Thu Hằng đánh máy
Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu.
Mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con miên mật tu luyện mật thiền chánh pháp, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức, quán chiếu thấu rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện xin chư Phật đổ tràn đầy hồng ân Tam Bảo đến Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng nương vào năng lượng Từ Bi nhìn thấu nghiệp quả, theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Chúng con đồng Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn ngồi, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, toàn thân buông thư nhẹ nhàng. Trở về với hơi thở của chánh niệm khi hít vào ta phình bụng, khi thở ra ta hóp bụng và nhắc nhở mình nhớ lời Đức Phật dạy, lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Hơi thở vào ra trong chánh niệm quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê. Với lòng thành kính chân thật quán chiếu chánh niệm hơi thở, chúng ta đồng tiếp nhận được năng lượng của Phật, hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa và hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Các bạn, mỗi một sớm mai ta chánh niệm hơi thở, nuôi dưỡng thân tâm, lan tỏa yêu thương. Đây là một sứ mệnh mà mỗi người phải đứng dậy trách nhiệm với chính mình. Sứ mệnh này không cao, không lớn rộng như người ta tưởng tượng quá đáng. Chánh niệm hơi thở lan tỏa yêu thương, sống đời tỉnh giác, khai sáng trí tuệ, là sứ mệnh để tự chăm sóc cuộc đời, cuộc sống bản thân của chính mình. Ta cứ luôn nghĩ phải làm chuyện gì đó cho thần dân bá tánh, chúng sanh muôn cõi, lớn lao ngập trời, đỉnh đỉnh trên cho sung sướng, nhưng mà nào có biết chăm sóc cho bản thân. Cho nên nếu không có nền tảng chăm sóc cho mình sống một đời sống có sự sáng suốt, thức tỉnh, yêu thương, thì tất cả những gì ta làm đều trở thành vô nghĩa. Nhà không thể xây mà không có nền tảng vững chãi, đời không thể sống hạnh phúc nếu không hiểu thấu những điều cần thiết cho chính mình.
Các bạn, chúng ta tu là một diễm phúc của cuộc sống và là một nhân duyên thật lớn, bởi nếu không có nhân duyên này chúng ta chẳng bao giờ gặp được Phật Pháp Tăng, chẳng bao giờ gặp được các bậc thiện tri thức, chẳng bao giờ có nhân duyên. Huống hồ chi là có thể gặp được những ai khai sáng cho con đường mình tu. Các bạn, chúng ta cứ nghĩ rằng lời của Đức Phật là truyền dạy cho những người tu, cứ tu rồi lại tu, nghe chữ tu mà thấy ớn xương sống. Bởi người ta nghĩ tu là phải như nhà sư, sư cô, tu là ẩn trong cốc, trong hang, tu là cho người thành Phật, thần, thánh, tiên. Chứ đạo Phật đâu phải để cho người bình thường như chúng ta. Đọc kinh tu luyện làm chi, để cho mấy nhà sư ở trong chùa tu, mình là người dân thường. Khái niệm đó hoàn toàn sai, Đức Phật khi giác ngộ cái chú tâm của Ngài tới để khai thị cho chúng sanh ở chỗ thoát khổ, thoát mê. Chúng sanh khổ Ngài tới để chỉ đường cho họ biết để họ không còn khổ. Chúng sanh mê Ngài tới để chỉ đường cho người ta tỉnh giác. Mọi cái khổ của cuộc đời tới đều do mê, đều do chấp, đều do vô minh, cách nói nào cũng chỉ là về mặt ngôn ngữ xưa đến giờ ta nghĩ người tu mới học.
Các bạn hỏi thử trong lòng mình có đau khổ không? Có mê muội không? Nếu có thì chúng ta là học trò của Phật, dù bạn là người đóng vai trò gì đó trong cuộc sống: tổng thống, thủ tướng hay con dân bình thường, hay là chồng, là vợ, vai trò nào ta đang sống với, nếu có đau khổ phiền não, nếu có u mê đen tối thì đều nên học lời của Phật, nhận Phật làm thầy. Chúng ta nên trở thành học trò của Phật để tu, tu là sửa, đơn giản như vậy. Đừng đặt chữ tu lên thành một thương hiệu của mấy ông thầy chùa, mấy sư cô rồi gạt lừa mình sống hoài muốn sao cũng vậy, cũng được, cũng đúng, không sao. Đó là cách nói để che đậy bản thân không muốn sửa đổi, đó là cách nói lọc lừa, phù phím để muốn làm gì cũng được. Dĩ nhiên chúng ta có quyền làm gì cũng được, nhưng làm gì đó để có trách nhiệm, làm gì đó để mang lại sự yêu thương hài hòa trong cuộc sống là mấu chốt lời Đức Phật dạy.
Nay các bạn hỏi rằng tại sao vợ chồng cãi vã nhau? Mình cứ nghĩ là mấy ông sư, mấy sư cô, chồng vợ biết gì mà nói. Rồi nghĩ đến Đức Phật biết gì để mà nói đến vợ chồng cãi vã. Thưa, Đức Phật là bậc giác ngộ, Ngài là một vị giáo sư có hàm vị cao nhất, cao là bởi vì Ngài đã giác ngộ không còn mê về muôn mặt. Và khi học những gì Đức Phật dạy là học cách sống để mình và người hòa hợp yêu thương, bớt khổ, bớt phiền não, thêm an vui hạnh phúc, vẫn u mê nhưng sáng trí sáng tâm. Đạo Phật hay là chân lý của cuộc sống không chỉ cho một người, một nhóm người, một dân tộc, mà cho toàn bộ tất cả mọi chúng sanh hiện sinh trong cuộc đời này. Dù chúng sanh đó tinh vi như con người hay đơn thuần như những loài côn trùng, Phật đều tới để giúp muôn loài bớt khổ, bớt phiền, bớt não, thêm vui, hạnh phúc và an lạc.
Tại sao vợ chồng cãi vã? Tại vì trong cuộc sống này đời sống của vợ chồng người ta có những khái niệm sai, người ta nói vợ chồng mà không cãi nhau thì chẳng khác gì nấu cơm, nấu canh, nấu đồ ăn mà không có gia vị của cuộc sống, nó lạt lẽo ăn không được. Đó là một điều mà chúng ta đã định nghĩa để cho mình tiếp tục cãi vã, không đi sâu vào nguyên nhân mà nghe câu nói cũng thấy mê. Cãi nhau là gia vị của cuộc đời, là hương vị của cuộc sống, nghe thấy thích. Cách nói này nghe thấy phê phê là bởi vì ai cũng chẳng bao giờ ngừng được sự cãi nhau trong gia đình. Nhưng nào chúng ta có biết cái gia vị, hương vị trong cuộc sống kia chẳng làm cho món ăn tinh thần và đời sống của vợ chồng, gia đình thêm hạnh phúc, an lạc. Mà nó là chất độc bào mòn đi đời sống gia đình, là chất độc tiêm nhiễm để cho tình cảm giữa vợ chồng dần dần khô cằn, là chất độc đang tiêu diệt con cái trong gia đình. Làm sao những người con có thể hiểu được đứng trước mình là cha mẹ, là đấng mà chúng luôn luôn ngưỡng mộ, sinh thành ra chúng mà cứ cãi nhau. Các bạn nghĩ đi, đâu được, không thể được đâu.
Vợ chồng cãi vã nhau vì sao? Đừng nghĩ cãi vã nhau là gia vị, là hương vị, các bạn bỏ nó đi, những từ đó là những từ không nên dùng, không đúng. Vợ chồng cãi vã nhau là chính vì trong cuộc sống của vợ chồng chẳng biết lắng nghe nhau, ai ai cũng nâng bản ngã cái tôi của mình lên. “Tôi là chồng, là gia trưởng, là người đi làm có tiền nhiều. Tôi là nam, có sức mạnh, vợ yếu, làm việc ở nhà, phụ trong nhà bếp”.
Chúng ta cứ bị tư tưởng đó phân định, để rồi cái tôi quá lớn, kẻ có sức mạnh cơ bắp, làm ra đồng tiền coi thường vợ hoặc là đôi khi vợ cãi vã cũng chính vì cái tôi của mình. Vợ chồng thay vì biết lắng nghe ta đã không. Rồi vợ chồng thường cãi vã nhau về tiền bạc, xài lung tung, không thỏa thuận trong sự tương hợp giữa vợ và chồng. Điều đó ai cũng thấy mà nếu đã lập gia đình, các bạn thấy chưa. Vợ chồng lại còn hay cãi vã nhau vì những chuyện liên quan tới giáo dục con cái, dạy dỗ con cái. Đôi khi vợ dạy con như vậy chồng không ưa rồi cãi. Đôi khi chồng dạy con như vậy vợ không thấy hợp, cãi nhau. Chuyện này luôn xảy ra trong mọi gia đình, vợ chồng cãi vã nhau, cứ như thế.
Vợ chồng cãi vã nhau đôi khi vì đồ ăn khác khẩu vị thôi, vợ thích ăn mặn một chút, chồng lại thích ăn ngọt, ngọt với mặn, cãi nhau. Có nhiều khi bữa cơm tới đồ ăn của vợ nấu ngon, thật là ngon hết sức, nhưng chồng không hợp khẩu vị, đập bàn rồi đôi khi lỗ mãng hất đổ đồ ăn. Hoặc đôi khi chúng ta thấy chồng nấu đồ ăn ngon, ngon theo sở thích của ổng, mà mình ăn không hợp khẩu vị lại tranh cãi. Những điều vụn vặt như vậy thường xảy ra. Đôi khi nhiều lúc vợ chồng còn tranh cãi là bởi vì công việc ở nhà không phân chia cho rõ ràng hoặc hợp lý. Vợ thì làm đầu tắt mặt tối từ sáng đến tối, chăm cho con, giặt giũ, làm ăn, đi chợ đủ hết. Ông chồng thì thảnh thơi, đi làm về cà kê dê ngỗng, mặt trời chìm xuống dưới biển rồi mới mò về. Cả trăm việc ở nhà dồn lên chồng, lên vợ tùy theo hoàn cảnh của mỗi người.
Chúng ta thấy đó những việc rất bình thường như vậy thôi, vợ chồng cãi vã nhau đôi khi về chính trị, về tôn giáo, về sự khác biệt, về nhiều thứ lung tung, linh tinh. Tất cả những điều đó cũng là từ chỗ ta không thấu được lời Đức Phật. Nếu là bạn đồng tu, là Phật tử, ta thấu được lời của Phật rồi thì nhất định đừng nghĩ Đức Phật không dạy ta sống cho đạo nghĩa vợ chồng như thế nào. Trong Phật giáo tu cả trăm năm mới có thể làm bạn đồng thuyền, đi trên cùng một con thuyền, tu hàng vô lượng kiếp mới có thể nên duyên vợ chồng, khi là vợ, là chồng là tu vô lượng kiếp. Và trong sự tu vô lượng kiếp đó ta gặp nhau trong sự thọ ân, trả ân nghĩa, trong duyên nợ, nợ nần giữa tình cảm, tiền bạc muôn mặt và cái duyên tùy hỷ tiến tới do phát nguyện chung đường chung lối suốt cuộc đời. Những nhân duyên đó hợp lại nhưng phải tích lũy bao nhiêu kiếp mới có thể thành vợ thành chồng. Nghe câu này mà hiểu thấu ta sẽ trân quý, bởi trên thế giới này hàng bao nhiêu tỷ người rải rác trên hành tinh nhỏ bé, vậy mà vẫn có một người để trái tim của chúng ta mời nàng vào, mời anh ấy vào.
Bạn suy nghĩ đi rồi bạn mới thấy, đâu phải ai cũng là vợ, là chồng. Cho nên là vợ chồng cái duyên đó trong nhà Phật nói thật rõ và hành tinh tuy nhỏ bé, vũ trụ tuy mênh mông, con người tuy rất nhiều nhưng luôn luôn mỗi người chúng ta đều có vợ, đều có chồng, trân quý lắm. Hiểu thấu thì nhất định mỗi người phải biết lắng nghe nhau, san sẻ với nhau, dấn thân hy sinh và cộng sự một cách thật tốt đẹp trong mọi nghĩa vụ, mọi việc từ trong ra ngoài. Bạn hỏi cái san sẻ trong nhà Phật, san sẻ hạnh phúc, tiền tài, san sẻ phương pháp giáo dục, san sẻ mọi sinh hoạt trong cuộc sống, san sẻ về miếng ăn, miếng uống, Phật có dạy đâu. Dạ thưa có! Rồi Phật có dạy cách lắng nghe để ăn nói dịu dàng, ngọt ngào, đừng tạo ra những hành động thô lỗ, lỗ mãng để gây ra những vết rỉ trong tim, những vết rách ở trong tim đau đớn vô cùng, có! Phật có dạy đâu chuyện mà hy sinh tận tụy với vợ, có! Với chồng, có! Phật có dạy đâu là mình phải luôn luôn cộng sự, luôn luôn ở đó đưa vai gánh vác chuyện của vợ, của chồng cho công bằng, cho đầy đủ. Dạ thưa có!
Nhưng bởi vì chúng ta mắc kẹt trong những văn tự, nên chẳng nhìn rõ lời của Phật là lời của một bậc giác ngộ không thể là nhỏ, nhỏ như hạt cát, rồi vùi vào trong lòng đất biến mất chẳng thể ứng dụng vào trong cuộc đời. Lời Phật tuy nhỏ mà ý nghĩa bao trùm, nhưng ta bị cơn bệnh mắc vào những từ ngữ giáo điều, giáo điển. Để rồi những lời của Phật ta thấy rằng chẳng có ăn nhằm gì, chẳng có dính dáng gì đến đời sống của vợ chồng, toàn là những lời nghĩa hiệp cao của những bậc anh hùng hảo hán, những bậc cạo đầu đi tu, còn phận vợ chồng ta Phật quên rồi. Ta hãy hỏi thử Phật “Phật ơi! Phật có quên đời sống của vợ chồng chúng con không? Để rồi Phật chưa bao giờ giáo dục chúng con cách sống như thế nào để không còn cãi vã, mà tràn đầy tiếng cười, tình yêu thương trong gia đình, ánh sáng của sự hòa hợp, nhịp đập của sự tương đồng trong mọi góc cạnh”.
Có không? Ta hỏi Phật đi, Phật sẽ cười và nói “Sao khờ khạo vậy, 2.500 mấy mươi năm trước ta đã nói về cách sống, cách sống sao để tất cả mọi người chung quanh ta đều lợi lạc” Các bạn có khi nào nghĩ đến điều ấy không?
Các bạn ơi! Ngày hôm qua ta đã nói đến bốn điều Đức Phật nói, trong nhà Phật gọi là Tứ Nhiếp pháp, bốn điều dung thông tức là bốn phương pháp ứng dụng để dung thông hòa hợp. Nhưng giáo điều, giáo điển đã làm mờ con mắt, ta cứ cho đó là việc nhà chùa, là văn tự của kinh chép ở trong sách ai mà thực tập được, chuyện đó là chuyện hi hữu, chẳng phải của vợ chồng. Ta cứ biết rằng san sẻ tiền bạc, tình cảm, san sẻ hạnh phúc, yêu thương, san sẻ những nhọc nhằn đau khổ, san sẻ những thiếu thốn, san sẻ để đưa nhau tới cung bậc hạnh phúc, là chữ gì không? Đó chính là bố thí các bạn. Nhưng hai chữ bố thí như là đồ dư cho những kẻ nghèo, sai, chữ bố thí là công hạnh san sẻ yêu thương bằng muôn mặt, vật chất, tiền tài, đau khổ phiền não, chung lưng đấu cật, gần gũi, san sẻ và cho đi, hiến dâng, chữ bố thí rộng lớn lắm. Nhưng ta cứ coi chữ bố thí là ta là kẻ cả, có tiền, có vật chất cho kẻ nghèo gọi là bố thí, không. Cho nên bạn hãy nhớ Phật dạy trong Tứ Nhiếp pháp, bốn điều căn bản cần thực hiện để giữ được hạnh phúc của gia đình và giữ được hạnh phúc của muôn loài chúng sanh. Mang hạnh phúc của ta để làm cho những người đau khổ thêm hạnh phúc. San sẻ yêu thương là bố thí. Chồng vợ phải biết san sẻ tình yêu thương. Chồng vợ phải biết san sẻ trách nhiệm. Chồng vợ phải biết san sẻ phương pháp giáo dục con cái cho đồng bộ. Chồng vợ phải biết san sẻ về tiền tài, về cách sống. Chồng vợ phải biết san sẻ về đồ ăn thức uống, về cuộc sống của hôn nhân và gia đình, về cảm xúc, về lý trí, về tuệ giác, về tâm linh,.. về tất cả, đó gọi là bố thí đó các bạn. Các bạn suy nghĩ đi mới thấy thấy hay và vui, Phật không quên đời sống của cư sĩ tại gia, phật không quên đời sống của vợ chồng.
Phương pháp thứ hai trong bốn điều cần thực hành Tứ Nhiếp pháp đó là Ái Ngữ, tức là vợ chồng phải luôn luôn phải trân trọng, nói với nhau bằng những ngôn từ đẹp, đừng lỗ mãng, thô ác làm cho trái tim thốn đau, để từng đêm úp mặt vào tường khóc. Thật ra trong cuộc sống của vợ chồng cãi vã nhau luôn luôn xảy ra, chính là bởi vì ta không biết lắng nghe, ta không biết san sẻ, ta không biết dùng ái ngữ. Chứ chẳng phải vì khắc khẩu, vì phong thủy, vì cái mạng số khi sinh ra, ông chồng, cô vợ chẳng hợp với tôi, sinh ra tuổi mèo, tuổi chó, tuổi khỉ, tuổi gì đó không hợp với tuổi của vợ, của chồng. Tuổi đó chỉ là ký tự đặt ra để nhớ năm, hồi xưa chưa có dùng năm, người ta dùng đủ mọi thứ gọi là văn tự chế tác ra để ám chỉ điều gì cho hiểu, hàng tỷ loài thú chọn có 12 con ám chỉ định mệnh của cuộc đời. Nhiều bạn vợ chồng cãi nhau tốn biết bao nhiêu tiền, rồi người ta tới mang 12 con giáp, 12 con thú ra gán ghép tội lỗi cho nó, nó có liên quan gì đến mình đâu. Vậy mà con mèo, con chó, con heo, 12 con giáp kia chúng vô tình bị vạ lây bởi chuyện vợ chồng không biết lắng nghe, không biết san sẻ yêu thương, không biết dùng ái ngữ đối xử, rồi cứ thế đổ thừa cho 12 con thú, tội lỗi quá trời. Ái ngữ là chìa khóa để chúng ta cùng song hành với nhau mãi mãi trong duyên kiếp vợ chồng và san sẻ tất cả.
Phật còn dạy chữ Lợi Hành, ở đây có nghĩa chúng ta dùng chữ lợi hành ta nghe sao mà nó xa lạ. Lợi hành tức là hy sinh và trách nhiệm, cống hiến và tận tụy để mang lại sự lợi lạc cho vợ hoặc cho chồng về tinh thần, về vật chất, về tình cảm, về tâm linh, về mọi góc độ trong cuộc đời. Vợ vợ chồng chồng luôn luôn phải tận tụy hy sinh để làm lợi lạc cho chồng, cho vợ. Đừng ích kỷ với cái tôi “Tôi như vậy đó bà có chịu không, không chịu thì ly dị”.
“Tôi như vậy đó ông có chịu không, không chịu thì xé giấy”
Ta cứ động vào chuyện là hù dọa nhau, lời thô ác thì tuông ra, hành động lỗ mãng thì diễn ra như tuồng kịch mỗi ngày. Rồi mang tờ giấy hôn phối hù dọa, ly dị, xé, càng như vậy thì chúng ta càng xây bức Vạn Lý Trường Thành giữa hai trái tim thuở đầu yêu nhau ngay sự ngăn cách mãi mãi không thể hòa hợp và ở giữa đó là con cái đau khổ.
Điều thứ tư mà Phật dạy rất là hay – Đồng Sự. Vợ chồng với nhau phải bình đẳng và muôn sự phải cùng nhau làm việc. Nhiều khi cô vợ đầu tắt mặt tối việc nhà, ông chồng ngồi hút thuốc, uống bia, uống rượu. Vợ chăm con, giặt giũ, nấu nướng, rồi còn đi làm cực khổ về phải như vậy. Ta không có đồng sự với vợ, chia sẻ công việc nhà, ta như là quan lớn thời phong kiến đó là chồng. Đôi khi vợ cũng nhập vai quan tể tướng công thần, đứng đó bắt chồng làm đủ thứ. Trong cuộc sống Đức Phật dạy Tứ Nhiếp Pháp là bốn điều dung thông hòa hợp trong cuộc đời, để mọi đối tượng từ tình bạn, ông bà, cha mẹ, tới tình nghĩa vợ chồng đều có thể ứng dụng phương pháp này để hòa hợp, sống an vui với nhau. Bố Thí là san sẻ. Ái Ngữ là ăn nói từ ái, lịch sự, bặt thiệp. Lợi Hành là hy sinh, cống hiến, phụng hiến cho nhau. Đồng Sự là cộng tác hài hòa, chia sẻ bình đẳng.
Có vậy thôi mà chúng ta mắc kẹt trong ngôn từ, nhìn hoài trong kinh không thấy Phật dạy làm sao để vợ chồng không cãi vã. Rồi nhồi nhét tâm tư của mình sự cãi vã nhau là hương vị, là gia vị của cuộc sống, sai. Cãi riết, cãi vã rồi người thứ hai, thứ ba, thứ tư xen vào, gia đình đổ vỡ. Chúng ta không để ý từ đó cái tôi quá lớn, từ đó miếng ăn cũng tranh cãi, từ đó tiền bạc cũng phân chia, từ đó giáo dục con cái của chúng ta cũng không được nữa. Các bạn thấy chưa, từ đó mà việc ai người đó làm, từ đó mà nghi ngờ vợ, nghi ngờ chồng, từ đó mà cho kẻ thứ hai, thứ ba xen vào cuộc sống, từ đó mà tâm hoang dã tạo nghiệp, tự tung, tự tác.
Bạn ơi, bạn có biết rằng vợ chồng theo tinh thần của Phật giáo cãi vã nhau là tạo khẩu nghiệp, khởi lên từ những ý tưởng xấu xa, rồi đưa đến những hành động làm cho đau lòng nhau, đó là tạo ba nghiệp thân, ngữ ý, bạn đang tạo nghiệp. Tạo nghiệp kia đâu thể ví von thật hay như hương vị, gia vị cuộc đời được. Dẫu vẫn biết cuộc đời thật khó, nhất là trong tình vợ chồng luôn luôn vẫn có xích mích, nhưng ta phải nhìn thẳng vào chân lý của Phật dạy cãi vã là tạo nghiệp. Mà đôi vợ chồng trong gia đình tạo nghiệp như vậy làm sao hạnh phúc, bởi nghiệp đó sẽ thiêu đốt tất cả, thiêu rụi tất cả phước báu và công đức. Còn lại duy nhất là đống tro tàn đổ nát của mối tình năm xưa hai người đã tới với nhau thật đẹp.
Các bạn thấy chưa, Phật quan tâm đến đời sống tại gia của vợ chồng, Phật đã dạy Tứ Nhiếp pháp, bốn phương thức học thực hành sẽ thấy tốt đẹp. Học cái gì? Học sự san sẻ, học cái gì? Học sử dụng ngôn ngữ cho đúng, học cái gì? Sự hy sinh tận tụy đối với nhau, học cái gì? Học sự cộng tác, chung vai đấu sức, để làm gì? Để cái tôi nó không còn, là biết lắng nghe yêu thương, để tiền bạc chia sẻ sử dụng cho đúng, để ăn uống hòa hợp, phù hợp khẩu vị trong gia đình, để chuyện dạy dỗ con cái là trách nhiệm chung trong nền giáo dục của tại gia, để mọi hành động của chúng ta không xung khắc, hài hòa. Để không nghi ngờ, để không ghen tuông, để không giận hờn, để không phân chia tạo cơ sở cho nghiệp tới và rồi hạnh phúc bị phân chia. Chớ bao giờ hù dọa nhau ly dị, đó không phải là một phương thức tốt, đó là chiêu trò phủ lấp những lầm lỗi, sai trái của mình.
Các bạn phải khẳng định vợ chồng cãi vã nhau chính là bởi vì ta không học thông lời Phật, Tứ Nhiếp pháp có nghĩa là bốn điều để dung thông tình người với tình người trong sự hiểu biết, san sẻ, tử tế, hy sinh tận tụy, cộng tác hài hòa. Đó các bạn thấy đi, hiểu được như vậy thì lời kinh trong giáo lý, trong giáo điển, trong giáo điều ta cho rằng nó không đúng với thời nay, gạt bỏ nó thì bạn sẽ nhận ra ta bỏ đi một viên hột xoàn cao quý để làm sáng đời sống trong vợ chồng. Lời Phật dạy trong Tứ Nhiếp pháp là trân châu bảo ngọc sáng ngời, ai khôn mà nhận ra, được hướng dẫn và hiểu thấu, ứng dụng vào thì nhất định gia đình sự cãi vã sẽ chẳng còn, nhường bước cho tiếng cười. Các bạn hãy nhớ điều đó và đây là sự chia sẻ lời Phật nói về vợ chồng cãi vã nhau, để chúng ta tránh và ứng dụng cho đúng. Mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.
Thưa Phật! Lời của Ngài cao siêu giản dị mà đầu óc u tối của chúng con chẳng hiểu thấu. Nguyện Ngài gia trì để chúng con hiểu được ứng dụng vào đời sống này, để tình nghĩa vợ chồng keo sơn hơn trong sự biết san sẻ, biết lắng nghe, biết nói những lời tử tế, biết hy sinh và tận tụy, biết công bằng.
Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, hồi hướng cho đời sống của gia đình mỗi người.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)