Bảo Đăng đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.
Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tinh tấn miên mật hành trì mật thiền chánh pháp để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, thể nhập vào tâm tánh thiện lành, quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho hàng đệ tử của chúng con phiền não đoạn diệt, bệnh tật tiêu trừ, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi trong tư thế phù hợp với cơ địa của thân, buông thư hít thở chậm rãi trong chánh niệm. Hít vào ta hít bằng mũi, thở ra ta thở bằng miệng, hít phình bụng chậm rãi, thở hóp bụng chậm rãi. Trong hơi thở của chánh niệm ta tổng trì mật ngôn quán chiếu tâm Từ Bi – Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, tâm tánh Thiện Lành qua mật ngôn Sa Bi Mô U. Mỗi hơi thở vào ra chậm rãi chánh niệm quán chiếu tổng trì mật ngôn, nguồn tha lực của chư Phật ta sẽ tiếp hiện được bằng sự tự lực hành trì, chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi, phình bụng, thở từ từ chậm rãi hóp bụng vào, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)
Các bạn đồng tu, mỗi một ngày trôi qua nếu dành thời gian nhìn lại, không biết là bao nhiêu chuyện ta đã làm, biết bao nhiêu những tư tưởng đã khởi lên trong tâm ý. Nào là tư tưởng suy nghĩ về công ăn việc làm, suy nghĩ về ông bà cha mẹ. Những người có gia đình suy nghĩ về vợ chồng con cái. Người lãnh đạo suy nghĩ về đất nước, kế sách. Người bình thường suy nghĩ đủ mọi thứ. Như một cái tivi có nhiều đài trong tâm tưởng không cố định, cứ chớp chớp nhảy từ đài này qua đài kia, luồng tư tưởng cứ thế mà lăn trôi, cuối ngày mệt. Đâu ai dừng được tư tưởng của mình và cứ như vậy tư tưởng khởi sanh không có thể dừng lại, ta bị bào mòn năng lượng từng khoảnh khắc.
Nhìn cho rõ biết bao nhiêu chữ ngôn ngữ ta ứng dụng nhiều lắm, đặc biệt là môi trường tiếp cận với bạn bè. Sáng dậy xong một cái là tuôn ra gặp cô bác ông bà, gặp người thân, gặp bạn bè. Ở đường gặp ai, miệng nói luyên thuyên, còn tạo tác qua hành động cũng quá nhiều, kiểm tra khó kỹ lắm. Không ai nhìn nhận rõ được những gì ta đã hành động qua ngôn ngữ khởi lên trong tâm tưởng, nhiều quá. Đó là một ngày trôi qua mấy ai có thể nhớ hết được mình đã làm gì, nói gì, suy nghĩ gì. Huống hồ chi một tuần, một tháng, một năm, nhiều ngày, nhiều quá nhớ không được. Có khi nào nghĩ một chút xíu nói với bản thân rằng “Tại sao ta suy nghĩ quá nhiều và tất cả mọi suy nghĩ của ta có lợi lạc gì cho sức khỏe, cho tinh thần, tâm linh hay không?” Hay như một cái máy vô chủ bật lên rồi chạy cho tới cuối đời hết pin, xuống mồ sâu nó mới hết suy nghĩ.
Nhiều khi ta tâm sự với bạn bè và nói rằng càng suy nghĩ càng thấy nhức đầu, vì mấy ai trong chúng ta mà không có sự trắc trở, dằn vặt, đau khổ, toan tính, lo âu, phiền não, sợ hãi nhiều quá. Bây giờ chúng ta đang đồng tu, nhìn lại một chút ngay bây giờ các bạn có thấy bạn đang suy nghĩ gì hay không? Hình như sự suy nghĩ của các bạn dừng lại đôi chút, bởi lỗ tai của các bạn đang nghe Bảo Thành nói, sự lắng nghe sẽ giúp cho sự suy nghĩ dần dần lùi bước. Ta mượn cách nói này để tư duy cho rõ, bận rộn hàng ngày không bao giờ hết, công việc hàng năm không bao giờ hết, toan tính cả đời cũng không bao giờ dừng. Để trong những giây phút sống này đây ta chỉ sống bằng sự tưởng tượng, suy diễn, tìm tòi quá khứ, toan tính những điều chưa xảy ra. Mà mỗi người chúng ta đã tự đánh quên đi, đánh mất đi không còn nhớ để sống. Ta cứ làm, ta cứ ăn, ta cứ toan tính đủ mọi sự, có lúc nào nhìn lại mới thấy ngỡ ngàng ta quên sống. Các bạn có quên sống hay không? Chắc chắn sẽ vỗ ngực tôi đang sống, mình đang sống, nhưng thật ra mình quên sống.
Đức Phật nhận ra điều đó, mọi chúng sanh đều quên sống trong hiện tại, quên sống. Có làm, có ăn, có hao tổn năng lượng trong suy nghĩ, trong lời nói, trong việc làm, nhưng quên sống trong chánh niệm. Vì quên sống trong hơi thở chánh niệm do chính bởi ta không nhận ra giá trị của sự sống hiện tại, mà đau khổ phiền não cứ dồn dập kéo tới ta không ngừng được. Một bậc giác ngộ như Phật không thể muốn nói thì nói, muốn làm thì làm, từng lời, từng việc Ngài luôn luôn có sự trải nghiệm trong giác ngộ, hiểu thấu để nói, truyền đạt cho mọi người để hành, làm gương cho mỗi chúng sanh. Phật dạy chánh niệm đời sống là vì Ngài nhìn thấu được chúng ta không chánh niệm để sống trong từng giây phút, mà lăn trôi để cho suy nghĩ sinh hoạt hàng ngày nó dẫn dắt, mệt nhoài, bào mòn sức khỏe, thân bệnh, tâm bệnh. Thấy được sự nguy hại do không thực sự sống trong chánh niệm, mà khi giác ngộ Ngài nhận diện ra. Để rồi suốt cuộc đời của Ngài luôn luôn nhắc nhở cho chúng ta phải nhớ sống trong chánh niệm.
Các bạn thân mến, các bạn có nhớ sống trong chánh niệm hay không, hay các bạn đã quên? Bạn còn nhớ hay đã quên? Nhớ cái gì? Nhớ sống trong chánh niệm, quên cái gì? Quên sống trong chánh niệm. Ta bị thất niệm như những cơn sóng dập vùi, ta bị những tạp niệm như những cơn bão bụi ở sa mạc, bão cát ở sa mạc vùi lấp ta. Biết bao nhiêu những tạp niệm, rồi những thất niệm, chưa nói cho rõ hơn là tà niệm, ác niệm tràn đầy nhưng thiếu vắng chánh niệm. Bạn cứ hỏi chánh niệm khó tập quá bởi tà niệm, ác niệm, tạp niệm nhiều quá không dừng được, thực hiện chánh niệm khó quá.
Bậc giác ngộ dạy một phương pháp qua chân lý thật rõ, nếu trải nghiệm sẽ thấu hiểu: không thể có hai niệm trong cùng một giây, một sát na. Nếu niệm hiện thời là ác thì không có thiện trong đó, mà niệm hiện thời là thiện thì không có ác trộn lẫn. Trong một khoảnh khắc, trong một sát na, trong một giây chỉ có một niệm. Nếu ta duy trì được cái niệm ta chọn lựa trong chánh niệm – niệm lành, niệm thiện, thì không thể có niệm ác, niệm bất thiện xen kẽ vào đó. Nhiều sự rắc rối trong tâm tưởng, đau khổ và phiền não nơi thân, nơi tâm, nếu bạn có phải thực hành đời sống chánh niệm, có nghĩa là thực sự sống trong chánh niệm. Phương pháp cần phải thực tập qua sự lắng nghe, hành trì nhớ cho rõ, thực tập đến sự thuần thục trở thành thói quen, có điều kiện hướng thiện, hơi thở chánh niệm sẽ tạo nề nếp để bạn sống thật sự trong từng giây phút với các pháp thiện lành.
Thật là hoan hỷ và hạnh phúc bởi sự sống trong chánh niệm của các pháp thiện lành, đẩy lùi đi những ác niệm, những tạp niệm, những tà niệm, những thất niệm để chỉ còn lại chánh niệm từ bi. Đức Phật đã thực hành có hiệu nghiệm và đẩy lùi, chuyển hóa toàn diện những đau khổ phiền não, một đời sống an bình hạnh phúc, có sức khỏe cho thân, cho tâm. Bạn có hướng tới một đời sống như vậy hay không? Nếu hướng tới đời sống đó cần phải ưu đãi đầu tư vào sự tu luyện mỗi một ngày. Cả đời ta đã không thể dừng những suy nghĩ, tư tưởng không tốt, cả đời ta đã nói năng những ngôn từ thất thiệt và có những hành vi không hay. Sao không khởi lên tâm hướng về Phật pháp, tu tập trong chánh niệm để dừng những điều xấu đó và chuyển hóa chúng, để ta có một đời sống hạnh phúc tận hiến cho chính mình, cho tha nhân, cho gia đình, cho cộng đồng, cho xã hội.
Bạn có còn nhớ hay bạn đã quên sống trong chánh niệm? Chúng ta nhất định không quên, chúng ta thường nói như vậy. Nhưng vì nhiều thứ lôi cuốn, đó là cách nói chống chế để tạo tiền đề cho ta tiếp tục quên sống chánh niệm. Phải có một sự minh định thật rõ, bởi ai trong chúng ta như Phật dạy luôn cầu mong một đời sống bình an hạnh phúc, thiếu vắng sự phiền não và đau khổ. Ngay chỗ thiếu vắng phiền não và đau khổ thì có sự hiện diện của hạnh phúc và bình an. Nếu thiếu vắng thất niệm, tà niệm, tạp niệm, ác niệm, thì luôn luôn sẽ có sự hiện diện của chánh niệm và ngược lại. Ngược lại có hơi thở vào ra, chánh niệm từ bi sẽ làm vắng mặt toàn diện những thất niệm, tà niệm, ác niệm, vậy thôi. Nó đơn giản đến mức mà khi bạn hiểu ra bạn mới à lên một tiếng, hóa ra quá dễ, quá đơn giản, thực hiện được. Bậc thầy giác ngộ là Phật dạy những phương pháp thật dễ và ai cũng có thể thực tập một cách thực dụng mỗi một ngày. Đây không phải là chuyện mà ta quỳ lạy để van xin, mà là sự thực hành để thành tựu, để đạt được. Phật – bậc Thầy giác ngộ không tới đưa ra một phương pháp để cả đời ta lệ thuộc vào Ngài, nô lệ cho đấng quyền năng giác ngộ. Mà Ngài tới rất thân, thân như một bậc thầy đáng kính, hiền dịu, thân như một người bạn trong cuộc đời, một tri kỷ như cha, như mẹ, như bằng hữu. Chẳng mang quyền danh tới để đè bẹp ta nhưng mang tình thương tới để đồng hành, san sẻ, dìu dắt, nâng đỡ, hướng dẫn cho ta đạt được khả năng tự chủ cuộc đời của chính mình. Thay đổi toàn diện cuộc sống, không bị nhận chìm bằng cuồng phong bão tố của thất niệm, tà niệm, ác niệm, nhưng được tô điểm năng lượng tuyệt vời của chánh niệm từ bi. Bạn tu gì không cần biết, pháp môn nào không cần hay, chùa chiền nào không cần kể. Nhưng nếu bạn không tu một trong những điều của thánh đạo là Bát Chánh Đạo đó các bạn, một trong những điều mà Phật dạy ở đó là đời sống chánh niệm từ bi. Chùa lớn, Thầy Tổ có giác ngộ pháp môn có vi diệu, thực hành đã nhiều năm cũng không thể có được đời sống bình an, nếu thiếu vắng chánh niệm từ bi. Chánh niệm từ bi là nền tảng cần có nơi mỗi một chúng sanh, qua công hạnh thực tập bền bỉ, vững chãi, kiên cố mỗi một ngày.
Bạn còn nhớ hay đã quên sống thật sự trong chánh niệm cho thật rõ? Chúng ta không nhớ và đã quên sống trong chánh niệm. Chúng ta đã không nhớ và luôn quên sống trong chánh niệm từ bi. Chúng ta đã không nhớ và đã quên thật sự, để rồi bão táp của tà niệm, của thất niệm, của ác niệm, của tạp niệm trộn lẫn, nhận chìm ta vào và từ đó ta không còn đứng vững. Tâm mong cầu hạnh phúc an lạc vẫn có, nhưng không đứng vững nên từ dạo đó chúng ta trở thành nô lệ cho thần linh, cho thần thánh, cho các đấng quyền năng ban bố, không tự chủ và chẳng có niềm hãnh diện rằng Đức Phật đã dạy cho chúng ta tự đứng dậy vững chãi mà đi.
Chánh niệm từ bi là một pháp môn trong con đường Bát Chánh của Đức Phật dạy. Chẳng phải bạn là bác sĩ, luật sư, giám đốc mà bạn có khả năng thực tập, còn những người khờ khờ khạo khạo như Bảo Thành không thể. Phật đã nghiên cứu và truyền dạy một pháp môn không phân biệt cao thấp nơi kiến thức, giàu sang hay nghèo, thông minh hay khờ dại, cũng chẳng phân biệt thể loại chúng sanh. Tất cả mọi loài chúng sanh đều có thể thực nghiệm qua sự trải nghiệm chánh niệm của từ bi, để dần dần chuyển hóa toàn diện đau khổ và phiền não, tiếp hiện một đời sống an lạc hạnh phúc. Chánh niệm hiện hữu, tà niệm, tạp niệm, thất niệm, ác niệm sẽ vắng mặt toàn diện, bạn thực tập đi. Hãy nhớ sống và đừng bao giờ quên thực tập chánh niệm từ bi mỗi một ngày, có lợi lạc vô song.
Ai có tấm thân này đọa đày trong những phiền não của tinh thần, chuyện tiền, chuyện tình, danh vọng, địa vị, lo ăn, lo ở. Nếu biết sống chánh niệm từ bi muôn sự ở đời sẽ dần dần tiếp hiện trong sự thăng bằng, quân bình để bạn tận hưởng cuộc sống. Nếu bạn đang có sự rối loạn của thân bệnh hoạn, đau đớn, chánh niệm từ bi cũng sẽ đưa bạn trở về sự quân bình, trạng thái năng lượng được bình ổn, để thân giảm bệnh. Đời sống tâm linh nếu bạn biết chánh niệm hơi thở từ bi, đừng quên nha các bạn, phải nhớ bạn sẽ có được đầy đủ phước báu và công đức. Đời của bạn sẽ thay đổi rõ nét từ sức khỏe của thân, trong sáng của tinh thần, trí tuệ của tâm linh, ba mặt đều tăng trưởng.
Bạn còn nhớ hay quên? Chúng ta không nhớ, chúng ta đã quên. Nhớ tiền, nhớ tình, nhớ danh vọng, địa vị, nhớ nhà cao lầu các, nhớ những món ăn ngon miệng, nhớ những thứ đó mỗi ngày, nhồi nhét cho đầy, chết chẳng còn có gì để mang theo. Nhưng chúng ta lại quên sống trong chánh niệm, chẳng nhớ sống trong chánh niệm. Sáng dậy là cả một lịch trình dồn dập, hơi thở chẳng đều, tâm thì lo lắng, thân thì bận rộn đảo điên cả ngày quên sống trong chánh niệm từ bi. Nhiều bạn nói sống trong chánh niệm từ bi thì làm được gì để sống? Dạ thưa không phải, chẳng phải cứ hít vào thở ra, hít vào thở ra từ bi từ bi gọi là chánh niệm từ bi.
Chánh niệm từ bi là ta làm bất cứ một việc gì ta đều biết bằng tâm từ bi, biết và nuôi dưỡng bằng tâm từ bi. Ta ăn cơm ta biết ta ăn cơm và trong miếng cơm ta đưa vào miệng nuôi thân, ngoài những món ăn khác kèm theo luôn luôn phải được nuôi dưỡng và chan vào năng lượng của tâm từ bi. Ta quét nhà cũng thế, ta nấu bếp cũng thế, ta làm việc công nhân trong hãng xưởng cũng vậy, ta làm việc trong văn phòng, ta đi bộ, ta tiếp xúc, ta ký hợp đồng, ta tương tác, ta làm việc trên máy móc uy tín, làm việc trong các phòng thực nghiệm khoa học hay không gian học trong trường học bất cứ chỗ nào thực tập quen. Tất cả mọi hành vi, lời nói, suy nghĩ hàng ngày đều có sự hiện diện của chánh niệm từ bi, nó tăng tầm các bạn ơi.
Nếu thiếu vắng chánh niệm từ bi, những gì ta đã và đang làm sẽ tổn hại đến sức khỏe và tinh thần, tổn phước báu. Nhưng nếu có mặt và sự hiện diện của chánh niệm từ bi, những việc rất thông thường ta đã từng làm từ thuở nhỏ cho tới bây giờ được tăng tầm và giá trị cao tột. Tầm đó là tầm giải thoát khỏi phiền não và đau khổ, giá trị cao tột ở chỗ ta luôn có hạnh phúc và bình an. Đức Phật dạy chánh niệm từ bi, đặc biệt trong mật thiền nhắc nhở bài học Đức Phật dạy chánh niệm từ bi qua hơi thở vào ra chậm rãi, hít vào bằng mũi phình bụng, thở ra chậm rãi bằng miệng hóp bụng và tổng trì quán chiếu mật ngôn Mu A Mu Sa. Mu A Mu Sa có nghĩa là từ bi, cho nên trong hơi thở vào ra phình bụng hóp bụng có Mu A Mu Sa, có mật ngôn này ta gọi là chánh niệm từ bi.
Vi diệu vô cùng, không phải là một pháp môn vi diệu mà là một phương thức thực tập cụ thể, được hình thành theo một thói quen của người có tâm kiên định, biết minh định cho mình một con đường thật rõ để thực tập mỗi ngày, bạn sẽ thành tựu được. Không cần biết bạn ở đẳng cấp kiến thức nào, sinh ra trong môi trường nào, có quyền hay không có quyền, có tiền hay không có tiền, có tình hay không có tình, có nhà cửa, có ăn uống hay không, không quan trọng. Biết chánh niệm hơi thở thì vạn sự ở trên đời sẽ được sắp xếp một cách tuần tự theo phước báu và công đức. Các bạn, điều này hiển nhiên đã xảy ra với những người chuyên tâm tu tập. Phải thực tập, phải tu mới thấy mình thực sự nâng tầm trong cuộc sống. Chúng ta cứ tìm kiếm tầm cỡ cao hơn trong cuộc đời này bằng cách bỏ quá nhiều tiền và thời gian, chạy và rượt đuổi theo những lời nói, tiếp thị để ta đạt được đỉnh cao mà không qua công hạnh tu tập.
Lời diễn thuyết hay ta nghe thích, nhưng không thực tập ta không thành tựu. Phật chẳng phải là diễn thuyết mà chỉ một phương pháp, một công thức rất đơn giản để thuần hóa tâm, để không còn nhớ hay gọi là quên, ta còn nhớ hay ta đã quên nữa mà ta thật sự là sống trong chánh niệm từ bi. Sống mang thân người thật khó, nếu không nhớ và quên sự sống trong chánh niệm bạn thật sự đang hủy hoại toàn diện cuộc đời của bạn. Ai muốn tái tạo trở lại cuộc sống hạnh phúc an lạc hơn, người ấy cần phải trở về sự thực tập chánh niệm từ bi. Bạn nào đang đau khổ, bạn nào đang phiền não, bạn nào đang day dứt trong tâm, bạn kể ra đi nhiều lắm. Bạn muốn chuyển hóa thì chánh niệm hơi thở từ bi là một phương pháp đơn giản thật dễ thực tập, 5 phút mỗi một ngày trong lúc đầu. Dần dần tạo thành một thói quen thì cả 24 tiếng đồng hồ khi ăn, khi nói, khi ngủ sự thực tập quen kia sẽ trở thành một cách sống hiển nhiên. Sống trong chánh niệm từ bi chẳng cần phải nhớ, bởi đó là sự sống thực sự hiện hữu, vận hành để tâm được an, thân được khỏe.
Bạn đang tìm kiếm gì trong cuộc sống này và hãy hỏi thử bạn còn nhớ hay đã quên? Không phải nói là nhớ đến tiền, quyền lực, tình, tài, danh vọng, địa vị đâu, mà bạn có còn nhớ để sống trong chánh niệm từ bi hay không? Hay bạn đã quên sống chánh niệm từ bi? Câu trả lời chắc chắn chúng ta không nhớ để sống chánh niệm từ bi, vì chúng ta còn phiền não và đau khổ. Nếu chúng ta thật sự nhớ và sống trong chánh niệm từ bi, phiền não và đau khổ sẽ hoàn toàn vắng mặt, chỉ có mặt của an lạc hạnh phúc mà thôi. Hôm nay chúng ta tự hỏi mình còn nhớ hay quên? Nhớ sống trong chánh niệm từ bi hay không, hay đã quên rồi? Cần phải nhắc nhở và cần luôn luôn tiếp cận với thân bằng quyến thuộc, với bạn bè, thầy trò hoặc những người quen có tâm thiện, có thói quen, có năng lực biết dừng lại những tạp niệm, thất niệm, tà niệm, ác niệm. Sống trong chánh niệm từ bi, nương theo đức hạnh sự thực tập của người ấy để chúng ta có được tấm gương sáng mà thực tập mỗi ngày, ngõ hầu giải thoát mình khỏi đau khổ và phiền não. Đừng bao giờ quên, hãy nhớ sống và sống trong chánh niệm từ bi. Mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.
Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con đừng bao giờ quên, nhưng phải ghi khắc để nhớ sống trong chánh niệm từ bi, trong từng khoảnh khắc của cuộc đời chúng con đang có được.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, lan tỏa tình yêu thương và sống trong chánh niệm từ bi.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U