Search

4036. Để Sống Không Tranh Cãi

Bảo Thiện đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.

Kính mời mọi người chúng ta đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con miên mật hành trì mật thiền, lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức, thể nhập vào tâm tánh thiện lành, quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ, các bạn đồng tu, muôn người thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi tĩnh tọa trong tư thế phù hợp với cơ thể của mình. Trở về với hơi thở của chánh niệm, tâm Từ Bi – Mu A Mu Sa, ánh sáng của Trí Tuệ – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, sự Tỉnh Giác – Ma Sa Ốp Uê, các pháp Thiện Lành – Sa Bi Mô U, là bốn mật ngôn vi diệu để kích hoạt và khơi dậy sự yêu thương, sự sáng, sự tỉnh giác và sự hiền lương vốn có trong chúng ta. Mỗi khi chúng ta tổng trì với chánh niệm của hơi thở, tha lực của chư Phật sẽ tiếp hiện nơi tự lực tu tập của chúng ta, chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, .

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Các bạn, mỗi một ngày chúng ta đều tu với nhau ở trên mạng, cuộc hành trình đi về không phải là một thế giới tâm linh, nhưng đi về với sự sống chân thật của mình phải trải qua sự tu tập. Dù cho các bạn đã đi tới thật nhiều nơi linh thiêng, tứ động tâm, nơi hang cùng ngõ hẻm, nơi rừng thiêng núi độc, nơi những cổ tự ngàn năm. Bạn đi đâu đi nữa thì những gì bạn nhìn cũng chỉ là dấu tích của một thời của các vị chứng đắc, nhìn thấy và trải nghiệm để thông về quá khứ là một điều rất cần, sách tấn bản thân vươn lên. Nhưng thấy trong sự hành trình của du lịch để đi về những nơi ấy sẽ không có tác dụng gì, nếu mỗi người không tư duy, nhìn thấu để rồi mang nhân duyên phước báu hiện thời ta biết về Phật pháp tu luyện. Chúng ta tu mật thiền cùng với các bạn có nhân duyên phù hợp với phương tiện tu luyện này, không phải ai muốn tu cũng được, không phải ai tu cũng được, chỉ có người có duyên mà thôi. Duyên ở đây là chỗ mỗi người chúng ta phải tự tinh tấn, phải tự lực thực nghiệm hành trì thấy lợi lạc rồi quyết tâm đồng tu với nhau.

Sự đồng tu của chúng ta là một sự chăm sóc đặc biệt cho cả ba thể trong sự sống của mình, tâm linh, tinh thần và thể chất sức khỏe. Mỗi một ngày dành cho mình một chút thời gian trở về với hơi thở của chánh niệm, hít vào tràn đầy không khí, đưa sâu xuống đan điền khí hải, thở chậm rãi, nhẹ nhàng, tịch tĩnh, kích hoạt năng lượng tự thể toàn châu thân, luân lưu vận hành rồi quán chiếu, quán niệm tâm yêu thương. Nhìn soi tất cả mọi tư tưởng của ta để thấu được sự vận hành của tâm, giữ trạng thái thức tỉnh toàn diện để nhận ra giá trị vô song của đời người, qua các pháp thiện lành ta thực hiện trong đời. Sự tu tập này rất tốt và rất hay. Chúng ta nương vào chánh niệm hơi thở của chính mình, nương vào trí tuệ nhận diện quán chiếu của chính mình, gắn kết với chư Phật, chư Bồ Tát, với tự thể của thiên nhiên vũ trụ, lan tỏa giá trị sống trong đời. Ta không nghe người ngoài hoặc ai đó không dành thời gian để thực tập, nói vào nói ra, mà ta dành thời gian để trải nghiệm nơi công hạnh hành trì của chính mình. Sự lợi lạc đó chỉ có mình biết mà thôi, rồi chúng ta lan tỏa tới những người yêu thương.

Một trong những vấn nạn của cuộc đời là mỗi người chúng ta thích tranh cãi, cho nên sự tu hay sự sống, sự sinh hoạt ở đời vẫn là những chủ đề tranh luận, tranh cãi. Tranh cãi đến khàn tiếng, tranh cãi đến ẩu đả, tranh cãi đến chia tay ly biệt, tranh cãi đến từ bỏ tránh xa, tranh cãi đến trở thành hận thù dù là người yêu thương, tranh cãi đến cả bắt hại, giết hại nhau. Chúng ta có thể liệt kê ra hậu quả của sự tranh cãi mà ta đã chứng kiến, hoặc ở trong những tình huống như thế, có cần thiết phải tranh cãi không? Đó là một câu hỏi ta nên hỏi bản thân của mình. Trên con đường tu Đức Phật luôn dạy cho chúng ta ba nơi luôn luôn tạo ra nghiệp tốt và nghiệp xấu, đó là tư tưởng, lời nói và hành vi. Tội trong tư tưởng, tội trong lời nói và tội trong việc làm, ba chỗ ấy là nguyên cội của phước hoặc của họa, phải nhận diện thật rõ. Mà văn tự nhà Phật gọi là khẩu nghiệp, tranh cãi là tạo khẩu nghiệp.

Đức Phật dạy cho chúng đệ tử rằng người xuất gia hay người tại gia cũng nên thực hiện khẩu hòa vô tranh. Khẩu hòa có nghĩa là ứng dụng những ngôn ngữ hòa hợp, hòa ái yêu thương, ái ngữ, phương tiện thiện xảo, ứng hóa ngôn ngữ của mình một cách rất hòa ái. Khẩu hòa – ngôn ngữ hòa hợp, không có tranh cãi, thì mọi tập thể, mọi cá nhân đều tịch tĩnh, an vui, tự tại và hạnh phúc, giữ được mối quan hệ tốt đẹp với tất cả mọi người. Đi tới đâu thì từ miệng của người đó sẽ tuôn ra những dòng châu ngọc trong sáng, lan tỏa, tỏa sáng tình yêu thương, chuyển hóa sự hận thù, mang lại sự gắn kết, đoàn kết yêu thương. Khẩu hòa vô tranh là một trong sáu tôn chỉ Đức Phật dạy cho chúng ta, nên thực tập và sống như thế. Nhưng ở đời này chúng ta hở là tranh cãi, vì chúng ta luôn luôn bảo vệ những suy nghĩ, những cách hành xử, những cách làm của chúng ta.

Mấy ai trong chúng ta thấy được người đối diện dù là bạn bè, người xa lạ hay là vợ chồng, cha mẹ đi nữa. Suy nghĩ của họ đó, việc làm của họ đó, cách ứng xử của họ đó, mà mình ưng đâu, vì sao? Vì chúng ta sinh ra ở đời đều có những nghiệp căn khác biệt, chẳng ai giống ai, cách suy nghĩ, cách làm việc, cách hành xử chẳng ai giống ai. Chính vì chỗ không ai giống ai đó, nhưng chúng ta lại thích bảo vệ cái không giống của mình đối với người, nâng cao tầm quá đáng, rồi bắt đầu đi vào con đường tranh cãi liên tục. Tại sao phải tranh cãi? Chúng ta có thấy rằng mỗi khi chúng ta tranh cãi, là chúng ta mang cái sai của người khác để tự hành hạ bản thân mình hay không? Hay chúng ta mang cái sai của chính mình áp chế người khác, để đọa đày bản thân. Cái hành hạ hay đọa đày bản thân đều là hai phương cách tạo nghiệp, tổn phước, khẩu nghiệp.

Nếu nhận diện rõ cái miệng này tạo ra nghiệp tốt và xấu, nhận được điều ấy sống theo lời Phật khẩu hòa vô tranh, dùng ái ngữ, dùng lời nói thiện lành yêu thương để hòa hợp với nhau, tránh tranh cãi thì phước báu vô cùng. Tranh cãi khác với tranh luận, tham luận, bàn luận, bình luận. Luận bàn thế sự thì từ xưa đến giờ từ những nơi kinh thành vua chúa, quan quyền, chính phủ, cộng đồng, nơi đâu có con người thì luôn luôn có sự như vậy là điều rất tốt. Nếu giữ được trạng thái là để chia sẻ và làm sáng tỏ vấn đề nào đó, để đưa tới sự hành xử và sống cho tốt. Thì sự tranh luận, bàn luận, bình luận, tham luận đều mang lại kết quả rất tốt. Nhưng chúng ta đã biến những điều luận bàn đó thành tranh cãi để bảo vệ tư tưởng riêng biệt, cá nhân của mình, rồi gây ra sự chia rẽ, đánh đập, hận thù, tiêu diệt, sỉ vả. Miệng ta lúc đó tuôn ra chẳng phải là châu báu ngọc ngà, mà là rắn độc, những vị độc làm đau đớn lòng người, những ngôn từ thô ác làm cho bao nhiêu năm trời những người yêu thương gần gũi chẳng thể nhìn lại mặt ta một lần nữa.

Các bạn, để tránh tranh cãi, để không tranh cãi, để không vướng mắc vào tranh cãi có thật nhiều phương pháp để quán chiếu. Có người quán chiếu đối tượng mà hay tranh cãi với mình đó, không ai trong chúng ta nói rằng ta hay tranh cãi, mà luôn luôn đặt đối tượng cãi lộn với ta là người hay tranh cãi. Nếu mà bạn nhìn và nhận ra rằng ta là kẻ hay tranh cãi thì là một chuyện đại phước báu, nhưng không, hầu hết trong các cuộc tranh cãi ta luôn chỉ tay thẳng vào những người đó hoặc trong tư tưởng ta nghĩ người đó luôn luôn thích tranh cãi với chúng ta.

Ở đời người ta dạy hãy quán chiếu người thích tranh cãi với mình là kẻ ngu, vì mình khôn mà tranh cãi với kẻ ngu để làm chi. Đây cũng là một cách điều trị tâm lý để tự nâng tầm mình, dìm hàng người để giữ được bình tĩnh không cãi cọ nhau, cũng hay nhưng mà tổn phước, vì sao? Vì khi chúng ta đặt để người khác vào một chỗ gọi là ngu, thì ta đã tự cao, ta đã khinh thường, ta đã miệt thị người ta. Tội ấy, nghiệp ấy tạo ra từ tư tưởng nghĩ xấu về người, tốt trong tức thời nhưng về dài hạn xấu vô cùng, tổn phước. Mà chắc chắn Bảo Thành và các bạn đã nhiều lần tranh cãi, tự hào bản thân cho người tranh cãi với mình là kẻ ngu, kẻ thiểu trí, kẻ không biết gì, cãi với họ làm chi. Tự hào, chúng ta tự hào về mình coi thường người khác, tạo nghiệp, tạo nghiệp. Phương pháp này nói chung, tụ chung không hay.

Thật là nhiều phương pháp cũng tương tự như vậy để đặt để người hoặc đối tượng hay cãi với ta vào những tình huống là họ toàn là sai, là dở, là không có trí tuệ, không nên tranh cãi. Phương pháp này Bảo Thành hồi xưa cũng ứng dụng thuở còn nhỏ, nhưng sau này thấy tổn phước không hay. Đức Phật dạy khẩu hòa vô tranh có nghĩa là biết ăn nói hòa hợp, nhìn thấy ta hay tranh cãi chứ đừng nhìn thấy người hay tranh cãi, thấy ta. Soi gương để biết được mặt mình đẹp hay xấu, dơ hay bẩn, ưng hay không ưng, mỗi một người chúng ta tương tác dù hợp hay không, thì họ là tấm gương, cái kính để ta nhìn vào chính mình.

Ai mà giúp cho ta nhìn rõ được mình, để nhận diện ta vẫn còn vốn liếng cao quý hơn là sự hòa hợp, thì những vị ấy chính là Phật và Bồ Tát hóa thân. Cách quán chiếu này nâng tầm người ta cũng nâng tầm mình lên một cách nhìn thoáng, đẹp, cao cả hơn. Bởi Đức Phật đã dạy hãy quán chiếu tất cả mọi chúng sanh đều là cha mẹ mình, đều là ứng hóa thân của những bậc chứng đắc để giúp ta nhìn rõ được cái sai, cái xấu của chính mình. Trong mật thiền nếu ta thực tập được cách nhìn như vậy và mang hạnh Từ bi tưới tẩm vào nơi khô khan ngôn ngữ của chính mình, để kích hoạt ngôn ngữ hòa ái, hòa hợp, dễ thương, ái ngữ thì bạn chính là người giàu có nhất trên đời. Bởi một lời hòa hợp, một lời khéo léo, một lời ái ngữ dễ thương, chẳng khác gì như kim cương hột xoàn gắn lên vương miện của cuộc đời, để ngồi vững trên vương quyền của tình thương, đây là vương quyền của tình yêu, vương quyền của tình người, vương quyền của phẩm hạnh xã ly.

Các bạn, Đức Phật là thầy, Ngài chỉ đường cho chúng ta thực hành theo phương pháp khéo léo nhất, hay nhất, tốt đẹp nhất, phù hợp nhất để làm gì? Để mang lại lợi lạc nhiều hơn cho chúng ta. Thay vì tổn phước gây họa, ta tạo được phước ngay từ những lời nói ta đối xử với nhau hằng ngày. Hãy nhìn đi, biết bao nhiêu gia đình là cha mẹ, vợ chồng, con cái tranh cãi với nhau đến phải ly thân, ly dị, từ bỏ. Chẳng khi nào ngồi xuống tham luận qua những ngôn ngữ hòa hợp, dễ thương, với tinh thần cầu tiến nhìn rõ cái sai của mình để bổ túc, dẫn mọi người thăng tiến trong sự hòa hợp.

Bạn có khi nào trong một cuộc tranh cãi nào đó biến thành một cuộc tham luận nơi chánh niệm, ngỏ lời cho những đối tượng đang tham luận với ta trình bày những điều khác biệt trong suy nghĩ, trong hành xử. Mang trí tuệ quán chiếu, tâm từ bi trong tỉnh thức và năng lượng thiện lành vốn có trong ta, hòa hợp vào để nhìn thấu, nhìn rõ. Hiểu, biết, thấu và rõ để xả buông cho người đó thêm nhẹ nhàng, cho tâm hồn nó thoải mái hay không? Đây là một phương pháp trị liệu tâm linh, tâm lý và vật lý. Khi chúng ta tranh cãi sự căng thẳng của thần kinh, sự dồn dập của trái tim và sự bực bội, sân hận, dồn cục gây ra những chứng rối loạn và dễ trở thành người tâm thần, hay có những căn bệnh bứt phá gây tai hại. Thay vào đó chúng ta dưỡng thân, tu tâm dưỡng tánh. Dưỡng thân qua hơi thở của chánh niệm, biến những cuộc tranh cãi thành tham luận trong sự tỉnh giác yêu thương, trong trí tuệ sáng suốt nhìn thấu rõ để xả ly, trong sự thiện lành, trong hương liệu mà Đức Phật dạy là hãy nương vào sự sáng của tâm linh qua chánh niệm hơi thở để sống, sống chung với muôn người, sống chung với Bồ Tát, với chư Phật.

Các bạn, để tránh tranh cãi hãy phát triển khả năng tiềm tàng vốn có trong chúng ta, đó là chánh niệm hơi thở Từ bi. Nhận định thật rõ mọi ngôn từ ta ứng xử trong cuộc đời này đều tạo nghiệp, nghiệp thiện hay nghiệp ác. Nghiệp ác tổn phước, nghiệp thiện tăng phước báu. Chọn lựa ngôn ngữ hòa ái yêu thương, ái ngữ thiện lành, tương tác phù hợp, dẹp bỏ cái tôi, nhìn thấu cái họa, tăng trưởng phước báu. Trong một hành động đó thôi thì cuộc sống của chúng ta sẽ thật tuyệt vời. Những mối giao hảo giữa cha mẹ, giữa vợ chồng con cái sẽ được giữ trong trạng thái thăng bằng. Những vụ tranh cãi trong gia đình, trong nội bộ, trong chòm xóm, trong tình bạn, trong hãng xưởng, mọi nơi mọi chỗ sẽ không còn nữa. Hãy biến những sự tranh cãi, những cuộc tranh cãi trở thành sự tham luận, bàn thảo với nhau trong chánh niệm, tỉnh thức và yêu thương. Làm được như vậy sẽ gắn bó gia đình một cách mật thiết trong sự san sẻ những sự khác biệt.

Ở đời chúng ta chẳng bao giờ ta giống ai, thì chẳng ai giống chúng ta. Có một cái giống rất đặc biệt ai cũng có đó là tình thương và sự tỉnh thức, đó là tâm tánh thiện lành và trí tuệ quán chiếu. Nếu tới với nhau bằng sự Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành, cái vốn đặc biệt này ai cũng có và mang cái đó ra đặt trước mặt để đối xử với nhau trong tinh thần khẩu hòa vô tranh, nghĩa là ăn nói hòa hợp yêu thương, tránh xa sự tranh cãi để đưa tới sự tham luận, bàn thảo, chia sẻ, góp ý. Để ta nhận rõ những điều sai hoặc không phù hợp với người, sửa đổi cho phù hợp, cho cân bằng, cho thăng bằng, cuộc sống sẽ thật tuyệt vời trong sự an lạc và hạnh phúc. Để tránh tranh cãi phải nhận diện được mọi sự tranh cãi đều tổn phước, tạo nghiệp. Khéo một chút dùng ngôn ngữ hòa ái ngay chỗ tương tác bằng ngôn từ kia sẽ tạo được phước. Phước và họa đều do miệng của ta. Người xưa nói khẩu xuất họa tùng, miệng mở ra là tạo nghiệp. Nên người xưa, các bậc cổ nhân rất cẩn thận khi ăn nói. Còn chúng ta ngày nay ăn nói buông tuồng, bảo tôi chân thật đó mà chữ gì cũng bung ra, gọi là lụa là nhưng gói ở trong những ngôn từ lụa là đó là bom, là chất độc, là gai góc, là sự sắc bén giết chết tình cảm của người nghe.

Người học Phật luôn luôn dưỡng tâm, dưỡng tánh, tu sửa bản thân. Hãy lấy đối tượng mình tương tác hàng ngày là hình ảnh hóa thân của Phật, của Bồ Tát, của cha mẹ, để cho chính mình nhìn rõ những lầm lỗi sai trái khác biệt của mình, sửa chữa cho phù hợp. Nhất là về mặt ngôn ngữ, khẩu nghiệp luôn luôn hiện diện trong cuộc đời và thường xảy ra mỗi giây, mỗi khắc của cuộc sống. Đừng sợ nghiệp nếu là nghiệp tốt lành, hãy tránh xa và sợ hãi nếu là nghiệp xấu xa. Ta lựa chọn tạo nghiệp qua ngôn ngữ hàng ngày, nhưng lại tạo nghiệp thiện, nghiệp tốt. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Chúng con dẫu biết rằng nghiệp tạo ra từ tư tưởng, từ lời nói và hành vi, nhưng trong mỗi ngày chúng con chẳng tiếc đã tuôn ra những ngôn từ trong sự tranh cãi để tạo nghiệp mà không hay. Xin Ngài gia trì cho chúng con chính chỗ tạo nghiệp đó, có thể chuyển hóa để thành tựu những nghiệp lành trong sự quán chiếu về tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành. Xin Phật gia trì cho chúng con!

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, lan tỏa tình yêu thương.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn