Thu Hằng đánh máy
Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên các kênh YouTube, Facebook và Zoom
Giờ tu đã tới, mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con tinh tấn tu học mật thiền chánh niệm hơi thở, thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương của chúng con đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ tất cả chúng con tinh tấn tu học, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn ngồi trong tư thế phù hợp với cơ thể của mình, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, toàn thân buông thư, lưng, cổ và đầu ngay ngắn, nhẹ nhàng, buông lỏng, thư giãn. Chúng ta trở về với hơi thở của chánh niệm, khi hít vào bằng mũi chúng ta phình bụng, đưa hơi xuống dưới bụng, khi thở ra chúng ta hóp bụng và tổng trì mật ngôn. Mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là quán chiếu tâm Từ Bi, mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là quán tâm Trí Tuệ, mật ngôn Ma Sa Ốp Uê quán chiếu tâm Tỉnh Giác. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác quán là mật hạnh của Mẹ Hiền Quan Âm, phép quán này hơi thở chánh niệm sẽ đưa tâm trở về để tiếp nhận năng lượng Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác của chư Phật và Bồ Tát, để thấy rõ được thân tâm biến hiện của mình trong từng giây phút. Chúng ta hãy bắt đầu và nghĩ đến tất cả những người yêu thương, hồi hướng năng lượng chúng ta tiếp nhận được cho tất cả.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Mô Phật! Các bạn, các mật ngôn chúng ta tổng trì nơi pháp hành mật thiền thất bảo, là những mật ngôn vi diệu dẫn đưa chúng ta, lạc lõng, đắm chìm trong các pháp bất thiện, tạo ra năng lượng bất tịnh, kềm hãm chúng ta, chặn đứng chúng ta và đẩy chúng ta lùi ra ánh sáng của trí tuệ. Mật ngôn quán chiếu tâm Từ bi, tâm Trí tuệ và sự Tỉnh giác, ba mật ngôn này mang lại sự hòa hợp, đưa chúng ta trở về thật gần với chư Phật, chư Bồ Tát, trở về với cội nguồn của sự sống tâm linh. Nơi cội nguồn đó ta được tưới tẩm năng lượng vi diệu của Phật, Bồ Tát, của vũ trụ. Nguồn năng lượng thanh tịnh thanh cao sẽ làm cho chúng ta tỉnh thức, nhận rõ được mọi hiện tượng trong cuộc đời, sẽ thắp sáng đuốc tuệ. Để chúng ta thấu được vạn sự mà buông bỏ những pháp ác và giúp cho chúng ta nếm được hương vị của tình thương đích thực, biết hiến dâng hạnh phúc cho nhau, biết tháo gỡ cho mình và cho mọi người những ràng buộc của chấp trược tạo ra khổ đau, rất cao quý.
Cuộc đời này ai trong chúng ta cũng có khả năng, có khả năng gì? Có khả năng san sẻ, hiến dâng hạnh phúc của mình cho muôn loài, có khả năng gì? Khả năng tháo gỡ, chuyển hóa và đẩy lùi đi mọi đau khổ phiền não cho nhau. Khi mà chúng ta biết san sẻ, biết hiến dâng hạnh phúc của mình cho muôn người, lúc ấy ta tiếp nhận được càng nhiều năng lượng vi diệu, hạnh phúc của Phật, của Bồ Tát, của vũ trụ, của muôn người thiện lành gần gũi chúng ta. Khi mà chúng ta biết tháo gỡ, biết chuyển hóa, biết đẩy lùi, biết san sẻ những thống khổ, phiền não cho nhau, chính là lúc ta chữa lành tất cả mọi vết thương do mình, do người cộng hưởng tạo ra, rất tuyệt vời. Có thêm hạnh phúc chữa lành các vết thương, đau khổ, phiền não chẳng còn. Đây là điều chẳng phải là mơ ước, nguyện ước mà là sự thật. Với mật ngôn Mu A Mu Sa chúng ta không còn xa với cội nguồn của Từ bi. Với mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang chúng ta không bị tắt lịm ở trong màn đêm u tối của vô minh lầm chấp, mà được tỏa sáng, được thắp sáng. Để mỗi một bức chân của chúng ta đặt vào lòng đời này là dấu tích, là kỳ tích của sự an lạc, dẫn đưa ta và muôn người vượt qua những chướng ngại.
Mỗi một lần mà chúng ta sống trong sự tỉnh giác của mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, ta có tánh biết, nhận thức thật rõ những suy nghĩ khởi lên ở trong đầu, những ngôn từ ta sử dụng và hành vi ta tạo tác. Để lựa chọn pháp thiện, suy nghĩ ngay thẳng, lời nói dễ thương, hành vi, hành động bác ái. Sự tổng hợp của ba mật ngôn trên trong thiền quán của hành mật thiền có đầy đủ ba trong một Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác. Sự miên mật tu tập mỗi một ngày chứng đắc thật là rõ, chẳng phải sự chứng đắc này là bay lên trên trời, có thần thông là đà ở trên mây. Mà sự chứng đắc hiện hữu trong đời thường của Phật tử tại gia, của mỗi một người. Không cần thiết ta phải theo một hệ thống tôn giáo nào, hạnh phúc hiến dâng cho nhau, hạnh phúc san sẻ cho nhau, tháo gỡ, chuyển hóa, đẩy lùi khổ đau, phiền não cho nhau. Gánh vác những điều đó giúp đỡ nhau là thuộc về đâu? Thuộc về trái tim rất người biết thương yêu, nghĩ đến chính mình, cộng đồng, xã hội, nhân quần, mọi loài hòa hợp. Chẳng phải vì một tôn giáo mà ta phải làm những điều đó, nhưng vì ta là người có trái tim biết yêu thương, biết san sẻ, chỉ vậy.
Sự tu tập mật thiền không nằm gọn trong Phật giáo nhỏ bé như thế, mà mật thiền Thất Bảo là sự đứng dậy của muôn người để nhận ra khổ đau phiền não. Chẳng phải là chốn, chẳng phải là nơi, chẳng phải là cảnh giới ta chìm đắm, nhàm chán sự đau khổ phiền não rồi và bây giờ muốn đứng dậy, giũ sạch những vẫn đục, dơ dáy của phiền não, đau khổ kia. Để một lần nữa ta vươn mình, hình hài này bước vào một khung trời cao rộng, tràn đầy tình yêu thương an lạc. Mọi người biết đối xử bác ái, tử tế, thông cảm, đồng hành, san sẻ, thế giới đó chẳng phải cần đợi đến kiếp sau để đi vào Niết Bàn. Cảnh giới đó chẳng cần đợi đến kiếp sau để đi vô thiên đàng. Cảnh giới đó, thế giới đó không đợi ông trời, Đức Phật hoặc ai đó tới ban bố cho chúng ta, hoặc là chúng ta phải đi khắp mười phương thiên hạ, cùng trời cuối đất, ăn mày, ăn xin để được hưởng thiên đàng, Niết Bàn. Nó nằm trong sự suy nghĩ đúng, cái nhìn sáng suốt để đưa đến hành động chỉ bằng tình yêu thương. Nơi đâu có tình yêu thương ở đó có tất cả, có hạnh phúc, có an lạc, có được sự trong sáng để trí tuệ được hiển lộ, có sức khỏe của thân, bệnh tật được đẩy lùi, không mơ, không cầu, không ước mà chỉ cần hành.
Chén cơm trước mặt không cầm đũa, nâng chén mà ăn ngồi đó rồi ước được no. Nhìn cơm ước, nguyện, cầu, làm sao no? Chỉ cần cầm đôi đũa, cái muỗng, cái thìa, nâng chén cơm lùa vô miệng mà ăn từng miếng. Năng lượng tình thương của chư Phật, ánh sáng trí tuệ của chư Phật, sự tỉnh giác của các bậc giác ngộ tràn đầy trong thế giới này. Nếu ta cứ ngồi cầu, nguyện, ước như thấy chén cơm trước mặt thì chẳng bao giờ no, mà chúng ta nếu đứng dậy tự lực, tự giác, giác tha, giác hạnh, mở rộng tâm nhìn cho rõ với một lòng thành kính, chân thật, tiếp nhận, đón nhận, nhất định Bảo Thành và các bạn sẽ có tràn đầy năng lượng.
Mỗi một ngày trôi qua biết bao nhiêu mệt nhọc, biết bao nhiêu sự đắm chìm lặp đi lặp lại,dẫn đến sự nhàm chán, cô quạnh, có thể đưa đến sự trầm cảm, tự kỷ như nhốt mình vào trong phòng kín của những tư tưởng, kiến thức hẹp hòi nhỏ bé, tham dục, đắm dục, mê dục. Thay vào đó ta tiếp năng lượng của tình thương, ta đón nhận ánh sáng của trí tuệ, để giữ được sự tỉnh giác, ta và muôn người sẽ có một cuộc sống rất tốt đẹp trong từng giây, từng phút. Cuộc đời chỉ vậy đã đủ có ý nghĩa, đã đủ để sống với ông bà, cha mẹ, sống với người thân và gia đình trong hương hoa của những thành tựu bởi những mật hạnh ta tu hàng ngày đối với nhau. Muôn sự ở đời rất hấp dẫn bởi tu thật hiếm, đôi khi chỉ một tuần tới chùa hoặc tới những nơi thờ tự để tu, đôi khi cả tháng trời. Những tôn giáo bạn người ta đi lễ hằng ngày, người ta tới nhà thờ hàng chủ nhật, nhưng riêng Phật giáo khi chết, khi khổ, khi đau mới tới, chẳng có thói quen tu tập hàng ngày, nghe giảng hàng ngày, chẳng có thói quen đến chùa mỗi một cuối tuần dù chỉ 5, 10 phút. Sự ảnh hưởng của các tôn giáo bạn cận kề nơi các bạn bè ta cùng sinh hoạt, cùng sống chung, cùng làm chung.
Có khi nào các bạn tự hỏi sao các bạn thuộc thiên chúa giáo họ có một tinh thần kỷ luật thật cao, đi lễ, đi nhà thờ mỗi ngày, mỗi tuần. Còn chúng ta người Phật giáo lơ là với sự tu tập, họa hiếm mới có một lần trong năm rằm lớn hoặc Tết. Thế mà khi nói đến tôn giáo bạn ta không có tinh tấn như họ, trong Bát Chánh Đạo nói chánh tinh tấn ta không tinh tấn, nhưng nghĩ và nói về họ ta chê bai. Tôn giáo mình là nhất nhưng ta không có thực tập, ta không tinh tấn. Tôn giáo của họ được đặt xuống thấp nhưng hãy nhìn đi họ tinh tấn mỗi ngày, mỗi tuần. Nói về điều này để mỗi người phải ý thức rằng sự đồng tu mỗi một ngày rất quan trọng, 5 phút ít nhất và luôn luôn phải lấy những pháp thiện lành, nương vào năng lượng thanh tịnh của các bậc thiện tri thức, môi trường sống tốt để ảnh hưởng đến mình, thay đổi mà chuyển hóa. Khi chúng ta đã mong muốn phát nguyện tu rồi vẫn có những hoàn cảnh bất thường xảy ra. Như mọi người bạn tu hỏi “Con rất muốn tu, nhưng gia đình thì ăn nhậu, sống không có lành mạnh, nói hoài họ không có chịu nghe, phải làm sao đây?”
Các bạn, chắc chắn các bạn đã từng có những trăn trở như thế. Mới tu, học tu, muốn tu hoặc đang đã tu, những thành viên trong gia đình không tu, họ ăn nhậu, họ sống không lành mạnh, họ chỉ trích ta, họ chê bai ta và ta thấy khó chịu, ta mang giáo lý, ta mang chân lý, ta mang lý lẽ ta học được phân tích, khuyên bảo họ, họ chẳng nghe, ta bực bội quá. Ta muốn tu nhưng như vậy ta không tu được và ta cứ tức, cứ giận, cứ buồn và cáu gắt. Năng lượng bất tịnh đó dày vò và làm cho chúng ta, nhiều người đã phải bỏ tu. Các bạn nghĩ tu là gì? Các bạn nghĩ có phải tu theo con đường hoặc chân lý, pháp môn, tôn giáo mình nhận thức ra tốt, mình nghiên cứu thấy rõ ràng tốt đẹp mình theo, rồi thúc ép bắt buộc mọi người trong gia đình phải theo ta học hỏi, có phải vậy không? Nếu nghĩ như vậy chúng ta sẽ tạo thêm phiền não cho mình, cho gia đình.
Hãy nghĩ về câu Đức Phật nói Ngài không thể độ người không có duyên, nhưng Ngài không bao giờ từ bỏ chúng sanh. Ngài không thể độ người không có duyên, nhưng ngài luôn luôn sẵn sàng ban rải năng lượng tình thương, thắp sáng trí tuệ và trao tặng năng lượng tỉnh giác tới những người chưa có duyên, để một mai họ có đầy đủ phước báu và công đức khởi lên những duyên lành và lúc ấy tiếp cận để được Phật dẫn dắt. Nhìn ra ý nghĩa của câu này chúng ta mới thấy quan trọng, tầm cỡ quan trọng. Chúng ta tu là để tự sáng tâm, là để có năng lượng tình yêu, là để sống đời tỉnh giác. Chẳng phải chúng ta tu là thúc ép, bắt buộc người nhà không được ăn nhậu, không được sống đời sống không lành mạnh. Đừng nghĩ mới tu, học tu, đã đang tu phải bắt bẻ gia đình theo mình.
Như vậy bạn thắp một ngọn đèn sáng lên, ngọn đèn ấy bạn nhìn đi nó không bao giờ than phiền, trách móc, ngọn đèn đó không bao giờ nói với bạn rằng hãy bước ra khỏi bóng tối, hãy sáng lên, hãy sống đời sống lành mạnh, đừng ăn nhậu nữa. Không! Ngọn đèn đó chỉ làm một việc duy nhất là tỏa sáng, nó âm thầm, nó lặng lẽ, nó tịch tĩnh và chỉ tỏa sáng bằng cách luôn luôn giữ cho đầy đủ năng lượng để ánh sáng được tỏa ra. Thế là ngay lúc ấy, sau lúc ấy hoặc sau một thời gian, những ai đó ở trong vùng tối thấy được ánh sáng của ngọn đèn lan tỏa mà bước ra. Đây chính là chân lý, mặt trời sáng không bắt muôn người phải tiếp nhận năng lượng của mặt trời, nhưng sự sống được khởi dậy nhờ năng lượng mặt trời lan tỏa.
Sự tu của chúng ta là kích hoạt tình thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức cho chính mình. Thân giáo, khẩu giáo và tâm giáo nhất như trong tình yêu thương Từ bi, nhất như nơi ánh sáng của Trí tuệ, nhìn thấu vô thường, khổ, vô ngã để buông bỏ chấp trược, luôn nhất như trong sự tỉnh thức quán chiếu. Ta đã là ngọn đèn sáng, là ốc đảo tự sáng, chỉ vậy là ngọn đuốc, là hải đăng. Hãy sống như thế, hãy như muối mặn để mọi người nương vào muối mặn kia mà sống. Hãy như ánh sáng để mọi người trong tăm tối nhìn thấy mà ra. Hãy như hương của tình thương, hữu xạ tự nhiên hương, trong công hạnh tu nó sẽ lan tỏa khắp mọi nơi, hương người đức hạnh ngàn năm ngược cuộc đời, dòng lịch sử vẫn còn thơm lừng mãi mãi. Giữ đúng đức hạnh, công hạnh tu đó, người nhà dù có nhậu, có sống không lành mạnh, thì đời sống tu tập của chúng ta được tỏa sáng ngay trong cuộc đời của mình sẽ là ngọn đèn, sẽ là ánh đuốc, sẽ là ngọn hải đăng, sẽ là mặt trời tự sáng trong tâm, nơi gia đình.
Một ngày, một năm, nhiều ngày, nhiều năm, bà con cô bác, anh chị em, người thân trong gia đình sẽ nhìn thấy ánh sáng trong công hạnh tu tập của ta mà bớt dần sự ăn nhậu, giảm dần sự sống không lành mạnh. Quan trọng ở chỗ đó, không phải ở chỗ ta nhìn thấy họ ăn nhậu, sống không lành mạnh cáu kỉnh, cáu gắt, tranh luận và rồi cứ thúc ép họ theo con đường ta tu. Ta tu là ta phải theo con đường đã có sự suy xét, trải nghiệm trong chánh tư duy bằng một cái nhìn thông suốt và thấu rõ thấy nó lợi lạc cho mình, cứ thế mà tu. Hãy trở nên như ánh sáng của tự tâm trong công hạnh tu tập. Hãy trở nên hương thơm của đức hạnh lan tỏa, chỉ có vậy là đủ. Trong nhà có ánh sáng của trí tuệ vì mình tu tập, trong nhà tỏa hương đức hạnh vì mình tu tập. Sự ăn nhậu, sống không lành mạnh kia họ sẽ nhìn thấy, họ sẽ ngửi thấy hương đức hạnh của một thành viên trong gia đình là chúng ta. Dù sống trong môi trường ăn nhậu không lành mạnh, ta vẫn khép mình ở trong hơi thở chánh niệm, quán chiếu để kích hoạt tiềm năng vô giá vốn có trong mỗi một người, khi họ nhìn thấy họ sẽ bắt đầu đón nhận.
Còn như chúng ta cứ thúc ép, tranh luận hoài mất thời gian, cáu kỉnh, khó chịu rồi sẽ chẳng thể độ được người chưa có duyên, không có duyên trong lúc này. Phật không thể độ người không có duyên, nhưng Phật luôn luôn ban rải tình thương, thắp sáng đuốc tuệ, kề cận để đánh thức. Ta không thể độ những người đang ăn nhậu, sống không lành mạnh trong gia đình. Nhưng nếu chúng ta tinh tấn tu học, hồi hướng năng lượng yêu thương qua những ngôn từ và sự xử thế, quan tâm một cách rất tử tế, có một cái nhìn xuyên qua sự ngăn ngại của họ đang phạm, để ta thong dong tự tại. Chỉ vậy, chỉ vậy là ta đã đủ gieo duyên, hồi hướng cho họ khi chưa có duyên, khi chưa đủ duyên. Một chỗ chưa có duyên, chưa đủ duyên được người tu như chúng ta gieo duyên hồi hướng duyên đó, san sẻ duyên đó thì một ngày, một ngày và một ngày nào đó họ sẽ có được duyên. Để rồi họ nhìn ta bằng ánh mắt khao khát đồng hành trên con đường đạo ta đang tu, đã tu.
Các bạn, chúng ta thường dễ mắc vào chuyện tu rồi thấy gia đình, thấy người thân, thấy bạn bè, hàng xóm, người này, người kia không chịu tu, ăn chơi xả láng, đâm ra bực bội và chẳng sống được với hạnh tu. Cứ chạy lăng xăng để nhắc nhở, để chấn chỉnh, để đánh thức người ta, làm cho muôn người khó chịu vậy đó. Cho nên thiếu gì người trong gia đình đã chửi chúng ta tu như vậy mà tu, đấy, vô tình họ đã phỉ báng tôn giáo, tông môn, pháp môn, con đường ta tu. Chính là bởi vì ta quá quá quắt, tu chưa đúng. Người tu đúng là phải tự như ngọn đuốc tỏa sáng. Người tu đúng là phải như hương hoa tỏa, hãy nhìn đi một bông hoa ở giữa đời chẳng chạy từ nhà này qua nhà kia khoe rằng ta đẹp, ta có hương thơm. Hoa đó đứng tại chỗ mà muôn người tìm tới để được ngắm vẻ đẹp của hoa, muôn người tìm tới để ngửi hương tuyệt vời của hoa.
Nếu ta là một bông hoa đức hạnh, miên mật tu tập, ngồi một chỗ, ở một nơi chẳng cần phải động não, chạy ngược chạy xuôi, hương thơm đức hạnh của ta người ta sẽ ngửi tới và tới với chúng ta. Nhưng nếu như họ không tới thì ta phải dấn thân, như Đức Phật 45 năm trời cùng trời cuối đất, hang cùng ngõ hẻm, thôn quê thành thị, từng bước chân trong sự an lạc người tới để gõ cửa thế nhân và truyền trao phép màu. Nhớ hãy tới với người bằng bước chân an lạc, đừng tới với người bằng những bước chân rầm rầm rộ như quân đội. An lạc, bạn cứ bước đi thật chậm trong chánh niệm, bạn hãy bước chân đi để dấu tích an lạc được in trên từng đoạn đường bạn đang đi. Người ta sẽ nhìn thấy dấu chân an lạc, dấu tích an lạc của bạn và người ta sẽ nhẹ nhàng âm thầm đặt bàn chân của họ vào vết đó, dấu đó.
Đừng quá quan ngại, lo ngại về người nhà ăn nhậu, sống không lành mạnh để lao tâm khổ trí, thúc giục, lấn chiếm sự tự do của mỗi một người, mang đạo cả nhồi nhét vào đầu của họ. Để rồi làm cho tình cảm giữa ta và họ mất sự thăng bằng, gây hấn với nhau. Hãy tu và tỏa sáng. Hãy tu và lan tỏa, chỉ có thế. Mọi người thân trong gia đình họ sẽ nhận ra và theo chúng ta. Lan tỏa từ trong cuộc sống của mỗi cá nhân ảnh hưởng đến gia đình, lan tỏa từ trong cuộc sống của mỗi cá nhân để lan tỏa trong từng gia đình và từ đó lan tỏa tới cộng đồng, xã hội, thôn xóm ta ở. Hãy là ngọn đuốc tự sáng để muôn người bước ra từ bóng tối. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.
Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con là ngọn đuốc tuệ tự sáng trong hành mật thiền chánh niệm hơi thở, quán chiếu Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, để ánh sáng tự tâm trong mật hạnh này tỏa sáng nơi cuộc đời của mỗi người chúng con, ngõ hầu thắp sáng cho gia đình, thân nhân, để từ nơi tối tăm những người thân của chúng con có thể nhận ra được mà thoát ra khỏi cảnh u tối ấy.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, hồi hướng cho gia đình, cho vợ chồng, ông bà cha mẹ và tất cả mọi người.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)