Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Chúng ta cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho hàng đệ tử chúng con biết tinh tấn, nỗ lực, miên mật hành trì Mật Thiền để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, thể nhập vào sự hành thiện tích đức Phật tánh Chân Như. Ngõ hầu quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cầu cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Xin chư Phật từ bi chứng minh.
Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi trong tư thế buông thư, nhẹ nhàng, trở về với hơi thở của Chánh niệm, hít vào thở ra chậm rãi. Trong Mật Thiền, hơi thở Chánh niệm làm đề mục để giữ tâm trong sự quán chiếu Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, Trí Tuệ để thấy được Vô Thường, Khổ, Vô Ngã qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, Phật tánh Chân Như qua mật ngôn Sa Bi Mô U. Từng hơi thở, từng mật ngôn ta trì niệm, mỗi người sẽ tiếp nhận được năng lượng tha lực của chư Phật vào thân tâm.
Chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, lan tỏa tới muôn người:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
Sa Bi Mô U
(7 biến)
Mô Phật! Chúng ta, các bạn đồng tu trong hiện thời của kiếp này có dư giả phước báu, có đầy đủ đồ ăn nước uống, mạng sống của chúng ta bình ổn trong một thế giới không còn nhiều chiến tranh. Đặc biệt là chúng ta đang sống ở vùng miền an ổn, chiến tranh hầu như khó có thể xảy ra. Phước báu này phải chiêm nghiệm mới thấy được. Nếu không tư duy suy nghĩ, chúng ta không cảm nhận được hiện thời ta có quá đầy đủ phước báu, để rồi sử dụng phước báu đó là cái nền tảng để xây dựng con đường đi tới sự giải thoát. Có lẽ chúng ta sẽ làm tổn phước báu đấy. Có phước báu mà không sử dụng để giải thoát khỏi đau khổ phiền não, mà để mai một theo năm tháng, bào mòn bởi ác nghiệp, điều đó sẽ gây tai họa mà ta không hay.
Tại sao ta phải suy nghĩ về những điều phước báu ta đang có? Để ta vươn lên các bạn ơi. Suy nghĩ về phước báu đang có bằng cách nhìn chung quanh cuộc sống này, nhìn rộng ra trên toàn thế giới hiện thời, ta mới thấy thế giới ngày nay tuy ta có đầy đủ, không nhiều, không giàu, không phải là đại phú đại gia, nhưng vẫn có ăn có uống, còn có biết bao nhiêu con người trên thế giới này ở những vùng miền thiên địa khổ cực vô cùng, không có để ăn, không có để uống. Nếu bạn lên trên những cái kênh YouTube hoặc Google bấm vào thế giới bên châu Phi, những đất nước mà chiến tranh vẫn còn xảy ra, sự tàn khốc của thiên nhiên, nền kinh tế thì cũ kỹ, con người thiếu kiến thức, họ rất khổ. Ăn không có, uống không có, lệ thuộc vào bàn tay bao dung của nhiều người. Có những trẻ thơ sinh ra mà cực khổ còn hơn loài thú. Loài thú khi sinh ra, con chim con thú còn có thể tự lực mà được cha mẹ mớm bởi thiên nhiên và tự lực đứng dậy mới tồn sinh. Nhưng con người, cha mẹ cũng không có ăn, con cái thì đói rách cực khổ vô cùng. Không có ăn, không có uống mới khổ, chứ trên đời này mấy ai nói khổ ăn khổ uống đâu?
Các bạn! Thuở ông bà mình xa xưa Bảo Thành còn nhớ, hồi bà cố còn sống lúc đó còn rất nhỏ, các bạn chắc cũng vậy, đời sống chẳng khổ vì ăn vì uống, nhưng miếng ăn miếng uống thời xưa rất đơn giản, có uống thì cũng chẳng có Cô-ca chẳng có Pepsi, chẳng có Xá xị, chẳng có Number one Number Two, chẳng có Bò húc, chẳng có rượu chè, bia, đủ thứ như mọi người. Chỉ đơn giản nước mưa hứng rồi uống, nước giếng hứng rồi uống. Bảo Thành còn nhớ còn uống nước ở dưới dòng suối, rất tự nhiên mà khỏe. Có thấy khổ đâu? Có thấy nước đủ màu đâu? Không khổ, có nước uống. Sự tồn sinh của con người không có nước uống sẽ chết và chúng ta sống được nghĩa là đã có nước uống. Nước không làm ta khổ, dù không đủ các thể loại nước như ngày nay, ngày xưa là như thế. Ăn không làm cho người ta khổ bởi vì xưa chỉ ăn cơm, ba thứ lặt vặt là đủ, đôi khi chỉ muối mắm, nước tương, chao, vài thứ lặt vặt trên đồng, trên ruộng. Ông bà ta ngày xưa ăn như vậy, khỏe, chẳng bị bệnh nhiều vì các loại đồ ăn dự trữ để qua cả tháng trời không ở trong tủ lạnh vẫn tươi roi rói bởi tẩm hoá học. Ông bà ta hồi xưa ăn đồ uống nước thiên nhiên rất khỏe, không khổ. Ăn không khổ, uống không khổ. Thiếu ăn thiếu uống khổ. Nhưng mà ăn dư ăn nhiều khổ, uống nhiều khổ. Ngày nay dư giả, ăn cho quá trời, toàn là đồ bổ như vương hầu, như vua chúa. Ngày xưa, vua chúa còn không có cơ hội ăn những thứ như chúng ta ăn như ngày hôm nay. Chúng ta ăn quá nhiều những thứ đồ bổ. Ăn vô rồi khổ. Cho nên bây giờ mới gọi là ăn khổ. Bởi vì ăn quá dư trọng lượng, ăn quá tạo ra bệnh. Ăn vô độ, ăn uống vô độ. Những đứa trẻ ngày xưa mười ba, mười bốn, mười lăm mới gọi là trưởng thành, lớn, cơ thể phát triển. Ngày nay bẩy, tám tuổi là đủ rồi. Vì sao? Vì các thức ăn được tẩm hóa học làm biến dạng các hoóc môn và rồi cơ thể phát triển quá nhanh. Uống khổ! Đúng! Ngày xưa không khổ dù uống nước. Ngày nay được uống đủ thứ mà khổ. Khổ bởi vì bệnh, nước nào đường cũng nhiều, rồi rượu bia thì đầy ắp uống vào say xỉn, tông xe, bệnh hoạn gây khổ cho vợ cho con. Ăn khổ, uống khổ là đúng, nhưng không phải vì thiếu thốn, mà khổ vì quá dư giả. Rồi con người ta ăn uống vô độ là khổ.
Một trong những cái “dục” mà Đức Phật dạy gọi là “ngũ dục”, là ăn uống. Sự ăn uống tạo khổ, đắm chìm trong ăn uống tạo khổ. Phật đã dạy từ ngày xưa dù ngày xưa đồ ăn nước uống đơn giản nhưng Phật đã nhìn thấu vào đó là một trong những cái dục. Dục có nghĩa là đắm chìm khó thoát, tạo khổ. Ngày nay nhìn kỹ chúng ta thấy đi bác sĩ thường khuyên chúng ta ăn bớt, uống bớt các chất này chất kia, cẩn thận. Hình như ý thức đã được nâng tầm bởi vì quá nhiều người bị bệnh do ăn uống, béo phì, ngộ độc. Cái ăn ngày nay không những khổ cho bản thân bởi vì làm cho thân bệnh béo phì, mà cái ăn khổ cho đến ngày nay còn lưu truyền mãi bởi những cái sự sáng kiến của người uống say xỉn đam mê ăn uống, tức là cỏ cây cũng ăn, châu chấu, cào cào, cái thứ gì cũng ăn và rồi sinh vật sống không còn được tôn trọng, tạo nghiệp sát. Đó gọi là khổ.
Các bạn thân mến! Ta không đi vào sâu cái ăn cái uống để khổ, nhưng nói về cái khổ thì Đức Phật đã dạy cho chúng ta thật là rõ ràng: Khổ, khổ rồi khổ hoại, khổ hành. Khổ khổ là có nghĩa khổ này chồng chất lên cái khổ kia mà cái khổ đó là cái khổ của Tâm. Ăn không khổ đâu, uống không khổ, chỉ có ăn nhiều mà khổ, uống nhiều mà khổ, nhưng dù sao đi nữa chỉ khổ ăn khổ uống không bằng khổ ở nơi tâm, tâm khổ khổ. Chuyện này vừa xảy ra khổ lại chuyện khác chất chồng. Khổ này chưa hết, khổ kia lại kéo tới. Có nhiều bạn trong chúng ta đã có một đời sống trải nghiệm qua cái khổ chồng chất cái khổ. Mà ở đời có ca từ nói rằng: “Trong thói đời cười ra nước mắt, ai chưa qua chưa phải là người”. Khổ khổ, khổ hoài, khổ này chưa hết, khổ khác đã tới. Khổ này vừa tới, khổ kia lại tràn ngập. Những cái khổ này nhìn cho thấu nó cũng tới từ cái sự đắm chìm do ta tạo ra mà Đức Phật dạy đó là “Ngũ dục”, năm điều đắm chìm tạo khổ. Mà những cái khổ đó tới từ thân, ngữ, ý. Cái khổ đó tới từ cầu mà không được, những chuyện xảy ra không như ý, gặp người trái nghịch (là oan gia đó), rồi thay đổi môi trường không phù hợp ta khổ, chưa kể đến già, bệnh, rồi chết là khổ. Đời có nhiều cái khổ chung quy cũng bởi vì sự tranh giành, chấp vào những sự hư ảo như tiền, tài, danh vọng, địa vị, nhà cao cửa rộng, ăn uống, ngủ nghỉ, lắm cái thứ luẩn quẩn đó, linh tinh đó ta làm khổ bao đời rồi. Khổ kiếp trước chưa giải quyết xong, khổ kiếp này dồn dập tới. Khổ hôm nay giải quyết chưa kịp thì khổ kia lại tràn về, nhiều cái khổ vô cùng. Nhưng phải tìm ra cái nguyên nhân của khổ, đừng đi quá nhiều. Đơn giản người Phật tử tại gia chúng ta phải mạnh dạn nhìn rõ vào cái khổ chồng chất. Cái khổ của sự băng hoại gọi là khổ hoại. Cái khổ của tâm thức của ý thức tiêm nhiễm nghiệp ác tạo thành cái lực làm chủ dẫn dắt đẩy đưa ta vào những con đường tội lỗi gọi là khổ hành. Chính cái hành khổ này nó đã thâm nhập vào trong tâm để biến khởi những cái luồng tư tưởng gây ra ác nghiệp. Ta điều khiển cái miệng tạo ra khẩu nghiệp và làm cho cái thân biến tướng có những hành động tạo khổ cho nhau. Đức Phật dạy về ba cái khổ đó cũng do thân, ngữ, ý không được làm chủ, đắm chìm mà thôi.
Hôm nay, các bạn người đồng tu ta phải nhớ ta tu là để lan tỏa tình yêu thương bởi có cái nhìn thấu rõ được những cái sự khổ ở trong đời do đâu. Ăn uống sẽ khổ nếu mê ăn mê uống. Chớ mê ăn, chớ mê uống, ăn uống điều độ cơ thể sẽ khỏe không gây ra khổ. Hồi xưa ông cụ của Bảo Thành cả cuộc đời ăn uống rất điều độ. Một ngày hai bữa, giờ giấc mấy mươi năm trời không bao giờ xê dịch. 4 giờ sáng uống ly cà phê điểm tâm sơ qua, không có cũng không sao, nhưng 10 giờ sáng là ăn trưa, 4 giờ chiều là ăn tối. Cả cuộc đời ông cụ vào giờ đó, giờ đó, giờ đó là ăn, ăn xong tảo bộ nhẹ nhàng nửa tiếng, đi cho nó khuây khỏa, chẳng nằm chẳng ngồi. Nhớ lại hình như thời xưa Đức Phật cũng vậy. Ăn xong Ngài chào đệ tử rồi Ngài đi kinh hành nhẹ nhàng. Đấy! Cuộc sống điều độ như vậy ông cụ có sức khỏe, sống tới 95 năm tuổi cũng gọi là thọ rồi. Cả cuộc đời an vui lúc nào cũng nói nói cười cười, đùa giỡn vui vẻ với tất cả mọi người, chẳng chấp. Chúng ta ngày nay ngoài vấn đề dư ăn dư uống, ăn uống không điều độ gây ra cái thân bệnh. Hãy nhớ cái gì dư cũng khổ, khổ ăn khổ uống, khổ này là khổ thật là bởi vì biết bao nhiêu người ăn uống ngộ độc. Có những người ăn của lạ, vừa ăn vào trúng độc chết ngay. Có những người ăn của lạ, vừa ăn vào tái tím thân xác, đi bác sĩ chữa không kịp. Có những người uống của lạ, uống chưa xong té đùng lăn quay. Người ta ngày nay thì dư, nhưng dư cái gì? Dư đồ ăn nước uống thích khám phá. Mà thiếu, thiếu cái gì? Thiếu hiểu biết và kiến thức, nên ăn uống là một vấn đề tạo khổ ngày nay hiện thời rất đúng. Các trẻ ngày xưa hoặc các vị trung niên, thanh niên, lão niên ngày xưa nhìn mấy ai mà có cái trọng lượng lớn đâu? Ngày nay có đầy đủ mọi dạng to, béo, bự, bệnh hoạn đủ thứ.
