Search

3197. Cách Nào Để Hạnh Phúc Trong Hôn Nhân

Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu. Giờ tu đã tới, kính mời    các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con tinh tấn miên mật tu tập Mật Thiền Chánh Pháp Phật để lan tỏa yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ và sống đời tỉnh giác, quán chiếu thấy rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ, những người thương yêu đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cầu cho ông bà, cha mẹ tại tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật từ bi chứng minh.

Mời các bạn ngồi xuống buông thư, thong dong tự tại, cổ lưng và đầu buông lỏng giữ cho thẳng, cùng trở về với hơi thở của Chánh niệm hít vào thở ra chậm rãi nhẹ nhàng. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở ra trì mật ngôn hóp bụng. Hãy nhớ rằng Đức Phật dạy: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác quán qua mật ngôn:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

Mỗi người trong chúng ta sẽ đón nhận được năng lượng tha lực của chư Phật ban rải xuống.Với một lòng thành kính tri ân, chúng ta hãy tiếp nhận và lan tỏa tới tất cả mọi loài.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa tới muôn loài

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến! Đạo Phật ngày nay đã ứng dụng thật nhiều phương tiện để mang ánh sáng của Phật pháp, một nền giáo dục tâm linh ứng dụng để tăng trưởng hạnh phúc trong kiếp người về muôn mặt phát triển rõ ràng. Ai ai cũng có cơ hội để tiếp cận hiểu thấu về lời của Phật dạy. Hầu hết người Phật tử chúng ta theo một truyền thống của gia đình. Nhiều năm trôi qua vẫn mang danh nghĩa là Phật tử, học Phật Pháp nhưng vẫn chỉ là một thứ tôn giáo truyền thống của gia đình, của thôn xóm hoặc ở nơi nào đó ta sinh ra, ít có ai có cái điều kiện thật sự học hỏi. Và các môi trường trong các cửa chùa xưa, các vị Thầy cũng như Sư Cô làm cái nhiệm vụ là kinh kệ, là tu luyện bởi là những bậc xuất gia. Khi Phật tử cần trong những cái việc mai táng, cúng kiếng, lễ nghi thì tới gia trì chứng minh. Dần dần, người Phật tử cứ tưởng rằng Phật giáo là chỉ có lễ và nghi trong những cái dịp mai táng, tết, rằm, Phật đản, Vu Lan. Chứ ít có Phật tử nào nghĩ rằng đạo Phật là một tôn giáo mà mỗi một người khi nhận mình là Phật tử đều phải tích cực nỗ lực thực tập lời của Phật dạy, không qua niềm tin mà qua sự mật hạnh trải nghiệm với cái Pháp hành ứng dụng hằng ngày để có được hạnh phúc và an lạc. Ít lắm! Khổ đau thì tới chùa cúng kiếng, xin, cần lộc, cần phước, cần cái gì đó thì cúng kiếng xin. Không khi nào nghĩ rằng tất cả những cái thứ đó đều có được do cái tâm của mỗi người tu luyện theo lời của Đức Phật dạy. Vậy nên theo Phật rất thụ động, học Phật rất thụ động, không có tích cực. Một cái chủ đề được gửi về ngày hôm nay trong đời sống hôn nhân “Làm sao để có được hạnh phúc”?

