Bảo Đăng đánh máy
Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu.
Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện chư Phật mười phương, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết miên mật tu tập mật thiền chánh pháp Phật, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức, quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn ngồi xuống với tư thế phù hợp với cơ thể của chính mình, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, giữ lưng, cổ, đầu cho ngay ngắn, buông thư, thả lỏng, vững chãi. Luôn nhớ lời Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trong hơi thở của mật thiền ta hít vào bằng mũi phình bụng, thở ra hóp bụng chậm rãi, tổng trì mật ngôn. Quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, quán chiếu tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, quán chiếu tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê. Chánh niệm hơi thở quán chiếu Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, giúp cho mọi người tiếp nhận được năng lượng vi diệu, tha lực Phật điển hòa quyện vào với tự lực cầu đạo giác ngộ của chúng ta. Năng lượng vi diệu ấy sẽ thẩm nhập vào thân và tâm giúp cho thân khỏe, tâm an. Chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở chậm rãi vừa sức, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa đến muôn loài.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Mô Phật! Bảo Thành chào các bạn đồng tu. Bảo Thành tới tiểu bang Minnesota 1 tuần dưới cái lạnh băng giá, lạnh lắm, lúc nào cũng dưới âm độ C, âm mười mấy độ, có hôm đến âm 30 độ C. Trong một tuần ở đây cứ tưởng mình khỏe bởi sống ở tiểu bang ấm áp rồi, có chút ảo tưởng nghĩ mình khỏe, nhưng hôm nay tới đây một tuần thấm lạnh, thấy hơi bị sổ mũi rồi. Nhưng trong tinh thần thì sảng khoái và hạnh phúc, vì thấy rằng, thấy rõ rằng cuộc đời của mình đôi khi ảo tưởng quá mức để xây dựng những ước mơ trong hảo huyền, trực diện với thực tế của thời tiết dưới âm mười mấy, âm ba mươi mấy độ C, lúc ấy mới ngỡ và hiểu rằng ta chưa khỏe, ta không khỏe như ta nghĩ. Giá trị cũng tốt khi mình bước tới vùng cần để trải nghiệm, nhận rõ về mình, bước tới và dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
Các bạn, bước ra khỏi vùng an toàn để đi vào vùng chưa hiểu rõ, có một sự trải nghiệm để thấu là điều kỳ diệu nhất của kiếp người. Nhưng cuộc đời đâu mấy ai dám bước ra khỏi vùng an toàn để đặt chân vào vùng mới thấy, mới hiểu, mới nghe, do dự cuốn tròn như con cuốn chiếu, chôn vùi vào vùng an toàn của kiến thức, của suy nghĩ, của cái được gọi là mình đã có, chẳng dám bước ra để trinh thám vào miền xa của những kiến thức ta chưa một lần chạm vào. Đây là câu hỏi hay là một điều suy nghĩ trong năm mới, để chúng ta minh định lại. Năm mới này chúng ta đã sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của mình để khám phá, để trinh thám, để trải nghiệm, để học hỏi và cuối cùng là để ngộ ra ngoài kia còn biết bao nhiêu những điều kỳ diệu đang chờ đón ta.
Các bạn thân mến! Mật thiền chánh niệm chánh pháp Phật là một phương tiện vi diệu, để mỗi người chúng ta thực tập, sống và đón nhận sự an toàn bằng trí tuệ, trải nghiệm tư duy. Chẳng phải bằng sự chấp nhận cuốn tròn trong mớ kiến thức vụn vặt, được xây đắp bởi những mảnh đá quăng đi, gạt bỏ của những người thợ xây và vơ vét chút xi măng dư thừa, cặn bã của kiến thức nhân loại xây nên thành lũy, chui vào đó để ổn định cuộc sống của mình. Các bạn nghe Bảo Thành nói như vậy có vẻ hơi là lạ, nhưng các bạn phải nghe kỹ câu vừa rồi một chút xíu với tâm thái lắng đọng, suy nghiệm về cuộc đời của chính mình bạn sẽ thấy thật là kỳ thú, thật là tuyệt vời. Mật thiền lấy hơi thở của chánh niệm tích phước, tích đức để tăng trưởng tâm đức của mình, dư giả phước đức, tràn đầy công đức, tịnh dưỡng thân tâm.
Rất hay, nghe và thích thú chưa phải là điều cảm nhận được cái hay, nhưng các bạn nghe, các bạn thực tập, thực hành, hành trì mới nhận ra những điều vừa nghe đúng hay sai. Thông thường ta rất sợ, sợ sai nên nhắm mắt vơ vét những điều nghe là đúng, nhưng chẳng nhìn rõ bởi nhắm mắt mà, nghe đúng, vơ vét, ôm ấp vào, chất chứa, giữ chẳng dám nhả và thả ra nhưng lại bịt mắt. Trí tuệ như một biểu tượng tượng trưng rằng phải mở mắt ra để nhìn, phải mở trí ra để thấu, để tư duy. Nhưng hầu hết các kiến thức ta có được như một lập trình tự nhiên nhồi nhét vào, ít mấy ai có được kiến thức qua sự học hỏi, trải nghiệm, tu luyện. Ta kế thừa của sự ngộ nhận và lấy sự kiến thức kế thừa trong sự ngộ nhận đó và triệt tiêu tất cả những điều vi diệu chưa một lần chạm tới. Thì mật thiền là chìa khóa tăng trưởng sức mạnh, để chúng ta là người có thần thông bởi tự lực cầu đạo giác ngộ, tự lực vượt qua chướng ngại, tự lực đương đầu với trải nghiệm và thử thách, tự lực đứng dậy vươn lên, bước tới để chinh phục những điều chưa một lần được trải nghiệm.
Các bạn, mật thiền rất vi diệu, năng lượng của Từ bi qua sự quản chiếu bởi mật ngôn Mu A Mu Sa, mỗi người sẽ thẩm nhập vào như nước thấm vào đất để mầm yêu thương, cái mầm của chân như Phật tánh có cơ hội thấm đượm mà vươn lên, trổ lộc, nở hoa, kết trái. Dĩ nhiên trong quá trình thấm vào năng lượng từ bi, thắp sáng đuốc tuệ kia không thể thiếu ánh sáng của sự Tỉnh giác, đón nhận nơi Trí tuệ bừng sáng. Những ai tu tập mật thiền không khác gì như người khám phá ra mỏ kim cương trong chính cuộc đời của mình và tận tụy như người thợ mỏ, đào bới và biết tịnh dưỡng sức, tinh thần một cách thông thoáng để có được một phương tiện đặc biệt hơn, khai phá kho tàng kim cương vĩ đại trong chính cuộc đời của mình.
Các bạn, làm sao trong cuộc sống chúng ta đang thực tập Phật pháp, có thể ứng dụng mật thiền vào đời sống rất thường là nông dân, là công nhân viên chức, chính quyền địa phương, giáo viên, người bình thường, buôn bán nhỏ, buôn bán lớn, là doanh nhân, giám đốc, là gì gì đi nữa trong cuộc đời này. Thì mật thiền vẫn là phương pháp vi diệu cho mọi tầng lớp trong xã hội, mọi tầng lớp kiến thức đều có thể ứng dụng để thúc đẩy tiềm năng vi diệu, siêu việt vốn có mà Đức Phật đã chỉ thẳng và nói rõ thân người là phương tiện vi diệu. Đây là một điều nói thật rõ rồi, đã là một phương tiện vi diệu thì để đạt được tất cả những điều gì ta muốn có, đều phải qua sự trải nghiệm của thân người.
Bạn đồng tu hỏi “Làm sao để hạnh phúc và trưởng thành?” rất hay! Các bạn là mẹ, là cha hoặc các bạn là ai đó, có khi nào từng nói với con cái của mình, với người yêu của mình, với người bạn của mình, với ai đó mà ta gặp gỡ rằng “Trưởng thành một chút đi cho tôi nhờ, con trưởng thành một chút đi cho mẹ nhờ, con trưởng thành một chút đi cho cha nhờ, bạn trưởng thành đi, cứ như vậy không được đâu”
Chắc chắn câu này ít nhiều gì ta cũng đã nghe ai đó nói hoặc chính bản thân nói với người khác, hoặc là nhìn gương nói với chính mình, mình phải trưởng thành thôi. Đúng! Chúng ta khi đã biết suy nghĩ thì bắt đầu mong ước rằng mỗi người và chính mình nên trưởng thành, định nghĩa về sự trưởng thành này khác biệt tùy theo từng vùng miền, khái niệm. Có những người sau bao nhiêu năm ta không gặp, chỉ gặp khi còn rất nhỏ, nay bất chợt gặp thôi thân tướng to lớn như một thanh niên, thiếu nữ, ta nói “Em ấy, anh ấy đã trưởng thành”
Ngày hôm qua ở chùa Xá Lợi tiểu bang Minnesota có lễ kỷ niệm 6 năm thành lập Chùa, Bảo Thành gặp một số Phật tử và họ mang con em tới, nhìn qua hình ảnh và nhìn qua khi tiếp xúc mới nhận thấy các em đã trưởng thành, nhận định về trưởng thành ở đây là về thân tướng cao lớn, đẹp trai, đẹp gái đó hình như cũng là một cách định nghĩa trưởng thành về thân. Nhưng ở trong cuộc sống có thật nhiều em còn rất nhỏ, thân tướng vẫn còn là tuổi bé, nhưng chúng ta đã phải thốt lên rằng “Ôi! Em ấy đã trưởng thành”.
Bởi kiến thức qua cách ăn nói, cách xử thế, chững chạc, hiểu biết, có niềm tin vào bản thân, ta phải thốt lên rằng em ấy đã trưởng thành, dù ở tuổi rất nhỏ.
Hoặc câu đơn giản là như ông cụ tức là những em còn rất trẻ, rất nhỏ, rất bé mà khôn ngoan quá, trẻ mà như ông cụ ám chỉ rằng có những em trẻ, em bé thơ đã trưởng thành vượt tuổi, đó là trưởng thành về kiến thức. Trưởng thành về thân, về kiến thức, còn có trưởng thành về tâm linh. Bất chợt gặp một người nào đó nay thấy thân tướng trang nghiêm, oai nghi, đĩnh đạc, trầm tĩnh, ngôn từ có cái định, có sức mạnh, thân tướng tỏa ra sự bình an hạnh phúc, thấy tâm linh sáng quá ta cũng thốt lên “Ôi! Người này đã trưởng thành về cuộc sống tâm linh”
Như vậy thì sự trưởng thành và định nghĩa của trưởng thành khác biệt tùy theo môi trường, điều kiện. Trưởng thành về thân, về kiến thức về tâm linh.
Chúng ta cũng thấy rằng sự trưởng thành của mỗi một người về mặt nào đi nữa, tụ chung khi nói chữ trưởng thành là trưởng thành về cả ba mặt, đặc biệt là trưởng thành về kiến thức, kiến thức trong kinh nghiệm sống, kiến thức về tâm linh. Có những người bị đày đọa, bị vấp té, bị thất bại, gọi là te tua không còn có thể gắn lại những mảnh vụn rách nát, tan rã, tưởng như đã mất, đã chết, đã không thể đứng dậy. Nhưng rồi họ đã trưởng thành trong gục ngã đau đớn, thê thảm, bởi sự trải nghiệm đó đau đớn mà trưởng thành. Lại có những người trưởng thành trong những môi trường điều kiện rất tốt, được học hỏi đầy đủ các phước báu và họ trưởng thành. Sự trưởng thành có rất nhiều cách và sự trưởng thành đó hầu hết là do ý thức của mỗi một người khi trải nghiệm, vươn lên để có được sự trưởng thành.
Môi trường đưa chúng ta trở thành người trưởng thành và được tiếp cận giáo dục để trưởng thành một cách tốt đẹp nhất, không trải qua những đau đớn, những cay đắng, những trải nghiệm trong tận cùng để trưởng thành. Để rồi trưởng thành nhưng cô đơn, trưởng thành nhưng xa lánh, trưởng thành nhưng tách biệt khỏi thế giới. Một phương tiện, một phương pháp, một môi trường giáo dục để mỗi người trưởng thành vững chắc, trưởng thành cả về thân, về tinh thần và tâm linh, đó chính là nuôi dưỡng cuộc sống của mình để trưởng thành bằng hạnh phúc. Trong đau đớn cũng sẽ trưởng thành, nhưng hạnh phúc để trưởng thành chỉ người ấy sẽ vững chắc vô cùng, sẽ luôn biết hòa mình vào trong thế giới này như gió, như nước, như không khí, như vũ trụ mênh mông vô tận, rộng lớn. Để dung nhiếp và đón mời muôn người bước vào cuộc đời. Người trưởng thành như vậy do hạnh phúc mà trưởng thành là người tự tại an lạc.
Các bạn và Bảo Thành cũng muốn hạnh phúc, để hạnh phúc và để trưởng thành, nhưng chúng ta ít có khi nào tìm ra phương pháp của một bậc giác ngộ hoặc nghiên cứu một phương pháp của bậc giác ngộ để có hạnh phúc mà trưởng thành để tồn tại. Thường là chúng ta thường học lóm những phương pháp, tiểu xảo của cuộc đời, để có chút hương vị hạnh phúc, để có bóng dáng của sự trưởng thành. Nhưng khi va chạm thì phiền não, đau khổ và rồi sụp đổ toàn diện. Các bạn đã từng trải nghiệm cứ nghĩ rằng mình hạnh phúc bởi những tiểu xảo, phương pháp tâm lý. Các bạn đã từng hãnh diện mình là người trưởng thành bởi những tiểu xảo, kiến thức nhân loại, nhưng nó sụp đổ bởi ở đời người ta nghĩ trưởng thành là hạnh phúc được đo đạc trên vật chất, tiền tài, quyền lực, quyền lực là phải ở trên thì có trời, dưới có mình và dưới nữa là hàng vạn dân chúng, đó là quyền lực dưới một người mà trên nhiều người.
Người ta nghĩ đó là trưởng thành, có người lại nghĩ trưởng thành là trong hạnh phúc của tiền chất vào kho, tiền tấn, vàng bạc cho đầy nhà, đi đâu người ta cũng kính nể. Cho nên họ đã nhào đầu vào xây dựng quyền lực và vơ vét cho có tiền, họ cứ tưởng rằng quyền lực đó, tiền họ có được đó mang lại hạnh phúc và bền vững mãi mãi. Nói chiều dài của lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy không phải như vậy, đó là lịch sử thôi. Còn hiện tại bạn cũng đã nghe, biết bao nhiêu những người có quyền chỉ trong một chớp mắt quyền lực đã mất, bởi quyền lực đó được xây dựng không ổn định, không vững chãi bằng tâm đức nhưng mà bằng thủ thuật. Có biết bao nhiêu người trong một chớp mắt tiền tấn đầy nhà, vàng bạc chất chồng rồi cũng chẳng còn, bởi những thứ đó được xây dựng không bằng tâm đức, không bằng phước đức và công đức, nhưng bằng quyền lực trong thủ thuật của cuộc đời để vơ vét chiếm cứ.
Cho nên chỉ một chớp mắt trôi qua, muôn sự bao nhiêu năm gọi là có đó thoảng một cái chẳng còn gì. Chắc chắn các bạn đã và đang nghe những thông tin như vậy, rải rác hàng ngày trên các thông tin đại chúng về những người trong nước hoặc ngoài nước, trên thế giới nơi đâu cũng có những hạng người như vậy. Bạn cũng thấy biết bao nhiêu người trưởng thành tưởng như vậy đó, rồi bất chợt sụp đổ, như tăng trưởng kiến thức nhồi nhét cho nhiều, bất chợt một ngày thấy anh ấy, cô ấy đã vô bệnh viện tâm thần. Rồi lại có người nghĩ rằng thân to lớn, khỏe mạnh là trưởng thành, nên bồi bổ nuôi con cái hoặc bản thân của mình ăn cho nhiều, cho to, cho bự, hóa ra mập máu đầy mỡ, tăng xông, tăng huyết áp, bệnh tật. Nhiều cái ta chưa rõ và lấy những cái rất giả, rất hư làm nền tảng để xây dựng hạnh phúc và cho là đã trưởng thành.
Đối với Đức Phật trưởng thành phải đi từ tâm đức để có được hạnh phúc chân thật, mà trưởng thành một cách chững chạc, 3 trong 1, tâm linh, tinh thần và thể chất. Ngày xưa người ta tìm cái gì cũng chỉ một thôi, nhưng thế giới hiện đại rồi cái gì cũng phải 3 trong 1, cái gì cũng phải 3 trong 1 giá rẻ tiền, không cần phải mua, tặng biếu, thôi cho nhau thôi, nhưng mà phải ba cái trong một. Các bạn thấy không, xà bông người ta cũng cần ba trong một, thứ nhất là có độ ẩm để dưỡng da, thứ hai làm tóc cho tốt, thứ ba là trị cả gàu nữa, không bị ngứa, cái gì ở đời cũng muốn ba trong một hết. Thì Đức Phật dạy cho chúng ta để hạnh phúc và trưởng thành cũng ba trong một, miễn phí toàn diện không phải mất tiền, đơn giản vô cùng nơi đâu cũng có đó là chánh niệm hơi thở 3 trong 1.
Chỉ một hơi thở mà giữ được chánh niệm thì ta không bị gàu ngứa đầu nữa, tức là ta không bị rối rắm nữa, trí tuệ của ta bừng tỉnh không còn phải gãi đầu, bế tắc trong suy nghĩ. Chánh niệm hơi thở đã thông trí tuệ. Chánh niệm hơi thở còn làm cho tóc của ta dài, có nghĩa là làm cho suy nghĩ và hạnh phúc của ta miên trường bất tận. Chánh niệm hơi thở còn làm cho da đầu có độ ẩm, tức là làm cho thân này được tươi vui và hạnh phúc. Người tu chánh niệm hơi thở qua phương tiện như vậy ba trong một, có một thân thể khỏe mạnh, không cao lớn đồ sợ nhưng vững chãi, có một tinh thần trong sáng dõng mãnh, đương đầu với nghịch cảnh, hòa mình với thuận cảnh như con thuyền biết căng buồm mượn gió lướt đi.
Chánh niệm hơi thở 3 trong 1 là một phương thức thực tập, một phương tiện tu luyện để con thuyền ta đi không mù mịt trong tăm tối, mà có mặt trăng, mặt trời chiếu sáng dẫn đường ta đi. Và hạnh phúc ta có được trong chánh niệm hơi thở là sự hỷ lạc toàn diện về thân, tinh thần và tâm linh. Đó mới gọi là trưởng thành. Người trưởng thành là người có kiến thức rõ ràng dựa trên nền tảng của năm giới, của bát chánh đạo để kiến lập sự hạnh phúc bền vững, chắc chắn. Đó là sự trưởng thành rất rõ mà phương pháp tu tập lạ miễn phí toàn diện, dễ dàng, mọi lúc mọi nơi. Kẻ có kiến thức trong xã hội này cao như bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, thấp như những người tu sĩ Bảo Thành đây hoặc cư sĩ như các bạn, đều thành tựu được hết. Sĩ nào thì sĩ, nhưng nếu vì sĩ diện để tăng trưởng hạnh phúc và sự trưởng thành, cái độ đó sẽ mau hư.
Các bạn, thật sự chúng ta trong những ngày này cần phải suy nghĩ thật rõ, để hạnh phúc và trưởng thành thì Đức Phật đã dạy một cách rất đơn giản nhưng hay, ai thực tập cũng được. Người trưởng thành theo Đức Phật là người có trí tuệ được xây dựng trên nền tảng của nhân quả thiện ác, biết nhìn rõ ác và thiện, biết chịu trách nhiệm về bản thân, chịu trách nhiệm về suy nghĩ, lời nói và hành vi, và có trách nhiệm thay đổi cuộc sống của mình để hạnh phúc lan tỏa, để làm cho đời mình và muôn người cũng như ta hưởng được sự an lạc viên mãn. Để hạnh phúc và trưởng thành thực ra đừng quá cầu kỳ, đặt nặng về thân tướng.
Các bạn có nghe câu thân to mà đầu nhỏ như quả nho chưa? Thân nó lớn mà não nó cụt bạn nghe chưa? Đó là những cách nói thời đại ngày nay đó, các bạn có nghe “Trời ơi! Nó khôn, nó khôn mà nó quắc cả thân lại, nó khôn mà nó teo cả người lại”
Có, đều là những cách nói, nhưng cách như vậy chẳng bền, bởi có những đứa trẻ kiến thức rộng lắm, lớn lắm, chừng lớp 7, lớp 8, lớp 9, lớp 10 là có thể đã xong trình độ đại học, gọi là siêu nhân về toán học hoặc các ngành học thức khác. Nhưng nhìn ra những bạn ấy vẫn còn rất ngây thơ. Nhưng cũng có những ông cụ cả trăm tuổi, bà cụ cả trăm tuổi vẫn ngây thơ như trẻ.
Hãy nhớ một môi trường nuôi dưỡng hạnh phúc bằng tâm thái an lạc trên nền tảng của ngũ giới, bát chánh đạo, để được huấn luyện bản thân của mình về những sự suy nghĩ trong sáng, lành mạnh, về những ngôn từ, ngôn ngữ hòa ái, yêu thương, về những hành vi tốt đẹp lợi người, lợi vật. Ngay từ thuở nhỏ một môi trường giáo dục như vậy theo đúng như lời Đức Phật dạy, thân ngữ ý đều được chú ý một cách toàn diện. Thì nhất định người đó ở lứa tuổi nào, thời gian nào, không gian nào đều là người hạnh phúc để trưởng thành.
Hạnh phúc để trưởng thành chứ không còn là để hạnh phúc và trưởng thành. Hạnh phúc để trưởng thành, đau khổ cũng trưởng thành, nhưng đó là những tì vết. Có thể nhiều người đau khổ dữ lắm rồi trưởng thành, nhưng sự đau khổ và trưởng thành đó chỉ là sự giàu kinh nghiệm trong cuộc sống. Còn hạnh phúc trong tu luyện thân ngữ ý, trong nhận rõ giữ năm giới từ thuở nhỏ, hiểu biết theo 8 bước thực hành của Bát Chánh Đạo, thì hạnh phúc đó là hạnh phúc bất diệt. Hạnh phúc để trưởng thành như vậy là sự trưởng thành vững chãi, không bao giờ hủy diệt và hạnh phúc để trưởng thành đó chính là nương vào trí tuệ của chuyển hóa tâm tham sân si, ngũ giới và Bát Chánh Đạo. Đơn giản là người được huấn luyện một cách cặn kẽ theo đúng phương pháp giáo dục của Đức Phật, để luôn hạnh phúc và trưởng thành và trưởng thành trong hạnh phúc.
Hãy cho mình một sự thử thách mới trong năm này và hỏi thẳng mình rằng ta đã trưởng thành chưa? Và những điều ta muốn trưởng thành là về lĩnh vực gì? Thì xin thưa nếu bạn biết nuôi dưỡng cuộc đời này bằng hạnh phúc qua sự tu luyện, bạn sẽ trưởng thành về mọi mặt, bạn sẽ có được những điều bạn mơ ước, đúng tầm với tâm đức, phước đức và công đức bạn hành trì trong cuộc sống. Hãy suy nghĩ và tự thử thách mình trong cách sống này, trong cách tu luyện này và hãy giáo dục con em của mình, để con em của mình trưởng thành trong hạnh phúc nơi những giáo lý rất căn bản, bình thường, ứng dụng được mọi nơi. Để con cái của mình, để bản thân của mình, để mọi người ta yêu thương đều hạnh phúc và trưởng thành, đều trưởng thành trong hạnh phúc. Các bạn, ta trở về với hơi thở của chánh niệm.
Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con trưởng thành trong hạnh phúc qua thực tập giáo lý Ngài đã dạy.
Chúng ta hãy hít vào bằng mũi phình bụng, thở ra hóp bụng chậm rãi, tổng trì mật ngôn, lan tỏa và tiếp nhận yêu thương.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)