Search

4003. Làm Chủ Tham Sân Si

Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật!

Bảo Thành xin chào cô MC Lê Hà và tất cả các bạn ở trong phòng Zoom của Phạm Gia Nutrition. Bảo Thành cũng tri ân và biết ơn, cảm ơn anh Hổ, anh Sơn và một số các bạn đã ghé ngang trong ngày khánh thành phòng thuốc từ thiện Thất Bảo ngày chủ nhật vừa qua.

Hôm nay Bảo Thành rất hạnh phúc được trở lại gặp gỡ các bạn và hiện tại bây giờ Bảo Thành đang ở Việt Nam. Chủ đề hôm nay chia sẻ nghe rất hay, còn làm được hay không là phải một quá trình tu tập. Ở trên đời ai cũng thích cái chủ đề này: “Làm chủ Tham, Sân, Si”. Nói về Tham, Sân, Si, không phải chỉ có Bảo Thành và các bạn đâu, từ xưa cho tới bây giờ, loài người hay loài thú ngay cả loài thực vật cũng có cái tánh Tham, Sân và Si. Và những chuyện xảy ra trong cuộc đời khi đã rồi, ta mới nhận ra mình đã quá đà để tâm Tham làm chủ cuộc đời, để tâm Sân lấn chiếm mọi sinh hoạt của chúng ta. Và rồi sự tối tăm bao phủ đưa đến sự bất hạnh, đau khổ, chia rẽ, giận hờn và làm cho mỗi người chúng ta trong cuộc sống này cứ dần dần xa lánh nhau. Hậu quả đưa tới có thể hại đến sức khỏe của thân, làm cho tinh thần lúc nào cũng u tối và đời sống tâm linh lầm lạc trong mê tín. Cái tai hại nhất là chúng ta luôn không có được hạnh phúc và an lạc trong cuộc sống này.

Các bạn! Nhất định ở đây có những bậc tri thức có kiến thức, có học thức rất là cao và đã từng nghiên cứu qua cách: “Thế nào để làm chủ cái tâm Tham, Sân, Si của mình”. Ai cũng Tham, cũng Sân, cũng Si, và nhiều lần cảm thấy buồn vì mình vẫn còn có những cái tâm đó thật nhiều. Và dĩ nhiên ai cũng tìm hiểu thật nhiều để có kiến thức về tâm Tham, Sân, Si. Tất cả mọi tôn giáo, mọi chân lý trong cuộc sống đều hướng dẫn cho chúng ta làm sao đó để làm chủ Tham, Sân, Si. Và dĩ nhiên Bảo Thành cùng các bạn cũng mơ ước mình làm chủ được Tham, Sân, Si. Ở đời này, làm chủ được cái gì cũng là niềm hạnh phúc của mình, nếu như làm chủ được Tham, Sân, Si thì người đó làm chủ được cuộc sống, làm chủ tất cả và là điều hạnh phúc nhất bởi đau khổ sẽ không tới với chúng ta.

Ở đây các bạn đã biết về Tham, Sân, Si rồi, nhất định biết được tai hại của Tham, Sân, Si rồi, và nhất định biết được đó là những điều chúng ta cần phải chú ý để chuyển hóa. Không ai trong chúng ta dám tự hào vỗ ngực xưng tên là đã làm chủ được Tham, Sân, Si. Nhưng chúng ta vẫn hạnh phúc bởi cuộc sống này mỗi khi Tham, Sân, Si trỗi dậy ít nhiều gì, sau, trước, hoặc ngay lúc ấy, chúng ta nhận biết ra mình có Tham, có Sân, có Si. Bảo Thành đưa vào các phương pháp và chia sẻ, không phân tích về Tham, Sân, Si, sự nguy hại của Tham, Sân, Si và dưới cái góc độ của tôn giáo như Phật giáo và các Tôn giáo khác nhìn về Tham, Sân, Si, bởi hầu hết tất cả chúng ta đều biết rồ. Nhưng giới thiệu với các bạn với hai chữ “làm chủ” theo phương pháp của Đức Phật dạy mà hầu hết ai cũng đã từng nghe nhưng ít chú tâm thực hiện, ít chú tâm lắm. Bảo Thành để ý rồi, chúng ta không bao giờ thực tập cái cách Đức Phật dạy nhưng luôn luôn mong muốn làm chủ được Tham, Sân, Si. Cũng y như người không bao giờ muốn nghiên cứu tăng trưởng kiến thức để làm cho mình phát triển về mọi mặt trong cuộc sống, nhưng muốn có tất cả. Cái phương pháp mà Đức Phật dạy cho chúng ta để có thể làm chủ được Tham, Sân, Si nó rất đơn giản, không có khó, như trong Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy: “Tâm làm chủ các pháp, tâm làm chủ mọi tạo tác”. Điều đó là ước nguyện của Phật đó, muốn chúng sanh thực hiện được tâm phải làm chủ được tất cả để khi cái tâm mình ác, tâm mình bất thiện, không làm chủ được thì mọi cái nghiệp ác, mọi sự đau khổ, mọi sự xui xẻo sẽ tới với chúng ta và cuộc đời sẽ khổ như con bò kéo xe vậy. Còn khi tâm ta được làm chủ rồi thì những cái nghiệp lành của chúng ta luôn luôn gắn kết với ta như hình với bóng.