Các bạn! Thói đời nhìn thoáng qua nghe vội vàng rồi đặt cọc tư tưởng, niềm tin, khẳng định khư khư không bao giờ thay đổi vì thoáng thoáng nghe rằng đạo Phật là diệt dục, do vậy Đức Phật không bao giờ dạy về đời sống hôn nhân của vợ chồng, của cư sĩ tại gia. Diệt dục mà dạy cái gì? Dạy những cái chuyện lên Niết bàn kìa, dạy những cái chuyện tiêu diệt ái dục kìa, dạy những cái chuyện mà thành Phật, thành Thánh, thành Tiên, thành Thần, thành những bậc cao cả thoát khỏi trần tục, ái dục. Rồi những cái chuyện rắc rối không thể có được hạnh phúc trong đời sống hôn nhân của cư sĩ tại gia, ta chẳng bao giờ nghĩ rằng Phật dạy, nên chẳng tìm chẳng hiểu, và lao đầu vào những cái kế sách tâm lý, tâm sinh lý của loài người để bảo vệ hạnh phúc, để xây dựng hạnh phúc hôn nhân. Nhưng những cái vật liệu về tâm lý ở đời để xây dựng cho hạnh phúc hôn nhân không khác gì xây dựng một cái nhà thật cao trên bãi cát ở biển. Một cơn sóng nhỏ lăn tăn dẫn đến sự bất đồng ý kiến trong tương tác hằng ngày thì tòa nhà hôn nhân cao ngất đến đâu được xây dựng kia cũng bị sụp đổ bởi không có cái nền tảng vững chắc. Nhìn bên ngoài thì đẹp nhưng thực chất chẳng bền vững. Trong đời sống hôn nhân, các bạn khi gặp những chuyện rắc rối chẳng có hạnh phúc, các bạn chắc chắn đã chạy tới biết bao nhiêu những nhà giáo dục hôn phối hôn nhân, tâm lý hôn nhân và đào bới ở trong những cái sở thích của con người nghĩ ra như một kế sách bảo vệ hạnh phúc của hôn nhân. Bạn đã khổ lắm rồi, mệt lắm rồi, tìm đủ mọi thứ rồi nhưng mà hạnh phúc hôn nhân kia, sự đáp ứng học hỏi từ bên ngoài do những giáo sư hôn nhân, tâm lý học, tâm sinh lý học truyền dạy, bạn ứng dụng đủ nhưng hạnh phúc nó cũng mong manh dễ vỡ, chẳng vững chắc.

Câu hỏi mà mỗi người Phật tử chúng ta cũng nên tự hỏi và suy ngẩm tư duy: Đức Phật thực sự có dạy cho hàng Phật tử tại gia chúng ta cái phương pháp nào để tạo dựng, có được hạnh phúc trong hôn nhân không? Hay Đức Phật chỉ chuyên chú về những cái pháp môn những cái phương pháp cho những người cạo đầu đi tu như Thầy tu, Sư Cô, bỏ hết ái dục, ly trần tẩy tục, hành thành cái bậc chứng đắc cao ngất. Những cái điều suy nghĩ như vậy không phải là cái chất sống của đạo Phật đâu. Chúng ta cứ thường hay hoang tưởng, rồi nhìn vào cái sự hoang tưởng chẳng suy nghĩ đặt tên một cách rất gượng ép, chống chế, cãi cọ, luận bàn. Đó là chuyện bình thường của những người chưa nhìn thấu, đó là chuyện rất thường của những người chưa nghe rõ. Nhìn không thấu, nghe không rõ, rồi không học hỏi nghiên cứu thì nhất định chẳng khác gì như người mù, như người điếc, nhắm mắt nhảy ra ngoài đường trên cái trục lộ giao thông đa chiều, cái kết là nhất định có những chuyện đụng chạm tan vỡ. Đó là ở đời, trong hôn nhân cũng như thế, người vợ và người chồng, tất cả những người bạn phối ngẫu dù mang tiếng theo Phật nhưng mấy ai tin tưởng rằng: Phật dạy về đời sống hôn nhân? Trong những cái giao điểm của cuộc đời, con người gặp gỡ để giao thoa kiến thức tăng trưởng của đời sống con người hầu hết rất cưỡng ép, gượng ép cho cái chiều hướng là phục vụ để thỏa mãn nhu cầu của thể xác. Nhưng các bạn biết bạn có thỏa mãn nhu cầu của thể xác đến đâu đi nữa thì chẳng khác gì xây cái toà lầu cao ở trên cát. Bởi thời gian trôi qua những cơn sóng rất nhỏ của thời gian nó vỗ vào cuộc đời của hai người, tuổi hạc sẽ tới, tóc sẽ bạc, mắt sẽ nhăn, sắc đẹp sẽ chẳng còn và thân xác uể oải do thời gian trôi qua thì chẳng còn gì có thể thỏa mãn được cái thân xác, những cái cảm xúc của cái thân thành – trụ – hoại – không, Vô Thường, biến hiện, sanh diệt trong từng giây từng phút. Bạn sẽ ngỡ ngàng vô cùng khi bao nhiêu năm trời xây dựng những cái điều tâm lý, sinh lý mà người ta dạy để bảo vệ hạnh phúc hôn nhân, để rồi tan vỡ trong một chiều khi mặt trời lặn xuống, chẳng còn có cơ hội nhìn thấy bình minh ló dạng.

Các bạn ơi! Đức Phật quan tâm đến đời sống của mọi chúng sanh, chẳng phải chỉ quan tâm đến đời sống của người xuất gia thành Phật. Ngài nhìn thấy một cái trật tự tiến hóa từng bước trong đời sống tâm linh của muôn loài. Ngài rất kiên nhẫn mỗi một thứ bậc, mỗi một căn cơ, mỗi một tầng lớp, mỗi một cái nghiệp thức khác nhau, Phật đều nhìn thấy cần phải dạy hướng dẫn cái điều gì. Và Ngài luôn luôn đầu tư thời gian cho cái hạnh kiên nhẫn, hằng thuận, tùy duyên, hoan hỉ, đồng hành và giáo dục. Bạn chắc chắn đã biết thật nhiều làm sao để có được hạnh phúc hôn nhân. Sách vở ngoài đời bán thật nhiều. Biết bao nhiêu những cái chiêu trò của kiếp sống con người thỏa mãn cái thân xác, cảm xúc, tài vật cung phụng cho cái gọi là hạnh phúc hôn nhân. Đầy hết. Người ta cũng biết khai thác những cái chủ đề về hạnh phúc hôn nhân để làm thương mại kiếm tiền, và bày trò làm ô nhiễm cái tâm thanh tịnh của chúng ta. Để mọi tạo tác ta tạo ra chẳng phải là xây dựng một nền hạnh phúc mà chỉ bù đắp cho những cái khiếm khuyết của cái nhìn không rõ, và mù lòa lao đầu vào tạo nghiệp. Hạnh phúc chẳng tồn tại, hạnh phúc chẳng được xây dựng và hôn nhân sẽ đổ vỡ. Dù chẳng chia tay nhau thì cuộc sống trong gia đình giữa hai người bạn đời luôn luôn có nhiều sự giày vò đau khổ, sống cho có cặp có đôi, nhưng trong lòng vẫn đau trong từng giây phút.

Các bạn! Đức Phật ngày xưa từng dạy về người phụ nữ khi lấy chồng phải làm gì? Người nam khi lấy vợ phải làm gì để có được hạnh phúc? Những bài học về hôn nhân làm sao để hạnh phúc được diễn giải quá nhiều và bạn có thể nghiên cứu ở trên mạng, trên sách vở, trên kinh điển. Nhưng đó là sự phân tích tản mạn một chút cho nó rất người. Những cái mấu chốt chìa khóa để xây dựng hạnh phúc hôn nhân và hạnh phúc cho mỗi một cá nhân, của từng chúng sanh rất giống nhau không khác. Không cần phải phân biệt hôn nhân làm gì để có được hạnh phúc? Mà mỗi một chúng sanh, mỗi một sự sống ở trên đời này Phật đều dạy một cái bí kíp như nhau để xây dựng và có được hạnh phúc. Đó chính là “nhân quả”. Nghe hai chữ “nhân quả” thường quá, không suy nghĩ, hóa ra chẳng bao giờ chúng ta ứng dụng vào đời thường, cứ nghĩ phải có những cái phương pháp gì đó để rồi tạo điều kiện cho những người khác bày trò mà ta học hỏi. Nhân quả là chìa khóa để xây dựng và có được hạnh phúc trong đời người, trong đời sống hôn nhân, trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Hôn nhân hay từng cá nhân thì nhân quả vẫn là chìa khóa phù hợp thích ứng với mọi căn cơ, nghiệp thức, trình độ, nhân duyên. Biết ứng dụng nhân quả vào, hôn nhân sẽ có hạnh phúc, từng cá nhân sẽ có hạnh phúc.

Vì sao? Vì người hiểu thấu được nhân quả là biết được ta nghĩ cái điều gì sẽ tạo ra nghiệp ác và nghiệp thiện. Người thấu được nhân quả biết được cái ngôn ngữ ta sử dụng hằng ngày sẽ tạo ra nghiệp ác hoặc thiện. Người hiểu thấu nhân quả sẽ biết được những hành vi tạo ra khi tương tác với mọi người sẽ tạo ra nghiệp thiện hoặc là ác. Những nghiệp ác tạo ra thấu được lý nhân quả hiểu rằng sẽ tạo ra một cái lực để đầy đọa, gây đau khổ và phiền não, xui xẻo, bệnh hoạn, vô minh, tăm tối. Thấu được điều ấy, nhân quả đó, thì người vợ, người chồng, mọi người trong chúng ta sẽ phải suy nghĩ, nghĩ như thế nào, nói như thế nào, hành vi hành động như thế nào, không thể buông tuồng. Như người phi ngựa không có dây cương, không có yên ngựa và con ngựa lại không được thuần thục nữa. Ngồi lên trên con ngựa chưa được thuần thục không có dây cương và yên ngựa, điều khiển chẳng được, cái kết sẽ bị con ngựa hoang đó nó hất tung xuống dưới đất, không gãy xương thì cũng sẽ chết. Nghiệp ác là ngựa không có dây cương, chẳng có yên ngựa, chẳng được thuần hoá. Nhân ác đó tạo ra cái kết là gãy xương, chết người đó. Hiểu được như vậy, mấy ai trong chúng ta thấu được nhân quả của cái nghiệp ác như phóng lên con ngựa hoang chẳng dây cương chẳng yên, chưa được thuần hóa, không ai ngu dại gì mà phóng lên. Chúng ta biết đó. Cho nên cái vấn đề mà hiểu được nhân quả rất quan trọng. Hiểu thấu được nhân quả, cần được hướng dẫn dạy dỗ, cần phải được tư duy trong một cái sự trong sáng, nghiền ngẫm mới thấu lý được. Hời hợt thuộc lòng hai chữ “nhân quả” đọc như con sáo con vẹt, chẳng có nghĩa lý gì. Bạn đã nghe, bạn đã hiểu, bạn đã thấu, bạn đã suy nghĩ và mường tượng thật rõ rất nguy hiểm khi nhảy đại lên con ngựa hoang chưa được thuần thục, chẳng có dây cương, chẳng có yên ngựa. Bạn biết mà! Chỉ nghe nói rồi bạn tư duy suy nghĩ, mường tượng bạn thấy sợ, thấy con ngựa hoang bạn không dám phóng lên nữa. Người hiểu thấu được nhân quả biết ngăn chặn những cái nghiệp ác để không làm tổn thương bản thân và làm tổn thương đến những người mình yêu thương.

Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là khi vắng mặt sự phiền não và đau khổ. Vậy thôi! Đơn giản lắm. Bạn nghĩ xem đúng không? Có phải là hạnh phúc là sự vắng mặt của phiền não và đau khổ. Không giải thích đâu, các bạn tự suy nghĩ sẽ thấy thấm. Hạnh phúc chính là khi phiền não và đau khổ vắng mặt. Hạnh phúc chính là người biết được nhân quả thấu rõ được cái con ngựa hoang chưa được thuần hóa, không có dây cương và yên ngựa, chẳng bao giờ phóng lên lưng ngồi chễm chệ để đi tới đạt được mục đích. Hạnh phúc hôn nhân không thể có nếu cái tâm của chúng ta không được huấn luyện hiểu thấu về nhân quả. Hạnh phúc của hôn nhân không thể có nếu cái tâm của chúng ta không lấy cái dây cương của Ngũ Giới giữ cho vững chắc. Hạnh phúc hôn nhân của chúng ta sẽ không có khi không biết lấy cái yên ngựa của Chánh niệm hơi thở tịch tỉnh thân tâm. Đấy! đơn giản như vậy thôi các bạn ạ. Bạn suy nghĩ đi bạn sẽ thấu. Thấu được nhân quả của nghiệp ác là người suy nghĩ vừa rồi đó đơn giản vô cùng. Hiểu và thấm được nhân quả của nghiệp thiện như con ngựa hoang được thuần hóa mỗi ngày, thuần thục và huấn luyện. Và như con ngựa hoang đã được huấn luyện một cách thuần thục lại có được sợi dây cương của năm giới, lại có cái yên của Chánh niệm, ta biết khi phóng lên cái yên của Chánh niệm, cầm cái sợi dây cương của ngũ Giới và ngồi nơi cái tâm được huấn luyện thuần thục ta sẽ đi tới được cái mục đích, cái chỗ ấn định là bến bờ hạnh phúc. Rất hay các bạn! Nhân quả là chìa khóa mà mỗi người cần phải thực hành thấu hiểu rõ ràng, ứng dụng vào mọi phương tiện của cuộc sống, để có được hạnh phúc hôn nhân hay hạnh phúc của từng cá nhân được tôn vinh, ứng hóa mang lại an lạc. Người hiểu thấu được nhân quả biết được nghiệp thiện tạo ra những cái nhân. Nhân đó là cái tâm được thuần thục, được thuần hóa, được chinh phục, được tu luyện, được làm chủ. Nhân đó là cái nhân có cái cương của Ngũ Giới vững trãi giữ trọn vẹn trong cuộc sống của hôn nhân. Nhân đó là cái nhân của Chánh niệm hơi thở quán chiếu. Bạn ơi! Hôn nhân sẽ có hạnh phúc. Một cái tâm được thuần thục trong nhân quả rõ ràng bởi Pháp Thiện, giữ năm Giới vững chắc, Chánh niệm hơi thở để sống, hôn nhân sẽ có hạnh phúc muôn đời. Bởi khi cái nghiệp Thiện được xây dựng trên cái nền tảng của Ngũ Giới, của sự huân tu thuần thục cái tâm hoang dã như ngựa của chúng ta, và có được cái yên đặt để rõ ràng trong Chánh niệm, nhất định đau khổ và phiền não sẽ vắng mặt suốt đời. Và khi đau khổ phiền não vắng mặt, hạnh phúc là đây.

Đừng định nghĩa hạnh phúc quá cao siêu, đừng bày vẽ làm chi cho mệt, đừng tìm tới những nhà triết học triết gia, những giáo sư hôn nhân, tâm sinh lý học về hôn nhân tìm bới. Hãy khiêm tốn và chân thành tới với Phật. Phật là Bậc Giác ngộ nhìn thấu được tâm can của từng chúng sanh và nhận thấy rõ ràng trong mọi cảnh sống của chúng sanh dù là đời sống hôn nhân hay đời sống của từng cá nhân, của từng thể sống, thì nhân quả kia chính là chìa khóa để có và xây dựng hạnh phúc. Và hạnh phúc trong cái sự giải thích đơn giản của nhà Phật thôi chính là lúc phiền não và đau khổ vắng mặt. Chúng ta hãy làm cho phiền não và đau khổ vắng mặt trong cuộc sống của hôn nhân, trong cuộc sống của vợ chồng. Nếu như vợ chồng hiểu thấu được nhân quả, thuần phục cái tâm như con ngựa hoang của chúng ta bằng năm giới giữ cho rõ ràng và Chánh niệm hơi thở thì con ngựa hoang nơi cái tâm của ta có dây cương Ngũ Giới, có cái yên của Chánh niệm, gia đình sẽ an yên, Thiện nghiệp sẽ được tác thành, Ác nghiệp chẳng bao giờ có cơ hội xảy ra. Phiền đạo và đau khổ sẽ vắng mặt, hạnh phúc sẽ hiện diện. Đơn giản! Những cái chuyện tương tác trong tâm sinh lý học của loài người chỉ là phụ thôi, không phải là cái cốt lõi chính. Cái chính là nhân quả các bạn ạ. Nhân quả là chìa khóa để đi vào Niết bàn hay thiên đàng. Nhân quả cũng đã chìa khoá để đi xuống địa ngục đầy ải đau khổ. Chìa khóa nhân quả mà chúng ta xoay đúng chiều Thiện thì muôn điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Và chìa khoá nhân quả xoay ngược dòng tạo Ác thì hạnh phúc hôn nhân chẳng bao giờ tồn tại.

Ta phải suy nghĩ thấu đáo như thế và thực hành, nhồi thêm những cái hương vị tâm sinh lý ở đời, tâm sinh lý ở đời chỉ là hương vị thôi các bạn. Một người thấu được nhân quả nhất định sẽ biết dùng ái ngữ để tương tác với vợ với chồng, chẳng bao giờ dùng những cái lời thô ác, miệt thị, gièm pha, đâm thọc, thêm bớt, gian dối. Bạn thấy chưa? Hiểu thấu được nhân quả, biết được cái khẩu nghiệp sẽ giữ, để từng lời nơi cái miệng của ta trao cho người mình thương và là những cái lời được sàng lọc bởi Ngũ Giới. Bởi Chánh niệm như “ngọc bất trác bất thành ngọc”. Năm Giới và Chánh niệm sẽ tạo ra cái viên ngọc thô của cái đời sống hôn nhân thành những viên ngọc cao quý, đậm nét, sáng bằng trí tuệ. Chỉ người không hiểu thấu được nhân quả, chẳng thấu được cái khẩu nghiệp, bắt chước thói đời dùng lời ngon ngọt nhưng chỉ là dụ dỗ cho được người bạn đời của mình mà thôi. Bởi những lời ngon ngọt đó, những lời hay lẽ phải đó trao cho nhau chỉ là chiếm cảm tình thân xác của vị phối ngẫu, chứ chưa khởi lên được cái tâm thấu được nhân quả mà ngăn chặn những cái lời thô ác, gièm pha, miệt thị, giả dối, đâm thọc. Bạn thấy chưa? Nó khác ở chỗ đó. Bạn học tâm lý hôn nhân người ta dạy phải ăn nói cho tử tế, ngọt ngào, dịu dàng, mà bạn không thấu được cái lí nhân quả thì bạn đang giả dối, bạn đang lừa gạt đó các bạn. Bạn chưa nói bằng cái tâm. Bạn mới nói để chiếm đoạt được tình cảm, để chiếm đoạt được thân xác, để giữ cái gọi là hạnh phúc huyễn giả xây nhà trên cát. Bạn thấy biết bao nhiêu người đi học về cái giáo lý hôn nhân hoặc là tâm lý hôn nhân, tâm sinh lý hôn nhân, thói đời được đặt ra quá nhiều. Họ đâu có bảo vệ được bởi đâu có thấu được nhân quả. Nhân quả từ những cái nghiệp do ý, do ngôn ngữ và hành vi họ không có thấu. Họ chỉ dùng cái miệng như cái đài phát thanh ngôn ngữ đẹp nhưng cái ý của họ chưa được làm chủ, như con ngựa hoang vẫn còn hoang dã. Để rồi khi cái dây cương không có được bện bằng Ngũ Giới và cái yên không được làm bằng Chánh niệm, đụng một cái, bao nhiêu năm trời học hỏi nghiên cứu những cái trò chơi gọi là ảo diệu tâm sinh lý của loài người, như cái bẫy để cột chặt nhau trong cái gọi là hôn nhân có được hạnh phúc liền đổ bể. Bạn suy nghĩ bạn thấy. Đức Phật nhìn thấu mọi cá nhân, mọi thể sống, mọi cặp hôn nhân đều có được hạnh phúc nếu thấu được nhân quả.

Hôm nay, làm sao để có được hạnh phúc hôn nhân? Xin trả lời: Người vợ và người chồng cần phải thấu được nhân quả, phải học và phải nghiên cứu và phải ứng dụng. Nhân quả của Thiện – Ác luôn luôn hiện diện, tạo nghiệp ác chẳng có hạnh phúc, tạo nghiệp thiện sẽ có hạnh phúc. Tạo nghiệp ác thì phiền não đau khổ không thể vắng mặt, tạo nghiệp thiện thì phiền não đau khổ vắng mặt toàn diện. Hãy nhớ, tâm ta như con ngựa hoang cần phải có cái dây cương, cần phải có cái yên. Con ngựa hoang cần phải thuần phục. Con ngựa hoang đó là cái tâm của ta cần phải được thuần phục, cần phải được huấn luyện, cần phải được chinh phục, cần phải được làm chủ qua cái công hạnh của hành trì giáo pháp của Đức Phật và gắn lên cái sợi dây cương của Ngũ Giới cái yên của Chánh niệm. Ngồi trên cái yên ngựa Chánh niệm an yên vô tận, có sợi dây cương của Ngũ Giới điều khiển được con ngựa đã được thuần hóa, hạnh phúc hôn nhân sẽ có. Thấy được con ngựa được thuần hóa, được dạy dỗ, có cái yên của Ngũ Giới lại có cái Chánh niệm, ta nhất định sẽ ngồi trên con ngựa đó để cưỡi đi tới cái mục đích mình muốn. Hạnh phúc có ngay. Phiền não đau khổ vắng mặt. Như vậy thôi! Chìa khóa là nhân quả. Làm sao để có hạnh phúc hôn nhân? Hiểu thấu nhân quả, ứng dụng đưa nhân quả vào đời sống của hôn nhân, sẽ có hạnh phúc. Tất cả những cái khác chỉ là màu sắc hương vị tô điểm thêm cho mình thôi, như những thủ thuật về tâm sinh lý. Nhưng nếu nó không khởi lên từ cái tâm thấu được nhân quả thì chỉ là giả dối. Mà đã gọi hôn nhân và sống giả dối, chỉ dùng những cái chiêu trò để có được nhau thì hạnh phúc đó không phải là sự vắng mặt của phiền não và đau khổ, mà chính là sự chất chồng của phiền não đau khổ được che kín bởi những cái giấy bóng gói ở đó, nhìn bên ngoài đẹp. Nhưng giấy bóng không gói được phiền não và đau khổ, nó sẽ bung. Giấy không gói được kim.

Các bạn! Các bạn nghe kịp không? Và các bạn hãy tư duy. Và hãy hãnh diện rằng chúng ta là Phật tử có Đức Phật là Thầy hiểu được chúng sanh vô cùng, và trao cho chúng ta một cái bửu pháp, một cái chìa khóa để có được hạnh phúc hôn nhân trong gia đình, để có được hạnh phúc nơi từng cá nhân, nơi từng thể sống, nơi mỗi một chúng sanh. Con ngựa hoang không dây cương, không yên, không ai dám phóng lên. Hiểu thấu được nhân quả là tâm được làm chủ có dây cương Ngũ Giới, có cái yên của Chánh niệm thì nhất định người đó sẽ cẩn trọng từng lời nói không tạo nghiệp, sẽ cẩn trọng từng suy nghĩ về cái người mình yêu thương và sẽ cẩn trọng cân nhắc từng cái hành vi tạo ra tương tác đối với người phối ngẫu. Đúng theo nhân quả Thiện ác. Thấu được nhân quả, bỏ ác, hành các Pháp Thiện là có được con ngựa được thuần hóa có dây cương và cái yên vững chãi. Hạnh phúc chỉ là cái điểm ta sẽ tới. Bởi lúc ấy tâm được thuần phục giữ được Ngũ Giới, Chánh niệm hơi thở để phiền não và đau khổ đã vắng mặt toàn diện. Hạnh phúc là điều dĩ nhiên bạn sẽ tận hưởng.

Các bạn! Chúng ta sẽ cùng nhau trở về với hơi thở của Chánh niệm.

Thưa Phật! Tâm ý của chúng ta như con ngựa hoang và chẳng bao giờ thấu đáo để giữ Giới, sống trong Chánh niệm. Nhưng mỗi người lại mong cầu hạnh phúc quá nhiều bằng cách diễn tuồng, ứng dụng những cái chiêu trò tâm sinh lý ở đời để có được hạnh phúc hôn nhân. Thế nên cái kết là chúng con bị té ngựa đau đớn cho tới chết. Nay hiểu thấu chìa khóa để có được hạnh phúc trong hôn nhân chính là thấu hiểu được nhân quả ứng dụng vào đời sống để khổ đau và phiền não vắng mặt toàn diện. Hạnh phúc và bình an luôn luôn hiện có trong từng giây.

Chúng ta hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, quán chiếu tâm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác, hiểu được nhân quả, biết ứng dụng vào đời sống để làm cho đau khổ phiền não vắng mặt toàn diện.

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 lần)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn