Search

4038. Không Bao Giờ Là Quá Muộn

Bảo Thiện đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.

Mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có đầy đủ sự kiên định hành trì mật thiền chánh pháp, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức và thể nhập vào tâm tánh thiện lành, quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ và tất cả mọi người thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta hãy cùng nhau trở về với hơi thở của chánh niệm, khi hít vào ta phình bụng, khi thở ra ta hóp bụng, nhẹ nhàng buông thư chậm rãi, để quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, tâm Thiện Lành qua mật ngôn Sa Bi Mô U. Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi, phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, lan tỏa tình yêu thương.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Các bạn, chúng ta có biết bao nhiêu thứ để chia sẻ với nhau mỗi một ngày, không phải vì chúng ta nói nhiều nhưng vì cuộc đời có quá nhiều chuyện để nói và san sẻ. Mình nhìn cho rõ những điều san sẻ, mình lắng nghe những điều được san sẻ, mọi chuyện sẽ dần được rõ. Theo nghiên cứu và sự nhận định thật rõ qua chứng kiến ở những ngôi trường học bên nước ngoài, người ta và riêng Bảo Thành thấy ngỡ ngàng thuở đầu. Những ngôi trường đại học không hẳn chỉ dành riêng cho những lớp thanh niên từ 18, 19, 20, hai mươi mấy, mà còn có cả những cụ ông, cụ bà cũng lon ton, hân hoan, vui vẻ cắp sách đến trường. Thuở mà Bảo Thành còn đi học ở nước ngoài, thấy cảnh đó ngỡ ngàng nghĩ già rồi còn học cái gì. Có phải chăng là quá muộn hay không? Khái niệm của người ngoại quốc không có gì là quá muộn, bởi sự học là nâng cao kiến thức, nâng tầm hiểu biết. Không phải học là định mức của lứa tuổi để có nghề nghiệp, kiến thức, kiếm tiền, lợi danh vọng. Họ học bởi có tâm hiếu học, nghiên cứu và nhìn thấy sự lợi lạc của sự học là tăng trưởng kiến thức, làm cho cuộc sống thật giàu, giàu có về mặt kiến thức, tri thức.

Ở Việt Nam chúng ta hồi xưa khi lứa tuổi lớn như vậy mà đến trường học bị chê và nếu bắt gặp những người lớn tuổi ta không cho họ là những người học chính thức, mà ta cho họ là những người học bổ túc giữa khóa. Hình như tới trường khi lớn tuổi là một sự hổ thẹn, thật trái nghịch với người ngoại quốc, người ta không bao giờ cho rằng cái gì là quá muộn. Cái gì cũng đúng thời nếu từ tâm khởi lên, tác thành hành động. Biết bao nhiêu người ở trên thế giới này cũng như ở trong nước chúng ta, lập nghiệp khi ở tuổi 60, 65 tuổi, vậy mà thành công vĩ đại. Người ta cứ ca tụng chuyện tuổi trẻ có sức bật, nhưng nào trên thế giới này có những tuổi trẻ bật cao được mấy. Ông cụ già ở bên Mỹ chẳng biết lượm ở đâu ra cái nghề chiên gà, vậy mà lúc ấy ông ấy 65 tuổi thôi đã thành công. Nguyên thủ quốc gia của Mỹ, mấy ông cụ làm Tổng Thống chúng ta thấy. Không phải thế trên thế giới này có biết bao nhiêu những cụ ông, gọi là cụ rồi vẫn đến đỉnh cao để phụng hiến cho quốc độ, cho đất nước.

Các bạn, ý tưởng mà không cần biết bao nhiêu tuổi vẫn tăng trưởng tầm kiến thức và mang sức lực có được để phụng hiến cho nhau bằng tâm thiện, là những điều ta cần lưu tâm học hỏi. Đức Phật dạy ta những điều như thế. Chúng ta không đi sâu vào những câu chuyện thành công về danh vọng, địa vị ở đời, bởi có quá nhiều để nghiên cứu. Không bao giờ là quá muộn theo tinh thần của người tu. Có một ông thầy có ba đệ tử, hôm ấy ba đệ tử nghịch ngợm mà, người ta gọi là nhất quỷ, nhì ma, thứ ba là học trò. Đệ tử khi còn nhỏ là những chú tiểu học trò nghịch còn hơn quỷ, hơn ma nữa, đứng bậc nhất ở trong chùa. Bởi ngôi chùa đó chỉ có một sư phụ và ba đệ tử, còn ai hơn được họ. Sau một chuyện mà họ làm sai chấn động cả ngôi chùa trong đó có bốn người, sư phụ và ba đệ tử. Sư phụ mới hỏi cả ba đệ tử ai làm chuyện đó, thì hai người đệ tử sợ hãi nhận ra lỗi lầm “Bạch sư phụ, con đã làm nên chuyện ấy, con xin sám hối”

Sư phụ mỉm cười hoan hỷ, vui vẻ. Nhưng có một chú tiểu không nhận vì nghĩ rằng hai người kia đã nhận lỗi, coi như mình là người không có lỗi, Sư phụ chẳng biết. 30 năm sau khi người sư phụ đã già, nằm ở trên giường thì thào trong hơi thở cuối, người đệ tử kia hối hận vô cùng, vì những lầm lỗi trong 30 năm qua mà mình không dám đủ can đảm để sám hối với sư phụ. Mới tới gần nói với sư phụ rằng “Thưa sư phụ, 30 năm trước con cũng cùng hai người huynh đệ kia tạo ra những lầm lỗi đó”

Sư phụ dù thở rất khó nhưng vẫn quát lên một tiếng thật to và nói nhẹ với người đệ tử đó rằng “Con ơi, huynh đệ của con đã biết lỗi lầm của mình sau khi nhận ra, ngay lúc ấy sám hối nên lòng của hai huynh đệ kia nhẹ nhàng, còn tiếc thay cho con 30 năm trời cưu mang lầm lỗi, thấy mà không nhận, không nhìn ra. Cũng rất may nay con đã nhận ra sám hối, sư phụ rất hạnh phúc”.

Sự nhận ra lỗi lầm thưa các bạn không bao giờ là muộn, chỉ muộn khi chúng ta không nhận ra lầm lỗi mà thôi. Còn nếu bạn đã nhận ra lầm lỗi, thì khi đó gọi là đúng thời. Rất thực tế có một ông vua thời Đức Phật là ông Vua A Xà Thế, là một bạo chúa giết cha để chiếm quyền làm vua, hại luôn cả mẹ, bắt hại biết bao nhiêu người, còn bắt tay với ông Đề Bà Đạt Đa để hại Phật. Thế mà khi đau khổ sầu não cũng chẳng muộn dù đã là tội ác, vẫn tới với Phật để được nhẹ nhàng thân tâm tỉnh ngộ. Một gương nữa là ông Vô Não, là một kẻ sát nhân giết 999 người, cũng chưa muộn hồi đầu thị ngạn, nhìn rõ con đường sám hối khi được cảnh tỉnh bởi diệu âm Từ bi của chư Phật. Có ông cụ Tu Bà Đạt La trên 100 tuổi rồi, ngay cả lúc Đức Phật sắp sửa chết cũng tới để được học pháp, trên 100 tuổi các bạn, vậy mà cũng đắc pháp.

Những tấm gương như thế ở trong Kinh Phật nói thật rõ các bạn. Chúng ta là người học Phật, người tu mỗi một ngày, nhóm của chúng mình kết duyên để phát nguyện lớn là cùng nhau tu mỗi một ngày không bỏ, nếu có bận rộn thì ngưng chứ không bỏ, thì tạm ngưng để rồi tiếp tục chứ không bỏ. Năm thứ tư rồi chúng ta vẫn làm được điều đó, đây là một tinh thần tuyệt vời quả cảm của những người con Phật như chúng ta, phát nguyện rộng lớn để tiến tới sự thành tựu không bao giờ là muộn. Dù các bạn là 20 tuổi, là 40 tuổi, các bạn là 60 tuổi, 80 tuổi hoặc trên 100 tuổi như ông Tu Bà Đạt La không bao giờ muộn. Dù các bạn tội ác đầy trời như ông A Xà Thế, không bao giờ muộn, bất hiếu cha mẹ, tội với sư trưởng như ông vua A Xà Thế đã giết người, giết cha. Dù các bạn là người hung bạo dữ dằn như ông Vô Não cũng không bao giờ muộn, biết được lỗi lầm hồi đầu trở lại tu pháp thiện lành không bao giờ muộn. Con đường tu không bao giờ muộn, ai trong chúng ta dù lớn tuổi vẫn là trẻ thơ, hồn nhiên đi về miền đất chân như để tận hưởng pháp thiện lành vốn có trong ta.

Trong Kinh Pháp Cú câu 68 có dạy, Đức Phật dạy rằng:

Người tạo thiện nghiệp dài lâu

Làm rồi thanh thản ra vào hân hoan

Các bạn thấy chưa, người tạo thiện nhhiệp dài lâu, làm rồi thanh thản ra vào hân hoan

Ngày ngày hỷ lạc nhẹ nhàng

Biết mình thụ hưởng bình an quả lành.

Câu kinh này Đức Phật đã nói thật rõ về những ai thường xuyên tạo những thiện nghiệp, thì người ấy khi họ làm rồi trong lòng họ hân hoan vô cùng. Thiện nghiệp đó có thể là bố thí, từ thiện, phóng sanh, giúp đời hoặc vấn đề pháp thiện cũng chính là nhận ra lầm lỗi của mình. Bạn có khi nào lầm lỗi rồi bạn nhận ra lầm lỗi đó, bạn thấy trong lòng như thế nào, nhẹ nhàng, hân hoan, ra vào cười nói vui vẻ.

Người tạo thiện nghiệp dài lâu,

Làm rồi thanh thản ra vào hân hoan.

Ngày ngày hỷ lạc nhẹ nhàng,

Biết mình thọ hưởng bình an quả lành.

Mình biết, mình vui, mình hạnh phúc nhất là khi bạn biết được lỗi lầm mà sám hối, trong lòng cũng nhẹ như cánh diều bay mãi lên tận trời, rất tuyệt vời. Không bao giờ là muộn cho sự nhận diện ra lỗi lầm của mình trên con đường tu. Và ngay ở đời không bao giờ là muộn nếu chúng ta vẫn tiếp tục khởi tâm học hỏi, nâng tầm kiến thức để đạt được những ước mơ thành tựu, những điều mình mong muốn. Đừng để cho tuổi tác và thời gian, đừng để cho hoàn cảnh và con người, phong tục và tập quán cản trở con đường ta tiến lên thành tựu được quả an lành và kiến thức của chính mình. Không bao giờ là muộn, không bao giờ là muộn, không bao giờ là quá muộn các bạn. Chúng ta cùng tu với nhau, trong nhóm mình có các bạn đã là bà ngoại, bà cố rồi, ngoại và cố nhưng chẳng muộn. Ông Tu Bà Đạt La trên trăm tuổi học còn chứng đắc. Kẻ sát nhân như ông Vô Não còn đắc quả. Kẻ tàn ác bạo chúa như Vua A Xà Thế vậy mà cũng thành công. Ở đời nhìn đấy biết bao nhiêu người lớn tuổi vẫn thành công, lứa tuổi nào không quá muộn trên con đường tu đời cũng như đạo.

Câu Kinh Pháp Cú 69 nói ngược lại

Khi ác nghiệp chưa tụ thành,

Tiền tài danh vọng, tranh giành của riêng,

Khi ác nghiệp đã mùi duyên.

Các bạn, câu này phải để ý, nhất định không thể các bạn ơi, khi mà ác nghiệp đã mùi duyên, nhất định không thể trốn được đâu các bạn. Thì biết bao nhiêu những đau khổ triền miên nó tới với mình, nó đủ mùi duyên rồi nhất định không thể trốn tránh được. Biết bao nhiêu quả sầu, biết bao nhiêu xui xẻo, biết bao nhiêu đau đớn sẽ triền miên. Khi ác nghiệp đã mùi duyên, cái quả đó nó triền miên tới với chúng ta. Các bạn thân mến, không bao giờ là quá muộn trong tinh thần tu tập của chúng ta, là ở chỗ rằng tuổi tác không là vấn đề, hoàn cảnh không là vấn đề. Vấn đề ở chỗ ta có lòng quả cảm, gần gũi với bạn lành thiện tri thức, nghiên cứu lời Phật, ứng dụng sám hối, nhìn rõ lầm lỗi. Đừng vác ở trong người 30 năm trời như người đệ tử của sư phụ kia, 30 năm trời quả là một thời gian dài, nhưng ít nhất cũng không muộn khi tới đỉnh điểm nhận ra, người đệ tử đó vẫn biết tới với sư phụ của mình để sám hối.

Triền miên khổ sầu khi những ác nghiệp đã mùi duyên. Hai câu kinh pháp cú 68, 69 nói thật rõ cho chúng ta thấy, đừng khi nào bạn làm ác mà cái quả nó chưa trổ, rồi lòng vui sướng tạo ác mãi, bởi khi nó đã mùi duyên thì tràn ngập, triền miên khổ sầu kéo tới, trốn không được, không thoát. Còn khi bạn khởi tâm làm việc thiện, nhất định khi làm rồi bạn sẽ thấy thanh thản. Bạn để ý đi bao nhiêu lần các bạn đi làm từ thiện, làm việc thiện nguyện, giúp đỡ người, an ủi người bệnh, phóng sanh, ăn nói tử tế, ứng dụng pháp thiện lầm trong tương tác của cuộc đời. Bạn thấy nhẹ nhàng, đi ra đi vào lòng hân hoan như chư Thiên, cả ngày mình có sự hỷ lạc ở trong lòng, nhẹ nhàng lắm. Còn như người đệ tử kia 30 năm trời cưu mang một lỗi lầm không dám nhận, thì thấy nó nặng ở trong mình, nặng nề.

Các bạn, không bao giờ là quá muộn cho mỗi một người trong chúng ta tu để nhận ra lầm lỗi của mình. Đối với Bảo Thành đó là ý niệm rất tuyệt vời trong cuộc sống. Người ta có thể nói rằng không bao giờ muộn để đi đến sự thành công ở đời về vật chất, danh vọng, địa vị. Người ta có thể nói không bao giờ muộn khi tuổi đã lớn vẫn tới trường học, như ở các nước phương Tây đấy. Người ta có thể nói không bao giờ muộn khi khởi nghiệp, bởi có những tấm gương 60 mấy tuổi rồi, thành nghiệp giàu có hoặc 80 tuổi vẫn là những nguyên thủ được bình bầu vào. Những tấm gương đó trên thế giới về cuộc đời có quá nhiều và những tấm gương trên con đường đạo trong Kinh Phật cũng quá nhiều.

Ngày hôm nay mỗi người chúng ta phải khẳng định là không bao giờ muộn để mình tiếp tục dù ở một lứa tuổi, hoàn cảnh nào đó, hãy trân trọng sức khỏe, sự tinh tấn và cái vốn vi diệu nơi thân người của ta. Đầu tư thêm để nâng tầm kiến thức Phật học bằng sự hành trì rõ ràng mỗi ngày, để có được sự bình an. Làm rồi tức là hành trì rồi thì thanh thản, ra vào hân hoan. Mỗi một hơi thở vào ra trong chánh niệm, hít vào thật sâu, thở phào một cái thanh thản hân hoan vô cùng. Ai nặng sự sầu muộn đau khổ hãy nhớ chỉ một hơi thở trong chánh niệm, hít vào trầm khí đan điền, thở ra hóp bụng nhẹ nhàng thảnh thơi, hân hoan vui lắm. Sao phải ôm khối sầu muộn của lầm lỗi, của những trắc trở nghịch cảnh trong cuộc đời. Như người đệ tử kia ấp ủ 30 năm một nỗi khổ sầu làm gì? Ngay khi sư phụ hỏi hai huynh đệ đã nhận ra xin lỗi và sám hối, lòng nhẹ nhàng thanh thản, hân hoan, hỷ lạc có ngay. Bởi vì khi sám hối nhận ra lầm lỗi thì sự an lạc liền đó mà khởi lên, sự nhẹ nhàng liền đó mà thấy rõ, hiển lộ hân hoan vui lắm.

Phương pháp chữa lành mọi đau khổ là chánh niệm hơi thở, sám hối và nhìn rõ lầm lỗi của mình. Không cần biết lầm lỗi đó như người đệ tử kia đã cưu mang ở trong lòng 30 năm, nhất định trong chúng ta có các bạn có những lầm lỗi không phải là chỉ có 30 năm, 40 năm, 50 năm, 60, 70, 80 năm trời. Biết bao nhiêu lầm lỗi canh cánh trong lòng, sầu muộn khổ đau. Các bạn hãy tới với Phật bằng tâm chân thật và sám hối. Chẳng cần biết bạn đã tạo ra nghiệp ác gì, nghiệp ác như ông Vô Não, bạo chúa như vua A Xà Thế, già nua như ông Tu Bà Đạt La. Các bạn hãy nhớ tuổi tác, lầm lỗi, thời gian không quan trọng. Trên 100 tuổi rồi mà ông Tu Bà Đạt La còn tới học Phật và thành tựu. Lầm lỗi cỡ nào nhưng ông A Xà Thế, ông Vô Não cũng chứng đắc. Chúng ta hãy nhớ chìa khóa mà Đức Phật để lại cho chúng ta là sự an lạc, sự hỷ lạc trong chánh niệm của hơi thở, thể nhập vào sự tỉnh giác, luôn sống tỉnh thức, thắp sáng đuốc tuệ, lan tỏa yêu thương, hành các pháp thiện lành.

Đây là một sự việc cái tâm cần phải tu luyện rõ ràng, không thể ngồi đó mà nói, mà mơ, mà ước. Bởi nó đi từ tâm yêu thương, đi từ trí tuệ, đi từ sự tỉnh giác và công hạnh hành pháp thiện rõ ràng. Do đó sự hành trì này nhất định các bạn sẽ không bao giờ bị quá muộn màng. Dù bạn hôm nay là lần đầu nghe thấy hay mới khởi đầu của sự tu, chỉ một ngày, chỉ một giây, chỉ một phút, chỉ một hơi thở chánh niệm quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành. Bạn liền bừng tỉnh trong sự hân hoan nhẹ nhàng. Bạn có đủ năng lượng để vươn lên, thành tựu những điều cao cả.

Người tạo thiện nghiệp dài lâu

Làm rồi thanh thản ra vào hân hoan.

Đấy, rõ lắm, làm rồi thanh thản ra vào hân hoan

Ngày ngày hỷ lạc nhẹ nhàng

Biết mình thọ quả bình an quả lành.

Mình thụ hưởng được bình an quả lành, có gieo là có gặt, nhân nào quả đó. Còn khi ác nghiệp chưa trổ ta không thấy, ta cứ tranh giành tiền tài, danh vọng, địa vị cho mình làm của riêng, nhưng chết rồi có mang được gì đâu. Nhưng khi đó trổ quả rồi thì đầy ắp những quả khổ sầu đắng cay.

Các bạn, nhân quả trong đạo Phật là mấu chốt trên con đường tu. Nhận ra lỗi lầm thì không bao giờ muộn. Chuyển hóa thân tâm thì không bao giờ trễ. Chánh niệm hơi thở thì luôn hân hoan, nhẹ nhàng, thanh thản, hỷ lạc và bình an. Trong cuộc sống khổ, đầy ắp biết bao nhiêu thử thách, chúng ta hãy nhớ và khẳng định cho mình thật rõ, không bao giờ là quá muộn trên con đường tu. Mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Mỗi một người trong chúng con đều có một hoàn cảnh riêng và ở một lứa tuổi đã cao, nhưng hôm nay chúng con đã nhận thấy không bao giờ là quá muộn để nhận ra lầm lỗi, khởi tâm thiện lành, tu chánh niệm hơi thở. Xin Ngài gia trì cho tất cả mọi hàng đệ tử chúng con.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn