Search

4033. Càng Toan Tính Càng Thiệt Thân

Bảo Thiện đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con luôn luôn tinh tấn tu học mật thiền, quán chiếu tâm Từ Bi, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức, thể nhập vào tâm thiện lành, quán chiếu thấu rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cầu cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái. Trở về với hơi thở của chánh niệm, chúng ta hãy cùng nhau quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê và tâm Thiện Lành chân như qua mật ngôn Sa Bi Mô U. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành quán, qua bốn mật ngôn trên, mỗi người chúng ta khi hít vào và thở ra trong chánh niệm, sẽ tiếp hiện được nguồn năng lượng tha lực vi diệu của chư Phật vào thân tâm, chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Mô Phật! Mình cứ đi hoài, suy nghĩ hoài và sống hoài trong những bước chân có nhiều sự suy nghĩ. Nếu như chúng ta suy nghĩ đúng theo nhân quả, đó gọi là Chánh kiến trong Chánh tư duy, để lựa chọn cho mình một con đường sáng, một con đường tốt lành phù hợp với nhân quả thiện ác, bỏ ác hành thiện, giúp mình, giúp người thăng tiến trong cuộc sống. Ở đời cũng có sự suy nghĩ nhưng không tư duy trong nhân quả thiện ác của chánh kiến, mà là mưu mô toan tính để đưa đến sự thành công cho riêng mình, bỏ mặc những người xung quanh. Sự toan tính đó rất nguy hại, bởi càng toan tính nhiều càng thiệt thân. Còn càng suy nghĩ chín chắn trong sự tư duy, thuận pháp, thuận duyên, phù hợp với mọi hoàn cảnh trong nhân thiện như nhân quả của Đức Phật dạy, thì sự càng tư duy suy nghĩ như thế càng thành công, càng tiến lên thuận buồm xuôi gió.

Có khi nào chúng ta ngồi nghĩ cả một ngày chúng ta suy nghĩ cái gì, hay đang toan tính gì đây? Chúng ta đôi khi bị rơi vào tình trạng là mình toan tính thiệt hơn để bồi đắp cho lòng tham của mình, nhưng không có nhận ra và ít khi nào để ý đến lời của Đức Phật dạy trong Bát Chánh Đạo, ứng dụng Chánh kiến, Chánh tư duy để thăng hoa cuộc sống. Mình phải nhìn lại mới chột dạ vì bao nhiêu lâu nay dù dưới hình thức là người Phật tử, tu và học lời Đức Phật dạy, nhưng hoàn toàn không ứng dụng lời Phật dạy để tôi luyện cho sự suy nghĩ của mình đúng với chánh pháp, cái nhìn của mình đúng với chánh pháp, mà chỉ lủi lủi một mình trong toan tính. Sự toan tính khởi lên từ sự hơn thua, tranh chấp, bon chen, hẹp hòi. Còn Chánh kiến, Chánh tư duy khởi lên từ mục đích nhìn thấu trong nhân quả, khởi tâm Từ bi, thắp sáng đuốc tuệ để được tỉnh giác, được tỉnh thức mà hành thiện tích đức.

Có câu chuyện kể hai người thương buôn, buôn gấm, buôn lụa là gấm vóc đi trên biển. Hai người này từng đi buôn với nhau, nhưng cá tánh của hai người hoàn toàn khác. Một buổi nọ họ đi buôn trên biển thì bất chợt có một anh, anh này là anh cả ở trên thuyền giàu có, còn có một anh nữa là em út thôi, người đi buôn nhưng có tâm cũng dễ thương. Bất chợt người anh cả nhìn thấy có chỗ ở đáy thuyền nước nhiều, sợ lụa là gấm vóc của mình ướt nên một mình hì hục, hì hục mang những tấm lụa gấm của người em út kia đặt xuống dưới, lót xuống dưới để cho nó thấm vô, rồi chồng chất gấm vóc của mình lên trên để khỏi bị ướt, bị thấm nước. Thuyền thì chở đầy gấm vóc đi ra giữa khơi về bờ bên kia nơi mình cư ngụ, thì chợt sấm chớp nổi lên ầm ầm và bão tố kéo tới, sóng thì lớn, thuyền chở gấm vóc nhiều chuyến này đi mua hơi nhiều, hình như đang bị nhận chìm. Người tài công hoảng hốt la lên “Nếu chúng ta không bỏ bớt hàng hóa đi thì nhất định thuyền sẽ chìm, không chịu nổi cơn sóng này”.

Người anh cả trong chuyến buôn này sợ hãi cho mạng sống của mình, nên vội vội vàng vàng ôm gấm vóc quăng xuống dưới biển, quăng độ chừng khoảng một nửa thì sóng gió bão tố ngưng, thuyền lại tiếp tục lướt về bờ. Khi lên trên bờ sai gia nhân khênh đồ lên, thì người anh hai bất chợt mới nhận ra toàn bộ gấm vóc ở bên trên vì sinh mạng của mình, muốn cứu mình chẳng suy nghĩ đến người khác, vội vội vàng vàng mang toàn bộ gấm vóc quăng xuống dưới biển. Cứ tưởng rằng gấm vóc của người em út, nhưng đâu ngờ lúc nãy mình đã lấy gấm vóc của người em út đặt xuống dưới và chồng chất của mình lên trên, sóng gió nhiều thì quăng ở bên trên nhưng chẳng để ý ở bên dưới. Cho nên cập bến thì gấm vóc của mình chẳng còn, còn chăng một số gấm vóc của người em có ướt đôi phần, nhưng phơi khô gấm vóc vẫn trở lại nguyên vẹn.

Câu chuyện đơn giản thôi để thấy rằng trong sự tính toán mưu mô, càng tính toán càng hại thân, mang ý nghĩa rằng sự tính toán ở đây là nghiêng về phần lợi cho bản thân, chẳng bao giờ nghĩ đến người khác. Có những người chồng chất cho thật nhiều cả cuộc đời, nhưng rồi thiệt thân thật sự, vì sao? Vì trong sự tính toán đó trái với luật nhân, luật quả của Đức Phật dạy, chẳng nghĩ đến người khác, nghĩ đến cái lợi cho mình nhưng bao nhiêu cái hại dồn hết cho người khác, đó là thủ ác, tâm bất thiện. Luật nhân quả không phải do ông trời hay một ai đó như ông quan tòa phán xét, mà là định luật chân lý ai làm người đó chịu. Khởi tâm ác để lấn chiếm, mưu toan tính toán hại người lợi mình, nhất định sẽ hại thân. Còn khởi tâm thiện giúp đời, giúp mình, xoay vần trong cái nhân mà Đức Phật dạy đó là nhân thiện lành, loại trừ nhân ác, nhất định ở đâu có người sống như vậy, chỗ đó sẽ có được sự bình an và hạnh phúc.

Các bạn thân mến, cuộc sống của con người quá nhiều sự phải lo toan. Lo toan là một chuyện nhưng tính toán thiệt hơn cho mình mà thôi, chẳng nghĩ đến người thì sự lo toan đó sẽ hại tổn phước báu. Còn lo toan mà ứng dụng Bát Chánh Đạo của Đức Phật dạy, suy nghĩ cho đúng với chánh pháp, đúng với con đường chánh mà Đức Phật dạy, đúng với nhân quả Đức Phật đã khai thị. Thì nhất định mỗi một ngày trôi qua mọi sự suy nghĩ của chúng ta, mọi sự tính toán của chúng ta, thuận pháp như vậy và tùy duyên như thế sẽ tạo được phước lành vô cùng. Và sự thực tập Chánh kiến, Chánh tư duy sẽ giúp cho chúng ta tăng trưởng được đời sống chánh niệm hiện tại để hưởng phước.

Trong những ngày qua các bạn thấy, biết bao nhiêu những tin tức đưa ra nào là người có sự tính toán lớn lợi lạc cho bản thân, để có được danh và quyền lực lớn, họ đã vơ vét biết bao nhiêu thứ một cách âm thầm, tính toán chi ly rõ để lợi lạc. Nhưng khi sự việc đổ bể thì biết bao nhiêu vàng bạc, tiền tích trữ ở nhà đều bị lấy đi, rồi quyền lực tưởng chừng như lớn lắm bị tước bỏ, trở về với thân phận của người tù đày. Các bạn thấy rõ không hẳn chỉ trên thế giới mà ngay trong nước ta, ngay cả trong gia đình, trong xã hội này, trong bất cứ một ngóc nghách của cuộc sống nào, chúng ta để ý thì đều thấy những ai tính toán cả một cuộc đời này chỉ riêng cho họ thôi, có lợi cho họ mà có hại cho người khác chẳng bền lâu. Họ sẽ bị thiệt thân, không đợi đến kiếp sau để quả xấu nó trổ, mà ngay trong kiếp này chẳng phải kiếp sau.

Người tu học như chúng ta luôn luôn phải nhớ cho thật rõ, để lấy chuẩn mực của đời sống trong Bát Chánh Đạo làm thước đo thực hành trong đời sống chánh niệm, bổ túc cho tinh thần Bát Chánh Đạo đó. Ta tưới tẩm mỗi một ngày bằng năng lượng yêu thương của từ bi và tới thắp sáng cái nhìn để chánh kiến xuyên suốt mọi hành vi, lời nói và suy nghĩ của chúng ta. Và chúng ta tư duy trong chánh pháp, thấy rõ cái nào lợi người, lợi ta, lợi lạc cho muôn loài đúng như tâm thiện lành của Sa Bi Mô U, chúng ta khởi tâm tiến hành và làm việc, điều ấy phúc báu vô cùng. Phước báu tới với chúng ta là do tâm – tâm thiện. Tổn phước cũng do ta, do tâm ác. Tính toán ở đây không phải là lợi hại cho mình, cho người, mà sự tính toán không thể ứng dụng vào chỗ này, chỉ nói rằng đây là một sự Chánh tư duy. Chúng ta không mưu mô tính toán cho mình, mà tư duy cho thuận pháp, thuận duyên, hợp với người, hợp với ta, hợp với con đường ta đang cầu tiến để thoát ra luân hồi sinh tử. Hợp với cảnh sống của gia đình, của con cái, của cộng đồng, của xã hội.

Cuộc đời này không thể chỉ cho mình mà thôi. Ngay con đường làm ăn, cuộc sống chúng ta chỉ nghĩ đến mình thì đó là mưu mô tính toán, sẽ hại thân, thiệt thân. Ngay cả trên con đường tu mà chỉ nghĩ đến một mình mình thôi, thì chẳng có tinh thần của Bồ Tát hạnh. Sự tu mà chỉ nghĩ đến mình thì đó là sự ích kỷ, đó là sự tính toán. Tính toán cho riêng ta, bỏ mặc gia đình, vợ chồng, con cái, thân bằng quyến thuộc, cộng đồng xã hội, chỉ lo lo chuyện gọi là tu cho mình. Tu đó chẳng phải là tu, bởi nó khởi lên từ tà tâm, chỉ vơ vét những điều gì đó cho mình mà thôi dù là học Phật. Học Phật mà chỉ nghĩ đến mình, chỉ vơ vét tạo ra phước cho riêng mình, chẳng biết hồi hướng lan tỏa cho muôn người. Thì học Phật đó là học Phật của sự tính toán, sẽ hại bản thân của chúng ta.

Các bạn, cuộc sống này không dài cũng chẳng ngắn, cuộc sống này cũng chẳng cao chẳng thấp, chẳng hơn chẳng thua, chẳng thành chẳng bại, bởi những điều đó cũng chỉ là hư mất trong cuộc đời. Cao quý ở chỗ chúng ta nghe và thấu được lời Phật, thực hiện cho đúng mỗi người chúng ta đều tăng trưởng phước báu thật nhiều. Và phước đó ta có thể hùn phước đó để trao và tặng, hiến dâng cho biết bao nhiêu những người gần gũi với chúng ta. Chỉ một lời nói thiện lành thôi đã tạo được phước báu, chỉ một suy nghĩ đúng trong tư duy của chánh pháp thiện ác nhân quả, bạn đã tăng trưởng phước báu vô số. Còn nếu như cuộc đời chỉ tính toán mưu toan thì nhất định sẽ thiệt thân.

Mỗi một ngày các bạn đều nhìn thấy biết bao nhiêu cảnh, cảnh như anh hai đi thuyền buôn bán kia, buôn gấm buôn lụa kia, chỉ thấy chút nước thôi sợ gấm vóc lụa là của mình ướt, liền mang gấm vóc lụa là của người em nhét xuống dưới. Chúng ta cuộc sống này cũng chỉ vì cái lợi của mình thôi mà đã nhồi nhét biết bao nhiêu thứ thị phi vào trong đầu người khác, để dìm họ xuống chỗ ướt ẩm của phiền não và đau khổ. Nhưng đâu ngờ cái cho rằng ướt ẩm, phiền não, đau khổ kia, người ta chịu nó lạ đổ quật ngược lại cho chúng ta. Toan tính trong cái thiệt, thiệt hại, lợi hại, mưu mô cho chính mình, thì sự toan tính đó là sự toan tính ngu dốt, điên rồ, đang hại thân.

Đức Phật bài học đầu tiên đã dạy cho con người, dạy cho tất cả các chúng đệ tử phải phát triển Chánh kiến, Chánh tư duy, nhìn thấu, nhìn rõ, suy nghĩ cho đúng để sống trong chánh niệm. Đời sống mà Đức Phật dạy cho mọi người không phải một đời sống mê hoặc trong ảo tưởng của kiếp sau, mà là một đời sống trí tuệ sáng suốt. Nhận diện rõ những gì ta đang làm và cần làm trong hiện tại, chẳng mong cầu ngày mai trong tương lai, chẳng đào bới quá khứ như mồ chôn thân, nhưng sống trong hiện tại của chánh kiến, chánh tư duy. Toan tính nhiều thiệt thân, điều này có đã xảy ra trong lịch sử của nhân loại loài người, đã xảy ra ở mọi nơi, mọi chỗ. Ai trong chúng ta cũng đều có cơ hội để chứng kiến, nhưng ít có khi nào phản tỉnh để thay đổi cuộc sống.

Các bạn, nhất định mỗi một người chúng ta đều cần phải suy nghĩ cho kỹ, nhất là các bạn đồng tu, những ai đang ứng dụng Phật pháp, theo các pháp môn phương tiện hợp căn cơ, hợp với bản thân của mình, môi trường sống của mình. Hãy nhớ dù pháp môn đó có vi diệu tới đâu, dù pháp môn phương tiện đó có nhiều người tập tới đâu, thì kết quả vẫn là do mỗi một cá nhân chúng ta thực tập như thế nào. Nếu sự thực tập giáo pháp của Phật chỉ là một sự tu luyện khách sáo, rỗng tuếch ở bên trong do cái miệng, do cái trang điểm kiến thức của Phật pháp, mà chẳng hiểu thấu để ứng dụng. Để rồi thay vì chánh kiến suy nghĩ kỹ để thực hiện pháp Phật, ta lại toan tính hơn thua trên con đường tu. Để làm cho tâm của chúng ta nhuộm màu chấp trược, u mê hơn thua.

Các bạn, đều ấy cần phải suy nghĩ kỹ, cần phải rời xa và cần phải trở về ngay với Chánh kiến trong Chánh tư duy, suy nghĩ cho đúng, thuận pháp, tùy duyên, hành xử phù hợp, lợi người, lợi mình, lợi tha, vị tha. Đấy, Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, vị tha, lợi tha cho muôn người. Một đời sống như vậy thực hiện được các pháp thiện lành mỗi một ngày, sống đúng trong chánh niệm từng giây, bạn là người đầy đủ phước báu. Càng suy nghĩ như vậy, càng tư duy như vậy, càng hành xử như vậy bạn càng tăng trưởng và có lợi lạc hơn. Thay vì bạn tính toán chỉ lợi cho mình mà hại cho người, thì bạn sẽ thiệt thân đấy.

Cuộc sống là một sự lựa chọn, hãy lựa chọn cho mình một cách sống tốt. Cuộc sống luôn luôn cần phải suy nghĩ, nhưng suy nghĩ trong Chánh kiến thì suy nghĩ đó được khen ngợi và sách tấn. Nhưng nếu ta chỉ suy nghĩ theo chiều hướng tính toán cho mình, thiệt hơn cho mình  thì điều đó cần phải suy xét lại. Đừng vội vàng chạy theo các phong trào, đừng rượt đuổi theo các hình thức, sống quan trọng hơn nhau ở cái chất, chất đó là chất thiện lành. Trong mật thiền quán chiếu tâm Từ bi, tưới tẩm vào từng suy nghĩ, lời nói và hành vi, thắp sáng Chánh kiến qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, để chúng ta nhìn rõ mọi tạo tác của ta trong từng khoảnh khắc của cuộc đời. Để đẩy lùi tất cả những ác pháp mà tăng trưởng thiện pháp trong sự tỉnh giác, nhìn thấu, nhìn rõ để buông, để xả bỏ, để nhẫn nhục mà vượt qua nghịch cảnh của cuộc đời, mà luôn luôn tinh tấn hành các pháp thiện, làm pháp thiện.

Một lời nói thiện lành ái ngữ đó là pháp thiện. Một hành vi đơn giản yêu thương, bác ái, san sẻ đó là pháp thiện. Một suy nghĩ đúng đắn loại trừ các hành động ác, tăng trưởng các hành động thiện, suy nghĩ thiện, lời nói thiện, đó là thuận pháp tùy duyên, phù hợp trong chánh kiến, chánh tư duy. Bạn sẽ đẩy lùi được sự xui xẻo, bệnh hoạn của thân, của tâm, bạn sẽ chuyển hóa được nghiệp chướng. Đời sống trong chánh niệm của tình thương, của trí tuệ, của tỉnh giác và của các pháp thiện lành được thực hành rốt ráo, là một đời sống đang tích lũy phước báu cao dày hơn mỗi một ngày. Các bạn thấy đó để chúng ta thấy rằng Chánh kiến, Chánh tư duy rất quan trọng. Đừng có tính toán mưu toan nhiều hại thân đấy, chỉ biết mình mà thôi mà chẳng biết người thì không đúng. Đồng tu như chúng ta phát triển tâm từ bi phải thực hiện được Bồ Tát hạnh, tinh thần của mẹ Hiền Quan Âm, mang lợi lạc của bản thân san sẻ cho mọi người, luôn luôn mong cầu sự tốt đẹp tới trong muôn loài, muôn vật. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Xin Ngài gia trì cho chúng con hiểu rõ được Chánh kiến, Chánh tư duy, đừng lầm lạc đó là sự tính toán. Vì bao nhiêu lâu chúng con đã tính toán mưu mô, đã tìm tòi và ngay cả trên con đường tu chỉ nghĩ đến mình, chẳng nghĩ đến người, nên đã thiệt về thân, đã hại cho thân mình sự chồng chất là đau khổ và phiền não. Nguyện xin Ngài gia trì cho chúng con!

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn