Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên các kênh YouTube và Facebook. Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh, và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy miên mật tu tập Mật thiền Chánh niệm hơi thở để thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho Thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin Chư Phật từ bi chứng minh.
Mời các bạn ngồi tĩnh tọa, tay phải đặt vào lòng bàn tay trái, ngồi với tư thế phù hợp với cơ thể của mình, buông thư nhẹ nhàng, trở về với hơi thở của Chánh niệm. Nhớ lời Đức Phật dạy: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Thực tập Chánh niệm hơi thở Mật thiền dùng tánh biết quán chiếu hơi thở vào thì phình bụng, hơi thở ra hóp bụng, tổng trì mật ngôn, quán tâm Từ Bi Mu A Mu Sa, quán tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang,quán tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê. Ba Mật ngôn này trong Chánh niệm của hơi thở, mỗi người sẽ đón nhận được thật nhiều năng lượng và gắn kết với các bậc giác ngộ, nương vào đó để chúng ta chuyển hóa nghiệp chướng của mình.
Hãy bắt đầu hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Các bạn đồng tu thân mến!
Càng vào những ngày cuối năm, nhìn lại cuộc sống, ai trong chúng ta thật gấp gáp bởi hoàn thành mình những điều mình mong muốn. Thấu hiểu được cuộc sống và biết chăm sóc cho mình từ đời sống vật chất, đời sống tinh thần và đời sống tâm linh là lẽ rất thường. Chăm sóc cho đời sống của mình là điều rất cần, ai cũng phải quan tâm cho sức khỏe, vật chất, tinh thần và tâm linh. Chúng ta không nhất thiết phải trực thuộc một tôn giáo, một tông phái, một nhóm để học cách chăm sóc. Mà đã là người, cả ba lĩnh vực: Thân, Tinh thần và Tâm linh, ai ai rồi cũng phải suy ngẫm để trở về chăm sóc. Trong Mật thiền chúng ta tu, lấy hơi thở của Chánh niệm tăng trưởng tánh biết, quán chiếu thân tâm, chăm sóc cho tự thân. Ta không phân biệt hoặc ưu tiên cho những người thuộc về tôn giáo, tông môn, mà đặc biệt dành sự ưu ái cho những ai có căn duyên để tâm chăm sóc và quay trở về với nội tâm của mình để tẩy rửa cho sạch sẽ những năng lượng tiêu cực bất tịnh, để mang năng lượng thanh tịnh chất chứa vào làm giàu cuộc sống về muôn mặt.
Mật Thiền chúng ta tu, mỗi một ngày dành cho một khoảng thời gian nhất định, hít thở trong buông thư, lấy trọng tâm năng lượng của tình yêu qua mật ngôn: Mu A Mu Sa. Hòa mình vào tận hư không pháp giới, gắn kết với trời, Phật, các bậc Giác ngộ, các đấng ta tôn thờ, mang tình yêu, mang từ bi nuôi dưỡng đời sống này. Đời sống nhân sinh mà mỗi người chúng ta sẽ bấp bênh, gập ghềnh, lặn ngụp trong biết bao nhiêu nghịch cảnh thăng trầm, khổ đau, phiền não. Tình yêu của mật ngôn Mu A Mu Sa mang tới thật nhiều năng lượng thanh tịnh, để mỗi người chúng ta lại tìm trở về được với cội nguồn của chính mình, tự tin hơn, có sức mạnh hơn và vững chãi hơn sau bao nhiêu lần vấp té, vấp ngã thất bại, khổ đau.
Mu A Mu Sa, mật ngôn vi diệu. Tổng trì Mật ngôn này trong Chánh niệm của hơi thở, nhất định chúng ta sẽ tiếp nhận được thật nhiều nguồn năng lượng thanh tịnh, làm cho sự đau đớn, khổ lụy, làm cho cái khổ, cái đau, cái buồn nó giảm dần và khởi dậy sự hỉ lạc ở trong tâm. Mỗi khi ta tổng trì mật ngôn Mu A Mu Sa qua hơi thở, chúng ta thấy trong lòng vui và hoan hỉ, thấy có nguồn năng lượng của tình thương chan chứa, cảm nhận được tình yêu của những người thân trong gia đình, của muôn người ta tương tác, cảm thấy vũ trụ này mênh mông vẫn có chỗ để ta đứng vững chãi, vượt qua thử thách.
Mật Thiền Song Tu gắn kết và đánh thức nguồn năng lượng vô biên Từ Bi, thắp sáng nguồn Trí tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để chúng ta mỗi một ngày qua hay ngay trong những giây phút hiện tại của cuộc sống đều có khả năng nhìn thấu, nhìn rõ và hiểu để tháo gỡ những chấp chước và để chuyển hóa những lầm chấp. Tháo gỡ và chuyển hóa thì lòng của mỗi người chúng ta sẽ rộng thênh thang, mặt trời sẽ luôn luôn hiển lộ ở trên đầu và tăm tối sẽ bị xua tan. Không những thế, qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê , thập phương Chư Phật chư Bồ Tát, Thánh hiền, các bậc Giác ngộ, Long Thần, Hộ Pháp, Chư Thiên luôn luôn hiện hữu gần gũi với chúng ta, để đánh thức chúng ta. Và nương vào sự gia trì, gia hộ đặc biệt đó, chúng ta có một đời sống tỉnh thức để can qua biết bao nhiêu nhọc nhằn, đau khổ, phiền não, và để cho mỗi người chúng ta cứng cáp hơn, trưởng thành hơn.
Rất nhiều những phương tiện, những phương pháp mà Đức Phật đã dạy ngày xưa, ngày nay, luôn luôn được các Bậc Thầy truyền lại cho những ai có nhân duyên. Ai hợp tông môn, phương tiện nào khi thực tập thì người ấy sẽ nhận rõ về cuộc đời, chuyển hóa được khổ đau, khơi được niềm hạnh phúc trong tâm, thấy mình gần gũi với Phật, với Bồ tát, thấy cuộc đời này ta không trơ trọi cô đơn, thấy có đấng bề trên đồng hành với mình, thấy cuộc sống ta vẫn còn có khả năng tự chữa lành bản thân. Mật Thiền là một phương tiện vi diệu cho tất cả các bạn nào có nhân duyên. Để biết được mình có nhân duyên với bất cứ một phương pháp phương tiện của Phật dạy cho chúng ta, chúng ta cần phải miên mật tu tập để có một sự trải nghiệm. Từ đó lựa chọn cho mình cái pháp môn ấy.
Riêng đối với Bảo Thành, Mật Thiền là một Pháp môn phương tiện đã chữa lành biết bao nhiêu những vết thương ở trong trái tim của mình, đã chữa lành biết bao nhiêu đau khổ phiền muộn, đã thắp sáng Trí tuệ và làm cho Bảo Thành tinh tấn tu học, nhìn thấy biết bao nhiêu niềm hy vọng ở phía trước, làm cho Bảo Thành biết yêu thương bản thân của mình, chăm sóc cho mình, biết yêu thương mọi người xung quanh, trân quý tình bạn, tình thương và biết san sẻ tất cả cho nhau. Đặc biệt hơn, Mật Thiền giúp cho Bảo Thành thấy không còn đối tượng khác biệt, mà thấy muôn loài muôn vật, vũ trụ mênh mông vô tận là của nhau, và chúng ta luôn luôn có cơ hội hiểu thấu lòng của nhau. Càng tinh tấn tu học Mật Thiền, chúng ta càng gần gũi với nội tâm của mình, càng nhìn thấu nội tâm của mình, càng phát hiện ra trong sâu thẳm của nội tâm một kho tàng vi diệu chứa đầy năng lượng thanh tịnh tình yêu Từ Bi, có đầy đủ ánh sáng Trí Tuệ để mọi ngóc ngách tăm tối trong cuộc đời ta vẫn tìm thấy nguồn sáng để vươn tới cái lý tưởng thanh cao. Và mỗi người chúng ta sẽ bớt đi u mê.
Từ Bi – Mu A Mu Sa sẽ làm cho chúng ta hết đau, hết khổ hết phiền não. Và Trí Tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang làm cho chúng ta bừng tỉnh thấu rõ để hiểu. Và sự Tỉnh Giác Ma Sa Ốp Uê sẽ làm cho chúng ta không còn lơ ngơ lóng ngóng, lù mù trong cuộc đời, ta tỉnh, ta thấy và ta thương yêu. Thức tỉnh để nhìn thấy và thương yêu là mấu chốt làm nên nhân cách đạo đức của mỗi con người. Nếu là người sẽ có nhân cách đạo đức trong sự trong sự tỉnh thức nhìn thấu rõ để thương yêu thì chẳng có một cảnh giới, một ngôi vị trong sự thành tựu ta mơ ước là có thật. Nó chỉ là hão huyền, là huyễn giả không thật. Bạn không có một đời sống tỉnh thức để thấu hiểu và yêu thương muôn loài muôn người. Bạn trông chờ gì vào những cái huyền bí cao siêu để như phi thuyền xuất hồn bắn lên cõi trời, cõi Phật, cõi thần, cõi thánh, hoặc ngồi vào trong cái sự huyễn hoặc vân du cõi địa ngụ. Tất cả những điều đó là ảo giác sức mạnh, là sức mạnh của ảo tưởng, không thật. Người tu không nhất thiết phải tầm cầu những điều đó. Và nhiên liệu đặc biệt, sự tỉnh thức, sự thấu hiểu để yêu thương mà không có trong ta thì không có điều gì là sự thật và chẳng có điều gì tìm kiếm có thể trở thành sự thật.
Mấu chốt của Mật Thiền không đưa chúng ta tưng tửng, lơ lửng trên cõi trời thành tựu thần thông biến hóa. Mật Thiền chẳng hứa hẹn chúng ta một cảnh giới Niết bàn, một sự tái sanh cao cả về một cõi Phật nào hết. Mà Mật Thiền làm cho chúng ta trở lại với nội tâm, sống một đời sống tỉnh thức thấu hiểu để buông xả và yêu thương, xây dựng nhân cách đạo đức rất người và khám phá ra, như lời Đức Phật đã khai thị: mang thân kiếp làm người có phương tiện vi diệu. Phương tiện vi diệu đó có khả năng chuyển hóa mọi nghiệp chướng nhiều đời ta đã tạo, ủi sạch mọi nếp nhăn ở trong tâm, gội rửa mọi vết dơ ở trong tâm và tháo gỡ mọi sự rắc rối do chính ta cột chặt mình trong đau khổ, phiền não. Chúng ta sẽ được tự do, có một đời sống tỉnh thức, có một đời sống biết nhìn để hiểu và qua cung cách sống san sẻ trong tình yêu thương.
Bảo Thành và các bạn đồng tu chúng ta đã đi từ thiện thật nhiều tới những trung tâm dưỡng lão, những người cha mẹ neo đơn bỏ rơi. Nơi ấy, chúng ta đã nghe biết bao nhiêu tâm sự của người mẹ, người cha chia sẻ với chúng ta về cảnh sống của những đấng bậc sinh thành. Có những đấng bậc sinh thành đã hy sinh cả cuộc đời để nuôi dưỡng con cái. Và khi con cái thành công trong cuộc đời chẳng màng đến ân nghĩa sinh thành, đã bỏ rơi cha mẹ. Nghe qua những sự chia sẻ của các bậc ấy nơi trung tâm dưỡng lão bỏ rơi, lòng của mỗi người chúng ta đau như cắt, quặn thốn ở trong lòng. Nước mắt chẳng thể cầm, tâm tư buồn lắm và trái tim rớm máu. Cũng có những phận đời của các bậc sinh thành lúc nào cũng than trách chửi mắng con cái là bất hiếu không lo cho cha mẹ. Mà phận con cái của những đấng ấy lại nghèo túng, nghèo khổ, lại thiếu thốn chẳng thể tự lo cho bản thân, nên không thể nào đáp đền cái hiếu đạo chăm lo cho cha mẹ. Rơi vào những tình cảnh túng thiếu, nghèo khổ của những người con như vậy, chắc chắn những người con rất đau lòng. Bởi vẫn có câu: “Cha mẹ nào không thương con, và con cái nào không hiếu kính cha mẹ”. Tuy nhiên, có những cái hoàn cảnh ngặt nghèo đưa đẩy chúng ta, những người làm con vào trong cái thế túng thiếu nghèo khổ bần cùng, không thể lo cho cha mẹ.
Các bạn! Có phải chăng khi chúng ta làm con nghĩ rằng lo cho cha mẹ là phải lo miếng ăn miếng uống, lo quần áo, lo cho đời sống vật chất. Hình như đây là cách nghĩ của mọi người. Các bạn! chúng ta không bàn về các nghiệp quả mà người con làm sao trong kiếp trước để kiếp này không thể giàu, nghèo quá, khổ quá, túng thiếu quá, không lo cho cha mẹ về vật chất. Chuyện ấy mỗi người phải tự tư duy về nhân quả để tu phước, để chuyển hóa nghiệp, để phát triển, để có đầy đủ công đức phước báu thành tựu về mặt vật chất trong cuộc đời này. Ta sẽ bàn về chuyện đó sau. Nhưng chuyện của những người con chỉ luôn luôn nghĩ rằng phải có tiền, có của để cho cha mẹ mới gọi là báo hiếu thì quan niệm đó hoàn toàn là sai. Nếu phận của các người con phải thừa hưởng cơm thừa, canh cặn của cuộc đời trong một kiếp người nghèo túng, hãy nhớ: Nghèo túng về vật chất, nhưng tinh thần và tâm linh vẫn luôn luôn thanh cao. “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Nếu phận đời làm con đói rách, ta phải giữ được cái tinh thần và tâm linh thơm tho trong đức hạnh. Ta không có tiền để lo cho cha mẹ thì ta có đầy đủ những cái tâm ý thiện lành hướng về cha mẹ. Ta không có cơm ăn, ta không có áo để cho cha cho mẹ nhưng ta có đầy đủ những cái ngôn ngữ, cách ứng xử cao đẹp của người làm con. “Đói cho sạch, rách cho thơm”, ta trao cho cha mẹ ân tình và tình yêu, những từ ngữ tốt đẹp, những suy nghĩ thiện lành, đó là những tặng phẩm vô giá, mà ta có câu: “Của dâng cho cha không bao giờ rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi”. Biếu cho mẹ ở đây là biếu những lời ái ngữ thiện lành, những sự tương tác tốt đẹp khởi lên những suy nghĩ thanh cao. Chỉ vậy thì phận làm con nghèo kia đã tích lũy được biết bao nhiêu công đức phước báu. Và ngọn đèn Trí tuệ sẽ được thắp sáng, để có khả năng nhận ra kiến thức ở đời mà thay đổi kiếp nghèo của mình. Đừng mặc định sự báo hiếu là phải mang cơm, mang tiền, mang bạc, mang quần áo, thuốc thang. Nếu phận đã nghèo phải ăn cơm thừa canh cặn rồi thì có gì để cho cha mẹ? Nhưng ta có cái tinh thần, ta có cái tâm linh, ta có cái sự thơm tho của hiểu biết nơi đức hạnh, nơi nhân cách của người làm con. Đây là những tặng phẩm vô giá mà nhất định những người, những đấng sinh thành là cha mẹ luôn hoan hỉ đón nhận.
Nhưng rất tiếc có thật nhiều các bạn phận nghèo túng thiếu, mặc cảm tự ti, cáu gắt với cha với mẹ, đối xử với cha mẹ thậm tệ. Những nghĩa cử thanh cao thiếu hụt và những cơn sóng giận dữ cáu gắt bực bội cứ đổ tràn nên đầu cha mẹ. Và dĩ nhiên, trong những lúc như vậy kiếp con người trên cõi đời này cũng chẳng kìm được lòng mắng chửi con thì là chuyện rất thường xảy ra. Người tu tập chẳng phân biệt giàu nghèo thì người có lòng hiếu đạo với cha mẹ cũng chẳng phân biệt nghèo giàu. Hiếu đạo là từ tâm. Nhất định ở trên đời này mỗi người chúng ta phận làm con ấy vẫn có khả năng thay đổi thật nhiều để sống hiếu đạo đúng mức theo lời Phật dạy. Nếu như kiếp xưa vì nhân quả nào đó mà kiếp này ta là phận đời nghèo khổ, túng thiếu. Nhớ vật chất túng, tiền bạc thiếu, nhưng tinh thần và tâm linh chẳng bao giờ túng thiếu. Ta có dư có đủ và có đầy để san sẻ, chỉ cần “Đói cho sạch, rách cho thơm”, giữ đúng nhân cách và đạo đức, ta hãnh diện bước qua mỗi một chặng đường nghèo khó trong cuộc đời để đền đáp công ơn dưỡng dục sinh thành của các ngài. Những bậc phụ huynh nhìn thấy cảnh đời của con cái nghèo khổ, túng thiếu chưa thành công, chưa thể lo cho bản thân, nhưng có những nghĩa cử thanh cao đạo đức và nhân cách nhất định các đấng sinh thành sẽ an vui, sẽ hạnh phúc và sẽ chúc phúc cho con cái có đầy đủ phước báu và công đức để thành tựu trong cuộc đời.
Riêng đối với các đấng làm cha mẹ, đôi khi chúng ta rơi vào cái suy nghĩ: Ta sinh ra con cái, nuôi nấng chúng từ nhỏ cho tới lớn, và nghĩa vụ của chúng là phải đền ơn đáp nghĩa bằng vật chất cụ thể. Những khái niệm mặc định như vậy nó lỗi thời, nó không hợp nữa, nó không đúng Chánh Pháp, nó không đúng sự tư duy. Để rồi các bậc làm cha mẹ suy nghĩ như thế rước vào cuộc đời những khổ lụy bi ai, giận dữ, sân si, la mắng, không làm chủ được thân tâm. Càng lớn tuổi, ta càng phải nhận ra cái gốc là trụ cột để cho cành lá xanh tươi, cái gốc là cội nguồn để cung cấp sự sống, nơi cái gốc ấy chẳng bao giờ xanh, nhưng vững chãi qua năm tháng của bão tố phong ba. Làm cha mẹ là gốc của sự sống cho con cái, chẳng màng đền ơn đáp nghĩa bằng vật chất, nhưng rất hạnh phúc nếu con cái có nhân cách đạo đức, sống đúng, sạch sẽ thơm tho trong những điều đã được dưỡng dục. Còn thành công về vật chất được là điều hạnh phúc.
Nặng về phần đền ơn đáp nghĩa về vật chất đối với các bậc cha mẹ sinh thành điều đó cần phải suy nghĩ lại. Có câu nói: “Người ta sống không nên bởi vật chất, bởi cơm, bởi gạo, bởi tiền, bởi quyền lực, danh vọng, bởi địa vị, nhưng người ta sống bằng đạo đức, bằng nhân cách thanh tịnh. Là các đấng sinh thành, chúng ta càng lớn, chúng ta càng cần phải trở về với lời giáo dưỡng của Phật để trụ vững trong những điều ta đang nhìn thấy. Bởi âu, chúng ta đã đủ tuổi, đủ thời gian can qua muôn trùng những thăng trầm trong cuộc đời, điều gì ta không biết? Nên sự chúc phúc và sự thấu hiểu con cái về nhân quả nghiệp chướng mà phận nghèo nó đầy đọa không đủ cung cấp vật chất cho ta thì ít nhất cũng chúc phúc cho chúng để chúng tỉnh thức mà tăng trưởng phước báu, thành tựu trong sự chuyển hóa nghiệp để bớt cái phận nghèo ngay trong kiếp này. Sự chúc phúc như vậy sẽ làm cho con cái hoan hỉ hơn, bình an hơn và có cái độ sáng của tâm để nhìn thấu, có dư tình thương để đối xử với nhau và luôn luôn thức tỉnh không bị cám dỗ vào những vùng mê hoặc của vật chất.
Khi mỗi người là con hay là cha mẹ, khi mỗi người như các bạn đồng tu và chúng ta hiểu được nhau thì muôn sự hạnh phúc hỉ lạc sẽ khơi dậy. Chữ “hiểu” rất thâm sâu, mà hiểu thấu thì càng vi diệu. Chỉ có hiểu và hiểu thấu mới có thể buông xả cái tôi của mình, mới có thể gạt bỏ những sự chấp chược và khai thông một con đường thật rộng lớn để cho muôn người đi vào cõi chân tâm thanh tịnh và được ấp ủ bằng hơi ấm của trái tim đầy tình người. Cuộc đời này nghiệp chướng đã phân chia chúng ta thành nhiều giai cấp khác biệt, nhiều hoàn cảnh khó có thể suy nghĩ. Chỉ có chuyển nghiệp và chỉ có thay đổi cách sống hiện thời trong Chánh niệm hơi thở tăng trưởng phước báu và công đức và làm chủ được cái tâm. Làm chủ được cái tâm của mình thì mọi nghịch cảnh đen tối trong cuộc đời ta đang trực diện dần dần sẽ hé lộ ánh sáng của niềm hy vọng chân thật. Còn không, mỗi người sẽ đắm mình vào trong sự sân giận khó chịu và đẩy mình vào trong u mê tăm tối.
Nếu như các bậc cha mẹ mắng chửi con cái bất hiếu bởi chúng không cung phụng vật chất cho mình. Điều này cần phải suy nghĩ lại và cần phải hiểu. Còn đối với con cái, nếu như cảm thấy sự hiếu đạo và đền đáp cho cha mẹ bằng tiền tài, danh vọng địa vị, hoàn toàn sai. Tăng trưởng phước báu công đức và sự tu tập Thiện Pháp và đối xử với cha mẹ bằng nhân cách đạo đức, bằng sự tử tế thì nhất định phận nghèo sẽ dần dần lu mờ để cho một tương lai tươi sáng sẽ hiện rõ trong đời của bạn. Ai rơi vào hoàn cảnh như vậy đều đau lòng, đang trong hoàn cảnh như thế dù là con hay là cha mẹ rất cần sự thấu hiểu. Để thấu hiểu mà phá chấp, để thấu hiểu mà khai mở một con đường cho nhau đi tới, để thấu hiểu và sống thức tỉnh để đón nhận hạnh phúc và san sẻ tình yêu thương, chúng ta rất cần sự tu luyện. Chẳng thể ngồi đó mơ ước mà thành, chẳng phải xin xỏ mà có, chẳng phải cầu lụy mà được, phải tu luyện để chuyển hóa tự thân. Đó là thông điệp cho những ai đang rơi vào hoàn cảnh ấy.
Mật Thiền Chánh Pháp nương vào năng lượng Từ Bi yêu thương Mu A Mu Sa để cho chúng ta biết yêu thương nhau nhiều hơn. Dù mỗi một người đang ở trong cái hoàn cảnh khó khăn nhất của cuộc đời, hay dù các đấng cha mẹ bị bỏ rơi vì con cái trong những hoàn cảnh không thể ngờ được, cũng luôn luôn thấu hiểu để không để cho cái đời sống của mình khắc khoải trong tận cùng khổ đau nơi những viện dưỡng lão. Và để cho trên môi miệng của mình nở một nụ cười thật tươi thông cảm và hiểu thấu để luôn chúc phúc cho con cái của mình. Và sự tu tập này cũng giúp cho những người con nhận rõ: trên đỉnh đầu của chúng ta vẫn còn có Phật, Bồ Tát, Long thần, Hộ pháp, Chư Thiên gia hộ. Hãy đứng dậy dõng mãnh hơn và trưởng thành hơn. Và hãy nhớ: “Đạo đức, nhân cách là thứ không thể thiếu trong cuộc đời”. dù ta thiếu tiền, thiếu vật chất thiếu cơm ăn áo mặc, nhưng không thể thiếu nhân cách và đạo đức, sự tử tế đối với cha với mẹ. Chúng ta cần phải tu để vượt qua.
Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.
Thưa Phật! Thưa Bồ Tát! Chúng con mỗi một phận người có nghiệp ác, nghiệp quả khác nhau, để đưa chúng con vào cuộc đời với những tình cảnh éo le khó xử. Nhưng chúng con vẫn tin sự hướng dẫn dạy dỗ của Phật, của Bồ tát là chúng con có thể tự chủ và chuyển hóa cuộc đời này. Nguyện xin năng lượng tình yêu, ánh sáng của Trí Tuệ và tâm Tỉnh Giác của các Ngài luôn luôn gắn kết với đời sống tăm tối của chúng con để chúng con nương vào đó vượt qua, chuyển hóa tự thân, sống an lạc và có hiếu đạo thực sự với cha mẹ. Và cũng nguyện cầu cho các đấng sinh thành thấu hiểu được phận đời của các con.
Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, tổng trì mật ngôn, san sẻ để tiếp nhận năng lượng cho các đấng sinh thành và cho tất cả các con:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)