Search

4011. Bình An Nơi Đâu?

Thu Hằng đánh máy

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.

Mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con tinh tấn miên mật tu tập để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác. Thể nhập vào Phật tánh chân như, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương vừa quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc!

Mời các bạn ngồi buông thư, lưng, cổ, đầu buông lỏng, ngay thẳng, đặt tay phải vào lòng bàn tay trái. Nhớ lời Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi lan tỏa tình yêu thương. Từng hơi thở vào ra quán chiếu mật ngôn Mu A Mu Sa – tâm Từ Bi, quán chiếu Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, quán chiếu tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê và quán chiếu tâm Phật chân như qua mật ngôn Sa Bi Mô U. Chúng ta cùng tất cả các bạn đều đón nhận được năng lượng của chư Phật tiếp hiện vào thân tâm để nhìn rõ được chính mình.

Chúng ta hãy bắt đầu, hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, hồi hướng và lan tỏa tới muôn người.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Các bạn đồng tu thân mến! Cuộc sống này đây vào trong những ngày giông bão của cuộc đời kéo tới, nghịch cảnh của cuộc sống tràn về, ta chơi vơi, ta sợ hãi và chúng ta không còn sự bình an, lúc ấy ta đi tìm kiếm sự bình an. Bình an nơi đâu để chúng ta tìm kiếm? Bình an ai trong chúng ta cũng đi tìm, không hẳn khi đau khổ phiền não, nhưng trong cuộc sống ai đó có những giây phút suy nghĩ về cuộc đời của mình, nhất định cái ta tìm kiếm trong cuộc sống luôn luôn là sự bình an. “Bình An Nơi Đâu?” Bạn đã đi tìm sự bình an cho mình chưa? Kinh nghiệm của bạn tìm sự bình an ở chỗ nào, nơi đâu? Bạn đã bắt gặp sự bình an và sống với sự bình an chưa?

Không nói đến tôn giáo, đã là người ai cũng mong cầu sự bình an, ngay cả loài thú cũng mong cầu sự bình an, đã là sự sống, cây cỏ kia cũng cần có sự bình an, điều tất yếu của muôn loài là bình an cần có hiện diện, thì đời sống mới được an yên, thoải mái và hạnh phúc. Có nhiều lần các bạn đau khổ, phiền não và sợ hãi tột cùng khi đương đầu với thử thách hoặc nghịch cảnh. Hoặc khi bệnh hoạn, khi đau khổ, khi phiền não, khi bị lừa gạt, khi bị mất của, cháy nhà cửa, khi người thân chết và ra đi, chúng ta sợ hãi, bất an. Tôn giáo nào cũng có điểm dựa để có được chút bình an, mà vực lại đời sống trong sợ hãi khốn cùng kia. Khi bất an hầu hết chúng ta thường tới chùa, tới nhà thờ, chúng ta cầu nguyện, nương vào đấng từ bi và xin Ngài bao dung che chở, bởi phận người hèn mọn yếu đuối, không chống lại được phong ba bão tố của cuộc đời, nên giờ rất sợ. Trong sự cầu nguyện tha thiết với tâm chân thành hướng về đức đại từ đại bi, đạo Phật hướng về Mẹ Quan Thế Âm là biểu tượng cho lòng từ bi cao tột, tới với mẹ ta sẽ tìm lại được sự bình an. Các tôn giáo khác cũng như vậy, tới với mẹ cầu nguyện, đạo chúa họ tới với mẹ Maria, tới với Đức Chúa cầu nguyện để xin Ngài che chở. Khi bất an ta cần sự che chở như đứa con hoang đàng, lạc lõng, cuộc đời chơi vơi trước nghịch cảnh chẳng có ai, thì trở về với mẹ của mình, với cha của mình, với gia đình của mình. Chúng ta được che chở bởi cha mẹ, các đấng bậc sinh thành, được yêu thương bởi huynh đệ, sự bình an lại trở về, sự lạc lõng, sợ hãi tan biến dần.

Các bạn, rất hạnh phúc vào những dịp Tết trở về quê ngoại, quê nội hoặc về quê thăm ông bà cha mẹ, trong lòng của chúng ta lâng lâng một nguồn năng lượng vô biên, bởi sắp gặp được người thân rồi, bình an hạnh phúc ở chỗ biết trở về. Cầu nguyện là một hình thức rất tốt, chẳng phải là cầu để đấng bề trên ban cho, cái nhìn rộng hơn cầu nguyện là trở về với tâm của mình. Và đề mục của một đấng nào đó như Chúa, như Phật, như Mẹ Quan Âm là đề mục để nương vào, quán chiếu để phát tâm thiện lành, quay về nương vào tâm tánh thiện lành. Các bạn kinh nghiệm đi mỗi khi tới lễ Phật trong chùa hoặc tới nhà thờ cầu nguyện, nhiều người đã chứng ngộ các bậc cao trượng thượng ở trên thường không cho chúng ta cầu nguyện, bởi nói rằng cầu nguyện có được gì đâu.

Nhưng đối với Bảo Thành cầu nguyện có tác dụng, cầu nguyện thật sự là một pháp môn vi diệu nếu chúng ta hiểu thấu. Cầu nguyện là nương vào tâm tánh thiện lành, nương vào lòng từ bi, nương vào tình thương của một đấng nào đó. Nương vào đó để làm gì? Để khơi nguồn cho tâm Từ bi của ta bị bế tắc lan tỏa trở lại, để sưởi ấm con tim. Cầu nguyện là trở về với tâm tánh thiện lành, tâm Từ bi của chính mình khi nương vào bậc đại hùng đại lực, đại từ đại bi mà ta tôn thờ. Các Ngài không ban cho chúng ta, nhưng vốn nơi ta đã có tâm tánh thiện lành từ bi bị bế tắc bởi nghịch cảnh giông tố. Nương vào các Ngài chúng ta học được cách trở về thắp sáng đuốc tuệ, tiếp hiện tình thương nơi mình, thấu rõ để tỉnh táo, nhìn và nhận ra mọi hiện tượng đang xảy ra trong đời của chúng ta. Nhìn dưới góc độ này chúng ta sẽ có được sự bình an trở lại.

“Bình an nơi đâu?”. Bình an nơi trái tim thiện lành. Bình an nơi trái tim thiện tâm. Bình an nơi mỗi một người biết quay trở về với chính mình trong hơi thở của chánh niệm. Mà Đức Phật dạy sự bất an tới từ hành động, các bạn có tin rằng sự bất an của chúng ta tới từ hành động, hành vi của mình không? Ra đường hành vi lỗ mãng, tranh chấp, hơn thua, nhất định sẽ có chiến tranh, sẽ có đánh nhau, sẽ có đấu đá. Hành vi của chúng ta sẽ tạo ra sự bất an hoặc tạo ra sự bình an. Nếu hành vi của chúng ta là trao tặng tình thương, san sẻ mọi nghĩa cử cao đẹp, giúp đỡ, nâng đỡ, hòa nhập, sống đồng hành, đồng sự với muôn người, ta sẽ có được sự bình an. Nếu hành vi của chúng ta trái nghịch thì ra đường nhìn trước nhìn sau, dù có bảo vệ, vệ sĩ đi nữa thì nhất định cũng bị chúng đánh cho bể đầu. Hành vi quyết định sự bình an của chúng ta hoặc bất an.

Các bạn thấy không, bình an nơi đâu? Bình an nơi hành vi, nhân cách thiện lành, thiện tâm. Hành vi đó, hành động đó, hành vi hành động đó do thân mà Đức Phật gọi trọn ở năm giới: sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Ta sát sanh bằng hành động, ta trộm cắp bằng cái thân này đó các bạn và ta tà dâm cũng như thế. Cả năm giới đều là để ngăn ngừa sự bất an và chuyển hóa có được sự bình an. Nếu chúng ta không sát sanh nhưng lại biết phóng sanh, tăng trưởng được tâm từ bi yêu thương, lan tỏa năng lượng vi diệu, sưởi ấm và đẩy lùi sự bất an để sự hiện hữu trong ta là sự bình an. Nếu chúng ta không sát sanh mà phóng sanh ta có tuổi thọ và tăng được sức khỏe, rõ lắm các bạn. Chẳng có hận thù, trong lòng thư giãn, buông thư, vậy đấy. Chỉ cần giữ được giới đó thôi thì sự bất an chẳng có, trong lòng có bình an.

Trộm cắp cũng như vậy, nếu ta không trộm cắp thì ta chẳng mất của, nếu chúng ta không lấy của người, ta chẳng bị lừa gạt, tâm sẽ được an. Nếu chúng ta không tà dâm ngoài gia đình hôn phối, thì gia đình của chúng ta sẽ êm ấm, nhẹ nhàng, hạnh phúc. Có đâu là sự bất an khi chồng, khi vợ đi ra về trễ có việc gì. Chúng ta thấy mà, kinh nghiệm đó, hiểu đi. Chúng ta đừng nói dối, không bị họa từ cái miệng, khẩu xuất họa tùng, có nghĩa là họa tới ngay, không có. Nói năng tử tế, ái ngữ, hiền lành, sống biết kính trọng, đừng lấy của người, chớ có sát sanh, đừng sử dụng các chất gây nghiện. Năm giới này thôi đó là cái hàng rào ngăn ngừa sự bất an xâm chiếm và để cho tâm của chúng ta trở về với sự thiện tâm, thiện lành. Thì cuộc đời này ai trong chúng ta cũng bình an.

“Bình an nơi đâu?”. Bình an nơi giữ được năm giới, năm giới này giúp cho tâm của chúng ta không khởi lên tham sân si, trọn vẹn trong trí tuệ khi không tham, không sân, không si. Giữ được năm giới trí tuệ sẽ bừng khai, ta sẽ nhìn thấu để hiểu mà buông đi tất cả những hành vi, lời nói, suy nghĩ bất thiện và bước lên cung bậc cao hơn, hòa mình vào với tâm tánh thiện lành, với lòng thiện tâm, sống với muôn người, bình an sẽ tới với bạn ngay. Các bạn, chẳng cần biết bạn theo tôn giáo nào, bạn chỉ giữ được năm giới thiện và phát triển tâm tánh thiện lành từ tâm, thiện tâm, bình an có ngày

Mấy hôm rồi Bảo Thành sống gần nhà thờ đi lễ, có câu hát “Bình an dưới thế cho người thiện tâm.”

Trong nhà Phật bình an có nơi người có tâm tánh thiện lành, giữ được năm giới, thật rõ. Qua sự cầu nguyện, lấy đề mục đối tượng là đấng Từ bi, là Phật, là Bồ Tát, là chúa, là những bậc ta tôn kính, ta tôn thờ để phát tâm làm thiện và tác ý thiện lành. Sự tác ý rất hay, tác ý có nghĩa là cầu nguyện, là phát nguyện, là nguyện lực, thì tác ý đúng pháp thiện, phát nguyện đó ta có cái lực để đẩy lùi sự bất an. Nguyện lực của ta là nguyện không sát sanh, không trộm cắp, tà dâm, nói dối uống và sử dụng các chất say. Lời nguyện của ta là gì? Chuyển hóa tham sân si để không tham, không sân, không si. Như vậy lời nguyện đó có cái nguyện lực và nương tựa vào Đức Phật, Bồ Tát Quan Âm, nương tựa vào Thiên Chúa, đấng ta tôn thờ, ta có được sự bình an. Bởi ta tác ý và cầu nguyện đúng, ta thề nguyện không làm việc dữ, làm việc lành. Người có tâm thiện lành, có lòng thiện tâm, bình an có ngay thôi.

Bình an là một sự thực tập để đón nhận được bình an, không phải sống buông thả giải đãi làm việc ác rồi chạy tới các đấng tôn thờ trong chùa, đình, miếu, nhà thờ, để vài dĩa trái cây, bông hoa như mua chuộc sự bình an. Chúng ta đã quen thói mua chuộc rồi, làm thì không làm chỉ tạo ác, đụng cửa quan quyền xử chúng ta vào tù. Chúng ta sợ, chúng ta chạy chọt hối lộ, từ hối lộ trong cuộc đời này thành một thói quen quá như là bình thường, để rồi chúng ta thấy hối lộ là con đường để có được những điều mình mong muốn nhưng không qua sự thực tập. Đi vào con đường tâm linh, chúng ta cũng tới chùa, chúng ta cũng phải tới nhà thờ, hối lộ bằng cách dâng cúng đủ thứ, đốt vàng mã, rồi thì tỉ tê, van xin, cầu nguyện, nhưng chẳng bao giờ sửa chữa những lầm lỗi của mình. Thế nên đã bao lần bạn cầu nguyện rồi mà không sửa những việc ác, tâm ác, suy nghĩ ác, bạn thấy bình an nào có đâu.

Nhưng nếu thực sự bạn tới với tâm thành kính, dâng lên như một phẩm vật được bên trên chứng minh qua hoa trái, qua hương hoa, qua những phẩm vật đơn sơ với lòng thành kính. Nương vào đấng từ bi đó để tỏ lộ lời tác ý cầu nguyện rằng sẽ chấm dứt những việc ác, khởi lên lòng thiện, thì nhất định lời nguyện đó bạn sẽ thành công. Mấu chốt thành công không phải là chỗ Phật trời ban cho, mà ở chỗ ta biết dừng những việc ác, hành những việc thiện thông qua sự cầu nguyện để trời Phật, các đấng thiêng liêng chứng chi cho lời phát nguyện của mình. Thế nên biết bao nhiêu người cầu nguyện họ có được sự bình an, vì trong sự cầu nguyện đó tâm chân thành của họ có và sự chấm dứt những việc ác, khởi lên những việc thiện nên họ cầu gì được đó. Còn chúng ta cầu hoài mà không được, chính là bởi vì chỉ mong rằng như một cái gì đó phép màu xảy ra trong sự hối lộ hoa trái, chẳng dừng việc ác.

“Bình an nơi đâu?”. Bình an nơi người biết nhìn rõ bằng trí tuệ, thấu được những hành vi, lời nói, suy nghĩ của ta là ác, biết dừng và tác ý khởi lên tâm tánh thiện tâm, thiện lành, hành vi, suy nghĩ, lời nói thật rõ. Nương vào các bậc giác ngộ bạn và Bảo Thành sẽ có được sự bình an. Y như người con đau khổ chạy về với cha mẹ, cha mẹ che chở bởi các Ngài là đấng yêu thương, luôn luôn yêu thương và che chở cho con cái, truyền trao cho con cái những lời khuyên chân thành, thấm vào trong lỗ tai để rồi chuyển hóa thành hành vi cụ thể trong đời sống. Dĩ nhiên năng lượng tình yêu và sự khuyên giải chân thành kia sẽ làm cho những người con bất an có được sự bình an. Lời khuyên của Phật là giữ năm giới để ngăn ngừa sự bất an. Lời khuyên của Phật là biết cầu nguyện, tác ý thiện. Các tôn giáo đều đồng một nghĩa và có giáo lý hướng dẫn ta làm y như vậy, văn tự khác mà thôi.

Các bạn, bình an nơi đâu? Bình an nơi người thiện tâm có tâm tánh thiện lành. Đừng chạy theo những lời xúi dại của ai đó để rồi tâm ta bụi bặm, không có một cái nhìn sáng suốt, mất tiền, mất của, mất sức, đôi khi mất cả mạng để mưu tầm sự bình an nơi những ai đó ban bố cho mình. Ở đời này thật là nhiều người họ mạnh miệng, họ tuyên bố rần rần ngoài kia tới với họ, họ ban cho ta sự bình an, đều đó hoàn toàn là cuồng ngạo, sai lầm. Nhưng vẫn có nhiều người không chú ý sử dụng trí tuệ của mình, để rồi mất tiền, mất của, mất thời gian và bị người ta phỉ báng gia đình và thân xác của mình. Các bạn, bình an nơi người có tâm tánh thiện. Bình an nơi đâu? Nơi người có lòng thiện tâm. Chỉ cần tâm thiện, chỉ cần bạn tác ý thiện lành, hành sự cho đúng trong cuộc sống. Đừng hại người, đừng lấy của người, chớ giết người, chớ lấy của người, chớ làm những chuyện dâm dục, chớ nói lời gian dối, chớ uống sử dụng các chất say.

Chỉ vậy thôi và rồi bạn sống một đời sống thiện lành, thì bình an luôn có nơi bạn. Năng lượng bình an đó bạn có khả năng trao truyền, hồi hướng, lan tỏa tới những người bất an trong gia đình. Mỗi khi con cái, cha mẹ, anh em, bằng hữu, bạn bè bắt hại, nếu bạn được tu dưỡng như kia, sự bình an của bạn có thể lan tỏa tới họ để che chở, nâng đỡ họ vượt qua nghịch cảnh của cuộc đời. Trong mỗi người chúng ta đều có khả năng tích lũy năng lượng bình an, qua công hạnh giữ giới và tu luyện. Trong mật thiền trở về với Phật tánh Sa Bi Mô U là một cách tu luyện để giữ trọn vẹn năm giới và khởi lên tình yêu thương, tâm Từ bi, thắp sáng tuệ giác của mình và luôn luôn tỉnh thức để nhìn rõ và hiểu thấu, buông xả ác pháp, tinh tấn thiện pháp. Chỉ hít thở và trong chánh niệm ta quán chiếu tâm Phật, quán chiếu bản gốc của mình.

Nhân thơ sanh, tánh bổn thiện

Gọi đơn giản như vậy tánh Phật là tánh thiện, quán Phật tánh là quán tánh thiện, hãy như vậy đi các bạn. Đừng vẽ vời như họa sĩ mù không thấy màu vẽ lung tung, rối hết cả đầu, đơn giản hóa bằng con mắt trí tuệ. Cổ nhân ông bà dạy nhân thơ sanh tánh bổn thiện, tánh thiện lành, tánh thiện tâm có được sự bình an. Sa Bi Mô U là một phương tiện vi diệu bởi đây là Phật ngôn cao siêu, nhiệm màu cho những ai có tâm thành kính và có căn duyên trì tụng trong hơi thở của chánh niệm, liền trở về được với tâm tánh thiện lành của mình, để hòa mình vào năng lượng bình an, sống trọn hảo trong từng giây phút của sự tỉnh giác.

Các bạn, không có gì tự nhiên mà có, Đức Phật đã dạy cho chúng ta nhân quả, gieo nhân nào hưởng quả đó. Ta gieo nhân thiện lành nơi miền đất Phật tánh chân như Sa Bi Mô U, quả hiện thời không đợi đến kiếp sau, ngay bây giờ, tại đây, chỗ này chánh niệm hơi thở, trở về với Sa Bi Mô U. Với mật ngôn này chúng ta sẽ tràn đầy năng lượng bình an trong cuộc sống. Hãy chú ý việc này và đưa sự hiểu biết, nghe thấu này vào sự hành trì. Đừng nghe như nghe một bài nhạc vào tai rồi quên. Chúng ta đã bao đời bao ngày chỉ thích nghe hiểu và thâu tóm kiến thức, tàng trữ ở trong đầu mà không mang ra ứng dụng, hành trì. Có những người giàu ngất ngưỡng, một xu, một cắc cũng không dám xài, cả cuộc đời lo làm cho có nhiều tiền nhưng bo bo keo kiệt đối với ngay cả bản thân của mình, thế thì chết đi có mang được gì đâu.

Sống thì phải bình an, chết đi sẽ chết trong an bình, đó là sự cao quý tột cùng mà mỗi người chúng ta cần phải quán chiếu, để sống trong sự bình an bằng cách tu luyện, hành trì, giữ giới. Hành trì mật thiền trong chánh niệm hơi thở qua mật ngôn Sa Bi Mô U, ai trong chúng ta dù tội lỗi, dù nghiệp chướng chất chồng trong vô lượng kiếp, chỉ cần hồi đầu thị ngạn qua mật ngôn Sa Bi Mô U, chúng ta sẽ tiếp cận được sự bình an ngay trong cuộc sống này. Bởi Sa Bi Mô U giúp cho chúng ta khởi lại tâm tánh thiện lành, lòng thiện tâm của chúng ta sẽ được khai mở trở lại. Chúng ta sẽ biết ứng dụng qua sự tĩnh tâm bởi chánh niệm hơi thở.

Các bạn, đừng sống theo kiểu tin một cách mù quáng để lầm đường, cầu cạnh mà không phát tâm giữ giới, thì sự bình an kia chẳng bao giờ tới. Cầu nguyện là một hình thức tu tập, chúng ta đang ngồi nơi đây cũng là một hình thức cầu nguyện. Cầu nguyện là hướng tâm, là phát nguyện bằng những hành động cụ thể, trợ lực nương vào chư Phật, chư Bồ Tát, nương vào mật ngôn hơi thở, hành trì để bình an. Chứ không phải qua sự hối lộ hoa trái, nhang đèn, cầu cạnh, xin thưa mà chẳng bao giờ sửa chữa những hành vi sai trái của mình. Các bạn, đó gọi là sự hành trì đúng pháp, bạn hành trì đúng pháp gương mặt của bạn sẽ sáng, gần gũi với ai họ cũng cảm nhận được sự bình an nơi bạn. Các bạn ơi, chúng ta trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con hiểu thấu và nhìn rõ đi vào sự hành trì của mật ngôn Sa Bi Mô U, để gieo trồng những nhân thiện tâm, thiện lành và nhổ sạch những pháp ác còn tồn đọng trong cuộc sống. Ngõ hầu chúng con sống trong sự bình an và lan tỏa sự bình an này đến với gia đình, người thân và tất cả những bạn bè yêu mến của chúng con.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa sự bình an tới cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn