Search

Bảo Thiện đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Chúng mình hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con miên mật hành trì mật thiền chánh pháp, lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, hành các pháp thiện, quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cầu cho tất cả hàng đệ tử chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, tin sâu vào nhân quả và tinh tấn tu học. Nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc, xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, hãy thong dong và tự tại, ngồi xuống thật vững chãi, hít thở đều đặn, sâu, hít vào ta phình bụng, thở ra ta hóp bụng, tổng trì các mật ngôn, mật ngôn Từ Bi – Mu A Mu Sa, mật ngôn Trí Tuệ – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mật ngôn Tỉnh giác – Ma Sa Ốp Uê và mật ngôn Thiện Lành – Sa Bi Mô U. Khi chúng ta đi vào hơi thở với tánh biết, biết rõ, ghi nhận rõ mọi cảm giác, mọi suy nghĩ chính là lúc chúng ta thông suốt sự tỉnh thức của chư Bồ Tát.

Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Các bạn đồng tu, sách vở ngày nay ai cũng có thể ghi và chép lại, phương tiện quá hay, chỉ cần một cái phone, ngồi suy nghĩ một chút, họ cứ thế miên man viết hàng tiếng đồng hồ, biết bao nhiêu trang giấy được ghi lại. Con người thích tự xử những tư tưởng của mình, ghi lên những dòng tâm sự. Cũng như vậy đã từ lâu thiền là một pháp môn tu tập, là con đường đi đến sự hiểu rõ, biết rõ để chuyển hóa đau khổ của mình, đã được sao chép lại theo những tư tưởng luận lý của nhiều người. Do vậy mà chúng ta khi đọc sách, khi nghe giảng cứ miên man hoài và lạc vào cái thiền hình như để chứng đắc thần thông, cái mà nó bay bay nhập vào cảnh giới của thần tiên, của Trời Phật. Thiền mà sâu nữa thì chui vào lòng đất, xuống tới địa ngục. Thiền mà cao chút thì bay lên trời, cảnh này, cảnh kia. Thiền mà không được thì lơ lơ lửng lửng. Chúng ta cứ đọc và người ta cứ viết hoài, chẳng biết thiền như thế nào nữa, xa dần cứu cánh của Đức Phật đã dạy cho chúng ta.

Nếu bỏ chữ thiền đi có được không? Được, vì thực tế thiền không có gì là xa lạ, mục đích của Đức Phật dạy thiền khi Ngài giác ngộ rồi, đó chính là để cho chúng ta thấy rõ được nguyên nhân khổ, chuyển hóa khổ đau. Vì chúng ta mê mà không biết được điều gì đã gây tạo ra khổ đau cho chúng ta, để từ đó ta không còn biết gì nữa, cứ khổ hoài, khổ mãi rồi tái sanh trong luân hồi, khổ. Đức Phật cả đời chỉ cho ta thấy cái khổ, dạy cho ta thấy cái khổ, biết cái khổ, hiểu cái khổ và tìm ra được nguyên nhân của khổ, chuyển hóa khổ qua cách hành thiền. Thiền tức là biết, đơn giản chỉ thế, không cầu kỳ, không rượt đuổi theo những ý nghĩa mà người ta sao chép lại thiền cái gì đó bạn nhập vô cảnh này cảnh kia, mình quên đi. Thôi quên đi kiểu nói của những bậc quá cao là thiền đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ thiền, thế này thế kia, cũng được.

Nếu như các bạn chẳng phải là cư sĩ tại gia, người có vợ, kẻ có chồng, có con, có cái, bận rộn công việc, thì bạn có thể đi sâu vào thiền để mà như sách vở viết đó. Còn hiện tại mình hãy bình thường như Phật dạy thiền là tu luyện tánh biết ngay trong hiện tại, để nhìn rõ được vào trong những thống khổ của đời thường, những nguyên nhân tạo khổ. Để có một đời sống an vui, một đời sống vững chãi, một đời sống biết vun bồi cho an yên, cho tự tại, cho hạnh phúc. Các bạn có thể nghiên cứu thiền về những pháp môn khác, thiền sâu, thiền cạn, thiền bay, thiền lơ lửng, tùy.

Nhưng đối với mật thiền chúng ta chú trọng chữ thiền sâu ở ý nghĩa nhìn sâu vào nội tâm của mình, qua hơi thở của chánh niệm tỉnh giác, mang tình thương và sự sáng suốt tưới tẩm vào trong tâm, để thấy và biết thật rõ ràng các việc bác ái yêu thương, các pháp thiện lành. Mà chữa lành tất cả sự thống khổ, đau đớn, những vết thương mà xưa kia ta đã gây tạo ra cho mình. Quên đi những cách diễn giải khác, hãy thực tế với cuộc đời, trong mật thiền ta lấy hơi thở chánh niệm làm cứu cánh để đưa tánh biết trở về với hiện tại. Từ đó quan sát mọi cảm giác, mọi suy nghĩ. Tánh biết khi được nuôi dưỡng trong chánh niệm hơi thở, tánh biết được nuôi dưỡng bằng tình thương thực sự, bằng năng lượng từ bi và năng lượng để chiếu sáng toàn thân nhìn rõ được mọi cảm giác, nhìn thấu được mọi suy nghĩ, cái đó sẽ giúp cho chúng ta luôn luôn thức tỉnh không u mê. Tất cả, tất cả những gì rất thiện ở trong lòng, rất lành ở trong tâm được phát ra bằng hành động cụ thể. Công năng của mật thiền là như vậy, có năng lượng vi diệu rất thực tế. Thiền không phải là chìm sâu vào một trạng thái gọi là mê, gọi là ngủ, hôn trầm thụy miên.

Thiền được tạm gọi là thiền sâu như các bạn hỏi là thiền đi sâu vào tánh biết, như một người biết quẳng đi toàn diện những cảm xúc, suy nghĩ của mình bằng tình thương, bằng sự sáng suốt, bằng sự tỉnh giác và bằng tâm chân thiện mỹ, đó gọi là thiền sâu. Cách thiền này mang tới kết quả rất hữu dụng cho cuộc đời của mỗi người. Mang đến sự an ổn trong tâm. Mang đến sự an yên, bình yên, hạnh phúc. Mang đến sự vững chãi. Mang đến sự kiên cố, sáng suốt, bình tĩnh để nhìn thấu mọi hoàn cảnh ta bước vào trong cuộc đời. Người tu tập đúng mức trong thiền sâu của mật thiền là người luôn luôn biết mọi chỗ, mọi nơi, khi đi, khi đứng, khi nằm, khi nói chuyện, khi nghỉ ngơi, khi ngồi vững chãi đều biết. Tánh biết được xiển dương như mặt trời tỏ lộ giữa không trung, làm tan đi tất cả đám mây mù, mây đen. Để nhìn rõ được vạn vật, cảm giác, suy nghĩ của chính ta, từ ấy mà ta nhìn thấy được những nguyên nhân mà đã tạo ra khổ cho chính mình.

Thiền là biết, biết thật rõ và ghi nhận thật rõ và trong cái thiền, thiền sâu, mà để chúng ta có thể chứng đắc được sự an lạc, bớt khổ, hết khổ, đoạn khổ, diệt khổ. Là cái thiền biết toàn diện ngay trong hiện tại, không mê hoặc, không rơi vào trạng thái như là chẳng còn biết không gian thời gian, chớp mắt một cái đã vài ba tiếng trôi qua. Như người ta đã kể về huyền thoại của thiền, tôi ngồi thiền, tôi vô thiền sâu lắm và chớp một cái tôi tỉnh dậy đã mấy tiếng trôi qua, đó là ngủ các bạn, là hôn trầm. Rồi cứ như thế bạn đã làm được gì trong giấc ngủ sâu, dĩ nhiên sự ngủ sâu cũng tốt cho sức khỏe, nhưng sức khỏe đó là của thân do sự ngủ sâu mang đến lợi lạc. Nhưng chẳng thể chuyển hóa được chiều sâu của đau khổ mà ta đã tạo ra. Cho nên thiền mà trong chánh niệm tỉnh giác, hít vào thật sâu đưa xuống dưới bụng dưới, thở ra chậm rãi bằng miệng, hóp bụng từ từ, nuôi dưỡng tánh biết, quán chiếu toàn diện thân tâm của mình.

Mọi cảm giác đều nhận biết thật rõ, mọi suy nghĩ đều nhận biết thật rõ, suy nghĩ và cảm giác nhận biết rõ trong từng hơi thở của chánh niệm. Chúng ta không khác gì như người chơi cây kiểng, cây chánh niệm đó, mọi cảm giác hoa lá cành kia, mọi suy nghĩ như là thân cây đó mà. Ta mang sự tươi mát của nước tình thương Mu A Mu Sa tưới vào, ta mang ánh sáng mặt trời trí tuệ của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang chiếu vào, ta mang sự tỉnh giác của Ma Sa Ốp Uê nuôi dưỡng cây và ta mang các loại phân bón thiện lành của lòng bác ái yêu thương chăm sóc, chỉ có vậy các bạn ơi, thấy rất thường. Nhưng nếu các bạn thực tập cho rõ, mỗi một ngày trôi qua bạn bớt đi phiền u, bạn bớt đi đau khổ, bạn bớt đi âu lo, bạn bớt đi sợ hãi và bạn dần dần sẽ nhìn thật rõ mọi nguyên nhân đau khổ. Chỉ có tánh biết mới giúp cho chúng ta thoát khổ, hết khổ, đoạn khổ và diệt khổ. Khi hết khổ, đoạn khổ, chuyển hóa được khổ đau, diệt được khổ thì hạnh phúc sẽ hiển thị, hạnh phúc sẽ ngay đó mà hiện diện trong đời sống của chúng ta.

Các bạn, đừng rong ruổi theo những ý nghĩa quá sâu của những nhà thạo văn chương chữ viết, của những nhà trầm mình trong tư duy, suy nghĩ để cài đặt ngôn ngữ huyền bí trong thiền định bằng những văn tự ngổn ngang mà ta chế tác ra. Hãy lột bỏ tất cả và hãy chân thật, chỉ cần trở về với tánh biết một cách trong sáng qua chánh niệm của hơi thở tỉnh giác. Chánh niệm hơi thở tỉnh giác là một phương thức thực tập mà chính Đức Phật đã thực hành, là một phương thức thực tập mà các bậc tổ sư đã theo lời Phật dạy thực hành để thấy khổ, hiểu khổ, thấu khổ, đoạn khổ, diệt khổ. Chúng ta ngày nay thiền gọi là thiền sâu chẳng thấy được khổ, chẳng chuyển được khổ, chẳng diệt được khổ mà chỉ chạy trốn cái khổ, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, trốn đầu này nó lòi ra đầu kia. Thế là hôm nay khổ, mai lại khổ, quay đầu chạy đông tây nam bắc, phương nào, hướng nào, quay mặt chạy tới đều thấy khổ. Nhìn đi, các bạn thấy khổ và phiền não cứ bủa vây bạn hoài vì chúng ta chưa sử dụng được tánh biết, thấy rõ để tăng trưởng trí tuệ thấu hiểu. Mà chúng ta chỉ trốn chạy, vùi đầu vào trong ý nghĩa của thiền mà người ta cài đặt trong văn tự, đắm mình ở trong đó để chạy trốn đau khổ.

Các bạn, đau khổ là một mặt của cuộc đời mà chúng ta tạo ra, nếu chúng ta nhìn thấu mặt đó và chúng ta biết rõ được chúng, thì cái mặt bên kia của đau khổ là hạnh phúc sẽ trình diện, sẽ lộ ra. Ta có thể chạm vào hạnh phúc ngay trong cuộc đời này. Không nói tới những ý nghĩa mà những bài học sâu, mà bạn trở thành một vị Phật, một vị thánh. Chẳng ai có thể trở thành một vị Phật, một vị thánh mà chưa trở thành một người hết khổ đau. Cho nên hết khổ đau là mấu chốt để thành tất cả những gì bạn có thể đặt ra, những cái tên cao cả. Hãy bình thường, hãy bình thường như một con người rất chân thật với chính mình. Để chúng ta thực hiện thiền của chư Phật dạy, đi vào chiều sâu của tánh biết, nhìn thật rõ. Chẳng phải gọi là thiền sâu như con tằm ngủ trong kén, nhả tơ phiền não cuốn chặt cuộc đời, chết vùi trong đau khổ, phiền lụy và bi ai. Nếu thiền đúng thì mỗi ngày, mỗi giờ dần dần trôi qua, chúng ta sẽ chứng được sự hỷ lạc trong cuộc đời, nhìn thấu được khổ đâu bằng tánh biết. Khi tánh biết nhìn thấu khổ đau, phiền não, thì khổ đau phiền não chẳng còn nữa đâu.

Cho nên hôm nay các bạn nhớ hãy chuyên chú vào hơi thở của chánh niệm tỉnh giác, hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng, quán chiếu tình thương, sự sáng suốt, sự tỉnh thức, sự thiện lành. Cứ như thế nhẹ nhàng phình bụng hít vào, thở ra hóp bụng, cảm giác biết rõ mọi cảm giác, mọi cảm xúc, suy nghĩ biết rõ mọi suy nghĩ và mọi tư tưởng của chúng ta. Tánh biết luôn hiện diện chẳng hôn trầm thụy miên, chẳng mơ, chẳng bơ bơ ở cảnh chư thiên, cảnh trời, cũng chẳng thể nhập vào lòng đất sâu để tìm. Mà nhìn thật rõ mọi cảm giác, mọi suy nghĩ bằng tánh biết luôn sáng như mặt trời trong từng giây, từng phút mà ta còn hít vào thở ra. Các bạn, mời các bạn trở vào và trở về với hơi thở chánh niệm.

Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con luôn kiên trì trong hành trì mật thiền hơi thở chánh niệm, để thể nhập vào tánh biết, nhìn rõ được mọi nguồn cội đau khổ mà chúng con đã tạo ra.

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn