Search

4026. Sống Nhân Từ Cuộc Đời Sẽ Nhẹ Nhõm

Bảo Minh đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Bảo Thành xin kính chào cô MC và tất cả quý ông bà, cô bác, các bạn hiện diện trong phòng Zoom của Phạm Gia Nutrition. Chúng ta vẫn với tôn chỉ là san sẻ giá trị sống để tăng trưởng sức khỏe của thể xác, và sự an vui của tinh thần về mọi mặt, về khoa học, về dưỡng sinh và về tâm linh.

Hôm nay, chia sẻ về: lòng nhân từ sẽ làm cho cuộc đời của chúng ta nhẹ nhõm hơn. Nhưng thực ra, Bảo Thành lại nghĩ, lòng nhân từ sẽ thay đổi toàn diện cuộc sống mình, để làm cho cuộc đời của chúng ta hạnh phúc, viên mãn hơn.

Thứ nhất, Bảo Thành muốn chia sẻ với các bạn rằng, trong những buổi ở trên kênh Phạm Gia Nutrition không phải là một cái diễn đàn để diễn thuyết về Phật pháp hay tôn giáo, Bảo Thành chỉ muốn chia sẻ thật ngắn gọn những yếu tố để chúng ta mang vào thực dụng rõ ràng để phát triển được lòng nhân từ trong cuộc sống.

Không nói về lòng nhân từ theo triết học, triết lý hoặc tôn giáo, mỗi người chúng ta đều hiểu về lòng nhân từ như thế nào rồi. Cuộc đời này nếu thiếu vắng lòng nhân từ thì nhất định tội ác sẽ tràn lan, và con người sẽ đau khổ, cho nên lòng nhân từ luôn luôn cần thể hiện trong cuộc sống của mỗi người. Tất cả các bậc giác ngộ, những vị đứng đầu các tôn giáo luôn luôn tu luyện để phát triển lòng nhân từ của mình, vì nhìn thấy nếu nhân từ thiếu vắng trong cuộc đời thì khổ đau, chết chóc, hành hạ nhau sẽ không thể kiềm tỏa được. Lòng nhân từ là gốc, là cội của mọi việc làm. Bạn biết thương một người đó cũng là từ lòng nhân từ. Bạn biết chăm sóc cho bản thân, an ủi người bệnh hoạn, thăm viếng người sầu muộn, khổ hạnh cũng tới từ lòng nhân từ. Tất cả những gì bạn làm cho là lành thiện đều xuất phát từ lòng nhân từ. Cho nên lòng nhân từ là gốc của mọi căn lành, là gốc của mọi việc lành mà tất cả mọi người chúng ta đã đang và sẽ luôn làm. Lòng nhân từ không những là gốc của mọi căn lành, mà còn là sự hiện diện của Trí Tuệ nơi mỗi người. Không thể có Trí Tuệ mà không có lòng nhân từ. Nếu mỗi người chúng ta thiếu vắng lòng nhân từ trong trái tim, trong cuộc sống, chúng ta cũng thiếu vắng Trí Tuệ của mình. Do đó, đây là hai cái chìa khóa mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ. Lòng nhân từ là gốc của mọi việc thiện, mọi căn lành của mọi người. Lòng nhân từ là sự hiện diện của Trí Tuệ nơi mỗi người chúng ta. Hoàn cảnh nào đi nữa, cuộc sống có ra sao đi nữa thì chúng ta luôn luôn phải cố gắng phát triển lòng nhân từ của mình và ứng dụng vào trong cuộc sống. Lòng nhân từ là một triết lý sống thực dụng, mang lại hạnh phúc cho mọi người, mang lại cho thế giới hòa bình và mang lại cho gia đình sống yêu thương, chan hòa, đoàn kết, biết san sẻ, biết đùm bọc, biết nâng đỡ để vượt qua những nghịch cảnh thử thách của cuộc sống. Do đó, cuộc đời của chúng ta dù bạn có đi tìm những mục đích cao cả nào đi nữa, qua những nền tôn giáo học, triết học, hay những chân lý sống bạn mong muốn thì cũng không thể thiếu vắng lòng nhân từ. Không có cái gì có thể thành công ở trên đời, dù bạn có kiến thức rộng lớn, có tài, nếu thiếu lòng nhân từ. Những ai thất bại và khổ đau luôn là những người đã để cho lòng nhân từ của họ hiếm muộn trong đời sống, hoặc thiếu vắng toàn diện. Đây là chìa khóa để mỗi người, hãy nhớ, muốn thành công về bất cứ một phương diện nào, từ sức khỏe của thân xác, sự trong sáng của tinh thần, và tiến lên trong tâm linh, lòng nhân từ vẫn luôn luôn là chìa khóa để chúng ta thành tựu. Do vậy, cuộc đời này, mỗi người chúng ta hãy nhớ rằng, lòng nhân từ phải là cứu cánh trong cuộc đời của mình, mà không phân biệt tôn giáo, dân tộc, con người, vùng miền, kiến thức, tuổi tác.

Làm sao để chúng ta có thể phát triển được lòng nhân từ của mình trong cuộc sống? Đức Phật dạy rằng, lòng nhân từ sẽ được phát triển nếu mỗi người chúng ta hiểu được giá trị của nó, và có sự quyết tâm phát triển qua sự quán chiếu. Quán chiếu cái gì? Quán chiếu sự đau khổ của tất cả những người xung quanh ta, quán chiếu sự đau khổ và bất hạnh của mọi loài chúng sanh. Có nghĩa là mỗi người chúng ta nếu thường xuyên quan sát, hiểu sự đau khổ, bất hạnh của những người gần gũi có thể là qua những trung tâm dưỡng lão, những bệnh viện Ung bứu, những mảnh đời bất hạnh, ta sẽ khơi dậy được lòng trắc ẩn và đánh thức lòng nhân từ vốn có nơi chúng ta. Đây là một phương pháp tu tập mà chính bậc giác ngộ là Đức Phật đã thường hướng dẫn cho các đệ tử của Ngài. Chúng ta đều có lòng nhân từ vốn có và hằng hữu trong cuộc đời nhưng vì một nhân duyên nào đó chưa khơi dậy được. Thăm viếng những người bệnh hoạn, giúp đỡ những người nghèo khổ, gần gũi những người bệnh hoạn, đau đớn, sầu ưu, bất hạnh sẽ giúp cho chúng ta khơi dậy lòng nhân từ mãnh liệt. Và sự quán chiếu đó, kèm theo sự nhận xét quán chiếu thật rõ ràng: mọi chúng sanh, mọi con người, đều có lòng nhân từ như ta. Và đó là chất liệu tự nhiên vốn có, không cần phải tu dưỡng, mà chỉ cần khơi dậy, kích hoạt chúng. Do vậy, lòng nhân từ của mỗi người luôn luôn phải được nhấn mạnh là trung tâm điểm của đời sống của chúng ta, để chúng ta tăng trưởng mỗi ngày.

Lợi ích của lòng nhân từ là gì? Là sẽ chữa lành tất cả những sự đau đớn về thân xác, mang lại sự bình an cho con người. Sự thực tập khơi dậy lòng nhân từ và ứng dụng trong cuộc sống sẽ giúp cho chúng ta mọi lúc mọi nơi, khi ngủ, khi thức đều có được sự an lạc, an vui. Sẽ giúp cho chúng ta không gặp những sự xui xẻo, và những sự đối xử bất cân xứng trong cuộc đời. Giúp cho chúng ta luôn luôn sống hạnh phúc hòa hợp với mọi người. Giúp cho chúng ta đoàn kết trong gia đình, tương ân tương ái với tất cả mọi người. Giúp cho chúng ta mang lại sự đoàn kết, gắn kết với tập thể, với cộng đồng. Và nó sẽ chuyển hóa toàn diện lòng sân hận. Lòng sân hận là chìa khóa mang lại sự chết chóc, hận thù, chém giết, tranh đua, gây ra tai hại, nhất là tạo ra chiến tranh. Do đó, chúng ta – mỗi một con người nếu mong cầu cho mình có một cái thân khỏe, một tinh thần trong sáng, một đời sống tâm linh hướng thượng, nhất định phải rèn luyện cho mình lòng nhân từ. Và khơi dậy bằng sự quán chiếu thực tập trong Chánh niệm của hơi thở. Lòng nhân từ có sức mạnh vô song, san bằng tất cả mọi hầm hố tang thương trong tinh thần mà các bạn đã bị, chữa lành tất cả sự đau đớn nơi thân xác, nơi tinh thần, mà các vị, các bạn đang, đã bị dày vò.

Các bạn thân mến, Bảo Thành muốn chia sẻ thật ngắn gọn, súc tích để chúng ta hiểu được lòng nhân từ có giá trị cao như thế nào, và phương pháp quán chiếu như thế nào, thực tập như thế nào, công dụng của lòng nhân từ như thế nào và không phân biệt tôn giáo. Đây là một phương pháp thực hiện một triết lý thực dụng trong cuộc sống, để cho chúng ta bồi dưỡng thân tâm của mình mỗi ngày mỗi khỏe và tăng trưởng được sự an lạc trong cuộc đời này.

Các bạn đó là sự chia sẻ hôm nay của Bảo Thành rất ngắn, bởi không muốn như một diễn đàn diễn thuyết, mà là một sự san sẻ phương thức thực tập, hiểu rõ công dụng. Cũng như Phạm Gia Nutrition khi giới thiệu về các phương pháp dưỡng sức khỏe của các món ăn, thì luôn luôn nói về công hiệu, sự thực dụng ăn uống như thế nào. Và nếu đúng – tăng trưởng sức khỏe như thế nào. Như cô MC vừa giới thiệu, nay cô có thể vượt trùng khơi, leo núi và tham gia, tham quan những cái cảnh thật đẹp ở mọi nơi mà không mệt mỏi, dạ dày không bị loét, và cơ thể thấy khỏe hơn, đó là sự thực tế. Lòng nhân từ cũng có một công dụng rất thực tế như các món ăn điều dưỡng, dưỡng sinh mà chúng ta thực tập trong phòng Zoom Phạm Gia Nutrition này. Và sự chia sẻ của Bảo Thành hôm nay tới đây thì ngưng để chúng ta có thể đóng góp thêm hoặc đặt những câu hỏi để mình chia sẻ thêm cho rộng rãi. Xin chào!

Chia sẻ từ MC (người dẫn chương trình):

Xin gửi lời biết ơn từ hơn một trăm thành viên trong phòng Zoom Phạm Gia Nutrition, đối với những nội dung, những tình yêu thương về lòng Từ Bi, lòng bác ái, lòng nhân từ mà Thiền Sư Thích Bảo Thành vừa chia sẻ. Thật nhiều lời biết ơn, cảm ơn Thiền Sư Thích Bảo Thành một lần nữa!

Các cô bác, anh chị thân mến! Như Thiền Sư đã chia sẻ, muốn thành công vượt trội thì lòng nhân từ chính là chìa khóa để giúp cho chúng ta có được những thành tựu to lớn. Lòng nhân từ chính là lòng trắc ẩn xuất phát từ sâu phía trong lòng của mỗi con người, nó rất chân thật, vô ngã vị tha và không giả dối. Với lòng nhân từ tuyệt vời như vậy sẽ chuyển hóa được sân hận, giảm thiểu được chiến tranh xung đột. Lòng nhân từ sẽ làm cho mỗi chúng ta được giải thoát, bồi dưỡng được thân tâm trí của mình, mỗi chúng ta sẽ có những kết quả hết sức vượt trội và thực sự vượt trội hơn rất nhiều so với chính mình ngày hôm qua. Khi ta biết ứng dụng lòng nhân từ như nhân từ với bản thân thì chúng ta sẽ lan tỏa được lòng nhân từ đến những người xung quanh, và xã hội. Các cô bác, anh chị thân mến! Qua bài chia sẻ của Thiền Sư Thích Bảo Thành, Phương chợt nghĩ rằng cần phải khiêm tốn hơn, phải sử dụng, phát huy nhiều tình yêu thương của mình hơn đối với chính bản thân mình, với những người yêu thương, với tất cả các cô bác, anh chị luôn luôn hiện hữu trong phòng Zoom Phạm Gia Nutrition thật là tuyệt vời! Cảm ơn tất cả mọi người luôn sử dụng lòng từ tâm của mình để ứng xử với chính bản thân mình và những người xung quanh.

Bây giờ, là giây phút hết sức tuyệt vời, Phương xin là người kết nối giữa các cô bác, anh chị để được giao lưu, chia sẻ, và Thiền Sư Thích Bảo Thành sẽ giải đáp, chia sẻ, trao đi rất nhiều yêu thương và giá trị lớn đến các cô bác, anh chị. Và bây giờ sẽ là phần giao lưu trực tiếp cùng Thiền Sư Thích Bảo Thành.

Giao lưu (Đặt câu hỏi & chia sẻ)

  1. Con xin chào Thầy, hiện tại con đang sống tại Sóc Trăng. Hôm nay được gặp Thầy, được nghe những lời Thầy đã giảng dạy, chúng con sẽ tiếp thu và nhận thức được tất cả những gì tâm huyết của Thầy đã truyền đạt cho chúng con, thì chúng con sẽ thực hành theo những lời Thầy dạy. Mình sống có cái tâm với cộng đồng, với mọi người và mình cũng tiếp thu được những kiến thức mới. Và theo những lời Thầy dạy thì chúng con sẽ là những người vững bước trong công việc và được học trong lớp học của Phạm Gia Nutrition này. Con cảm ơn tất cả mọi người, những người đã lập nên cộng đồng, công việc này để cho chúng con được làm việc và được phát triển bản thân, phát triển những suy nghĩ và những việc làm như thế nào để có một kiến thức, và lan tỏa trong cộng đồng để mọi người đều có điều tốt đẹp trong cuộc đời này để đem đến cho tất cả mọi người cùng sống trong môi trường có tình thương yêu, đồng hành với nhau trong cuộc đời. Và cũng là cái công việc mình làm, chia sẻ cho tất cả mọi người nhiều niềm vui và sức khỏe hơn. Con cảm ơn Thầy! Con xin chào Thầy ạ!

Thiền Sư Thích Bảo Thành:

  • Dạ thưa các bạn, lòng nhân từ có sức mạnh dữ lắm. Có sức mạnh thay đổi cả xã hội, cả nhân loại. Nếu ở trong gia đình, chúng ta phát triển được lòng nhân từ của mình trong sự đối xử với ông bà, cha mẹ, người thân, con cái, cộng đồng thì nhất định nơi đó là nơi hạnh phúc nhất. Có một câu chuyện Bảo Thành kể về Phật giáo đó thưa cô và các bạn! Thời Đức Phật có một ông vua rất tài giỏi nhưng hung ác, hung bạo, đó là ông vua A-Xà-Thế. Ông này giết luôn cả cha và hành hạ mẹ của mình để lên ngôi vua. Ông ấy giỏi nhưng rất ác, bởi ông không có lòng nhân từ. Người giết cha của mình thì nhất định không có lòng nhân từ đâu. Sau này khi sinh con ra, con ông ta bị bệnh, vì thương con mà ông ta đau khổ dữ lắm. Và khi con bệnh ông tay mới nhận ra qua lời kể của mẹ lúc hồi xưa khi ông bị bệnh cha của ông ấy thương ông, chăm sóc cho ông như thế nào. Từ đó, ông hối hận, ông sụp đổ toàn diện và đau khổ. Ông không tìm thấy một vị thầy nào thời đó có thể chữa lành sự đau khổ của ông ấy. Tìm khắp mọi nơi, không thấy! Có người mách với ông ta rằng, Đức Phật là đấng có lòng nhân từ vô biên, hãy tới với Ngài, mọi vết thương đều được chữa lành. Và chính ông vua A-Xà-Thế này cũng từng nhiều lần bắt tay với những người khác hãm hại Đức Phật. Nhưng ông nghe thấy Đức Phật có thể chữa, nên quyết định tới. Khi tới khu rừng đó, Đức Phật đang ngồi tĩnh tọa cùng với các đệ tử của mình, thì lòng nhân từ, năng lượng từ bi của Ngài phát ra thật lớn. Khi ông ta bước vào khu rừng thấy Đức Phật đang ngồi, ông ta tiếp hiện được năng lượng của lòng nhân từ nơi Đức Phật, ông ta liền khụy gối xuống, quỳ lạy và xin Đức Phật cho quy y, thọ giới, khai thị. Ngay lúc ấy, lòng nhân từ của Đức Phật đã lan tỏa toàn châu thân của ông ấy. Mọi sự đau đớn đau khổ của ông ta liền tan biến.

Bảo Thành chia sẻ câu chuyện này để thấy rằng, trong gia đình của mỗi người chúng ta nhất định không bao giờ hoàn hảo, sẽ có những lần xung đột, gây cấn. Để rồi vết thương trong lòng như những khối ung thư của tinh thần, đau đớn lắm! Chúng ta hãy mạnh dạn lên, theo sự quán chiếu hướng dẫn của Đức Phật, hơi thở Chánh niệm khơi dậy lòng từ bi, lòng nhân từ của mình để tự chữa lành mình và lan tỏa tới những người yêu thương đang đau khổ vì những gì đó cắt cứa trong quá khứ. Xin cảm ơn cô đã chia sẻ! Chúng ta luôn luôn quan tâm đến cộng đồng của mình, xã hội này rất cần mỗi người tự đứng dậy quan tâm đến bản thân và lan tỏa đến cộng đồng.

  • Kính thưa Thiền Sư và các cô bác, anh chị! Cho con được hỏi Sư Phụ, trong cuộc đời này ai cũng có nỗi đau và con để được ngồi tươi cười, xinh đẹp và được an yên như thế này trước Thiền Sư và mọi người thì đã trải qua rất nhiều biến cố, khó khăn, vất vả và rất nhiều nỗi đau. Và trong mỗi giai đoạn của cuộc đời thì con sẽ ứng xử với những thách thức của cuộc đời một cách khác nhau. Tuy nhiên, con muốn hỏi Thầy, một điều như sau. Trong cuộc đời của mình, nếu như ai đó gây cho mình sự thất vọng và nỗi đau sâu sắc, thì mình phải làm thế nào để vượt qua được nỗi đau đó? Mình có nên từ bỏ hay không, hay mình sẽ xử sự như thế nào để vượt qua chính mình và chữa lành cho mình ạ? Xin cảm ơn Thầy! Rất mong chờ sự chia sẻ từ Thầy ạ!

Thiền Sư Bảo Thành:

  • Thông thường, chúng ta yêu thương những người gần gũi, nhất là những người họ hàng bà con. Và ngay cả cái việc thiện được thể hiện qua lòng nhân từ cũng đều là những đối tượng ta chọn lựa. Để rồi những người gần gũi đó, khi họ làm việc ác, việc sai, ta bao che chọ họ. Vì ta luôn chọn người của ta để đối xử bằng lòng nhân từ, rồi lòng nhân từ của chúng ta bị biến thái thành sự che chở cho những tội ác. Ngược lại, những người ở bên ngoài, khi họ sai, tai không có con mắt bao dung để rồi khi họ làm đúng, ta không tiếp nhận họ. Đó là nghịch lý của cuộc đời. Nếu như ai đó làm ta đau, thì thật dễ dàng thôi, bởi đau và quá đau, khổ và quá khổ, không ai trong chúng ta, nếu là người có Trí Tuệ, có sự khôn ngoan, có kiến thức lại vùi đầu sống với kẻ hành hạ, tạo ra khổ đau cho chúng ta, ta nhất định phải bỏ đi. Đó là sự bình thường. Nhưng mỗi lần chúng ta quay mặt và chạy trốn cái con người tạo ra sự đau khổ, phiền não cho chúng ta là chúng ta đánh mất cơ hội kích hoạt và khơi dậy lòng nhân từ của chính mình. Vì chúng ta không hiểu được giá trị của lòng nhân từ sẽ kích hoạt một nguồn năng lượng thật lớn, mà chính Chư Phật, Chư Bồ Tát, các bậc đứng đầu các tôn giáo, đều phải nương vào lòng nhân từ để thành tựu quả giác ngộ.

Chúng ta, là con người yếu đuối và mỏng manh dễ vỡ. Nhưng đưa vào sự thực tập cho rõ, thì những cơ hội đau đớn như thế, nói như vậy không phải là chúng ta phải đương đầu, mà không nhất thiết phải chạy trốn. Dũng mãnh lên! Quán chiếu cho rõ cái cội nguồn của những tác nhân gây ra phiền não, đau khổ cho ta, bởi người đó cũng có nguyên nhân do ta, chứ ta không phải là kẻ hoàn toàn vô tội, và người kia là độc ác đối xử để gây ra đau khổ cho chúng ta. Để làm gì? Để chúng ta ngừng hẳn những điều kiện gây ra cho người ta tạo khổ cho mình. Nhưng bơm vào đó là những nhiên liệu, những nhân tố để người đó không có cơ hội gây khổ đau cho chúng ta. Thì chỉ có lòng nhân từ và quán chiếu sâu sắc mới có đủ bản lĩnh để nhìn ra lỗi lầm của mình là tác nhân gây ra cho họ, tạo nên những sự đau khổ cho chúng ta. Và chỉ có lòng nhân từ mới có được Trí Tuệ nhìn thấu để cài đặt những nhiên liệu để họ không có cơ hội phát triển những hành động gây phiền não và đau khổ cho chúng ta.

Ví dụ như con rắn hổ mang, nó có nọc độc vốn ở trong đó, nhưng người Ấn Độ và nhiều người biết điều khiển con rắn hổ mang, họ có thể thổi những âm thanh tuyệt vời từ ống sáo và con rắn hổ mang có thể ngoi đầu múa, họ có thể sờ, có thể hôn con rắn hổ mang vì một khúc nhạc trầm bổng, du dương. Nếu chúng ta biết dùng ái ngữ để khơi dậy lòng nhân từ của mình và khơi dậy lòng nhân từ của người khác thì nhất định dù họ có độc ác như rắn hổ mang, họ cũng sẽ có những vũ điệu tuyệt vời song hành với ta mà tâm ác của họ khó có cơ hội trỗi dậy. Đây là một nghệ thuật, nhưng đòi hỏi công phu tu tập. Nói rất dễ, nhưng nếu chúng ta không hành trì để phát triển bản thân thật khó.

Và nếu chưa phát triển được bản thân nên giữ một khoảng cách thật xa những người có cái tâm ác, mà ta chưa có khả năng dùng ái ngữ để cất lên như những âm thanh du dương của ống sáo mà người ta thổi để con hổ mang có thể cùng múa với họ. Thì điều kiện thứ hai này là tương đối phù hợp hoàn cảnh của mọi người, nhưng đừng chạy trốn. Giữ một khoảng cách an toàn nhưng vẫn dưỡng cái tâm để khai triển lòng từ nhân, bởi lòng từ nhân sẽ giúp cho chúng ta khai quật được tiềm năng tuyệt vời vô song năng lượng chữa lành và vươn lên đạt đỉnh những điều mình mơ ước. Dạ thưa chị!

MC: Dạ, con rất là biết ơn những sự chia sẻ của Thầy ạ! Và biết đâu trong câu chuyện của con, trong những điều con hỏi Thầy, thì tất cả các cô bác, anh chị ở đây cũng giống như con, sẽ thấu hiểu được những lời Thầy dạy. Khi đối diện với khó khăn, thách thức thì chúng ta sẽ có hai cách: một là đối mặt, hai là chạy trốn. Và nếu như chúng ta chưa có chữa lành được cho bản thân, chưa phát triển được bản thân thì chúng ta sẽ giữ khoảng cách an toàn. Nhưng dù chúng ta đối mặt, chạy trốn, hay chuyển hóa được đối phương thì phải sáng suốt lựa chọn. Dùng lòng nhân từ và trí tuệ của mình để đối phương, cái người đồng hành cùng mình sẽ khơi được tiềm năng và lòng từ bi, bác ái của họ. Như vậy, thì tất cả chúng ta sẽ đạt được thành công, và có được hạnh phúc đúng không ạ? Vâng ạ! Rất biết ơn những lời chia sẻ của Thầy.

  • Dạ con bạch Thầy, con tên là Trần Thị Ánh Tuyết, con năm nay 51 tuổi. Trong gia đình của con, chị gái của con và đứa con có xích mích với nhau, con của chị đã bỏ nhà để đi ra ngoài sống. Con muốn dùng lòng biết ơn, lòng nhân từ của mình để hóa giải vấn đề của hai mẹ con, nhưng con chưa biết cách như thế nào, con mong Thầy giúp đỡ cho con. Mong Thầy chỉ dạy cho con biết cách dùng lòng chân thành để hóa giải được mối xích mích của hai mẹ con họ. Một bên là chị ruột, một bên là cháu ruột con không biết phải hóa giải như thế nào, con cũng mong Thầy chỉ dạy giúp cho con để con dùng lòng chân thành của mình hóa giải giữa hai mẹ con họ, thưa Thầy! Con mong Thầy giúp đỡ!

Thiền Sư Thích Bảo Thành:

  • Hồi xưa, mình có một ông chú (chú bà con) với ông cụ của mình, người ta cứ đổ thừa là khắc khẩu, gặp nhau là cãi nhau, gặp nhau là chửi nhau. Có nhiều lúc ông cụ của Bảo Thành từ bỏ ông chú luôn, và nói rằng đừng bao giờ tới đây bởi tôi không muốn nhìn mặt của anh nữa. Nhưng chừng một tháng, hai tháng, hồi đó ông cụ của Thầy thích đánh cờ, mà không ai tới đánh là bắt đầu nhắc đến ông chú rồi mời ông chú đến đánh cờ. Mà cuộc cờ nào cũng cãi nhau, cũng lật bàn, cũng chửi nhau hết nhưng mà thiếu nhau thì lại nhớ. Bảo Thành kể câu chuyện này để thấy rằng, dù chúng ta có hận nhau trong những sự trái nghịch, tạm gọi là khắc khẩu, nhưng sự khắc khẩu đó chỉ là cái cớ cho chúng ta không phát triển ái ngữ do lòng nhân từ vốn có trong chúng ta. Đừng mượn sự khắc khẩu, bỏ nó đi, thì chúng ta nhận diện ra rằng mỗi một người đều có khả năng sử dụng ái ngữ để liên kết với nhau. Nhờ cái bàn cờ, cái trò chơi, cái sở thích của ông cụ mà tuy ông cụ đã nhiều lần từ bỏ người em của mình nhưng vẫn gọi về. Chúng ta phải tìm hiểu được phương tiện, cái điều gì đó mà người cháu kia, người em kia, người chị kia vẫn còn có thể tới với nhau được. Người thân ở trong gia đình phải tìm ra một phương tiện nào đó, một thứ gì đó mà hai người đó vẫn có thể tới với nhau. Và rất cần người thứ ba, người thứ ba mà ông cụ với ông chú của Bảo Thành có thể tới với nhau đó chính là bàn cờ trò chơi.

Nếu người thứ ba thương người trong gia đình sẽ là nhịp cầu nhân ái để gắn kết hai con người tạm gọi là khắc khẩu hoặc vì một chuyện gì đó từ bỏ nhau trở về với nhau. Cho nên, đối với Bảo Thành, thì cô hãy nghiên cứu cái người gần gũi của mình đó, hai người đó họ có chung một sở thích gì. Sở thích của họ tức là sự ruột thịt, sự ràng buộc trong tình mẫu tử. Không người mẹ nào mà từ bỏ con mình mãi mãi, không người con nào mà không thương mẹ. Nhưng vì chưa có điều kiện thể hiện sự hàn gắn đó bởi sĩ diện hoặc lòng tự ái, tự tôn. Phương pháp mà Bảo Thành thường sử dụng để giúp cho những người thân, ngay cả các bạn đồng tu của Bảo Thành là người thứ ba, là nhịp cầu, là ông sứ đi để giải hòa là mình phải tích lũy thật nhiều năng lượng của lòng nhân từ. Bản thân tiếp cận với hai người đó riêng biệt, gần gũi nhưng mà riêng biệt để lan tỏa cái năng lượng nhân từ, năng lượng từ bi, năng lượng của tâm yêu thương của mình đến họ, hồi hướng cho họ bằng cách tiếp cận, lan tỏa tới họ trong từng giây từng phút nghĩ về họ. Và tạo một điều kiện, như một ván cờ chơi, có thể là một bữa tiệc mời riêng hai người tới nhưng đừng cho họ biết. Nhưng ít nhất phải trải qua một thời gian tới riêng với hai người, lắng nghe họ mà thôi, đừng san sẻ gì hết, gợi ý để cho họ chia sẻ những nỗi niềm ở trong lòng của họ một thời gian rồi hẹn họ đến ăn một bữa cơm mà đừng để cho họ biết rằng cả hai người cùng tới. Nhưng hãy tạo một môi trường thật ấm cúng trong sự dung thông với họ, và lan tỏa lòng nhân từ yêu thương, quan tâm đặc biệt của cô tới với họ thì nhất định họ sẽ đón nhận nhau trở lại, bởi điều này Bảo Thành đã từng làm. Và chính Đức Phật là người luôn luôn tới với những ai đang đau khổ một cách trực tiếp. Và chính Đức Phật là người luôn luôn tới với những đối tượng bị chia rẽ để hàn gắn họ lại với nhau.

Cho nên, cô nếu đã thương yêu họ thì phải dấn thân thêm một chút nữa, bởi hai bản thân của những người đó không có đủ khả năng tiến với nhau vì một chữ sĩ diện hoặc một chữ tự tôn, tự ái, cho nên cô có khả năng làm điều đó. Nếu cô thực hiện theo những gì Bảo Thành vừa nói, cô sẽ là người chữa lành được cho họ, và tạo thành nhịp cầu yêu thương để họ trở về với nhau. Cảm ơn cô!

Ánh Tuyết:

  • A Di Đà Phật! Con nghĩ, con cũng giống như cần phải có thời gian, gọi là thời gian để chữa lành vết thương của hai mẹ con họ. Thì con cũng mong, con sẽ có đủ năng lực để con hóa giải giữa hai mẹ con của họ. Chứ thực sự, con thấy con rất đau lòng. Người mẹ phải đi ra ngoài ở phòng trọ, người con thì cũng rất đau khổ. Theo như Thầy nói, họ còn sĩ diện hay là cái tôi gì đó, họ không có tiếng nói chung với nhau. Qua lời Thầy dạy, con cũng mong thời gian con sẽ hóa giải được xích mích giữa hai mẹ con họ. Con cảm ơn Thầy! A Di Đà Phật!

Thiền Sư Bảo Thành:

  • A Di Đà Phật! Bảo Thành tin tưởng rằng cô có đủ khả năng đó, bởi chính Đức Phật đã nói mỗi một người trong chúng ta đều có khả năng phát triển lòng nhân từ để giúp đỡ những người bị chia rẽ, đoàn kết trở lại với nhau. Cho nên Thầy tin tưởng, Bảo Thành tin tưởng cô làm được việc đó. Hãy dùng toàn bộ thời gian có được, nghiên cứu một chút xíu những gì Bảo Thành chia sẻ, cô nhất định sẽ làm được. Cảm ơn cô!
  • Cơ hội bây giờ, Lâm Tiểu Phương (MC) xin được trao lại cho người Thầy ạ. Kính thưa Thiền Sư Thích Bảo Thành, qua một buổi tối thật ấm áp và rất nhiều cô bác, anh chị đang lắng nghe, đang nhận được rất nhiều tri thức từ Thầy, cho Lâm Tiểu Phương hỏi, Thầy có cảm nhận như thế nào về buổi chia sẻ ngày hôm nay ạ?

Thiền Sư Thích Bảo Thành:

– Bảo Thành luôn nghĩ rằng, nhóm của mình rất đặc biệt bởi tới với nhau để chia sẻ cái giá trị sống đích thực, không có văn hoa qua các ngôn ngữ mà thực dụng những phương pháp về thể dục thể thao, thực dưỡng và tâm linh. Ngõ hầu, mỗi người sống an sống vui ngay trong gia đình để lan tỏa sức mạnh đó tới với người thân, và cộng đồng xã hội. Nhóm của mình thật dễ thương! Bảo Thành đã gặp anh Phạm Hổ và Phạm Sơn, có anh một vài lần ăn trưa với hai anh, thấy hai anh rất là hiền. Và khi thành lập những nhóm trong chương trình này, thì cũng hiểu được tâm huyết của hai anh, và tin chắc lúc đó chỉ tin thôi, những người trên nhóm là những người mang hình dáng dễ thương như hai anh. Nhưng sau một thời gian sinh hoạt trên nhóm, Bảo Thành nhận thấy nhóm của mình toàn là những người đã quen biết lâu lắm rồi, và liên kết với nhau bằng sự cầu tiến, học hỏi để phát triển bản thân của mình. Xin thưa, lòng nhân từ vốn có nơi tất cả các bạn, tất cả mọi người. Và mong rằng mọi người hãy xem Bảo Thành như một người bạn. Đừng để một cái danh, hoặc một sự giới thiệu nào đó ngăn cách tình bạn của chúng ta. Chúng ta tới với nhau là để chia sẻ giá trị sống, không ai hoàn hảo, không ai có thể nói được tất cả những điều người khác mong muốn được nghe. Nhưng chúng ta có thể nói được tất cả những ngôn từ nếu khởi dậy từ lòng nhân từ nơi mỗi người chúng ta. Và sự nhận xét cao quý nhất mà Bảo Thành nhận thấy trong nhóm của mình là gì? Là những người rất đáng yêu. Bởi vì sao? Bởi họ luôn luôn biết yêu thương bản thân của họ. Các bạn là những người luôn luôn biết chăm sóc cho mình và chăm sóc cho người thân thì tất cả các bạn đều là những người đáng yêu nhất ở trên đời. Và Bảo Thành rất hạnh phúc được ngồi đây nói chuyện qua màn ảnh của Zoom, của Phạm Gia Nutrition.

Một lần nữa cảm ơn chị MC, cảm ơn Ban tổ chức Phạm Gia, cảm ơn tất cả các bạn đã cùng với Bảo Thành trong những ngày tháng qua và những chương trình Bảo Thành có mặt để chia sẻ, để lắng nghe. Xin trân trọng!

MC: Một lần nữa xin gửi lời biết ơn từ tất cả các cô bác, anh chị đã có mặt trong phòng Zoom, gửi lời biết ơn đến Thiền Sư Thích Bảo Thành ạ. Và các cô bác, anh chị ơi, chúng ta tự hào, chúng ta là những người được trao giải pháp, chúng ta là những huấn luyện viên sức khỏe để chúng ta mỗi ngày trẻ trung, năng động, trưởng thành hơn và chữa lành về sức khỏe, về thân tâm trí của chúng ta. Cũng như là những người xung quanh. Mọi người có nhận thấy chúng ta là những người tuyệt vời không ạ? Và để tuyệt vời hơn, thì một lần nữa xin đề nghị mọi người hãy thả thật nhiều trái tim lên màn hình ạ.

Chúng con xin gửi lời trân quý và biết ơn đến Thiền Sư Thích Bảo Thành ạ! A Di Đà Phật!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn