Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu.
Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy miên mật tu tập mật thiền chánh pháp Như Lai, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống một đời Tỉnh Giác, quán chiếu thấu rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cầu cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc. Xin chư Phật từ bi chứng minh!
Mời các bạn ngồi xuống vững chãi, đặt lòng bàn tay phải và lòng bàn tay trái, toàn thân buông thư nhẹ nhàng, lưng, cổ, đầu cho ngay ngắn. Chúng ta cùng nhớ về lời Đức Phật dạy, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương, lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát khỏi luân hồi sanh tử. Trong từng hơi thở vào ra, chánh niệm hơi thở quán chiếu tâm Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác qua mật ngôn Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê. Mỗi người chúng ta sẽ tiếp nhận được năng lượng vào thân tâm, mang năng lượng đó hồi hướng và lan tỏa tới tất cả mọi người, mọi loài chúng sanh. Khi hít vào ta hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình, thở bằng miệng tổng trì mật ngôn, hóp bụng chậm rãi từ từ tùy theo sức của mình. Chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, hồi hướng cho muôn loài.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Mô Phật! Các bạn đồng tu thân mến. Hai chữ biết ơn rất đơn giản, nhưng rất tiếc cuộc sống quá bận rộn và phong tục tập quán, sự biến động trong đời sống quá nhanh và ý thức của con người về lòng biết ơn cũng dần dần phai mờ, điều này thật rõ trong cuộc sống. Nơi Bảo Thành ở là nơi nước Mỹ, người ta có một thói quen rất tốt đẹp từ những hành động thật nhỏ, những nghĩa cử bình thường, những em bé cho tới người lớn tuổi đều luôn luôn trên miệng biết nói chữ cám ơn. Dù trao cho nhau một cục kẹo, một ly nước, đơn giản vậy thôi họ cũng luôn luôn cám ơn. Họ biết cám ơn, họ được hướng dẫn thực tập, biết nói chữ cám ơn liên tục. Nếu tới Mỹ bất cứ chỗ nào có người tương tác với nhau, chúng ta thường nghe được chữ cám ơn thật nhiều. Nhiều người trong chúng ta nói họ chỉ biết cám ơn thôi, nhưng hãy nhìn đi cuộc sống ở Mỹ, tình cảm thiếu thốn, con người sống không có tình cảm, cách nói này quá gượng ép không đúng.
Nhưng cách thể hiện tình cảm, lòng biết ơn, tri ân nhớ tới người đã giúp đỡ, dạy dỗ. Mỗi vùng miền, địa phương khác biệt nhưng ít nhất từ miệng của họ luôn luôn biết nói lời cám ơn. Ý dẫn đầu các pháp, từ trong ý của họ đã hiểu được sự cám ơn như thế nào, thể hiện làm sao. Cho nên lời nói của họ luôn chân thành trong sự biết nói cám ơn. Chúng ta sống ở Việt Nam rất hiếm nghe chữ cám ơn trong sự tương tác hàng ngày. Có không phải là không nhưng rất ít, ta không quen sử dụng chữ cám ơn. Hôm nay chúng ta không chia sẻ về thể loại văn hóa, phong tục ứng dụng lòng biết ơn, biết tri ân hoặc giải thích về ngữ nghĩa của hai chữ cám ơn.
Chủ đề gửi về “Hiểu Cho Đúng Về Lòng Biết Ơn”, không có cái gì gọi là hiểu phải cho đúng. Và nếu như định nghĩa thì mỗi người chúng ta đều có định nghĩa như vậy, khác nhau đấy. Nhất định mỗi người đã từng nghe, hồi nhỏ Bảo Thành cũng từng nghe người Việt chúng ta lấy ca dao, tục ngữ truyền dạy, hướng dẫn cho con nhỏ về những điều nhân nghĩa ở đời. Câu mà các bạn cùng với Bảo Thành luôn nhớ làm lòng là uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây và nhớ về công ơn của cha mẹ. Rất hay, nếp sống biết ơn, biết tri ân, biết ghi nhớ sự giúp đỡ của muôn người đã thấm nhuần trong ca dao tục ngữ, nhắc nhở cho mỗi người chúng ta. Thời gian trôi qua chỉ còn vang vọng trong ca dao, ngôn ngữ, kinh sách, mà sự đối ứng tiếp cận hàng ngày của chúng ta khô dần lòng biết ơn. Có lẽ vì cuộc sống quá nhanh, bận rộn, kinh tế chớp nhoáng, sự biết ơn của chúng ta có đó nhưng ít được thể hiện và ứng dụng, dần dần chẳng được thấm nhuần, làm cho biết bao nhiêu người trong chúng ta trở thành vô cảm, lạnh lùng trước mọi biến cố của người thân, của những người đã từng giúp đỡ chúng ta. Huống hồ chi đối với những người xa lạ trong cuộc đời, trong xã hội.
Các bạn, mình là các bạn đồng tu với nhau, chúng ta theo Phật học tu, mang lời Phật ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày. Nhiều khi chúng ta học kinh sách quá cao, kinh điển quá rộng, những cái rất bình thường căn bản mà Đức Phật dạy như là cốt lõi của đời sống Phật tử chúng ta, hầu như ta không biết, không nhớ. Mình cứ nói uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, công ơn cha mẹ đó là nếp sống tuyệt vời của người Việt. Nhưng thực ra đã là người trên hành tinh này, ai ai cũng sống nếp sống ấy. Đức Thế Tôn – Đức Bổn Sư Thích Ca trong giáo lý của Ngài cũng dạy cho chúng ta phải có lòng biết ơn. Biết ơn như thế nào được gọi là hiểu đúng, ngồi bàn luận thì đời này qua đời sau, mỗi người chúng ta đều có một chủ kiến sáng lập ra định nghĩa hiểu đúng về lòng biết ơn như thế nào. Đức Phật nói đơn giản thôi chúng ta phải biết ơn cha mẹ.
Có bốn điều cần phải biết ơn, điều thứ nhất là biết ơn cha mẹ, điều thứ hai là phải biết ơn tổ tiên, các bậc thầy, điều thứ ba là phải biết ơn tổ quốc nơi ta sinh ra, điều thứ tư là phải biết ơn đàn na tín thí, muôn loài muôn vật. Đức Phật dạy nhưng chúng ta mấy ai ứng dụng đâu, bởi cứ tìm tòi những giáo lý cao siêu để thành Phật, thành tiên, thành thánh, thành thần có thần thông. Chứ mấy ai mang những lời đơn giản Phật dạy về lòng biết ơn để thông suốt cách sống, ngõ hầu hạnh phúc và bình an. Không, ta cứ muốn bay lên trên trời tới những cảnh giới khác, ta muốn hiểu được những điều kỳ diệu và ta tự đặt mình lên chỗ thật cao, tương ưng với Trời Phật, với trời đất, với thần linh, ảo tưởng trong những huyễn dã mà quên thực tế. Phật dạy thực tế phải biết ơn, ơn cha mẹ, ơn tổ tiên, Thầy Tổ, ơn quốc gia, ơn muôn loài muôn vật.
Ông bà ta thì gom lại cho gọn uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, rất hay. Lòng biết ơn sẽ giúp cho chúng ta phá tan đi sự tăm tối trong tâm hồn. Lòng biết ơn, biết tri ân sẽ giúp cho chúng ta dẹp tan được tự cao, tự ngã, tự đại. Lòng biết ơn giúp cho chúng ta thấm nhuần đạo lý sống và sống có ý nghĩa, sống vững chãi trong hạnh phúc và bình an. Đây là điều nhất thực tế. Nhiều người không hiểu được sự biết ơn như thế nào hoặc tìm tòi những định nghĩa quá cao siêu. Đối với Bảo Thành, đối với các bạn đồng tu có tâm hồn rất bình thường như chúng ta đây, không hẳn biết ơn với một đối tượng là con người đâu. Câu thứ tư Phật dạy biết ơn muôn loài muôn vật, mình ngắn gọn một chút để thực hành được.
Có khi nào bạn thức dậy vào buổi sáng bạn nghêu ngao vài câu hát, ngâm một vài vần thơ hoặc các bạn nói một lời gì đó với mình, với người thân. Bạn có nhận ra rằng ta vẫn nói được, ta vẫn nói được để biết ơn cái miệng của mình vẫn còn có tác dụng nói, nói được ra ngôn ngữ văn tự trong tương tác hay không. Có biết bao nhiêu người không thể nói, chúng ta nói được. Mình biết ơn mình còn nói được khi thức dậy, lúc đó sẽ đưa mình thấm sâu vào tư duy nếu ta biết ơn ta còn nói được hôm nay, thì ta sẽ khôn ngoan hơn lựa chọn những lời nói nhẹ nhàng, tốt đẹp. Để khi ta còn nói được những lời nói tốt đẹp kia, như hoa, như nước, tưới tẩm vào lòng nhau, hơn là không biết tri ân, nói được cứ nói buông tuồng đủ thứ tạo ra sự đau lòng cho nhau. Biết ơn hôm nay thức dậy ta còn nói được, biết ơn hôm nay thức dậy ta còn hít vào thở ra, biết bao nhiêu người khi nằm xuống ngủ chìm vào giấc mộng, sáng dậy có dậy được đâu để mà thở, có thở được đâu để mà dậy, nhưng chúng ta vẫn còn thở được. Cảm ơn trời, cảm ơn đất ta thức dậy vẫn còn cười, vẫn còn nói, vẫn còn nhìn được, vẫn còn nghe được âm thanh, vẫn còn thở và cảm ơn ta vẫn còn sống.
Nếu mình không biết cám ơn và tri ân sự sống này với muôn loài muôn vật. Bạn thử hỏi một miếng nước bạn súc miệng vào buổi sáng, bạn có biết cảm ơn rằng ta vẫn còn nước, sống ở nơi ấy có nước để súc miệng, để uống. Bạn biết ơn như vậy bạn mới nhận ra được trên thế giới này có những vùng miền họ không có nước, họ không có nước sạch, nước trong để súc miệng, để uống, vậy mà chúng ta phung phí, số nước cần cho súc miệng, rửa mặt, để uống bình thường vừa đủ, không, ta phung phí để chảy liên tục. Đấy từ những việc ý thức rất nhỏ trong môi trường sống, ta viết bảo vệ môi trường bởi lòng biết ơn và tri ân. Từ những con người ta tương tác hàng ngày như ông bà cha mẹ, các vị thầy bạn bè, con cái, vợ chồng. Ta biết ơn bởi tất cả những ân nghĩa và ơn nghĩa chẳng phải tới với chúng ta từ những điều họ mang tới, họ cho, họ dạy dỗ chúng ta.
Ngay cả họ mang tới cho chúng ta những lời cay đắng, miệt thị ta cũng biết ơn, bởi chính vì điều ấy ta mới nhận thức ra rằng giá trị của những lời ngọt ngào, những món quà trao tặng. Bởi như vậy ta mới nhận thức ra rằng trong ta có cảm xúc đau đớn khi bị nguyền rủa, chửi bới, miệt thị và có cảm xúc hạnh phúc khi được nghe những lời nhẹ nhàng thương mến. Bởi vì chúng ta mới nhận ra sau những lời miệt thị, chê bai, chửi bới ấy ta vẫn còn có lòng bao dung tha thứ, có sức mạnh để tồn sinh vững chãi. Những sự nghịch ý, những sự hài lòng, những sự đau đớn hay hạnh phúc, có, được, mất, mọi hiện tượng đều mang tới cho chúng ta một bài học thật quý giá hiểu rõ hơn về mình.
Cho nên lòng biết ơn tất cả giúp cho chúng ta thấu rõ được cuộc đời, sống có ý nghĩa hơn và thành công hơn. Lòng biết ơn sẽ làm cho mỗi người chúng ta nếu hiểu đúng thì bất cứ những điều gì đang hiện diện cho cuộc sống này ta luôn luôn phải biết ơn, biết tri ân, bởi những điều đó đã giúp cho chúng ta hiểu thấu về chính mình. Lòng biết ơn và tri ân giúp cho mỗi người chúng ta thực sự sống tràn đầy trong diễm phúc có được cuộc đời này, ngay chỗ này, nơi đây. Đức Phật dạy quá đơn giản, biết ơn cha mẹ. Có khi nào bạn trở về nhà và nói một lời rất bình thường, con cám ơn mẹ, con cám ơn cha. Hình như hơi ít, mẹ cha đã sinh ra chúng ta, nuôi nấng dạy dỗ. Các Ngài không bao giờ cần chúng ta phải nói một lời cám ơn, tri ân, nhưng bạn ơi khi chúng ta biết cám ơn và tri ân cha mẹ của mình như Phật dạy, là chúng ta đã gắn kết với cội nguồn của sự sống.
Rất hay, hay ở chỗ sự cám ơn, tri ân đối với cha mẹ ta giữ được mạng mạch sự sống đúng mức, đúng hướng, đẹp. Nhưng cuộc đời mấy ai biết nói cám ơn. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn. Ân nghĩa sinh thành ta cứ phải đợi đến khi có dư của, tiền tài, có đầy đủ mọi thứ quà cho lớn, tiền cho nhiều mang về mới gọi là cám ơn. Không, một lời cám ơn chân thành là sức mạnh thần thông, phá tan đi mọi đau đớn trong lòng của ta và thắp sáng mặt trời thông cảm, tri ân nơi cuộc đời của chính mình. Tổ tiên ông bà, thầy tổ, quốc gia, muôn loài muôn vật, điều đó có thể hơi xa một chút, nhưng gom lại cho gần thì cha mẹ vẫn là đối tượng cao quý bởi các Ngài chính là mạng mạch sự sống của chúng ta. Nếu biết ơn cha mẹ, biết ơn dưỡng dục dạy dỗ như uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, đời sống của chúng chúng ta hôm nay đều do cha mẹ ban cho. Nếu mỗi một người không biết nhớ đến ơn cha mẹ thì cuộc đời này coi như đã xong.
Rất nhiều những điều cần phân tích để hiểu rõ về lòng biết ơn, nhưng đối với Bảo Thành cao quý trong đời người là mỗi người phải biết ơn cha mẹ mình thực tế một cách thật rõ. Không cần biết điều gì đã xảy ra để cho chúng ta ngăn cách tình cha nghĩa mẹ. Nhưng hãy nhớ một nếp sống bình dị nhưng cao quý ân nghĩa sinh thành, mà chính bậc giác ngộ là Phật đã dạy cho chúng ta phải biết ơn cha mẹ. Mở rộng theo lời Phật thì cha mẹ không còn là đấng bậc sinh thành trong gia đình nữa, mà cha mẹ của chúng ta là muôn loài, muôn vật, muôn chúng sanh. Phật dạy hãy luôn luôn nghĩ mọi người, mọi chúng sanh là cha mẹ của mình. Từ cái hẹp là các đấng sinh thành lên chúng ta, tới cái rộng của tâm từ bi yêu thương, thì muôn loài chúng sanh, muôn vật.
Bạn đi ra đường bàn chân của bạn đặt để trên trái đất này, mảnh đất này, bạn có biết cám ơn đất đã vững chãi để ta đặt bàn chân mà bước đi thong dong tự tại hay không? Bạn ra vườn trong những dịp Tết này bạn thấy một bông hoa đẹp, bạn có biết cám ơn thiên nhiên tự tại là một loài hoa kia đã trổ bông thật đẹp cho bạn không? Bạn ăn một miếng cơm, bạn có biết cám ơn bác nông phu, người đãi gạo, người nấu cơm? Và cứ như thế thì trong trời đất mênh mông vô tận và cuộc đời nhỏ bé của chúng ta, biết bao nhiêu ân nghĩa luôn luôn được nhận diện. Nếu như trong lòng của mỗi người biết cám ơn. Cám ơn là một phương thức vi diệu chính Đức Phật dạy, là một pháp môn tuyệt thế để khơi dậy năng lượng siêu thế vốn có trong chúng ta, để đánh tan đi bản ngã tự đại, mà đưa cuộc đời của mình thấp như mặt đất, chứa được muôn mầm sống, khơi dậy cái đẹp nhất trong cuộc đời.
Đừng để ở bên ngoài cuộc sống vội vàng trong thế giới cuồng xoay, trong vật chất đánh mất đi nếp sống cao trọng, tốt đẹp, ông bà cha mẹ đã dạy. Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Đừng để nó mất dạng trong ta và đừng biến chúng ta trở thành kẻ ăn cháo đá bát, qua cầu rút ván. Rất hay, tục ngữ dạy sự cao đẹp, dạy sự cao thượng, mang lời Phật biến hóa thành ca dao đơn giản. Nhưng người Phật tử chúng ta cũng đừng đơn giản quá mức mà chỉ lao đầu vào tìm tòi những cái cao siêu, quên đi những cái hạnh như đất đó là hạnh biết ơn. Bạn ơi, khi bạn thực hiện được hạnh biết ơn, cuộc đời của bạn sẽ đổi thay thật nhiều. Mỗi một ngày các bạn thức dậy hoặc trước khi các bạn đi ngủ thói quen hãy thực tập. Bảo Thành đã thực tập bao nhiêu năm trời rồi và thấy cuộc đời thật là hạnh phúc.
Thực tập cái gì? Khi thức dậy đừng vội vàng rửa mặt, đánh răng, ăn sáng hoặc làm những điều gì đó bạn cho là phải làm, nhưng khi thức dậy bạn hãy tìm cho mình không phải là năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, mà chỉ cần tìm cho mình hai điều cần phải biết ơn, hai điều đó là gì? Bạn tự tìm ra chỉ hai điều mà thôi. Có thể bạn thức dậy các bạn cám ơn trời đất và mỉm cười là bạn còn thức dậy, hoặc khi bạn thức dậy bạn cám ơn cái giường đã cho bạn một chỗ ấm êm để ngủ, có một giấc ngủ thật sâu để thức dậy khỏe. Có thể bạn tìm một sự cám ơn đặc biệt hơn thức dậy cám ơn cha mẹ, ông bà cho ta sự sống và kiến thức. Hoặc bạn cám ơn người vợ, người chồng, cám ơn con cái. Bạn hãy tìm đi hai điều thôi. Còn nếu không tìm được hai điều thì hãy tìm một điều, chỉ một điều cũng đã là đủ. Trước khi bạn đi ngủ bạn cũng hãy tìm cho mình một hoặc hai điều để biết cám ơn. Thực tập lòng biết ơn và biết cám ơn, biết tri ân.
Chúng ta thực ra như vậy sẽ là người khôn ngoan, biết làm giàu cho cuộc sống tâm linh, tinh thần của chúng ta để bồi dưỡng cho thể chất, sức khỏe của mình. Người biết cảm ơn luôn luôn khỏe. Bạn thử thực tập mới thấy được lòng biết ơn, biết cảm ơn là linh dược vi diệu để chữa lành mọi sự đau đớn trong ta và nơi mọi người. Ta không nói chuyện với nhau như một bài văn thật dài có thân bài, có mở bài và kết luận để nghe cho lý thú hay, mà chúng ta chia sẻ để thấy rằng Đức Phật là bậc giác ngộ, Ngài đã dạy cho chúng ta phải biết ơn cha mẹ, biết ơn tổ tiên Thầy Tổ, cô giáo, các vị thầy, những bậc thiện tri thức đã dạy dỗ chúng ta. Biết ơn quốc gia nơi ta đang sống, quốc độ nơi ta đang tồn tại. Biết ơn đàn na tín thí, biết ơn muôn vật, muôn loài, muôn người, muôn hiện tượng. Phật dạy đó, Ngài là bậc giác ngộ mà dạy một bài học rất bình thường, nhưng sự bình thường đó nếu ứng dụng được bạn sẽ thấy phi thường lắm. Muôn điều phi thường được kết lại bởi hằng hà sa những chuyện rất bình thường.
Hôm nay vẫn còn rất sớm trong những ngày đầu năm Quý Mão, một sự mời gọi các bạn hãy thực tập lòng biết ơn, đúng hay không đúng tùy theo mỗi người đặt để ý nghĩa lòng biết ơn hiểu đúng như thế nào ta không cần. Mà Bảo Thành chỉ muốn khơi dậy một sự thực tập thật rõ nơi các bạn, mỗi khi thức dậy còn hít vào thở ra hãy tìm cho mình một hoặc hai điều gì đó cần được chú ý để cám ơn và tri ân. Và mỗi khi đi ngủ hãy tìm cho mình hai điều, một hoặc hai điều để biết cám ơn và tri ân. Sự thực tập pháp môn biết cám ơn, tri ân vào buổi sớm thức dậy hoặc buổi tối đi ngủ sẽ giúp cho bạn tìm lại được những kho tàng giá trị, vi diệu nơi đời thường bận rộn này. Để chúng ta không trở thành những kẻ ăn cháo đá bát, qua cầu rút ván, vô cảm với chính mình, với xã hội, với gia đình, với ông bà, với cha mẹ, với trời đất, với vũ trụ.
Bạn ơi, khi bạn biết cám ơn, biết tri ân bạn sẽ gắn kết được với trời, với Bồ Tát, bạn sẽ gắn kết được với vũ trụ. Chúng ta phải biết tri ân trời Phật, cha mẹ ông bà, tổ tiên, quốc gia, muôn loài muôn vật. Chúng ta phải biết cám ơn và tri ân vũ trụ này, trái đất này, tinh tú mà ta có thể nhìn nhận ra. Muôn sự đời mà ta còn có thể hiểu, nhận rõ phải biết đi vào lòng tri ân và biết ơn. Tri ân và biết ơn là chìa khóa để chúng ta gắn kết thông dung, có được cuộc sống hạnh phúc và bình an. Đừng tách rời cuộc đời ra khỏi với lòng biết ơn và tri ân, hai chìa khóa này sẽ mở cửa thiên đàng để mỗi người chúng ta thong dong và tự tại bước vào, tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi nơi kiếp người. Mỗi khi thức dậy và mỗi khi ngủ hãy thực tập tìm ít nhất là hai điều để biết cám ơn và tri ân, bạn sẽ thấy cuộc đời của bạn thành công, bạn sẽ thấy cuộc sống của bạn mạnh khỏe trong sáng và thiện lành, bạn sẽ thấy bạn là người có tràn đầy sự an lạc và hạnh phúc và bạn sẽ thấy cuộc đời của bạn có ý nghĩa hơn trong từng khoảnh khắc của cuộc sống.
Bảo Thành không định nghĩa hiểu đúng về lòng biết ơn như thế nào, nhưng gợi ý cho chúng ta, những bạn đồng tu hiểu được rằng chính Đức Phật đã dạy cho chúng ta tứ Trọng Ân tức là bốn điều cần phải thực tập để biết cám ơn, biết ơn, biết tri ân. Phật dạy điều đó, Ngài là bậc giác ngộ, Ngài dạy điều đó có ý nghĩa bởi Ngài nhìn thấu nếu trong chúng ta là những kẻ vô ơn, ăn cháo đá bát, qua cầu rút ván, không biết ơn và tri ân, thì chẳng có một phương pháp nào, thì chẳng có một giáo lý nào, chẳng có một pháp môn nào, chẳng có một tôn giáo nào, chẳng có một cách sống nào. Bạn có thể thực hành để đưa đến sự thành công như bạn mong muốn. Hãy trở thành người biết ơn và tri ân, đừng biến mình thành kẻ vô ơn rồi đi đến sự vô cảm trong cuộc sống. Các bạn chúng ta hãy trở về với hơi thở.
Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con thấm nhuần tứ trọng ân, bốn điều cần phải biết ơn và chúng con nguyện mỗi một ngày khi thức dậy hoặc khi đi vào giấc ngủ sẽ dành ra ít nhất hai giây để tìm được sự cảm ơn nơi người, nơi vật, nơi môi trường sống để tỏ lòng tri ân.
Chúng ta hãy hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở nhẹ nhàng quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)