Search

4027. Cách Đối Diện Và Vượt Qua Tiêu Cực

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.

Mời tất cả mọi người đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện chư Phật mười phương, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có đầy đủ sự nỗ lực và kiên trì hành mật thiền chánh pháp Phật, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng trí tuệ, sống đời tỉnh giác và thể nhập vào trong tâm tánh thiện lành. Ngõ hầu chúng con quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc. Xin chư Phật từ bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải và lòng bàn tay trái, ngồi buông thư tự tại, trở về với chánh niệm của hơi thở hít vào chậm rãi, thở ra từ từ khoan thai nhẹ nhàng. Trong mật thiền chúng ta lấy chánh niệm hơi thở làm đề mục để giữ tâm, quán chiếu lòng Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, ánh sáng của Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, sự Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê và tâm tánh Thiện Lành chân như hằng hữu qua mật ngôn Sa Bi Mô U. Bốn mật ngôn này trong sự trì niệm của chánh niệm hơi thở, chúng ta sẽ tăng trưởng tha lực tiếp hiện được từ chư Phật để làm giàu nguồn tự lực trong sự hành trì mật pháp, hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, lan tỏa yêu thương.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Từng ngày chúng ta đều phải thở, các bạn đồng tu chúng ta thở nhưng thở trong chánh niệm, thở trong trí tuệ, thở trong tình thương, sự tỉnh giác, thở trong tâm tánh thiện lành hoan hỷ. Thật rõ đời có hai cảm xúc mà ai cũng nhận diện thật rõ đó là đau khổ và hạnh phúc. Trên đời này cỏ cây sỏi đá những nhà văn kể rằng còn có cảm xúc. Đức Phật dạy muôn loài đều có cảm xúc và loài nào cũng mong cầu cảm xúc hạnh phúc và loại trừ đi cảm xúc nguy hại là đau khổ. Mỗi ngày trôi qua chúng ta thử nhìn lại, nhận ra rằng có lẫn lộn cả hai thể loại cảm xúc đau khổ và hạnh phúc đan xen. Nhiều cảm xúc đau khổ để dằn vặt trong tâm hồn làm liên lụy đến sức khỏe, nhiều cảm xúc hạnh phúc làm ta tưng bừng, nhộn nhịp, vui sướng. Sự vui chưa tới thì khổ nó ập về và sự trải nghiệm của đời người có lẽ ta gán cho hai từ khổ nhiều hơn hạnh phúc, mà không phải gán ghép thực tế sự dày vò của suy nghĩ khổ dữ lắm.

Sự khổ và sự phiền nhiệt khổ sẽ thiêu rụi năng lượng để thắp sáng nguồn hạnh phúc cho chúng ta. Hầu hết mọi sự khổ ở trên đời này đều tới từ tinh thần luôn luôn đắm chìm trong những suy nghĩ tiêu cực, mà chúng ta không bao giờ đối diện và xử lý nguồn năng lượng tiêu cực này. Cứ thích thổi phồng nó lên cho bay cao chín tầng trời, mười tầng mây, che mất ánh sáng của thái dương hệ để đầu óc tăm tối. Khổ và đau hình như cũng là một cái thú, để người ta ca ngợi bản thân đã nếm qua những mùi vị đau khổ. Tại sao chúng ta phải nếm mùi vị đau khổ để làm gì? Mà chẳng bao giờ sung sướng nếm hương vị của hạnh phúc, của chính mình, của người thân.

Gặp nhau thường cứ làm nhau đau.

Thương thì cho đòn cho vọt.

Hình như đau khổ là chất vị của tình thương của những con người có đôi mắt mù. Không có ai nói thương nhau mà tạo khổ cho nhau, ở đời khổ nhiều hơn vui và hạnh phúc nhưng vẫn được ca tụng là hương vị của tình yêu, thật là mù lòa không rõ. Tiêu cực trong suy nghĩ, trong lời nói, trong hành động gây đổ vỡ và thiêu rụng hạnh phúc, chẳng còn phước báu. Suy nghĩ, ăn nói, hành động tiêu cực gây mất đoàn kết, chia rẽ, phân ly. Sự tiêu cực làm cho sức khỏe tổn hại, làm cho phập phồng lo sợ. Tiêu cực tai hại vô cùng. Ta phải nhận ra sự tai hại của tiêu cực, tiêu cực mang lại sự xui xẻo, mang lại sự khổ vô biên mà đoạ đày tâm thức, tinh thần, thể chất của chúng ta dày vò ngày qua tháng lại. Mỗi khi ta đau khổ, mỗi khi ta tuyệt tình, mỗi khi ta căng thẳng, mỗi khi ta bấn loạn tâm thần, ta ghen ghét thù hận, ta tranh đấu, chanh chua, săm soi, đó chính là tiêu cực các bạn.

Có khi nào các bạn nhìn ai đó chỉ nói một câu “Ôi! Như vậy mà” rồi từ chữ mà đó ta chấm chấm phá tan cuộc đời của họ, đó là tiêu cực. Những sự phá tan cuộc đời của người khác hoặc cắt đứt mối quan hệ trong sự tự tôn, suy nghĩ của mình theo chiều hướng tiêu cực là đang báng bổ bản thân và hủy diệt phước báu. Cảm xúc rất cần trong đời sống của con người, nếu con người không có cảm xúc vui buồn sướng khổ thì chẳng có giá trị. Nhưng khác ở chỗ là chúng ta phải nhận diện ra rằng muôn loài đều muốn tăng trưởng cảm xúc hạnh phúc. Tiêu cực thiêu rụi hạnh phúc của chúng ta. Những suy nghĩ, lời nói và hành động tiêu cực không cần tu luyện, chúng trỗi dậy như cỏ hoang, như cỏ gai chỉ chớp mắt một cái là phủ đầy tâm của ta. Nhưng những suy nghĩ tích cực như tình thương, yêu thương, san sẻ, chăm sóc, lắng nghe, thông cảm và đồng hành với muôn người cần phải tập luyện. Vì sao? Chúng ta hỏi vì sao tiêu cực chẳng cần luyện cũng tới, Mà tích cực ta luyện hoài chưa thành?

Trên đời này không có cái gì không làm, không khởi ý, không luyện mà có, chỉ vì ta không nhìn rõ từ vô thỉ vô chung nhiều đời nhiều kiếp ta đã đắm đuối, đam mê sự tiêu cực trong ghen ghét, hận thù, sân si, tham ái. Ta đã luyện, đã tu, đã hành nhiều rồi, giờ thành thói quen, thành tập khí nó dẫn, nó dắt. Như con ngựa quen đường cũ, như con trâu con bò, như con thú hoang cần phải được thuần hóa, bởi ta đã đi hoang bỏ phế cuộc đời nhiều kiếp qua. Ngay cả trong kiếp này ta thường rong ruổi, chạy theo những tư tưởng suy nghĩ tiêu cực. Nhưng hôm nay nhận diện được sự tiêu cực ta phải có một sự quyết tâm lớn. Nhận diện, đối diện và chuyển hóa tiêu cực không phải là dễ, bởi năng lượng tiêu cực vốn đã có nơi chúng ta. Bản thân của Bảo Thành cũng cảm nhận rất khó.

Đức Phật thuở xưa đã nói Ngài đã tu vô lượng kiếp để chuyển hóa, chuyển hóa những tiêu cực đó các bạn. Chẳng phải một ngày, hai ngày của đời này mà phải tính bằng từng kiếp, lâu như thế. Chúng ta chỉ một hơi thở vào ra đã bay bổng trong ảo tưởng, để rồi thế sự vần xoay đau khổ tràn đầy. Phải rất thực tế công phu rõ ràng, Phật tu vô lượng kiếp, ta tu phải miên mật, phải có sự quyết tâm, quyết định dõng mãnh mỗi ngày mỗi ngày. Dù sự chuyển hóa không nhiều, nhưng ít nhất có những điểm sáng tích cực hơn trong cuộc đời đó đã là hạnh phúc rồi. Các bạn, để chuyển hóa, trực diện và chuyển hóa những tiêu cực chúng ta phải nhận ra sự tai hại của tiêu cực, phải nhận diện ra chúng, phát hiện ra chúng. Đừng trốn tránh mỗi khi ai đó sợ hãi, ai đó đau khổ, ai đó phải bỏ nhà ra đi, ai đó phải trốn tránh chúng ta, ai đó phải xa lìa chúng ta, ai đó không muốn gặp chúng ta. Chúng ta phải nhìn lại phải chăng ta đã suy nghĩ, hành động và tiếp xúc với họ bằng những ngôn ngữ tiêu cực.

Ở đâu có tiêu cực nhất định gần đó sẽ có tích cực. Đây là chân lý mà Đức Phật gọi là lý nhân duyên, duyên khởi. Cái này khởi lên chắc chắn có cái khác khởi lên như định luật của âm dương, có trái có phải, có âm có dương, có tiêu cực nhất định phải có tích cực. Nhận diện ra sự tiêu cực tồn đọng trong ta để khẳng định rằng nơi ta có tiêu cực. Lý duyên khởi của Phật dạy thì tất yếu phải có sự tích cực. Nhìn sâu vào sự tiêu cực của mình, nhận ra sự tiêu cực của mình để khẳng khái tuyên bố rằng tôi có sự tích cực. Vận dụng cái nhìn vào tiêu cực, nhận diện cái tiêu cực đó, xoay chiều đổi hướng để nhận diện ra sự tích cực, thấy được sự tích cực trong ta, nâng tầm cho sự tích cực được khởi lên, khởi xướng sự tích cực để vận hành, để ứng hóa, để tiếp sức trên con đường chúng ta đi. Thật nhiều phương pháp để chúng ta chuyển hóa sự tiêu cực, nhận diện ra tích cực, hành trì miên mật, thay đổi cuộc đời. Không nói đến tôn giáo, nói đến đời sống của con người, của ông bà cha mẹ, của phong tục tập quán, của những lời của các bậc cổ nhân cổ đức dạy, thực hiện được điều đó thôi thì đời sống đã hạnh phúc rồi.

Ông bà cha mẹ thường dạy cho chúng ta phải luôn luôn biết nâng đỡ, như câu tục ngữ chị ngã em nâng.

Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy là khác giống nhưng chung một giàn.

Ý nói rằng chúng ta phải thương yêu anh em huynh đệ, mọi người, cũng là một kiếp nhân sinh trong giàn xã hội cộng đồng này, khác đó nhưng hãy thương yêu nhau. Chỉ có tình thương yêu đó và đối xử với nhau tốt đẹp, ông bà dạy đơn giản như vậy thôi cũng đã là nền tảng đạo đức được đúc kết từ bao nhiêu ngàn năm, truyền lại cho con cháu thực hành để có đời hạnh phúc an vui. Trong chúng ta không nói đến tôn giáo, thì bản chất rất tuyệt vời được trao tặng bởi cội nguồn giáo dục nơi gia đình, cộng đồng, xã hội luôn hướng chúng ta tới tâm thiện lành đối xử với mọi người. Khai thác sự tích cực đó rất quan trọng. Đối với tôn giáo, thì tôn giáo nào cũng dạy cho chúng ta nền tảng căn bản là thương yêu, là giúp đỡ, là tha thứ, là vị tha.

Các bạn, từ bi, vị tha, yêu thương, nâng đỡ, san sẻ đó là tích cực đó các bạn. Sự tích cực này cần nhận diện rõ trong chúng ta dù khác gia đình, khác dân tộc, khác tôn giáo đều được học và đều được khuyến khích phát triển. Ông bà dạy cho chúng ta những điều chớ nên làm, nhưng chúng ta mấy ai nghĩ được đâu, thường là bởi vì sự ghen ghét, sự sân hận mà năng lượng đó nó phá hủy tâm can ta không nhận ra. Nó thúc đẩy những suy nghĩ, lời nói, hành vi tiêu cực ta không thấu, nên đắm đuối và cuộc đời cứ khóc, khóc rầu, khóc sầu, khóc nỗi khổ không thoát được. Thay vì chúng ta nhìn vào những mặt tiêu cực của mình để phát triển mặt tích cực, thì chúng ta không làm. Nhưng chúng ta xuyên suốt nhìn thấu sự tiêu cực của người khác, hay ở chỗ và kỳ cục ở chỗ đó. Không siêng năng nhìn vào mặt tiêu cực của ta để phát hiện ra sự tích cực, nhưng nhất định không bỏ qua những mặt tiêu cực của người.

Trong những cuộc nói chuyện hầu hết chúng ta mang sự tiêu cực của người ta ra, có thể người đó là người xa lạ, người mới quen, cũng có thể người đó là bạn bè của người thân, như bạn của chồng, bạn của con gái con trai, bạn của ông bà chú bác, bạn của những người thân. Đấy, hình như đó là một tật cố, một thói quen. Ta không nhìn vào sự tiêu cực của ta, nhưng luôn luôn thấy sự tiêu cực nơi người khác. Cái nhìn tiêu cực về người khác làm ta khó chịu, làm ta đau khổ, làm cho tâm rộng lớn yêu thương của chúng ta bị teo dần và mất đi, làm cho phước báu tổn hại vô cùng. Khi nhìn những sự tiêu cực của người ta, gặp là ta thấy khó chịu rồi. Sự tai hại đầu tiên là mặt ta nhăn nhó, hơi thở dồn dập, cơ thể khó chịu, đi đâu cũng không vui và lâu dài sẽ tổn hại đến sức khỏe và tạo nghiệp. Phật dạy chúng ta hãy cố gắng nhìn vào mặt tiêu cực nhưng chẳng phải của người mà của chính ta, để nhận ra sự tích cực vẫn còn.

Phật khuyên chúng là khi thấy tiêu cực của người thì phải nhìn thấy sự tích cực của họ ngay, đừng đắm chìm, thêu dệt, vẽ vời sự tiêu cực của họ, khoe khoang cho cả thiên hạ biết về người ta. Mà hãy phát hiện sự tích cực nơi họ, xiển dương, nâng tầm để họ sống tốt đẹp hơn. Phong tục tập quán cổ nhân dạy điều đó, tôn giáo nào cũng dạy điều đó. Trong Phật giáo đặc biệt mật thiền chúng ta lấy trí tuệ nhìn thấu qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và sự tỉnh giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, để thấu được những sự tích cực trong cuộc sống qua trực diện nhìn rõ được những tiêu cực nơi ta, nơi người theo lý duyên khởi có tiêu cực nhất định có tích cực. Phát hiện ra tiêu cực nơi mình và nơi người là phát hiện ra kho tàng trân báu của sự tích cực vốn có nơi họ và nơi ta, rồi mang năng lượng của tâm từ bi Mu A Mu Sa tưới tẩm vào mọi gốc rễ của tư tưởng, lời nói, hành vi thấm đượm năng lượng yêu thương đó. Thì nhất định mầm yêu thương, tỉnh giác, thiện lành, trí tuệ của chúng ta trỗi dậy vươn mình để sống, sống tích cực, sống yêu thương.

Muốn thay đổi cuộc sống này thêm hạnh phúc, nhiều phước báu, có thành tựu ta phải thay đổi cách nhìn và phải thực tập để làm cho cách nhìn đó được hóa hiện bằng những hành động cụ thể trong cuộc đời. Thay vì giận giữ quay mặt bỏ đi trốn tránh nhau, hãy nở một nụ cười không vướng mắc, hãy chìa bàn tay nhân ái, hãy bước cùng với nhau trong nhịp đập của sự tha thứ và hướng tới những điều tích cực hơn, xây dựng cho mối quan hệ mỗi ngày một đẹp. Nhìn theo hướng tiêu cực tổn hại đến cuộc đời, phát triển tâm tánh tích cực là tăng trưởng kho phước báu, thay đổi cuộc sống, hạnh phúc từ đó mà luôn có trong chúng ta. Từng hơi thở của mật thiền mỗi một ngày ta như người dậy sớm mang nước từ bi, nước cam lồ tịnh thủy lưu ly của Mẹ Hiền Quan Thế Âm, đấng đại từ yêu thương muôn loài chúng sanh. Thỉnh nước từ bi đó, cam lồ đó qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tưới tẩm vào đời của ta và tưới tẩm vào những người ta yêu thương. Sự chăm sóc và tưới tẩm năng lượng yêu thương từ bi Mu A Mu Sa tới mọi người, thì nhất định nơi đó những chủng tử tích cực sẽ mọc lên và gai góc của tiêu cực sẽ tàn lụi. Chỉ có từ bi và vị tha, trí tuệ và tỉnh giác, thiện lành và yêu thương mới tăng trưởng được sự tích cực trong cuộc sống về muôn mặt.

Hãy nhớ mỗi người chúng ta đều có sự học, sự học đó thể hiện qua thời gian càng dài ta có nhiều tri thức kiến thức. Mới hôm nào ta nhìn đó còn trẻ lắm nay đã lớn rồi. Tuổi càng lớn kiến thức càng cao rộng, tri thức càng lớn. Các bạn thấy không, nhất định là có nhưng giữa tri thức và kiến thức ứng dụng được hay không là một chuyện rất khác. Biết bao nhiêu người có kiến thức uyên thâm, có tri thức thâm hậu nhưng không ứng dụng vào được. Đụng chuyện là sân, đụng chuyện là suy nghĩ tiêu cực. Khác ở chỗ chẳng phải bạn già, bạn lớn tuổi nhiều kiến thức, khác ở chỗ bạn ứng dụng vào đời sống để tăng trưởng cái nhìn tích cực hơn đối với mình, đối với người để lời nói và hành vi của chúng ta đều là chất liệu tích cực lan tỏa tới cho nhau. Một đời sống mà có suy nghĩ, lời nói, hành vi tích cực là một đời sống có ý nghĩa, một đời sống thanh cao. Một đời sống mà nhìn thấu được sự tiêu cực của mình để nhận diện ra sự tích cực của mình là đời sống đạo hạnh của những người tu.

Từng hơi thở chánh niệm của Mu A Mu Sa chúng ta sẽ thắp sáng miền Trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, nhìn thấu được cuộc đời là vô thường sanh diệt từng giây từng phút. Để từ đó ta sống một đời sống tỉnh giác thiện lành, san sẻ yêu thương, vị tha và từ bi. Các bạn, đó là cách mà chúng ta nhận diện trực diện những tiêu cực và chuyển hóa bằng sự thực hành công phu, không dễ. Vốn trong chúng ta là mầm mống của gai góc hận thù, của tiêu cực ghen ghét, của si mê tham ái. Nếu không siêng năng phát triển tâm tánh thiện lành, yêu thương, từ ái, tha thứ thì nhất định cỏ gai kia sẽ bao trùm cả cuộc đời, nhốt ta vào trong những tư tưởng, lời nói, hành vi tiêu cực để rồi ta sẽ bị đọa đày. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Ngài đã dạy ở đâu có tiêu cực nhất định sẽ có tích cực. Chúng con nguyện nhìn rõ những mặt tiêu cực của bản thân, để phát hiện ra những điều tích cực mà tăng trưởng chúng, hòa bình vào trong cuộc sống này.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, lan tỏa yêu thương, tha thứ.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn