Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật!
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu. Mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con biết lan tỏa tình yêu thương thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức và thể nhập vào thể tánh Chân Như. Ngõ hầu quán chiếu thấu rõ vạn pháp là Vô Thường, Khổ, và Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện xin chư Phật gia trì cho ông bà cha mẹ, Cửu Huyền Thất Tổ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Cho cha mẹ, ông bà hiện tiền, tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Xin chư Phật từ bi chứng minh.
Mời các bạn ngồi đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, toàn thân buông thư, giữ lưng, cổ và đầu cho ngay ngắn, buông lỏng trở về với hơi thở của Chánh niệm vào ra. Hít vào, ta hít vào bằng mũi, phình bụng, thở ra, ta thở bằng miệng, hóp bụng vào. Từng hơi thở, ta quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, quán chiếu tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, quán chiếu tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, quán chiếu tâm Phật qua mật ngôn Sa Bi Mô U.
Chúng ta hãy bắt đầu. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng.
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
Sa Bi Mô U
(7 biến)
Mô Phật! Các bạn, bất cứ một việc gì chúng ta làm đều phải có một cái nhìn sáng suốt. Cái nhìn sáng suốt đó gọi là Chánh kiến sáng suốt thấu rõ được Nhân – Quả, Thiện – Ác. Chánh kiến là một cái nhìn thấu được Thiện – Ác, Nhân – Quả. Trở về với miền đất tâm – tánh Phật của chúng ta qua mật ngôn Sa Bi Mô U là một sự hành trì để quay trở về, trở về nơi màu mỡ của chân tâm, vun trồng những hạt mầm yêu thương Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác. Đức Phật trong cả cuộc đời của Ngài, Ngài luôn luôn nhắc nhở cho mọi người thấy chúng ta và muôn loài chúng sanh đều bình đẳng tánh trí, đều có Phật tánh như nhau. Câu này nó khẳng định, giữa các bạn và Bảo Thành không có khác, chỉ về danh tướng, xưng hô khác biệt, nhưng cái tâm của chúng ta đồng một thể đó là Phật tánh. Nhưng chúng ta ít có khi nào suy nghĩ để trở về Phật tánh của mình vì những cái định nghĩa quá cao siêu về Phật tánh. Chúng ta chỉ chạy đuổi theo định nghĩa của ngôn từ Phật tánh của bao nhiêu những con người đã phân tích, mổ xẻ, diễn bày hai chữ Phật tánh. Diễn bày và mổ xẻ đến mức mà chúng ta thấy rằng, cuộc đời này thôi khó quá! Làm sao mà chạm vào Phật tánh được? Rồi tự kỉ, hoặc là từ từ xao lãng, không chú trọng về lời mà Đức Phật nhắc nhở “Trong ta có Phật tánh” nữa, mà lộn đầu sống ở trong cái phàm tánh. Phàm tánh tức là tham, sân, si. Tánh phàm của chúng ta vốn là tham, sân, si, và khi sống để thể hiện được cái tánh tham, sân, si. Ta đang sống với phàm tánh, đối với Bảo Thành, Phật tánh chỉ ngược lại mà thôi. Dĩ nhiên trong cuộc sống, làm sao chúng ta có thể vô tham, vô sân, vô si được? Vậy Phật tánh làm sao ta có thể sống trọn vẹn?
Chúng ta cứ đứng ở cái chỗ cầu tới mức phải trở thành Phật, phải trở thành vị nào đó. Không! Bớt một chút, thêm một chút. Người xưa nói: “Thêm bạn bớt thù”, bớt đi một chút tham, bớt đi một chút sân, bớt đi một chút si là ta có thêm một chút sống với Phật tánh của mình. Hãy nghĩ đơn giản như vậy, nhưng vi diệu lắm các bạn ơi. Đừng có tưởng rằng: Ôi! sao Phật tánh đơn giản thế? Dễ dàng thế? Đúng ra nó dễ dàng thực sự, bởi Phật tánh là không còn tham, sân, si, mà bớt đi một chút tham, sân, si thì chúng ta có thêm một chút hương vị của Phật tánh đi vào trong cuộc đời của mình. Còn thêm một chút tham, sân, si, ta đang trộn lẫn cuộc đời với phàm tánh. Đi vào cuộc sống của phàm tánh dĩ nhiên chúng ta tạo nghiệp rồi, và đau khổ, phiền não, u mê nó cứ dần dần kéo tới. Còn có thêm chút hương vị của Phật tánh, bớt đi một chút tham, bớt đi một chút sân, bớt đi một chút si, tâm hồn nó sáng lắm, cuộc đời nó vui, hạnh phúc có, an lạc có.
