Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !
Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con miên mật hành trì Mật Thiền Chánh pháp để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức, thể nhập vào tâm tánh thiện lành, quán chiếu thấy rõ các pháp đều là Vô Thường, là Khổ, là Vô ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Chúng con cũng nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc.
Xin chư Phật từ bi chứng minh.
Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái. Tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Lời Phật dạy: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Hơi thở Chánh niệm trụ tâm nơi đó. Quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, và tâm tánh thiện lành qua mật ngôn Sa Bi Mô U.
Chúng ta hãy bắt đầu để tiếp hiện năng lượng.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
Sa Bi Mô U
(7 biến)
Mô Phật!
Nếu như mỗi ngày chúng ta biết chăm sóc cho cuộc đời của mình để gạn lọc những điều bất thiện đẩy đi thật xa và chào đón những điều thiện lành đến với mình, cuộc đời của chúng ta sẽ sống an vui hạnh phúc. Cứ hỏi: “Nếu mỗi một con người sống an vui hạnh phúc với mình, với gia đình, cộng đồng xã hội, và thế giới, một đời sống hạnh phúc và an vui như thế ta sẽ cầu mong gì nữa đây?” Chắc chắn là không còn mong cầu một điều gì. Nhưng kiếp sống này, hạnh phúc, sự an lạc hình như tới rồi đi, ta không làm chủ được. Hạnh phúc và an lạc kia thì mong manh ít ỏi, còn đau khổ, phiền não thì tràn đầy. Để rồi chúng ta đã quên sống, thực sự đã quên sống, quên sống cho hiện tại nhưng mong cầu về một kiếp sau tốt đẹp hơn. Chính vì điều đó mà trong các hệ thống tôn giáo đặt để ra một mục tiêu để chúng ta thành tựu và có được sau khi chết ở kiếp sau. Lời hứa và sự trừng phạt là một diệu pháp tâm lý giúp cho mọi người từ bỏ những điều xấu, tranh thủ những điều tốt để chết đi rồi kiếp sau ta trở về với thiên đàng thiên giới, còn nếu không làm tốt đọa vào địa ngục khổ vô cùng. Các hệ thống tôn giáo đều thưởng cho ta cái thiên đàng nếu làm theo những điều họ dạy, và trừng phạt ta nơi địa ngục nếu cãi và không làm theo. Hình như thấy có lý, cho nên thật nhiều người trong chúng ta luôn tin vào hệ thống đó bởi có mấy ai tư duy dùng trí tuệ để nhìn thấu đâu? Thôi thì niềm tin dễ dàng hơn. Cứ như vậy ta tin vào kiếp sau được trở về với thiên đàng và thiên giới. Điều này ai cũng đã từng nghe, dù thời đại ngày nay văn minh có người đòi hỏi cái tầm cao hơn của sự tư duy trong trí tuệ, nhưng những cái niềm tin kia vẫn dễ dàng đi vào lòng người vì mấy ai dành thời gian tu tập để làm chủ cái tâm của mình đâu?
Cuộc sống này đây đối với Phật tử tại gia nhiều khi chúng ta nghĩ mình là người tại gia vẫn ham một chút vui, vẫn thích một chút vui và vẫn thích một đời sống rất bình thường là người. Trong cái đan xen định nghĩa của tốt và xấu, người tại gia vẫn luôn có những sinh hoạt như vậy trộn lẫn, làm sao có thể về được thiên đàng thiên giới? Sống tốt thật khó! Đó là cuối cùng ta tự trả lời mình, và rồi thôi cứ sống sao cũng được. Và cũng tranh thủ khuôn mẫu rập khuôn như một cái hình thức tự an ủi để sống mà khi chết kiếp sau về thiên đàng, về thiên giới, về Niết bàn, về cái cõi cao tốt đẹp như Tây phương cực lạc thiên đàng, thiên giới, Niết bàn… Đủ mọi danh từ được thiết lập để hấp dẫn những người còn sống gắng làm điều tốt, chết rồi kiếp sau được lên cái cõi đó.
Thiên đàng ở đâu? Hồi xưa đến giờ chúng ta cứ luôn nghĩ theo những cuốn kinh sách cổ, thiên đàng ở trên trời nhìn lên trên trời thì thiên đàng ở trên, còn địa ngục ở dưới đất. Bởi thuở xưa chúng ta nghĩ ở dưới đất là dưới cái mặt đất bằng phẳng, trên trời thì mênh mông như thế, thiên đàng, cõi trời, thiên giới phải ở trên trời, còn địa ngục phải ở dưới đất. Quan điểm đó được phá vỡ khi khoa học tiến bộ thấy dưới đất chẳng phải là đất đâu nếu mà cày xuyên qua bên kia thì đó qua giữa lòng trái đất tới vỏ trái đất bên kia, ta hiểu rồi. Ngày nay hiểu rồi, chẳng có trên trời, cũng chẳng có dưới đất, bởi hành tinh ta đang ở là Trái đất cũng như một quả cầu mênh mông lơ lửng giữa không gian của tận hư không pháp giới vũ trụ vô tận. Cái kiến thức được nhồi nhét và được tiếp nhận bởi chúng ta về một thiên đàng tạm gọi là hai chữ này có thể gọi là Niết bàn, thiên giới, Tây Phương cực lạc, gì gì đi nữa thì hôm nay chúng ta tạm gom vào hai chữ “Thiên đàng”. Đây chỉ là một chữ nhưng mặc định cho những ý nghĩa kia tạm gọi như vậy để ta chia sẻ cho nó dễ.
Thiên đàng ở đâu đây? Hồi còn nhỏ Bảo Thành nghe những bài vè như thiên đàng hỏa ngục hai bên, tức là ở đâu có thiên đàng thì hoả ngục nó ở hai bên. Hai bên là bên trái và bên phải đều là hoả ngục, đều là địa ngục, còn thiên đàng nằm ở giữa, thiên đàng hỏa ngục hai bên. Hồi đó mình cũng đọc cái bài vè đó và mình cũng ca thán ca tụng đọc như đứa trẻ thuộc lòng. Lớn dần các bạn và Bảo Thành cũng sẽ tự hỏi mình rồi thiên đàng ở đâu? Ta đã từng hỏi các bậc tôn túc hoặc những bậc đứng đầu tôn giáo của chúng ta. Có lẽ câu trả lời là khi chết đi theo sự thương xót hoặc ai đó sẽ đưa ta, đấng quyền năng sẽ đưa ta về thiên đàng, về cõi trời. Chấp nhận điều đó cũng hay bởi chúng ta sống tốt, sống đúng theo cái luật của tôn giáo, những cái luật của xã hội, những cái luật rất căn bản của con người để làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Còn cái thiên đàng kia có hay không chưa quan trọng, mà quan trọng vì cái mục đích thiên đàng ta sẽ tới được sau khi chết ở kiếp sau đó mà mỗi người hiện thời chúng ta sống tốt, đây là một điều tích cực cần phải thực hiện. Dẫu cho thiên đàng có thật hay không thì ngay trong cuộc sống này tất cả mọi tôn giáo đều dạy cho chúng ta cái cách sống tốt đẹp.
Quan điểm của Phật giáo về thiên đàng khác với quan điểm của các tôn giáo khác. Dĩ nhiên khi Đức Phật còn sống, thật nhiều những người quan tâm về thiên đàng, đời sống sau khi chết. Ngày nay không còn không phải là thời xưa các bạn, ai cũng quan tâm về một đời sống sau khi chết là đi về đâu. Và thuở ấy người ta đã tới hỏi với Đức Phật: “Thưa Ngài! Thiên giới, thiên đàng hay Niết bàn ở đâu? Và làm sao để sau khi chết đi về đó?”. Đức Phật mới hỏi họ: “Tại sao phải đợi đến khi chết mới về cái cõi tạm gọi là thiên đàng? Mà ngay khi còn sống đây không bước vào thiên đàng mà đợi đến khi chết?”. Họ ngớ ra! Bạn có khi nào tự hỏi bản thân của mình không? Tại sao phải đợi đến chết và sau khi chết để mong cầu đi vào thiên đàng mà khi còn đang sống đây, đang vui này, có thân này, có đủ mọi phương tiện để sống, chúng ta không sống để bước vào và tận hưởng cái gọi là thiên đàng tràn đầy hạnh phúc an lạc, không đau khổ không phiền não? Cái mấu chốt vẫn là ở cái chỗ: để chết mà vào thiên đàng hay không đều do tâm thực hiện những điều gì qua hành vi và ngôn từ sự suy nghĩ. Ai cũng biết Đức Phật dạy cho họ ngay trong kiếp sống này đây không đợi đến kiếp sau, chúng ta đều có thể tận hưởng được cái niềm sung sướng mà người ta gọi là thiên đàng đó là hạnh phúc và an lạc. Ngay trong kiếp này, cuộc đời này, trên cõi trần gian này, đừng đợi đến kiếp sau, đừng đợi sau khi chết, hãy tận hưởng.
Thiên đàng đối với Đức Phật nói chẳng phải là một cái cõi giới, một quả đất, một hành tinh được gọi là thiên đàng, được gọi là Tây Phương Cực Lạc, được gọi là tất cả những cái ngôn từ gì đó cao siêu tốt đẹp như được đặt để ra. Như Bảo Thành vừa chia sẻ, làm tốt để mong cầu kiếp sau tốt cũng là một khái niệm rất tuyệt vời, nhưng làm tốt để tận hưởng cái tốt hiện thời là một chân lý trong Chánh niệm mà Đức Phật dạy. Sống ngay bây giờ và hưởng ngay bây giờ cảnh giới thiên đàng tại nơi đây, nơi tâm của chúng ta. Nếu mỗi người trong chúng ta sống trọn vẹn với bốn cái phạm trù đơn giản của Đức Phật dạy, có nghĩa ta đã có được thiên đàng tại thế nơi tâm của mình. Và ở đâu chúng ta sống đều có hạnh phúc an lạc cho ta và cho người. Đó là bốn cái phạm trù mà hầu hết trong chúng ta ai cũng đã từng nghe qua, nhưng ít khai thác sống với bốn cái phạm trù này. Bốn chân lý mà chỉ nghe cho thuộc, nói cho thông thạo nhưng không sống. Với bốn phạm trù đó là: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Phật nói thật rõ: Tứ Đại Tâm – Từ, Bi, Hỷ, Xả. Tâm lớn là tâm Từ; tâm Bi; tâm Hỷ; tâm Xả. Nếu tâm của chúng ta có thể khởi được lên điều đó, sống và hành trì mỗi một giây phút trong đời sống này thì ngay nơi đó là thiên đàng hiện diện rồi, chẳng cần để kiếp sau.
“Từ” là tâm Từ, là tâm yêu thương rộng lớn. Chúng ta phải tu tập để phát triển cái tâm yêu thương này lớn bao trùm cả thế giới, cả muôn loài, gia đình cộng đồng xã hội, giữa vợ chồng con cái, giữa tình thày trò thôn xóm, giữa bạn đồng tu và nhân loại chúng sanh. Tâm yêu thương cần phải được lan tỏa cùng khắp. Nếu tâm yêu thương là tâm Từ này được ứng dụng, hiểu thấu và chúng ta đầu tư để phát triển thì thiên đàng ngay chỗ đó mà hiển lộ, chẳng chờ đến kiếp sau, Phật dạy như thế. Có khi nào các bạn nghĩ đến điều đó chưa? Chắc có lẽ đã nghe, đã nghĩ nhưng lại không thực hành. Tình yêu thương rộng lớn ta có thể học được qua hạnh của Ngài Quan Âm Bồ tát, các vị Bồ tát, hơn nữa là các vị Phật, các đấng Giác ngộ, và gần gũi hơn là mẹ là cha một tình yêu thương vô bờ vô bến. Tình thương đó là tâm Từ. Chúng ta nếu phát triển và hành trì được cái tâm này, mở rộng, trải rộng lan tỏa thì thiên đàng đó đó ngay đấy mà bước vào chẳng phải đợi để kiếp sau. Tâm Bi là tâm làm cho sự đau khổ của muôn loài muôn người dừng lại, triệt tiêu. Tâm Bi thật tuyệt vời. Từ Bi Mu A Mu Sa là tâm Đại Từ Đại Bi mà chúng ta quán chiếu qua mật ngôn Mu A Mu Sa để phát triển cái tình thương lớn và dùng tất cả mọi phương tiện để làm cho sự đau đớn cùng cực, khổ não của muôn loài muôn người được chuyển hóa. Do vậy trong Mật Thiền, chúng ta tập trung vào tinh thần đại Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa.
Thiên đàng ở đâu? Thiên đàng nơi tâm. Tâm Từ, tâm Bi và cái thứ ba là Tâm Xả. Tâm Hỷ, Tâm Xả, buông thư. Từ, Bi, Hỷ, Xả. Hỷ là luôn luôn biết hoan hỉ, biết vui với mọi người, mọi cảnh, mọi nơi. Các bạn! Cái tâm Hỷ này giúp cho chúng ta chuyển hóa được lòng ghen tị, đố kỵ, tranh giành, hận thù. Tâm Hỷ rất tuyệt vời! Với mọi sự, nơi mọi người, ta luôn hoan hỉ với họ, với mọi cảnh, mọi thời, mọi pháp, chúng ta luôn hoan hỉ. Cái pháp Hỷ thắng mọi hỉ, và cái pháp Hỷ này thành tựu được qua Chánh niệm của hơi thở quán chiếu tâm Từ Bi.
Cái thứ tư là Tâm Xả: Xả luôn cả cái điều ta mong cầu là tốt hay là xấu. Xả tất cả để tâm chẳng còn cưỡng cầu mong đợi, mà chỉ còn có tâm Từ Bi hiển hiện trong sự hoan hỉ của cái pháp hiện tại Chánh niệm mà thôi. Nếu thực hiện được cái tinh thần Tứ Đại Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả một cách đơn giản như vậy, không cầu kỳ văn tự diễn giải huyền bí cao siêu, thì những người Phật tử tại gia, những người Phật tử rất bình thường như Bảo Thành và các bạn đều có cơ hội bước vào thiên đàng nơi tâm của mình để sống hạnh phúc và an vui, không cần chờ đến kiếp sau. Ta cứ làm đủ mọi thứ để đợi khi chết rồi mới tận hưởng mà khi sống thì sợ hãi chẳng hưởng được điều gì. Đức Phật không tới để hứa hẹn một thiên đàng sau khi chết hoặc đọa đầy ta vào địa ngục sau khi bỏ mạng. Ngài không mang địa ngục ra để hù dọa chúng ta sau khi chết bị đầy đọa nếu không nghe Ngài. Ngài cũng chẳng mang thiên đàng ra để tặng cho chúng ta như một điều dẫn dụ hấp dẫn, để ta theo Ngài mà hưởng thiên đàng sau khi chết. Ngài khai thị, Ngài chỉ giáo cho chúng ta một con đường huân tu rõ ràng ngay hiện thời của kiếp này. Ngài nói, Đức Phật nói: “Mang thân người thật khó”. Thật khó, do vậy đã là con người thì ta phải tận dụng được cái phương tiện vi diệu là người để bước vào thiên đàng tại thế nơi tâm. Tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả. Bốn phạm trù này là chân lý bất diệt, chẳng phải là một thiên đàng bất diệt, chẳng phải là một địa ngục bất diệt, chẳng phải là một thiên đàng vĩnh cửu, một địa ngục vĩnh cửu để đầy đọa, để thưởng lên thiên đàng. Chính trong câu mật ngôn ta học, câu thứ hai: NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, quán chiếu vạn pháp Vô Thường, đã gọi là vạn pháp Vô Thường nơi mật ngôn và sự quán chiếu Phật cũng dạy cho chúng ta.
Hỏi: Làm sao có một cõi thiên đàng vĩnh cửu vĩnh hằng? Phật đã dạy vạn pháp là Vô Thường sanh diệt thì đợi gì khi chết để về một cõi vĩnh hằng vĩnh cửu là thiên đàng. Đã gọi là Vô Thường, nào có một cái địa ngục để kìm hãm ta vĩnh hằng vĩnh cửu đâu? Hai chữ “Vô Thường” giúp chúng ta thoát khỏi địa ngục của tâm thức. Hai chữ “Vô Thường” hiểu thấu là chìa khóa để chúng ta tận dụng cái kiếp người này thực hiện và tu, hành cho đúng tinh thần Tứ Đại Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả để cuộc đời dù cho có ngắn ngủi, có mong manh có dễ mất trong một hơi thở, thì ngay hơi thở Chánh niệm này thiên đàng, Niết bàn, cảnh giới Tây Phương cực lạc, sự hạnh phúc vô biên đang hiện diện nơi đây trong sát na Vô Thường. Tại sao phải hứa? Tại sao phải đe dọa? Một lời hứa và sự đe dọa luôn luôn kèm theo, đó là cách suy nghĩ của phàm phu. Đối với Phật, bậc Giác ngộ, Ngài không đe dọa và hứa hẹn nhưng Ngài chỉ cho thật rõ để chúng ta từng bước thực hiện ngay kiếp này, đời sống này, mỗi người chúng ta đều có cơ hội tận hưởng được thiên đàng. Thiên đàng ở đâu? Thiên đàng ở nơi tâm. Thiên đàng là cảnh giới nơi tâm, sống trong Từ, Bi, Hỷ, Xả, sống và hành trì được tinh thần Tứ Đại Tâm. Thiên đàng không phải là một cõi, một nơi, một hành tinh vĩnh hằng vĩnh cửu để khi chết ta thoát cái hành tinh Trái đất này về cái hành tinh thiên đàng kia, cái cõi thiên đàng kia cõi bất diệt. Hãy nhớ Phật dạy: vạn pháp đều Vô Thường. Ngay cả Trái đất này, hành tinh này, tinh tú trên trời, mặt trời, mặt trăng, hằng hà trong vũ trụ này đều là Vô Thường sanh diệt, không thể chạy trốn một cái cõi sinh diệt Vô Thường để về một cái cõi sanh diệt Vô Thường khác mà gọi là thiên đàng và Niết bàn vĩnh hằng. Cái vĩnh hằng vẫn là cái tâm, tâm của chúng ta. Chúng ta không phân tích sâu xa để mang những cái lý luận của giáo lý nơi các tôn giáo định nghĩa về thiên đàng địa ngục để phiếm luận. Nhưng chúng ta trở về với một đời sống bình thường của người Phật tử tại gia thì lời Phật dạy rất là minh triết dễ dàng thực hiện. Hãy lo cho cái Niết bàn của thế gian ta đang sống nơi tâm bằng cách thực hiện cái tâm Từ Bi yêu thương rộng lớn, để làm cho bớt khổ hết khổ muôn loài muôn vật, sống trong sự Hỷ lạc đón nhận tất cả và Xả bỏ luôn tất cả để sống trong tự tại và an vui. Thực hiện từng chút từng chút thôi, không cần phải cố quá để rồi mình đi tới cái đoạn cuối của cuộc đời, nhưng hãy từ từ thong dong và tự tại mỗi ngày, mỗi chút như con kiến nhất định tha lâu cũng đầy tổ. Thực hiện như vậy thì thiên đàng sẽ hiện diện rõ hơn mỗi ngày trong đời sống của chúng ta.
Các bạn! Thiên đàng ở đâu? Thiên đàng nơi tâm, tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả, Tứ Đại Tâm, không ở đâu xa như một cõi vĩnh hằng bởi tất cả các pháp đều là Vô Thường sanh diệt.
Mời các bạn trở về với hơi thở.
Thưa Phật! Xin gia trì cho hàng đệ tử chúng con thực hiện được tinh thần Tứ Đại Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả để kiến lập một thiên đàng nơi tâm an lạc ngay trong cuộc đời này mà chẳng chờ đến kiếp sau, sau khi chết để tận hưởng.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở ra từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
Sa Bi Mô U
(7 biến)