Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !
Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con tu tập Mật Thiền Chánh Pháp Phật để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức và thể nhập vào Phật tánh Chân Như thiện lành để quán chiếu thấy rõ Vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Xin chư Phật từ bi chứng minh.
Mời các bạn đặt bàn tay phải và lòng bàn tay trái. Tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, tay trái tượng trưng cho Từ Bi. “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Đó chính là lời Đức Phật dạy. Trong Chánh niệm của hơi thở, chúng ta quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, quán chiếu tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, quán chiếu tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, và quán chiếu tâm tánh Thiện Lành qua mật ngôn Sa Bi Mô U. Từng mật ngôn trì trong từng hơi thở, chúng ta sẽ tiếp nhận được năng lượng tha lực của Phật.
Hãy bắt đầu. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
Sa Bi Mô U
(7 biến)
Mô Phật! Các bạn, cuộc sống này, ngay ở trong gia đình, ai ai cũng có những cái điều phải suy nghĩ để làm sao cho gia đình hòa hợp, để làm cho cha mẹ và con cái luôn luôn yêu thương, san sẻ và biết lắng nghe nhau. Tất cả những người con ở trong gia đình luôn luôn học cách để sống chung với cha mẹ và hiểu được cha mẹ của mình. Và tất cả các đấng bậc sinh thành đều yêu thương con cái của mình. Nhưng cuộc sống này không phải chỉ có tình yêu thương của đấng bậc sinh thành đối với con và tình yêu thương của con cái đối với cha mẹ, để rồi chúng ta cứ nghĩ rằng sẽ không bao giờ xảy ra những cái chuyện đau buồn cho nhau. Không nghe được tiếng của nhau chia sẻ, không nghe được những cái lời của nhau, trong cuộc sống của gia đình luôn luôn có, để từ đó biết bao nhiêu những đấng bậc sinh thành đã rầu rĩ, khổ, phiền não vì con cái của mình không nghe lời của mình.
Các bạn hỏi Bảo Thành: “Có cách nào để làm bạn với con?”. Người Á Đông của chúng ta, con là con, cha mẹ là cha mẹ, sao có thể coi và xem nhau như bạn được? Cái khuôn mẫu giáo điều đó được truyền dạy từ ngàn xưa, đặc biệt người Việt Nam ảnh hưởng văn hóa của Trung Hoa, cha mẹ ở trên con cái ở dưới, cha mẹ nói gì con cái phải răm rắp nghe theo. Cha mẹ sinh ra con có cái quyền như thế. Khổng Tử là vị thầy mang cái nề nếp đó hướng dẫn. Mấy ngàn năm rồi hình như nó đã thấm sâu vào trong suy nghĩ của người Á Đông và coi đó như một cái cách gọi là đạo lý của gia đình. Ngày nay nghe câu: “Làm cách nào để làm bạn với con?”, nhiều bậc phụ huynh, các đấng bậc sinh thành cũng không thể nghĩ tới hoặc dám nghĩ, “Như vậy không được! Mình là cha mẹ sao mà làm bạn với con được?”
Các bạn đồng tu có khi nào thấy khó chịu với cái chuyện làm bạn với con không? Chúng ta, những người học Phật, suy nghĩ để tìm hiểu coi đấng mình nương vào nhận làm thầy để học hỏi có dạy cho chúng ta cái cách đối xử, ứng xử như thế nào đối với con cái như một người bạn hay không? Nếu phân tích trong kinh thì rất dài và rất nhiều. Nhưng chỉ một điều duy nhất thôi, Đức Phật không hẳn làm bạn với con cái mà làm bạn với muôn loài chúng sanh bằng cái tâm rất bình thường được nhắc nhở nhiều, nhưng mấy ai trong chúng ta ứng dụng vào cuộc đời đâu. Đó là tâm tánh bình đẳng đối xử trong hạnh lắng nghe và yêu thương. Bình đẳng đối xử với nhau, lắng nghe và yêu thương nhau, điều này chứng tỏ rằng là bạn đó bình đẳng. Đức Phật đối xử với muôn loài bình đẳng hết. Ngài không bao giờ đối xử với chúng sanh, với tất cả mọi người bằng một cái nhân cách rằng: “Ta là Phật cao cả” để rồi mọi người phải phục tùng nghe theo, không thì trừng phạt. Ngài là Bậc Giác ngộ, là Thầy của những ai nương vào Ngài. Nhưng sự đối xử của Ngài với chúng ta thật bình đẳng. Và Ngài không bao giờ tâm niệm rằng lời của Ngài chúng ta phải nghe và tuân theo, phải nghe và tuân theo như một mệnh lệnh. Mà Ngài khuyên dạy, lắng nghe, yêu thương và nhắc cho ta những cái kinh nghiệm của cuộc sống để chuyển hóa phiền não đau khổ, thành tựu an lạc hạnh phúc cho cuộc đời. Nếu như hội đủ nhân duyên tư duy cho rõ, ta nghe ứng dụng vào đời sống thì nghe thôi, không thì Ngài không bao giờ như một mệnh lệnh truyền xuống bắt buộc chúng ta phải tuân theo. Người phải học Phật phải học gương đức hạnh của Phật để từ đó mà cái câu “Cách nào làm bạn với con”? trở thành như một cái chân lý thực sự được truyền trao nơi Đức Phật từ thời Đức Phật để chúng ta trân trọng, chân quý ứng dụng và cuộc đời. Ngõ hầu, gia đình các đấng sinh thành và con cái luôn luôn kề cận, sát cánh, san sẻ, chia sẻ mọi suy tư, mọi công việc, mọi điều mơ ước buồn, vui cho nhau nghe. Nếu chúng ta không làm được điều này như Đức Phật dạy thì nhất định trong gia đình, đặc biệt những bậc sinh thành sẽ khổ vô cùng vì con cái nó không nghe.
Bữa trước Bảo Thành có một bữa ăn tối cùng với các bạn đồng tu. Trong đó có một cô mới quen tới nói với Bảo Thành rằng: “Con cái nó không có nghe”, phiền não, đau khổ, khóc ròng. Mình mới hỏi cô ấy rằng: “Tại sao con cái phải nghe mình?”. Cô ấy nói: “Bởi vì mình là mẹ, con cái bắt buộc phải nghe mẹ”. Nghe câu trả lời này thôi chúng ta đã thấy sai với lời Đức Phật dạy. Bởi chúng ta mang cái quyền lực của một đấng bề trên là cha mẹ, con cái bắt buộc phải nghe theo. Hỏi ra đứa con của cô ấy không còn một, hai, ba, bốn tuổi nữa mà đã là một người cha, có nghĩa đã lấy vợ sinh con, lập gia đình. Nhưng người mẹ vẫn luôn luôn nghĩ rằng con cái nhất định phải nghe lời cha mẹ, còn không là không được, là sai. Cô ấy chưa có lớn tuổi đâu độ chừng sáu mươi mấy tuổi.
Các bạn! Người Á Đông hình như mắc kẹt vào trong cái quyền lực của kẻ bề trên. Cha mẹ nói nhất định con cái phải nghe. Nhưng rồi sao, con cái không nghe đâm ra cha mẹ buồn, khổ, hại đến sức khỏe, tổn hại đến tinh thần, sống không có vui, lo lắng quá đáng. Không biết các bạn ở nơi đây có ai đang ở trong cái trường hợp mà mình nói con cái nó không nghe, mình buồn không? Và mình cứ tủi hoài, làm cha mẹ mà nói không được, con cái không chịu nghe. Có! Nhưng các bạn đừng khi nào nghĩ mình là cha mẹ con cái bắt buộc phải nghe theo. Đã hội đủ phước duyên học được từ Đức Phật và nhận Phật làm Thầy, ta nhất định phải theo lời dạy của Phật, đối xử với con cái bình đẳng và luôn luôn biết lắng nghe yêu thương. Chúng ta không lắng nghe con cái nhiều đâu trong sự dạy dỗ con cái. Thường không phải tất cả, có một cái khuôn mẫu áp chế cho con cái phải làm theo, mà con cái không làm theo, không nghe theo ta khổ. Đúng như lời Đức Phật dạy: những điều bất như ý là khổ, cầu mà không được là khổ. Mới đầu ta nói con cái không nghe, ta khổ, rồi ta cầu mong con cái thành cái này thành cái kia, như vậy như kia không được, ta khổ. Phật đã nhìn ra cái khổ của con người không hẳn chỉ là cha mẹ mà là tất cả những điều bất như ý làm ta khổ. Cầu không được ta khổ. Cho nên làm cha mẹ chúng ta ra cái mệnh lệnh con cái không nghe theo, cái kết ta khổ, ta phiền não. Mà con đường tu là con đường phải nhận ra cái điều đó để chuyển hóa ngay cái phiền não đau khổ này.
