Bảo Đăng đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.
Hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con miên mật hành trì mật thiền chánh pháp để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, thể nhập vào tâm tánh thiện lành, quán chiếu thấy rõ các pháp đều là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cầu cho đại chúng hàng Phật tử chúng con bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi buông thư. Luôn luôn ghi nhớ lời Đức Thế Tôn dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi lan tỏa tình yêu thương. Từng hơi thở vào ra quán chiếu tình yêu thương qua tâm Từ Bi với mật ngôn Mu A Mu Sa, quán chiếu tâm Trí Tuệ để nhìn thấu Vô thường – Khổ – Vô ngã qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, quán chiếu tâm Tỉnh Giác để vượt qua, phá vỡ vô minh u mê qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, quán chiếu tâm tánh Thiện Lành để có được dũng khí hành các pháp thiện, tăng trưởng phước báu công đức qua mật ngôn Sa Bi Mô U. Mỗi hơi thở vào ra quán chiếu như thế, chúng ta lại một lần nữa gắn kết thật gần gũi với chư Phật, Bồ Tát, tiếp hiện tha lực yêu thương của các Ngài để sách tấn tự thân, tự lực tu học, hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, lan tỏa yêu thương.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)
Các bạn, hôm nay trời thật đẹp, nếu như thế nhất định mọi người sẽ cảm thấy vui, sung sướng “À trời đẹp quá”
Hôm nay trời mưa dầm dự định đi chơi, mưa rồi to quá đi không được, trời xấu, lại thấy buồn thui thủi một mình, chắc có lẽ mưa mà có hẹn đi chơi đi không được ta sẽ thấy mưa buồn. Ai ở trên đời này là con người có thể tránh được những cảm xúc rất thật của trái tim, mãi cho tới phút cuối của cuộc đời trái tim đó còn đập, còn thở dù chỉ một lần nữa mà thôi, những cảm xúc vẫn luôn luôn dâng trào, vẫn đó, vẫn thật, vẫn gần gũi.
Nhỏ mới sinh ra bác sĩ hoặc các y tá phải tác động vào thân của ta để đánh thức cảm xúc, nhiều em sinh ra nằm im chẳng nói chẳng khóc, bác sĩ phải đánh và làm đủ cách cho đau, tạo cảm giác, nghĩa là có cảm xúc nhận biết được òa lên tiếng khóc. Rồi suốt cuộc đời còn thơ bé đó, cha mẹ, mọi người thân yêu tác động vào cảm xúc để em thơ có cảm hứng cười vui, nhìn với đôi mắt bồ câu thật đẹp, học những ngôn từ bập bẹ lặp đi lặp lại và trí tuệ từ sự lặp đi lặp lại đó tăng trưởng kiến thức. Như mỗi người chúng ta hôm nay cảm xúc cũng là một phương thức giáo dục tuyệt vời. Vậy nên những ai trốn tránh cảm xúc của mình, thì suốt cuộc đời chẳng thể lớn khôn. Dẫu biết thế, hiểu vậy nhưng có biết bao nhiêu những cảm xúc đau đớn, tang thương, tạo thành những vết hằn trong trái tim, ta sợ lắm không dám nhìn, không dám trực diện, không quán chiếu vì đau, nhìn lại thấy đau, nước mắt lại chảy, lại buồn.
Chẳng phải và cũng chẳng phân biệt nam hay nữ, đã là người trẻ hay già, nam hay nữ, ai cũng có những cảm xúc. Nhiều khi bộc lộ như phong ba bão tố, nhiều khi âm thầm nhưng cái đau ở trong tim, cái tủi trong trái tim. Cảm xúc đó nghĩ mà thấy thương cho mình, vắng bóng rồi nhưng mỗi người vẫn níu kéo trái tim, níu kéo cảm xúc của mình. Nói vậy mà Bảo Thành cũng đang nhận được biết bao nhiêu những luồng cảm xúc, bởi đang nói về cảm xúc và sự níu kéo trái tim, cảm xúc của mình mà ai không có. Các bạn chắc chắn có những sự níu kéo cảm xúc riêng vẫn còn tàng chứa trong trái tim, dù có nhiều vết thẹo, nhiều vết cứa, làm sao đây? Có những cảm xúc về tình yêu, ta nói chung là cảm xúc tình cảm giữa những mối ràng buộc của gia đình, cha mẹ, ông bà, trong tình yêu vợ chồng, trong tình nhân con cái, trong tình bạn, vì cả hai bên không khéo trong trái tim của mỗi người vẫn đó vẫn đau, hình như đã chẳng còn gì liên hệ với nhau, chia tay. Như thuở ban đầu chưa gặp nhau nhưng trái tim vẫn rung lên từng hồi những cảm xúc đau đớn, khó tránh, sầu muộn tê tái trầm mình trong cảm xúc níu kéo quá khứ của trái tim vẫn còn đó, chắc chắn là có trong mỗi người. Nhiều bạn rơi vào trạng thái đã mất chẳng còn, duyên tận đã xa, níu kéo cả ngày trầm mê ai oán, có!
Chúng ta học Phật phải có can đảm trực diện những cảm xúc rất người và những cảm xúc mà hầu hết chúng ta đều níu kéo trái tim của mình. Nếu nhìn cho rõ, cho thông và hiểu được lời Phật dạy, cảm xúc từ trái tim hay cảm xúc có được nơi các giác quan của con người cũng là một phương tiện vi diệu để cho nhìn rõ, hiểu được vô thường sanh diệt, hiểu cái có cái không, cái tới cái đi, cái còn cái mất. Mọi phương tiện qua các giác quan tạo cảm xúc đều vi diệu. Học là học ngay thân người, nhờ có sáu căn, nhờ có sự tiếp xúc với bên ngoài, nhờ có cảm xúc mà chúng ta làm giàu cuộc sống ý nghĩa hơn.
Đức Phật dạy trong Kinh Niệm Xứ, Ngài dạy thật rõ trong pháp Thiền của Tứ Niệm Xứ rằng: “Này các tỳ kheo, này các con, đã là người cảm xúc luôn có, nhưng thực hành thiền phải như vậy, sân ta biết ta sân, không sân ta biết ta không sân, giận ta biết ta giận, không giận ta biết ta không giận, khổ ta biết ta khổ, không khổ ta biết ta không khổ, buồn ta biết ta buồn, không buồn ta biết ta không buồn, khóc ta biết ta đang khóc, không khóc ta biết ta không khóc. Tất cả những cảm xúc, những suy nghĩ tới từ các giác quan mà tạo ra ta phải biết, dù là chánh hay là tà, là xấu hay là tốt, là lành hay dữ, là tịnh hay bất tịnh. Nhận biết, nhận diện, ghi nhận, chỉ vậy.”
Biết nhận biết và ghi nhận nhưng không đào bới, không níu kéo, không ôm giữ, không phân tích, không phán xét, không thêm, không bớt. Nhìn như nó là như vậy, tánh biết và ghi nhận như thế qua cảm xúc, cảm nhận của các giác quan tương tác với bên ngoài và cảnh bên trong. Tự nó với tánh nhận biết như vậy, ghi nhận như thế có cái định, có sức mạnh để giúp cho tuệ giác của chúng ta nhìn thấu được vô thường sanh diệt.
Từ đó loại bỏ những sự bám víu, níu kéo, hết khổ, hết sầu. Chẳng xây dựng một bản ngã để tồn tại, nhưng có sự biết của tánh biết, sự ghi nhận của tánh biết, chỉ vậy, đó là quán tâm trên tâm rất đặc biệt. Cảm xúc của con người luôn luôn có, tâm mình biết được ta đang có cảm xúc, cảm xúc tốt, cảm xúc xấu, cảm xúc giận, ghét bỏ, cảm xúc thương nhớ. Đặc biệt trong tình yêu, trong tình cảm của con người, cảm tình trong trái tim nói dễ xóa mờ làm sao xóa, nói dễ bỏ làm sao bỏ, nói quên làm sao quên, đau một lần suốt đời vẫn đau, đau như thế vẫn ôm ấp hoài dù cả ngàn năm vẫn thích đau, để còn nhớ như một hoài niệm về một tình thương, một tình cảm của ai đó. Cứ thế ta sẽ luân hồi trong trầm luân đau khổ, rất khổ.
Học quán chiếu tâm trên tâm trong mật thiền, nhận biết được những cảm xúc trong trái tim mà ta còn níu kéo, nên chúng hiện hình nhận biết, ghi nhận, không tác động bới tìm nhưng tưới tẩm bằng tâm yêu thương. Mang yêu thương tưới tẩm vào vết thương, mang yêu thương tưới tẩm vào những chỗ bị cứa, bị rách, bị đau. Chẳng cần biết đau, cứa tả tơi bởi vì đau nhưng mang tâm từ bi Mu A Mu Sa tưới tẩm khi nhận thấy và ghi nhận chúng, vết thương đó liền được lành. Bạn vẫn đau là bởi vì bạn không biết đứng dậy chăm sóc cho tự thân, mang tình thương yêu tưới tẩm vào những vết đau của cuộc đời. Nên sự hiện hữu của quá khứ vẫn còn đó để níu kéo chẳng thể qua đi. Trong kinh Đức Phật dạy cho chúng ta phải tập thiền quán như thế để chuyển hóa.
Vậy nên một câu kinh rất tuyệt vời trong Pháp Cú đoạn 173 Đức Phật dạy như vầy:
Ai dùng các hạnh lành
Xóa mờ đi nghiệp ác
Chói sáng rực cả đời
Như trăng, như mặt trăng đó các bạn, như mặt trăng làm sao đây? Chúng ta nhìn tới đây thì đoán được câu đó rồi, thoát khỏi mây che, như trăng thoát khỏi mây che. Đám mây của cảm xúc, đám mây của đau khổ, của phiền não, đám mây của sân giận do chính nghiệp ác nhiều đời ta tạo ra, trăng sẽ thoát khỏi đám mây đó và chói sáng rực cả cuộc đời làm sao được. Ai dùng hạnh gì? Thiện pháp, ai dùng các thiện pháp, ai dùng các hạnh lành, ai dùng các nghiệp lành, từ nào ghép vô cũng chung một ý các hạnh lành. Hạnh lành mà biết khéo dùng thì sẽ xóa mờ đi mọi nghiệp ác ta đã tạo trong quá khứ. Hạnh lành nếu khéo dụng sẽ đẩy lùi đi tất cả những cảm xúc đau đớn trong trái tim. Là người khó tránh được cảm xúc, nhưng hạnh lành kia ai dùng, ai dụng, ai tu thì nghiệp ác tạo nên những cảm xúc còn níu kéo kia sẽ chẳng còn, để như trăng thoát khỏi mây che mà chiếu sáng rực cả cuộc đời.
Bạn có còn đau và bạn có còn nhớ còn níu kéo những cảm xúc trong tim hay không? Chắc có! Bảo Thành có, nhưng nhớ về lời Phật dạy dùng trí tuệ quán chiếu, biết ta có, ghi nhận ta có, biết ta đang níu kéo những cảm xúc đã tuột khỏi tầm tay, đã hết hạn rồi, không còn đáo hạn lại với nhau nữa. Người ấy giờ đã ra đi để bao nỗi nhớ, nhớ mà nhớ cái gì? Nhớ sự tang thương, giận hờn, đau đớn tỉ tê, làm chi? Nhưng vẫn còn. Cuộc đời của con người hơi thở cuối hắt ra vẫn còn có cảm xúc thương nhớ về người mình yêu, dù đã chia tay vì nhiều lý do. Cảm xúc về tình cảm con người gọi là ái, là một chuyện rất lớn không thể trốn tránh, trốn bỏ, không thể làm tê liệt cảm xúc, không thể kìm hãm để nói rằng ta đã hết cảm xúc, người như thế chẳng thành đạo quả. Phật dạy phải biết và ghi nhận, tánh biết và ghi nhận cảm xúc trong Tứ Niệm Xứ gọi là dùng tâm quán tâm, quán cảm xúc của mình. Chỉ nhìn và ghi nhận trong chánh niệm, tăng trưởng được định lực rồi vững chãi ứng dụng các hạnh lành để xóa mờ đi nghiệp ác. Tâm sẽ sáng như mặt trăng không bị mây che, sáng rực cả cuộc đời, tự tại và an nhiên, hạnh phúc vô cùng.
Con đường Đức Phật dạy là con đường chuyển hóa, là con đường tăng trưởng dũng khí, không trốn, không chối bỏ, không sợ hãi dù là đau, dù là trái tim đã bị cưa đôi, cưa ba, cưa bốn, bị tan nát tơi tả chẳng thể vá lại được. Nhưng các bạn có còn nhớ dù cái áo năm xưa của bạn có rách tả tơi, thì bàn tay khéo léo của mẹ vẫn vá lại lành lặn. Dù những mảnh đời tơi tả ngoài kia thì bàn tay từ tâm của chư Phật, Bồ Tát, của những bậc thiện nhân trí thức, của những người có trái tim rộng mở, bao dung, yêu thương, cũng có thể vá lại được cả những mảnh đời tơi tả. Thì sự tả tơi hay tơi tả của những cảm xúc trong trái tim của chúng ta, Phật đã dạy hãy nhìn, hãy biết, hãy ghi nhận, đừng trốn tránh, chối bỏ, phải dũng mãnh lên nhìn, nhận biết. Đừng đào bới nó, đừng phân tích, phán xét, đừng tăng trưởng đổ dầu vào lửa, nhìn và ghi nhận nhưng tưới tẩm tâm yêu thương, chiếu sáng bằng trí tuệ để được tỉnh thức. Nhìn cho rõ, nhìn cho rõ chứ không phải trên đời nói nốc cạn chén đắng cho say tình sầu để làm chi. Phật dạy hãy nhìn, ghi nhận, tưới tẩm từ bi, chiếu sáng trí tuệ, tỉnh giác, thoát u mê và cuối cùng tâm tánh thiện lành như câu kinh pháp cú câu 177:
Ai dùng các hạnh lành
Xóa mờ các nghiệp ác
Chói sáng rực cả đời
Như trăng thoát mây che
Rõ ràng, rõ ràng Phật chỉ phải dành các hạnh lành mà thôi, hạnh lành trong chánh niệm quán chiếu tâm từ bi. Hạnh lành trong chánh niệm quán chiếu tâm trí tuệ. Hạnh lành trong chánh niệm quán chiếu tâm tỉnh giác. Hạnh lành trong trí tuệ quán chiếu tâm tánh thiện lành mười pháp thiện, để xóa mờ đi nghiệp ác mà Bảo Thành các bạn đã tạo ra. Để rồi trái tim ngày nay vẫn còn có biết bao nhiêu hoài niệm đau đớn ta vẫn níu kéo được xóa mờ, để tâm tánh thiện lành từ bi yêu thương, trí tuệ, tỉnh giác sẽ chiếu sáng cả cuộc đời. Như mặt trăng không còn bị mây đen của nghiệp thức ác che mờ nữa. Thực hành như vậy gọi là mật thiền dũng cảm vô cùng, mạnh mẽ vô cùng, vững chãi vô cùng, để rồi ta tìm về cội nguồn của sự an lạc và hạnh phúc, sung sướng lắm, tu thì phải sung sướng trong pháp hỷ của sự tịch tĩnh quán chiếu trong chánh niệm. Tu thì phải sung sướng ngay trong hiện tại chẳng chờ đến mai sau. Tu là phải sung sướng, phải dũng mãnh để nhìn thẳng và ghi nhận mọi cảm xúc.
Dù có tả tơi, tan nát cả cuộc đời do ai đó hoặc do chính mình do nghiệp ác đã tạo ra, không sao, không sao. Tả tơi hay tơi tả, tan nát chẳng còn một chút gì mẹ vẫn vá lại cuộc đời của chúng ta. Đức Phật vẫn vá lại cuộc đời của chúng ta, trái tim của chúng ta, cảm xúc của chúng ta bằng bí kíp thượng thừa là hãy nhận biết, hãy ghi nhận, hãy thấu rõ và mang tình yêu thương tưới tẩm cho chính mình và cho người. Dùng các hạnh lành để xóa mờ nghiệp ác, tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành sẽ lại một lần nữa từ cuộc đời nghiệp chướng chất chồng tả tơi được chiếu sáng mãi mãi như trăng, không còn bị mang nghiệp ác che mờ nữa. Ta tu như thế là đúng, tinh thần Tứ Niệm Xứ dùng tâm quán tâm, hạnh lành xóa mờ nghiệp ác nhiều đời, tâm kia sẽ sáng, hạnh phúc thiên thu.
Các bạn, ai trong chúng ta cũng có những nỗi khổ, nỗi buồn, ai trong chúng ta cũng luôn luôn níu kéo những hoài niệm quá khứ trong trái tim. Bởi thế khi nhìn lại thời gian đã trôi qua, tóc đã bạc, da đã nhăn, cả tuổi xuân có sức mạnh kia chẳng dụng vào các hạnh lành, để khi nhìn lại hối tiếc vô cùng. Chuyện đã qua là bởi vô thường Phật đã dạy, chẳng thể dùng một cái gì để níu kéo và giữ mãi. Bởi các pháp, các hiện tượng đều vô thường tới đi, sanh rồi diệt, có rồi mất biến chuyển thì đều đã đi, đã chẳng còn. Dù là dư âm của cảm xúc ta phải nhận ra vô thường như thế, biết và ghi nhận. Tánh biết và ghi nhận những cảm xúc như thế trong chánh niệm và từ bi, trong trí tuệ và tỉnh giác, trong hạnh lành, ta như người mẹ thật khéo biết khâu và vá lại những sự tả tơi trong cuộc đời của mình.
Bạn có tả tơi trong tình cảm hay không? Bạn có bị người ta lừa gạt, hắt hủi, tình yêu tình cảm của bạn có tơi tả? Có đấy, ai mà không có, rồi bao nhiêu những chuyện khác. Chẳng phải chỉ có tình nhìn theo tinh thần Đức Phật dạy, ngũ dục là năm thứ nhu cầu cần của con người. Ai mà không một lần tơi tả, có người tả tơi đến mức mà tiền không còn ở trong túi, miếng ăn cầu hoài chẳng có, trở thành người vô gia cư vất vưởng bên lề đường. Ai mà không có tả tơi trong đường công danh sự nghiệp. Ai mà không tơi tả nhà mất cửa nát. Ai mà không rách nát, đồ ăn nước uống lo lắng từng giờ mà chẳng thể có được. Những điều có hay không, tới rồi đi đều là vô thường và do chính nghiệp của chúng ta. Nếu tịnh tâm quán chiếu biết và ghi nhận tưới tẩm từ bi, chiếu sáng trí tuệ, sống đời tỉnh thức và dùng các hạnh lành như câu kinh pháp cú 173 nói:
Ai dùng cái hạnh lành
Xóa mờ các nghiệp ác
Chói sáng rực cả đời
Như trăng thoát mây che.
Mây đen của cuộc đời do ác nghiệp ta tạo ai ai cũng có, che mờ lý trí, chẳng còn ý chí để làm việc, sập nguồn toàn diện, u mê cả đời. Thì người ơi hãy nhớ dùng các hạnh lành xóa mờ nghiệp ác đi, thì tâm ta lại một lần nữa tỉnh giác, chiếu sáng rừng rực cả cuộc đời. Để mặt trăng tròn của tâm Phật, của lòng nhân ái, của tình yêu, của trí tuệ, của sự tỉnh giác, của sự yêu thương dẫn đưa chúng ta từng bước từng bước bước qua chiếc cầu u mê của tâm thức đen tối, nghiệp thức nhiều đời mà do ta hoặc ai đó đã cộng nghiệp chung. Hãy trở về với hơi thở của chánh niệm.
Thưa Phật! Xin gia trì cho hàng đệ tử chúng con biết khéo dụng các hạnh lành để xóa mờ các nghiệp ác, để tâm sức Thiện lành – Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác được chiếu sáng rực cả cuộc đời trong con, để tánh Phật hiển lộ như thoát khỏi những đám mây mù của mặt trăng.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, nhận biết, ghi biết những cảm xúc, tưới tẩm bằng tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)