Các bạn hỏi: “Phương pháp làm chủ Tham, Sân, Si, như thế nào?”. Bảo Thành xin giới thiệu, mình đi trực tiếp vào cách thực tập để làm chủ Tham, Sân, Si nghe các bạn. Còn chúng ta có thể nghiên cứu phân tích thật sâu về những cái hại của Tham, Sân, Si và những cái lợi lạc của cái tâm vô Tham, vô Sân, vô Si. Cả cuộc đời của Đức Phật dạy cái phương pháp làm chủ Tham, Sân, Si thật dễ dàng, chỉ cần thực hiện thôi, đó là dùng hơi thở của Chánh niệm. Chúng ta ai cũng nói rằng trên đời này ai không biết thở. Dạ đúng! Không thở là chết, thở mới sống. Nhưng thở với cái tâm như thế nào để làm chủ Tham, Sân, Si thì Phật dạy đó là hơi thở của Chánh niệm. Hơi thở Chánh niệm rèn luyện cho chúng ta cái khả năng biết được mình đang nghĩ gì. Hơi thở Chánh niệm là phương pháp rất cao siêu nhưng rất bình thường giúp cho chúng ta có được sự làm chủ mọi cảm xúc và đặc biệt là tâm Tham, Sân, Si. Ta thường thì thầm với mình khi muốn một điều gì đó. Ví dụ như thích món đồ gì đó mình thì thầm đôi khi nói thành tiếng hoặc đôi khi chỉ nghĩ trong đầu: “Ôi! thích cái món đó quá, ước gì mình được cái món đó”. Và đôi khi mình thèm đồ ăn mình cũng nghĩ rằng “thích cái món đó quá, ước gì mình được ăn món đó”. Ngay cái chỗ đó đó, Đức Phật ngay chỗ đó nhận ra cái não bộ của con người hoạt động do cái ý khởi lên và Ngài dạy cho chúng ta phải nhận biết ra cái ý đó, phải tự thì thầm với bản thân những cái ý tưởng tốt đẹp. Các bạn thử đi sẽ thấy hiệu quả. Và Chánh niệm hơi thở giúp cho chúng ta làm chủ được tâm Tham, Sân, Si.

Bước đầu rất dễ. Chỉ khi bạn nhận thấy mình đang tham, ví dụ như mình tham một cái món gì quá đáng mà nó vượt ngoài cái giá trị đồng tiền mình có được, thì mình chỉ cần hít thở nhẹ nhàng và thì thầm với mình rằng: “Mình đang tham, đang tham rồi đấy, tham quá mức rồi đấy”. Đơn giản vậy thôi bạn ơi. Bạn thử đi, bạn chỉ cần nhìn vào cái ý rằng mình đang tham, hít vào và thở ra thật chậm, thì thầm ở trong đầu: “Tham rồi, tham quá rồi!”, như vậy thôi thì bạn sẽ có một cái năng lượng để nhìn rõ cái tham của mình. Khi nhìn rõ được cái tham, cái tham sẽ biến mất. Và khi bạn sân cũng như thế. Ai nói bạn bực bội khó chịu như chuyện vợ chồng, con cái, hoặc là các bạn trong văn phòng hoặc khi tương tác, bạn bực bội bạn khó chịu, bạn nghe đi, bạn thấy ở trong lòng mình có sự thì thầm: “Ghét nó quá! Trời ơi! Sao mà nó như vậy?” Đủ mọi âm thanh nó thì thầm, nó thúc giục bạn để sân hơn, giận hơn hoặc có thể cãi vã, chửi mắng, đánh đập, giận dữ. Ngay cái lúc đó, bạn phải vận hành theo lời của Đức Phật. Thay vì để cho những cái sự chống đối đó nó dẫn dắt, nó chiếm lấy tư tưởng của mình và nó dẫn đến những hành vi không tốt, ta phải chủ động thì thầm với chính mình, đơn giản thôi, “Sân rồi, sân quá rồi, sân nhiều rồi”. Chỉ cần hít vào thở ra và thì thầm trong tâm những cái điều y như vậy thôi, nói với mình như vậy, tâm sân của mình dù nó có như núi lửa, nó cũng nguội xuống và dần dần tan biến. Si cũng như thế. Mỗi khi ta nhận ra mình tối tăm, không rõ một việc gì đó ta đang làm, ta cũng hít vào thở ra thật chậm rãi, và nói cũng thật chậm thôi ở trong đầu, thì thầm thôi: “Si rồi, không nhìn rõ đó, cẩn thận một chút”.

Phương pháp thì thầm với những cái ý đơn giản nhắc nhở chúng ta khi nhận biết được tâm Tham, Sân, Si khởi dậy và ứng dụng hơi thở Chánh niệm vào trong những lúc thật khởi đầu thì bạn sẽ có một cái sức mạnh nội tại, người ta gọi là “nội công thâm hậu” để chuyển hóa tâm Tham, Sân, Si đó kịp thời. Điều này cần phải ứng dụng thực tập thường xuyên, bạn sẽ nhận rõ nó có công hiệu. Đừng thấy quá bình thường, đừng thấy quá đơn giản rồi các bạn bỏ qua, rồi các bạn coi thường. Hãy ghi nhớ, ở trên đời này, tất cả các bậc thầy dạy cho chúng ta, nếu là các bậc thầy lớn có trí tuệ, hoặc những vị giáo sư, hoặc những người có kiến thức truyền trao một cái điều gì cho chúng ta, các vị ấy luôn suy nghĩ cái kiến thức họ trao truyền cho mình đó có lợi hay không. Và họ luôn suy nghĩ một cái phương pháp trao truyền kiến thức đó để ứng dụng dễ nhất, phù hợp nhất cho mọi người khi được truyền thụ thực tập được, ứng dụng được vào cái đời sống của mình. Thì Đức Phật là một bậc thầy lớn, Ngài là một vị giác ngộ, trong suốt cuộc đời của Ngài trên dương thế và bốn mươi lăm năm trời giảng dạy, Ngài luôn luôn nói đi nói lại cái cách làm chủ Tham, Sân, Si qua hơi thở của Chánh niệm. Dùng tánh biết nhận diện và tự thì thầm với bản thân: “Tham rồi, tham quá rồi, tham nhiều rồi”;  “Sân rồi, sân quá rồi, Sân nhiều rồi”; “Si rồi, Si quá rồi, Si nhiều rồi” với hơi thở Chánh niệm. Và ngày nay tất cả các bậc thầy lớn, các bậc sư trưởng, các bậc trưởng lão đã tịch hoặc còn sống, hoặc ngay cả các vị thầy đang học cũng được đều nhắc nhở phải thì thầm với bản thân với những cái tư tưởng như vậy khi nhận biết tâm Tham, Sân, Si trỗi dậy.

Làm sao nhận biết được chúng? Thực tập hơi thở Chánh niệm ta có khả năng nhận biết được tâm Tham, Sân, Si trỗi dậy mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Và tự thì thầm với mình những cái ý tưởng như vậy tốt đẹp như vậy: “Tham, tham rồi, tham quá rồi”, “Sân, sân rồi, sân quá rồi”, “Si, si rồi, si quá rồi”. Như vậy thôi, đơn giản, nhưng là những liều thuốc bổ kích hoạt não bộ của chúng ta qua hơi thở Chánh niệm để có được cái nguồn năng lượng làm chủ được tâm Tham, Sân, Si ấy khi chúng mới khởi dậy. Cho nên ở đây sự thực tập hơi thở Chánh niệm là cái mấu chốt quan trọng. Có hai giai đoạn, hít vào ta phình bụng, thở ra ta hóp bụng và chỉ nhìn hơi thở. Cái nhìn hơi thở như vậy thôi, hít vào biết hít vào, thở ra biết thở ra, và nhìn cái hơi thở đó. Sau đó mọi cảm xúc, mọi cảm giác trỗi dậy, ta chỉ nhìn. Mọi suy nghĩ nó trỗi dậy, ta chỉ nhìn. Và khi cảm xúc đó thuộc cái dạng nào thì ta thì thầm. Thí dụ như cảm xúc đó thuộc về tham thì ta thì thầm y như câu lúc nãy: “Tham rồi đó”, chỉ ngay chỗ đó tham, “tham rồi, tham quá rồi”. Nếu là sân, sân của chuyện ngày hôm qua, sân của chuyện bực mình vừa xảy ra, hay sân một cách vu vơ, ta cũng nói: “Sân rồi, sân quá rồi”. Ta tự thì thầm như vậy đi, các bạn thử nghiệm, các bạn sẽ nhận thấy rằng từ từ mỗi người chúng ta sẽ nhận biết được Tham, Sân, Si trỗi dậy và làm chủ được chúng.

Đức Phật thấy đây là một phương pháp tiện lợi không tốn tiền, không có tốn sức, không mệt mỏi, không cần phải ngồi như một pho tượng, bởi khi đi, đứng, nằm, ngồi, khi tương tác, khi ở trong văn phòng, ngay cả ngay lúc này khi đang nghe, chúng ta đều nghe hơi thở của mình. Và cái tai của mình vẫn có khả năng lắng nghe mọi người cùng đồng hành với nghe hơi thở để thấy một cái điều gì trỗi dậy mà có ba cái hương vị của Tham, Sân, Si thì tự thì thầm như thế, Tham, Sân, Si sẽ dần dần im ắng, lắng lại và tan biến mất. Thực tập để có một cuộc sống hạnh phúc, thực tập để có cái công lực vận hành và làm chủ tâm Tham, Sân, Si. Và sự thực tập này là sự nhắc nhở thật rõ và thật mạnh của Đức Phật trong cuộc đời của Ngài đối với những ai hữu duyên. Hãy nhớ, Đức Phật truyền trao một cái pháp môn nào, một phương pháp nào, Ngài cũng nghiên cứu pháp môn đó phải đạt hiệu quả thật cao và phải thật đơn giản để cho bất cứ ai khi thực tập đều có thể ứng dụng được một cách dễ dàng trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc và mọi nơi, không phân biệt là người có trí thức, kiến thức, hay không có, không phân biệt người khỏe hay người yếu, không phân biệt là người có tôn giáo hay không tôn giáo. Đây là một phương pháp sống để dùng hơi thở trị liệu thân, tâm và tâm linh để mang lại lợi lạc cho cuộc sống của mình đầy đủ phúc báu và phước báu. Nhiều bậc thực tập cái phương pháp này đã thành tựu được và Bảo Thành nhiều năm thực tập thấy mình thân này khỏe, tâm an lúc nào cũng nhận biết nhanh hơn cái tâm Tham, Sân, Si của mình để tự thì thầm với bản thân, làm cho cái tâm Tham, Sân, Si đó không kích hoạt quá mạnh dẫn dắt và đẩy đưa chúng ta vào những tình huống sau đó chúng ta sẽ hối hận hoặc vì tạo quá nhiều khổ đau và mất phương hướng của cuộc đời.

Các bạn! Hôm nay Bảo Thành chia sẻ thật gọn, thật nhẹ cái phương pháp làm chủ không phân tích về ý nghĩa của Tham, Sân, Si theo kinh điển giáo điều, bởi chúng ta đều là những người đã lớn, đã nghiên cứu, đã đọc và đã nghe giảng rồi. Nhưng giới thiệu trở lại để nâng cái tầm quan trọng của phương pháp thực tập, hành trì để các bạn thực tập mà làm chủ được Tham, Sân, Si để cuộc sống của mình trong gia đình, cuộc sống của bản thân mình mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Đó là sự chia sẻ chân thành, đơn giản, giản dị nhất trong ngày hôm nay.

Và bây giờ chúng ta có thể chia sẻ và đi sâu hơn vào những tình cảnh xảy ra trong cuộc sống, coi cái phương pháp này có thể ứng dụng làm nguôi đi cái tâm Tham, Sân, Si của cuộc đời mình hay không.

PHẦN GIAO LƯU, TRẢ LỜI CÂU HỎI:

  1. Xin chào thầy Thích Bảo Thành!

Đúng là chỉ cần hơi thở thôi, nghe dễ quá, nhưng mà quan trọng là nhận biết được khi nào thì cái Tham, Sân, Si nó bộc phát để còn dùng hơi thở này. Thực ra thì cũng rất là biết, cũng rất là muốn nhưng mà thầy có thể cho chúng con nhận biết nhanh nhất khi nào cái Tham, Sân, Si ở trong cơ thể nó bột phát lên?

Cám ơn Thầy!

Trả lời:

Lúc đầu, Bảo Thành nói chúng ta chia sẻ cái cách thực tập này: “Làm chủ Tham, Sân, Si”, một cái chủ đề rất được ưa thích, nghe dễ nhưng thực hành thật là khó nếu chúng ta không chủ động thực tập. Cái phương pháp thực tập đầu tiên là lắng nghe thân của mình, mà Phật dạy: “Hít vào biết hít vào, thở ra biết thở ra”. Sau này, các vị Tổ nhấn mạnh hơn: “Hít vào phình bụng”, lấy cái sự phình bụng đó để an trú tâm, và “thở ra hóp bụng”, lấy cái hóp bụng đó để vận hành cái năng lượng ở dưới bụng mình đó theo luân xa học là luân xa số một, số hai, số ba. Chính vì phình bụng và hóp bụng, ta kích hoạt được cái nguồn năng lượng bản thể ở nơi đó theo hơi thở vào ra nhẹ nhàng, nhìn nó thôi. Cứ thực tập như vậy và nhất định phải thực tập, như người lái xe không thể học lý thuyết thôi, biết rồi mà không học lái nhất định không thể chạy xe một cách yên tâm được. Chúng ta thực tập như vậy một thời gian, đảm bảo trong vòng một tháng trời, phình bụng hít vào, hóp bụng thở ra, nhẹ nhàng buông thư nhìn rõ mọi cảm xúc của mình. Chỉ biết thôi, đừng làm chủ nó, nhìn nó thôi.

Thí dụ như cái tâm mình tham trỗi dậy biết tham, sân biết sân, si biết si. Đó là giai đoạn đầu tiên, tập để biết. Đôi khi nó trỗi dậy rồi, mười phút sau mới biết, không sao. Bạn biết sớm hay biết muộn trong giai đoạn đầu không quan trọng. Cái quan trọng là bạn đã biết, ngay cái lúc ấy, cái Tham của mình nó đang dẫn dắt mình mười phút rồi, cái Tham của mình đang dẫn dắt mình năm phút rồi, cái Tham của mình đã dẫn dắt mình một phút, và khi nó khởi lên, mình biết. Nó qua từng cái chặng đường như vậy đó thưa anh Tuấn. Và cái tâm Sân, tâm Si cũng như vậy. Trong một tháng đầu tiên, anh cứ hít vào – thở ra, hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng, nhận biết. Chỉ nhận biết, dù muộn hay trễ, sớm hay ngay, tức thời hay sau đó, không quan trọng. Cứ nhận biết như vậy, thực tập như vậy một tháng, anh Tuấn và các bạn sẽ có khả năng nhận biết nó sớm hơn khi nó khởi dậy. Tất cả mọi lí thuyết diễn bày chúng ta đọc rất hay nhưng nếu không mang vào ứng dụng như vậy thì lý thuyết đó chỉ là trang điểm bên ngoài nhưng không thể thực dụng. Nó không có thực dụng.

Vậy nên Bảo Thành chia sẻ với anh Tuấn rằng, anh Tuấn thử một tháng coi hít vào chậm rãi phình bụng, thở ra chậm rãi hóp bụng vào, và nhìn cái cảm xúc của mình, biết cái cảm xúc của mình cái nó khởi lên dưới bất cứ một dạng nào, nhanh hay chậm đừng quan trọng. Sau một tháng, anh sẽ thấy rằng anh tiến bộ thật là nhiều, vì nhận biết cái tâm của anh nó khởi lên sớm hơn dần dần mỗi một ngày. Thưa anh!

Trước khi mình hỏi thêm Bảo Thành xin chia sẻ. Hôm nay mình chia sẻ về cái sự thực tập, làm chủ không thể cứ muốn là làm chủ được. Như làm chủ một cái tiệm, làm chủ một cái công việc, làm chủ một cái ngành nghề buôn bán, hoặc làm chủ được sự ăn, uống, ngủ, nghỉ, suy nghĩ của mình nó khó hơn những cái chuyện kia. Chúng ta thấy nhiều người cứ muốn làm chủ một gian hàng thương mại mà cứ thất bại hoài. Và dĩ nhiên Bảo Thành và các bạn cũng muốn làm chủ Tham, Sân, Si nhưng chúng ta đã thất bại nhiều lần và từ đó chán nản không thực tập nữa. Vì chúng ta không chuyên tâm vào thực hành, mà chúng ta chỉ muốn mình làm chủ được mà thôi.

Và ai trên đời này cũng muốn mình làm ông chủ. Làm chủ cái tôi của mình rất khó. Vậy nên Bảo Thành khuyên chúng ta hãy kiên nhẫn cùng với nhau thực hành. Và chỉ có sự tu luyện mới làm chủ được tâm Tham, Sân, Si. Rất khó! Biết khó phải tu, phải thực tập, phải luyện. Còn không chúng ta chỉ ngồi đó mà ước mơ thôi, cuộc đời đâu đó vẫn như vậy không bao giờ thay đổi được.

  • Dạ con xin chào Thầy, chào các cô bác anh chị ạ!

Qua bài giảng của Thầy cực kỳ tuyệt vời và rút ra cho con nhận thấy được giá trị Tham, Sân, Si trong cuộc sống của mình. Con cũng có những lúc Tham, Sân, Si nó vượt qua giới hạn của mình. Con cũng có biết đến việc hành thiền, thiền giúp cho tâm được tĩnh, thế nhưng bản thân con thì đôi lúc con không thể ngồi tĩnh được thì làm thế nào để giúp cho tâm mình được tĩnh để hành thiền được không ạ?

Trả lời:

Dạ thưa chị Nguyệt! Chúng ta cứ đặt nặng quá nhiều về cái hình thức Thiền như một tôn giáo. Hãy nhớ rằng, Thiền là gì? Là một nghệ thuật thở trong tỉnh thức, một phương pháp trang điểm cho cuộc đời sống an vui, hãy đơn giản như vậy. Đừng nghĩ đến chữ Thiền quá nhiều, rồi ta tự kỷ ám thị. Rồi các bạn khác tôn giáo hoặc những người khác cứ nghe đến Thiền thì họ bị dị ứng. Đối với Bảo Thành, Thiền là một nghệ thuật của hơi thở mang lại sự an vui cho mình. Nghệ thuật mà ai cũng thực tập được, ai cũng có sân. Bảo Thành ngày xưa cũng có nhiều cái cơn sân mà không kiềm được, nhưng nhờ đến cái sự thực tập phương pháp như vậy. Mình không dùng chữ Thiền nha, chỉ hít thở đơn giản thôi. Bạn có thấy khi mình sân lên, mình khó thở không? Cái ngực mình nó bị chướng, nó phình căng ra, người ta gọi là “phùng má trợn mang” đó. Chính là bởi vì mình sân, mình tức, mình giận nó ngộp thở. Hơi thở lên lồng ngực nhưng không thở được. Và khi như vậy nó bị bế khí oxy, không chuyển hóa vào máu lên não bộ làm rối loạn và càng căng thẳng. Đó là cái hậu quả.

Cho nên hãy thực tập hơi thở đi sẽ thấy mình biết được tánh sân và kiềm được cái sân. Bởi ở cái rốn của mình có một loại hóa chất, khi căng thẳng quá nó tiết ra và nó làm cho mình ức chế cái lồng ngực, thở không được. Vậy nên, cổ nhân, các bậc thầy đã nhận ra cái phương pháp phình bụng hít vào, đưa hơi thở xuống bụng phình ra là để không cho cơ hội cái chất hoóc môn đó nó tiết ra làm cho mình bị ức chế. Hơi thở đó rất khoa học, mình có thể gõ vào Google và tìm hiểu cái điều này chứng thực được từ khoa học. Hít vào phình bụng thật to và khi bạn thở ra hóp bụng nhẹ. Khi thực tập như vậy, cơ bụng của mình vận chuyển tốt, tan mỡ và kích hoạt được hệ tiêu hóa để nó không có ga ở dưới đó nhiều, và nó làm cho hệ thống tiêu hóa mình tốt đẹp hơn. Cái hoóc môn tăng trưởng cái sự ức chế nó không tiết ra, và hơi thở chậm rãi đó làm cho cái tánh sân của mình giảm rất là nhanh. Mỗi khi chị sân quá mức, không kềm được, hãy nhớ rằng: Hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng nhẹ nhẹ chừng bảy hơi. Lần sau khi bị như vậy, chị thực tập sau bảy hơi, đảm bảo cái sân của chị sẽ nguội xuống và lúc đó chị sẽ cười một mình thôi. Hóa ra cái sân nó cũng nguội được, hóa ra mình sân quá mà bây giờ nó bớt rồi, mình sẽ có một nụ cười mỉm thật là đẹp. Bảo Thành thực tập như vậy thật là nhiều lần trong những tình huống mà đối tượng tương tác với mình đưa đẩy mình vào cái chuyện không thể kềm được, cái sân nó bộc phát nhanh như núi lửa. Và nhớ lại Thầy ngày xưa dạy: “Hít vào con ơi, hít vào – phình bụng, thở – hóp bụng, từ từ. Hít vào – phình bụng, thở – hóp bụng”. Bảo Thành làm như vậy đúng bảy lần, thấy rằng cái cách hành trì như vậy đó nó như một cái liều thuốc tiên hóa giải tâm sân và giúp cho mình bớt căng thẳng, cười được.

Dạ thưa chị Nguyệt! Đó là cái cách giới thiệu, hi vọng chị thực tập rồi lần sau gặp lại chị cho Bảo Thành biết rằng: À gặp sân như vậy, mình đã làm và thấy nó nguội đi, y như gặp lửa mình đổ nước vô cho nó nguội đó. Và khi sân chị làm như vậy, bảo đảm với chị, đây là sự bảo đảm cái thương hiệu của Phật rất là cao quý và có bảo hành rõ ràng cho những ai biết hành trì. Còn nếu không hành trì là không có bảo đảm.

Chào chị!

Dạ con là người miền Trung và sinh sống ở miền Bắc, con thấy phong tục ngoài Bắc rất hay đi chùa chiền. Con sinh ra ở miền Trung cho nên cái việc chùa chiền con của con rất là ít. Cái cách mà bố con vẫn thường dạy là để giúp mình sống tốt lành hơn thì người trần mắt thịt với nhau, đối nhân xử thế, lời nói, hành động không giúp được nhau thì thôi, không nên làm tổn thương nhau bằng lời nói. Nhà con thì về cái lễ nghĩa hương khói đi chùa, đi cúng, đi xin nhà con không hay đi như vậy. Nhưng ở ngoài bắc thì con lại thấy rất nhiều phong tục hay đi lễ, nghĩa đầu năm giải hạn. Thì theo thầy mình đi nhiều chùa chiền để xin như thế nó có an lành hơn không ạ?

Trả lời:

Dạ! Đó là một cái phong tục người ta gọi là văn hóa Phật giáo nhiều đời lưu truyền lại, và đôi khi chúng ta làm cái việc đó một cách vô thức, tức là chỉ làm theo bởi ông bà cha mẹ dẫn dắt ta từ thuở nhỏ, rồi bạn bè dẫn dắt ta quen. Bây giờ mình đi vào chân lý Đức Phật dạy để rồi mình không phỉ báng hoặc là phủ định cái vấn đề đó tốt hay xấu. Bởi đó chỉ là văn hóa dân tộc, nằm ở một cái góc độ nào đó tốt và nếu quá thì nó không hay.

Nhưng trở về với lời Phật dạy, mọi cái tai nạn, mọi cái hạn của chúng ta, mọi chuyện xảy ra cho chúng ta đều do nhân quả. Nhân quả đó được Phật dạy đều do tham, sân, si, đúng không? Do tâm tham, sân, si, từ thân, ngữ và ý, tức là từ tư tưởng, lời nói và hành vi. Vậy thì cúng sao giải hạn nó không liên quan đến cái tư tưởng, lời nói và hành vi. Bởi chính lời nói và hành vi do tâm tham, sân, si nó tạo nên cái chuyện đó mà, cái hạn đó mà. Thì chúng ta cúng sao giải hạn tốt nhất là giải từ cái tâm tham, sân, si, khởi lên từ thân, ngữ, ý là cái gốc của nó. Còn cúng sao trên trời thì sao thế nào đi nữa cũng không hết hạn được, bởi sao trên trời đâu có tạo cái hạn cho chúng ta. Phật dạy như vậy. Cái hạn, cái xui xẻo, những điều bất như ý xảy ra cho chúng ta là do nhân quả của chính mình, do tham, sân, si, từ thân, ngữ, ý.

Hơi thở của Chánh niệm để điều chỉnh tư tưởng, lời nói, hành vi, tức là điều chỉnh cái vận mệnh, giải hạn tốt nhất cho chúng ta. Người ta có quyền đối xử tệ với mình nhưng mình nên có cái quyền để đối xử tốt với bản thân bằng cách chuyển thân, ngữ, ý cho phù hợp, thiện lành để có đời sống an lạc. Ai tạo nghiệp người đó chịu, người ta không mang lại hạnh phúc cho mình, không sao. Nhưng đừng vì họ mà mình quên mang lại hạnh phúc cho bản thân qua cách thực tập làm chủ thân, ngữ, ý để biết được tâm tham, sân, si. Xin nhắc lại cho rõ hơn: cúng sao giải hạn, cúng kiếng giải hạn tốt nhất là trở về với hơi thở Chánh niệm, trở về với cái gốc tạo ra nghiệp do nhân quả từ thân, ngữ, ý, do tham, sân, si. Và cứ như vậy mỗi một ngày ta giải hạn cho chúng ta một cách thực tế hữu hiệu và đúng với chân lý của Phật dạy. Thưa chị Nguyệt.

Bảo Thành xin chia sẻ thêm. Mỗi một vùng miền có cái nghi thức và có những cái văn hóa cổ truyền của ông bà truyền lại. Ngoài Bắc mình như có cúng kính Tứ phủ, rồi lên Đồng, hoặc là chúng ta cúng sao giải hạn. Hãy nhớ như vầy: tất cả miền nào cũng có cái nghi thức như vậy, nó khác chút xíu thôi, thì mình nghĩ như vầy: Khi còn nhỏ ta nương vào cha mẹ, ông bà, ta van xin cần kẹo, mẹ ơi cho con cục kẹo bởi lúc đó ta chưa có khả năng có tiền mua kẹo. Ta biết vậy thôi, ta xin. Thì gọi là còn bé còn thơ, ta có thể van xin, ta có thể cầu nguyện, ta có thể làm tất cả mọi cái nghi thức đó, và lớn dần với cái sự hướng dẫn đó. Nhưng đến mười tám tuổi rồi, hai mươi mấy tuổi, học xong đại học hoặc ra trường đời rồi mà còn về xin xỏ cha mẹ, nó quê mùa dữ lắm. Thời đại này chúng ta có khả năng ta trưởng thành cái kiến thức gốc của Đức Phật dạy, cho nên tăng trưởng kiến thức đó để trở thành người có kiến thức thực tập và làm chủ cuộc sống vẫn hay hơn là trở về trẻ thơ mụ mị, van xin. Cho nên những cái chuyện kia không sai nghe các bạn, không phải là sai nhưng nó là một cái giai đoạn để tiến hóa đời sống tâm linh. Nếu bạn có cơ hội tiến hóa và có cơ hội nâng tầm bằng sự học hỏi, xin bạn đừng cứ miệt mài vùi đầu vào trong những cái gì đó mà vẫn còn rất trẻ rất thơ. Chúng ta đã lớn trong đời sống tâm linh và cần phải đứng dậy và làm chủ cuộc sống của mình.

Dạ thưa chị!

  • Dạ xin thày có thể chia sẻ về: “Hơi thở Chánh niệm, hành Thiền”

Thầy có thể hướng dẫn cho chúng con được biết cái cách để hành trì như thế nào, bắt đầu như thế nào để quán được hơi thở của chúng ta. Thầy có thể chia sẻ một cách cơ bản nhất có thể qua cái bài ngày hôm nay chúng con có thể thực hành được ạ.

Trả lời:

Dạ nếu bên chị vui cùng với cái điều thực tập này thì Bảo Thành rất hạnh phúc chia sẻ. Tùy duyên nghe các bạn. Nếu các bạn nào có duyên, mình thực tập. Tất cả chỉ là giới thiệu nha. Các bạn chấp nhận Bảo Thành giới thiệu thì chúng ta cứ làm quen nha các bạn. Chính lời Đức Phật dạy Phật nói, cứ thực tập thấy không hợp thì bỏ. Nhưng đừng vì cái không hợp rồi mình phỉ báng nhau. Chúng ta cho nhau cơ hội giới thiệu những cái điều tốt đẹp nhất. Các bạn thực tập thấy nó hữu ích với mình, nó hợp với mình thì các bạn thực tập. Còn nếu nó không hợp thì coi như tiếp thị không thành công của Bảo Thành nghe các bạn.

Khi chúng ta thực tập quen rồi thì khi đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc hoặc bất cứ chỗ nào ta cũng thực tập được hơi thở đó. Nhưng ít nhất phải dành cho mình năm phút mỗi một ngày trong cái tư thế ngồi để thực hành cho nó đúng. Rồi khi đi, đứng, nằm, ngồi, hơi thở đó luôn luôn theo chúng ta.

Đầu tiên tìm một cái nơi thanh vắng để trẻ con hoặc người nhà mình như chồng như vợ, mình hợp đồng với họ là giây phút này cần sự riêng tư. Còn bạn đang tập mà chồng, vợ, con cái vô, mình tập không có được. Chỉ cần năm phút thôi các bạn, cho một giây phút riêng tư trong một cái phòng trống, một chỗ trống không có ai làm phiền mình. Rồi bạn ngồi xuống người ta thường gọi là kiết già hoặc là bán già, thì đối với Bảo Thành bạn cần ngồi làm sao đó hai cái đầu gối sát với mặt đất, tiếp xúc với mặt đất. Đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, rồi đặt lên trên cái gót chân ở ngay cái rốn của mình. Toàn thân buông lỏng, lưng, cổ đầu, buông thư nhẹ nhàng. Xương hông và xương cùng tiếp xúc với nhau trong tư thế buông lỏng và cho phép người mình có thể nghiêng qua bên phải, nghiêng qua bên trái, ở đằng trước, như cái quả lắc của đồng hồ khoảng 5 °. 5 ° thôi, nhẹ nhàng thôi, để thần kinh tọa giữa hai xương hông được giãn nở và không bị chèn nén, nó không tê chân và máu huyết vẫn lưu thông theo xương sống lên đảnh đầu. Còn nếu bạn để cho nó không có sự buông thư giữa xương hông và xương cùng của mình thì thần kinh tọa của mình bị chèn nén, năng lượng không lưu thông lên trên đảnh đầu, ngồi lâu mình suy nghĩ không có sáng suốt. Cho nên quan trọng nhất là buông lỏng. Đừng có quá nghiêng đằng trước đằng sau mình bị té, không có vững. Tức là nó như cái lò xo, nhẹ nhàng buông thư giữa cái tiếp hiện của xương sống và xương hông. Đó là điều kiện bạn cần phải giữ như vậy.

Đây là động tác đầu tiên thôi nó có nhiều cách quán chiếu nhưng phải đi từ bước căn bản. Rồi thí dụ như sau này mình đi bước thứ hai, đừng vội vàng lật trang cuối đọc bí kíp thượng thừa, cuối cùng không có thành cao thủ Võ Lâm. Đọc từng trang, thực hiện từng bước một.

Bạn hít vào bằng mũi. Hít chậm theo sức của mình và phình bụng. Thí dụ như Bảo Thành dùng âm thanh để biết là hít vào: Ừmm… (tạo âm thanh trong cổ họng, không mở miệng), phình bụng, thở ra hóp bụng: Ừmm… Như vậy, tạo cái âm thanh “Ừmm”, mình biết mình hít vào, Ừmm… Để cái âm đó nó rung xuống cái bụng của mình, rồi mình thở ra, mình hóp bụng vào, Ừm… Hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng, đơn giản như vậy các bạn. Khi hít vào bạn phình bụng, bạn quán chiếu cái bụng của bạn như biển Từ Bi mênh mông vô tận. Cái bụng mình phình ra, cái năng lượng Từ Bi đó nó như biển trời mênh mông. Bạn thở ra thì năng lượng Từ Bi từ biển đó hóp bụng vào lan tỏa lên trên đỉnh đầu, xoa dịu sự căng thẳng của não bộ. Chỉ vậy thôi. Bạn hít vào, nhìn bụng là biển Từ Bi. Bạn thở ra, hóp bụng, năng lượng Từ Bi đưa lên trên đảnh đầu. Cứ như vậy bạn thực tập trong một tuần, bạn sẽ thấy cơ thể của bạn suy nghĩ sáng suốt nhẹ nhàng. Đây là cách mà Bảo Thành thực hiện mỗi một ngày. Bây giờ nếu được mình thực tập bảy hơi nha các bạn. Và trong lúc này, mọi người chúng ta trong phòng Zoom này, ai thực tập hoặc ai không thực tập không quan trọng. Mình thực tập thử và mình mang cái năng lượng Từ Bi của mình gắn kết với tất cả các bạn trong phòng này. Dù các bạn có thở trong Chánh niệm, có thực tập hay không thì bạn chỉ cảm nhận là đủ, sau đó chúng ta phản hồi với nhau. Qua bảy hơi thở này, các bạn có cảm nhận được cái năng lượng nó lan tỏa trong thân của mình hay không? Một sự thử nghiệm như trong phòng thí nghiệm vậy. Hãy cho mình thí nghiệm thử, nếu tốt thực tập nha, còn không quên nó đi.

Chúng ta bắt đầu ngồi theo tư thế. Nếu bạn đang ngồi ở ghế, bạn cứ ngồi tự tại thẳng lưng một chút xíu. Bạn đang ngồi ở sofa hoặc bạn ngồi bất cứ chỗ nào, bạn cũng phải ngồi với tư thế thoải mái trước. Còn nếu bạn đang ngồi trong phòng thì bạn ngồi kiết già hoặc bán già, còn không ngồi theo tư thế bạn đang ngồi. Chỉ cần buông lỏng toàn thân, xương hông mở rộng một chút xíu, xương cùng của mình buông thư là được. Hãy bắt đầu.

  1. Hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng.
  2. Hít vào phình bụng biết phình bụng, thở ra hóp bụng biết hóp bụng.
  3. Hít vào phình bụng biết yêu thương, thở ra hóp bụng lan tỏa yêu thương.    
  4. Hít vào phình bụng biết phình bụng, thở ra hóp bụng biết hóp bụng.
  5. Hít vào phình bụng biết yêu thương, thở ra hóp bụng biết yêu thương.
  6. Hít vào phình bụng biết yêu thương, thở ra hóp bụng lan tỏa yêu thương.
  7. Hít vào phình bụng gắn kết yêu thương, thở ra lan tỏa yêu thương tới mọi người.

Hít vào phình bụng, thở hóp bụng trở về hơi thở bình thường nhẹ nhàng cảm nhận năng lượng trong một giây.

Dạ rồi chúng ta thực tập xong! Mình cứ thực tập như vậy nó đơn giản nhưng rất kỳ diệu bởi Bảo Thành đã thực nghiệm và trải nghiệm thấy nó hữu dụng. Và hướng dẫn cho các bạn, thật nhiều bạn thực tập đã thấy hữu dụng về thân và tâm. Không những chỉ có Bảo Thành mà tất cả các bậc học về thiền hoặc biết điều dưỡng cơ thể của mình qua nghệ thuật hơi thở tịch tỉnh đều đạt được điều này. Nhiều người lắm không phải chỉ có Bảo Thành.

Các bạn cứ thử và hãy cho mình thử để thấy cái công dụng của nó sống an vui.

Và bây giờ nhờ chị MC hỏi các bạn thực tập bảy hơi vậy có thấy chút chút gì lắng đọng không? Cảm nhận được năng lượng mình lan tỏa cho nhau không? Hay không có gì cũng không sao?

MC Lê Hà chia sẻ:

Đây là cá nhân của Hà, Hà cảm thấy cái hơi thở ở ngay cái phổi như nó được nở ra và thấy cảm giác rất nhẹ.

Trong khoảng thời gian Thầy dẫn thiền thì con cảm thấy cái tâm nó rất là an lạc bởi vì nó không có nghĩ tới một bất kỳ cái gì. Và con chỉ tập trung vào hơi thở hít vào thì chúng ta phình bụng và thở ra chúng ta hóp bụng thì con thấy nó rất là an lạc và bình an ạ.

Anh Kiên chia sẻ:

Dạ, xưa giờ mình chỉ hít vào – thở ra để cho hơi thở tự ra – vô phổi thôi chưa có luyện cơ bụng nhiều như Thầy. Ở đây Thày dẫn hít vào thở ra nó khác hơn rất là nhiều

Xin cám ơn Thầy!

Thầy góp ý thêm để các bạn lưu tâm:

Chúng ta đã bóc lột cái não bộ của mình và vắt kiệt sức nó, bởi luôn luôn bắt nó hoạt động và làm việc, không có một chút thương tình gì đến cái não bộ hết, để ý coi đúng không? Mình bóc lột và vắt kiệt sức của não bộ nhưng không cho cái não bộ mình có được năm phút mỗi ngày thư giãn để phục vụ lại cho chúng ta, để tiếp cận cái năng lượng cao hơn để đưa mình đạt tới những ước mơ của mình. Cho nên bạn hãy nhớ rằng: Chúng ta đang bóc lột não bộ của mình và vắt kiệt sức chúng mỗi một ngày, rất nguy hại. Cho nên phương pháp Thiền như vậy lúc đầu hơi thở chưa tới bụng nên mình dùng cái động tác hít vào phình bụng thì cái đó dẫn hơi thở qua phổi sâu xuống đan điền khí hải, vùng luân xa số một, số hai và số ba. Kích hoạt được ba luân xa vùng này thở ra hóp bụng đưa lên tim, ấn đường và bách hội. Cứ như vậy từ từ thôi, phổi sẽ to, bụng sẽ phình, hơi thở nhẹ nhàng đầy đủ ôxi. Đây là cách tiếp ôxi cho não bộ và trả lại cái quyền được nghỉ ngơi cho não bộ trong năm phút mỗi ngày. Đừng bóc lột nó quá sức, đừng vắt kiệt sức của nó.

Dạ thưa các bạn!

Chị An chia sẻ:

Con cảm ơn Thầy câu nói vừa rồi của thầy là mình vắt kiệt não bộ của mình quá nhiều hầu hết mình không cho não nó nghỉ ngơi.

Và khi con thực hành thiền như lời Thầy chỉ dẫn con thấy não của con nó nóng lên, huyệt ấn đường của con nó nóng lên, trên hai thái dương của con nó nặng trĩu khi con làm đúng theo lời chỉ dạy của Thầy con thấy nó rất là tuyệt vời.

Cảm ơn Thầy rất là nhiều ạ!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn