Search

Tôn Giả Nhàm Chán Sanh Tử

Các bạn thân mến, Chúng ta hãy cùng nhau gợi ý về một chủ đề. Chủ đề này nói rõ luôn là: Nhàm chán sanh tử

Xưa có một câu chuyện chuyện kể rằng, toàn người dân ở miền nam Ấn Độ, bỗng nhiên nghe thấy một câu chuyện rằng ở miền bắc Ấn Độ có một bậc thánh, đã tu chứng đắc. Vị Tôn giả ở miền bắc đó đã chứng đắc và cao siêu, nhiệm màu biết bao. Cho nên người dân miền nam Ấn Độ xôn xao bàn tán liên tục. Sự bàn tán đó rộng ra trong xã hội, ai ai cũng nghe về câu chuyện ở miền bắc Ấn Độ có một vị tôn giả đã chứng đắc và thành tựu được pháp an lạc. Thế nên có 2 người bạn thanh niên kia, cũng quyết tâm đi về phía bắc để tìm vị tôn giả chứng đắc.

Hai người bạn này đã cùng nhau vượt qua biết bao nhiêu những chặng đường thử thách của cuộc đời. Từ miền nam Ấn Độ đi tới miền bắc Ấn Độ và hỏi người ta vị tôn giả đó ở đâu, thì được chỉ rằng ở trên rặng núi cao kia. Hai người bạn tiếp tục lần mò đi mãi, cuối cùng đã tới được chân núi, thì thấy được một người tu, hình như có vẻ là tu khổ hạnh. Thân xác thì còm, mặt mũi thì xấu xa, dơ dáy, gầy gò. Nhìn thật là khổ! Hai người này mục đích muốn tìm bậc tôn giả chứng đắc ở núi, cho nên đã hỏi vị sư tu khổ hạnh xấu xa xấu lắm các bạn, vừa hôi vừa xấu vừa gầy vừa tiều tụy ở dưới chân núi rằng, vị tôn giả chứng đắc miền bắc đang ở đâu? Thì vị tu khổ hạnh kia mới chỉ lên trên đỉnh núi cao và nói rằng, ở trên hang động thứ ba trên đỉnh núi, có vị tôn giả chứng đắc ở đó.

Hai người bạn này cùng nhau miệt mài ngày đêm trèo lên núi đó. Và khi lên hang động thứ ba, thì gặp thấy vị tôn giả đó đang đứng xoay người vào bên trong, chỉ có lưng hiện ra bên ngoài. Vị tôn giả đó đang quét rác. Hai người này nói với vị tôn giả rằng: thưa tôn giả, ngài đã chứng đắc rồi, ngài đã chứng đắc rồi ư? Vị tôn giả đó trả lời, ta là người đã ở đây, đã sống, ở và đã tỉnh giác. Hai người kia liền nhận ra rằng, đây chính là bậc tôn giả giác ngộ. Nhưng liền nói rằng, sao một bậc tôn giả giác ngộ, lại làm một việc quá tầm thường, quá tầm thường đó là quét rác, mà không ngồi thiền, mà không tụng kinh, mà không làm một việc gì đó được gọi là tâm linh, đi quét rác, tầm thường quá.

Vị tôn giả đó cũng chưa quay mặt lại, tiếp tục quét rác, nhưng kể một câu chuyện rằng: Hai anh có biết không, ở trong một tiền kiếp xưa, khoảng chừng 500 kiếp về trước, ta còn làm việc đê tiện hơn là quét rác nữa, bởi kiếp đó ta chỉ là thân kiếp của một con chó, ta còn phải ăn những đồ vung vãi ở trên bàn, đồ dư của người ta quăng vào sọt rác, thậm chí còn phải ăn phân nữa kìa để sống và tồn tại. Thế rồi một hôm, con chó đó đói quá, không có đồ ăn, mới chui vào một cái bồn ăn của ông chủ để ăn. Khi ông chủ về, giận dữ quá, mới chém đứt đầu, con chó đó chính là ta. Chính vì phước báu nhiều đời tích lũy được, ta có đủ nhân duyên sanh ra làm người, nhàm chán sanh tử của cuộc đời, nên đã tu đi tới sự tỉnh giác. Cho nên sự ăn phân, ăn đồ thừa, những chuyện chạy lang thang đó, ta đã từng làm, quét rác có gì đâu mà một vị chứng đắc không thể làm.

Hai người bạn này nghe qua câu chuyện đó, cảm kích vô cùng, hiểu thấu được con đường đi tới sự tỉnh giác. Không phải để trở thành một bậc cứ ngồi như pho tượng ở trên núi, nhưng rất bình thường như muôn người. Cũng vóc dáng bình thường hao hao gầy gò, cũng vóc dáng bình thường như … Uh, nói tới đây thì họ mới chợt nhận ra sao giống vị ẩn sĩ ở dưới chân núi quá vậy, nhìn cái lưng thôi. Thế là hai người này quỳ xuống đảnh lễ và xin, xin để được nhìn khuôn mặt của bậc tôn giả. Khi vị tôn giả đó xoay lai, ngỡ ngàng làm sao, vị đó chính là vị ẩn sĩ dưới chân núi. Hai người này cảm thấy bàng hoàng vô cùng. Bởi tốn biết bao nhiêu sức mới có thể leo núi tới hang động ở trên đỉnh. Vậy mà, vị ẩn sĩ kia không hiểu sao đi đường nào mà đã về đây trước họ. Lướt qua sự suy nghĩ như vậy, và nghe được sự khai thị của bậc tôn giả nói về 500 kiếp trước chỉ là thân con chó, phải ăn đồ dơ, thế mà có tâm cầu đạo giác ngộ, 500 kiếp sau đủ phước làm người, tu đi đến sự chứng đắc và tỉnh giác. Hai người này liền bái sư học đạo, vì nhàm chán cảnh sanh tử trong cuộc đời và đã tu ở đó cho tới sự chứng ngộ viên mãn.

Các bạn thân mến, câu chuyện cao siêu, cao siêu thật đối với thế giới đời thường ngày hôm nay. Nhưng Bảo Thành không nói tới sự cao siêu nhiệm màu của chuyện người phàm chúng ta nhàm chán sanh tử, đi vào động ở trên núi tu, mà Bảo Thành muốn mượn một hình ảnh rất là người, gần gũi với cuộc đời. Trong đời sống tu tập đưa tới sự tỉnh giác, chẳng phải khi giác ngộ thành bậc tôn già là vị đó không ăn, không uống, không đi làm, không nói chuyện, không quét rác, không đi làm việc, mà ngồi như như bất động trên tòa sen. Khái niệm về bậc tôn giả giác ngộ, hình như ngày nay vẫn còn ý tưởng như vậy. Khái niệm về một bậc chứng đắc, hình như vẫn được mặc định rằng, ai chứng đắc sẽ không con cần phải ăn, phải uống, sẽ không còn làm lụng, quét rác, nấu cơm, dọn dẹp. Thành thánh rồi, thành Phật rồi, chứng đắc rồi, thành tôn giả rồi, phải bay trên hư không, ngồi ở một chỗ mà có đủ. Vẫn biết rằng ở kỷ nguyên mới này 4 chấm rồi các bạn à, thế mà vẫn còn suy nghĩ mặc định Phật hoặc đấng tôn giả giác ngộ phải như vậy.

Các bạn thân mến, Phật ngày xưa khi giác ngộ thành Phật, ngài cũng đi chân đất, ngài cũng mặc áo, ngài cũng tắm rửa, ngài cũng ăn uống, ngài cũng có lúc khỏe lúc yếu, ngài cũng có tất cả mọi tạo tác như chúng ta. Chỉ có một điều khác biệt là tâm của Ngài đã hết phiền não, dù là làm những chuyện rất bình thường và tâm của Ngài đã không còn, không còn một chút xíu gì phiền não, chấp trước, chấp mê đau khổ. Ngài hoàn toàn tỉnh giác như người đang mộng mà tỉnh giấc, nên Ngài biết tất cả, sống an nhiên tự tại. Việc to, việc lớn, việc nhỏ, việc bé Ngài đều làm. Thậm chí Ngài còn chăm sóc cho bệnh nhân kiết lỵ, xú uế đầy giường, Ngài cũng chăm sóc. Ngài còn xỏ kim cho đệ tử của mình nữa đó các bạn. Ngài làm tất cả, Ngài thăm người bệnh, an ủi người già, chia sẻ pháp thoại, hướng dẫn cho người ta tu bình thường. Nếu như chúng ta ngày nay bất chợt gặp được, có duyên lớn gặp được Phật, ta sẽ không nhận ra Phật đâu. Chúng ta cứ nghĩ hình hài của Thế Tôn năm xưa, chỉ có một tấm vải, được may bởi vải cũ dùng đắp cho tử thi, đắp lên trên người. Và nhớ rằng, Ngài đi chân đất, chắc ta không nhận ra đâu. Và trong cuộc sống ngày nay, biết bao nhiêu những bậc thiện tri thức, biết bao nhiêu những vị đã tỉnh giác trong cuộc đời, ta sẽ khó nhận ra họ nếu chúng ta cứ mặc định họ phải là những con người cao quý, lừng danh, họ phải là như vầy phải là như kia, để rồi chúng ta có thể khi gặp Ngài dưới chân núi mà chẳng thể nhận ra ngài, để phải mất công leo lên trên đỉnh núi cao, để bái, quỳ lạy Ngài nhận làm đồ môn.

Các bạn ơi, mặc định trong cuộc sống thường là đi theo những ý tưởng riêng của chúng ta, những chấp ngã của chúng ta. Chúng ta vừa nói đến sự mặc định đối với một người đã giác ngộ đối với một vị tôn giả, nay chúng ta mang sự mặc định đó tới trong đời thường nghe các bạn. Cuộc sống, ta hay mặc định cho những người khác như vầy như kia. Họ phải như vầy, họ phải như kia, để rồi họ không như kia như vầy, ta phiền não đau khổ, rồi ta mất niềm tin vào họ.

Giữa cuộc sống của vợ chồng, đôi khi sự mặc định đã làm tan vỡ. Mặc định rằng chồng phải như vầy, vợ phải như kia, để rồi khi về sống chung với nhau, vợ chồng không như sự mặc định, cho nên ta đã làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Thay vì chúng ta nhận ra rõ tính cách, nhân cách của mỗi người để chúng ta thương yêu, sống chung với nhân cách của họ, ta lại mặc định cho họ phải như điều ta suy nghĩ, phải như hình hài ta mong muốn. Từ đó cứ tạo khổ cho nhau. Các bạn, từ những chuyện đơn giản trong gia đình vợ chồng, cha mẹ, con cái. Rồi đến xã hội bên ngoài ta cũng thường hay mặc định, đi tới đâu cũng ôm khuôn khổ, mặc định cuộc sống phải như vầy, con người ta phải như vầy, vị đó phải như vầy, để rồi đi đâu ta cũng bám vào tư kiến mặc định đó phán xét, chê bai, gièm pha, chì chiết, rồi biết bao nhiêu cái khổ cứ dồn tới cho ta. Khi mặc định cho con người, ta đang tạo khổ cho chính ta.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy tập một thói quen từ bỏ sự mặc định về người khác theo như tư tưởng của ta. Hãy sống dung thông với người bằng cách nhận định ra con người của họ theo như phẩm giá cao quý của họ sinh ra làm người. Ta tôn trọng phẩm giá làm người là đủ rồi. Mỗi người có một căn duyên, mỗi người có một nhân duyên. Căn duyên, nhân duyên và biệt nghiệp của nhau tạo ra con người đó. Ta không nên mặc định họ phải như vầy. Bậc tôn giả giác ngộ kia, cũng vì sự mặc định của 2 anh chàng miền nam Ấn Độ, nên khi gặp ngài dưới chân núi, đã coi ngài không ra gì, để khi lên trên núi mới gặp được ngài.

Dĩ nhiên trong cuộc đời, ở một góc độ nào đó, khi gặp nhau, ta không nhận ra và trân quý nhau. Để rồi tới một góc độ khác, ta mới nhận ra nhau. Đó cũng là nhân duyên, không có gì là sai hết. Tuy nhiên, nếu chúng ta tránh được sự mặc định người khác phải như ý của mình, như con người của mình, như suy nghĩ của mình, chúng ta sẽ bớt đi được cái khổ, chúng ta sẽ tránh mất thời gian. Các bạn, để khỏi phải đi qua những đau khổ, lầm chấp. Chúng ta hãy chấp nhận, đón nhận và nhìn sâu vào cái tánh ở bên trong. Chứ còn cái tướng ở bên ngoài không như vậy đâu. Bậc tôn giả giác ngộ vẫn quét rác. Các bạn nhớ, bậc tôn giả giác ngộ vẫn đi chân đất, vẫn bình thường như chúng ta. Có cái dung dị đôi khi khác thường, khó coi. Nhưng tâm của các vị đó thật thanh tịnh, thật thanh tịnh mà khi gần gũi ta, sẽ cảm hóa cuộc đời của mình bằng năng lượng thanh tịnh của những bậc tôn giả như vậy.

Trong cuộc sống, nếu có thể từ bỏ được, lìa xa sự mặc định, chúng ta sẽ đón nhận được năng lượng yêu thương, năng lượng yêu thương thực sự từ mỗi một con người ta gặp được trong cuộc đời. Các bạn, khi nghe thấy một ai tốt, khi nghe thấy một ai có đời sống hạnh phúc, chúng ta hãy tiếp cận bằng tâm hoan hỉ, đừng mặc định. Hãy tầm cầu sự giác ngộ qua đời sống của những vị đã tỉnh giác. Hãy tới với nhau bằng tâm chân thật, đón nhận nhau từ những tánh thanh tịnh của nhau, nhưng đừng mặc định cho nhau về một cuộc sống hình thái nào, để gây ra sự suy nghĩ sai lầm trong tư tưởng hoặc làm cho chúng ta phải đi một đọan đường thật dài mới gặp được nhau. 

Cám ơn các bạn.

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts