Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.
Mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con miên mật tu tập mật thiền chánh pháp, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng trí tuệ, sống đời tỉnh giác, thể nhập vào tâm tánh thiện lành, quán chiếu thấu rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng nhiều đời được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc, xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi vững chãi, toàn thân buông lỏng, trở về với hơi thở của chánh niệm. Tay phải của chúng ta tượng trưng cho Trí Tuệ, tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Lời Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Từng hơi thở vào ra trong chánh niệm chúng ta hãy quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, quán chiếu tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, quán chiếu tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê và tâm tánh Thiện Lành chân như qua mật ngôn Sa Bi Mô U, chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa và hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)
Mô Phật! Các bạn đồng tu thân mến. Hôm nay có một câu hỏi để chia sẻ cùng chúng ta, câu hỏi này rất thiết thực bởi thường xảy ra và chúng ta phải trực diện với sự việc này. Người học Phật cần phải hiểu rõ giữa Phật giáo, nền minh triết của Đức Phật dạy, tu tập, rèn luyện để hết khổ đau, chấm dứt luân hồi. Nền Phật giáo được phổ truyền vào các dân tộc quốc gia, hòa vào những phong tục tập quán bản địa, từ đó những nghi thức của Phật giáo được chế tác nhằm mục đích giáo dục, cũng gắn bó với tôn giáo bản địa, niềm tin riêng của mỗi người mà hình thành muôn màu, muôn sắc. Các bạn, câu hỏi “Cầu siêu như thế nào là đúng, nghi thức nào là hay nhất?” Đức Phật dạy cầu siêu theo phương pháp kinh điển còn ghi lại có không? Để chúng ta mỗi khi người thân mất hoặc ai đó mất chúng ta cầu siêu cho đúng.
Các bạn, hai chữ cầu siêu và cầu an rất thịnh vượng ngày nay nơi các chùa chiền am thất. Không một ngôi chùa, tịnh thất nào, không một trời được gọi là thiên Chúa giáo hay Phật giáo mà thiếu đi hai chữ cầu siêu, cầu an. Người Phật tử của chúng ta thường chứng kiến những đám tang của người thân hoặc đâu đó những nghi thức chẩn tế, cầu siêu lạ lùng, khác biệt tùy theo từng vùng miền. Có những nghi thức cầu siêu cả 7 ngày, cả một tuần, nhiều hơn nữa là coi ngày giờ để quá lâu. Trong các nghi thức cầu siêu của mỗi một vùng miền khác biệt, nghi thức cầu siêu còn đậm nét văn hóa dân gian, tế tụng, cúng kính, văn tế đọc thảm thiết.
Ngày nay văn hóa kinh sư, cúng tế, chẩn tế, cầu siêu được hình thành và ứng dụng rộng rãi có quy mô của tôn giáo. Những bước và từng bước được hình thành như vậy đậm nét văn hóa bản địa như cầu siêu, chẩn tế miền trung, miền Nam, miền Bắc, từng vùng miền khác nhau. Cái khoa ly cầu siêu, cầu an ngày nay đã được hình thành và được dạy. Chúng ta không đi vào những nghi thức đó và hãy nhớ rằng tất cả mọi nghi thức tống táng ngày nay, cầu siêu, cầu an ngày nay được hệ thống hóa bởi các bậc tổ, các vị thầy chế tác ra cho phù hợp, nâng tầm kiến thức Phật học và khuyên nhủ người sống cũng như nhắc nhở người đã mất cái thân này. Tùy vào vùng miền niềm tin các tổ, các thầy chế tác, phương tiện phức tạp hay đơn giản được lưu truyền tới ngày nay và hệ thống hóa quá quy mô và lớn, kéo dài đôi khi mệt mỏi cả người sống lẫn người đã mất.
Vào thời Đức Phật có chữ cầu siêu và cầu an trong kinh Ngài dạy hay không? Hai chữ cầu an và cầu siêu trong Tam Tạng kinh điển của chư Phật dạy, của Đức Phật dạy hoàn toàn không có chữ cầu an và cầu siêu. Nó hình thành đậm nét khi Phật giáo Đại thừa truyền qua bên Trung Hoa, một nước văn hóa lớn hòa trộn giữa Lãng Tử, Khổng Tử. Cho nên các bậc Tổ Trung Hoa thời xưa quán chiếu căn cơ của từng vùng, miền, bản địa thời ấy hòa nhập cái chung của dân tộc và nền minh triết của Đức Phật vào chế tác ra khoa nghi cầu an, cầu siêu. Được đặt để hình thành qua các thể loại kinh tùy theo pháp môn như tịnh độ, như thiền, như Phật giáo Đại thừa, có sự tổng hợp các khoa nghi dần dần được hình thành chi tiết hơn, rõ ràng hơn. Nhìn thấy được điều đó thì vấn đề cầu siêu, cầu an hình thành không do Phật mà do các vị Tổ và sự hình thành này tùy theo căn cơ hòa nhập để không có sự chống đối với tôn giáo, niềm tin bản địa của từng dân tộc. Nhìn như vậy ta sẽ mất đi sự chống báng, phỉ báng rằng cầu siêu, cầu an hoàn toàn không phải của Phật.
Theo như Bảo Thành đó là một sự pha loãng ra, để không có sự chống kình vào những thời điểm đó và được truyền lưu tới bây giờ. Dĩ nhiên mỗi một vùng miền, một dân tộc, mỗi một tông phái chế tác ra những kiểu cầu siêu, cầu an khác nhau như tịnh độ, như mật tông, như thiền tông Phật giáo đại thừa. Rồi còn lệ thuộc vào vùng miền Nam, Bắc, Trung hoặc các niềm tin bản địa mà nghi thức được mở rộng, nới rộng khác biệt. Cốt lỗi là cầu an, cầu siêu Đức Phật không có chú trọng và dạy, hai chữ đó hình thành sau này. Vậy khi người bị bệnh, Đức Phật được mời tới Ngài đã cầu an như thế nào? Và khi người chết mời Đức Phật tới Ngài đọc nghi thức cầu siêu như thế nào? Đó câu hỏi mà các bạn đồng tu và những người Phật tử chúng ta thường suy nghĩ, tư duy.
Các bạn, vào thời Đức Phật khi được mời đến thăm viếng người bệnh cũng như người sắp chết, hoặc đã chết Ngài lặp đi lặp lại một bài kinh. Bài kinh đó là bài kinh Vô Ngã Tướng, chứ không đọc cầu siêu hay cầu an như ngày hôm nay, tóc tóc, bong bong và tụng lại lời chính Đức Phật nói. Ngày nay ta tụng kinh, tụng chú là lời của Phật dạy để hiểu, để thực hành. Nhưng chúng ta đã biến lời kinh của Phật như có sức mạnh để làm người khác siêu thoát, hết khổ, tâm an. Thời Đức Phật Ngài lặp đi, lặp lại bài kinh số 2, sau bài kinh Chuyển Pháp Luân ở vườn Nai gặp 5 anh em Kiều Trần Như, bài kinh đầu tiên là bài kinh Chuyển Pháp Luân và bài kinh số hai Ngài dạy là bài kinh Vô Ngã Tướng. Tới với người về bệnh, bệnh về thân bệnh, bệnh về vô thường biến đổi xảy ra hoặc đối với người khổ vì bệnh như vậy hoặc vì sanh ly tử biệt, Ngài nói bài kinh Vô Ngã Tướng để quán chiếu. Nội dung bài kinh Vô Ngã Tướng là hãy quán chiếu những cái đau, những sự khổ và thân này, bà con này, sự nghiệp này muôn điều đang có đều không là tôi. Để từ đó lìa xa bản ngã, chơn ngã ta tự tạo ra, có sự quán chiếu như vậy mới lìa xa được khổ ách.
Ngài luôn nhắc như vậy, nội dung đơn giản hiểu là như thế để thoát khổ. Người bệnh Ngài cũng nhắc cái bệnh này không phải là tôi bệnh, mà là thân vật lý biến đổi trong vô thường mà đau. Để từ đó ta không cầu kính lung tung, mà hiểu được nguyên tắc thân vật lý này đau do tứ đại chuyển xoay vô thường trong sinh diệt mà tích cực trị bệnh, chữa bệnh bằng các phương pháp y học, bằng các phương pháp khoa học, dân gian xưa hay ngày nay. Hiểu thấu được điều đó để không đồng hóa, cường điệu hóa tôi khổ vì thân bệnh, mà thân này bệnh không phải là tôi bệnh. Và vì quán chiếu thấy thân là phương tiện bị suy yếu, bị bệnh tật tích cực ta nỗ lực, ta chữa trị, không bỏ phí, không có lơ. Hầu hết chúng ta thân bệnh ngó lơ ỷ vào, chẳng đi bác sĩ chữa trị, tin vào thần linh cúng kính lung tung, đến khi lâm bệnh quá nặng rồi chữa trị không được. Động vào mê tín dị đoan phỏng đoán lung tung, gán ghép tội lỗi cho người khác.
Các bạn, Đức Phật dạy là minh triết để thay đổi cuộc sống, chẳng phải mê tín dị đoan để đắm chìm trong mê muội. Cả cuộc đời của Đức Phật luôn luôn dạy bài kinh Vô Ngã Tướng để người ta được thoát ra mà an tâm. Khi Đức Phật trở về nhà của mình, vua cha – vua Tịnh Phạn sắp chết, Ngài không cúng kính chuông mỏ mang đệ tử thật nhiều để tụng kinh cầu an cho vua Tịnh Phạn. Khi Ngài mất đi thì Phật cũng chẳng tụng kinh cầu siêu cho vua cha, chỉ nhắc nhở vua cha rằng hãy theo hơi thở của chánh niệm trở về với tâm thức, nhận biết thật rõ những đau đớn của thân khi bị bệnh và hãy nhớ thân này không phải là tôi, bệnh này không phải tôi bệnh. Những suy nghĩ vấn vương về gia tài, về vợ con, về ngôi vị, về quyền lực, hãy nhớ tất cả những điều ấy không là tôi, chẳng thuộc về tôi. Hãy theo chánh niệm hơi thở nhẹ nhàng, hãy dẫn tâm theo những thiện nghiệp mà tái sanh nếu mạng chung, chỉ có vậy.
Nhưng nghi thức cầu siêu biến hóa siêu vi, tinh tế cho thời nay từ những cái áo được chế tác ra như trong phim ảnh, hình thức múa may quay cuồng, y như phim tuồng. Hình thức đó, nghi thức đó ăn sâu bởi lặp đi lặp lại quá nhiều, mà trong cuộc đời Phật tử ít có thời gian nghiên cứu kinh Phật, nên chúng ta dần dần lầm tưởng đó là chân lý minh triết của một sự cúng kính, cầu siêu, cầu an vi diệu không thể bỏ qua. Tất cả các kinh, các thần chú chẳng thể cầu siêu để siêu thoát được các bạn. Kinh sách và thần chú là hướng chúng ta luyện tập cái tâm để thoát khổ, rời xa cái chấp, không bám chặt vào cái tôi. Các bạn nhìn và nghe rõ sẽ thấy thật nhẹ nhàng. Ngày nay kinh Vô Ngã Tướng ít được nhắc nhở trong các nghi thức cầu siêu và cầu an, mà hầu hết thay vào đó là những câu kinh, những bài kinh, những thần chú theo những nguyên tắc đặt để mà chúng ta tin. Từ đấy mà biến ra thêm một ngành khoa nghi cầu siêu, cầu an trong Phật giáo hiện đại, đại thừa, không cần thiết.
Khi chúng ta khổ, bất an, khi chúng ta mất hoặc người thân mất hãy nhớ lời Đức Phật, tự nhắc nhở bản thân hoặc nhắc nhở cho những người khổ, người mất rằng tất cả những gì đau đớn, những gì ta còn đang nghĩ là của ta như nhà cửa, vợ con, như sự nghiệp quyền lực, như thân bệnh, thân đau đều không là tôi, chẳng thuộc về tôi, lìa xa cái tôi đó là quán vô ngã. Chúng ta trong mật thiền song tu quán vô ngã của mật chú NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, như một ánh sáng chiếu soi để nhìn thấu vô ngã mà ly khổ, đoạn diệt phiền não. Các bạn, cầu siêu như vậy được chuyển ngữ hoặc cầu an như thế được chuyển ngữ theo ngôn ngữ thời đại, đúng như lời Phật dạy của kinh Vô Ngã Tướng thật là vi diệu. Bởi khi ngay còn sống chúng ta cầu siêu như thế bằng thấm nhuần tư tưởng của kinh Vô Ngã Tướng, thì khi mất đi những nghi thức cúng kính rườm rà, rần rần, ồn ào chẳng cần.
Bởi nói cầu siêu là để tái sanh, để siêu thoát thì không cần cầu siêu cũng được tái sanh. Vì sao? Vì sự tái sanh chẳng phải nương vào sự cầu siêu, đọc kinh của quý Thầy, quý Sư Cô, nghi thức rình rang, mà sự tái sanh do chính nghiệp lực của chúng ta. Quy trình tái sanh không do cầu siêu, cầu siêu không thể tái sanh, mà tái sanh được siêu thoát theo nghiệp lực của mỗi người. Nghiệp lực thiện tái sanh về cảnh giới thiện, nghiệp lực ác nhiều khi sống tạo ra tái sanh về cảnh giới đau khổ. Cầu siêu không làm cho ta tái sanh như cường điệu hóa, thần thánh hóa của một số vị để chúng ta lệ thuộc vào sự cầu siêu của họ, sự hộ niệm của họ. Hộ niệm không giúp cho chúng ta siêu thoát. Cầu siêu trong các khoa nghi không giúp cho chúng ta siêu thoát, tái sánh, mà sự tái sanh đó là sự vận hành của nghiệp lực nơi mỗi một người. Còn cầu siêu như ngày nay nếu hiểu đúng nghĩa, phải là một sự nhắc nhở cho người bệnh hiểu rõ tánh bệnh mà trị liệu thân này đúng theo khoa học và giúp cho tâm hết khổ bởi những luồng suy nghĩ sai, thì đó là cầu an hay.
Kinh Vô Ngã Tướng nói rõ về điều đó. Kinh này có in ấn thật rõ không cần phải sách vở mang theo, gõ Google kinh Vô Ngã Tướng bạn đọc sẽ hiểu được chân lý vi diệu, nền minh triết cao siêu của Phật dạy thay vì cầu siêu, cầu an lung tung. Các bạn, nếu nói về cầu siêu, cầu an ngày nay mà các Tổ chế ra không đúng là nói sai. Đúng, nhưng đúng chính phương diện nhắc nhở mà thôi, nhắc nhở cho người bệnh hoặc người đã mất hiểu rõ là đã chết. Thân tứ đại hết duyên tan rã đã sạch và hãy theo thiện nghiệp mà tái sanh đừng lưu luyến. Sự nhắc nhở như vậy không phải là làm cho người ta siêu thoát, nhưng làm cho người ấy không còn vướng mắc nhiều bởi hiểu. Tuy nhiên khi người mất đi là cả quá trình khi còn sống họ đã được rèn luyện, tu tập theo pháp môn của họ hoặc không tu tập.
Đối với người đã từng tu tập theo những pháp môn họ tin, thì chúng ta khi tới khai thị nhắc lại lời Phật phải hiểu thấu được pháp môn đó. Khi họ tu Tịnh Độ thì phải hướng dẫn cho họ Tín – Nguyện – Hạnh, niệm Phật bất thối, tâm bất loạn. Bởi cả cuộc đời của họ tin vào điều đó ta nhắc kinh khác họ khó nghe, bởi sự nhắc nhở này chỉ là tăng trưởng thêm sự nhận thức để họ thuận thế vô thường, theo thiện nghiệp tái sanh. Chẳng phải là sự nhắc nhở của chúng ta giúp cho người ấy được siêu, nhưng nương vào sự học của họ, sở học của họ, pháp môn của họ để nhắc nhở, kèm theo kinh Vô Ngã Tướng để họ thông suốt mà nhận diện ra thân tứ đại đã hết, thân này đã chết. Nhưng sự chết này không phải là tôi chết, mà tôi sẽ tái sinh chuyển lưu theo thiện nghiệp mà đi về cảnh giới khác, thật nhẹ, thật là nhẹ.
Theo Bảo Thành đây là phương pháp cầu siêu, cầu an vi diệu cho người sống cũng như người đã mất. Khi còn sống ta biết cầu siêu cho ta bằng kinh Vô Ngã Tướng, thì khi mất đi thuận thế vô thường, theo thiện nghiệp ta tái sinh. Người mất chỉ vài phút là tái sanh theo nghiệp rồi, kéo dài trong kinh thì khoảng 49 ngày. Khi người mất tái sanh ngay là bởi vì họ có thiện nghiệp tái sanh ngay hoặc ác nghiệp quá nhiều họ phải tái sanh ngay. Còn trong vòng 49 ngày chúng ta theo lời dạy như vậy để người sống biết tu thân, biết tích đức, biết cầu phước cho chính mình. Các khoa nghi, kinh tụng trong 49 ngày rất cần cho người sống để tu, để học, để sửa.
Như Kinh Địa Tạng phẩm số 7 nói người mất thì dù ta cúng gì đi nữa, thì 7 phần họ chỉ có thể nhận được sự hồi hướng một phần mà thôi, còn 6 phần là cho người còn sống. Vậy kinh mà tụng trong 7 tuần thất cho người mất, lợi lạc cho người sống nhiều hơn là người đã mất. Sự nhắc nhở và sau đó 100 ngày, một năm, những ngày giỗ cúng kính thì người mất chẳng ăn, tiền bạc vàng bạc đốt thì chẳng được hưởng. Những nghi thức sau 49 ngày là để cho chúng ta theo luật được chế định của các bậc Tổ hoặc truyền thống nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, sum vầy với nhau, nhắc tới những điều thiện, thoát ra khỏi những điều ác.
Các bạn, cuộc sống hôm nay quá bận rộn, chúng ta không còn tự ý thức tu tập theo lời Phật, mà nặng về trọn gói bao luôn những nghi của những nhà quàn, của các chùa chiền thế vào đó để làm việc khi người thân mất đi hoặc khi thân bệnh để cầu an, mà không có tự chủ đứng dậy thực hiện lời minh triết của Phật để chuyển hóa thoát khổ. Ta trọn gói, ta dùng tiền, ta dùng quyền lực vậy có những đám tang lớn, nhiều nghi, nhiều Tăng, nhiều Sư Cô. Thực ra nói đó chỉ là cái tướng của đồng tiền, của sự quen biết nhau, của sự yêu thương mà tới thăm viếng, thì những phái đoàn lớn của những bậc thầy lớn, có kinh kệ thế nào cũng chẳng giúp cầu siêu cho người thân, vì người thân siêu theo nghiệp của họ đã tạo. Cho nên khi thăm viếng những người đã mất, những người bị bệnh khổ đau phiền não hãy đọc bài kinh Vô Ngã Tướng. Các bạn đọc, các bạn hiểu, các bạn có thể tóm gọn lại rằng toàn bộ kinh Vô Ngã Tướng dạy cho chúng ta lìa xa tinh thần tự tạo nên bản ngã. Thân này, xác thịt này, cảm xúc này mọi thứ ở trên đời về vật chất, về cảm xúc đều không là tôi, chỉ là phương tiện mà thôi. Cho nên tôi chuyển theo nghiệp thiện mà tái sanh không luyến tiếc, không chấp, không ôm, không giữ để lưu luyến.
Các bạn, càng khổ hãy thực hiện lời Phật càng đơn giản, khi còn sống thực hành miên mật để rồi khi mất đi ta đã tự thiêu, tự thiêu thân này bằng lửa Kim Cang trong suốt và tự siêu qua các hành trình quán tâm vô ngã của nhà Phật. Cho nên nghi thức cầu siêu như vậy là hay nhất, còn những nghi thức ngày nay không phải là sai, không phải là không nên. Nhưng hãy nhớ đó chỉ là sự nhắc nhở, đã nhắc nhở thì phải nhắc nhở cho khéo. Những người đã mất cần phải nhắc nhở thân này đã đi, đã hết duyên và thân này không là tôi, hãy theo thiện nghiệp tái sanh.
Họ tu pháp môn nào thì khéo diệu dụng những văn tự ngôn ngữ trong pháp môn đó, nhắc nhở cho họ lìa xa thuận theo pháp môn họ tu, họ dễ nghe. Thêm vào nhắc nhở kinh Vô Ngã Tướng như tâm thanh tịnh, khi truyền những lời đó người mất thần thức của họ nghe mà tăng trưởng trí tuệ để nhẹ nhàng ra đi, không còn vướng mắc. Ngay cả người bệnh hiểu rõ để không chấp và tạo ra những suy nghĩ sai, để rồi làm ngơ chẳng trị bệnh của thân để thân bệnh càng nhiều, rồi vu vơ gán ghép tội cho người khác. Các bạn, hy vọng các bạn nghe qua trong khung thời gian thật ngắn, có thêm một chút để tư duy, hiểu thấu và chọn cho mình phương pháp cầu an, cầu siêu đúng như lời Phật dạy. Mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.
Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con miên mật tu tập quán chiếu kinh Vô Ngã Tướng, tinh thần vô ngã qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để trở về với tâm Phật chân như, tâm tánh thiện lành Sa Bi Mô U để tự siêu cho mình, tự an cho mình trong từng hơi thở của chánh niệm quán chiếu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào vào quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)