Bảo Thiện đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi! Với lòng thành kính chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con. Nguyện xin Chư Phật gia trì cho chúng con tinh tấn trong Chánh Niệm hơi thở để quán chiếu bằng Trí Tuệ, khởi lòng Từ Bi thấu rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ và Vô Ngã. Xin chư Phật tác đại chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái!
Trong Chánh Niệm hơi thở, chúng ta cùng nhớ về lời đức Phật nhắc nhở cho chúng ta, hãy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Chỉ có Trí Tuệ và Từ Bi, chúng ta mới có thể ngừng tạo ra nghiệp và chuyển hóa được nghiệp lực của chính mình. Từng hơi thở vào ra lãnh nhận năng lượng tình thương của Phật, chúng ta cùng nhau rải tới các đấng bậc sinh thành, nguyện cho các ngài tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Cũng nghĩ tới những người thân trong gia đình, bạn bè, xã hội, cộng đồng, các bạn đồng tu, nguyện hồi hướng cho nhau luôn luôn tinh tấn.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
(18:48) Mô Phật! Các bạn thân mến, Bảo Thành rất hạnh phúc ngày hôm nay, bởi sau một chuyến bay gần ba tiếng đồng hồ từ miền Đông Bắc của Hoa Kỳ đi tới miền Trung Bắc của Hoa Kỳ, từ Tổ đình Chùa Xá Lợi mùa đông đang nhạt dần để nhường chỗ cho nắng ấm. Thời tiết bên đó đã ấm rồi, trên 50℉, nhưng qua tới tiểu bang Minnesota Chùa Xá Lợi tại đây, tiểu bang này là một trong những tiểu bang lạnh nhất nước Mỹ, hiện thời dưới 0℃. Thời gian của nước Mỹ cũng khác một chút xíu, chỗ tiểu bang Minnesota Bảo Thành đang ngồi ở chánh điện đây, đi trễ hơn tiểu bang Maryland một tiếng, có nghĩa bây giờ các bạn là 08 giờ, 08 giờ sáng ở bên Đông Bắc Hoa Kỳ hoặc 08 giờ tối ở bên Việt Nam, nhưng Bảo Thành mới có 07 giờ sáng thôi. Tới đây đồng hồ sinh học phải thay đổi phù hợp với đồng hồ thời gian nơi đây, lỗ mất một tiếng rồi, lỗ một tiếng nhưng lại hãnh diện thức sớm một tiếng, làm việc sớm một tiếng. Cho nên tùy theo mình đứng ở đâu để thấy lỗ hay là lời, thành tựu hay thất bại, bạn thân hay là oan gia.
Chủ đề ngày hôm nay nói tới “Oan Gia Sẽ Tận”. Hai chữ “oan gia” Bảo Thành và các bạn ngao ngán. Bởi chuyện trên trời dưới đất chẳng biết được ở đâu, gặp mặt là đụng chuyện, là cãi, là chửi, là vu khống, hàm oan, thậm chí mạt sát và giết hại lẫn nhau. Oan gia của chúng ta chẳng phải là những người ở bên ngoài xa lạ không biết mà đôi khi còn chính là vợ chồng, cha mẹ, con cái. Hai chữ “oan gia” thường được sử dụng gần gũi với đời sống người Việt. Có khi cha mẹ chính là oan gia của con cái; điều này có, và đôi khi con cái là oan gia của cha mẹ. Trong tình nghĩa vợ chồng cũng như thế, vui, hạnh phúc, kết thân, thề nguyện suốt đời, nhưng một thời gian hiểu thấu, đối tượng kia lại trở thành oan gia của đối tượng này. Nhưng những chuyện oan gia như vậy trong tình người của người con đối với đấng bậc sinh thành hoặc của cha mẹ đối với con cái, hoặc là vợ chồng, chúng ta vẫn dùng tình thương để nuôi dưỡng, đùm bọc, tha thứ, vậy nên chúng ta vẫn có thể lướt qua những sự trái ngược oan gia ở đời đối với người thân. Nhưng nếu ra đường, nếu tiếp xúc với ai đó, oan gia ở ngoài đời thật khó chịu! Khó chịu lắm các bạn ơi! Sao không khó chịu cho được nếu như làm một cuộc dạo chơi ở trên đường, bất chợt gặp ai đó chẳng quen biết, họ chỉ mặt họ chửi, làm sao kềm được cơn giận phải không các bạn? Oan gia thật khó chịu! Nếu là những con người gặp nhau một cách tình cờ trên một bàn tiệc của tiệc cưới, tiệc sinh nhật hay một bàn tiệc vui nào đó, người chưa bao giờ quen biết lại gặp nhau ở trong bàn tiệc, nhưng chẳng may họ lại chửi, họ lại mắng, họ chê bai, họ khích bác; thật là oan gia khó chịu! Trên con đường sự nghiệp buôn bán làm ăn, trên con đường học đường hay tu đạo, ở đời hay ở đạo, chúng ta thường gặp oan gia thật nhiều!
Hãy đi vào đời sống của đức Phật, mượn một câu chuyện có thật thời đức Phật mà đức Phật phải trực diện; câu chuyện này nói rõ về sự oan gia! Có một thời đức Phật đang ngồi dưới gốc cây thuyết giảng cho đệ tử của mình, có một vị Bà La Môn đã tới nhổ nước miếng lên mặt của Phật, chỉ tay chửi bới, xỉa xói, hung dữ với Phật. Đây là oan gia! Nếu gặp chúng ta, nếu chúng ta là Phật ngồi đó, là phàm phu đó, thì người kia thôi rồi, xong rồi, người đó chắc phải đi xuống lòng đất và người nhà phải tới Mai Phùng Xuân để mua hòm thôi. Chửi đã là nặng, xỉa xói trước mặt người quen đã là không được, mà còn nhổ nước miếng ở trên mặt thì nhất định tay chân phải ẩu đả, mạng sống có thể còn hoặc là mất đó. Riêng đối với đức Phật trong hoàn cảnh gặp một oan gia như vậy, Ngài đối xử như thế nào?
Chúng đệ tử trong đó có cả Ngài A Nan và nhiều đệ tử lớn ngồi đấy cũng đang trông chờ thầy của mình đối xử làm sao. Đức Phật nhìn vào người Bà La Môn đó và hỏi anh ta rằng: “Chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp?”. Người Bà La Môn sững sờ, bởi khi nhổ nước miếng lên mặt của Phật, chửi Phật mà Phật còn hỏi rất từ tốn, rất nhẹ nhàng, không một chút giận dữ sân si, tràn đầy yêu thương và thể hiện sự chăm sóc: “Chuyện gì sẽ tiếp tục xảy ra?”. Một câu hỏi làm chấn động tinh thần của người Bà La Môn kia, anh ta sững sờ và rồi bỏ đi về nhà.
Ông A Nan hỏi Phật: “Tại sao Ngài có thể chịu đựng được như vậy? Không mắng chửi anh ta, không nói cho anh ta hiểu mà hỏi một câu “Chuyện gì sẽ tiếp tục xảy ra?”?”. Dĩ nhiên ở đời, nếu chúng ta gặp một người oan gia chửi, nhổ nước miếng lên trên mặt mà ngồi yên hỏi rằng: “Chuyện gì sẽ tiếp tục đây?”, thì bạn bè của mình sẽ cho mình là thằng ngu, thằng khờ, dại quá, không đứng dậy mà đập cho nó bể đầu, phải không các bạn?
Lúc đó Thế Tôn nói với Ngài A Nan và các đệ tử khác rằng: “Người kia có một bầu tâm sự rối rắm, tư tưởng không có chuẩn mực, chẳng làm chủ được. Cho nên ta gợi ý cho anh ta suy nghĩ mà thôi. Chứ còn nếu như giận dữ, đánh đập, chửi mắng lại, thì hóa ra ta còn rối rắm, ta còn không chuẩn mực bằng anh ta”.
Các bạn có biết không, sau khi về nhà, người Bà La Môn đó suy nghĩ thật nhiều và anh ta cảm thấy hối hận, bởi nhìn dung nhan của Phật từ tốn yêu thương, và anh ta đã từng nghe Phật là một đấng giác ngộ, là một bậc thầy, anh thao thức không ngủ được và suy nghĩ: “Sao mình lại có thể lỗ mãng hành động như thế mà Ngài không giận, không si, Ngài còn hỏi thăm thật cặn kẽ như một lời trấn an, một lời an ủi: “Chuyện gì sẽ tiếp tục đây?”?”. Dằn vặt thâu đêm cho tới ngày hôm sau, vị đó đã tới gặp Phật và quỳ xuống chạm tay vào bàn chân Phật và xin Phật tha thứ.
Đức Phật nói với anh ta: “Ta không có gì phải tha thứ cho anh. Bởi vì người hôm qua chửi ta chẳng phải là người hôm nay đang quỳ trước mặt ta. Và người hôm qua ngươi chửi chẳng phải là người đang ngồi trước mặt ngươi. Quá khứ đã đi qua, hiện tại đang nơi đây”.
Các bạn! Đó là lời truyền dạy của đức Phật qua thân giáo, ít mấy ai trong hàng Phật tử tại gia của chúng ta đọc qua đoạn kinh này để hiểu. Thật ra lời dạy của đức Phật được truyền dạy khi Ngài giảng và sự truyền dạy của Ngài cũng được khơi nguồn bằng sự sống của chính Ngài, bằng những tạo tác, bằng mối tương quan, bằng những sự sinh hoạt hằng ngày: đi, đứng, nằm, ngồi, gặp người dễ thương, gặp người oan gia, gặp chuyện khó xử, và những cách Ngài ứng xử như vậy chính là thân giáo để chúng ta noi gương sống như Ngài.
Các bạn và Bảo Thành là phàm phu, gặp nhiều oan gia, không những oan gia về mọi góc độ của cuộc đời khi tương tác với người và người, với người và vật mà thậm chí ta còn bị ảnh hưởng của những luồng năng lượng tiêu cực của những vị oan gia đã mất, tạo cho chúng ta tâm thái không vui, thậm chí có thể làm cho chúng ta sanh bệnh. Vậy oan gia là gì và Phật có nhắc tới sự oan gia đó hay không?
Trong bài pháp luân đầu tiên giảng dạy cho năm anh em Kiều Trần Như, đức Phật nói về khổ, tám điều khổ của con người: sinh, lão, bệnh, tử là bốn thứ, cầu bất đắc khổ là thứ năm, ái biệt ly khổ là thứ sáu, oan tắng hội tức là oan gia trái chủ khổ là thứ bảy, thứ tám là ấm thịnh suy (sự thay đổi của thời tiết, khí hậu môi trường sống đó các bạn). Thì đức Phật dạy oan tắng hội tức là oan gia mà gặp nhau là khổ. Chúng ta dĩ nhiên là phải khổ rồi khi gặp oan gia trái chủ. Nếu các bạn nào chưa gặp chưa thấm đâu, còn nếu gặp rồi đau đớn lắm.
Bảo Thành đã từng gặp oan gia trái chủ trong cuộc đời xuất gia. Thật là nhiều, nếu mà viết về những chặn đường gặp oan gia trái chủ có lẽ phải viết đến quyển sách dày cộp cả 1000 trang. Bảo Thành gặp thật nhiều oan gia trái chủ: oan gia trái chủ với những người khác biệt tôn giáo, oan gia trái chủ đối với những người là Phật giáo, Phật tử, oan gia trái chủ với những người trong xã hội, cộng đồng mình sinh hoạt, oan gia trái chủ với những người trong thân tộc, trong gia đình và oan gia trái chủ ngay cả tới những chư vị xuất gia là những chư vị đại tăng và đại ni!
Thời gian khoảng chừng một năm trước, một sự thật xảy ra mà Bảo Thành cứ suy nghĩ, nhưng phải ứng dụng cái thân giáo của chư Phật để cho mình luôn luôn quán chiếu thật rõ hiện tượng đó bằng chánh niệm và mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – mật ngôn quán chiếu trí tuệ.
Cũng vào mùa đông, năm xưa tức là năm ngoái, khoảng vào tháng 09 năm đó, một vị xuất gia là một vị tăng người Việt các bạn ạ, gọi phone (điện thoại) cho Bảo Thành và tới chùa để ở, vị đó muốn có một nơi không có đa đoan Phật sự để dễ dàng ngồi nghiên cứu kinh điển, tinh tấn tu.
Ở trong Chùa Xá Lợi Tổ đình được trên 03 tháng hơn, thì đùng một ngày vị thầy đó dọn đi, Bảo Thành cũng không biết lý do và chẳng báo trước là đi đâu, chỉ biết rằng dọn đồ và ra đi. Tới thì có nói chuyện ngỏ ý tới chân thành, thành kính rất đẹp bằng những ngôi lời giao tế, đi thì lặng lẽ âm thầm. Nhưng chúng ta đi thử coi người ấy sẽ để lại những ngôi lời, những lời nói tử tế, an vui hay không? Nếu tử tế, an vui thì chẳng gọi là oan gia!
Vị đó khi ra đi đã dùng đủ mọi phương tiện truyền thông trên Facebook, đào bới không biết từ đời nào, thời nào những chuyện mà vị đó không bao giờ biết là sự thật, chắc có lẽ ngày xưa vị đó làm nghề thêu dệt và đan áo, thêu dệt vải và đan áo cho nên khi ra đi, đã thêu dệt quá nhiều chuyện trái ngược, thô ác, vu khống, hàm oan, chê bai, phỉ báng không những cá nhân Bảo Thành mà cả Chùa Xá Lợi và nhân danh mục đích nhất định phải làm cho ngôi Chùa Xá Lợi triệt tiêu biến mất thì mới mang lại sự hòa bình cho cộng đồng của người Việt. Xưng danh như vậy thật là lớn, rồi từ ấy vị đó kéo dài mấy tháng trời liên tục.
Trong thời gian đó là con người các bạn, Bảo Thành là con người như các bạn, suy nghĩ, buồn, đau, khổ, nhưng không thể nào quên câu chuyện của đức Phật gặp người Bà La Môn nhổ nước miếng, nguyền rủa và chửi bới. Quán chiếu, trì mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, giữ hơi thở vào ra trầm tĩnh quán chiếu, những cơn sóng giận dữ, căm phẫn cuồn cuộn khởi lên ở trong tâm dần dần mất chỗ đứng, dần dần không còn chỗ dựa và dần dần chẳng còn điểm tựa để khơi dậy nữa, nó mất đi từ lúc nào không hay.
Ngày nay với chủ đề “Oan Gia Sẽ Tận”, Bảo Thành nghĩ lại thấy tuyệt vời! Oan gia luôn tới bởi từ vô lượng kiếp qua, Bảo Thành và các bạn tạo biết bao nhiêu những oan gia với người khác rồi, sao kiếp này ta có thể tránh? Nhưng nói đến oan gia sẽ tận, làm sao tận đây? Phải chăng ta phải đấm vô miệng người đó cho rụng hết răng, cho bể mặt, đánh cho tàn tật, tàn phế, thương tích hoặc là dùng đến pháp luật can thiệp mới có thể tận hay sao? Rất may nó xảy ra vào mùa đông lạnh, những cơn giận dữ, nóng bức, khó chịu của Bảo Thành khi nó tuôn ra, cũng nương vào cái tự nhiên trời tiết mùa đông lạnh lẽo vô cùng làm giảm bớt, chứ lỡ mà vào mùa hè chắc cũng có chuyện.
Các bạn! Các bạn nhất định sẽ như Bảo Thành, bởi chúng ta không khác. Trong cuộc đời dù là Phật tử tại gia hay xuất gia, đã là con người, chúng ta luôn luôn phải gặp oan gia lui tới, điều đó đã biết và điều đó sẽ gây khổ cho chúng ta. Phật là bậc giác ngộ, Ngài nhìn thấu cái khổ của chúng sanh. Một trong tám điều khổ Phật dạy đó chính là oan tắng hội, oan gia trái chủ gặp nhau là khổ. Phật nhìn thấy rồi, chúng sanh sẽ luôn luôn phải gặp oan gia trái chủ, không thể tránh. Nhưng nếu đức Phật dạy gặp những người oan gia trái chủ là khổ, thì Ngài có dạy cho chúng ta làm sao để chuyển hóa cho nó tận diệt hay không? Thưa các bạn có, đó là tám con đường thánh bát chánh đạo! Trong bát chánh đạo có hai điều lưu ý đó là chánh định, cái tâm định được ở nơi sóng gió ba đào của cuộc đời thì ta làm chủ được cảm xúc và dễ khởi nguồn từ bi yêu thương và trí tuệ không lu mờ. Chánh định! Y như con thuyền ra khơi, nếu con thuyền lớn và vững chãi, những sóng lăn tăn trên mặt hồ, mặt biển, sông suối chẳng làm gì hết, chẳng là cái gì!
Nhớ thuở mà người Việt đi vượt biên 1975 cho đến thời kỳ 1990, những ai đi vượt biên mà đi bằng tàu, thuyền lớn thì nhất định những cơn sóng sẽ không làm họ sợ, nhưng những ai đi bằng cái bè thật nhỏ mà chở thật nhiều người thì sợ lắm, những cơn sóng vừa vừa thôi cũng có thể quật ngửa cái thuyền và dìm chết hàng trăm người, huống hồ chi là trên cái thuyền nhỏ mỏng manh chứa quá nhiều người, quá tải càng nguy hiểm. Trong cuộc đời của chúng ta, nếu chúng ta không có chánh định, thì nhất định là con thuyền thật nhỏ, là cái bè mỏng manh, nhưng ôm ấp, chứa đựng quá nhiều gọi là đa sự ở đời, thì nhất định những làn sóng lăn tăn của oan gia tới với chúng ta sẽ nhận chìm chúng ta vào bể khổ của cuộc đời.
Ai đã từng gặp oan gia trái chủ đã thấm được sự khổ của người ta chửi, người ta nguyền rủa ngay trước mặt mình, người ta phỉ báng, người ta vu khống, người ta hàm oan, người ta bách hại mới hiểu thấu được, khổ lắm. Còn nếu chúng ta có chánh định, cuộc đời của chúng ta sẽ là con thuyền lớn, thuyền Bát Nhã tự tại và thong dong, vững chãi, để những cơn sóng lăn tăn hay sóng thần ở cuộc đời ập tới từ những oan gia trái chủ, Bảo Thành và các bạn cũng nhẹ nhẹ lướt lên trên những con sóng đó để cập bến an toàn. Điều này thật đúng, chánh định đóng một vai trò quan trọng để khi đương đầu với oan gia trái chủ! Đạt được sự chánh định nhất định phải tuần tự thực hành đúng tám con đường thánh gọi là bát chánh đạo. Nhưng chúng ta đôi khi có thể thu gọn lại một chút trong đời sống Phật tử tại gia để thực tập cho dễ.
Theo kinh nghiệm riêng của Bảo Thành, sự tu tập riêng của Bảo Thành ngoài sự đọc những lời dạy của đức Phật nghiền ngẫm tư duy, để khi trong cuộc đời gặp, sẽ lấy ngay đời sống thật của Phật, bài học thật của Phật để quán chiếu, để đối trị. Như vị thầy kia là oan gia của Bảo Thành, suy nghĩ cho kỹ thì nhiều kiếp trước Bảo Thành đã từng là oan gia của vị đó, làm những chuyện sai phạm, vu khống, hàm oan, chửi bới, làm ô nhục vị thầy khả kính ấy. Cho nên kiếp này, Bảo Thành phải xóa sổ bằng sự trả nợ, nếu sân giận thì lại tăng thêm nghiệp, nếu hoan hỷ theo Phật thì xóa nợ. Đời, ai không muốn xóa nợ phải không các bạn? Cho nên lúc đó Bảo Thành hình như hơi được khôn nên không muốn ký thêm sổ nợ, nhưng muốn tẩy xóa nợ, do đó quán chiếu ứng dụng theo lời Phật oan tắng hội là khổ.
Các bạn! Chánh định có được là nhờ chánh niệm. Chánh niệm tức là đi vào hơi thở trầm bổng, nhẹ nhàng, ngắn dài, giữ tâm trong hơi thở đó để có được sự bình tĩnh tuyệt đối, nhìn thẳng vào những hiện tượng đang xảy ra trong hiện tại. Đây là một phương pháp vi diệu đôi khi quá bình thường cho nên chúng ta – Phật tử tại gia đã coi thường. Ở đời cái gì càng bình thường dễ bị coi thường. Nhưng nếu ứng dụng những cái rất bình thường mà Phật dạy sẽ trở thành phi thường các bạn ơi, siêu thường chứ không phải bình thường như các bạn suy nghĩ đâu, thành phi thường, thành siêu thường! Hơi thở chánh niệm!
Chánh niệm là một trong bát chánh đạo, bổ túc và tăng trưởng chánh định cho chúng ta, nhất là Phật tử tại gia bôn ba nhiều, va chạm nhiều. Có bôn ba, có va chạm là phải có chạm rồi, có đổ có vỡ rồi. Nếu các bạn không Chánh Niệm hơi thở thực tập cho rõ, chúng ta sẽ bị những cơn sóng sân giận khổ ở đời tác động, làm cho đời sống của mình không vui, khổ, phiền não. Nhất định phải có chánh định qua sự thực tập hơi thở chánh niệm thì mọi oan gia tới với chúng ta sẽ tận, sẽ hết, sẽ triệt tiêu!
Bảo Thành thực nghiệm thật là nhiều! Như Bảo Thành nói lúc trước, nếu ghi xuống gọi là nhật ký đời tôi về oan gia trái chủ thì chắc có lẽ phải ghi đến một cuốn sổ nhật ký về oan gia dày cộp đến 1000 trang đó các bạn, nhiều lắm! Nhờ tới liên tục như vậy, cũng bị trầy vi tróc vẩy, trần ai khoai củ, đau đớn, đau đớn khôn xiết. Nhiều thật nhiều lần trong quá khứ khi đương đầu với oan gia, Bảo Thành khóc, bởi quá buồn. Đau, đau đến tận cùng kéo dài cả năm trời, đau đến thân xác tiều tụy, tinh thần suy giảm. Rất may là những trường hợp trong quá khứ đó Bảo Thành chưa bỏ cuộc, chưa rời bỏ chùa, chưa chạy trốn, vẫn đứng đó, thật cố gắng tìm ở trong đời sống của đức Phật có gặp những trường hợp như vậy không. Thì mới nhận thấy, Phật còn gặp nhiều hơn Bảo Thành. Biết bao nhiêu sự oan gia trái chủ tới với Phật từ vu khống, hàm oan, hãm hại, chửi bới, thậm chí mà còn muốn giết đức Phật, Ngài đều dùng thân giáo để dạy các đệ tử. Và những mẩu chuyện đời thường thật sự xảy ra với Phật là những giáo pháp phi thường, dạy cho chúng ta là luôn phải có chánh định qua hơi thở chánh niệm. Và ai biết thực tập hơi thở chánh niệm sẽ có chánh định thì mọi oan gia sẽ tận. Đây là một phương pháp vi diệu, phi thường, diệu thông, linh nghiệm mọi nơi mọi chỗ cho tất cả mọi người chúng ta!
Nếu các bạn đã, đang và nghĩ rằng sẽ phải trực diện với oan gia trái chủ, Bảo Thành mời gọi các bạn thực tập Thiền Mật song tu, chánh niệm hơi thở, thiền trí tuệ và từ bi! Để ít nhất có đau, có khổ, có bực mình khi oan gia tới cũng sẽ giữ được sự bình tĩnh trong chánh niệm, lấy trí tuệ soi chiếu, lấy từ bi gội rửa, để cái oan gia đó sẽ tận diệt, để cho sổ bộ oan gia trái chủ nhiều đời do ác nghiệp ta tạo đó, nó mỏng dần, nó mỏng dần, nó được tẩy xóa đi. Chứ còn không, ta lại ghi thêm một trang sử sách cộng vào cuốn sổ dày cộp từ vô lượng kiếp oan gia ta đã tạo, làm sao trả hết? Oan gia thì phải trả! “Oán với oán hà thời oán” nghĩa là oán hận với oán hận thì cả cuộc đời này cho đến đời sau luôn luôn chẳng bao giờ tận.
Phật dạy rất đúng, dùng tám con đường thánh sẽ chuyển hóa được tám cái khổ của con người, oan gia trái chủ là một phần trong sự khổ mà đời người chúng ta phải gặp, chánh định và chánh niệm hơi thở là phương pháp vi diệu để chuyển hóa và tận diệt hết mọi oan gia! Chủ đề “Oan Gia Sẽ Tận” thì phương pháp Bảo Thành nhắc một lần nữa, chánh niệm hơi thở tăng trưởng chánh định trong thiền trí tuệ và từ bi sẽ giúp cho chúng ta có thể tẩy xóa mọi oan gia khi tới với chúng ta, sẽ gội rửa mọi phiền não, đoạn diệt mọi oan gia, để chúng ta sống hạnh phúc và bình an.
Lời đức Phật dạy người ngày hôm qua nhổ nước miếng lên mặt Phật, chửi bới Phật đã không còn hiện diện trong ngày hôm nay khi đang quỳ chạm vào bàn chân Phật, lời Phật dạy người ngày hôm qua ngồi để nghe người ta chửi, để người ta nhổ nước miếng lên mặt đã không còn, người đang ngồi đây mà người Bà La Môn kia sờ vào chân là một con người khác. Đây chính là mật ngôn số 02 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, dùng trí tuệ để quán chiếu thật rõ tinh thần vô ngã tướng và vạn pháp vô thường sanh diệt, ngày hôm qua đã đi, ngày hôm nay tại đây, chỗ này là chánh niệm, chẳng để những ngày hôm qua lăn tăn mà ra oai tha thứ cho người đã phạm lỗi.
Khi ai phạm lỗi đến ta, ta có học hạnh của đức Phật không? Là người bị phạm là ta hôm qua có còn đâu, vô ngã tướng, vô thường, hôm nay hết rồi! Và người phạm đến ta có còn nữa đâu mà để vỗ ngực, để buộc, để ép, để trông chờ, thúc đẩy họ xin lỗi ta?! Bà La Môn đã tới xin lỗi Phật, Phật nói: “Không, không! Người mà nhà ngươi chửi hôm qua đâu có ở đây, người mà phỉ báng, nhổ nước miếng lên ta hôm qua đâu có ở đây!”. Hay vô cùng! Vẫn biết ta học tha thứ, nhưng tha thứ ngay tại chỗ trong chánh niệm khi sự việc xảy ra, đừng ôm ấp, cưu mang, cõng ở trên lưng tới những giây phút của tương lai mà làm cho hiện tại của đời sống u ám, xám xịt. Vô thường là đây!
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là dùng trí tuệ siêu việt Bát Nhã của Phật quán chiếu từng sát na vô thường đang xảy ra cho ta, hiểu thấu được điều đó qua chánh niệm hơi thở, ta không ôm ấp, ta không thù oán, nhưng ta sẽ làm cho oan gia của cuộc đời mình tận diệt chẳng còn. Chắc chắn các bạn và Bảo Thành sẽ phải đương đầu thật nhiều với oan gia trái chủ, những sự oan gia bất chợt tới không ngờ, nhưng những chuyện không ngờ như vậy, Bảo Thành và các bạn có một sự chuẩn bị thật kỹ trong chánh niệm hơi thở để trưởng dưỡng chánh định như con thuyền lớn ra khơi, sóng gió nào có sợ nữa? Chúng ta sẽ cập được tới bờ ước định mong muốn!
Các bạn, hãy tinh tấn trong chánh niệm hơi thở, thực tập miên mật để chúng ta thành tựu được pháp Phật nhiệm mầu ngay trong đời sống bình thường của Phật tử tại gia để chuyển hóa mọi oan gia, hầu, ngõ hầu đời sống của chúng ta an lạc và hạnh phúc thêm mỗi ngày!
Hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, giữ thân ngay ngắn, hơi thở nhẹ nhàng!
Thưa Phật! Chúng con đã hiểu thấu oan gia sẽ tận qua phương pháp Ngài dạy trong Bát Chánh Đạo đó chính là thực tập Chánh Niệm hơi thở quán chiếu bằng tâm Từ Bi Yêu Thương và Trí Tuệ để tăng trưởng Chánh Định. Nhất định phương pháp này chúng con sẽ làm và chuyển hóa được tất cả mọi oan gia xảy tới cho cuộc đời của chúng con.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức!
Thưa Phật! Chúng con vừa tu xong, sự đồng tu ngày hôm nay nếu chúng con tạo được một chút phước báu nào, thành kính nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.