn có nơi mỗi người.

Mật thiền là pháp môn phương tiện dựa trên nền tảng của chánh niệm hơi thở, mang cốt lõi của Đức Phật truyền dạy đó là Từ bi, là Trí tuệ, là Tỉnh giác, là Thiện lành. Không ai có thể thành tựu được nếu không nhận ra vốn trong ta có được tâm tánh Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành, tìm ở đâu. Cuộc đời mình vốn có tình thương lớn, có sự hiểu biết lớn, có sự tỉnh thức lớn và có tâm thiện lớn, cái lớn đó là cái lớn mà ta cần phải trở về tiếp hiện, tiếp nhận thì mới thấu được vô thường, phá được ngục vô minh, đi tới bờ giác ngộ thực sự.

Nhân duyên ngộ đạo vốn có nơi mỗi một người, hãy quay trở lại nhìn cho rõ như người đệ tử được Phật dạy hãy ra chăm sóc vườn bông, như người đệ tử Phật dạy hãy mang tấm khăn trắng rọi vào ánh sáng mặt trời để nhìn. Như những hàng đệ tử chúng ta mang chính mảnh đời của mình soi chiếu vào tâm, tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành cho thật rõ. Mang thời gian quán chiếu trong chánh niệm, nhìn rõ bông hoa tâm của mình, nhớ hoa đời sớm nở tối tàn, hoa tâm kia đó các bạn muôn đời vẫn còn đó chẳng bao giờ tàn phai. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành quán, quán tức là nhìn. Nếu chúng ta nhìn cho rõ và nhận được rằng nơi ta có từ bi, có trí tuệ, có sự tỉnh giác, có thiện lành, thì các bạn ơi, bạn đó có đủ nhân duyên ngộ đạo.

Đừng bắt chước những câu chuyện của nhũng bậc thiền sư trốn lên trên những ngọn núi cao tuyết, chẳng có gì ăn, ngồi thiền thôi mà vẫn sống, chẳng có gì uống ngồi thiền thôi mà vẫn sống, chẳng cần ai ngồi thiền không mà bay bay. Chuyện đó có trong kinh trong sách, nhưng không thực tế với cuộc đời thường của các bạn và Bảo Thành trong hiện thời thời đại này. Phải trân quý cuộc đời của mình và phải nhìn cho thật rõ những cảnh đang xảy ra trong đời, đó chính là nhân duyên để bạn ngộ đạo. Nếu bạn biết chánh niệm hơi thở một cách miên mật, đừng giải đãi, đừng lười biếng.

Chúng ta đã tu tới năm thứ tư ngày nào cũng tu rất bình thường, lặp đi lặp lại hơi thở của chánh niệm quán chiếu. Năm đầu quán chiếu tâm Từ bi, năm thứ hai quán chiếu tâm Trí tuệ, năm thứ ba quán chiếu tâm Tỉnh giác và năm nay ta đang quán chiếu tâm tánh Thiện lành. Bốn tâm này cao tột vô cùng, phá vỡ vô minh, giải thoát luân hồi sanh tử cho ta. Trong chánh niệm hơi thở nương vào đại hùng đại lực của mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, chúng ta với tự lực ngày nào cũng tu nhất định sẽ ngộ được chân lý vô thường để hết khổ, để phá cái bản ngã và để tự tại thong dong trong tất cả mọi cảnh ta có thể ứng hiện tùy thời với tâm đạo thiện lành của chúng ta.

Các bạn đừng phóng tâm theo những câu chuyện huyền bí cao siêu, những nhân duyên ngộ đạo của vị này vị kia kể, mà hãy trở về như một người rất tầm thường như Bảo Thành và các bạn. Quán chiếu những hiện tượng đang xảy ra trong cuộc sống với hơi thở chánh niệm. Các bạn, đó là nhân duyên ngộ đạo của bạn, bạn sẽ ngộ ra chân lý và sự hiện hữu của bạn trong cuộc đời này, bạn sẽ luôn thường lạc tức là luôn luôn an lạc và hạnh phúc, tự tại và thong dong trong mọi biến cố của cuộc đời. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Những hạng người rất bình thường như chúng con đều có đầy đủ nhân duyên ngộ đạo như Phật đã tuyên bố, chẳng tìm ở đâu xa, chẳng cần phải rời hiện tại, chỉ cần dừng lại trong chánh niệm hơi thở, nhìn cho rõ cuộc đời này chúng con sẽ ngộ được đạo lý vô thường. Xin Phật gia trì cho chúng con.

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn