Trần Công Minh đánh máy
Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh Youtube và các kênh Facebook.
Giờ đồng tu đã tới, kính mời tất cả các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu và tiếp nhận năng lượng.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập mật thiền chánh niệm hơi thở, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn ngồi xuống theo tư thế phù hợp với cơ thể của mình, bán già, kiết già, tĩnh tọa, giữ lưng cho thẳng, buông lỏng toàn thân. Đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, trở về với hơi thở của chánh niệm, hít vào phình bụng ta biết ta phình bụng, hít vào phình bụng ta biết ta hít vào, thở ra hóp bụng ta biết ta hóp bụng thở ra và tổng trì mật ngôn quán chiếu tâm Từ Bi Mu A Mu Sa, mật ngôn Trí Tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mật ngôn Tỉnh Giác Ma Sa Ốp Uê. Hãy nhớ lời Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp tu luyện đi tới sự giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương.
Chúng ta hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận năng lượng.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Các bạn đồng tu thân mến! Cuộc sống này nếu như ai khéo léo sẽ an vui hạnh phúc, đủ phước báu, công đức, thành công. Ai không khéo thường gặp tai họa, nghịch cảnh tới không vượt qua, đau khổ, phiền não và loay hoay cả đời. Chúng ta phải biết rằng Đức Phật, bậc giác ngộ, Ngài thật khéo diễn giải ăn nói đối với mọi tầng lớp trong xã hội khi tương tác, để hướng dẫn các phương pháp chuyển hóa khổ đau, phiền não và thành tựu được sự an lạc hạnh phúc trong cuộc đời ngay trong hiện tại, ngay lúc đó. Bởi vậy mà thuở xưa các bậc đại đệ tử hoặc thiện nam tử, thiện nữ nhân có nghĩa là bất cứ ai khi gặp Phật đều nhận ra sự khéo giảng dạy, diễn bày, dẫn ý. Do đó trình độ căn cơ nghiệp thức khác không đồng đều, nhưng mọi người trong đại chúng đều đón nhận được năng lượng và hiểu thấu. Các bạn nhớ chữ hiểu thấu, hiểu thấu để rồi họ thực tập, ngay trong hiện tại, hiện thời lúc ấy họ có được sự an lạc. Đức Phật là đấng khéo suy nghĩ, khéo ăn nói, khéo tương tác. Ngài là bậc đại giác, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Chữ đại có nghĩa là mênh mông vô tận, lớn lắm. Tình yêu thương của Ngài đối với chúng sanh lớn không thể so sánh được, chỉ có hai chữ gọi là tận hư không, vô bờ vô bến, như biển trời không bao giờ có thể nhìn nhận đong đo.
Phật thấy chúng sanh cứng đầu, bướng, Phật Thấy Bảo Thành và các bạn đa nghi, làm biếng, khó ưa, hay giận, hay cáu, hay chống đối, hay phỉ báng, hay ghen tuông, hay chạm tự ái, gọi là hay chạm dây, mát dây. Phật khéo để ta không bị mát dây, Phật ăn nói khéo, tương tác khéo, suy nghĩ giảng bày thật khéo. Để kẻ sát nhân cô đơn đau khổ có thể dừng và cảm nhận ra hạnh phúc. Để kẻ bần hàn nghèo khó có thể giàu, có trí tuệ an vui. Để những bạo chúa biết ngừng những cơn nóng giận trút xuống đầu của người dân, mà hy sinh tận tụy xây dựng quốc độ, đất nước cho dân chúng được no ấm. Phật khéo để cho quan quyền biết trách nhiệm, sống liêm khiết, Phật khéo để cho kẻ trộm, để cho kẻ vu khống hàm oan, để cho kẻ thù, để cho thú dữ, để cho muôn loài biết dừng lại những nghiệp ác và khơi dậy tâm thiện lành, thắp sáng trí tuệ, hành xử đúng, suy nghĩ đúng, ăn nói đúng, để có bình an, Phật rất khéo.
Mật thiền song tu nương vào sự khéo léo của chư Phật qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, để ta thức tỉnh trong mọi hoàn cảnh, mang năng lượng vi diệu của Từ bi yêu thương Mu A Mu Sa và sự suy nghĩ sáng suốt của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Nói ba cụm từ này cho gọn là Từ Bi – Trí Tuệ – Tỉnh Giác, ba mật ngôn trên hiện hữu trong từng giây phút của cuộc đời. Để chúng ta mang tình thương lan tỏa gắn kết. Mang sự hiểu thấu để buông xả, để yêu thương. Mang sự tỉnh thức để nhận rõ. Có như vậy chúng ta tu luyện sẽ mang ý nghĩa giáo dục bản thân, trở thành đệ tử, người theo học Phật học được sự khéo léo của Ngài. Người khéo léo luôn sống bình an, có nhiều bạn hiền, có nhiều bậc thiện tri thức sẽ tới gõ cửa tâm thức để dẫn đường vượt qua u mê. Người khéo léo tăng trưởng được phước đức, công đức và chuyển hóa được những năng lượng bất tịnh, tiêu cực của ác nghiệp nhiều đời ta đã tạo. Người khéo léo có sức khỏe của thân, có sự tịch tỉnh của tâm, có ánh sáng của trí tuệ, tâm linh.
Ta theo Phật, ta tu luyện ta cần phải thật khéo, khéo trong mọi vấn đề, trong tương tác xã hội, gia đình, công xưởng. Nơi đâu ta tới ta đều khéo để cuộc sống này không cần phải mang hai tiếng hoằng pháp, thuyết pháp, bởi thân ta là thân giáo của sự khéo léo, nương vào sự tu luyện để tiếp nhận điều vi diệu ấy từ Phật gọi là thân giáo. Đời sống của ta khéo muôn mặt và qua đời sống khéo léo đó đánh thức được nguồn mạch sự sống của năng lượng Từ Bi – Trí Tuệ – Tỉnh Giác lan tỏa, hòa hợp với muôn người. Để rồi mọi người nhìn vào đời sống của ta nhận biết ra pháp chân thật, trí tuệ, sự tỉnh giác, tình yêu và thấu được rằng đó chính là Phật – Pháp – Tăng. Không cần từ miệng nói về Phật, về Pháp, về Tăng, nhưng chính đời sống thật khéo của chúng ta hiện rõ được Tam Bảo bởi ta sống thật do sự tu luyện ta tiếp hiện được năng lượng của Phật và ta tiếp dẫn được cách sống khéo của Phật ngay trong cuộc đời mỗi ngày ta đang sống.
Người khéo tu luyện là người luôn luôn khiêm tốn, không tự cao. Người khéo tu luyện để thừa hưởng gia tài khéo léo của Phật là người biết nương vào những bậc thầy, bậc thiện tri thức, các bạn đồng tu, những người có duyên lành với chúng ta, phù hợp với căn cơ tu tập, phù hợp với những pháp môn phương tiện. Để thành tựu, để gần gũi, để lắng nghe, để chứng và ngộ được ngay trong đời này, chẳng đợi đời sau. Cái khéo tu của người học được sự khéo léo của Phật gia đình êm ấm, công việc ổn định, thân tâm thường lạc và sống tự tại, bình thản trước mọi nghịch cảnh. Khéo, hôm nay chúng ta phải tư duy từ khéo, khéo ăn, khéo nói, khéo suy nghĩ, khéo hành động, khéo về muôn mặt. Người tu phải khéo, ta học được điều ấy nơi Đức Phật.
Một bạn chia sẻ rằng trong gia đình có một người anh trai thường hay cãi nhau với mẹ, người anh trai và mẹ đều kể lể với bạn làm cho bạn khó chịu, bực bội, phải làm sao, phải giải tỏa sự bế tắc này trong gia đình như thế nào? Điều đầu tiên không cần biết lý do, không cần biết lý do gì mà người con trai cãi lời hoặc cãi nhau với mẹ, ta phải phê phán người con trai ấy đã sai. Cãi nhau với mẹ, cãi nhau với cha mẹ nói chung là điều rất sai, không cần phải phân bua là lỗi của mẹ, của cha. Nhưng đã là phận con, người con trai cãi nhau với mẹ là điều sai, bất hiếu, không đúng, cần phải dừng ngay. Cãi cọ nhau, la mắng nhau, là mầm mống trổ sinh của tâm sân. Mà khi đã sân trỗi dậy, lan tỏa trong tâm thì si mê nó bao phủ và tâm tham, tham nói, tham tranh cãi, lý luận để bảo vệ cho mình là đúng, để quên rằng giữa ta và mẹ có mối quan hệ mầu nhiệm mà Phật dạy mẹ là tất cả của đời con. Không nói đến con trai, nói đến tất cả các phận làm con dù dưới những hình thức nào đó mà khi tiếp xúc với cha mẹ, những người con đừng bao giờ mang kiến thức, sự hiểu biết, suy nghĩ, quyền lực, địa vị trong đời để đặt một câu thẳng thừng cha mẹ sai, ta phải cãi, điều đó không cần. Dù cha mẹ có sai, ta cãi nhau với cha mẹ là điều hoàn toàn không tốt, tổn hại phước báu, tạo nghiệp, cãi là sân.
Chúng ta hãy học cách thật khéo của Đức Phật, khéo ăn nói với mẹ. Các bạn có biết không mẹ mang nặng đẻ đau, hy sinh cả cuộc đời để nuôi dưỡng ta thành người, thành người rồi cãi nhau với mẹ sao? Hồi xưa ta khóc, ta đói, ta giận dữ, ta cáu gắt, ta la hét, ta ăn vạ, mẹ thật khéo để ta được hạnh phúc, mỉm cười, tự nhiên, tung tăng. Ngày xưa ta lười biếng học, mẹ thật khéo để dẫn ta tới trường. Ngày xưa ta vấp té, ta phạm lỗi, mẹ thật khéo để nâng dậy và dìu ta đi. Ở tuổi đã lớn hoặc trong một trường hợp nào đó mẹ quá thương, hầu hết và tất cả những người mẹ đều thương con, nên thường nhắc nhở lập đi lập lại, đối với con cái những điều quan tâm. Có thể con cái đã lớn nghĩ rằng mình không còn trẻ con để mẹ dạy dỗ, nên không kềm được sự tức giận. Thấy mình học giỏi, có kiến thức, có quyền lực, đủ suy nghĩ quyết định cho đời sống của mình, nên không muốn nghe mẹ nói, cãi. Phải quán chiếu tình mẹ, công lao nuôi dưỡng của mẹ và người học Phật là người tâm được huấn luyện trong sự tu tập, ta phải khéo. Ta là con mẹ ta phải khéo nghe lời mẹ dạy, dù lời dạy đó là lời dạy của 10, của 20, của 30, của 50 năm trước được lập lại nhiều lần, thì các bạn biết không? Các bạn có đầy đủ hồng phúc, phước báu, công đức vì mẹ vẫn còn đây để nhắc lại những lời dạy khi xưa. Đừng vì nghe quá mà nhàm chán, bất hiếu cãi mẹ. Có phước mẹ vẫn còn ở đời, có đầy đủ công đức mẹ vẫn còn ở đời. Đời này mọi người chúng ta chỉ có một mình mẹ mà thôi, nếu một mai mẹ mất rồi chẳng thể tìm lại mẹ được nữa. Nên người tâm được tu luyện, được học hỏi đưa đến có kiến thức được gọi là trưởng thành rồi, ta cần phải khéo nghe.
Đức Phật dạy ta khéo nghe, Đức Phật khéo nghe đến mức mà người ta tới chỉ tay thẳng mặt khi Đức Phật giảng cho các đệ tử, đang giảng chửi Ngài, Ngài cũng khéo nghe với tâm yêu thương từ bi, không sân giận. Đó là kẻ đâu đó tới chửi Phật, thẳng thắn không có liên quan, còn mẹ đâu có chửi, bất quá là mẹ nhắc nhở, thường xuyên lập lại hơi nhiều, tại sao phải cãi nhau với mẹ. Đừng cãi mẹ, tất cả những người làm con như chúng ta hãy nhớ công đức của mẹ và nhớ lời Phật dạy mẹ là Phật, đừng cãi mẹ, đừng cãi nhau với mẹ. Nói tóm lại phải làm sao, chúng ta là các con của mẹ, không phân biệt trai gái, nam nữ, cần phải thật khéo như sự khéo của Phật, khéo suy nghĩ. Và khéo suy nghĩ căn bản tới từ tình thương Mu A Mu Sa. Nếu ta thật sự có tình thương đối với mẹ, ta phải khéo nghe mẹ mỗi khi mẹ nói, khéo khởi lên trong tâm những luồng suy nghĩ trong sáng, sự trợ lực đó tới từ mật ngôn số 2 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Cho nên các bạn hãy soi sáng tâm mình bằng trí tuệ, qua sự quán chiếu tình thương Mu A Mu Sa đối với mẹ, để ta luôn luôn tỉnh thức, nhìn rõ những lời, hành vi, suy nghĩ của ta đối với mẹ. Mẹ Là Phật, là Bồ Tát, đừng cáu giận, la mắng, tạo nghiệp bất hiếu.
Sự quán chiếu trong hơi thở chánh niệm tổng trì mật ngôn Mu A Mu Sa nghĩa là mật ngôn Từ bi, sẽ giúp cho mỗi một người con, mỗi một người làm con như chúng ta, nương vào sự khéo léo của Phật trong tương tác hàng ngày đối với mẹ cha bằng tình thương. Năng lượng tình thương của Phật luôn gắn kết, luôn lan tỏa, luôn rải xuống cho chúng ta. Các Đức Phật, các vị Bồ Tát luôn rải năng lượng tình thương xuống cho những chúng sanh, tất cả mọi loài chúng sanh. Qua mật ngôn Mu A Mu Sa chúng ta sẽ tiếp nhận được, sẽ đón nhận được với một tâm thành kính thì năng lượng tình thương của Phật, của Bồ Tát sẽ tràn đầy trong cuộc sống, khơi dậy trong tâm ta mầm mống yêu thương. Sự quán chiếu như vậy giúp cho chúng ta cẩn trọng và khéo qua cách ăn nói, cư xử và suy nghĩ. Không những về cha mẹ khi tương tác mà về tất cả mọi người ta có nhân duyên tiếp cận trong cuộc đời.
Cái khéo này nếu bạn và Bảo Thành thực tập được, chẳng phải gọi là hy vọng mà là sự thật của thành công, của an lạc, của hạnh phúc, của bình an, của sức khỏe, của trong sáng sẽ luôn luôn tới với bạn. Sự khéo léo của Phật là con đường mang tới sự sống viên mãn. Là ánh sáng tỏ rõ đêm trường đen tối, để bạn vượt qua mọi nghịch cảnh. Là tình yêu dẫn dắt bạn vượt qua u mê. Là tỉnh thức để bạn biết chặn đứng những hành vi, suy nghĩ, lời nói bất thiện đối với cha mẹ, đối với mọi người. Trong nhà Phật có ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp. Miệng của chúng ta không có tội, có lỗi, có nghiệp, nhưng khi tác ý sử dụng những ngôn từ thô ác, giả dối, đâm thọc, thêm bớt, nó bắt đầu tạo nghiệp ác và triệt tiêu phước báu, công đức, gây ra tai họa, nghịch cảnh. Còn nếu từ miệng đó biết sử dụng ái ngữ, ngôn ngữ dễ thương, phù hợp, mang lại niềm vui, tạo sự gắn kết nhất định ta tăng trưởng phước báu có đầy đủ. Một lời nói bất tịnh, thô ác, đâm thọc, thêm bớt, giả dối gây ra chiến tranh hại người. Một lời nói chân thật tử tế, yêu thương, gắn kết, mang lại sự hòa bình cho mình, gia đình và thế giới.
Phải làm sao khi người con trai cứ cãi nhau với mẹ? Người con phải thực hiện điều đó để ngừng. Còn đối với các bậc cha mẹ, chúng ta là cha mẹ dù con cái có 100 tuổi, thành ông thành bà, dù con cái có là tổng thống, có là ông này bà nọ, có quyền uy, quyền lực trong xã hội hay là những người những vị có phẩm trạch đạo hạnh cao, thì tất cả những người mẹ, người cha đều vẫn luôn luôn coi những người con là con. Luôn luôn coi con là con điều đó đúng, không bao giờ sai. Tuy nhiên nếu con cái học theo Phật, khéo ăn khéo nói với cha mẹ, thì càng làm cha làm mẹ chúng ta càng cần phải tu luyện tâm, để bậc sinh thành là cha mẹ như chúng ta phải thật khéo ăn, khéo nói, khéo tác ý thiện để giáo dục con cái mình, để hướng dẫn con cái mình, để nói chuyện với con cái mình. Để chúng không có cơ hội nổi sân, nổi cáu, la hét, mắng chửi. Nếu khéo được như vậy mẹ vẫn luôn là mẹ dù con đã trăm tuổi mẹ vẫn luôn là mẹ dù con là ông này bà kia, là đấng này đấng kia, dưới con mắt của tình yêu mẹ vẫn luôn là mẹ và dưới khéo léo của tâm được tu luyện mẹ sẽ là Phật, là Bồ Tát dẫn dắt và soi đường cho con đi. Dù con đã là ông, là bà, là những bậc có công, có quyền, có lực, có thế, có tiền, có kiến thức.
Đối với người được nghe anh và mẹ kể lể, để rồi khó chịu, hãy nhớ mình là trung gian của sự hòa giải, là nhịp cầu đưa mẹ và anh trai tới với nhau. Nên ta càng cần phải khéo nghe anh kể, càng cần phải khéo nghe mẹ kể lể. Khi nghe nhiếp tâm vào trong hơi thở của chánh niệm, quán chiếu tâm Từ Bi – Trí Tuệ – Tỉnh Giác. Lấy Từ bi để rải xuống những tâm hồn của anh, của mẹ đang phiền não, đang có nỗi niềm, có khổ đau, có trắc ẩn, để làm sạch, làm trong tâm hồn của mẹ, của anh. Lấy Trí tuệ để đừng bị mẹ hoặc anh trai dẫn dắt, hùa vào bên này bên kia, để rồi từ đó gây ra hai phe, ba phe. Tỉnh giác để lắng nghe, để có được hạnh lắng nghe, nghe và nghe bằng tâm từ, nghe và nghe bằng trí tuệ sẽ có năng lượng vi diệu chuyển hóa mẹ và anh trai. Thực tập mật thiền ta có khả năng vi diệu ấy, Mu A Mu Sa có dư năng lượng để tẩy xóa và chuyển hóa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có ánh sáng để nhận rõ và Ma Sa Ốp Uê có sự tỉnh thức để lắng nghe. Bạn cứ như vậy thực tập bạn sẽ thấy được công hiệu vi diệu của sự tu luyện, của người mà đã đầu tư thời gian để tâm của mình được huân tu, được luyện, được trưởng thành để thật khéo như Đức Phật.
Đức Phật khéo ăn, khéo nói, khéo thuyết pháp, khéo diễn giải, để chúng sanh hết khổ, hết phiền não. Thì từ khiếu này anh trai, mẹ và con gái, những người trong cuộc định tâm một chút, nhận ra chữ khéo của Phật, huấn luyện giáo dục mình khéo như Phật, không được 10, không được 100 cũng được một phần nhỏ. Thì nhất định nơi gia đình của chúng ta là mái ấm của tình thương, có sức mạnh nội tâm để vươn lên thành tựu những điều mình mơ ước. Cãi nhau là sân, sân là đạp đổ những ước mơ của mình, sân thì thiêu rụi tất cả phước báu, sân sẽ mê và si. Chúng ta người học Phật ngồi tu luyện không muốn sân giận, tham si, hãy chuyển hóa bằng sự nhận rõ, hãy công phu để có sức mạnh, hãy thực hành để phá tan đi bầu trời u ám đang bao phủ trong gia đình giữa tình mẹ con. Một gia đình thật khéo là Niết Bàn tại thế, của mẹ là Phật, của con là hiếu, đạo hiếu là đạo của Đức Phật dạy, tâm hiếu là tâm Phật, đạo hiếu là đạo Phật. Chúng ta hãy trở về với chánh niệm của hơi thở.
Thưa Phật! Chúng con yếu đuối không vượt qua được những thử thách trong cuộc đời. Xin chư Phật gia trì cho chúng con!
Hít vào bằng mũi phình bụng, thở ra từ từ hóp bụng, tổng trì mật ngôn, rải năng lượng yêu thương, thắp sáng trí tuệ và đánh thức lẫn nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)