Trở về cái cách nào để làm bạn với con cái, cái cách nào mà Phật đã làm bạn với chúng sanh: Bình đẳng tánh trí, lắng nghe và yêu thương. Ba điều này thôi, không cần phải nghiên cứu những cái tâm lý học ở đời truyền dạy, mà chính Đức Phật đã đưa vào đời sống của con người thuở xưa mấy ngàn năm nay một cái nền giáo lý bao trùm cả tâm lý học trong đó để những bậc sinh thành khéo léo ứng hóa, đồng hành một cách bình đẳng, lắng nghe yêu thương con như một người bạn thân để dắt dìu san sẻ, lót đường cho con mình thăng tiến trên những cung bậc thăng trầm của cuộc đời. Các bạn! Một trong những vị Bồ tát ứng dụng tuyệt vời cái tánh bình đẳng, lắng nghe và yêu thương đó chính là Đức Quan Thế Âm Bồ tát. Trong phẩm Phổ môn nói thật rõ: ”Vì sự bình đẳng cho nên Ngài Quán Thế Âm không có ngăn ngại tới với mọi chúng sanh. Vì hạnh lắng nghe nên Ngài Quan Thế Âm Bồ tát luôn luôn đồng hành ngay bên cạnh mỗi chúng sanh. Và vì tình yêu thương chúng sanh, Ngài Quan Thế Âm Bồ tát luôn ứng hóa dưới mọi hình tướng để phù hợp với mọi chúng sanh”. Đó các bạn! Vì yêu thương. Vì yêu thương mà sẵn sàng nhập vai phù hợp với chúng sanh, thì đối với cha mẹ chúng ta vì tình yêu đối với con cái, phải nhập vai phù hợp với mọi hoàn cảnh ở trong cái tâm thế lắng nghe và sự đối xử bình đẳng với con cái. Bình đẳng có nghĩa là cùng đẳng cấp, kiến thức, suy nghĩ. Chúng ta không phải giả khờ giả ngu, nhưng chúng ta phải hiểu được kiến thức lứa tuổi và căn cơ của con cái mình để đối xử bình đẳng. Như vậy và lắng nghe sự san sẻ của con cái trong sự yêu thương ứng hóa phù hợp mọi phương tiện.
Các bạn! Ba yếu tố này là chân lý, không phải là tâm lý để điều phục người khác, mà là chân lý để thực hành, mang lại hạnh phúc an vui cho mình và cho con cái. Ai thực hiện chân lý này: Bình đẳng, lắng nghe và yêu thương, không những sẽ trở thành một người bạn thân đối với con cái của mình, mà trong cái hạnh đối xử bình đẳng, lắng nghe yêu thương kia sẽ tạo được một cái nguồn định lực năng lượng siêu thế, có cái sức mạnh chuyển hóa chính mình và những người chung quanh. Một lời nói ta chia sẻ với con bằng sự bình đẳng phù hợp, lắng nghe và yêu thương nó có cái năng lượng vi diệu. Chúng ta hãy nhớ, đã có biết bao nhiêu thuở và khi trở về với mẹ với cha, cha mẹ nếu đối xử bình đẳng với chúng ta, nếu lắng nghe chúng ta và yêu thương chúng ta thực sự thì khi chỉ cần về với các đấng ấy thôi ta sẽ cảm thấy chan hòa năng lượng, thấy ấm áp, thấy nhẹ nhàng. Đúng như vậy! Khi con cái mệt, khi con cái phải đương đầu với biết bao nhiêu thử thách ở ngoài kia luôn cần một chỗ trở về, chỗ ấy chính là cha mẹ.
Hôm qua Bảo Thành gặp một cô, cô ấy nói có đứa con trai, cậu con trai lớn lắm rồi, cậu ấy cũng có vợ trưởng thành rồi, nhưng thay đổi công việc làm. Trong giai đoạn này lần đầu tiên cậu ấy trở về với mẹ và nói: “Mẹ ơi! Con mệt nhưng con yêu thương mẹ lắm!”. Chỉ một câu như vậy thôi chứng tỏ rằng cha mẹ là cái bến bình yên, là cung trời cao rộng để con cái trở về khi mệt mỏi ở ngoài đời. Cô ấy rất hạnh phúc! Chúng ta cũng như thế. Tại sao con cái khi mệt mỏi, mệt nhoài trong biết bao nhiêu nghịch cảnh thử thách ở ngoài kia lại không trở về với chúng ta để nương vào các bạn? Chính là bởi vì chúng ta sống trên cái cương vị cứng ngắc. Ta là mẹ là cha, con cái phải nghe. Ta không nghe theo lời của Phật dạy dù là đệ tử của Phật, nhưng nghe theo những cái chiến thuật tâm lý hoặc những lời dạy không phù hợp để cứ sử dụng như một cái quyền năng điều khiển con cái. Cuối cùng không được, ta khổ, ta phiền não.
Các bạn! Chìa khóa làm bạn với con cái như Bảo Thành vừa chia sẻ đó chính là một sự đối xử bình đẳng với con cái, phù hợp với kiến thức căn cơ, đừng đặt con mình lên quá cao với những cái mong cầu vượt tầm của con. Con cái sẽ không làm được cái điều như vậy. “Cầu bất đắc”, ta khổ. Đừng bao giờ nghĩ rằng con cái là con, bắt buộc lời to, lời nhỏ đều phải tuân thủ và nghe theo cha mẹ, sẽ xảy ra chuyện không như ý và các bạn sẽ khổ đấy. Cầu không được, mong muốn không được, chuyện không như ý sẽ luôn luôn xảy ra giữa người với người. Và nếu chúng ta dùng cái quyền lực của cha mẹ thì bắt buộc con cái phải nghe thì nhất định các bạn đang trút khổ vào thân.
Hãy học cách của Đức Phật dạy, đối xử bình đẳng phù hợp căn cơ trong cái hạnh luôn luôn lắng nghe mọi tâm tư của con cái mình. Đừng áp chế cái điều mình nghĩ, đừng mang cả một cái guồng máy kiến thức mình thu lượm được, học hỏi được hoặc ứng dụng vào cuộc đời của riêng mình rồi đặt để vào trong đầu của con cái mà không lắng nghe thì nhất định chúng ta sẽ khổ vô cùng. Đối xử bình đẳng phù hợp căn cơ, lắng nghe và yêu thương thực sự để có được cái khả năng đối ứng, ứng dụng dưới nhiều cái vai trò và cách nói chia sẻ khác nhau hợp với con cái để con cái trở thành người bạn. Chuyện vui, buồn, sướng, khổ, thành công hay thất bạị, muôn sự ở đời luôn tới với chính mình. Là cha mẹ để san sẻ, để tâm sự và khi mệt vẫn có thể trở về để ngả vào vòng tay của mẹ để được nâng đỡ tiếp sức và tiếp tục đi trên cuộc đời hành trình làm người.
Các bạn, đừng cần phải kiếm ở đâu xa những cái chiêu trò tâm lý. Đừng cần phải đọc quá nhiều những điều mà người ta diễn giải ngoài kia. Nếu đã là người đệ tử của Phật, nhận Phật làm thầy thì bài học thật rõ Đức Phật dạy: “bình đẳng, lắng nghe, yêu thương” là chìa khóa để đồng hành. Nếu các bạn tránh cái từ “làm bạn” thì các bạn hãy dùng “để đồng hành một cách không có chướng ngại, ngăn ngại với con cái của mình” như mẹ hiền Quan Âm đã độ biết bao nhiêu chúng sanh trong cái hạnh bình đẳng, lắng nghe và yêu thương. Lời Phật dạy, các vị Bồ tát, các vị Thánh, Tăng, những bậc Thiện Trí thức đã luôn luôn ứng dụng để có được một đời sống an vui cho chính mình, và có được cái năng lượng vi diệu của sự bình lặng, lắng nghe, yêu thương lan tỏa và hấp dẫn những người xung quanh để họ đứng vững trên mọi chặng đường chông gai của cuộc đời. Các bạn, chúng ta hãy nhớ rằng đã quy y Phật và nhận Phật làm thầy và Đức Phật là bậc Giác ngộ, Ngài luôn luôn có những cái diệu pháp cao siêu, dạy qua những cái ngôn ngữ của cách nói rất bình thường, những công năng thật vi diệu, có được cái năng lượng và sức mạnh cảm hóa, thay đổi cuộc đời của mỗi một con người chúng ta và những người chúng ta quan tâm.
Làm sao để làm bạn, và cách nào để làm bạn với các con? Thưa: “Là cách đối xử bình đẳng, phù hợp căn cơ kiến thức bằng cái hạnh lắng nghe và yêu thương để ứng hóa phù hợp trong mọi mối tương tác và nói chuyện với nhau trong cuộc sống. Bạn sẽ trở thành hóa thân của mẹ hiền Quan Âm và những bậc cha mẹ sẽ có được cái khả năng dìu dắt con cái của mình thăng tiến trên những ước mơ phù hợp với căn duyên của chúng.
Các bạn chúng ta hãy trở về với hơi thở của Chánh niệm.
Thưa Phật! Ngài đã dạy: “Hãy đối xử bình đẳng và lắng nghe trong tình yêu thương”, chúng con nguyện hành trì thực tập để ứng dụng hài hòa trong cuộc sống. Ngõ hầu, con cái và cha mẹ, tất cả những ai thường tương tác hằng ngày giữ được mối giao hảo trong sự an lạc và hạnh phúc, trân quý và trân trọng nhau.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ bóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tiếp nhận năng lượng, hồi hướng cho tất cả:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
Sa Bi Mô U
(7 biến)