Đức Phật nói một cách đơn giản như vậy trong những thuở đầu khi Ngài khai sáng cái chân lý để cho mỗi người thoát khổ. Chân lý ấy cần phải hành trì, cần phải suy nghĩ, tư duy, mang vào hành động cụ thể trong cuộc sống để chuyển hóa nghiệp chướng của mình và hết khổ. Thế nhưng, chúng ta không bao giờ muốn tu tập để chuyển hóa cho hết khổ. Chỉ muốn thành Phật để khổ nó biến mất, chỉ muốn có thần thông chỉ đá hóa vàng, chỉ vào phiền não biến thành hạnh phúc. Căng cứng cái não bộ, tìm đủ phương pháp cao siêu màu nhiệm, cuối cùng căng thẳng quá, ảo tưởng quá hóa thành điên rồ. Chân lý của Phật không phải là ảo tưởng, không phải là một chân lý huyễn giả nằm ở trong cái chỗ vọng tâm điên loạn tìm bới mà ra, như mong cầu thần thông, những cái chức vị cao siêu. Không! Chân lý của Đức Phật đơn giản lắm như những bước của người mẹ dạy cho con nấu cơm. Biết vo gạo cho sạch để ăn cơm cho thơm, biết đổ nước đúng mức để cơm vừa đủ không nhão, biết giữ cái lửa cho đúng để cơm không cháy, không khê, ngon. Cái lửa đó là lửa sân hận đó các bạn. Nếu các bạn giữ được cái lửa sân hận không đốt cháy cuộc đời thì cuộc đời này đâu bị khê, đâu bị bốc mùi của sự tranh cãi, đấu đá, vu khống, hàm oan? Các bạn thấy không? Nó rõ lắm, nó thật là rõ. Nếu các bạn mang sự dung hòa phù hợp đổ nước vừa phải đừng tham thì cơm đâu có nhão. Và để như bạn biết vo cho sạch, tinh sạch nó không bị sạn đá thì đâu còn sự u mê bởi ta gội rửa cái tâm sân.
Đơn giản vậy thôi nhưng đừng đùa giỡn, các bạn phải thực tập. Đơn giản nhưng mà cao siêu. Đơn giản nhưng mà thần thông đó. Bởi vì thần thông cao nhất trong Pháp của nhà Phật chẳng phải bay bay bay như con chim, hoặc nhảy xuống sông xuống biển bơi bơi như con cá mà không tắc nghẽn hoặc gieo mình ở trên núi xuống đất mà không bị gãy xương mà phải dùng cách ẩn mình lừa gạt nhau. Không phải! Thần thông trong nhà Phật cao quý nhất là gì? Là tự tại. Thần thông là Tự tại. Các bạn nghe đi, thần thông trong nhà Phật là Tự tại mà sự tự tại đó đã từng được chúng ta tụng niệm là “Quán Tự Tại Bồ Tát Quan Thế Âm”. Tượng Quan Thế Âm là Ngài tự tại. Tại sao Ngài tự tại được? Bởi vì Ngài có cái hạnh lắng nghe, lắng nghe tất cả mọi loài chúng sanh, có cái hạnh yêu thương tất cả, có cái hạnh cứu độ, san sẻ tình thương và cứu vớt muôn loài. Chỉ cần như vậy là tự tại rồi. Mà tự tại như vậy là thần thông. Phẩm hạnh cao quý của Ngài là sự hành trì tâm yêu thương để trở về miền đất Phật, thấy rõ trong chúng ta còn có khả năng yêu thương, còn có khả năng giúp đỡ mọi người, còn có khả năng nhìn rõ tham, sân, si và tiếp hiện năng lượng yêu thương để chuyển hóa tham, sân, si cho mòn, cho nhọn, cho bớt, cho vụn ra và đẩy lùi chúng đi. Chỉ thế thôi Ngài được gọi là “Quán Tự Tại”.
Chúng ta quán cái tâm Sa Bi Mô U để nhận thấy cái giá trị cuộc đời mà Đức Phật đã khẳng định rất rõ trong mỗi người chúng ta, trong muôn loài chúng sanh đều có kho tàng vô giá. Cái gia tài cao ngất đó là Phật tánh: Sa Bi Mô U. Mật ngôn Sa Bi Mô U khi chúng ta tổng trì mỗi một người trong chúng ta đều tiếp hiện và đón nhận lại trở về với mình cái Phật tánh Chân Như. Có nghĩa là chúng ta lại có cái khả năng bớt đi một chút sân, một chút tham, một chút si để dần dần đặt bước chân an lạc vào miền đất Phật của tâm bớt đi một chút tham, bớt đi một chút sân, bớt đi một chút si. Bớt bớt một chút như vậy là có thêm một chút đất của tâm Phật. Còn cứ thêm tham, sân, si dù chỉ một chút là chúng ta đang lấn vào hoả ngục, vào phàm tánh chứ không phải Phật tánh. Mà phàm tánh là con đường dẫn đưa chúng ta xuống hỏa ngục địa ngục của sân, tham và si. Hãy đơn giản lời của Phật, theo như Phật dạy thì những người bình thường khờ dại không có kiến thức như chúng ta vẫn có được cái khả năng nếm được hương vị của Phật tánh Chân Như, và có được cái khả năng tu tập để cảm nhận Phật tánh thực sự. Đừng cố tìm những suy nghĩ viển vông, huyễn giả, đặt để hai chữ “Phật tánh” quá cao. Đó chỉ là ngôn từ đặt để ra để rồi chúng ta nhảy múa lung tung, ca tụng cái chữ “Phật tánh” cao siêu và từ ấy so sánh với các tôn giáo khác, coi thường các tôn giáo khác. Phật tánh đơn thuần là vô tham, vô sân, vô si. Phật tánh đơn thuần là bớt tham, bớt sân, bớt si để chúng ta cảm nhận được Phật tánh. Vậy đấy! Vậy thôi các bạn, không khó đâu!
Chúng ta đi theo Phật giáo và đặt Phật giáo lên cái đỉnh của các tôn giáo, ca tụng Phật giáo là nhất nhất mà chẳng hành, bởi vì ca tụng trên bề mặt ngôn ngữ mà thôi. Điều đấy có cần hay không? Không! Các tôn giáo khác cũng như vậy, theo tôn giáo nào thì tin tưởng vào tôn giáo ấy, và tôn giáo của chúng ta theo do khi lớn tuổi quyết định theo hoặc do sinh ra trong gia đình tôn giáo ấy mà ta theo truyền thống gia đình đó, cách nào cũng vậy nhưng chúng ta luôn luôn đặt cái tôn giáo của mình theo là cao nhất, là Chánh giáo. Còn các tôn giáo khác là tà giáo. Nhưng Đức Phật khẳng định: Không! Tôn giáo không phải là thứ Đức Phật tới để giảng dạy, mà Đức Phật tới để chỉ cho chúng ta biết về Phật tánh. Phật tánh là bớt tham, bớt sân, bớt si. Khi chúng ta bớt tham, bớt sân, bớt si, ta có thêm được tình yêu thương lớn và cái nhìn sáng suốt trong sự Tỉnh thức để mà yêu thương. Bởi trong chúng ta vốn có tình yêu thương, vốn trong chúng ta đã đầy đủ tình yêu thương rồi. Y như lời bạn gửi về để chia sẻ: “Vợ chồng khác tôn giáo luôn luôn tranh cãi nhau”. Không phải chỉ có vợ chồng, mà ngàn xưa khi các tôn giáo được hình thành có tổ chức, người ta bắt đầu phân định tôn giáo này cao nhất, tôn giáo kia là hạ đẳng. Đặc biệt thì chẳng có tôn giáo nào đặc biệt cả. Nhưng cái đặc biệt là người theo tôn giáo ấy được các bậc giáo chủ, được các bậc đứng đầu lãnh đạo tinh thần đặt để cái tôn giáo của mình là cao, và khẳng định cái tôn giáo khác là dở, mà nặng hơn nữa là tà giáo là ma giáo. Và đã phân định trong đầu cái luồng tư tưởng trong sự kỳ thị, chẳng bình đẳng tánh trí, luôn luôn so sánh coi thường người khác. Và nó hình thành cái quy luật như vậy, cho nên các bạn để ý, các bạn các tôn giáo khác thường gọi chúng ta là “Ngoại đạo”. Ngoại đạo là còn nhẹ một chút xíu, chứ thực ra ám chỉ là tà đạo, là tà giáo. Cãi nhau, tranh luận đưa đến cái cuộc chiến tranh bởi Tôn giáo. Có! Trong lịch sử nếu các bạn đọc lại. Và hiện thời cũng vậy chiến tranh các tôn giáo là chiến tranh nguy hiểm nhất. Bởi họ nhân danh cái đấng họ tôn thờ để đi sát hại kẻ khác.
Trong cuộc sống vợ chồng, nhân duyên nào đó kết nên một gia đình giữa vợ và chồng. Thuở xưa, Việt Nam của chúng ta thường rất khó khăn khi phải gả con cái cho người khác tôn giáo. Việt Nam là một nước đa tôn giáo, rất hài hòa. Tôn giáo nào cũng có chỗ để hướng dẫn người Việt và người Việt nào cũng có cái tâm thật là rộng để đón mời, đón nhận, lắng nghe các Tôn giáo. Nên Việt Nam của chúng ta trong lịch sử cũng có những cuộc chiến tranh xung đột giữa các tôn giáo nhưng nó không có lớn, nó chỉ một chút xíu thôi. Chưa đến cái sự bách hại quá đáng, giết người hàng loạt. Nhưng cái thực tế, có một tôn giáo rất lớn đó là Thiên Chúa giáo mà bạn nào cũng phải nhận ra rằng: Khi con cái của chúng ta là nam hay là nữ lấy một người Thiên Chúa giáo nhất định là phải bỏ cái tôn giáo mình theo, phải rửa tội và học để theo tôn giáo Thiên Chúa, họ mới cho cưới, họ mới cho lấy vợ lấy chồng. Điều đó vì tình yêu đôi lứa mà nhiều bạn trai bạn gái đã sẵn sàng hy sinh học tôn giáo là Thiên Chúa để lập nên một gia đình. Nhưng về lâu về dài lại cứ tranh cãi nhau ở trong gia đình vì sự khác biệt tôn giáo. Không phải cặp đôi nào khác Tôn giáo cưới nhau cũng tranh cãi, nhưng vẫn có cái tình trạng sự khác biệt Tôn giáo trong gia đình đưa đến sự tranh cãi.
Ngày nay, thế giới, hành tinh, Trái đất này gọi là tương đối to đối với ánh mắt con mắt ta nhìn đó nhưng mà thực ra rất nhỏ, các Tôn giáo hoạt động gần gũi hơn. Sự làm việc của các bạn không còn ở trong ao làng, thôn cũ, luỹ tre xưa mà lan tỏa đi các tỉnh thành xa, không còn nằm ở trong cái vùng có nhà thờ nhà chùa nữa. Mà sự sinh hoạt vì sự sống công việc làm các bạn Phật giáo có thể sống trong những cái khu của nhà thờ sinh hoạt, các bạn Thiên Chúa có thể sống trong những khu có chùa. Mình nói ở đây chỉ đơn giản hai tôn giáo mà thường gặp gây cấn. Các tôn giáo khác cũng như vậy đấy, lẫn lộn rồi chúng ta sống hòa mình vào và chúng ta có biết bao nhiêu các bạn các tôn giáo khác cùng đi ăn, đi uống, cùng ngồi chung. Mà vui nữa trong cuộc đời ngày nay là họ có thể đi dự đám dự tiệc, karaoke vui vẻ các tôn giáo mà. Điều đó được. Thế giới đã khác, con người đã trải rộng cái lòng, sự sinh hoạt đã bao trùm hơn, tôn giáo chỉ còn là đức tin của mỗi người và họ âm thầm theo, không còn sự chống đối ra mặt đối với người bạn theo tôn giáo khác. Từ đó mà sự kết hôn giữa các tôn giáo khác biệt nó bớt đi và đạo Thiên Chúa cũng nới lỏng cho những người thuộc tôn giáo khác khi lấy người Thiên Chúa không cần phải theo đạo của họ. Đạo ai người ấy theo, nhưng chỉ kèm theo một điều duy nhất là khi có con cái thì hãy vui lòng cho con cái học đạo Thiên Chúa. Điều đó cũng đã nhẹ, nhưng trên thực tế có nhiều cặp vợ chồng vì tình yêu, sự tôn trọng trong sự bình đẳng cho nên họ lấy nhau vẫn để con cái tự do theo những tôn giáo mà con cái lựa chọn.
Điều đó chưa hẳn rằng luôn luôn như thế vẫn có những cặp khác tôn giáo, vợ chồng ấy cãi nhau liên tục. Ta không đi sâu vào tại sao họ cãi, mà ta chỉ đi vào cái chỗ gọi là Phật tánh. Bạn đừng nghĩ Phật tánh là Phật giáo. Bởi vì khi hình thành cái ngôn từ, người ta đã đặt cái chỗ vô tham, vô sân, vô si trở thành Phật giáo rồi cho nên gọi là Phật tánh. Còn như chỗ Bảo Thành sống chung với các bạn khác tôn giáo nhiều lắm cho nên Bảo Thành lột luôn cái vỏ Phật tánh ra và chỉ nghĩ đơn giản rằng: Nếu đời sống bớt tham, bớt sân, bớt si để có thêm yêu thương và cái nhìn sáng suốt trong sự tỉnh thức, để san sẻ với nhau thì đó là yếu tố cần nhất trong cuộc sống của hôn nhân và gia đình. Đạo Phật, đạo Chúa, bất cứ một tôn giáo nào cũng dạy cho chúng ta đừng tham, sân, si mà phải tăng trưởng cái tình thương, cái sự nhìn thấu để thông cảm, đồng hành, để san sẻ yêu thương, tỉnh thức để không có u mê tranh cãi đấu đá với nhau. Đơn giản vậy đó. Và Đức Phật thực sự Ngài là Bậc Giác ngộ nhìn thấy được cái điều đó và khuyên bảo chúng ta hãy trở về với Sa Bi Mô U, có nghĩa là sống với cái tâm yêu thương, trí tuệ, tỉnh giác để bào mòn đi cái tánh tham, sân, si mà sống yêu thương, rộng lớn, chung vui, san sẻ với mọi người. Đó chính là Sa Bi Mô U. Vợ chồng tranh cãi khác tôn giáo là vì cái tôi đặt nặng tôn giáo của mình là cái tham đó, là cái sân, sân giận vì vợ vì chồng theo tôn giáo này tôn giáo kia để đâm ra si mê giận quá hóa ngu, giận tím mặt, tím môi, tím mắt hoá ngu. Ngu là si, không biết gì nữa. Và tham vào cái danh vọng hão huyền của tôn giáo mình theo mà quên rằng các tôn giáo đều dạy con người đi tới cái chỗ bớt tham, bớt sân, bớt si để yêu thương, để san sẻ, để giúp đỡ nhau và để nâng đỡ nhau trong cái cuộc đời nhiều nhọc nhằn, nghịch cảnh, phiền não này. Hiểu thấu được điều đó, các bạn khác tôn giáo khi kết hôn với nhau sẽ có một cái tầm nhìn rộng lớn hơn, chẳng còn phân biệt, cột trói mình trong tôn giáo mình theo mà mở rộng để yêu thương theo đúng như tinh thần của các đấng khi sáng lập ra Tôn giáo của mình dạy dỗ, làm cho các tín đồ là hãy yêu thương nhau.
Ta theo một tôn giáo nào không có quan trọng nhưng quan trọng là ta có yêu thương nhau hay không. Khi vợ chồng khác tôn giáo tranh cãi với nhau thì chúng ta đã không yêu thương nhau như lời dạy của các bậc ở trên rồi. Đức Phật dạy cho chúng ta là hãy yêu thương nhau qua cái tâm Từ Bi, mà đạo Thiên Chúa cũng nói, Chúa nói: “Các con hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương các con”. Vậy thì tại sao trong cuộc sống vợ chồng khác tôn giáo ta cãi nhau? Chẳng qua là về mặt cái lý là họ phải thuộc về tôn giáo mình, và phải bỏ tôn giáo của họ, theo tôn giáo mình vì tôn giáo của họ là ngoại đạo còn ta là chánh đạo. Ta! Ta! Ta! Lớn quá nên giết chết cái tình thương, chẳng còn thương yêu nhau. Khi mới yêu, sự chướng ngại của tôn giáo không có, nhưng khi đã yêu về với nhau rồi, ở chung nhà rồi, tôn giáo là cái gai đâm vào mắt nhau, là lưỡi dao sẵn sàng trực để xuyên thẳng vào trong trái tim. Các bạn trong thời đại này rồi chúng ta vẫn thấy những Tôn giáo khác biệt chiến tranh giết hại nhau chỉ vì bảo vệ tôn giáo. Họ xưng danh cái tôn giáo và xưng tôn cái đấng họ tôn thờ để sát hại nhau. Các bạn đừng như thế. Khi tới với nhau là bằng tình yêu thương. “Các con hãy yêu thương nhau như thầy yêu thương các con”, đó là lời của Chúa. Qua phẩm hạnh của Ngài Quán Âm, hãy yêu thương trong sự sáng suốt nhìn thấu để đồng hành, thông cảm, san sẻ tình yêu thương mà sống tỉnh thức để bớt đi cái tâm sân giận nóng nảy, tham và ngu si, ngõ hầu sống an vui trong cuộc đời.
Nếu thiết nghĩ các tôn giáo đơn thuần là vì cái điều cần phải thực tập như Bảo Thành vừa chia sẻ thì nhất định vợ chồng chẳng mang cái danh của tôn giáo mình theo đặt ở giữa vợ và chồng như cái bia để mà xả những cái ngọn sóng sân, si, tham vào nơi đó. Các bạn có biết không? Mỗi một lần cãi nhau trong tim của hai người đều rỉ máu, đều bầm tím, đều đau đớn hết, chẳng phải chỉ có riêng mình đâu. Cho nên cuộc đời của vợ chồng hay cuộc đời của những người yêu thương nhau mà cứ giày vò với nhau như vậy thì gia đình đó thêm nhiều đau khổ, phiền não, nào có được sự an lạc và hạnh phúc?
Các bạn! Chúng ta hãy nhớ điều này: Hãy yêu thương nhau. Tôn giáo chỉ là con đường khởi đầu để chúng ta tu dưỡng tâm tính của mình. Nếu bạn sống yêu thương và tha thứ thì bạn đang sống đạo của tôn giáo bạn đang theo. Đừng mang cái tên tuổi của tôn giáo mình đặt ở giữa để tranh luận, mà hãy để tình yêu của sự tha thứ nằm trong con tim của nhau để hai trái tim kia đều có tình thương sự tha thứ như nhau bởi chúng ta không ai hoàn hảo. Các bạn! Chỉ có sự tha thứ và tình thương mới mang gia đình tới sự hạnh phúc và con cái mới sống trong sự hòa thuận.
Các bạn! Tha thứ và tình thương sẽ giảm đi sự tranh cãi trong gia đình khi hai người yêu thương nhau nhưng khác tôn giáo. Đó là điều duy nhất. Các bạn đừng nghĩ lung tung nhiều, đừng đặt cao tôn giáo của mình. Hãy đối xử một cách bình đẳng và Sa Bi Mô U là miền đất Phật. Sa Bi Mô U đơn giản là một mật ngôn có sức mạnh trong sự tổng trì hằng ngày bằng Chánh niệm hơi thở sẽ làm cho chúng ta giảm đi từ cái tâm tham, sân, si để tận hưởng được nguồn an lạc hạnh phúc ngay trong cuộc đời này.
Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.
Thưa Phật! Chúng con sẽ học yêu thương và tha thứ cho nhau. Xin Ngài gia trì cho mỗi người chúng con, đặc biệt là cho những gia đình có vợ chồng khác tôn giáo hiểu thấu được tình yêu thương và sự tha thứ là quan trọng nhất trong cuộc sống và cuộc hành trình tâm linh tôn giáo mà họ đang theo.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, sống đời yêu thương và tha thứ :
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
Sa Bi Mô U
(7 biến)