Search

3196. Tại Sao Họ Thành Công Mà Ta Thì Chưa

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh Youtube, Facebook và Zoom.

Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thưa Phật! Là kiếp con người mỗi khi chứng kiến cảnh vô thường tới với sinh mạng của con người, nhất là những người gần gũi yêu thương khi ra đi, trong lòng của chúng con đau đớn vô cùng. Hôm nay chúng con thành kính nguyện xin chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và đặc biệt cho chúng con biết lan tỏa tình yêu thương khi còn đang sống, biết thắp sáng Trí Tuệ và thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu sự Vô Thường đang diễn bày trong cuộc sống này, nhận rõ bám víu vào là đau khổ và thành tựu được sự Vô Ngã để tâm thái nhẹ nhàng như hư không. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng đồng siêu sanh tịnh độ. Nguyện cầu cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Đồng nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn ngồi, toàn thân buông thư, lưng, cổ, đầu ngay ngắn, buông lỏng. Trở về với hơi thở của chánh niệm, hít vào bằng mũi phình bụng, thở ra bằng miệng hóp bụng, trì mật ngôn. Trong hành mật thiền chánh pháp ta quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ để thấy rõ Vô Thường, Khổ, Vô Ngã qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê. Từng hơi thở của mật thiền chánh niệm tiếp nhận năng lượng, lan tỏa yêu thương, thắp sáng trí tuệ, sống đời tỉnh giác.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn đồng tu thân mến. Ở Việt Nam chúng ta thường thấy những ngôi sao, những vì tinh tú lấp lánh trên nền trời vào mỗi một buổi tối. Thế nhưng vào buổi sáng nay, vào buổi sáng, trời rất sáng, có lẽ chưa ai có thể nhìn thấy những vì sao trên nền trời thì một tinh tú đã vụt tắt mãi mãi, một kiếp người còn rất thơ đã lặng lẽ ra đi. Một đời sống như một ngôi sao xẹt nhẹ, tỏa sáng rồi vụt tắt, người xa hoặc gần nhìn vào kiếp đời ngắn ngủi nhất định rất đau lòng. Người ta nói ở trên đời này sợ hãi nhất và đau khổ nhất là trong màn đêm yên tĩnh nghe được một cú phone, một cú điện thoại của người rất thân bất chợt gọi tới trong nức nở bùi ngùi. Và dĩ nhiên tối hôm qua ở Mỹ, có nghĩa là ban sáng ở Việt Nam, Bảo Thành đã nghe được một tiếng điện thoại của người rất thương, rất gần, rất thân, một vì sao đã chìm mãi vào trong đêm tối, một bé thơ đã ra đi muôn đời.

Nhớ câu chuyện về Đức Phật dạy, có một người phụ nữ khi con mất đã tới cầu xin Phật chữa lành cho con và làm cho con của mình thức dậy. Thế rồi Đức Thế Tôn mới nói với người mẹ “Hãy đi xin lửa ở những nhà nào chưa có người chết, về đây ta sẽ chữa lành cho con cái”

Người phụ nữ đi mãi, đi mãi và cuối cùng mới thấy rằng không một ai, không một gia đình nào, không một mái ấm nào mà chưa từng có người đã ra đi. Nhờ vậy khi gặp Đức Phật Ngài nói về sự vô thường của vạn vật, của vạn pháp, của kiếp người ngắn ngủi, người mẹ kia đã thấu hiểu nhẹ nhàng và tỉnh ngộ.

Chúng ta tu trong năm thứ ba, nay đã là tháng 2, 2 tháng nữa chúng ta sẽ bắt đầu vào năm thứ tư. Cả một năm qua chúng ta thể nhập vào mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, quán chiếu sự tỉnh giác. Công hạnh của mỗi một người thực tập pháp hành mật thiền trong năm qua sẽ được thể nghiệm, để chứng tỏ rằng chúng ta có công lực như thế nào khi chứng kiến người thân yêu còn rất thơ, còn rất bé đã vội ra đi. Lý vô thường ngay bây giờ được thể nghiệm, lời đức phật ngay bây giờ được chứng tỏ. Trong nước mắt, trong đau đớn ta sẽ mỉm cười vì ngộ được rằng đức Phật nói rất đúng, đời sống của con người vô thường trong sanh diệt, tới lui nào ai biết. Ta cứ ngồi tưởng tượng cuộc đời như trăm năm rồi thề thốt, mấy ai hiểu thấu lời Phật dạy đời người tính bằng trong từng hơi thở. Nếu thấy một kiếp người ngắn ngủi như thể là một hơi thở, thì nhất định mọi người chúng ta sẽ tự tại, sẽ thong dong, sẽ tận hưởng cuộc sống trong chánh niệm của từng giây, nhà Phật gọi là từng sát na. Một giây theo người xưa tính bằng 17 sát na, cho nên một sát na nhanh lắm, đời người chỉ bằng một sát na.

Vậy mà vần xoay trong vòng tròn ngắn ngủi kia, mỗi chúng ta vẫn nghĩ về những điều thật lớn, những ước mơ thật cao và tận dụng mọi thứ có thể để đạt đến sự thành công gọi là viên mãn, đắc ý. Các bạn, chúng ta mang năng lượng Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác qua công hạnh hành mật thiền, gửi và hồi hướng tới người em bé thơ đã vừa ra đi, như một hành trang, như một tư lương cao quý Phật trao truyền và ta gửi đi cho em, để đoạn đường kế tiếp em có đầy đủ năng lượng vi diệu, chắp đôi cánh thiện thần bay vút vào vùng sáng của Trí tuệ. Các bạn thân mến, chúng ta sẽ nghĩ gì về cuộc đời quá ngắn qua chủ đề của bạn gửi về hôm nay, để hỏi rằng “Tại sao người ta thành công còn ta thì chưa?”

Cuộc sống ngắn đấy, nhưng dù sao đi nữa biết bao nhiêu cảnh đời luôn luôn hiện hữu trước mắt ta, nhìn lại cái phận của mình mà thấy đau lòng khi những người khác đạt đến đỉnh cao của sự thành công, mà ta thì chưa thành công trong cuộc sống. Trong một góc độ nào đó nếu như mỗi người cứ mang thân mình ra so sánh với người khác, sự so sánh như vậy thật hụt hẫng, sự so sánh mình với người chẳng khác gì như kẻ khờ mang búa, mang đục nhắm vào vết thương, đào khoét cho rỉ máu. Bạn nhìn đi trên nền trời vô tận kia, hằng hà sa những tinh tú lấp lánh, mấy ai có thể nhìn thấu được mỗi một vì sao lớn như thế nào, nhưng chắc chắn chúng ta đều hiểu và biết rằng tất cả những tinh tú trên trời cao vô tận kia đều có kích thước, kích cỡ khác nhau không đồng đều. Để rồi từ đó ánh sáng lấp lánh thì có, ta nhận được, nhưng sự sáng của mỗi một tinh tú, vì sao, đều có sự khác biệt. Vậy cuộc sống của mỗi một người hoàn toàn khác biệt và chúng ta đều là một vì tinh tú kích thước, độ sáng khác nhau, đang kinh hành trên trái đất, cuộc đời.

Đừng bao giờ so sánh mình với người để đày đọa, đay nghiến, tủi hổ vì mình chẳng bằng người. Nhưng nếu chúng ta nhìn thấy sự khác biệt giữa người và ta để nỗ lực đúng mức, vươn lên đưa đến sự thành công, thì đó là điều tốt. Cho nên so sánh có cả hai góc độ tốt xấu, xấu là so sánh để đọa đày, để sử dụng, để mất lý trí và làm cho ta hèn yếu, đây là một sự so sánh tiêu cực. Nhưng nếu so sánh để vươn lên, để thách thức mình, để tìm hiểu rõ nguyên nhân, nghiên cứu cho tận tường, nỗ lực để thành công, sự so sánh này rất cần trong cuộc sống. Là những người học Phật, thông thường ta cứ nghĩ Đức Phật dạy là phải bỏ tất cả, bởi đời người vô thường ngắn ngủi tới lui, nào ai biết đây chúng ta đang sống, đang cười, đang nói và đang nghe, nào ai trong chúng ta thấu rõ được những giây phút kế tiếp có vẫn còn như vậy hay không, đưa đến sự suy nghĩ chẳng cần phải quan tâm về đời sống, vất vưởng theo những tư tưởng lập lờ. Để rồi ta như người khờ giữa đêm tối quờ quạng trong những ước mơ ngắn ngủi.

Thật ra Đức Phật Ngài là bậc giác ngộ và có kiến thức sâu rộng, những gì Đức Phật dạy, ứng dụng vào tất cả mọi mặt trong cuộc sống của kiếp nhân sinh, để thành tựu về vật chất, về nghề nghiệp, về ước mơ, để thành công về muôn mặt. Thành công về thể lực có sức khỏe, thành công về tinh thần và kiến thức, thành công về đời sống tâm linh, rõ lắm. Lời Phật chẳng chỉ nghiêng và chú trọng về tâm linh gọi là thoát khỏi luân hồi sinh tử, mà những bài Đức Phật dạy là những sự được truyền trao kiến thức sâu rộng, ứng dụng muôn mặt trong cuộc đời, làm cho chúng ta thành tựu được Nhân Đạo – đạo làm người. Sống mà thành công muôn mặt trong tâm rất thiện và an lành.

Bạn hỏi “Tại sao người ta thành công mà ta thì chưa?” Lấy lời Phật dạy để nghiên cứu người thành công là người như thế nào? Dù họ chưa một lần học Phật nhưng ít nhất những người thành công họ có những yếu tố như Phật đã dạy. Bạn hãy nhìn vào những người thành công trong cuộc đời, những tấm gương của những người thành công về kiến thức học hành, giáo dục, về văn học, về kinh tế học, về y học, về xã hội học, thông thiên học, đạo học, về tất cả các môn học tăng trưởng kiến thức trong cuộc đời, về kinh tế học. Tất cả các môn học đó tụ chung là kiến thức đưa đến sự thành công, yếu tố của những người thành công về những mặt như vậy đều có những yếu tố như sau: họ là những người kiên nhẫn, bạn thấy chưa, họ kiên nhẫn và họ có lập trường vững chắc, họ tăng trưởng kiến thức, suy nghĩ sáng suốt và họ không bao giờ biết sợ hãi, họ biết chuyển hết sự sợ hãi ở đời gọi là có gan hùm, không sợ. Mà có câu gọi là có trí thì làm quan, có gan thì làm giàu, họ có lá gan, họ chuyển hóa được sự sợ hãi. Kiên nhẫn, giữ vững lập trường, suy nghĩ sáng suốt và chuyển hóa được sự sợ hãi là những yếu tố đưa họ đến sự thành công.

Ta chưa thành công chắc có lẽ khi nhìn vào mặt kiên nhẫn ta không có, làm chưa được nửa chừng không kiên nhẫn, rồi khi gặp khó khăn thử thách buông ngay, rồi lại tìm việc khác. Như con kiến đụng đầu rồi rẽ đường đi ngang nhưng chẳng hiểu, chúng ta không hiểu con kiến đụng đầu để làm gì, cứ thấy nó rẻ đường, rồi chúng ta đụng vào chuyện thử thách liền rẽ ngang lối khác, chẳng giữ vững lập trường kiên cố, suy nghĩ cho sáng suốt, tăng trưởng kiến thức, lòng tràn đầy sự sợ hãi rẽ bỏ và đi. Nếu bạn nghiên cứu khoa học về loài kiến khi chúng đụng đầu với nhau chúng rẻ ngang rồi tiếp tục, đi là bởi vì khi đụng đầu chúng truyền thông những kiến thức, những thông tin, chúng báo cho nhau biết để rồi tiếp tục đi với thông tin được báo, suy nghĩ và tiếp tục đi kia nên tổ kiến có một trật tự phi thường, ngang dọc, trên dưới, tổ chức của nhà kiến đưa đến sự thành công, trong cả một tập thể có một trật tự trên dưới lắng nghe.

Còn chúng ta khi đụng đầu với những thử thách trong cuộc đời suy nghĩ tán loạn, thần trí thì chẳng còn sáng suốt, thân xác thì bủn rủn, rụng rời, đụng đầu nghe thông tin tiếp tục đi, chạm vào sự thử thách ta sợ hãi, ngừng ngay. Chẳng có kiên nhẫn, chẳng có lập trường, nay nghĩ cái này ra ngoài hè phố nghe ai nói đến điều gì liền đổi thay, liền thay đổi, lập trường không có, không giữ vững làm sao ta có thể thành công. Suy nghĩ thì không có tư duy và có một cái nhìn thấu đáo về mặt tăng trưởng kiến thức để nhìn thấu mà vận hành, thường là cái nhìn thoáng qua trong mê tín, trong mập mờ, trong phỏng đoán, lao đầu vào khi không rõ, thử thách tới vội vàng rút lui. Đụng cái gì cũng sợ, sợ hãi, không có lá gan, nhát, nhát là một chuyện nhưng sợ hãi đủ mọi điều là cái yếu không thể thành công. Kiên nhẫn, giữ vững lập trường, sáng suốt, suy nghĩ cho thông, tăng trưởng kiến thức và tâm không sợ hãi.

Phật có dạy không? Có! Những yếu tố này đưa đến sự thành công, thì Đức Phật đã nhìn thấu và đã dạy cho chúng ta rồi, để mỗi người chúng ta nếu suy nghĩ về giá trị nền giáo dục và những gì Đức Phật dạy, ứng dụng cho rõ thì nhất định Bảo Thành và các bạn sẽ thành công về muôn mặt, thành công về đời sống có một thể chất mạnh khỏe, về đời sống có tinh thần trong sáng, về đời sống có tâm linh thanh tịnh. Lời Phật không chỉ nghiêng về tu luyện để kiếp sau thành Phật, thành thánh, vỗ cánh bay lên trời cao cảnh giới Niết Bàn, thế giới khác. Mà lời Phật là lời của một bậc thông thái giác ngộ, hiểu thấu để chúng ta đưa vào sự ứng dụng ngay chỗ này, ở kiếp người thành công trong sự an lạc và hạnh phúc.

“Tại sao người ta thành công mình thì chưa?” Người ta thành công bởi họ kiên nhẫn, bởi họ giữ vững lập trường, bởi họ biết suy nghĩ tăng trưởng kiến thức để sáng suốt chọn lựa, bởi họ biết chuyển hóa khi đương đầu với sợ hãi, để vững chãi, để trụ thật vững khi thử thách. Câu hỏi đơn giản thôi người ta thành công là yếu tố đó, còn ta chưa là bởi thiếu những yếu tố ấy. Trong Lục Độ Ba La Mật, Đức Phật dạy điều thứ nhất, tức là lục là sáu, sáu phương tiện thực tập để đưa đến thành tựu, thành công cao, thứ nhất là bố thí, thứ nhì là giữ giới, thứ ba là nhẫn nhục, kiên nhẫn đó các bạn. Bố thí là biết cho đi, giữ giới có nghĩa là bạn phải hiểu thấu được những điều gì cấm kỵ không nên và những điều gì cần phải làm, mới có kiên nhẫn được. Để có sự kiên nhẫn hai yếu tố đầu rất cần, người sống phải rộng lượng bao dung, biết hiến dâng và cho đi và người kiên nhẫn là người có kỷ luật, có một lập trình, một kế hoạch thật rõ những điều không tốt phải gạt bỏ và phải thề không bao giờ phạm vào, còn những điều thiện lành tốt đẹp phải phát nguyện để thực hiện. Hai cách thực tập như thế sẽ giúp cho chúng ta có được sự kiên nhẫn.

Nếu bạn chưa thành công vì thiếu kiên nhẫn bạn phải thử tự hỏi mình, tự vấn mình và mang sự thực tập, thực tập lòng bao dung rộng lớn biết cho đi, thực tập một lập trình tư tưởng, đưa ra những quyết đoán minh bạch, giữ cho được những điều tốt đẹp trong đời sống, rời xa những điều bất hảo trong cuộc đời. Hai sự tu tập như thế giúp cho bạn kiên nhẫn, bạn thử đi, suy nghĩ thật nhiều về sự cho đi và hiến dâng. Đừng cứ suy nghĩ rằng phải cho tiền, cho bạc, sự cho đi tức là cho chính bản thân của mình có đủ thời gian, kiên định để thành lập một lập trình thật rõ, một kế sách thực hành trong cuộc sống giữa thiện và ác, giữa tốt và xấu. Những năng lượng bất tịnh thường tăng trưởng trong tâm bất hảo, bất thiện, năng lượng đó sẽ tiêu diệt sự suy nghĩ của chúng ta, làm cho chúng ta không có sự kiên nhẫn và lòng bao dung, hiến dâng cho đi cho chính mình, hiến dâng cho chính mình. Đừng lười biếng, đừng giải đãi, biết hiến dâng chính tất cả những gì ta có cho chính những mục đích cao cả, thiện lành.

Cái đó sẽ giúp cho chúng ta kiên nhẫn và nó cũng tàng ẩn trong sự tinh tấn nỗ lực. Phải nỗ lực trong sự tinh tấn, làm cho chúng ta giữ vững được lập trường, bởi người kiên nhẫn và nỗ lực qua sự thực tập, biết hiến dâng tất cả những gì ta có cho mục đích cao cả thiện lành, thì người ấy thật là kiên nhẫn. Rèn luyện được tính kiên nhẫn và nỗ lực, có nghĩa người ấy có được chánh tinh tấn, trong sự kiên nhẫn rõ ràng bằng thực hành các bước căn bản của sự biết cống hiến cho đời sống của mình và muôn loài những điều thiện hảo. Và khi có kiên nhẫn, có nỗ lực đúng mức ta sẽ vững vàng trong mọi tư tưởng, suy nghĩ, có lập trường gọi là chánh định. Chánh tinh tấn, chánh định sẽ có được kiên nhẫn, vững chãi để đi ngược lại, có một cái nhìn thông suốt tăng trưởng kiến thức của mình đó gọi là chánh kiến và chánh tư duy. Sau khi có được dữ liệu ấy ta sẽ chẳng còn sợ hãi bởi luôn giữ được chánh niệm, không để tâm lung tung nhảy múa, rối rắm tâm thần, sợ hãi bao trùm.

Bát chánh đạo là 8 yếu tố căn bản cho con người thành tựu, tức là đưa đến sự thành công về muôn mặt và sự thoát khỏi luân hồi sinh tử. Khi nói đến Bát Chánh Đạo ai nghe thấy cũng rụng rời, bởi nó là đạo, đạo học cao siêu, rồi khập khiễng so sánh mình với người, họ thành công ta thất bại, sao ta chưa. Hãy nhớ bát chánh đạo tức là tám phương pháp rèn luyện tu tập rất thực tiễn trong kiếp người gọi là những con người đam mê về khoa học, về y học, thiên văn học, xã hội học, kinh tế học, tâm lý học, tâm thần học, môn học gì nữa bạn kể ra đi. Nếu muốn đưa đến sự thành công đều cần phải nghiên cứu thật rõ tám phương thức được gọi là bát chánh đạo của Phật. Lòng bao dung, biết cống hiến và giữ vững một kế sách như gọi là giữ giới, tức là làm những chuyện tốt đẹp, từ bỏ những điều xấu, sẽ đưa chúng ta đến nội lực kiên nhẫn vô cùng, để mọi thất bại ta vẫn đứng dậy ngẩng cao đầu đi tới, vì sao? Vì ta có lập trường, lập trường đó được hình thành do cái nhìn sáng suốt và suy nghĩ thấu đáo, để rồi mọi sợ hãi sẽ như những cơn gió thúc đẩy cánh buồm tiến mãi về phía trước đưa đến sự thành công. Trên con đường học đạo cũng thế, ta chẳng bao giờ kiên nhẫn. Đời cũng vậy, kiên nhẫn rất thiếu.

Bạn và Bảo Thành hãy trở về suy nghĩ thật kỹ tám phương thức Phật dạy đầu tiên khi giác ngộ cho 5 anh em Kiều Trần Như, bạn sẽ thấy tuyệt vời. Những yếu tố như kiên nhẫn, giữ vững lập trường, suy nghĩ, tư duy sáng suốt trong tăng trưởng kiến thức, để không còn sợ hãi, đưa đến sự thành công. Có nơi những người làm kinh tế, có nơi những người làm về tất cả những mặt khác như trong chính quyền, trong chính phủ, trong kinh tế, trong đời thường đều có bốn yếu tố đó. Nhưng những ngôn ngữ ta vừa nói như kiên nhẫn, có lập trường vững chãi, có suy nghĩ và cái nhìn sáng suốt, thấu đáo, tăng trưởng kiến thức để không còn sợ hãi. Thì là những văn tự rất bình thường dễ hiểu và cái dễ hiểu đó Đức Phật dĩ nhiên hồi xưa đã từng nói, bởi Ngài đã trải nghiệm những sự thực tập đưa đến sự thành công. Cho nên bài học đầu tiên Ngài cũng khuyên mọi người trong bát chánh đạo là phải có cái nhìn thông suốt, có sự suy nghĩ thấu đáo và vận hành ngôn ngữ đúng mức để nỗ lực vượt qua, đưa tới một đời sống bình yên, một nghề nghiệp an ổn và vững chãi trên mọi nẻo đường, sống tận hưởng sự an lạc, đó là bát chánh đạo.

Bạn cần chỉ có sự kiên nhẫn, lập trường vững, suy nghĩ sáng suốt và thấu đáo, không sợ hãi bạn sẽ thành công. Đối với Bảo Thành và kinh nghiệm của biết bao nhiêu người, khi hành mật thiền chánh pháp Phật qua hơi thở của chánh niệm, quán chiếu tâm Từ bi, thắp sáng Trí tuệ và giữ mình tỉnh thức, người ấy sẽ có đủ kiên nhẫn, có đủ lập trường vững chắc, có đủ suy nghĩ thấu đáo và cái nhìn sáng suốt. Để dõng mãnh vượt qua muôn trùng những thử thách đưa đến thành công trong cuộc đời về mọi mặt nếu như người ấy chọn lựa con đường để đi. Vậy nên nếu như người ta thành công bạn chưa là vì bạn chưa có bốn yếu tố kia và để có đủ bốn yếu tố: kiên nhẫn, lập trường, cái nhìn, suy nghĩ thấu đáo, tăng trưởng kiến thức để không còn sợ hãi đưa đến sự thành công. Thì bạn cần phải rèn luyện. Mật thiền chánh pháp Phật, hơi thở của chánh niệm hành phương pháp này giúp cho bạn trụ vững giữa cuộc đời, có sự kiên nhẫn vô song để có trí tuệ nhìn thấu, suy nghĩ sáng để có tâm dõng mãnh chẳng sợ hãi, bạn sẽ thành công. Nhưng sự thành công này còn lệ thuộc vào bạn có đưa những điều hiểu biết, nghe được, thấy được của Phật dạy ứng dụng, vận hành vào trong công hạnh tu luyện hay không? Hay chỉ tích góp những kiến thức bằng văn tự như một món trang điểm ở bên ngoài, chẳng bao giờ làm sáng tỏ để thực hành bên trong, bạn sẽ mãi mãi không bao giờ thành công. Các bạn, chúng ta cùng nhau trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Nay chúng con hiểu những bài học Đức Phật truyền trao cho chúng con, đều có giá trị tối ưu để đưa đến sự thành công về muôn mặt trong đời sống con người khi chúng con lựa chọn. Xin Ngài gia trì cho chúng con biết miên mật tu tập để phát huy những điều Ngài dạy, ứng dụng một cách cặn kẻ vào đời người, mang đến sự thành công rõ ràng trong sự an lạc của các pháp thiện.

Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, hồi hướng tới muôn người.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn