Search

4024. Làm Sao Từ Bỏ Được Cái Tôi?

Trần Công Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.

Chúng ta hãy quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thưa Phật! Hôm nay chúng con vừa nghe được tin người thân của bạn đồng tu là Nguyễn Thị Thanh, sinh năm 1967 vừa bị tai nạn từ trần và người thân đang nguy kịch trong nhà thương. Với thông tin này, chúng con đã thẩm thấu được sự vô thường tới lui sanh diệt khó ngờ. Là bạn đồng tu chúng con nguyện xin chư Phật hồng ân Tam Bảo gia trì, ban rải năng lượng tình thương, thắp sáng đuốc tuệ, để người đã ra đi thấu lẽ vô thường, từ bỏ bản ngã, nương theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh cho chúng con!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Chánh niệm hơi thở trở về với tự tánh thiện lành, sống trong yêu thương qua từng phút giây, nhìn cho sâu sắc cuộc sống và tỉnh giác giúp cho mỗi người chúng ta có một đời sống hạnh phúc và an vui. Quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, quán chiếu tâm Trí Tuệ để thấu rõ được khổ, vô ngã, vô thường. Sống đời tỉnh thức, hành thiện tích đức qua các mật ngôn Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U. Mỗi người chúng ta sẽ có sự gắn kết mật thiết với chư Phật, để nhìn rõ bản thể tự tánh của mình, chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Mô Phật! Mới buổi sáng chúng ta tu mật thiền, đối với các bạn đồng tu mỗi ngày chúng ta thấu hiểu được tu cái gì và đã bao lâu, các bạn mới chưa thấu được chúng ta tu cái gì và tu mỗi ngày được bao lâu rồi? Đây là năm thứ tư Bảo Thành phát nguyện đồng tu mỗi một ngày, không phải ngẫu hứng tu một ngày nghỉ một tháng, mà là thường nhật mỗi ngày đều tu, đồng tu với nhau ở trên YouTube, Facebook hoặc các trang Zoom. Là tạo điều kiện trong thời đại mới dù bận rộn tới đâu, người khôn ngoan biết chăm sóc cho mình, đều dành cho mình khung thời gian để thực tập cùng với nhau. Năm thứ tư rồi mỗi một mật ngôn quán chiếu Bảo Thành và các bạn tu tập trong một năm, không phải một ngày mà là một năm, kể từ năm 2019 cho tới bây giờ 4 năm.

Mật ngôn Mu A Mu Sa được thực tập trong một năm trời để quán chiếu tâm Từ bi, tình thương, tha lực Phật điển, năng lượng vi diệu Từ bi  Mu A Mu Sa, mật ngôn này thật vi diệu, vì sao? Vì năng lượng Từ bi, đại từ đại bi của chư Phật, của Bồ Tát và tình thương, năng lượng từ bi có ở trong chúng ta nữa. Thực tập, quán chiếu, kích hoạt, khơi dậy để sống yêu thương là chân lý tối hậu cao siêu, không có cái gì và pháp môn nào có thể so sánh được sự quán chiếu sâu sắc để sống thật, sống thật với chính mình trong tình yêu thương muôn loài một cách bình đẳng nơi sự đối xử. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang cũng là mật ngôn quán chiếu mỗi năm để thấu được vô thường sanh diệt tới lui, vô ngã và khổ. Ma Sa Ốp Uê – Tỉnh giác cũng một năm trời. Năm thứ tư ta quán chiếu Sa Bi Mô U, Phật tánh chân như, tâm tánh thiện lành. Các bạn mới nghe qua hỏi cái gì đây? Dạ thưa đây là mật thiền quán chiếu hơi thở chánh niệm, lấy tâm làm đề mục để quán chiếu, tâm gì? Tâm Từ bi – Mu A Mu Sa, tâm gì? Tâm Trí tuệ – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh giác – Ma Sa Ốp Uê, tâm Phật chân như thiện lành – Sa Bi Mô U. Sự khế hợp vi diệu giữa hơi thở của chánh niệm và mật ngôn, tăng trưởng để chúng ta tiếp hiện được nguồn năng lượng vô biên vào ngay nơi thân và tâm, để rọi và chiếu thấy rõ bản tâm của mình, tăng trưởng sức khỏe cho thân, sự an vui cho tâm.

Các bạn, sự thực tập này càng miên mật vì chúng ta phát nguyện thật sự tu, tu luyện chẳng phải chỉ nghe thấy cho biết rồi treo bảng vàng của mật thiền lên tường để mà nhìn. Mỗi một ngày ta đều tu sự bận rộn luôn tới, có nhiều bạn tu được một ngày nghỉ vài ngày hoặc cũng như trời nắng trời mưa bất thường, có nhiều bạn đứng ở ngoài coi ra sao, sự khác biệt đó đều do nhân duyên và sự nhận xét hiểu thấu của mỗi người tạo nên. Nếu thấu lý ở đời này ta sẽ có một sự dấn thân thực sự qua công hạnh hành trì, tu luyện để thay đổi cuộc sống của mình. Tự lực của chúng ta phối hợp với tha lực là hai nguồn lực vô biên, để chặn đứng nghiệp lực ác nhiều đời đang gây tác hại cho chúng ta, làm đầy nghiệp thiện để có thêm phước báu và công đức.

Hôm nay các bạn hỏi “Làm sao để từ bỏ được cái tôi?”

Làm sao để từ bỏ được cái tôi? Trả lời khó, dẫu vẫn biết cái tôi của mỗi người đã tạo ra đau khổ cho chính mình. Tôi như vậy tuân thủ theo thì sống với tôi, không tuân thủ theo thì đi chỗ khác, kiềng mặt họ ra, không bao giờ được phép gặp. Cái tôi thật lớn, lớn dữ lắm, lớn dữ đó không phải thường đâu. Mà mấy ai nhận ra đâu vì cái tôi là trung tâm điểm kiềm chế muôn người, nên tôi ở đây thì đừng nghĩ rằng có mặt ai nữa, ở chỗ này có tôi thì đừng bao giờ có họ, có họ thì chẳng bao giờ có mặt tôi. Mình đã được chia một phân biệt rõ qua biên giới, tạo ngăn cách khó chịu cho chính mình. Ta quán chiếu về tinh thần vô ngã, thấu hiểu nhưng chẳng thực hiện, bạn hỏi đi làm sao thu phục, làm sao chuyển hướng, làm sao cái tôi của mình được nhận xét rõ để buông bỏ? Khó lắm, nếu không tu luyện hành trì chúng ta chỉ nói mà thôi. Các bạn và Bảo Thành cũng vì cái tôi đặt mình quá quan trọng, gây hiềm khích đối với gia đình, cha mẹ, ông bà, người thân, vợ chồng, con cái, đối với bạn bè, đối với chòm xóm, đối với bạn đồng tu, đối với tất cả nhiều người. Cái tôi chiếm ngự mọi nơi, mọi lĩnh vực, chèn ép đấu đá cũng vì cái tôi, làm sao để thâu tóm tư tưởng đó lại, hiểu rõ để buông xả, cần phải hành trì, cần phải nghiên cứu.

Có một vị sư phụ có một đệ tử là chú tiểu, vị sư phụ này nhận rõ được cái tôi của mình quá lớn, muốn nhập thất, nhập thất đó các bạn, để phản chiếu, để quán chiếu, để dẹp bỏ cái tôi của mình. Nên một hôm sư phụ gọi chú tiểu và nói “Tiểu ơi, đừng có đi đâu, coi chùa cho sư phụ, sư phụ phải nhập thất ba năm để chuyển hóa cái tôi của mình, cái tôi sư phụ lớn quá”.

Tiểu chấp nhận và Sư phụ vô trong cái thất, cái phòng đóng cửa chẳng ra ngoài, tiểu mang đồ ăn mỗi ngày để sư phụ tu trong 3 năm, nhìn, chuyển hóa cái tôi của mình. Sau 3 năm trời Sư phụ tu chứng đắc rồi, Sư phụ nghĩ như vậy chuyển hóa được cái tôi rồi, chẳng còn cái tôi nữa, mở cửa cười khanh khách làm chấn động cả ngôi chùa nhỏ bên bìa rừng. Tiểu mới tới “Bạch Sư phụ, Sư phụ ra rồi hả?”

Sư phụ cười tươi và đẹp, dõng dạc tuyên bố với tiểu rằng “Tiểu ơi, Sư phụ sau ba năm đã diệt trừ được cái tôi, tiểu phải mừng cho sư phụ nha”.

Chú tiểu thè cái lưỡi ra dài cho tới cằm, cái lưỡi thè ra như vậy thôi sư phụ đã thấy ngạc nhiên và nhận ra hình như tiểu ngỗ nghịch quá, hỗn quá. Ba năm nhập tu diệt cái tôi, nay ra chú tiểu hình như mọc sừng, lè lưỡi, bậy, không được. Tiểu vừa lè lưỡi xong nói một câu như sét đánh “Sư phụ mà diệt được cái tôi thì chẳng khác gì như con chó chê phân người”

Con chó gặp phân người là nó ăn thôi, câu nói như sét đánh ngang tai, mặt sư phụ tím tái, đưa nắm đấm lên dí chú tiểu và nói “Tao đấm cho bể mặt mày bây giờ, mày hỗn”

Tiểu chạy vòng quanh cười khanh khách và nói “Đấy, đấy, con mới thử vậy thôi mà ba năm qua sư phụ vẫn còn nắm đấm”

Người sư phụ nhận ra thấy xấu hổ, cúi đầu xin lỗi tiểu của mình.

Câu chuyện đơn giản ta nghe ta coi thường ông sư phụ. Các bạn có thấy điều tích cực nơi sư phụ không? Ông sư phụ đó đã nhận ra cái tôi của mình và tìm ra phương pháp, hoặc ít nhất ép mình vào nhập thất ba năm trời để tu, quán chiếu cái tôi. Nhận biết được cái tôi của mình và gắn công tu tập, đã là một điều tích cực, còn có chuyển hóa được hay không thì cần phải tích cực hơn thật là nhiều. Có lẽ các bạn cũng ý thức được điều đó như vị sư phụ kia, bởi ta là người đồng tu, cũng ép mình vào những khuôn mẫu để chuyển hóa cái tôi. Nhưng chỉ một lời khích tướng của ai đó tím tái mặt mày, rượt đuổi ngay để đánh cho bằng được. Cuộc sống này đây vô thường quá, mà sao mỗi người cứ tôn sùng cái tôi của mình quá lớn.

Hôm nay trước khi vào tu, một người thân của bạn đồng tu vừa ra đi hồi đêm hôm qua, một chuyến xe đi chợ chở thêm một người thân, chuyến xe vô thường đã xảy ra tai nạn, người ấy đã mất ngay tức khắc và người thân còn điều trị ở trong bệnh viện. Chuyến xe vô thường đi qua đời người, nào ai biết được ai còn, ai mất, thế mà cái tôi của ta lại ngăn chặn tình người giữa mình và cha mẹ, giữa mình và vợ chồng, giữa mình và con cái, người thân. Vô thường lắm đấy, đừng để khi vô thường tới, một chuyến xe đi qua tai nạn, một cơn gió thoảng qua đột quỵ, một hơi thở ra chẳng vào, chết rồi còn ngớ ngẩn cái tôi quá lớn, đầu thai vào đâu. Nếu như ở trên đời này mọi người chúng ta đều thấu được lý vô thường, khổ não, chẳng có chỗ bám, băng chấp ngã sẽ tan dần, ưu phiền gió sẽ thổi bay.

Người đời thấu lý vô thường,

Khổ đau không có chỗ nào bám đâu,

Băng chấp ngã tan dần theo năm tháng,

Để ưu phiền được gió thổi bay đi.

Chúng ta khổ là vì cái tôi, chúng ta ưu phiền cũng chỉ vì cái tôi, đôi mắt thương nhìn đời mênh mông như biển trời, chỗ nào cũng có chỗ đứng cho những người còn khiếm khuyết, chỗ nào cũng có chỗ để ta tự tại trong biển trời yêu thương. Đời người mong manh và vô thường, phải quán chiếu tinh thần vô ngã, chẳng có ngã, cái tôi cũng chẳng còn. Cô Nguyễn Thị Thanh ra đi rồi, cái ngã cái tôi của cô còn nữa đâu, mất rồi, còn chăng sau này nếu thiêu, một nắm tro tàn trơ bụi ngoài kia.

Còn chăng chôn xuống đất rồi

Một mai xương trắng phơi sương sớm ngày.

Thế mà chúng ta cứ mang cái tôi của mình để cai trị mọi người, cái tôi chấp vào thân này, sắc tướng này, cảm thọ, cảm giác, sự suy diễn, suy nghĩ, kiến thức, nhận thức. Trong tâm kinh Bát Nhã, bậc đại sĩ Bồ Tát ngay trong khởi đầu câu kinh đã nói, Ngài quán chiếu ngủ uẩn là Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức đều là không có, đó chính là vô ngã. Vậy nên Ngài diệt trừ được mọi khổ ách, phiền não, ưu phiền trong cuộc đời. Ta vẫn thở ngắn thở dài, ưu phiền, khổ não vì cái tôi, đặt làn ranh giới giữa ta và người, tôi và anh, tôi và chồng vợ, tôi và cha mẹ, tôi và con cái, tôi và mọi người, tôi như vậy lớn quá.

Cả một năm trời và cả cuộc đời ba năm sư phụ kia nhập thất quán chiếu để chuyển hóa cái tôi, tiểu nói một câu tím tía cả mặt, cái tôi bừng bừng bộc phát, cái tôi rất nguy hại. Chúng ta phải hành trì miên mật mới có thể chuyển hóa, mới có thể dập tan cái tôi đi được. Chính vì cái tôi đó mà muôn lượng kiếp qua chúng ta khổ vì đó. Rất khó, các bạn phải quán chiếu xác thân này, thân xác này chẳng là tôi, bởi nó có tồn tại được đâu, bởi tôi có làm chủ được nó đâu. Mình cứ nghĩ thân này là tôi mà có làm chủ được đâu, nó tự khỏe, nó tự yếu, nó tự bệnh, nó tự lành, nó tự vận hành, bạn có làm chủ được không? Nó tự sống, nó tự chết, nó tự tới, nó tự đi theo nhân duyên. Rồi mình để cho cảm xúc làm chủ, cảm giác kiềm chế, rượt đuổi, nắm bắt, tôn vinh mình trong những cảm giác sung sướng, thỏa mãn có được chồng, được vợ, được con, được cái, được tiền, được nhà cao cửa rộng, có, có, có, có tất cả. Đấy, cô Nguyễn Thị Thanh đi rồi, những gì cho là có có mang được đâu. Ảo giác, ảo tưởng, khổ vô cùng.

Vào một buổi nọ gần đây có một người đồng tu tâm sự rất chân thành, người đồng tu này có nỗi khổ nhưng có tâm giải bày để nhìn rõ, buông xả, chuyển hóa cái tôi. Cũng như biết bao nhiêu bạn đồng tu khác và y như bản thân của Bảo Thành, chúng ta đều có cái tôi và luôn luôn bám vào cái tôi ấy, dù ông sư phụ tu chưa dứt nhưng quyết tâm tu, cũng được, chúng ta chưa dứt được nhưng cần phải quyết tâm tu. Người bạn đồng tu tâm sự rằng người con chẳng nghe theo những gì khuyên bảo, cứ tự ý để rồi quen biết với một người bạn và người bạn kia không hợp ý với cha, với mẹ, cha mẹ khổ, phiền não, đưa ra một lời sấm sét như tuyệt tình, tuyệt nghĩa là nếu cứ kết thân với bạn kia thì đừng gặp cha mẹ nữa, đừng về đây nửa. Ở trên đời này chúng ta có nơi chốn nào để về đâu. Cô Nguyễn Thị Thanh vừa ra đi, hỏi thử chốn nào để cô về. Nhà cao, mới, xinh đẹp, phải chăng nơi đó là nơi để về, không, thân này là nơi để về, không. Cảm giác, sự suy nghĩ, sự nhận thức, kiến thức là ta, là tôi để về, không, chẳng còn gì. Có chăng là nghiệp lực dẫn dắt ta tái sanh hay đầu thai, tái sanh là tốt bởi có thiện nghiệp để tái sanh. Còn hết mọi người chúng ta đều phải đầu thai theo nghiệp lực nó kéo đi.

Bạn hỏi làm sao để thâu tóm, để chuyển hóa, để gỡ bỏ cái tôi, rất khó như vị sư phụ kia. Tinh thần Đức Phật dạy phải tinh tấn quán chiếu trong sự vô ngã. Tại sao hiểu được vô ngã, thấu lý vô thường, phải thấu lý vô thường. Đấy, cô Thanh vô thường chưa, tới rồi mất đó. Khi chúng ta quán chiếu sự vô thường, thì những bản ngã không còn chỗ để bám víu.

Những ai thấu lý vô thường,

Khổ đau chẳng có chỗ nào bám đâu,

Băng chấp ngã tan dần theo năm tháng,

Để ưu phiền theo gió bay đi.

Sống tu và hành trì pháp Phật, thấu lý vô thường, quán chiếu mỗi ngày, phá tan vô ngã, sống đời hạnh phúc an lạc. Mỗi một hơi thở vào ra trong chánh niệm ta tịch tĩnh thì thầm với mình, vô thường, vô ngã. Thân này là vô thường chẳng có ngã tướng. Cảm xúc này là vô thường sanh diệt chẳng có ngã tướng. Suy nghĩ này là vô thường sanh diệt chẳng có ngã tướng. Kiến thức này là vô thường sanh diệt chẳng có ngã tướng. Nhận thức này là vô thường sanh diệt chẳng có ngã tướng. Quán chiếu đó là quán chiếu của Bồ Tát tự tại Quan Âm, quán tự tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã, quán sâu sắc vào năm cái uẩn, Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức như vừa nói. Nhận cho thật rõ trong từng hơi thở, phá vỡ được cái tôi, chuyển hóa được cái chấp, phiền não nào có chỗ bám đâu

Băng chấp ngã tan dần theo năm tháng

Để vô thường theo gió bay đi.

Đó là người thấu lý vô thường để được sống các bạn, không dễ. Sư phụ kia tu ba năm ra, đệ tử chú tiểu nói một câu tím tía cả mặt, sân giận trỗi dậy, cái tôi còn đó. Huống chi chúng ta chẳng nhập thất ba năm làm sao có thể chuyển hóa được cái tôi. Phải nhận cho thật rõ điều ấy, nâng tầm sự tu và hành trì mỗi ngày, quán chiếu để chuyển hóa. Còn không chỉ một lời khích bác của chú tiểu sư phụ đâu vẫn vào đấy, nắm đấm giơ lên đánh tan mặt chú tiểu đấy. Chúng ta đã để cho sự phẫn nộ phùng mang trợn mắt, tuyên bố xanh rờn đoạn tình đoạn nghĩa. Hãy quán chiếu cho thấu bằng sự hành trì. Bảo Thành mời gọi các bạn hãy cùng với Bảo Thành tích cực hơn trong sự đồng tu, đừng lơ là giải đãi, đừng coi thường, đừng vịn vào kiến thức, nhận thức, tri thức, cảm thức và cái tôi đang ngự trị trong lòng để tạo khổ cho mình nữa. Chỉ có sự đồng tu và nhắc nhở nhau mỗi một ngày, chỉ có chánh niệm của hơi thở quán chiếu cho sâu sắc. Sau nhiều năm trời tu luyện ngõ hầu ta mới có thể kiềm chế một phần cái tôi, cái tự ngã của mình còn không cũng như vị sư phụ kia mời. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Cái tôi thật khó chuyển hóa, nên đã bao lâu nay chúng con đã tự làm cho mình khổ, tự làm mình phiền não, tự dày vò trong ưu phiền, sầu bi, tổn hại đến sức khỏe, phân rẻ tình cảm gia đình. Xin ngài gia trì cho chúng con biết hành trì đúng mỗi ngày, để tháo gỡ cái tôi của mình đi.

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, quán chiếu bản ngã, cái tôi của mình.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)Mô Phật! Thưa Phật, sự đồng tu của chúng con hôm nay, nếu tạo ra được chút phước báu, chúng con nguyện xin hồi hướng cho hương linh Nguyễn Thị Thanh, sinh năm 1967 vừa từ trần. Nguyện xin chư Phật gia trì để hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn