Search

4021 Nguyên Nhân Của Thất Bại

Trần Công Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.

Mời tất cả mọi người hãy quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con miên mật, tu tập mật thiền chánh pháp để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác và sống một đời sống thiện lành, ngõ hầu quán chiếu thấu rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trong chánh niệm của hơi thở mật thiền, chúng ta từng hơi thở vào ra quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê và tâm tánh thiện lành chân như qua mật ngôn Sa Bi Mô U, chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Các bạn đồng tu thân mến, cuộc đời này hai chữ vô thường hình như không còn ở trong Phật giáo nữa, bao nhiêu chuyện xảy ra thế giới này, con người đều nhận diện sự vô thường trong cuộc sống, có đó rồi mất, đang khỏe rồi bệnh, đang sống lăn đùng ra chết. Biến động trên thế giới thật khủng khiếp qua những năm vừa qua, vô thường dù có chấp nhận, hiểu biết hay không nó vẫn hiện diện và xảy ra. Rất may trong sự vô thường đó chúng ta vẫn thường miên mật tu tập mỗi ngày. Thăng trầm trong cuộc đời là lẽ dĩ nhiên, nhưng thường tu tập trong chánh pháp để tích lũy năng lượng thiện lành, tăng trưởng phước báu, khai mở trí tuệ, sống đời tỉnh giác trong tâm tánh thiện lành thật khó. Nếu mỗi người chúng ta không có một sự quyết tâm dõng mãnh, sự tu tập chẳng thể miên mật, chẳng thể mỗi ngày, lâu lâu tu một bữa rồi nghỉ dài hạn. Chân lý đơn giản không ai ăn một bữa suốt đời nhịn ăn, chẳng ai uống một lần muôn kiếp chẳng cần, ăn uống là thường nhật để nuôi dưỡng sự sống.

Thế vậy sự tu của chúng ta lại quá ít ỏi so với sự mong cầu đạt được thành công trong con đường đạo. Nghịch lý ở đời không thể ngưng ăn để sống, chẳng thể không uống mà tồn tại, nhưng không tu mỗi ngày mà cứ vòi vĩnh với Phật “Phật ơi con muốn chuyện này, Phật ơi con muốn chuyện kia”

Chúng ta cứ đóng vai như một trẻ thơ ngây ngô, hiểu mà cứ khù khờ, tới với Phật trong một chút hương quả, hoa trái, sính lễ nhỏ nhỏ thôi mà vòi vĩnh quá trời, đủ mọi chuyện. Sự vòi vĩnh để cầu nguyện Phật ban ân bố đức đưa đến sự thành công trong cuộc đời, nếu mà nghĩ cho kỹ chúng ta đã đối xử với Phật quá tệ, coi Ngài như người làm công, coi Phật, coi Bồ Tát, coi thần thánh như là ô sin để sai vặt, cầu cạnh, mong muốn. Nói có vẻ đau lòng nghịch lý nhưng hiện thực là như vậy, chúng ta đã như vậy.

Năm thứ tư rồi với mật ngôn Sa Bi Mô U, khai thác kho tàng vĩnh cửu thường hằng là tâm tánh thiện lành vốn có nơi tâm Phật chân như của mỗi người chúng ta, mà Phật khi giác ngộ đã thọ ký “Ta là Phật, các con là Phật sẽ thành”

Là Phật sẽ thành, chữ Phật sẽ thành đó có nghĩa ta luôn luôn có nhân của tâm tánh thiện lành để thành Phật. Bốn năm liên tục cùng với nhau vượt qua chướng ngại của những năm dịch nguy hại, làm cho biết bao nhiêu người giã từ cuộc đời chẳng bao giờ trở lại và có các bạn, những người thân có thể là ông bà, cha mẹ đã ra đi vào mùa dịch của những năm qua, đau đớn nhìn sự ra đi, nhưng chúng ta vẫn kiên nhẫn, kiên trì hành trì giáo pháp của Phật mỗi một ngày. Mỗi một ngày Bảo Thành vẫn ngồi đây trên kênh YouTube, Facebook và nay có cả zoom nữa, để sách tấn bản thân và mời gọi các bạn hãy kiên nhẫn trên con đường tu. Phải như vậy, luôn luôn tu, không thể sao nhãng, coi thường và biến Phật thành osin để sai khiến, mang lại cho chúng ta những điều cần thiết trong cuộc đời.

Các bạn, câu hỏi hôm nay bạn gửi tới để chúng ta suy ngẫm, chia sẻ, “Nguyên nhân của thất bại”. Ai ai cũng sợ sự thất bại và những ai đó đã từng thất bại trong cuộc đời khi nghĩ đến sự thất bại hoảng hồn, hoảng vía, sợ hãi tái tím cả mặt mũi, bủn rủn cả chân tay, nhiều người đã bị thất bại nay nghĩ tới có thể bị sảng, bị điên, bị khùng, túng quẩn không biết phải làm gì, bởi sự thất bại đó quá lớn và đau đớn. Thất bại thì nhiều mặt, nhưng tụ chung cũng có những ý chia sẻ với chúng ta linh tinh lắm. Đức Phật nói đơn giản chúng ta chỉ thất bại hoặc thành công về những phương tiện như về tiền, về tình, về danh, về quyền lực. Thất bại về tiền, về tình, về danh, để rồi mất nhà mất cửa, ăn uống không ngon, sinh ra bệnh. Ai đã một lần thất bại trong tình cảm đau đớn vô cùng, thiếu gì những người ở trong nhà thương tâm thần là những người thất bại về tình, thiếu gì những người đang ở trong bệnh viện tâm thần là những người thất bại về danh, về quyền lực, về tất cả. Tiền, tài, danh, ba thứ ấy thất bại đều đau, đều khổ mà nguyên nhân thất bại là gì?

Có hai điểm trước khi đi vào sơ sơ gợi ý ta hãy nhớ, có những người ở trên đời này làm chơi mà ăn thật, có những người làm thật nhưng chẳng có mà ăn, câu nói đó thuận tai, thuận ngữ, nghe đúng. Nhiều người nghe qua thôi mua đất bán lại đã thành công, họ có chút vốn mua thửa đất bán lại họ lời gấp đôi. Nhưng có nhiều người khôn ngoan tài giỏi, mua đất tích lũy, vừa mua xong nhà băng cũng đóng băng, đại dịch kéo tới, kinh tế suy sụp, thế là kẹt cứng. Trường hợp này có, không phải ngày xưa mà ngay bây giờ vẫn có. Có những người bình thường thôi, kiến thức cũng không là bao mà mở một tiệm tạp hóa nhỏ buôn bán thịnh vượng. Có những người học đại học kinh tế, quy mô trang điểm đầy đủ hết, trang trí rồi dùng kiến thức kinh doanh học hỏi, ứng dụng rõ ràng nhưng rồi cũng lụi tàn.

Bảo Thành mới quen một vài thanh niên trẻ mới ra trường đại học kinh tế, kinh doanh giỏi lắm, muốn thị hiện cái giỏi của mình trong sự thực chứng bằng kinh doanh, do đó chẳng nghe người lớn trong gia đình dù không có bằng cấp là kinh tế đại học gì đó, những người trong gia đình làm ăn thành công đấy nhưng không có bằng cấp. Cậu sinh viên trẻ có bằng cấp nên chẳng nghe người nhà, muốn chứng tỏ tài năng bằng đại học kinh tế của mình, ra mở một tiệm kinh doanh, nhưng chỉ mấy năm phải dẹp tiệm. Nhưng cũng có những người rất bình thường, góp được chút vốn mở đâu phải là tiệm, đứng bên lề đường thôi các bạn, bán chút quần áo, vậy mà có tiền nuôi con nuôi cái, dài dài có dư của mua đất, mua nhà.

Bạn vẫn thấy đó biết bao nhiêu những người bán hàng rong ở ngoài đường, buôn gánh bán bưng, các bạn thấy không đơn giản cái thùng, cái thúng, chổ nhỏ nhỏ thôi, cái xe đẩy ngoài đường, vậy mà có thể nuôi con để trở thành tiến sĩ, họ vẫn thành công trở thành tài, thành danh. Buôn thúng bán bưng, những người mẹ đó tần tảo vẫn nuôi được mà. Nhưng có biết bao nhiêu người tài ba, kiến thức uyên thâm, cả thế giới kính nể, thế mà rồi tàn lụi. Cách đây những năm xưa có một người rất tài ở Trung Hoa gọi là ông Jack Ma, ngày nay hình như đã ẩn vào núi chẳng còn nghe tiếng tăm, giới trẻ Việt Nam tôn vinh thần tượng của ông ấy thành công, ông ta từng đi diễn thuyết trên những diễn đàn kinh tế để thúc đẩy giới trẻ vươn tầm, giỏi, kinh tế giỏi về muôn mặt. Nhưng rồi bạn tìm đâu cũng thấy khuôn mặt của ông ấy, ngày nay hết rồi.

Nguyên nhân thất bại là do chúng ta, thứ nhất là không có kiến thức và quan trọng hơn là thiếu phước, vô phước. Những người có phước lành làm chơi mà ăn thật, những người vô phước làm thật mà chẳng có gì ăn. Có một bậc thiên nhân tới hỏi Phật rằng “Phật ơi, nguyên nhân của thất bại là gì?”

Đức Phật nói đơn giản thôi, ngoài kiến thức thì nguyên nhân của sự thất bại hay thành công vẫn chính là phước báu, phước báu. Kẻ vô phước làm gì cũng thất bại và khi thất bại rồi thì thảm bại luôn tinh thần. Còn kẻ có phước làm đâu thành công đó, nếu có thất bại thì học hỏi được nơi sự thất bại đó, xây dựng trở lại để ứng với câu thất bại là mẹ thành công. Mà đúng người có phước thì thất bại họ có cái nhìn sâu sắc vào nguyên nhân thất bại, nghiên cứu để vươn tầm. Kẻ vô phước thất bại một lần tẩu hỏa nhập ma, điên khùng, điên rồ sợ hãi.

Nguyên nhân thất bại Đức Phật dạy trong kinh nói thật rõ, rất đơn giản ai nghe qua cũng hiểu, người thiếu phước là người không biết san sẻ, không biết hiếu đạo với cha mẹ, là người tự cao tự mãn, là người không biết thông cảm để đồng hành với mọi người. Các bạn, chúng ta phải nhớ những điều rất căn bản, lời Phật dạy căn bản và rõ ràng không có hiếu với cha mẹ, tự cao tự mãn, không biết san sẻ, không biết đồng cảm và yêu thương mọi người, thường hay tự mãn đó các bạn, tự dại. Đơn giản vậy, rất đơn giản, để có phước mà thành công trong cuộc đời về muôn mặt, sự hiếu thảo với cha mẹ là cội nguồn tăng trưởng kiến thức, trí tuệ. Thường người thông minh là người có hiếu đạo. Thường người thông minh học giỏi là người biết yêu thương và san sẻ. Thường người thông minh học giỏi là người không có tự mãn, tự cao. Thường người thông minh học giỏi, có trí tuệ nhìn thấu là người biết đồng cảm, đồng hành với muôn người. Những điều đơn giản như vậy thôi các bạn, bốn điều đơn giản Phật chia sẻ Bảo Thành nghe hiểu, thực hành được, các bạn nghe hiểu thực hành được. Chẳng cầu kỳ những lý giải trong khóa phân tâm học của Phật giáo, tâm lý học của Phật giáo hay của đời, để đi chi tiết.

Người ngỗ nghịch, bất hiếu với cha mẹ dù kiến thức có sâu dày đi nữa, thì kiến thức đó chẳng thể ứng dụng, có chăng thành tựu một thời rồi thất bại mãi mãi, điều đó đã chứng tỏ thật rõ ở trên đời này. Phật dạy có thất bại thì có thành công, nhưng nguyên nhân thất bại thường là những kẻ vô phước, những người thiếu phước và nguyên nhân đưa đến sự thành công thường là những người có đầy đủ phước báu. Cuộc sống này mỗi người chúng ta luôn luôn phải nhớ để tích lũy phước báu của mình, qua những hành vi rất bình thường có thể ứng dụng được ngay trong cuộc đời này, thông qua những nghi thức cúng kính, nghi lễ hoặc những điều gì được viết lại quá cao siêu. Là Phật tử tại gia chúng ta rất cần sự thành công, thành công trong tình yêu đôi lứa của vợ chồng, con cái hoặc tình cảm với cha mẹ. Người sống cư sĩ tại gia hay cả những bậc xuất gia, thì tình cảm giữa người với người vẫn là mối giao hảo thiện lành cần có, để đời sống an lạc và hạnh phúc. Ai hạnh phúc và an lạc được nếu như giữa tình vợ chồng,  giữa cha mẹ con cái, chòm xóm và bạn bè chẳng thể sống an vui với nhau. Tình người rất cần nơi cuộc sống, giữ được giềng mối, sự giao hảo trong an hòa là hạnh phúc.

Để có được sự thành công nơi tình cảm này mỗi người chúng ta luôn luôn phải biết lắng nghe, san sẻ, biết đồng hành đồng sự, biết khiêm tốn và biết hiếu đạo, thương yêu mọi người chân chính, vậy thôi là có đầy đủ phước báu. Để thành công trên vấn đề tình cảm trường tồn mãi mà thôi, người có đầy đủ khí chất trong sự tu luyện giữ được sự giao hảo, thuận lòng với mọi người, thì tâm thái bình an, thư giãn, trí tuệ sẽ được khai mở. Người thành công về tài chính, về tiền tài cũng phải là người có khí chất, có lòng hiếu đạo với cha mẹ, có khí chất biết san sẻ những gì họ có trong những điều kiện cần thiết, vừa đủ để giúp đỡ mọi người, có khí chất thật khiêm tốn khiêm nhu, có khí chất biết đồng hành, thông cảm với mọi người. Người ấy sẽ tăng trưởng được kiến thức, cái nhìn sâu sắc hơn vào mọi cách làm ăn buôn bán để đưa đến sự thành công bền vững. Trong kinh doanh người thành công về cái danh, quyền lực, chức vụ ở đời cũng cần phải thực hành được những điều như kia mới tồn tại được. Sự thông cảm và đồng hành với người dân, sự đồng cảm và đồng hành với khách hàng, sự thông cảm và đồng hành với mọi người, sự san sẻ, sự yêu thương, sự hiểu thấu, giữ cho mình giữ được trạng thái quân bằng trong cuộc sống. Cái danh của mình, quyền lực của mình, chức vị của mình sẽ bền vững bởi mình trở thành người phục vụ nhân dân, phục vụ mọi người. Còn không có được những tâm tánh như thế, ta sẽ trở thành người dùng quyền lực để thâu tóm tiền tài, danh vọng, địa vị về cho ta, thế là tổn phước, mất ngay thôi.

Thời gian vừa qua trên thế giới, cả thế giới này và trong nước biết bao nhiêu người có danh, quyền, chức cao sang, thế mà chỉ một đêm trắng tay mất hết. Đức Phật dạy thật đơn giản cho hàng Phật tử tại gia của chúng ta, Đức Phật dạy thật đơn giản cho những người căn cơ thật yếu như Bảo Thành và các bạn, nghe đều hiểu và thực hành được để đưa đến sự thành công. Không tích lũy những nhân tạo ra sự thất bại trong cuộc đời về tình, tài và danh các bạn, đó chính là lòng hiếu thảo của chúng ta sẽ tăng trưởng được vô vàn phước báu, trở thành người có phước, không biến thành kẻ vô phước. Đó chính là biết san sẻ, với mọi người. Đó chính là biết đồng hành, đồng sự, thông cảm. Đó chính là lòng khiêm tốn. Chỉ có vậy thôi, bốn điều rất căn bản còn rất nhiều rất nhiều nhưng chẳng cần miên man đào bới, bốn điều căn bản này sẽ tạo cho mọi người chúng ta có đầy đủ phước báu. Ở địa vị cư sĩ tại gia hay nơi chốn thiền môn xuất gia đều phải có bốn điều căn bản đó, nhìn rõ, hiểu thấu, thực hành mỗi ngày nhất nhất chúng ta sẽ tích lũy được thật nhiều phước báu, để đưa đến sự thành công.

Các bạn ơi, nguyên nhân của sự thất bại là chúng ta thiếu kiến thức do chẳng bồi dưỡng tâm tánh thiện lành, sống hiếu đạo với cha mẹ, sống biết san sẻ với mọi người, sống biết đồng hành, thông cảm và đồng sự, sống nơi tâm tự cao tự mãn, đó là nguyên nhân đưa đến sự thất bại và làm mù kiến thức. Hãy nhớ biết bao nhiêu hiện tượng xảy ra ở đời thật là một nghịch lý, làm chơi ăn thật, làm thật mà chẳng có ăn, là sự thật đã, đang và luôn luôn xảy ra trong cuộc sống này. Mỗi một lần thất bại là một sự đau đớn, nếu không đủ phước thì thất bại mãi mãi. Còn đủ phước mỗi một lần thất bại sẽ trở thành nền tảng để đưa đến sự thành công và khi chúng ta khởi công một sự gì, phước báu đầy đủ muôn sự lành điều tiếp ứng, để sự khởi sự đó là con đường đưa đến sự thành công cho chúng ta. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Lời của Ngài dạy chúng con đơn giản, bình thường, dễ hiểu và ứng dụng, thế mà bao nhiêu năm nay chúng con cứ tìm bới những cao siêu vượt tầm, đắm đuối trong những phương thức được tiếp thị do những nhà kinh doanh ngôn ngữ, để rồi chúng con điên đảo trong cuộc đời này, trở thành những kẻ vô phước. Xin gia trì cho chúng con biết tích lũy, biết tu tâm để có được phước báu trong cuộc sống hiện thời.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn