Search

4022. Đừng Nhìn Bề Ngoài Mà Đánh Giá

Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Chúng ta cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh, và gia trì cho chúng con miên mật hành trì Mật Thiền Chánh Pháp Phật để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, thể nhập vào tâm tánh thiện lành Chân Như để quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

Xin chư Phật từ bi chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi tĩnh tọa buông thư trở về với hơi thở Chánh niệm. Nhớ lời Đức Phật dạy: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Từng hơi thở vào ra Chánh niệm tịch tỉnh, thanh lọc thân tâm, tiếp hiện năng lượng tình thương. Chúng ta hãy bắt đầu quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, Phật tánh Chân Như – tâm tánh thiện lành qua mật ngôn Sa Bi Mô U

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

Sa Bi Mô U

(7 biến)

Mô Phật! Các bạn đồng tu! Một việc gì đó mà chúng ta lặp đi lặp lại sẽ tạo thành thói quen. Nếu thói quen đó ngay từ thuở đầu có ý thức khởi lên từ tâm Thiện, thói quen tốt. Nếu là cái tâm không tốt, thói quen nguy hại sẽ hình thành. Sự thực tập Mật Thiền không phải chỉ một lần, không phải chỉ một ngày mà là một sự trường kỳ miên mật liên tục ngày qua tháng lại. Trong cái sự hành trì huân tu, ta tìm lại được chính kho tàng vi diệu nơi tâm của mình, để cuộc sống này dù có xảy ra chuyện gì đi nữa, tâm chúng ta vẫn tự tại an nhiên, hạnh phúc vẫn đầy đủ, phiền não và đau khổ sẽ vắng mặt từ từ. Rất khó để duy trì một sự thực tập tu luyện hằng ngày. Công việc bận rộn, nhiều chuyện xảy ra, chúng ta ngừng một ngày gọi là vì bận rộn nhưng cả tháng sau chưa thể trở về với sự tu tập. Vì trong chúng ta đã có thói quen làm việc theo ngẫu hứng, hứng thì làm, tung hứng làm ngay, nhưng cái hứng đó chỉ chợt loé lên rồi tắt. Vì vậy mà bao nhiêu năm qua, không phải chỉ sự tu tập, mà nhiều thứ ta làm dồn dập và để nó rơi vào quên lãng. Sự cần thiết trong cuộc sống là nhìn rõ mình. Vậy, các bạn và Bảo Thành đã bao năm qua mỗi một ngày đều an vui trong sự tu tập. Có ngày các bạn hiện diện đủ, cũng có ngày vắng mặt, nhưng không phải vì các bạn bận rộn rồi Bảo Thành không lên trên mạng đồng tu với các bạn. Duy trì sự tu tập thường xuyên là điều tốt, các bạn cố gắng.

Chúng ta thường bị cái gọi là hợp nhãn hợp mắt. Cái con mắt nó ưa là bổ nhào vào, cả đời không thoát ra được. Do đó mà nghệ thuật trang trí đã hình thành để hấp dẫn cái con mắt chúng ta. Nhìn đâu mà ưa con mắt, tốn tiền cũng sẵn sàng, cả đời bán thân cho họ cũng sẵn sàng. Người ta còn khai thác không những cái con mắt mà cả cái lỗ tai để hấp dẫn. Nhưng hôm nay chúng ta thấy có một cái điều rất kỳ là nơi mỗi người thường nhìn ở bên ngoài để đánh giá người khác. Nhìn cái bên ngoài đánh giá người khác là chuyện hầu hết chúng ta mắc phải, phạm phải. Hồi nhỏ Bảo Thành nghe cái câu tục ngữ ông bà cha mẹ dạy: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng mà cái nước sơn hào nhoáng sơn lên những cái loại gỗ tạp, rồng rắn bay lượn, ta   mê ta mua ngay, nhưng về nhà chỉ dăm ba bữa con mối nó cắn vô mục nát. Con mối của cuộc đời qua thời gian nó gặm nhấm, để rồi cái sự hào nhoáng ưa mắt bên ngoài nó phũ phàng rơi xuống, ta nhận ra cái giá trị thật ở bên trong đã muộn. Nhiều người đã than vãn cả cuộc đời: Ôi! sao thuở đó mình nhìn không rõ để thuở này đau đớn. Có đó! Chúng ta đã lầm vì đánh giá cái hình thức bên ngoài, lầm nhiều lắm. Chắc chắn các bạn và Bảo Thành đã lầm thật nhiều khi vội vội vàng vàng nhìn hình thức bên ngoài để đánh giá. Cái điều này thường xảy ra. Cái mắt đẹp, nhìn thấy đẹp – ưa! Mà các bạn có biết cái nghệ thuật người ta gọi là hoá trang chưa? Một con người bình thường thôi, bôi phấn bôi son trét lên trên mặt hoá trang nghệ thuật ấy, ta thấy thay đổi 100 %. Biết bao nhiêu những chàng rể cô dâu, đời thường nhìn rất thường, nhưng ngày cưới lộng lẫy lên xe hoa chụp một tấm hình rồi ngày sau con cháu nó nhìn vào cứ ngỡ hồi trẻ cha mẹ, ông bà mình đẹp thế. Chúng ta đã trét lên khuôn mặt của cuộc đời này những cái cho là ưa thích và đẹp, nhưng chỉ phủ một lớp như thế đâu có tồn tại mãi được. Và cái thực tế trong cái thời kỳ này đây Bảo Thành đang ngồi ở trên YouTube, Facebook, Zoom, có những cái phần app (ứng dụng) đẹp, nâng tầm để Bảo Thành nhìn trẻ và đẹp đó, nhưng mà gặp rồi các bạn sẽ ngỡ ngàng mà thôi. Hình như chúng ta vẫn ưa và đánh giá nhau qua cái bề ngoài.

Thời xưa, thời Đức Phật ở thành Xá Vệ, có một cô làm công việc quét rác ở trong thành phố nơi Đức Phật cư ngụ. Ngày quét, đêm cô ấy chăm sóc cho mọi người. Quần áo thì dơ bẩn, người thì đầy mùi. Hầu hết thành phố đó người ta không ưa cô, bởi cô nhìn dơ lắm, bẩn lắm, mùi thì đầy đủ hết, nhưng cô ấy vẫn tận tụy vui vẻ cười nhẹ nhàng quét rác, quét rất tận tụy. Ngày ấy, Đức Phật thuyết pháp cho cô ấy nghe và nói chuyện với cô ấy và mời cô ấy cố gắng tinh tấn học. Những người trong thành nghe Phật thuyết pháp, gần gũi với Phật, thân cận với Phật tỏ ra không ưa: người chi mà dơ dáy sực mùi, Đức Thế Tôn thì cao quý và chúng ta kính trọng Ngài dường nào, sao Ngài lại có thể tiếp xúc nói chuyện với cái người dân hạ đẳng quét rác hôi thối dơ bẩn kia? Đức Phật hiểu ý được những người đó xì xầm tiếng to tiếng nhỏ, ồn ào cả thành phố. Nhân dịp họ nghe pháp và cái cô quét rác kia cũng gần đó, Phật nói cho họ: “Cuộc sống này ngắn ngủi Vô T hường, vạn sự ta nhìn thấy qua con mắt đừng có mờ mà lầm tưởng giá trị con người chỉ qua cái nhìn của chúng ta mà thôi. Một con người dám làm chuyện người khác không dám làm là cao quý. Một con người dám làm cái chuyện quên luôn cả mình vì người khác, đó là một người cao quý. Một con người dám mang rác rưởi dọn sạch để người khác tận hưởng không khí trong lành, đường phố tươm tất là cao quý”. Ngay lúc đó, Phật đang giảng, người phụ nữ quét rác kia đã về nhà tắm rửa sạch sẽ và lên đồ thật đẹp, đi tới ngồi nghe Phật giảng. Ai cũng ngỡ ngàng vì người đẹp như hoa đến nghe Phật giảng. Nhưng khi người ta quay lại nhìn mới nhận ra cái người đẹp kia chính là cô quét rác trong thành phố. Các bạn! Lúc ấy Phật mới giảng: “Cái tâm dơ bẩn của con người, cái tâm đố kỵ chanh chua, ghen ghét, hại người, sân giận, khoe khoang, làm ác rửa gội rất khó, nhưng cái bụi bặm dính vào, mùi hôi ám vào, đấy, hãy nhìn cô ta đi, chỉ tắm rửa thôi là sạch. Rất cần tắm gội cái tâm hơn là cái bên ngoài, đừng vội đánh giá người ta qua cái dáng bên ngoài. Phật dạy, mọi người lủi thủi hiểu ra, xấu hổ sám hối.

Các bạn! Chúng ta thường mắc vào cái tật nhìn ở bên ngoài thôi là đánh giá, là thích. Người đẹp vì lụa, lụa là qua cái mặc cái ăn là ta thấy đẹp rồi. Nói như vậy không phải là chúng ta ăn mặc dơ bẩn. Ta phải khéo ăn mặc, ta phải khéo nói, ta phải khéo ở. Ông bà nói: “Đói thì phải cho sạch, rách phải cho thơm”, “Sách cũ phải giữ lấy lề” khuyên chúng ta như vậy thì dĩ nhiên đó là một chân lý để sống. Nhưng ở đời có những cái công việc, có những cái con người, người ta hy sinh thật nhiều như người quét rác giữa đường. Ngày nay chúng ta thấy đó, mỗi một lần sống ở thành phố dù nhỏ hay lớn đã có phương tiện xe đi chở rác, biết bao nhiêu những người công nhân hốt rác đó họ ngồi trên xe hôi thối bởi cái chất dơ chúng ta thải ra. Họ mỗi một tuần nói đúng hơn là mỗi một ngày họ phải dạo khắp các khu phố trong thành phố lượm rác. Chúng ta trả có chút tiền thôi. Cái rác rưởi ta xả ra chúng ta ngửi còn không được, nhưng người ta vẫn cười chẳng phải vì đồng tiền đâu. Ngoài cái đồng tiền làm việc để kiếm sống, còn có cái nhân đức cao cả, có một sự suy nghĩ thật rõ họ mới dấn thân vào con đường đi lượm rác hôi thối của ta. Và dĩ nhiên những người như vậy, cái mùi xú uế rác rưởi của ta ám vào họ, nhưng chẳng thể ám vào tâm của họ. Tâm thanh cao đó vẫn sáng ngời, rác rưởi hôi hám kia rửa tắm là hết. Chưa kể đến những công việc mà người ta phải chui xuống hầm cầu xuống mương, xuống rãnh để làm sạch. Thật nhiều những công việc mà biết bao nhiêu những con người như thiên thần về đêm hoá hiện trong cuộc sống này làm sạch cho chúng ta, như Chư Thiên giáng trần lượm nhặt rác rưởi để chúng ta được hạnh phúc. Nhưng rất tiếc trong cuộc đời này Bảo Thành và các bạn quá vội quá vàng để rồi chỉ nhìn qua cái bề ngoài đánh giá lầm biết bao nhiêu những người thân cận. Câu chuyện Thành Xá Vệ nhắc nhở cho chúng ta đừng vội đánh giá.

Thuở ấy Đức Phật cũng có một người đệ tử xấu xí vô cùng, nhìn thấy là gai con mắt, xấu lắm. Các ông đệ tử thân cận thường ghét và chê bai cái người đệ tử kia là xấu: “Trời ơi! Sinh ra vô phước. Cuộc đời sao lại có kẻ vô phước như thế? Sinh ra xấu xí mà cũng học đòi học Pháp của chư Phật sao, của Thế Tôn sao? Và cái người đệ tử xấu xí kia chẳng bao giờ được đón chào một cách tử tế, luôn bị khinh bỉ”. Một hôm người đệ tử xấu xí cũng nghe Pháp cùng với đại chúng đông, hầu hết là các đệ tử thân cận. Họ nghe Thế Tôn giảng pháp mà lòng không có tịnh, cứ xì xầm chê bai cái đệ tử xấu xí kia. Đức Phật biết đó là thói đời, con người chỉ ưa chuộng cái hình dáng bên ngoài. Phật mới nói cho mọi người thấy: “Người đệ tử này xấu xí nhưng cái tâm của anh ta tràn đầy từ bi và yêu thương. Cái trí của anh ta chẳng mong cầu đã xả buông”. Đó mới là cái đẹp của bậc Giác ngộ nhìn thấy. Còn cái đẹp của những ai chưa có mắt tuệ chỉ là cái đẹp hào nhoáng ở bên ngoài. Cái này thật đúng các bạn ơi! Hai câu chuyện thực tế đời Đức Phật có thể ứng dụng vào cuộc đời này thật rõ. Chúng ta thấy biết bao nhiêu những cái vị nguyên thủ quốc gia vẫn đạp xe đạp đi tới chỗ làm việc. Biết bao nhiêu những người giàu quần áo mua một đồng, hai đồng họ mặc chẳng se xua. Họ ăn những món ăn bình dị bên lề đường, chẳng yến tiệc linh đình và khoe khoang, thậm chí họ còn đi bộ, chẳng ở cung điện.

Có một vị đứng đầu ở tôn giáo hiện thời Thiên chúa giáo là Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô. Ngài không ở cung điện dành cho Đức Giáo Hoàng mà Ngài ở một cái nhà bình thường như bao người khác. Khi Ngài còn khỏe, Ngài thường đi bộ, chẳng cần nhân viên nhiều. Nhưng Ngài là một bậc đứng đầu các tôn giáo với cái hạnh khiêm cung như vậy, bất chợt nhìn thấy Ngài ta thấy một sự khiêm nhường. Nếu chúng ta nhìn rõ thì Đức Phật thuở xưa mặc áo may bằng vải liệm xác chết. Nếu ta đi ngược thời gian trở về thời quá khứ gặp Phật ở trên đường ta chịu không nổi đâu. Bởi cái vải niệm xác chết nó đâu có đẹp gì đâu các bạn. Đi chân đất, đầu trần, chân đi chân đất thời xưa đâu có đường nhựa mát mẻ, đâu có đường xi măng mà là đường đất sình lầy. Cái cao quý của Đức Phật là bậc trí giả, là bậc Giác ngộ. Còn nhìn tướng, nếu các bạn vô tình nhìn thấy thì Đức Phật chẳng có cái gì ngoài cái tướng hảo đẹp toát ra từ cái tâm thanh tịnh của bậc giác giả chứ chẳng phải cách ăn mặc ở bên ngoài như trong kinh điển thường tán tụng tạc tượng vẽ cho đẹp. Vải liệm xác chết các bạn ạ! Người ta cũng nói và các bạn vẫn nghe: “Chiếc áo không làm nên nhà tu”. Đúng! Nhưng cái áo hào nhoáng với những cái tước vị cao cả với những cái phong cách lộng lẫy trang điểm, nhất định sẽ làm cho chúng ta sa đà té chết, bởi vội vàng nhìn thấy cái bên ngoài mà coi là cao trọng. Người học Phật ta tìm lại cái sự cao quý ở bên trong, không trang điểm qua cái ngôi vị của những hình thức sắc tướng bên ngoài trong pháp tu như: quỳ lạy, cúng kính, lễ lạy. Mà ta lột bỏ tất cả những cái vỏ bọc bên ngoài để tạo nên một cái tướng chân thật, trở vào bên trong nhìn rõ cái bản tâm qua hơi thở Chánh niệm, khơi dậy cái tình thương lớn mênh mông và vô tận, tâm từ bi và yêu thương. Như người đệ tử của Phật xấu xí nhưng tâm của anh ta tràn đầy từ bi và yêu thương. Như người đệ tử của Phật xấu xí kia nhưng trí của anh ta chẳng mong cầu đã xả buông, yêu thương và xả buông, không mong cầu. Đó là bậc chứng đắc con đường của Phật dạy, thật khiêm tốn trong hơi thở Chánh niệm nhẹ nhàng vào ra, giữ tâm thanh tịnh, lột bỏ tất cả mọi sắc tướng, trở về với cái tình thương lớn và thể nhập vào trí tuệ để xả buông chẳng mong cầu, bởi hiểu thấu cuộc đời muôn sự đều là Vô Thường đổi thay. Từ đó ta mới trở thành người có cái tâm tỉnh thức trong cuộc sống, để nhận ra cái giá trị vi diệu siêu màu của chúng ta là tâm tánh thiện lành. “Nhân thơ sinh, tánh bổn thiện” “chiếc áo không làm nên nhà tu” chỉ có tánh thiện mới thể hiện cái tâm của người tu mà thôi.

Bạn có đang đánh giá người ta qua cái hình tướng bên ngoài hay không?

Bạn có đang sống ảo với cái hình thức bên ngoài hay không?

Biết bao nhiêu những mặt hàng nhìn hào nhoáng mua về toàn hàng giả hàng độn. Ông bà ta nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” ,“chiếc áo không làm nên nhà tu”, thế mà Bảo Thành và các bạn chỉ ham hố cái hình tướng bên ngoài. Không những ưa chuộng người đắp lên cái màu sắc của tôn giáo của cuộc sống, mà ta cũng tự mày mò trang điểm cho cái màu sắc dị hợp tôn giáo ta theo mà quên đi cái rất đẹp, rất kỳ diệu nơi tâm của mình, đó là tánh thiện lành. Tâm phải từ bi yêu thương, trí phải không cầu tức là vô cầu xả buông. Đó là người tu. Và cuộc sống này đây, biết bao nhiêu con người nhìn dơ bẩn, hôi thối, xấu xí nhưng có cái tâm thanh cao vi diệu đi vào lòng đời để dọn dẹp rác rưởi cho muôn người được sống đẹp và sạch.

Tâm từ bi, yêu thương, trí vô cầu xả buông là điều nhắc nhở cho mỗi người chúng ta. Người học Phật, tâm từ bi yêu thương là tâm Mu A Mu Sa. Chúng ta nhiếp vào nơi ấy mỗi một ngày trong Chánh niệm của hơi thở để trở về thành như người đệ tử xấu xí cái hình thức bên ngoài, nhưng cái tâm lại tràn đầy từ bi yêu thương, tâm Mu A Mu Sa. Trí vô cầu xả buông là Trí thấu rõ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, hiểu được Vô Thường nên vô cầu xả buông.

Các bạn! Thức tỉnh thôi: Ma Sa Ốp Uê . Thiện lành thôi: Sa Bi Mô U. Bốn mật ngôn vi diệu ta quán chiếu từng giây phút trong hơi thở Chánh niệm làm cho cuộc sống của chúng ta rụng rơi tất cả những cái hình tướng bên ngoài, nhìn rõ cái bản tâm trong suốt ở bên trong. Và từ đó, ta không vội vàng đánh giá người qua cái hình tướng bên ngoài nữa, mà qua cái con mắt của bậc giác giả nhìn rõ cái tâm chân thật của nhau mà tới đối xử sống hòa hợp trong yêu thương.

Các bạn, chúng ta hãy trở về với hơi thở Chánh niệm.

Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con hiểu thấu được lời Phật dạy, chính là cái tâm đừng vội vàng đánh giá người qua cái tướng bên ngoài, “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “Chiếc áo không làm nên nhà tu”. Chỉ có cái tâm thiện lành từ bi yêu thương và cái trí vô cầu xả buông mới làm nên sự tinh khiết của bản tâm.

Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

Sa Bi Mô U

(7 biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn