Search

4035. Niềm Tin – Giá Trị Cuộc Sống

Bảo Thiện đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con miên mật hành trì mật thiền chánh pháp, lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, thể nhập vào tâm tánh thiện lành, quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cầu cho ông bà cha mẹ và tất cả mọi hàng đệ tử chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái. Trở về với hơi thở chánh niệm, buông thư nhẹ nhàng, hít vào thở ra, thấy biết rõ ràng. Trong mật thiền chúng ta lấy đề mục làm hơi thở để giữ tâm quán chiếu, tâm Từ Bi – Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê và tâm tánh Thiện Lành qua mật ngôn Sa Bi Mô U. Chúng ta dùng tâm để quán tâm của mình, mỗi một mật ngôn ta trì tụng năng lượng vi diệu tha lực của chư Phật sẽ tiếp hiện ngay trong hơi thở của chúng ta, hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Các bạn đồng tu, khi màn đêm buông xuống hình như mọi loài đều nghĩ yên, thanh vắng không có tiếng động. Sáng nay khi vừa ngồi xuống lúc 5 giờ để chúng ta đồng tu, thì thiên nhiên một giàn âm thanh vi diệu của những loài ve, bị gán ghép cho là sầu – ve sầu, trổi lên thật lớn ngay ở đằng trước cửa chùa. Mình tu chúng cũng tu, mình Mu A Mu Sa chúng cũng cất lên những âm thanh tự thể mà bản năng có thể cất lên, hình như âm thanh này là để trao tặng cho muôn loài, nhưng vì chúng ta không khéo nghe cho nên thấy nó sầu, gọi là ve sầu. Cuộc sống này chỉ cần một chữ khéo chúng ta sẽ có niềm tin vui để sống mãi và rất hạnh phúc bước qua những thử thách của cuộc đời. Sự khéo này không thể tự nhiên mà có, cần phải được tập luyện ta mới khéo.

Chính vì không khéo đối xử trong ăn nói, trong suy nghĩ, trong hành xử, để nâng tầm cuộc sống. Do đó mà khi phải bươn chải trong cuộc đời đầy hầm hố này, mà mỗi người thường hay bị ném đá thẳng vào trong đầu, rơi vào những vũng sâu tăm tối để lo sợ, hoảng sợ, mất đi niềm tin và đánh mất giá trị cuộc sống của chúng ta. Nhiều người đã mất niềm tin vào cuộc sống, sống vất vưởng, dù là người mà cứ chập chờn như bóng ma nơi các cõi ăn chơi sa đọa. Nhiều người mất niềm tin vào cha mẹ, gây ra biết bao nhiêu tội lỗi đau khổ. Lại có người mất vào niềm tin, niềm tin vào chồng và vợ, vào huynh đệ, anh chị em, người thân. Khi đi làm đôi khi có nhiều người họ mất niềm tin vào sếp của mình, bạn bè cùng làm chung văn phòng, cơ sở, từ đó tâm trạng rối loạn. Mất niềm tin rất nguy hại, nếu tuổi trẻ mất niềm tin không còn phấn đấu để vươn lên.

Có một người bạn trẻ tới đây nói với Bảo Thành rằng em ấy mất niềm tin vào cuộc sống, không biết phải làm gì và tương lai sẽ là như thế nào đây? Mất niềm tin như vậy đã một thời gian dài, niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai, vào việc làm, vào sự học văn hóa, mất hết. Sức ép càng ngày càng lớn, sống thẫn thờ tuy tuổi còn trẻ chẳng biết phải làm gì, ít đi ra ngoài, ra bên ngoài đụng chạm sơ sơ là thấy đau, là thấy nhói, là thấy tủi, thấy buồn, chạy về nhà ngay. Cứ như thế nhiều năm, sự mất niềm tin vào cuộc sống và giá trị của cuộc sống cũng chẳng còn nữa. Bên tai văng vẵng những lời nói, những âm thanh xúi dại đi hủy hoại thân xác, rất nguy hiểm.

Mất niềm tin sẽ tiêu diệt mạng sống này, hủy hoại những giá trị cao đẹp mà ta được ban tặng bởi cha mẹ khi sinh ra làm người và của trời đất dung thông tạo nên. Nhưng ngược lại nếu mỗi người có được niềm tin trong cuộc sống, ta sẽ có sức mạnh vượt trội để thành công. Chắc hẳn trong cuộc sống chúng ta chưa rơi vào trạng thái mất niềm tin toàn diện, nhưng hình như chúng ta cũng mất niềm tin trong một số sinh hoạt. Có người mất niềm tin với thầy của mình, với bạn của mình, với cha mẹ, với chòm xóm, với chồng vợ, con cái. Điểm qua mất niềm tin những dạng như vậy thì vô số kể, nhưng chắc chắn khi ai đó mất niềm tin sẽ đánh mất giá trị của cuộc sống. Cho nên niềm tin và giá trị của cuộc sống nơi mỗi một người luôn song hành với nhau.

Trong tôn giáo niềm tin cũng được đặt để ở hàng đầu, bởi những ai theo bất cứ một tôn giáo nào không có niềm tin thật khó mà tu tập, rèn luyện, học hỏi. Bất cứ tôn giáo nào cũng đặt cao niềm tin, đức tin nơi mỗi một tín đồ của mình, đó là điều căn bản. Trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật dạy “Niềm tin chân chính là mẹ đẻ ra tất cả các pháp thiện lành”

Hãy nhớ như vậy, niềm tin chân chính là mẹ đẻ ra tất cả các pháp thiện lành. Để tăng trưởng phước báu và công đức, thành tựu được quả của giác ngộ, từng bước từng bước như thế. Hỏi lại chính mình có niềm tin vào những điều ta đang tu tập hay không? Nhưng Đức Phật lại khuyên chúng ta rằng đừng bao giờ vội vàng tin, ngay cả giáo lý, chân lý Đức Phật dạy.

Trong kinh Kalama Đức Phật nói với người Kalama rằng “Hãy đừng vội tin vào những truyền thống, những lời nói được lặp đi lặp lại, những phong tục tập quán, kinh điển, những lời của các bậc giáo sĩ mà ta tin tưởng dạy cho chúng ta. Ngay cả lời của Phật dạy đừng vội vàng tin hỡi những người dân Kalama, mà hãy lắng nghe bằng trí tuệ trong sự tư duy thật rõ, cảm nhận và trải nghiệm thấy nó lợi lạc, hữu dụng, phù hợp hãy mang vào ứng dụng”

Đức phật không ép chúng ta phải theo Ngài, Ngài luôn khích lệ, niềm tin phải khởi xuất từ sự trải nghiệm bằng trí thức, bằng kiến thức, bằng tư duy, bằng chánh kiến. Nếu có được niềm tin như thế chính là niềm tin chân chính và niềm tin đó là mẹ đẻ ra tất cả các pháp thiện lành, xây dựng từng bước để tiến lên sự giải thoát toàn diện trong cuộc sống, đưa đến sự chứng đắc.

Cuộc đời này có biết bao nhiêu lần chúng ta đã vội tin bởi những lời ngọt ngào hoa mỹ. Hình như Bảo Thành và các bạn rất thích kiểu này, lời ngọt và hoa mỹ nhẹ nhàng, chiều ý của mình, văn hoa đôi chút nghe thích thú vô cùng và lời chân lý bỏ ngoài lỗ tai. Chẳng bao giờ chứng nghiệm vì cứ đổ thừa không có thời gian để trải nghiệm, để tư duy, để học, nên cứ vội vội vàng vàng ai nói là nghe, chạy ngược chạy xuôi như con đò không bến, ngược dòng trôi mãi lênh đênh cho tới chết. Đức Phật trên con đường hướng dẫn cho chúng ta, Ngài xây dựng cho chúng ta niềm tin nơi bản thân, Ngài không xây dựng niềm tin vào Ngài, Ngài xây dựng niềm tin cho bản thân của mỗi một người. Ngài không xây dựng niềm tin vào Ngài qua văn chương hoa mỹ, qua quyền lực, qua danh tiếng. Ngài chính là bậc giác ngộ nhưng Ngài không dùng điều mà thế gian này đặt để cái tên cao cả cho Ngài để bắt chúng ta tin. Theo Phật là như thế, học Phật là như vậy, không tin, không vội vàng.

Trong Kinh Pháp Cú câu 156 Đức Phật dạy “Hãy tự nương vào ốc đảo của bản thân, vì không có ai là chỗ nương dựa chắc chắn bằng chính mình”

Không có ai, mình là ốc đảo của mình, là chỗ dựa vững chãi của mình. Niềm tin cần phải xây dựng nơi mình qua sự hiểu học và hành.

Cũng trong Kinh Pháp Cú câu 156 Đức Phật dạy “Phật chỉ là người thầy chỉ đường”.

Chỉ là thầy chỉ đường các bạn, Phật là người thầy chỉ đường cho mỗi người trở thành ốc đảo của chính mình, để rồi có được niềm tin, tin vào bản thân để vươn lên mà thành tựu. Nhưng hỏi lại trong cuộc đời chúng ta tu tập Phật, ta có niềm tin chân chính như vậy hay không? Hình như không, ta không đọc câu kinh 156 của Pháp Cú, 261 của Pháp Cú nói thật rõ, Phật là thầy chỉ đường để chúng ta trở thành ốc đảo riêng của mình mà nương tựa vào, bởi trên thế gian này không có chỗ nào nương tựa vững chắc bằng chính trí tuệ của bản thân.

Trí tuệ của bản thân qua sự tu luyện sẽ tăng trưởng niềm tin, là chỗ dựa vững chãi, là mẹ đẻ ra các pháp thiện, là sự thành tựu tất cả, chứng đắc quả Phật. Niềm tin trí tuệ, niềm tin đó dựa bằng trí tuệ, dựa trên trí tuệ của sự thực hành, của sự chánh kiến tư duy. Niềm tin ấy không phải là mê tín dị đoan vội vội vàng vàng nghe hay nhào tới, cuối đời ngỡ ngàng ta đã lầm. Niềm tin sẽ tăng giá trị của cuộc sống. Những ai mất niềm tin sẽ rất đau khổ, sẽ chới với. Đi sâu vào thế giới ngày nay con người khủng hoảng chính là bởi mất niềm tin vào cuộc sống hoặc là tin một cách mê muội, điên cuồng.

Hôm nay các bạn đồng tu thân mến, trong mật ngôn Sa Bi Mô U tâm tánh thiện lành, một lần nữa khẳng định cho chúng ta thấy lời Phật nói rằng nơi chúng ta, ốc đảo mà ta có thể nương tựa được đó chính là tâm tánh thiện lành vốn có nơi mỗi người. Tâm tánh thiện lành rất cao trọng. Bạn mất niềm tin vào cuộc sống, mất niềm tin vào cha mẹ anh chị em, công việc làm, sự học, những va chạm trong cuộc đời, những đau đớn trong cuộc sống, mất phương hướng không còn định được nữa, ngồi mông lung nghĩ ngợi, suy tư không biết ngày mai, năm tới ta làm gì đây? Thì trở về với chánh niệm của hơi thở, quán chiếu qua mật ngôn Sa Bi Mô U để khởi lên tâm tánh thiện lành. Chúng ta sẽ có lại niềm tin bởi Kinh hoa Nghiêm đã nói “Niềm tin là mẹ đẻ ra các pháp hiện lành”

Nếu như Sa Bi Mô U  được hành trì để khơi dậy các pháp thiện lành, thì niềm tin sẽ trở về với chúng ta.

Các pháp thiện lành được khởi dậy qua mật ngôn Sa Bi Mô U, mỗi một hơi thở vào ra tổng trì mật ngôn Sa Bi Mô U, muôn mầm mống thiện lành trong ta lại như gặp được mưa, có đầy đủ nắng, phân bón, nước tưới. Để những chủng tử thiện lành trong ta nơi Phật tánh chân như lại trỗi dậy. Niềm tin như thế chẳng khác gì ngọn cờ được gió thổi bay và tung bay mãi. Niềm tin rất quan trọng, trên con đường tu Phật niềm tin quan trọng và đặc biệt ở chỗ, chính bậc Thầy của mình là Phật không muốn mình tin một cách mù quáng, nhưng xây dựng niềm tin qua công hạnh tu tập, trải nghiệm và tự xây dựng bản thân của mình trở thành một ốc đảo vững chãi để nương tựa. Ốc đảo đó chính là ốc đảo của trí tuệ, của các pháp thiện lành của tâm từ bi yêu thương, của sự tỉnh thức trong cuộc đời. Có đầy đủ 4 yếu tố này qua sự hành trì, là người có gia tài vô giá để bước qua những đoạn trường của cuộc sống, xây lâu đài của an lạc và hạnh phúc cho mình an trú.

Bốn điều gì mà cao quý như thế? Thưa đó là tâm Từ bi, đó là tâm Từ bi, là Trí tuệ, là Tỉnh giác, là Thiện lành. Các bạn hãy suy nghĩ cùng với Bảo Thành đi, giá trị của cuộc đời này chỉ dựa trên nền tảng đó mà thôi. Không cần biết bạn có tôn giáo hay không, theo Phật, theo Chúa hay bất cứ một tôn giáo nào bạn đang đặt trọn niềm tin vào để tu luyện, hãy nhớ không thể nằm ngoài bốn chữ vàng này Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành nếu thực hiện đúng mỗi người chúng ta sẽ luôn có được niềm tin trong Chánh kiến, vững chãi như Thái Sơn nhưng lại thong dong như mây trời, tự tại giữa lòng đời.

Giá trị của cuộc đời đang lẩn trốn ở nơi đâu? Các bạn cứ lớ ngớ hoài trong tư duy vụn vặt, chẳng chịu hành trì, tin tưởng một cách mù quáng, như ông trời, ông Phật, ai đó cao siêu trí tuệ thâm hậu tới ban bố chữa lành cho ta. Những điều đó ngàn xưa cho tới nay không bao giờ xảy ra. Hầu hết những ai có niềm tin mê muội như vậy thường bị rơi vào sự lợi dụng của những người họ đi theo, tin tưởng theo. Mất phương hướng, mất niềm tin, đánh mất giá trị của cuộc đời. Ta không cần phải đi sâu để đào bới những tai hại của mất niềm tin, nhưng hôm nay nói tới một phương pháp để cho các bạn tư duy ứng xử cho đúng và mang vào thực hành thử trong sự trải nghiệm, để tìm lại niềm tin của mình, tăng trưởng giá trị sống vĩnh hằng nơi tâm chân thật.

Các bạn, Kinh Hoa Nghiêm Bảo Thành nhắc lại Đức Phật nói “Niềm tin chân chính là mẹ đẻ ra các Pháp thiện và dẫn đưa chúng ta tới sự thành tựu quả Phật, giải thoát khỏi luân hồi và sanh tử”.

Nhưng niềm tin đó là niềm tin mà Đức Phật dạy cho người dân trong kinh Kalama, phải được trải nghiệm thực tập bằng hạnh lắng nghe và sự hành trì miên mật, đừng vội vàng tin. Niềm tin ấy phải xây dựng qua công hạnh như vậy để trở thành một ốc đảo, tự nương vào chính trí tuệ của mình thành tựu được. Vì chính Đức Phật là thầy chỉ đường, chẳng phải là người ban bố cho chúng ta những yêu sách, những điều mong mỏi, những điều cầu nguyện.

Phật đã nói trong Kinh Pháp Cú đoạn 261 rằng “Phật là thầy chỉ đường”

Hãy tới với Phật và phải nhận diện ra rằng Đức Phật là bậc thầy chỉ đường, Ngài không phải là một ông thần để chúng ta quỳ lụy, cầu xin ban bố. Mà Ngài là thầy soi đường chỉ lối cho ta thực hành mà thoát ra. Nếu chúng ta tới với Đức Phật với niềm tin như vậy và sự thực hành vững chãi tâm Thiện lành, tâm Tỉnh giác, tâm Trí tuệ, tâm Từ bi, đây là bốn pháp bảo vi diệu để chúng ta có được niềm tin vững chãi vô cùng mà thành tựu tất cả. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành phải được gắn ở trong bốn chữ vàng ngọc này, nếu xâu và chuỗi nó vào thì nhất định chúng ta là những người đeo ở trong tâm. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành là bốn viên kim cương tự sáng, là ốc đảo cho ta nương tựa để thành tựu kiến thức và đạo hạnh phước báo công đức.

Các bạn thân mến, niềm tin giá trị cuộc sống tới từ sự miên mật tu tập, tư duy và hành trì với tâm đón nhận Phật là bậc thầy chỉ đường để xóa mờ điều mê tín tới với Phật, trời, với thần linh, tôn giáo cầu cạnh van xin. Các bạn, nếu ai mất niềm tin vào cuộc sống này, không cần biết bạn có đạo hay không có đạo, tu hay không tu hoặc mất niềm tin dưới một phương diện nào đó, thì Bảo Thành mời gọi các bạn hãy trở về với chánh niệm của hơi thở, phát triển tình thương, lòng từ bi. Chỉ trong chánh niệm hơi thở của phát triển tâm từ bi yêu thương tới muôn loài, thì trí tuệ của bạn sẽ bừng sáng, tâm của bạn sẽ bừng tỉnh và các pháp thiện vốn có nơi bạn sẽ giãi bày thật rõ để bạn ứng hóa trong cuộc đời này, tái tạo lại niềm tin qua công hạnh hành trì chánh niệm mỗi ngày, cuộc sống của bạn sẽ có giá trị vô cùng. Đừng để mất niềm tin để đánh mất giá trị của cuộc sống, nhưng hãy thực hành chánh niệm hơi thở, lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, hành trì các pháp thiện. Cuộc đời của bạn là mặt trời luôn sáng trong lòng của chính bạn. Hãy trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Ngài là thầy chỉ đường cho chúng con đi để xây dựng một ốc đảo trí tuệ viên mãn, nương tựa vào đó mà chuyển hóa tự thân, thành tựu được sự an lạc hạnh phúc. Xin gia trì cho chúng con hiểu thấu và thực hành điều này để tăng trưởng niềm tin vào chánh pháp, niềm tin chân chính.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn