Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn, các kênh Facebook các bạn chia sẻ.
Giờ tu đã tới, mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy miên mật tu tập mật thiền, để thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu để thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, các đấng bậc sinh thành và người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho cha mẹ hiện tiền được tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc. Xin chư Phật chứng minh!
Mời các bạn ngồi xuống với một tư thế buông thư nhẹ nhàng, phù hợp với cơ thể của mình. Chúng ta hãy trở về với hơi thở của chánh niệm. Hít vào bằng mũi ta đều biết và phình bụng ra, khi thở ra ta hóp bụng, ta biết ta thở ra và quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác. Mu A Mu Sa là mật ngôn vi diệu để gắn kết đón nhận năng lượng Từ Bi, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là mật ngôn khai thông Trí Tuệ và mật ngôn Ma Sa Ốp Uê là mật ngôn giúp cho chúng ta đón nhận được tha lực Tỉnh Giác.
Hãy bắt đầu hít vào bằng mũi phình bụng ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận năng lượng và hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Các bạn đồng tu thân mến! Ở trên thế giới này để tồn tại, mỗi một sự sống luôn tìm cho mình một phương thức để nuôi dưỡng, để tồn tại và để phát triển, hòa nhập vào với thiên nhiên của vũ trụ, của trời đất, với môi trường chúng ta đang sống. Bằng sự tu tập để gắn kết lan tỏa và giao thoa năng lượng, đó là sự hiện hữu từ ngàn xưa và trong mãi mãi muôn đời khi sự sống còn tồn tại trên hành tinh này. Mỗi một ngày chúng ta tu tập, mỗi một ngày chúng ta tu luyện là chúng ta lắng nghe lời của Đức Phật dạy. Từ đó giáo dục bản thân sống không quên hòa hợp, hòa nhập với tự thể của thiên nhiên qua sự tiếp nhận năng lượng của trời đất, của các bậc giác ngộ để khơi dậy trong ta nguồn năng lượng vốn có. Năng lượng tình thương trong Phật pháp gọi là Từ bi, là nguồn năng lượng vô biên thanh tịnh, vĩnh hằng vĩnh cửu, mà ba đời chư Phật, các chư vị Bồ Tát ở mười phương và muôn loài chúng sanh luôn luôn có. Các bậc giác ngộ tràn đầy năng lượng tình thương từ bi, còn chúng sanh có đó mà nó không còn khơi dậy được nữa, nó bị thiếu hụt, nó bị teo lại rồi. Sự nhọc nhằn trong cuộc sống, sự vất vả trong cuộc đời, sự lo toan của mỗi ngày, sự tính toán của từng giây và những sự khắc khoải, đau khổ, phiền não đã làm cho năng lượng từ bi yêu thương của chúng ta bị teo dần lại.
Có một thuở xưa không biết là xưa như thế nào, mỗi người chúng ta vẫn tràn đầy tình thương, vẫn từ bi, vẫn biết yêu và lan tỏa năng lượng đó. Năm tháng trôi qua nó teo dần, mất dần, tìm lại hoài mà chẳng thấy, để năng lượng bất tịnh tiêu cực của thế giới xung quanh xâm nhập, tiêm nhiễm. Mà ta chẳng hòa mình vào được với vũ trụ để tăng trưởng, gắn kết với năng lượng thanh tịnh yêu thương nữa. Sự tu luyện và tự giáo dục bản thân để giữ gìn nguồn hạnh phúc, để tăng trưởng năng lượng yêu thương và để phát triển mang lại sự bình an cho chúng ta, rất thiết thực. Khi có được sự bình an và gắn kết với năng lượng yêu thương, ta có thể gắn kết với mọi người trong gia đình xã hội, ta có thể lan tỏa để chuyển hóa những phiền não đau khổ của nhau. Rất cần, chỉ có từ bi, chỉ có tình thương muôn thuở, muôn thuở mới chữa lành được tất cả những vết thương lòng của mỗi người chúng ta.
Ai cũng có những vết cứa ở trong tim đau hoài chưa thể lành. Ai cũng có vết nhám ở trong tâm hồn, sần sùi mãi trong khổ lụy, bi ai. Thân, tinh thần và tâm linh đầy hết những dấu tích của ngày tháng qua, còn ghi và nhắc nhở, còn đau còn đau lắm. Cây trồng cần phải tưới, hoa nở cần phải chăm, Bảo Thành và các bạn đã chăm sóc quá nhiều cho đời sống vật chất, điều này không có lỗi nhưng thời gian chăm sóc đầu tư vào vật chất, thân xác này, tinh thần này mất đi sự thăng bằng bởi thiếu sự quan tâm, nuôi dưỡng tâm linh. Chúng ta cần phải biết lắng nghe chính bản thân của mình để trở về với cội nguồn của tâm từ bi yêu thương, để cân bằng trạng thái sống, để an vui để hạnh phúc.
Phật dạy chúng sanh nào cũng mưu cầu hạnh phúc, nhưng sự mưu cầu hạnh phúc qua sự cầu nguyện chỉ an tâm an thần, sự mưu cầu hạnh phúc qua tìm tòi vật chất thì đó là sự hư mất chẳng còn, hạnh phúc chỉ có và tồn tại mãi mãi trong đời sống tâm linh, qua tích thiện, tích phước. Còn nếu như thiếu phước, thiếu việc thiện, vật chất dù có đầy nhà cũng trở thành đống phù phiếm, trở thành bụi tro, đất đá để lấp vùi thân ta khi ngày cuối tới. Thỏa mãn cảm xúc để cho tinh thần có một chút hương vị vui, cũng chỉ là mùi của xác chết khi thối rữa theo thời gian. Chúng ta rất cần quay trở về chăm sóc năng lượng yêu thương vốn có nơi ta tới hành tinh này, vốn được trao truyền bởi ông bà, bởi cha mẹ, bởi quý thầy cô, bởi biết bao nhiêu con người ta sống chung với họ khi được sinh ra, nuôi dưỡng tình thương là điều tối quan trọng.
Đức Phật, các vị Bồ Tát hiểu thấu được điều đó nên các Ngài đã huân tu, luyện tập để khai thác kho tàng từ bi tình thương vốn có, hòa nhập vào với thế giới và hồi hướng, san sẻ, trao tặng cho muôn loài. Chỉ có tình thương mới cứu được mọi khổ nạn trong cuộc đời, ngoài ra không có tình thương chẳng thể xóa mờ và chữa lành đi những vết thương đau mà ai trong chúng ta cũng có. Mật ngôn Mu A Mu Sa là mật ngôn của Từ bi, mật ngôn Mu A Mu Sa là phạm âm vi diệu, là chìa khóa để mở kho tàng yêu thương từ bi, để từ đó tâm hòa mình vào với biển trời mênh mông vô tận, tận hư không pháp giới của chư Phật, chư Bồ Tát. Đón nhận, tiếp nhận năng lượng từ bi để nuôi dưỡng, để sống và để trưởng thành, để lan tỏa, để san sẻ, để cùng nhau không còn những vết thương đau ở trái tim, ở trong tâm. Chúng ta ý thức được điều đó thì sẽ không giải đãi, có nghĩa là sẽ không lười biếng, sẽ cho mình một khung thời gian để tu tập thực sự.
Bảo Thành và các bạn có lời nguyện gắn kết tu tập bởi nhân duyên, duyên tới để gặp đồng tu nhưng cần phải gieo duyên và giữ gìn duyên này qua sự cống hiến cho bản thân những thời khắc quan trọng đồng tu. Khi chúng ta thể nhập vào năng lượng từ bi của chư Phật qua mật ngôn Mu A Mu Sa, năng lượng của chư Phật, của bề trên, của vũ trụ hư không sẽ tràn ngập trong thân tâm của chúng ta. Năng lượng đó sẽ tự động chuyển hóa, cân bằng và làm hài hòa đời sống của mình. Như mưa, nắng, không khí và đất, tứ đại làm cho muôn sự sống tự tồn sinh một cách tốt đẹp nhất. Năng lượng từ bi rất vi diệu bởi có được quyền năng tự hữu để vận hành sự sống của chúng ta, chỉ cần chúng ta thể nhập vào trong năng lượng từ bi yêu thương là đủ. Chúng ta không cần phải tính toán mưu toan, tìm cầu phương pháp để điều khiển, bởi năng lượng tình thương biết vận hành như thế nào để cho muôn loài được hạnh phúc. Ta đừng tách rời ra với năng lượng tình thương, chỉ cần gắn kết vào hòa nhập.
Một giọt nước rơi xuống từ trời hòa nhập vào với dòng sông hoặc đất, cây cối và sự sống, chẳng bao giờ biến mất nhưng hóa hiện, ứng hóa thành sự sống. Mỗi một người chúng ta hòa nhập vào năng lực tình thương chẳng bao giờ biến mất, mà ứng hóa thành ứng thân của đức từ bi yêu thương, phân thân nhiều chỗ để lan tỏa và san sẻ cho muôn loài muôn người. Vi diệu, vi diệu thay cho những ai hiểu thấu để thể nhập vào năng lượng tình thương này, sẽ chứng ngộ được sự mầu nhiệm của mật thiền quán chiếu tâm từ bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, thấy cuộc đời sẽ thay đổi, thấy môi trường sống sẽ thanh tịnh hơn và đặc biệt thấy chính ta biết lắng nghe hơn, lắng nghe với bản thân và lắng nghe đối với muôn người, biết tự chủ, biết nhìn thấu và làm chủ được cảm xúc của chính mình.
Cuộc đời của chúng ta luôn lo lắng như các bạn gửi về với lời tâm sự. Con cái ở tuổi đang lớn hay cáu giận, la hét với cha mẹ, phải làm sao? Không phải chỉ có trẻ con, nếu nói chuyện có trẻ con hay cáu giận la hét điều đó sai. Không phải chỉ có trẻ con mới đang lớn, ở tuổi lớn, mà mỗi người chúng ta không phân biệt tuổi tác cũng đều là trẻ con, cũng đều là đang lớn, đang trưởng thành, cũng đều cáu giận, la hét thường xuyên. Đối với cha mẹ, đối với người thân, đối với vợ chồng con cái, đối với những bạn bè ta tương tác trong xã hội, trong công sở, trong gia đình. Nhìn lại bản thân ta cáu giận đã quá nhiều, ta la hét cũng rầm trời, thì đâu thể nói chỉ có trẻ con đang lớn mới cáu giận, la hét phải làm sao? Bản tánh cáu giận và la hét tồn tại trong mọi lứa tuổi. Sự cáu giận và la hét thể hiện sự yếu đuối, sự không hiểu biết và thấy rõ, sự sợ hãi và đặc biệt hơn là sự cảm xúc của người đang cáu giận la hét kia không được đồng cảm, hiểu thấu, cảm thấy bị trơ trọi, cô đơn, đơn độc một mình nên cáu giận để thể hiện sức mạnh tồn sinh nên la hét để bảo vệ bản thân.
Các nhà tâm lý học dù nghiên cứu tới đâu cũng không qua được tầm nhìn của Thế Tôn, của Đức Phật. Ngài giác ngộ, Ngài nhìn thấu chúng sanh thường cáu giận có tâm sân đó, thường la hét là tâm giận dữ vì chúng sanh thích thể hiện, chúng sinh yếu đuối cô đơn, chúng sanh sợ hãi, chúng sanh có những cảm xúc va chạm không làm chủ và chẳng ai thông cảm được. Nên chúng sanh thường cáu giận, la hét. Đừng tưởng sự cáu giận la hét là bình thường, nó tổn phước báu, nó tạo nghiệp. Chúng ta tu là học hạnh lắng nghe tự thân và muôn người. Chúng ta thường tụng Nam Mô Tầm Thinh cứu khổ, cứu nạn Quan Âm Bồ Tát, tầm thinh tức là hạnh lắng nghe của Mẹ Quan Thế Âm . Mu A Mu Sa là năng lượng từ bi để giúp cho chúng ta biết lắng nghe cảm xúc của mình và của mọi loại.
Trở về nếu đứa trẻ cáu giận, la hét ta làm sao? Ta phải nhận thức rõ cha mẹ nào con nấy, người xưa thường nói hoặc ông bà cũng như chúng ta thường mượn câu nhìn con cái biết cha mẹ. Chúng ta thường mắc phải một điều con cái mà cáu giận la hét, ta la to, ta giận dữ, ta nói rằng các con mà còn la hét, mà còn giận dữ là từ khước, là đuổi ra khỏi nhà. Chúng ta giáo dục bằng phương pháp thường là hù dọa phủ đầu bằng cái đòn thật là mạnh. Điều đó vô tác dụng, tạo ra cho trẻ thơ và những người đang cáu giận la hét đó tăng trưởng sự sợ hãi và cô đơn. Và cảm nhận hình như cảm xúc của mình không ai thông cảm, hiểu thấu nên càng giận, càng cáu, càng la hét. Còn nếu không thì tăng trưởng những năng lượng tiêu cực bất thiện, tạo nên sự cứng đầu cứng cổ khó dạy, khó nói về sau. Nhất định chúng ta đã có kinh nghiệm điều đó. Chúng ta không nhượng bộ không chấp nhận điều đó, nhưng phải thật khéo khi một đứa trẻ hoặc một ai đó cáu giận la hét. Cha mẹ nào con đấy, nếu chúng ta trầm tĩnh biết lắng nghe, nếu chúng ta trầm tĩnh biết hòa mình hiểu thấu cảm xúc của trẻ, khi chúng muốn gì không được hoặc làm gì không được hoặc có điều gì đó không được, cáu giận la hét. Ta phải hiểu thấu để giải bày bằng sự bình tĩnh, bình thản, nhẹ nhàng, nhưng đừng để sập nguồn từ bi yêu thương, lan tỏa yêu thương.
Bạn có còn nhớ khi xưa còn nhỏ bạn sợ hãi, bạn tức tưởi khóc, bạn giận dữ, bạn la mắng, rồi ai đâu, người mẹ đã ôm ta vào trong lòng xoa đầu nói thật nhẹ thôi bớt giận, thôi bình tĩnh lại con ơi mẹ thương con. Chỉ một câu mẹ thương con lắm, có gì nói cho mẹ nghe và chỉ một vòng tay yêu thương như biển trời của mẹ và những lời thì thầm chan chứa tình thương đó, chúng ta, những người con đã bớt giận, bớt cáu, bớt la hét, ngừng hẳn tiếng khóc và cười tươi thật là tươi, hồn nhiên, quên hết những sầu muộn, sợ hãi. Bởi trong vòng tay mẹ nào còn sự sợ hãi nào dám tới xâm nhập vào ta. Người mẹ tại sao có năng lượng đó? Chính vì người mẹ có tình yêu, người mẹ có lòng từ bi yêu thương vô tận, chẳng cần biết vì cái gì, điều gì, chỉ biết yêu thương con mà thôi. Dù cho cạn máu, dù cho tàn hơi sức, dù cho có phải chết, dù cho có hao mòn xương cốt, dù cho có tổn hại đến sức khỏe tinh thần, mẹ vẫn luôn luôn mở rộng vòng tay để cho những người con tắm gội sạch sẽ và được sự bảo vệ mạnh mẽ đứng dậy. Vì người con cảm nhận mẹ hiểu và đồng cảm với cảm xúc.
Lấy ở điểm này để mỗi người chúng ta thấu rằng ta phải luôn luôn là người mẹ như vậy, và luôn luôn là người cha cũng biết như thế, để khi con cái còn nhỏ đang tuổi lớn cáu giận, la hét, ta đừng hăm dọa chửi bới nhưng chẳng phải nhường bộ để chúng muốn làm thì, phải rất khéo. Ta không tiêu diệt cảm xúc của con cái, mà ta phải đồng cảm với cảm xúc đó, ta không triệt tiêu cảm xúc của con cái mà chúng ta phải hòa mình để thấu hiểu. Chúng ta không bẻ gãy cảm xúc con cái, nhưng cần phải là một với con cái để thấu được cảm xúc của con và chuyển hóa cảm xúc đó. Đức Quán Thế Âm nếu cần một thân Bồ Tát Ngài hóa hiện ra thân Bồ Tát, nếu cần một Tể Tướng Ngài hiện ra một vị Tể Tướng, một quan thần, một nhà sư, một ni sư. Thậm chí Ngài còn hoá hiện ra quỷ la sát, hùm beo, thú dữ hoặc là dòng sông, bóng cây, hoặc là luồng gió, mọi phương tiện Ngài đều ứng hóa.
Để làm gì? Để đồng hành với mọi cảm xúc của mỗi người, từ đó đồng sự, thấu hiểu, mang yêu thương chuyển hóa cảm xúc. Người biết chuyển hóa cảm xúc của mình và làm chủ cảm xúc của mình, còn hơn một vị tướng quân chiến thắng với hằng hà xa quân địch trên xa trường. Người ấy luôn luôn chiến thắng mọi nghịch cảnh và biết chuyển hóa bại thành thành công. Người biết làm chủ cảm xúc và chuyển hóa cảm xúc của mình, nhất định sẽ biết làm chủ và chuyển hóa cảm xúc của con cái khi chúng cáu giận la hét. Người đó biết đưa cảm xúc của con cái bởi hiểu thấu, bởi đồng cảm đặt vào những cung trầm bổng trong sự san sẻ, dìu dắt, chuyển hóa. Biết phối khí thành âm nhạc nhẹ nhàng, để có lời thì thầm tâm sự với con bằng tình thương, đứa con sẽ tắt lịm sự cáu giận và sẽ im sự la hét để lắng nghe âm thanh vi diệu du dương của người mẹ, của người cha. Người không biết làm chủ cảm xúc và chuyển hóa cảm xúc của mình, người ấy chẳng khác gì một kẻ thất bại ngàn đời trên mọi phương diện và chẳng bao giờ tìm được lối thoát cho bản thân. Làm sao có thể chuyển hóa và làm chủ cảm xúc của con cái được.
Chúng ta tu là tự giáo dục để làm chủ cảm xúc và chuyển hóa cảm xúc của mình. Để làm chủ được cảm xúc, chuyển hóa cảm xúc của mình chúng ta cần phải hiểu thấu, chúng ta cần phải quán chiếu, cần phải suy nghĩ, cần phải tư duy, cần phải cảm nhận trong sự trải nghiệm trở về với chính mình. Để khơi dậy tình thương vốn có, năng lượng từ bi gắn kết với Chư Phật. Đây là sức mạnh vi diệu để mỗi người có thể làm chủ và chuyển hóa cảm xúc của mình, từ đó có một cái nhìn thấu hơn khi con cái cáu giận la hét, hiểu được chúng đang sợ hãi, hiểu được chúng không hiểu được những điều ta đang nói nên cáu giận la hét, hiểu được chúng đang ở tuổi lớn, thân xác đang thay đổi các hormone. Chúng ta cần phải biết cách hiểu được chúng đang hình thành nhân cách, cần một môi trường yêu thương, lắng nghe và đồng hành với cảm xúc, để trẻ thơ không biến nhân cách của mình thành những nhân cách bất thiện sau này.
Rất cần sự khéo léo để uốn nắn và sự khéo léo đó là người mẹ phải trở thành một vị Quan Âm biết lắng nghe, biết đồng hành, biết thấu hiểu cảm xúc của con và trở thành người bạn, người thân tri kỷ. Đừng vội vàng la mắng răn đe chửi bới. Chúng ta có nghe được những lời răn đe của những bậc phụ huynh nói rằng không nghe, không im miệng, không hết cáu giận đi quăng ra khỏi đường, từ bỏ luôn. Sự hù dọa đó biến giây phút mà người con đang hình thành nhân cách, thay vì tình yêu khuyên bảo, thấu hiểu được cảm xúc, dắt dìu và chuyển hóa. Ta đã vô tình hay cố tình mà không biết biến con thành những người cứng đầu cứng cổ, bướm không nghe và sau này sẽ trở thành những đứa con ngỗ nghịch bất hiếu. Những người mẹ, những người cha phải thấy được trách nhiệm đó, đừng chỉ có ủy thác vào thầy cô ở trường học và bỏ mặc tới trường rồi về. Chúng ta cần phải có thật nhiều thời gian, nhịn thêm thời gian bớt đi những sự lo toan về vật chất, tham đắm về quyền lực, vui chơi cho bản thân để chăm sóc cho con cái bằng hạnh lắng nghe, thấu hiểu những cảm xúc của chúng, đồng hành với cảm xúc của chúng, dắt dìu, chuyển hóa bằng tâm yêu thương và trí tuệ.
Tất cả mọi sự cáu gắt và la hét giận dữ đều tới từ tâm sợ hãi, tâm cảm nhận người ta không hiểu được cảm xúc của mình. Tới từ chỗ trẻ chưa nhận ra, chưa thấu rõ. Tới từ chỗ cơ thể đang lớn phát triển quá nhanh, chưa hòa nhập vào sự phát triển của bản thân. Tới từ chỗ đang hình thành nhân cách và thấy từ chỗ rõ ràng hơn nó tới từ chỗ bắt chước cha mẹ. Bởi cha mẹ, ông bà những người thân trong gia đình, đời sống của quý vị ảnh hưởng một cách trực tiếp, nhạy bén, nhanh chóng đối với trẻ thơ mà chúng ta không thể ngờ được. Khi cáu giận la hét như vậy cũng là một phần do chính đời sống của quý vị ảnh hưởng tới. Ta la, ta mắng, ta chửi bởi ta có quyền, ta là cha, là mẹ, ta thể hiện quyền đó và vô tình đã trở thành những có lời giáo dục tiêu cực, những hành vi giáo dục tiêu cực trong môi trường sống để trẻ bắt chước. Hãy cẩn thận, chúng ta phải tu luyện thường xuyên hạnh của mẹ hiền Quan Âm, tầm thinh tức là biết lắng nghe mọi cảm xúc của con, bằng cách rèn luyện bản thân của mình phải biết lắng nghe cảm xúc của mình, chuyển hóa bằng tâm từ bi, bằng mật ngôn Mu A Mu Sa, bằng công hạnh mật thiền tu tập, để chuyển hóa cảm xúc của ta, làm chủ cảm xúc của ta, để trở thành một nhạc trưởng vĩ đại, biết hòa âm những cảm xúc của con cái tạo thành những khúc khải hoàn ca, những khúc từ bi ca, để đồng thanh, đồng âm, đồng nhịp, đồng vị và đồng hành với con cái trên mọi nẻo đường để con trưởng thành, có vòng tay yêu thương lắng nghe và san sẻ bởi hiểu thấu cảm xúc của con cái.
Nếu con cái của bạn cáu giận la hét quá nhiều, bạn hãy nhìn lại bản thân và đời sống của mình phải chăng chúng ta cũng cáu gắt, giận dữ, la hét quá thường xuyên trong môi trường sống của vợ chồng, hoặc đối với con cái, hoặc đối với cha mẹ hoặc đối với người thân. Cha mẹ nào con nấy, đó là cách nói của người xưa không bao giờ sai. Gần mực thì đen gần đèn thì sáng và chúng ta thường bỏ mặc cho thầy cô ở nhà trường giáo dục con cái, vùi đầu vào trong vật chất làm ăn tối tăm mặt mày, chẳng còn thời gian cho con nữa. Mỗi khi con cái như vậy là thấy thời gian của chúng ta chẳng bao giờ gần gũi con cái đủ cả. Khi ông bà thấy con cháu mình như vậy cũng hiểu thấu, cách giáo dục của chúng ta chưa phải là giáo dục của Phật, của Bồ Tát, vẫn giáo dục theo phong trào, vẫn giáo dục theo nhân cách cảm nhận. Nhưng chúng ta là người học Phật, cần phải giáo dục con cái theo cái phẩm tánh cao cả của mẹ hiền Quan Âm tầm thinh mới cứu được khổ, lắng nghe mới cứu khổ chúng sanh. Ta chưa biết lắng nghe con cái, chỉ ép buộc con cái, cháu chắt phải nghe chúng ta. Và khi không nghe ta cho rằng chúng nó hay cãi, cáu gắt sân giận và chúng ta thể hiện sức mạnh la mắng, chửi rủa, hăm he, đe dọa và thế là chúng cáu giận, la hét ngược lại với chúng ta.
Có khi nào chúng ta thấy Đức Quan Thế Âm cáu giận la hét không? Không, đọc phẩm Phổ Môn ứng hóa thân của Ngài đủ hết mọi hình tướng để tầm thinh, có nghĩa để lắng nghe, để đồng hành và đồng cảm với mọi cảm xúc. Hãy học hạnh lắng nghe và nhìn lại bản thân, thấu được cảm xúc, làm chủ và chuyển hóa được chính mình. Nhất định con cái của chúng ta sẽ là đối tượng để ta lắng nghe, để đồng hành với cảm xúc của chúng và chuyển hóa cảm xúc của chúng, bởi ta thấu hiểu được cái tuổi đang lớn của chúng và cái tuổi đang lớn và trưởng thành của ta trên con đường tu luyện tâm linh. Mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.
Thưa Phật! Xin gia trì cho tất cả ông bà, phụ huynh, các đấng làm cha mẹ biết nhìn rõ phẩm hạnh của Mẹ Hiền Quan Âm, tu luyện hạnh lắng nghe, để lắng nghe các con cháu trong gia đình bằng tình thương, thấu hiểu được cảm xúc và sự tăng trưởng của độ tuổi. Để mang tình thương sự lắng nghe hòa nhập, xoay chuyển, chuyển hóa để cho con cháu, con cái bớt đi sự cáu giận la hét mà biết mỉm cười yêu thương lắng nghe.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa và hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)