Search

4031. Nghe Điều Cần Nghe, Nói Điều Cần Nói, Nghĩ Điều Cần Nghĩ

Bảo Thiện đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.

Kính mời tất cả mọi người hãy quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con miên mật hành trì mật thiền chánh pháp, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác và thể nhập vào tâm tánh thiện lành. Ngõ hầu quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta hãy cùng nhau trở về với hơi thở của chánh niệm, hít vào thật sâu phình bụng, thở ra chậm rãi hóp bụng. Cùng nhớ về lời Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Từng hơi thở vào ra chúng ta quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê và tâm Thiện Lành chân như qua mật ngôn Sa Bi Mô U, chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng, quán chiếu toàn thân, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, lan tỏa tình yêu thương đến muôn loài.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Hôm nay hôm nay Bảo Thành đang ở một vùng xa nơi thôn quê, nơi thôn dã, nơi rất mộc mạc. Tuy nhiên vào mùa này có thật nhiều những chú nhạc công tự tung tự tác, cất cao tiếng hát loạn xạ. Mùa hè là mùa của ve sầu, mà nghe tiếng ve mùa hè thật là sầu, buồn thê thảm. Mùa của ve sầu thì ve sầu cùng nhau đồng ca nhưng thiếu nhạc trưởng, ai cũng muốn cất cao, to, mạnh, nên âm thanh của ve sầu nghe lộn xộn. Giá mà có một nhạc trưởng và đoàn ve sầu kia được đánh nhịp phối âm đầy đủ, chắc người ta không còn gọi là ve sầu mà gọi là ve vui, vui vẻ. Cứ ngỡ mùa hè mới có ve sầu kêu, nhưng đâu ngờ rằng trong tâm của chúng ta cũng chẳng khác gì con ve, cứ văng vẳng những lời thì thầm không được làm chủ, đi đến sự loạn xạ suy nghĩ, phóng tâm, phóng dật, loạn tâm. Chuyện này luôn xảy ra với kiếp của con người.

Chúng ta có khi nào nghĩ rằng mọi sự làm việc của mình đều bị giật dây bởi tâm loạn xạ, chạy ngó lung tung, không đi ngay về thẳng, mà đi xiên đi xẹo, làm cho cuộc đời của ta đã khổ còn thêm rầu rĩ, buồn phiền. Không phải tiếng ca, tiếng hát nào cũng cần phải cất lên, bởi có những lời ca rất hay, nhưng như chú ve sầu kêu cất lên nghe inh ỏi. Không phải suy nghĩ nào cũng tuyệt vời, có những luồng suy nghĩ ta không nên suy nghĩ, có những lời nói ta không nói và có những cái gì cần phải nghe và cái gì không cần phải nghe. Thói quen ít ai để ý và tu luyện để cho mình biết nghe những điều cần nghe, nói những điều cần nói và suy nghĩ những điều cần suy nghĩ. Từ đó mà tâm của ta trở thành hoang phế, rong rêu bởi những miền suy nghĩ loạn xạ không đúng mùa, chẳng đúng thời. Đức Phật hiểu được tâm ý của con người không bao giờ được làm chủ, bởi thường hấp dẫn biết bao nhiêu thứ khác. Rồi mê, đắm chìm, khó thoát, nên khổ và sầu não luôn tới, phước thì chẳng có, công đức thì chẳng có, những tai họa và nghiệp lực thì đầy hết cả kho tâm thức của chúng ta.

Mỗi một sáng đã 4 năm trời chúng ta tu là để tìm hiểu tâm của mình và để điều trị tâm phóng dật, tâm chạy lung tung. Cần phải đánh nhịp để tâm an yên và tự tại, cần phải huấn luyện để tâm biết làm chủ và rất cần một nhạc trưởng chủ động, hiểu được âm nhạc, hiểu được âm điệu ca từ để rèn luyện mà ca hát cho đúng. Tiếng tâm của chúng ta cần phải được rèn luyện cho đúng, nhạc trưởng đó chẳng khác gì như một hơi thở vào ra trong chánh niệm, để điều chỉnh lại dòng suy nghĩ, điều chỉnh lại những ngôn ngữ ta sử dụng, điều chỉnh lại những điều ta cần phải nghe. Nghe điều cần nghe, nói điều cần nói, suy nghĩ điều cần phải suy nghĩ, phải trải qua một sự tu tập rõ ràng. Không phải nói là có thể làm được, bởi biết bao nhiêu những chuyện trên trần đời này không cần phải nghe mà cứ lọt vào tai, rồi nó tòi ra miệng, tám cả ngày trên phone, nói cả cuộc đời mà không hết. Tạo khẩu nghiệp vô số mà chẳng bao giờ hay, nghiệp chướng tràn về, đổ thừa cho người khác.

Đức Phật tu vô lượng kiếp, có nghĩa Ngài tập luyện từ kiếp này qua kiếp kia, liên tục cho tới khi có thể thanh lọc được toàn diện và trở thành bậc giác ngộ. Chúng ta tu là tù tội thân xác vào những khuôn mẫu, giáo đều của tôn giáo. Nhưng chẳng bao giờ tu là khai trí mở tâm, nhận thật rõ những điều cần sửa. Do vậy mà nghe thì nghe bừa bãi, nói thì nói lung tung, suy nghĩ thì suy nghĩ loạn xạ. Thảo nào mà ta khổ, khổ đấy, rất khổ. Chiến thắng hàng ngàn quân thù ở xa trận, không bằng chiến thắng chính mình. Chiến thắng ở đây nói tới sự làm chủ, để không bị hằng hà xa số quân giặc của những âm thanh không cần thiết lọt vào lỗ tai. Chiến thắng ở đây là chiến thắng hằng hà những thể loại ngôn ngữ, nói buông tuồng không chuẩn mực. Chiến thắng là chiến thắng hằng biết bao nhiêu những dòng tư tưởng không cần thiết, nó bào mòn, đốt cháy năng lượng của chúng ta. Thanh tịnh nhĩ căn tức là thanh tịnh cái tai của mình, thanh tịnh cái miệng, thanh tịnh dòng tư tưởng suy nghĩ. Giúp cho chúng ta trưởng dưỡng và nuôi được thân tâm của mình trong sự an tịnh, hạnh phúc và bình an.

Không có một cái gì trên đời này không nuôi dưỡng mà có thể được sống trường tồn. Tâm ta cần phải được tưới tẩm và nuôi dưỡng bằng một sự làm chủ, do sự suy nghĩ thấu đáo biết được. Các bạn, trong chánh niệm của hơi thở sự lợi lạc vô cùng là chúng ta không để cho lỗ tai này nghe lung tung nữa. Trong mật thiền chánh niệm của hơi thở còn hay hơn nữa, là ta không để cho cái miệng này nhảy múa loạn xạ. Đặc biệt ta không để cho tâm của chúng ta suy nghĩ vớ vẫn như con khỉ. Nhạc trưởng được mời về, đó là nhạc trưởng của chánh niệm hơi thở, đánh nhịp nhẹ nhàng cho ban nhạc công, tai, miệng và ý của chúng ta được điều phối, ngân nga trong những dòng âm thanh vi diệu của những ca từ thần thông. Mang con người tiếp hiện được năng lượng, năng lượng của Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành. Hơi thở chánh niệm là nhạc công, là nhạc trưởng, hiểu được, biết được cần hát như thế nào. Tiếng hát của Mu A Mu Sa cất lên thì hằng hà sa những âm thanh vụng trộm, của những ngày tháng không được làm chủ tâm đều phải nhường bước tránh xa. Mu A Mu Sa là ca từ vi diệu, đưa chúng ta vượt qua những thăng trầm của cuộc sống, hàn gắn những mối giao hảo bị đổ vỡ và làm cho con tim lành lặn trở lại. Mu A Mu Sa là một ca từ mà khi chúng ta cất lên, những tiếng sầu bi ai oán ở trong lòng đều phải lắng xuống. Mu A Mu Sa thanh lọc thân, ngữ, ý của chúng ta.

Các bạn thân mến, cần phải được tu luyện để nghe những điều cần nghe, tu luyện để nói những điều cần nói và suy nghĩ những điều cần suy nghĩ. Để mỗi một người trong chúng ta, trong từng ngày tháng trôi qua luôn trụ vững trong sự an lạc và hạnh phúc. Đồng tu là nhìn thấu được điều đó để buông và xả những điều không cần thiết. Sự tu tập mỗi một ngày luyện cho chúng ta cần nói, cần nghe, cần suy nghĩ những thứ gì để làm chủ tâm. Nghĩ những điều thiện qua các mật ngôn Từ bi Mu A Mu Sa, mật ngôn của Trí tuệ nhìn rõ được vạn pháp Vô thường là NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mật ngôn của sự Tỉnh giác, hòa âm trong những việc thiện lành Ma Sa Ốp Uê, Sa Bi Mô U.

Ta mang hơi thở hòa nhập vào những mật ngôn này, để dòng tư tưởng của chúng ta trong suốt như kim cương, rọi chiếu ánh sáng của trí tuệ nơi mười phương chư Phật. Để những ngóc ngách đen tối trong tâm thức tỏ lộ và ta nhìn thấu được những điều sai cần phải sửa. Nghĩ những điều lành là nghĩ về Sa Bi Mô U. Nói những điều thiện là nói về Sa Bi Mô U. Nghe những điều thiện hảo là nghe Sa Bi Mô U. Trong mật ngôn Sa Bi Mô U tổng hợp những âm thanh vi diệu, để tư tưởng được khởi lên bằng tánh thiện, để lời nói được cất lên như những ca từ thiện lành và để lỗ tai của chúng ta nghe được hằng hà sa những âm thanh vi diệu của thiện tánh. Sa Bi Mô U giúp ta biết nghe những điều cần nghe, nói những điều cần nói và suy nghĩ những điều cần suy nghĩ. Nghĩ cho ngay, nói cho thẳng và nghe những điều vi diệu đúng đắn.

Tập như vậy từ ba chỗ nhĩ căn, ý của chúng ta và khẩu của chúng ta. Ngôn từ ứng dụng hàng ngày là một sự tu luyện tuyệt vời mà mười phương chư Phật, chư Bồ Tát thánh hiền đều phải trải qua sự huân tu như thế để thành tựu. Chúng ta đã bỏ phí cả ba phương tiện tuyệt kỹ đó là tai, miệng và ý của chúng ta. Bỏ phế chúng không làm chủ, để rồi chúng cứ lấp ló, nhoài đầu chui vào trong những ngóc ngách đen tối, dơ bẩn, nhớp nhúa, sao không khổ cho được. Phải một lần đứng dậy để chúng ta vươn hình hài của những ngày tháng lầm chấp, đón ánh hừng dương của trí tuệ nơi chư Phật mà thay đổi cuộc sống thôi. Các bạn có quan tâm đến cuộc đời của mình hay không? Nếu nói quan tâm thì cần phải nhìn lại chính cuộc sống của mình, điều gì ta đã từng rơi vào và ta đang nhốt mình vào nơi đâu? Ngục tù đen tối của một tâm thức lầm chấp hay không? Tu là tháo gỡ bằng sự nhìn thấu và tưới tẩm vào cuộc đời của mình năng lượng vi diệu của Sa Bi Mô U, năng lượng của tâm tánh thiện lành, của chân như Phật tánh vốn có nơi mỗi một người chúng ta.

Khi Đức Phật giác ngộ Ngài ngỡ ngàng vô cùng, bởi Ngài đã thành Phật. Dưới con mắt của một vị Phật nhìn chúng sanh, nhìn đời, nhìn chúng sanh bằng mắt yêu thương và nhận ra nơi chúng sanh cũng có tánh Phật, có tâm tánh thiện lành. Từ đó Ngài mới nói ta đã có được, còn mọi chúng sinh có mà chưa được, chưa chứng, chưa thành tựu. Điều ấy thầm nhắc nhở cho chúng ta rằng mỗi một người nếu hiểu thấu, thực hành cho rõ ta sẽ trở thành như một vị Phật tịch tĩnh trong cuộc đời này. Đừng ngồi mơ ước mà mang công hạnh đó vào sự hành trì, nhất định cuộc đời sẽ bớt khổ, bớt phiền, bớt não. Nhất định lỗ tai sẽ nghe được những âm thanh vi diệu từ trời cao. Miệng sẽ có được những ngôn ngữ mà làm cho lòng người được bình ổn, thế giới được hòa bình. Tư tưởng của ta nhất định là một dòng châu ngọc tuôn chảy mãi, mang ánh sáng sự tươi mát tưới tẩm vào những cuộc đời bất hạnh đang cần đến chúng ta.

Nghe những điều cần nghe, nói những điều cần nói và suy nghĩ những điều cần suy nghĩ, là từng bước mà chúng ta cần phải tu tập để thanh tịnh hóa thân tâm của mình. Tai này không phải để cho hoang phế, mọi âm thanh cứ thế mà lọt vào. Miệng này không phải như một hầm hố rác để tuôn ra những lời nhục mạ, đay nghiến, thô ác, thêm bớt, gian dối, thêu dệt. Tâm này chẳng phải là hố phân để chất chứa những dòng tư tưởng không lợi lạc, đầy mùi sú uế, gây tai hại cho cuộc sống. Ba nơi đây là ba kho tàng vi diệu, nếu một lần chúng ta xả kho những điều ác, những điều bất thiện và thay vào đó là mang vào những điều cần nghe. Những điều cần nghe là mật ngôn vi diệu của Sa Bi Mô U, để khơi dậy tâm tánh thiện lành. Những điều cần nghe là khơi dậy lòng thiện lành có ở trong chúng ta qua tâm từ bi của Mu A Mu Sa.

Các bạn, chỉ cần hiểu thấu được điều ấy, không phải cần cù mà thành công, trí tuệ hiểu thấu mới đưa đến sự thành tựu. Do đó mà chính Đức Phật đã nhắc nhở mọi người trí tuệ phải được làm đầu, nhưng đồng hành cùng với tâm từ bi yêu thương. Mật thiền trong hiện thời chúng ta tu, là tu cái gì? Là quán, quán cái gì? Tu quán chiếu, quán chiếu cái gì? Quán chiếu Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành. Đây là một pháp môn vi diệu mà Đức Mẹ Quán Thế Âm, bậc trượng sĩ Thiên Thủ Thiên Nhãn ứng hóa thân mọi cõi, mọi nơi để cứu khổ những chúng sanh mà đang còn lao đầu vào trong vô minh, chẳng tìm thấy con đường thoát thân.

Các bạn, hành trì để thành tựu là chân lý, chẳng phải nghe, nhớ, tích trữ ở trong đầu mà không hành trì, có được đâu, không. Ta cứ có thói quen gom lá vàng đốt cả ngôi nhà tâm thức, tức là gom rác rưởi và những điều vàng ngọc ở đời này lẫn lộn, trộn vào như xi măng cốt sắt, đổ vào trong tâm như một thành trì của kiến thức, để rồi bế tắc, lặn ngập trong đó chẳng thể thoát ra. Ngục tù tâm thức là có thật, lời vàng ngọc và rác rưởi của cuộc đời lẫn lộn trộn vào, đổ bê tông cốt sắt, kiến thức ấy là thể loại kiến thức vô tri, chẳng thể làm nên sự kỳ diệu để giải thoát chúng ta. Khổ vẫn đó, phiền não vẫn đó, hạnh phúc nào có được, an lạc tìm đâu ra.

Các bạn thân mến, phải tu, phải tu mà tu từ đâu? Tu từ lỗ tai, tu từ miệng và tu từ ý của chúng ta. Ba cái căn này chúng ta ứng dụng hàng ngày, thường xuyên. Nghe ai mà không nghe, nói ai mà không nói, suy nghĩ ai mà không suy nghĩ. Nhưng suy nghĩ chuyện gì khởi lên những tư tưởng lành, nói những điều gì và nghe những điều gì cần một lần nữa xác minh cho rõ. Trở về với tự tánh thiện lành của Sa Bi Mô U để cho ý của chúng ta, nhĩ căn của chúng ta, khẩu của chúng ta trở thành ba kho tàng pháp bảo vi diệu, tàng chứa những điều thần thông để gỡ những sự đau khổ ta tự cột chặt. Và giúp đỡ cho những người khác tháo gỡ phiền não, phiền ưu cho họ.

Ngồi mà tưởng chẳng thành công, ngồi mà hành trì quán chiếu đưa đến sự vô thượng hiển ngự, thị hiện trong tâm mình, vô thượng tâm. Vô thượng tâm đó là Sa Bi Mô U – tâm Thiện lành, vô thượng âm thanh đó là Sa Bi Mô U – nhĩ căn được thanh lọc và vô lượng phước báu từ những dòng châu ngọc tuôn ra nơi miệng của ta, làm sáng cuộc đời. Miệng này không phải là hố rác để tuôn ra những lời hôi thối, thô ác, đâm thọc, gian dối, thêu dệt, mà miệng này là huyệt mạch long châu, ngọc ngà châu báu tuôn ra, làm sáng cuộc đời. Tai ta, ý căn của ta rất cần phải biết nghe điều cần nghe, nói điều cần nói, nghĩ điều cần nghĩ qua sự huân tu và đang vươn mình trỗi dậy. Sự đau khổ sẽ lùi lại thật xa, hạnh phúc và an lạc luôn luôn hiện diện ngay trong cuộc sống này.

Tu mà không được, an lạc khổ não nhiều thì tu đó cần phải suy nghĩ. Hành trì mà chẳng có hạnh phúc, an vui thì cần suy nghĩ trở lại. Hình như có điều gì sai khi ta tu pháp nhiệm màu của Đức Phật mà tâm an lạc không có, mà hạnh phúc chẳng tìm đâu ra, khổ ải thì nhiều, phiền não thì ngập, xui xẻo thì đụng đâu cũng thấy, coi kỹ lại. Lời Phật là lời của bậc giác ngộ, những gì mà nghe được, ứng dụng được sẽ giải khổ cho chúng ta và đưa chúng ta thoát ra khỏi hang cùng ngõ hẻm của sự bí lối, cùng đường. Chần chờ gì nữa mà đứng ở trong bóng đêm đó quờ quạng cho tới chết. Nhận rõ được giá trị của sự hành trì mật thiền, chúng ta, những người hữu duyên sẽ luôn luôn dù thử thách như thế nào không bao giờ bỏ cuộc.

Nghe điều cần nghe, nói điều cần nói và suy nghĩ điều cần suy nghĩ là một sự tu tập cần thiết. Bạn có khi nào tự hỏi mình ta có nghe những điều cần nghe chưa? Hay nghe những chữ tạp, xấu xa, lộn xộn, để rồi nhức đầu nhức óc, loạn tâm, phóng tâm. Ta có nói điều cần nói chưa? Hay là vớ gì nói đó. Nghĩ những điều cần nghĩ chưa? Hay để trong tâm tư của chúng ta như những con rắn đan xen với nhau, phun ra nọc độc giết hại con người. Các bạn, tu không khó, chỉ cần nhận định thật rõ cuộc đời sẽ có nhiều sự đổi thay tốt đẹp. Sự đổi thay đó phải bắt đầu và miên mật không ngừng nghỉ qua sự hành trì của chánh niệm hơi thở, quán chiếu Từ bí – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Chúng con cần phải nghe những điều cần nghe, nói những điều cần nói và suy nghĩ những điều cần suy nghĩ để huân tu thanh lọc thân tâm. Xin Phật gia trì cho chúng con!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, lan tỏa tình yêu thương đến cho mọi người.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn