Trần Công Minh đánh máy
Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh facebook cũng như phòng zoom Thất Bảo
Giờ đồng tu đã tới kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con biết tự đứng dậy miên mật tu tập mật thiền chánh niệm hơi thở, để thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, nhận rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Mô Phật!
Chúng ta hãy ngồi xuống giữ lưng cho ngay thẳng, hãy hướng về Đức Phật và gặp gỡ nhau qua hình ảnh ở trên mạng, hãy gặp nhau trong tâm thái nhẹ nhàng buông thư để cùng nhau đón nhận năng lượng, gặp gỡ ở trên mạng để lan tỏa tình yêu thương. Nhớ lời Đức Phật khai thị, lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp để tu tập đưa đến sự giải thoát, lấy Từ Bi tình yêu thương để lan tỏa đến muôn loài. Trở về với hơi thở của chánh niệm, tổng trì mật ngôn Mu A Mu Sa là chìa khóa khai mở năng lượng yêu thương, mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là được truyền đăng ánh sáng Trí tuệ từ Phật và mật ngôn Ma Sa Ốp Uê là sự tỉnh thức trong Tỉnh giác. Mỗi khi hít vào ta biết ta hít vào, phình bụng, thở ra ta biết ta thở ra, hóp bụng và tổng trì ba mật ngôn trên, Bảo Thành cùng các bạn sẽ đón nhận được thật nhiều năng lượng tinh khiết, thanh tịnh và giờ đây chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu châu thân. Tiếp nhận năng lượng và tổng trì các mật ngôn.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Mô Phật! Các bạn đồng tu, Đức Phật thường dạy cho mỗi người chúng ta, mà ngày nay trong kinh sách cũng như qua những lời của các bậc tôn túc hướng dẫn trở lại, con đường hành tu dưới mọi tông môn, phương tiện, đều phải tuần tự đi qua những bước rất căn bản. Văn – Tư – Tu, Văn có nghĩa là chúng ta đọc kinh, đọc kinh là đọc lại những lời Đức Phật ngày xưa đã giảng cho hàng đệ tử. Đức Phật trong suốt 45 năm trời chưa hề ghi một chữ xuống sách vở để lưu lại lời Ngài dạy, mà ngày nay gọi là kinh, Ngài không bao giờ chép lại một lời. Những lời của Đức Phật mà ta đọc lại được từ trong kinh hoặc nghe được từ các bậc tôn túc đều là do các hàng đệ tử của Ngài sau khi Đức Phật đã vãng sanh, đã nhập Niết Bàn, rõ hơn là đã chết, được các hàng đệ tử họp lại, đặc biệt có một bậc đại trí nhớ là Ngài A Nan, thị giả của Đức Phật, nhắc nhở trong một đại hội thật lớn, tụng với nhau để ghi nhớ lời Phật mãi mãi. Khoảng 220 năm sau đời Vua A Dục – Vua Ashoka mới có một sự biên tập tổng hợp bằng văn tự.
Ngày nay đọc kinh ta nhớ là ta không đọc kinh cho Phật nghe, ngày nay tụng kinh chúng ta phải nhớ ta không tụng kinh cho Phật, cho Bồ Tát, cho thánh thần nghe. Đọc hoặc là tụng, ngâm nga dài ngắn theo những hình thức của phong tục từng vùng miền là những cách để cho chúng ta nhận ra điều mà Đức Phật dạy, còn ở trên kinh điển sao chép lại, đọc để ta hiểu chứ không phải đọc để cho Phật hiểu, Bồ Tát hiểu, đọc để ta hiểu thấu mà hành. Tụng cũng như thế, trong mọi nghi thức của nhà Phật trong chùa đều phải tụng kinh, tức là đọc lại lời kinh qua những cách khác nhau. Đọc trực tiếp hoặc không chuông mõ, đọc như những kinh nhạc được chế tác theo vùng miền, sở thích của các bậc Tổ từng thời gian của lịch sử, không sao, đó là nghệ thuật tụng đọc. Nhưng nếu mọi người chúng ta nghiêng nặng về nghi thức tụng đọc mà chẳng hiểu một lời Đức Phật dạy để tư duy, thì cái văn đó gọi là sáo rỗng, nước đổ đầu vịt, không có tư duy mới tụ lại như nước ao tù. Thì đọc văn đó gọi là văn đó, đọc kinh đó chẳng mang lại lợi ích gì cho mỗi người chúng ta. Đọc là để hiểu, đừng nghĩ rằng ta đọc để trình những lời Phật đã dạy, đã chỉ cho chúng ta nên Phật để Phật thấy ta đọc rồi có công đức, không? Đọc kinh kiểu đó không có công đức, không có phước đức, đừng tụng kinh, đọc kinh như thể đọc cho Phật và Bồ Tát nghe, chẳng có công đức, chẳng có phước đức, chẳng làm được gì mà khan cổ, đau đầu, những người xung quanh mệt mỏi cho thế sự gia đình. Đọc để hiểu nha các bạn, rồi mang lời Phật dạy năm xưa mà ngày nay ta mới có cơ hội nghe gián tiếp, thuở xưa chưa đủ phước sinh ra cùng thời Phật để nghe trực tiếp, mang vào thực hành trong cuộc sống, tư duy, gạn lọc để thực tập, thực hành, ứng dụng vào đời, đời xuất gia hay đời sống tại gia, ứng dụng như vậy mới tạo ra công đức và phước đức.
Cuối cùng là Tu, tu là nghiền ngẫm, tu là sửa, tu là nhận định được cái đúng – phát triển, thấu được cái sai – buông bỏ, tận diệt nó. Trong mật thiền chúng ta đi vào công hành của tu, công hạnh của cái tu này giúp cho mọi người chúng ta mang dù một chỗ, một câu của Phật dạy tư duy cho rõ, thấm hiểu được và thực hành. Chúng ta nhớ hãy thực hành sau khi nghe lời kinh của Phật, dù một chữ, dù một câu, hãy thực hành dù chỉ một câu thôi, một chữ thôi, một câu kệ, một chữ trong câu kệ, một lời của Phật dạy, ví dụ như chữ Buông, chữ Xả, chữ Từ, chữ Bi, chữ Trí, chữ Tuệ. Chỉ một chữ, suy nghĩ, tư duy cho rõ, hiểu thấu và ứng dụng vào trong đời, chẳng cần phải thâu lượm hằng hà sa câu kinh chữ nghĩa thuộc làu làu kinh sách, không. Lời Phật giảng bao la mênh mông, lời học của chúng ta có thể từng chữ, từng câu, từng đoạn, từng kinh, từng môn, từng tông, thấu hiểu một cách triệt để, ứng dụng sẽ mang lại lợi lạc cho chúng ta.
Mật thiền ta dùng hiện tại chỉ có 6 chữ nằm gọn trong 3 câu, ba câu mật ngôn là Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác. Từ Bi tới từ câu mật ngôn Mu A Mu Sa, Trí Tuệ có nghĩa từ câu mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và Tỉnh Giác từ câu Ma Sa Ốp Uê. Ta tư duy, ta thể nhập, ta lĩnh hội ý nghĩa Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác để gắn kết với nội tâm sâu lắng của ta, để khơi dậy năng lượng vốn có nơi Phật tánh và gắn kết với các bậc giác ngộ. Như ta đã có sẵn ngọn đèn cầy và nay được truyền đăng tức là truyền lửa của Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác từ những bậc giác ngộ, thắp sáng cuộc đời, dẫn đường ta vượt qua tăm tối. Qua phương tiện của chánh niệm hơi thở, hít vào và thở ra chậm rãi, dùng tánh biết quán chiếu khi hít vào, phình bụng để nuôi dưỡng cơ thể bằng dung nhiếp đầy đủ khí oxy, lan tỏa khắp huyện mạch châu thân, đánh thức và liên kết năng lượng toàn thân, từ đó thở ra hóp bụng và trì mật ngôn để tiếp hiện sự sống nơi pháp thiện sinh trong cuộc đời này ta lĩnh hội được qua mật thiền của sự quán chiếu tâm Từ bi, tâm Trí tuệ và Tỉnh giác. Để chúng ta có đầy đủ năng lượng từ bi ứng xử trong đời, xoa dịu những vết thương lâu đời, lâu kiếp hoặc trong kiếp này ta và người đã tạo ra. Để ta có đầy đủ năng lượng của ánh sáng, dẫn ta vượt qua những vùng tối, những điểm tối của mỗi người khi gặp và ta có đủ năng lượng sống tỉnh thức qua sự tỉnh giác để vượt khỏi u mê. Đời người là khổ, là phiền não, là vô minh, là u mê, có câu thường được nhắc đời là bể khổ, ý nghĩa như vậy. Vô minh là tăm tối chẳng thể vượt qua, từ đó mà ứng dụng lời Phật ta thực tập pháp quán tâm Từ bi, quán tâm Trí tuệ, quán tâm Tỉnh giác. Pháp quán này nhiệm màu bởi ta thực hiện, ta chủ động thực tập y như công hạnh của Mẹ hiền Quan Thế Âm, Ngài có thể biến hóa, ứng hóa khắp mọi nơi để dìu dắt chúng sanh vượt qua tăm tối khổ đau và đánh thức chúng sanh để không còn u mê. Người tu học là người phải tự đứng dậy tư duy, học hỏi lời Phật và tự đánh thức mình. Mật thiền có công năng nếu bạn thực tập thì công năng đó vận hành, mang đến sự an ổn bình yên cho chúng ta.
Có một câu hỏi mà bạn đồng tu gửi về là suốt ngày lo lắng cho chồng bởi người chồng có số đào hoa, sợ lắm không biết phải làm sao? Một câu hỏi rất thực tế xảy ra trong đời sống của tất cả số đông người phụ nữ. Con người dù nam hay nữ, đàn ông hay đàn bà và ngay cả sự sống của muôn loài cũng thường có sự lo lắng khi người bạn đời gọi là tạm dùng hào hoa. Không hẳn thế mà muôn sự ở đời xảy ra ai trong chúng ta bởi tâm chưa định thường lo lắng và sợ hãi, tâm sợ hãi luôn luôn bị kích động tạo ra sự lo lắng ngấm ngầm, dần dần đốt cháy cuộc sống của chúng ta. Sự bất an luôn luôn hiện hữu và ta sống thấp thỏm từng giây, hồi hộp, lo sợ, năng lượng của đời sống bất ổn lúc lên lúc xuống, sụt sùi, đôi khi tụt hẳn, mất thăng bằng, dễ gây ra áp lực của cuộc sống, làm tổn hại đến sức khỏe và làm héo mòn sự tươi trẻ. Những người rơi vào trạng thái như vậy nếu không hiểu thấu dần dần trầm cảm, sống cáu gắt, dễ sân, dễ tủi, dễ hờn, dễ bực bội, khó chịu với bản thân, khó chịu với những người trong gia đình, trong thân bằng quyến thuộc, đời sống như vậy rất khổ. Mà hầu hết chúng ta luôn luôn cứ phải rơi vào trạng thái lo lắng cho những điều không hiểu thấu, đó là lẽ rất thường. Học, hiểu và thực hành giúp cho những cái rất thường trở thành phi thường, đây là chân lý ta cần phải nhận định thật rõ.
Trở về với hai chữ hào hoa, những định nghĩa hầu hết là dựa dẫm trên những sự mớm của tử vi tướng số, để mặc định người hào hoa là luôn như thế và ta phải chấp nhận người hào hoa bởi họ có số mệnh như vậy. Đó là cách cài đặt một cách có ý để lừa gạt mỗi người chúng ta, để ta đánh mất sự tự chủ và quyền cao trọng nhất là làm chủ tâm để hoàn thiện cuộc sống, an hòa đối với người ta yêu thương, dựa vào đó đánh mất chủ quyền làm chủ, đánh mất tự lực đứng dậy để thay đổi, để bảo vệ. Người như vậy là người luôn luôn tạo khổ cho bản thân và gây phiền não lo lắng cho những người khác. Đôi khi đàn ông, ngay cả phụ nữ cũng mượn vào chữ hào hoa, bén nhạy trong tình cảm để tự tung tự tác, gây tạo nghiệp mà không hay, tổn hại đến tình cảm của những người yêu thương, mặc kệ. Điều này nguy hại cho đời sống và chẳng có mạnh khỏe gì cho tinh thần, cho thể chất và tâm linh.
Đầu tiên chúng ta thử nhìn nhận một chút xíu về hai chữ hào hoa, theo định nghĩa rất bình thường của một người hào hoa nhất định phải là người tử tế, nói chữ tử tế ở đây tức là biết ăn, biết nói ngọt ngào, dễ thương. Người hào hoa nhất định là người có tướng hảo đẹp. Người hào hoa nhất định phải là người dễ tiếp cận bởi cách ăn, cách nói, cách nhìn, tướng đi, cách tiếp cận, cách giao tế. Theo nhân quả của Đức Phật dạy một người có tướng hảo đẹp nhất định những kiếp trước họ đã tạo biết bao nhiêu nhân lành, biết cúng dường chư Phật, biết san sẻ tình yêu thương và sống đúng với pháp thiện, tâm lành, tâm thiện, tâm tốt. Từ ấy mà họ ngày nay sinh ra có tướng hảo đẹp. Nếu họ biết giao tiếp tử tế, có nhân cách, khéo léo trong ăn nói, hành vi và suy nghĩ, thì đó cũng là kết quả của nhân quả kiếp trước họ đã tu pháp thiện, họ tin sâu nhân quả, họ tích lũy phước báu và công đức. Kiếp này họ sinh ra dễ nhìn, dễ ưa, ăn nói tử tế, giao tiếp rộng rãi, khoan dung và từ ái nên được mọi người thương. Đàn ông, đàn bà, phái nào cũng vậy, nếu kiếp trước tu đều có tướng hảo đẹp, đều biết ăn nói, khéo sống. Nhưng đó là phước báu của kiếp trước, kiếp này nếu lợi dụng sự giàu có phước báu của kiếp trước, không làm chủ tâm để ứng dụng phước báo đó mang lại hạnh phúc cho bản thân và mọi người. Mà lợi dụng phước báu của kiếp trước để tạo nghiệp thì chẳng khác gì đang phá tan kho báu, đang đốt cháy phước báu, sớm muộn gì khi phước báu hết, người đó sẽ khổ. Phật thường nhắc có phước báu như chư thiên mà không tu chỉ tận hưởng, dù lớn như núi thì cũng sụp.
Chúng ta nếu như là phụ nữ lấy được một người chồng có phước báu nam tính, dễ nhìn, dễ ưa, ăn nói tử tế, dễ hấp dẫn mọi người, đi tới đâu cũng được những người khác phái thương yêu, hãnh diện bởi anh ấy có phước báu, hãnh diện, đừng lo lắng, đừng sợ hãi. Chúng ta hãnh diện để sống phù hợp, để khơi dậy cho nhau hiểu thấu những gì ta đang có là phước báu nhiều đời. Hãy ứng dụng phước báu đó hành pháp thiện để xây dựng nhiều hơn, mang lại hạnh phúc cho đời sống gia đình, con cái, mang lại hạnh phúc cho những ai ta tiếp xúc. Đây là một sự khéo léo của người vợ cần phải khơi dậy để nhắc nhở người chồng nếu sinh ra có đầy đủ phước báu, đồng hành trên con đường tu tập tâm linh để người ấy nhớ và nhận ra, sử dụng phước báu hiện thời cho đúng để tăng trưởng, chứ không lạm dụng để hủy nó đi. Người vợ phải có trách nhiệm khơi dậy và nuôi dưỡng ý thức đó.
Có hai trường hợp, trường hợp người chồng không đồng tình với cách nhìn của chúng ta, chỉ nghĩ rằng mình hào hoa, mang hai chữ đó che lấp đi luật nhân quả, chẳng nhìn thấy phước báu đời trước đã tạo nên kiếp này được sắc thái đẹp, trầm tĩnh, nhẹ nhàng, tử tế, mọi người yêu thương, để rồi tự hào quá đáng về bản thân mình có sự hấp dẫn đối với phụ nữ, tạo nghiệp, thì người ấy sẽ dần dần chịu hậu quả. Nghiệp ai tạo người đấy phải trả, dù có phước báu lớn như núi cũng sẽ tan thôi. Trong trường hợp này người vợ cần phải tu nhiều hơn, cần phải sống hãnh diện đừng để sự suy nghĩ sai, không làm chủ tâm của người chồng tạo ra sự lo lắng, bởi có lo lắng bạn cũng không làm gì được, thay đổi được anh ta, anh ta đã đi theo khái niệm đó rồi. Một cái tốt mà có thể ảnh hưởng đến đời sống của anh ấy là sống tịch tĩnh, sống an nhiên, đón nhận anh ấy và luôn luôn sống trong sự tỉnh thức, yêu thương chân thật, mang năng lượng yêu thương trong sự tỉnh thức thắp sáng trí tuệ cho anh ấy bằng sự hồi hướng, bằng sự lan tỏa ngay trong mọi sinh hoạt của cuộc đời, của cuộc sống.
Mọi sinh hoạt của người vợ trong tình yêu thương chân thật, mọi sự tương tác của người vợ trong sự tỉnh thức rõ ràng, không u mê, ghen tuông, lo lắng và sợ hãi. Năng lượng tích lũy đó có sức mạnh để thắp sáng sự suy nghĩ cho người chồng và nhất định người chồng sẽ nhận ra, không sớm thì muộn để cải sửa quan niệm sai sống cho đúng để gìn giữ phước báu. Dĩ nhiên con đường này hơi khó bởi khi người chồng đã mặc định khái niệm hào hoa như vậy, thường hay lầm lỡ và cho phép mình đoạn tội. Nhưng hãy nhớ chúng ta đang ở trong tình huống đó, cách tốt nhất chẳng phải là lo lắng, sợ hãi, ruồng bỏ, chửi bới, la mắng làm rối tung lên. Cách tốt nhất là phải bình tĩnh tu tập, hít thở trong chánh niệm, tăng trưởng năng lực yêu thương, tăng trưởng sự tỉnh thức của mình và mang ngọn lửa hiểu biết, trí tuệ của mình tiếp cận với người chồng, thắp sáng cho anh ấy bằng những nghĩa cử thanh cao, tha thứ và yêu thương.
Rất may nếu ta gặp trường hợp thứ hai là người chồng hiểu được và nghe theo vợ, thì sự hào hoa kia chẳng có lực hấp dẫn, nhưng sẽ đưa đến sự thấu triệt nhân quả và hai vợ chồng sẽ tăng trưởng để tích lũy, gìn giữ, san sẻ để bồi đắp thêm phước báu của chồng cũng như của vợ tăng trưởng mỗi ngày. Nhìn xuyên suốt trong tâm lý học khi người vợ gặp trường hợp này có thật nhiều cách khuyên, nhưng cách hữu dụng là cách mỗi người phải trở về với tự thân, sống tăng trưởng năng lượng yêu thương nhiều hơn, để san sẻ vào những khoảng trống của người chồng, không làm chủ được tâm để tâm đi hoang theo hai chữ hào hoa. Người vợ cần phải tu tập để tỉnh thức, để không bị hai chữ hào hoa che lấp lý trí, từ đó bực bội, ghen tuông, sân giận hàng ngày mà tịch tĩnh yêu thương, rộng mở. Nhất định người chồng sẽ có cơ hội nhận thức được và tỉnh. Một đời sống tu luyện để giữ được sự thăng bằng trong đời sống hàng ngày khi muôn sự xảy ra đều không như ý, thường sẵn sàng ập tới mà ta không ngờ, rất cần.
Đã bao nhiêu lâu rồi ta không chú trọng đến sự tu? Đã bao nhiêu lâu rồi ta bỏ mặc, chỉ quan tâm đến đời sống của vật chất và những thú vui của tinh thần không lành mạnh, để khi đụng chuyện ta chới với. Hãy nhớ cho mình một chút thời gian đầu tư vào đời sống tâm linh, cho mình thêm thời gian đầu tư vào sự thực tập để mình khám phá ra. Chúng ta mỗi người đều có năng lượng vô giá nếu biết gắn kết trong công hạnh của mật thiền chánh niệm hơi thở, gần gũi với lời dạy của Phật, tư duy và tu tập. Để khi gặp chuyện chúng ta ứng xử phù hợp để bảo vệ cảnh sống an lạc nơi gia đình. Là người Phật tử tại gia, là người vợ và là người mẹ cao quý vô cùng. Mẹ là tất cả, mẹ có tình yêu, vợ có năng lượng tối hậu để bao dung. Hãy nhớ mỗi người chúng ta đều có khả năng ấy, hãy mang tình yêu thương, sự tha thứ. Hãy mang ánh sáng trí tuệ và sự tỉnh thức của mình xoa dịu, chữa lành các vết thương và đánh thức cho người chồng còn u mê, thỏa mãn trong hai chữ hào hoa để người chồng nhận rõ chữ ấy là công đức và phước đức của các pháp thiện mà ngày xưa, kiếp trước anh đã tu, nay có được cần phải trân quý, bảo vệ và tăng trưởng theo chiều hướng đúng, để luôn luôn tích lũy thêm, bồi đắp thêm. Đừng phá hủy, một mai khi mất rồi tìm lại rất khó.
Nhiều phương pháp các bạn có thể nghiên cứu để thực hành, nhưng phương pháp quán chiếu này có công dụng tích cực hơn, tốt cho chồng, tốt cho người vợ, mang lại hạnh phúc đích thực cho gia đình để không bị đổ vỡ. Nhất là không tăng trưởng sự lo lắng bằng tâm nghi ngờ quá đáng. Hãy nhớ dù sao đi nữa người chồng vẫn rất cần sự trợ lực của người vợ, nếu như bị đắm chìm trong hai chữ hào hoa, nếu người vợ tích cực hỗ trợ thì hai chữ hào hoa kia một ngày người chồng sẽ tỉnh ra, hào hoa rồi sẽ tỉnh ra, phước báu nhiều đời tích lũy được đây. Cho nên các bạn để bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh xảy ra trong đời, ai ai trong chúng ta luôn luôn phải gặp thì chỉ có phương pháp duy nhất là tu luyện, để sẵn sàng đối ứng một cách tỉnh thức trong sự Tỉnh giác, một cách yêu thương trong tâm Từ bi, một cách Trí tuệ nhìn rõ để chúng ta không bị hiện tượng đó làm rối bù tâm thức, tạo nghiệp qua những ngôn từ mắng rủa nhau, chì chiết nhau, phỉ báng nhau, bổ báng nhau. Mà dùng những ngôn ngữ thương yêu dễ dàng, ái ngữ để san sẻ, để chữa lành, dùng những ý tưởng và hành vi tốt để chữa lành cho nhau. Bởi trên đời ai ai cũng thường tạo nghiệp và làm sai, có ai hoàn hảo đâu. Cho nên một người sai đối tượng kia còn có tâm yêu thương, sự Tỉnh giác và Trí tuệ, nhất định chúng ta phải nâng đỡ và chữa lành cho anh ấy. Các bạn chúng ta hãy trở về với hơi thở.
Thưa Phật! Xin hãy ban rải năng lượng của tình thương, thắp sáng Trí tuệ để hiểu thấu, đánh thức để có sự Tỉnh giác nơi mỗi người chúng con, để chúng con dù là vợ hay chồng đều hiểu thấu được nhân quả, phước báu và công đức, tôn trọng để xây dựng, tu tập để kiến tạo. Xin gia trì cho chúng con!
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận năng lượng, lan tỏa cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)