Hãy sống một đời sống “thiểu dục tri túc” có nghĩa là ăn uống điều độ và tiêu xài vừa đúng để tri ân phước báu ta có hiện thời, nhưng sống vừa sống đúng để có thể san sẻ tình thương từ tinh thần vật chất đến những con người còn thiếu may mắn bất hạnh hơn ta. Cái tâm này, các bạn đồng tu thân mến, cần phải được tập luyện tu luyện để nhớ. Mọi cái khổ hạnh đều đi từ tâm ý của chúng ta. Ý dẫn đầu các pháp tạo ra vô trùng những nghiệp ác hoặc nghiệp thiện. Nên ý mà không được làm chủ tạo nhiều nghiệp ác, không hay. Ý được tu luyện làm chủ tạo thiện nghiệp. Từ đó mà nơi cái khẩu của ta không còn tạo nghiệp, thân không còn tạo nghiệp thì chẳng vướng vào cái khổ hành, chẳng vướng vào cái khổ hoại vì ta thấy được đời Vô Thường, muôn sự luôn biến đổi, chẳng trường tồn. Ta hiểu thấu được cái lý Vô Thường nên ta không còn bị khổ khi nhìn sự băng hoại của cuộc đời từ thân xác, từ của cải vật chất, từ tất cả những hiện tượng ta đã chứng kiến, nó không còn tồn tại nữa. Các bạn! Thì làm sao còn có phải khổ chồng chất cái khổ nữa, cho nên giải quyết cái khổ khổ, khổ hoại, khổ hành bằng cách hiểu thấu trong sự vận hành năng lượng tình thương để xóa mờ đi những cái khổ chồng chất trong quá khứ, để chuyển những cái nghiệp ác đã tồn đọng và để thắp sáng đuốc tuệ nhìn thấu Vô Thường để không còn những cái sự biến đổi của Vô Thường tạo ra cái khổ hoại, không còn cái tâm không được làm chủ để tạo ra cái khổ hành.
Các bạn thân mến! Tất cả những cái gọi là khổ khổ, khổ hoại hay khổ hành chỉ là ngôn ngữ được đặt để ra, chung quy chúng ta chỉ vì khổ, khổ là bởi chúng ta chấp. Chấp vào đâu? Chấp vào các hiện tượng lui tới ta chẳng làm chủ được. Chấp vào đâu? Chấp vào lời ăn tiếng nói, suy nghĩ và hành động.
Trong từng hơi thở quán chiếu, ta nhìn cho thấu, ta quán chiếu để kích hoạt tiếp hiện năng lượng tình thương, chúng ta sẽ chuyển hóa được toàn diện khổ của chính mình, sống an vui, tận hưởng phước báu, tăng trưởng phước báu và có khả năng mang cái tâm từ là tâm vui tâm hạnh phúc lan tỏa, mang cái tâm bi là làm giảm những nỗi khổ của chính mình và làm tiêu trừ nỗi khổ của những chúng sanh khác.
Các bạn! Cuộc sống chỉ như một cơn chớp tới rồi đi, chẳng ai có thể ngờ. Hãy sống đừng để cho ăn tạo khổ, uống tạo khổ, rồi tâm tạo khổ. Cả ba thứ, khổ ăn, khổ uống và khổ tâm cũng chẳng có khác. Bởi vì các bạn thấy ăn vào tạo khổ thì tâm sẽ khổ, uống vào tạo khổ thì tâm sẽ khổ. Cho nên tâm khổ là bởi vì ăn và uống. Tâm khổ là bởi vì chấp chược. Hãy sống bao dung và tha thứ. Và chỉ có thể bao dung tha thứ bằng cách quán chiếu thấu rõ được vạn pháp là Vô Thường. Bám vào những hiện tượng đã xảy ra không còn nữa, cố chấp đào bới sẽ tạo khổ vô cùng. Hãy sống “thiểu dục tri túc”, hãy sống đơn giản trong cuộc đời của chính mình như ông bà cha mẹ tổ tiên xưa. Vậy mà các ngài một chữ đôi khi cũng không đọc được nhưng một câu nghe thấy thấu để rồi chứng đắc quả Thánh. Còn ngày nay ta nghe gì cũng hiểu, đọc gì cũng thấu cũng biết, nhưng học hoài chẳng chứng được tới đâu. Các bạn! Ông bà xưa đơn giản mà thanh thản, còn ta cầu kỳ phức tạp mà khổ nhiều cũng vì chấp vào.
Hãy sống như lời Phật dạy qua sự thực tập mỗi ngày hít vào thở ra trong Chánh niệm, ta mang ánh sáng tự tâm quán chiếu để thấu rõ, để hiểu được cái gì tạo khổ cho chúng ta. “Cầu không được sẽ tạo khổ” thì để bớt sự cầu mong đi, sống giản dị hiện tại ứng hóa phù hợp với tất cả. Không như ý là khổ thì ta tập bao dung tha thứ, tập tùy hỉ cúng dường, hằng thuận với mọi người, đừng mang ý của mình đặt để muôn nơi, ép người theo ta, không như ý sẽ khổ. Hãy tập trải lòng ra để không gặp những người trái nghịch gọi là oan gia tạo khổ. Với cái tâm hoan hỉ, ta đều đón mừng tất cả những ai ta gặp gỡ, dù người đó không làm hài lòng ta, dù người đó hoàn toàn trái ngược với ta, nhưng đừng để cái tiền đề oan gia trái chủ nó ám ảnh để gặp ai cũng than van: Ôi! Đồ oan gia gây khổ cho ta. Oan gia không gây khổ mà chính vì cái tâm chấp bắt buộc họ phải theo mình nên họ là oan gia. Còn nếu ta học cái hạnh lắng nghe và tùy hỉ thì chẳng còn oan gia nữa. Học hạnh tùy duyên để mọi môi trường ta tới ta đều phấn khởi ra đều an vui. Mọi môi trường, mọi trường hợp, mọi nơi mọi chỗ, mọi lúc, thời tiết, không gian thích ứng phù hợp, ăn uống cũng thế, ta sẽ không khổ. Hiểu được lời Phật dạy, thói đời con người chỉ có những điều như vậy mà thôi: Cầu không được thì khổ, những điều không như ý thì khổ, gặp những người nghịch lí thì khổ, môi trường thay đổi thì khổ, nhưng cái khổ đó là do ta chấp. Còn lòng được mở, chẳng còn chấp chược, trải lòng ra thương yêu chân thật bằng sự lắng nghe để đồng hành để thông cảm để chia sẻ, thế giới này đâu còn lại lo âu. Nếu như mỗi người chúng ta biết bao dung và trải lòng, chẳng khác gì như ngoài kia hoa đã nở, thảm đã trải để cho mọi người đi lên cái cung bậc hòa mình vào trong từng nhịp thở sống an vui với nhau.
Khổ ăn, khổ uống không bằng khổ tâm các bạn ạ. Tuy nhiên tất cả ba cái đó đều khổ nếu quá độ: ăn quá độ sẽ khổ, uống quá độ sẽ khổ. Sống “thiểu dục tri túc” sẽ sung sướng vô cùng. Các bạn, chúng ta hãy nhớ rằng hơi thở Chánh niệm là sức mạnh vô song để chuyển hóa, là ánh sáng vô cùng để nhìn thấu, là sự tỉnh thức để ta không rơi vào trạng thái u mê mà biết làm những việc thiện lành để đồng hòa với mọi người trong cõi nhân sinh này.
Xin mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.
Thưa Phật! Cái gì quá độ đắm chìm trong dục vọng đều khổ, từ miếng ăn miếng uống tới những cái nhu cầu của tâm ham muốn chấp chược đều tạo khổ. Xin Phật gia trì cho chúng con biết sống “thiểu dục tri túc”, cân bằng mọi hoàn cảnh để chan hoà tình yêu thương.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
Sa Bi Mô U
(7 biến)