Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật!
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Chúng ta hãy quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và đặc biệt xuống cho một bạn đồng tu của chúng con vừa quá vãng, hương linh Bảo Tâm An. Xin mười phương chư Phật, đức đại từ đại bi A Di Đà Phật phóng quang tiếp độ hương linh nương theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Và đệ tử chúng con hôm nay nguyện hồi hướng tất cả mọi công đức nếu có thành tựu được cho hương linh Bảo Tâm An. Xin chư Phật từ bi chứng minh.
Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta hãy luôn nhớ lời Đức Phật dạy: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Đời người ngắn ngủi Vô Thường, một khi duyên phước hết thân này phải trở về với bụi tro. Bạn đồng tu của chúng con đã ra đi trong Chánh niệm hơi thở, quán chiếu tâm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác, Thiện Lành trong từng sát na. Và nguyện xin chư Phật ban rải tha lực Phật điển tình thương dẫn đưa hương linh về chốn lạc cảnh. Chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa sâu xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho hương linh Bảo Tâm An.
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
Sa Bi Mô U
(7 biến)
Các bạn thân mến! Trong cuộc đời này, trời đất vần xoay, chớp mắt, mỗi một người dần phải trở về với lòng đất. Đây là một hiển nhiên, sinh, lão, bệnh, rồi chết. Thế nhưng bao nhiêu năm qua, vòng xoay của sinh tử vần quay trước mắt, nào mấy ai trong chúng ta có thể thấm được mệnh đời mong manh? Cuộc sống ngắn ngủi Vô Thường, tới khi ai đó thật gần nay vĩnh biệt ngàn thu như bạn đồng tu cô Phượng – Bảo Tâm An vừa ra đi. Ngỡ ngàng vô cùng! Bao nhiêu năm qua gần gũi trên con đường tu, thăm khi thân bệnh, hỏi han khi buồn tủi, gần gũi để chia sẽ, rồi chợt cái như đèn tắt bóng – lá vàng rụng rơi. Ai trong chúng ta cũng ngỡ ngàng buồn tủi đôi chút về một bạn đồng tu, nhất là những người thân trong gia đình. Nhưng khi ngày tháng trôi qua, cái điều đó, dấu ấn đặc biệt mà Đức Phật nhận ra mang lại sự đau đớn cho con người, mấy ai trong chúng ta còn tư duy suy nghĩ đâu? Để rồi cuộc đời cứ bồng bềnh đeo đuổi ngược xuôi chụp bắt bóng hình như tăm hơi mù tịt, chẳng được gì. Có chăng là chuốc vào sự phiền não đau khổ bởi những mong cầu thầm ước của những điều bất như ý xảy ra trong cuộc sống, chẳng lớn lao, nhỏ gọn trong gia đình như tình nghĩa của cha mẹ của vợ chồng, như tình cảm của thôn làng lối xóm. Ai trong mỗi người chúng ta cũng đều chất chứa cái kho tàng sầu đau, ngậm ngùi cay đắng, tỏ lộ cho người thật khó nên âm thầm canh thâu vẫn khóc rầu một mình. Chắc có! Ai cũng vậy. Gợi lại làm chi cho những cái buồn như thế? Nói làm gì về cái chết của một người để nặng sầu, để đau? .
Các bạn! Cuộc đời là như vậy, Đức Phật đã dõng mãnh nhìn thẳng vào cái sự thật về chân lý của sinh – già – bệnh – rồi chết, với mục đích là sau đó ta về đâu? Ai hỏi được câu đó? Có lẽ ai cũng hỏi được mà chẳng bao giờ đầu tư để tìm được và làm sao để vận hành cái sinh – già – bệnh – chết kia như thế nào khi còn sống với cái phước duyên đầy đủ thân xác trí tuệ còn đây. Đừng bao giờ đợi, thời gian trôi qua, tuổi già sẽ tới, cái chết thì rình rập như kẻ trộm kẻ cướp bất chợt trộm mất sự sống, cướp đi hơi thở, thế là xong. Hãy tỉnh thức, hãy Ma Sa Ốp Uê, sống một đời Tỉnh Giác sống một đời Tỉnh thức trong từng giây từng phút để kẻ trộm của tử thần Vô Thường, để kẻ cướp của muôn điều lầm chấp không có cơ hội đi vào những cái ngõ ngách tâm tư nguyện vọng của ta mà chiếm đoạt cuộc đời này. Một đời sống Tỉnh Giác rất quan trọng trên con đường tu, để dọn sạch cái kho tâm thức không còn dơ dáy của những ác nghiệp nhiều đời ta tạo, để tẩy đi những uế trược ta đã mang vào làm hôi thối tâm thức của chúng ta. Các bạn! Phải biết dọn dẹp cho sạch cái căn phòng chân tâm, phải nhận ra cái sự bẩn thỉu lâu nay ta chất chứa, và xắn tay áo lên đi hãy cùng nhau mang chổi của Chánh niệm vào quét dọn sạch sẽ, và mang nước Từ Bi Tịnh thủy Lưu ly Cam lồ của Quan Âm Mu A Mu Sa lau chùi cho sạch sẽ. Thắp sáng vòng tâm thức của mình qua mật ngôn: NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để ngọn đèn Trí Tuệ thấu được Vô Thường, Khổ và Vô Ngã tỏ lộ giữa đêm trường u mê tăm tối lầm chấp của ta.
Một đời sống tỉnh thức như thế và đôi bàn tay này còn có, và sáu giác quan còn tinh thông tha hồ thỏa thích, mang cái thiện ra để ứng dụng vào cuộc đời. Ai có căn nhà cũ nào không mong muốn một lần giật aụp nó đi để xây một cái nhà mới bằng những nguyên liệu tốt đẹp hơn? Ai có những căn nhà lụp xụp một cơn gió thoảng nhẹ nhàng sợ nó đổ xuống chôn vùi mình, sao không thể một lần mạnh mẽ hơn khi trong tay đã có những cái nguồn nhiên liệu cao cấp giật đổ căn nhà cũ đi, xây dựng lại một căn nhà mới, canh tân đời sống? Tại sao chúng ta cứ phải chui vào cái ổ chuột của ngày tháng rên xiết trong khổ đau làm gì, khi trong tay vẫn có cái khả năng dư dả vật liệu để tái tạo lại căn nhà tâm thức của mình. Bốn thể loại vật liệu vô giá ở trên đời mà ai cũng có đó là Từ Bi, đó là Trí Tuệ, đó là Tỉnh Giác, đó là tâm tánh Thiện Lành chân như hiện hữu luôn luôn có bên ta. Bốn thể loại vật liệu vô giá này nếu biết hòa trộn vào một cách khéo léo bằng Chánh niệm của hơi thở, chúng ta có khả năng vượt trội thành những thợ xây siêu việt, những kiến trúc sư tài ba vì đã có Phật trong đời để xây dựng một ngôi nhà chân tâm mới vững chãi muôn đời, thông thoáng.
Các bạn, nhìn vào sự chết là để đánh giá một cái giá trị ta vẫn còn là ta có thể bước qua sanh tử bằng tâm yêu thương, bằng Trí Tuệ thấy rõ Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, bằng sự Tỉnh Thức trong từng giây khoảng khắc, bằng tâm tánh hiền lương, ta bước qua được sanh tử mà không bị sanh tử ràng buộc. Phật đã dạy như vậy, Ngài đã làm được. Nếu như chúng ta chuẩn bị thật kỹ và tiến vào cái công trình tái tạo xây dựng lại ngôi nhà chân tâm bằng bốn thứ vật liệu như vừa kể trên qua từng hơi thở Chánh niệm của từng ngày, Phật sẽ luôn đồng hành để hỗ trợ ta xây lại cái tâm cho tốt đẹp để bước qua sanh tử an nhiên và tự tại, Thành – Trụ – Hoại – Không như một cơn gió thoảng qua mang hương Giải thoát, mang hương Định, mang hương Tuệ, hương Giới nhẹ nhàng thổi mát tâm của chúng ta.
Ngày tháng cứ trôi qua ta cứ già nua bởi nhìn đâu cũng thấy lỗi, nghe đâu cũng thấy tội, nghĩ đâu cũng thấy xấu, moi moi moi hoài, chất chứa trong tâm. Các bạn nhỏ thì muốn lớn mau già để trưởng thành thoát ra khỏi cái cửa của cha mẹ để vỗ ngực oanh oanh liệt liệt ở trong đời. Nhưng đến một cái tuổi nào đó nuối tiếc bởi tóc đã bạc, chân đỡ run, răng đã rụng, trí nhớ không còn sáng lại hối tiếc mong cầu trở về với tuổi thơ. Mà không biết có mong cầu hay không? Người lớn thường nói luẩn quẩn như trẻ thơ, nhưng không phải, trẻ thơ không nói luẩn quẩn. Người lớn lại nhớ về những cái hoài niệm của tuổi thơ nhưng chẳng còn là tuổi thơ, lãng trí đó. Không còn biết mình ở chốn nơi đâu thì làm sao biết được mình sẽ về nơi đâu? “Tìm về tuổi thơ” chẳng phải là “cải lão hoàn đồng” như các vị vua xưa muốn trường thọ muôn thuở để giữ cái danh làm vua, tiền tài, quyền lực để bắt ép thần dân của mình tìm cái phương thức luyện đan thuốc trường sinh bất lão. Những ước vọng như thế lịch sử đã chứng minh chẳng thể có. Tham quyền, tham lợi, tham danh, tiền, tình, tài vốn có chất đầy to như núi thì chết xuống mồ chúng lại là những thứ chôn vùi ta vào trong đau khổ phiền não.
“Tuổi thơ tìm về” trong Kinh Diệu Pháp Hạnh Anh Nhi nói đến cái sự trưởng dưỡng cái tâm chân thật. Tuổi thơ là chân thật, chẳng phải cái tuổi một, hai, ba, bốn tháng, một, hai, ba, bốn năm mà là tâm tánh hồn nhiên chân thật. “Tâm chân”, đó là tuổi thơ. Tìm về tuổi thơ là tìm trở lại cái tâm chân thật mà chính mỗi người đã đánh mất qua cái cuộc sống bon chen, tranh đua, hơn thua, giận hờn, sân si, bủn xỉn, ích kỷ. Ta đã mất tâm chân thật. “Tìm về tuổi thơ” là tìm về tâm chân thật. Thế nên, chính Đức Phật – Ngài Bổn sư, Ngài chỉ có một người con là La Hầu La, Ngài để lại cho La Hầu La một bài học vô giá bằng dạy cho La Hầu Là hãy sống với tâm chân thật. Và Ngài dạy cho con của Ngài rằng: Nếu như chúng ta đánh mất cái tâm chân thật thì không có một cái điều ác nào mà ta không làm, vậy thì không có một cái nghiệp chướng nào, nghiệp xấu nào mà không có trong cái kho tâm thức của chúng ta. Do đó Ngài đã nhấn mạnh trên cái con đường thành tựu đạo quả là phải trở về với tuổi thơ, nghĩa là phải trở về với cái tâm chân thật, “tâm chân”. Chân như hằng hữu, Phật tánh hiện lộ.
Nghiệm lại một chút trong cuộc đời, có phải chăng Bảo Thành và các bạn đã dần mất đi cái tâm chân thật? Trước khi nói một lời, suy nghĩ sao cho hơn cho thua, suy nghĩ sao cho có lời, suy nghĩ sao để đè bẹp, để gièm pha, để xỉa xói, để tẩy chay, để gây hấn, chứ không bao giờ nói bằng tâm chân thật. Đôi khi ta nói tôi là người thật thà, nhưng trong cách nói, cách diễn tả, cách chuyển ngôn ngữ và tương tác thiếu vắng tình thương. Lời chân thật mà thiếu vắng Mu A Mu Sa, tâm chân thật mà vắng bóng tâm Từ Bi Mu A Mu Sa, đó không phải là tâm chân thật. Ta cứ viện cớ, lời ngay thì nghịch cái lỗ tai, nghe vào đắng lòng – sai. Lời ngay phải là lời chân thật khởi lên từ tâm Mu A Mu Sa, tâm Từ Bi vô lượng. Lời ngay thẳng mà không có tâm Từ là cái lời cay đắng. Lời như vậy người tu như chúng ta nhận thấy thiếu ái ngữ. Lời nói phải có ái ngữ, ái ngữ khởi từ tâm Từ, tâm Từ nhờ quán chiếu Mu A Mu Sa. Chúng ta đừng viện cớ: “Tôi thật thà, nói hơi nghịch lỗ tai”. Người thật thà phải khéo ăn khéo nói, ái ngữ nhẹ nhàng, dễ thương, hòa ái mới có thể đồng cảm, đồng hành, đồng sự, để cùng nhau vượt qua chướng ngại của cuộc đời. “Tìm về tuổi thơ” là tìm về tâm chân thật mà đó chính là bài học vô giá Đức Phật dạy cho con của Ngài. Ta là Phật tử, theo cái ngôn ngữ người Việt thường gọi một cách thông dụng quen thuộc rồi tạm dịch là “con Phật”, đã gọi là con Phật thì Đức Phật luôn dạy cho chúng ta phải trở về cái tâm chân thật.
Và nếu thiếu vắng cái tâm chân thật, tội ác đầy rẫy ở trong lòng của mỗi người chúng ta. Không thể chất chứa cái ác ở trong lòng mà tầm cầu con đường giải thoát, đẩy lui phiền não và nghiệp chướng được đâu. Hãy bắt đầu từ cái tâm của mình, miền đất tâm của mình, kho tâm thức của mình, đi vào đó, soi đèn Trí Tuệ, mang nước Cam Lồ tẩy sạch uế trược, mang sự Tỉnh Thức nhìn cho thấu suốt và mang cái sự Thiện Lành tâm chân để đối xử với chính mình qua từng hơi thở của Chánh niệm. Nhất định cách sống như thế là cách sống canh tân tâm linh, tinh thần, và thể chất. Một căn nhà thông thoáng, gió mát sạch sẽ, sức khỏe có ngay. “Bát sạch ngon cơm”, câu đó ông bà nói chúng ta nhận rõ một căn nhà sạch sẽ có sức khỏe. Bao nhiêu lâu ta cứ bệnh hoạn, ta cứ đau đớn là bởi vì nhà ta dơ bẩn. Nhà ở đã dơ bẩn thì nhà Tâm cấu trược tràn đầy, lấy gì để khỏe đây? Hít thì hít khí dơ, ở thì thở điều ác, miệng thì nói những lời ghê gớm cay độc, khỏe sao được? Tự đầu độc, tự bách hại mình, mong cầu cái khỏe làm sao có? Bạn đang bệnh chỉ cần trở về với cái tâm chân thật, dọn sạch cái tâm uế trược của mình bằng cách mang tâm Từ Bi yêu thương rải xuống trong cuộc sống của mình, rải vào tâm thức khi suy nghĩ, rải vào những ngôn từ khi ăn nói, rải vào những hành vi khi tương tác. Thân, Ngữ, Ý được rải tâm Từ thì nhất định ta sẽ khỏe, tinh thần sẽ sáng, tâm linh sẽ nhìn thấu.
Muôn cảnh ở đời xảy ra Vô Thường. Đấy! Nhìn đi, chớp một cái bạn đồng tu, hương linh Bảo Tâm An đã chẳng còn trên cuộc đời. Bài học đắt giá ngay chỗ đó để ta biết trở về chăm sóc, trở về cái tuổi thơ, trở về cái tâm chân thật của mình qua Chánh niệm hơi thở và sống một cách chân thật với mình với người. Sự sống chân thật với mình là phải trở về với hơi thở. Như em bé thở vào thở ra, nhìn mẹ nhìn cha mỉm cười tuyệt vời như một thiên thần. Bài nhạc ta nghe trước khi đồng tu sáng tác do nhạc sĩ Lynh Nghy nói về “Đôi cánh thiên thần” đẹp cỡ nào? Ta ước mơ bay lên bầu trời cao tung cánh tận trăng sao, tận hưởng cõi đời này. Đẹp lắm! Trở về với tâm chân thật là trở về với đôi cánh thiện thần để bay lên trên chẳng phải là ước mơ nhưng mà thành tựu được điều Đức Thế Tôn – người Cha nhân từ, yêu thương chúng ta vô vàn đã dạy cho chúng ta.
Các bạn! “Tìm về tuổi thơ” là tìm về tâm chân thật. Bạn có thấy nó cao quý không? Và bạn trong những tháng ngày qua có thực sự ấn tượng rằng: mình cần phải tìm về tuổi thơ, tức là tâm chân thật hay không? Hay vẫn nhuộm đủ màu sắc của cái tâm gian dối, tâm ác độc, tâm hơn thua, tâm lầm chấp, tâm sân giận, tâm xỉa xói, tâm tranh giành, tâm ích kỷ? Đủ mọi thứ tâm như rác rưởi nhưng lại thiếu vắng tâm chân thật. Nhà tâm của chúng ta chật chội, hôi thối uế trược. Các bạn! Nếu bây giờ nhìn vào cái chết của bạn đồng tu mà ta không chuẩn bị dõng mãnh để dọn sạch, đợi đến phút cuối cận tử nghiệp nó kéo đi, làm sao có cái lực của sự Tỉnh thức, của Định để mà phá được nghiệp lực bất tịnh nhiều đời ta đã kết lại? Không! Cơn lũ, cơn sóng thần của nghiệp chướng nó nhấn chìm ta ngay. Cần phải Tỉnh thức. Hãy Tỉnh thức và Chánh niệm hơi thở, sống chân thật trong từng ngày, trong từng giây, trong từng khoảnh khắc. Hãy tỉnh thức! Hãy tỉnh thức! Sống chân thật qua hơi thở Chánh niệm, đó là điều khôn ngoan. Người khôn ngoan chẳng phải là người mang vàng bạc đeo đầy cổ, chất đầy kho, chết có mang được đâu? Đó là người khờ, người ngu. Người khôn ngoan là người biết mang hơi thở Chánh niệm và tâm yêu thương tưới tẩm vào trong từng giây phút còn hiện sinh trong cuộc đời với cái phước báu là người cộng sinh với muôn loài.
Các bạn hãy ý thức điều đó! Tìm về tuổi thơ, tìm về tâm chân thật, đừng đánh mất nó. Đời dù có vội vàng, dù bao nhiêu sự hơn thua tranh chấp, dù bao nhiêu hận thù ghen ghét, dù bao nhiêu đọa đầy áp bức dù có căng tới đâu, áp lực có mạnh tới đâu, hãy nhớ đời ta, bên ta, trong ta, trí tuệ, ta vẫn còn luôn luôn có Phật hiện hữu. Phật là bậc thầy của trời người. Ngài đã đi qua chiến thắng của đau khổ phiền não thì nhất định mỗi người chúng ta, áp lực của cuộc đời có tới đâu, nghịch cảnh cuộc đời có tới đâu, phong ba bão tố của cuộc đời có mạnh mẽ tới đâu, Đức Phật vẫn là người luôn chống lưng cho chúng ta để ứng dụng cái tâm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác, Thiện Lành, để phá vỡ một ràng buộc của ác nghiệp nhiều đời, xây dựng lại ngôi nhà chân tâm trụ vững mãi và vững chắc trong cái thế đời Vô Thường hiểm nguy này.
Hơi thở Chánh niệm của Mật Thiền là hơi thở vi diệu hoà trộn bốn nhiên liệu cao siêu nhiệm màu của tâm Từ Bi Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ thấu rõ được Vô Thường, Khổ, Vô Ngã của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh giác của bậc Chánh đẳng Giác ngộ của Phật là Ma Sa Ốp Uê, và tâm Thiện Lành Sa Bi Mô U: tâm của tuổi thơ, tâm chân thật, tâm quý giá vô cùng. Đời còn có gì quý bằng bốn thứ này, bốn cái tâm này? Lầm lạc là không nhận ra, chẳng tư duy trong Chánh kiến, chẳng hiểu thấu ứng dụng để thấy giá trị của chúng, mà đắm đuối trong tiền bạc, danh vọng, địa vị, cơm ăn áo mặc, nhà cao cửa rộng. Ta đã nghe thật nhiều: “Nào nhà lớn, nào nhà cao có nghĩa gì đâu? Chết đi rồi cũng chỉ vài thước đất nằm sâu xuống dưới, mấy năm đào lên xương cũng chẳng còn chỉ là bụi tro mà thôi. Bạn ơi hãy nhớ: “Đời là bụi tro, đời chẳng có gì để ta cưu mang ngoài cái tâm Từ Bi yêu thương, ngoài ánh sáng của Trí Tuệ thấu được Vô Thường, ngoài cái sự Tỉnh Thức hằng ngày chớ u mê, nhờ vào cái sự Thiện Lành đó, muôn sự ở đời này phước báu tràn đầy, công đức dư giả như ông bà từng nói: “Có đức mặc sức mà ăn”. Tìm gì trong thế gian khi thiếu đức? Chẳng có gì đâu. Sẽ có dư giả khi tâm đức hiền lương. Mật Thiền Chánh niệm đưa ta trở về với tuổi thơ sống với cái tâm chân thật thiện lành Sa Bi Mô U.
Các bạn! Chúng ta hãy trở về với tâm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác, Thiện Lành quán để hồi hướng cho hương linh Bảo Tâm An và cho mỗi người chúng ta biết sống một đời sống chân thật Tỉnh giác.
Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng còn thấu rõ được cái chân lý này, hành trì cho miên mật để trở về với tuổi thơ, sống với tâm chân thật hiện hữu đang có trong cuộc đời này.
Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
Sa Bi Mô U
(7 biến)