Search

Trăng Soi Đầu Ngõ

Trăng soi đầu ngõ nghiêng nghiêng
Rọi vào tâm thức ngủ quên giữa đời
Chân như tánh phật rạng ngời 
Dậy thôi tỉnh thức mà vui kiếp người

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý cô, cùng các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi, đã tới giờ đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi tam bảo, cùng với Bảo Thành trì hồng danh đức Phật, trì Đại Bi chú, vãng sanh chú và Thất Bảo Huyền Môn.

Chúng ta trong ngày hôm nay đặc biệt hồi hướng cho hương linh Bảo Phúc được vãng sanh và hồi hướng cho sự bình an của phật tử Bảo Hùng để vượt qua mọi khó khăn trong cơn đại bịnh, luôn giữ tâm thanh tịnh, chúng ta cũng nguyện cầu cho tất cả chư vi Cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh và đặc biệt hồi hướng cho những đấng bậc sanh thành, vợ chồng con cái, người thân của chúng ta còn đang sống luôn được bình an hạnh phúc, có niềm tin sâu vào ba ngôi tam bảo, vững vàng trên con đường tu tập, để có được sự trải nghiệm về hạnh phúc và an lạc.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chú Đại Bi…. Vãng Sanh chú….

Mu A Mu Sa

Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang

Ma Sa Ốp Uê

Sa Bi Mô U

Sa U Sa U Ba Thê Um

Nam Mô Saka Pouttê, Nam Mô Saka Pouttê

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha

Mô Phật! Các bạn thân mến, mới hôm nào chúng ta mới mừng xuân, tết vừa tới, hôm nay nhìn ở trên lịch đã tháng tư rồi, chỉ còn trên một tháng nữa lại sắp tới ngày chúng ta kỷ niệm ngày Đức Phật đản sanh.

Cuộc đời cứ vần quay, xoay xoay vậy mà chỉ một thoáng thời gian trôi qua nhanh như con thoi, ai có ngờ được những chuyện gì sẽ và đang xảy ra. Với chủ đề nghe thật là thơ mộng “Trăng Soi Đầu Ngõ”, gợi nhớ cho tất cả mọi người chúng ta về một thuở nào đó của năm xưa khi còn thật bé. Những đêm tối mà ông bà còn đang đốt đèn dầu li ti, chạy ra đầu ngõ vào những đêm trăng rằm, mặt trăng tròn trĩnh lơ lửng ở trên không, đẹp, dịu dàng. Ánh trăng thật sáng nhưng mà êm ấm, để cho những đứa trẻ như chúng ta rượt đuổi theo mặt trăng, thậm chí mà có nhiều lúc ta tưởng rằng ta chạy quá nhanh, trăng đã chạy không kịp, dí theo ta mà không tới.

Đầu ngõ vẫn bóng trăng đó, soi ở đó, mà ở ngõ đó nào có còn những người trẻ thơ như hồi xưa để mà rượt đuổi với trăng như tìm lại một chút thơ mộng của tuổi thơ đâu. Cũng với tư tưởng đó, cái thuở xa xưa ấy, xa lắm rồi, ở những ngôi Chùa ở miền núi, những Thiền tự ở miền xa, hay những Thiền thất, Tịnh xá ở trong thành phố.

Dù là ở xa hay ở thành phố, Chùa chiền vẫn là nơi tuyệt đối thanh tịnh, nhẹ nhàng. Nơi đó chúng ta nhất định đã từng được ông bà hoặc cha mẹ dắt tới Chùa, và chúng ta vẫn còn nhớ hình dáng của một vị sư trong màu áo nâu. Và chúng ta còn nhớ thật rõ bàn chân mềm của tuổi thơ chúng ta vẫn còn được đạp chân lên chỗ này, chỗ kia của sân chùa mà chẳng có một chút gì gọi là dính mắc ở trong tâm.

Trên môi miệng của trẻ thơ ở sân Chùa khi ông bà, cha mẹ dắt tới đó vẫn còn líu lo những ngôn từ chẳng có được màu sắc phân biệt của thiện, ác. Và vẫn đôi mắt thơ ngây ấy, ta nhìn những đấng bậc xuất gia như vầng trí tuệ sáng ngời để ánh mắt đó nhìn xuyên suốt mọi góc, mọi ngõ nơi ngôi chùa mà chẳng có một sự phân biệt tốt xấu.

Đẹp làm sao cái tuổi xưa ấy khi Chùa là nơi tuyệt đối thanh tịnh, ở đời đầu ngõ có ánh trăng ta chơi, ở Chùa có mặt trăng trí tuệ của những bậc đã thoát tục. Bàn chân năm đó vẫn còn, rồi tiếng nói năm đó vẫn vang vọng trong tâm thức, để ánh mắt trẻ thơ với cái nhìn tuyệt vời đó mỗi khi nhớ lại thấy chạnh lòng. Bởi ngôi sao mà chúng ta vẫn hỏi ở trong đầu là sao ta lại có nhân duyên ngày hôm nay tiếp cận với Phật pháp?

Các bạn, ngày xưa Chùa chiền mà chúng ta đi tới tuyệt đối thanh tịnh và kinh sách, tiếng chuông mõ thật khan hiếm. Để nghe được tiếng kinh, tiếng mõ, tiếng chuông, được nhìn thấy hình dáng của bậc xuất gia ta phải tới Chùa và ai đó có duyên với Phật thì thực sự khi tới Chùa chẳng khác gì như đứa trẻ được nhìn thấy ánh trăng tỏ, trăng rằm sáng lung linh treo ở đầu ngõ để mà nhìn, để mà rượt đuổi, thật thân thiện, thật gần gũi. Hồn nhiên như trẻ thơ thấy mặt trăng không có phiền lụy gì các bạn ạ, nhất là khi chúng ta đã là những người đã lớn tuổi, phiền muộn chất chồng ở trên vai, nhưng khi vào những đêm rằm nhìn ở trên bầu trời, trăng lơ lửng ở đầu ngõ đó ta vẫn vơi đi thật nhiều sự buồn phiền trong cuộc sống. Mặt trăng thật gần gũi với đời sống của con người, dù là ngàn năm xưa hay hiện tại ngay bây giờ, mặt trăng vẫn rất gần gũi với đời sống con người, rất thân thiện, rất dễ thương. Mặt trăng không xa, không làm cho chói mắt, thật dịu, thật nhẹ, thật đẹp.

Hình dáng của một bậc Tôn túc xuất gia không khác gì mặt trăng, treo ở đầu ngõ cuộc đời của mỗi người, để không cần biết bụi bặm của cuộc đời có đầy ắp trên đôi vai gầy của chúng ta, rác rưởi của cuộc đời có chồng chất làm mù lòa đôi mắt, thì ta khi tới Chùa những điều đó hình như cũng thoáng rơi nhẹ để hồn thật tươi vào lễ Phật kính Tăng.

Trăng Soi Đầu Ngõ là nói đến một ánh sáng mà chúng ta noi theo như Đức Phật ngón tay chỉ trăng, nhưng mà cuộc đời mấy ai có thể gặp được mặt trăng tròn đâu, là khi đến ngày rằm, bởi ta cứ thấy trăng khuyết thường chê trách mặt trăng cứ khuyết hoài, rồi mặt trăng còn tối như đêm ba mươi. Nhưng thực tế trăng chẳng bao giờ khuyết, chẳng bao giờ tối, chỉ có cuộc đời của chúng ta là tối, cuộc đời của chúng ta là khuyết. Trăng vẫn tròn đó, trái đất vẫn vần xoay, cuộc đời nó xoay vần, năm tháng cứ từ từ đi, ta không nhận, ta cứ tưởng rằng trăng khuyết, trăng tròn, chứ đâu có ngờ rằng ta có tròn, có khuyết, lúc đen, lúc tối.

Ngày xưa tới một Chùa an tịnh như thế, lời kinh phải nghe được tại Chùa, chuông mõ cũng chỉ Chùa có mà thôi. Ngày nay ở trên mạng, trên Facebook, trên Twitter, trên Zalo, trên Youtube, kinh sách in đầy, giảng đầy, chuông mõ đầy hết. Có phải chăng chúng ta thử nghĩ: Mặt trăng tròn trong đêm rằm làm cho chúng ta mới thấy được giá trị, còn nếu như cả ba mươi ngày trăng đều tròn đều sáng, có phải là chúng ta đã nhàm không ? Và ngày xưa tiếng kinh, mõ thoáng thoáng mới nghe được tiếng chuông ngân hình dáng của một bậc Tôn túc, lâu lắm ta mới có cơ hội nhìn thấy khi tới Chùa, còn ngày nay chúng ta không tới Chùa, chúng ta lấy phone gọi là Tôn túc sẽ tới, các bậc Thầy sẽ tới, các sư Cô sẽ tới tận nhà làm lễ. Mặt trăng tròn, hiếm, một tháng mới gặp một lần, hồi xưa gặp được bậc Tôn túc, nghe chuông mõ, nghe kinh, là niềm vĩnh phúc, tuyệt vời. Ngày nay chỗ nào cũng có, vì hoằng dương đạo pháp, vì chúng sanh bận rộn, vì con người không còn có thời gian riêng tư để trả lại cho mình cái tuổi thơ của những bước chân vẫn được phép bước đây đó mà chẳng hề in dấu của sự vướng mắc.

Vì sao ? Bước chân của cuộc đời đã lăn lóc đây đó, in hằn những vết rằn của sự dính mắc trắng, đen, thế, khi bước tới Chùa, nhất định sẽ in dấu dính mắc trong sân Chùa thanh tịnh mà thôi. Líu lo như chim ngày xưa, trong suốt như mặt trăng, chẳng hề vẩn đục của thị phi, của đâm thọc, còn vang vọng ở sân Chùa. Nhưng tiếng nói của ta ngày hôm nay nó đã đục ngầu trong những phần văn ngữ thô ác, thị phi nếu tới Chùa chắc có lẽ quét hoài cũng không xong. Ánh mắt thơ ngây của thuở đó khi ta theo ông bà tới Chùa như Thiên thần, của thiện thần, trong sáng, tinh tuyền, nhìn đâu cũng không thấy tối, sáng, đúng sai. Nhưng ánh mắt ngày nay đi vô Chùa là thấy đúng, thấy sai, thấy chê thấy trách, thấy than thấy phiền, chúng ta thấy mặt trăng khuyết là ở chỗ đó.

Trăng Soi Đầu Ngõ, Phật lấy tay chỉ trăng nhưng rồi kinh điển và phương tiện quý Thầy, quý Cô hiển lộ thật rõ trong cuộc đời gần quá, đến mức mà ngày nay không cần phải lấy tay để chỉ trăng, mà lấy tay để bấm phone, nhắn tin để yêu cầu Thầy và quý Cô tới tận nơi. Chúng ta chẳng còn có bước chân tự tại để đi tới đón nhận mà hình như đã tôn vinh mình và cũng vì điều đó mà hình như bóng Chùa đã thưa dần hình bóng của Phật tử, và nhìn theo một góc độ nào đó ánh trăng đầu ngõ vẫn tỏ nhưng lòng người vẫn đó, bây giờ thì tối tăm, ta không tới Chùa.

Tiếng kinh đầy ở trên mạng, tiếng mõ đầy ở trên mạng, nhiều quá, phải chăng dưới sự bận rộn của con người đời thường Phật tử tại gia, phương tiện để dẫn mỗi con người trở về với Phật quá hay, quá siêu đến mức đầy tràn hết. Cho nên người Phật tử đã mất đi cái tầm nhìn thấy đó như mặt trăng thật hiếm hoi sáng một lần trong một tháng, nhiều quá hóa ra nhàm. Nhưng đó là do họ khôngcó phước báu nên nhìn trăng sáng mỗi ngày họ nhàm, thấy kinh kệ, các bậc tôn túc mỗi ngày họ chán. Còn người có phước báu, ánh trăng dù có hiển lộ ba mươi ngày trong một tuần, các vị Tôn túc, tiếng kinh, tiếng kệ, lời giáo dưỡng của các Ngài tới với chúng ta từng giây, từng phút, sẽ biến thành dòng sữa của mẹ, để nuôi bước chân trẻ thơ của chúng ta vẫn vững chãi. Thời gian đã trôi qua ngồi đếm lại đã nhiều số lắm rồi nhưng dưới con mắt của sự tịch tĩnh, an yên ta vẫn luôn luôn trẻ, ta vẫn luôn luôn được phép tới Chùa, để bước chân trẻ thơ đã nhuộm màu năm tháng, vẫn có thể bước đây, bước đó mà không in dấu bụi bặm của cuộc đời bởi nơi đó có bậc Tôn túc đón chờ, nơi đó có tiếng kinh, tiếng kệ, có lòng sám hối, khẩn tâm ta sửa mỗi ngày.

Tiếng nói của ta dù là tiếng nói của cuộc đời thì vào Chùa tiếng chuông chắc cũng làm cho thanh tịnh mà thôi, ánh mắt dù có phân biệt đi nữa thì khi chúng ta dù ở tuổi đời nào trở về Chùa, chúng ta vẫn thấy mặt trăng của trí tuệ. Mặt trăng trí tuệ vẫn tròn, ở ngay nơi chánh điện, tôn tượng của Bổn Sư vẫn đó, Ngài vẫn là một bậc minh tuệ tỏ như vầng trăng, sáng như mặt trời. Hãy nhớ về tuổi thơ ta chạy theo trăng, trăng đẹp và hãy nhớ về tâm thiện ta tới với Phật, tới Chùa, tới Tịnh thất, tới Thiền viện, tới nơi thờ tự là tới mà gặp mặt trăng trí tuệ của Phật.

Ngày xưa Trăng Soi Đầu Ngõ, thích thú vô cùng, ngày nay trăng vẫn đó nhưng ít khi nhìn trăng, chỉ khi nào ta thấy trăng là dễ thương, khi trải qua những vùng khuyết của cuộc đời mang lại tang thương và đau đớn, lúc đó ta mới nhớ đến sự tròn trĩnh của trăng. Khi nào chúng ta mới tới chùa để gặp quý Sư, quý Cô để tụng một thời kinh để sám hối để tu luyện, khi mà trong lòng của chúng ta gặp trăm điều bất như ý, khi mà trong trái tim của chúng ta đau đớn, khô quặn, khi mà trong tâm của chúng ta phiền não và khổ. Đó là những lúc trăng đã khuyết, mảnh trăng của cuộc đời ta đã khuyết ta mới tới để nhìn vầng trí tuệ của Phật, để tiếp cận với quý Thầy, quý Cô, để ngồi xuống một lần dâng lên tiếng kinh kệ, thả tâm hồn cho nhẹ nhàng, bay vào tận hư không rửa đi chút bụi trần cho vơi đi chút khổ đau.

Các bạn, Trăng Soi Đầu Ngõ là trăng trí tuệ, dù chúng ta không đón thì mặt trăng trí tuệ của tuổi thơ vẫn nằm, vẫn treo, vẫn ở trên nền trời cao rộng kia.

Các bạn, tuổi thơ ta vẫn chơi với Trăng, ta vẫn gần với Trăng, và Trăng ngay đầu ngõ của cửa nhà chúng ta đẹp biết bao, thơ mộng biết bao. Đức Phật như mặt trăng của cuộc đời, Ngài rất đẹp, Ngài đẹp đến mức mà dù chúng ta có chạy tới đâu đi nữa thì mặt trăng trí tuệ của Phật vẫn như mặt trăng ở trên trời chạy theo chúng ta bởi Phật không bao giờ bỏ ta, Phật luôn theo chúng ta. Phật coi chúng ta như một người trẻ thơ, còn bé lắm, còn dễ thương lắm, Phật vẫn theo chúng ta bởi Ngài có lòng đại từ và đại bi. Theo để soi sáng, để cho bước chân lầm lỡ của cuộc đời sẽ nhìn thấy đường mà đi, không té vào hố sâu của tội lỗi, để bước chân đó vẫn thơ như thuở nào.

Mặt trăng trí tuệ của Phật vẫn soi sáng cả một sân Chùa để cho chúng ta môi miệng của cuộc đời, bùn dơ, đất thúi vẫn có thể tỏ lộ cái tiếng thơm như thuở nhỏ tới Chùa cùng ông bà. Và mặt trăng trí tuệ của Phật vẫn soi tỏ nơi chánh điện, như vầng trăng luôn luôn sáng, luôn luôn là rằm, để cho ánh mắt của ta có thể nhìn thấy thế gian chẳng phủ lên sự phân biệt, vẫn thơ, vẫn đẹp. Phật vẫn theo ta, trí tuệ của Phật vẫn hiện hữu, mặt trăng vẫn tròn, vẫn soi đầu ngõ, chỉ có điều là khi ta khuyết, ẩn vào trong vùng sâu tăm tối của bụi trần, bon chen của chấp trược. Nếu ta một lần xoay lưng nhìn thấy mặt trăng thì ta đã trở về với tuổi thơ an nhàn và tịch tĩnh như thuở thật bé được ông bà, cha mẹ dắt tới Chùa.

Các bạn, các bậc Tôn túc, Tăng ni, xã hội ngày nay đã làm cho các Ngài phương tiện hóa, để có thể hiển lộ thật gần gũi nơi phone, nơi những màn hình, từng giờ từng phút, bởi biết các bạn thật bận rộn không thể tới Chùa, nhưng nhớ rằng, khi nào cũng có mặt trăng trí tuệ ở đó. Các bậc Tôn túc luôn luôn sẵn sàng hiển lộ như một người bạn thật thân, thật gần, luôn luôn đùa giỡn với ta như Trăng. Các bạn cứ chạy đi, Trăng sẽ theo bạn, các bạn cứ bỏ Phật đi, Phật vẫn ở đó theo bạn, Phật không bỏ bạn, các bậc Tôn túc không bỏ bạn, chân lý không bỏ bạn.

 Trăng soi đầu ngõ nghiêng nghiêng
 Rọi vào tâm thức ngủ quên giữa đời

Ôi tuyệt vời! Các bạn còn nhớ thuở xưa Trăng soi ở đầu ngõ nó nghiêng, mẹ thì đặt chúng ta ở trên võng, để rồi mặt trăng nó rọi vào nơi cái sân, cái góc nhỏ của ngôi nhà, rồi lắc qua lắc lại ru ta ngủ, đúng là một hình ảnh tuyệt vời của người mẹ ru con giữatrăng rằm. Trăng soi đầu ngõ nghiêng nghiêng, rọi vào tâm thức ngủ quên giữa đời, giữa cuộc hồng trần bôn ba vô tận, chúng ta đã ngủ quên để rồi không còn thưởng lãm được cái đẹp tinh tuyền, trong suốt, tuyệt vời của vầng trăng rằm soi ở đầu ngõ kia.

“Nghiêng nghiêng trăng tỏ màu hồng

Hồn xưa biến mất thân gầy còn không?”

Các bạn, Trăng soi đầu ngõ đẹp lắm, bởi vì Trăng soi đầu ngõ nghiêng nghiêng, rọi vào tâm thức ngủ quên giữa đời. Trăng là trí tuệ, trăng là Phật, trăng là những con người thoát ra khỏi bụi trần, không còn vẩn đục, không phải để cho ta bám vào đó, nhưng để noi gương mà thấy được sự sáng của cuộc đời vẫn còn có ở trong ta dù cho trăm năm vùi đầu trong chốn khổ thì một lần đứng dậy trăng vẫn tỏ ngoài kia.

 Trăng soi đầu ngõ nghiêng nghiêng
 Rọi vào tâm thức ngủ quên giữa đời
 Chân như tánh Phật rạng ngời
 Dậy thôi tỉnh thức mà vui kiếp người 

Chính mặt trăng trí tuệ vẫn soi ở đầu ngõ, chính ánh sáng Phật pháp, dù cuộc đời có thay đổi quá nhiều, hiện đại hóa, vẫn soi tỏ ở trong phone, vẫn soi tỏ ở trên máy tính, vẫn soi tỏ ở mọi phương tiện, trên Facebook, trên Zalo, trên Youtube. Để làm sao, để chân như tánh Phật rạng ngời của những con người đời thườngphật tử tại gia lại có thêm một cơ hội tuyệt vời nữa để thấy được vầng trăng soi đầu ngõ nghiêng nghiêng tuyệt vời để mà rọi vào tâm thức mà chúng ta đã bị ngủ quên ở giữa cuộc hồng trần, ở giữa cuộc đời bôn ba đây đó. Để chúng ta một lần nữa thấy được chân như Phật tánh, tánh Phật vẫn còn rạng ngời ở trong tâm, để làm sao để mỗi người chúng ta tự giác, tự đứng dậy, dậy thôi. Để làm gì? Để tỉnh thức mà, để vui với một kiếp người, kiếp người đã khổ quá rồi, cuộc đời đã khổ quá rồi, muốn vui thì các bạn phải thức dậy, phải tỉnh thức. Các bạn phải trở về với chân như Phật tánh, nó rạng ngời ở trong tâm, chỉ cần quay về ánh trăng đầu ngõ vẫn soi tỏ, Phật pháp trường tồn vẫn còn đây, em ơi hãy quay về, để ta cùng bóng mà trở về hồn chân như.

Các bạn thân mến! Trăng soi đầu ngõ là một điều rất mộng rất mơ, đối với cuộc đời biết bao nhiêu nhạc sĩ, thi sĩ, thơ phú đã đặt ra mặt trăng tuyệt lắm, nhưng đối với hai ngàn năm trăm sáu mươi mấy năm thì ánh trăng Phật pháp, ánh trăng trí tuệ mà Phật chỉ cho chúng ta qua ngón tay bậc giác ngộ, vẫn luôn luôn treo ở đầu ngõ, vẫn luôn luôn tỏ ở đầu ngõ cuộc đời, đầu ngõ tâm thức tối tăm của chúng ta. Chúng ta chỉ cần bước ra khỏi cái vùng phủ của sự chấp, tham trược, của ái thì nhất định mỗi người của chúng ta sẽ trở về như trẻ thơ, hồn nhiên vô tận, để đón nhận ánh trăng Phật pháp, ánh trăng giác ngộ của một bậc đại hùng, đại giác Bổn Sư Thích Ca chỉ cho chúng ta.

Ta đã trốn, ta đã chạy, nhưng đừng sợ, hãy trở về với tuổi thơ khi ông bà dắt ta tới Chùa, hãy trở về với hồn nhiên tự tánh của chân như, tánh Phật thật rạng ngời, thật sạch, thật đẹp, thật tinh tuyền, thật an nhiên, thật thơ. Thơ như trẻ, ta có thể chạy vòng vòng ở trong Chùa bởi bàn chân của chúng ta không còn sự dính mắc của cuộc đời. Trở về với tánh Phật dù trăm tuổi đi nữa khi tới Chùa, Chùa sẽ là nơi in dấu của cuộc đời, nghe tiếng kinh, tiếng kệ.

Các bạn có còn nhớ thuở xưa không, ông bà đã dắt ta tới Chùa, quý Thầy vui bởi thấy bước chân trẻ thơ sẵn sàng để cho in dấu trên khắp mọi ngõ, ngõ ngách của Chùa, chánh điện hay ngoài sân, quý thầy rất vui khi nghe thấy tiếng cười của trẻ thơ, tiếng cười híc híc trong veo như vầng trăng tròn không mây đen che phủ. Quý Thầy rất thích ánh mắt, ánh mắt không có phân biệt, không có đen, có tối, có đúng, có sai. Khi trở về với ánh trăng đầu ngõ, mặt trăng trí tuệ mà Phật chỉ cho chúng ta thì chúng ta đi đâu vào cuộc đời, chân ta sẽ không còn in dấu hằn của sự phân biệt chấp trược, miệng ta nói chẳng có gai góc, hầm hồ, mắt ta nhìn chẳng có dính mắc, hơn thua thì chính nơi nào ta tới với tâm thái như vậy thì nơi đó biến thành một Thiền đường, một Tu viện, một ngôi Chùa.

Chùa ở đâu, Chùa ở ngay chỗ ta đang sống, Chùa ở chợ, Chùa ở mọi nơi khi mỗi người chúng ta giữ được bàn chân trong sạch, tinh không, nhẹ nhàng trong từng bước chánh niệm. Chùa ở đâu, chùa ở mọi nơi khi chúng ta đang hiện hữu với những ngôn từ không gai góc nhưng chan chứa tình người, thật ấm, thật dễ thương, thật ái ngữ. Chùa ở đâu, không ở trên sơn, tức là núi cao, trong rừng sâu nguy hiểm, nhưng mà Chùa ở trong mỗi một chỗ mà ta tới, mỗi nơi ta tới bằng ánh mắt nhìn xuyên suốt, không có đúng sai, không có phân biệt, không có đen trắng.

Các bạn, chúng ta hãy trở về với mặt trăng của chân tâm, của chân như, trăng chân như vẫn soi ở đầu ngõ, hãy một lần nữa để mình trở thành trẻ thơ để đi về.

 Trăng soi đầu ngõ nghiêng nghiêng
 Rọi vào tâm thức ngủ quên giữa đời
 Chân như tánh Phật rạng ngời
 Dậy thôi tỉnh thức mà vui kiếp người 

Các bạn, trong ngày này chúng ta hãy trở về để được một lần nữa nhìn ánh trăng nghiêng nghiêng, nhớ về hình dáng của ông bà, cha mẹ, Cửu huyền thất tổ đã dìu bước ta tới với vầng trăng của trí tuệ, của Phật. Để vầng trăng trí tuệ của Phật đó rọi vào tâm thức để chúng ta không còn ngủ quên giữa cuộc hồng trần đau khổ này nữa, để cho chân như, tánh Phật của chúng ta sẽ lại rạng ngời một lần nữa, rạng ngời như trăng rằm, để chúng ta thật sự tỉnh thức, để chúng ta thức dậy mà vui với một kiếp người còn đang sống.

Các bạn, hãy cố gắng, dù bận rộn tới đâu hãy trở về với vầng trăng trí tuệ của nhà Phật, hãy tinh tấn tu học, tiếng kinh, tiếng kệ, tiếng chuông, tiếng mõ, những thời kinh như vậy sẽ đưa chúng ta thoát khỏi vòng tục lụy. Hãy trở về với chánh niệm hơi thở, hãy trở về với tự tánh của tâm đại từ đại bi, hãy mở đôi mắt trí tuệ để chúng ta nhìn xuyên suốt, để cuộc sống của mỗi người chúng ta, bớt khổ thêm vui, để rồi san sẻ niềm vui đó tới cho muôn người. Cám ơn các bạn đã nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Hôm nay ngày thứ bảy, chúng ta chia sẻ, không biết các bạn có chia sẻ điều gì, hoặc có câu hỏi gì không, thì cho Bảo Thành nghe. Mô Phật.

Dạ thưa thầy, con Bảo Nghy, kính chào quý Thầy, quý sư Cô, các bạn đồng tu, có lẽ là lời nhắn nhủ của Thầy rất là gợi đầy cảm xúc cho bản thân con. Con nghĩ cũng có thể giống như vậy đối với các anh chị em đồng tu, con cũng đang rất là cảm xúc bay về cái thời tuổi thơ khi mà đi theo trăng và quay lại nhìn ánh trăng đi theo mình để mà cảm nhận được điều thầy giảng dạy hôm nay là chân lý của Đức Phật trí tuệ, của Phật mà một thời chúng con đã từng đi theo và ngóng chờ sự theo bước, dõi bước của vầng trăng sáng thuở ấu thơ. Bây giờ làm cho chúng con rất là nhiều cảm xúc để mà đánh thức tuổi thơ của mình, đánh thức Phật tánh chân như ở trong tâm mình nên cảm xúc rất là nhiều, và con cũng chưa có thấy câu hỏi hoặc sự chia sẻ của chị em nào, chắc là hôm nay không có thêm sự chia sẻ nào ạ, con cảm ơn Thầy ạ.

Mô Phật! Như vậy chúng ta hãy chắp tay vào hồi hướng công đức tới Cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, những người quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Hồi hướng công đức tới cha mẹ tại tiền, những bậc sinh thành lên chúng ta, tăng long phước thọ và hồi hướng công đức tới tất cả mọi người, đặc biệt chúng ta hồi hướng công đức cầu siêu cho hương linh Bảo Phúc và cầu an cho phật tử Bảo Hùng. Nguyện xin chư Phật luôn luôn dẫn đường cho chúng ta đi trên con đường thiện pháp, thành tựu phước báu, tu cho được an và hạnh phúc giữa cuộc đời nhiều thử thách này. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts