Search

Tham Vấn Phật Pháp 5

Câu 1: Thưa thầy Bạn con hay có những giấc mơ về những người đã chết. Họ về kêu đi, trong nhiều cảnh giới khác nhau bạn ấy nhìn thấy rất rõ và nhớ tường tận sau khi thức dậy. Có những người hàng xóm chết rồi cũng về trong những cảnh rất tội nghiệp. Bạn con không sợ, chỉ thấy thương họ và thường nhờ lên chùa cúng cho họ. Những hiện tượng xảy ra vậy là vì sao? Hiểu sao cho đúng, nên làm gì, xin Thầy khai thị cho chúng con. Mô Phật

Mô phật, các bạn, từ ngàn xưa, con người luôn luôn có những giấc mơ đi vào trong giấc ngủ của chúng ta, hoặc đôi khi mơ mơ màng màng, và trong những giấc mơ tới với con người, chúng ta chưa có cơ hội hiểu. Do đó chúng ta thường hay đi giải mã giấc mơ, có những giấc mơ được gọi là giấc mơ đẹp, mộng đẹp, có những giấc mơ không tốt, mang lại sự sợ hãi gọi là ác mộng, theo như khoa học phát triển hiện nay. Nói rõ hơn về những lời đức phật dạy, não bộ của con người có khả năng phát ra những gì đã thu nhận vào bên trong. Cái não bộ vi tế mà có thể có một phần chứa bởi năng lượng được chuyển di từ kiếp này qua kiếp sau đó gọi là thần thức. Não bộ có chức năng chuyển năng lượng và những điều đã xảy ra từ những hiện tượng ta chứng kiến đưa vào trong đó rồi tái tạo thành giấc mơ, xảy ra bởi những kiến thức ta tiếp thu qua những sự học, sự học trực tiếp trong trường, sự học trực tiếp nơi tiếp xúc với con người hoặc sự học khi chúng ta đọc, nghe, thấy, nhìn qua các giác quan đưa vào biến thành một kiến thức thầm lặng đi vào trong thần thức, đi vào trong bộ nhớ của chúng ta, cho nên tất cả các giấc mơ đều là những dữ liệu đã đi qua những giác quan của chúng ta và được giữ lưu lại trong a lại da thức, nói cho đúng hơn, là trong bộ nhớ của chúng ta. Và những thông tin lẫn lộn đó, khi đi vào giấc ngủ, con người thư giãn, nhưng vẫn lo lắng về chuyện gì, suy nghĩ về một ai đó, thì những thông tin dữ liệu về việc đó, người đó được lập trình nhiều năm, nhiều lần tái hiện, nên làm cho chúng ta thỏa mãn sự mong chờ và nhớ nhung đó, và tất cả những giấc mơ về những hiện tượng như người chết bị khổ, bị đói và rồi chúng ta, người phật tử tại gia đi tới chùa cầu an, cầu siêu cho những người mà ta mơ thấy, đầu tiên nói về tâm lý và nói về tinh thần phật học là điều tốt dù rằng chỉ là một giấc mơ. Nhưng trong giấc mơ đó, ta nhớ về người xưa hoặc có hình bóng của người xưa là người thân hoặc những người quen biết tái hiện lại trong giấc mơ bằng những dữ liệu. Ta thấy họ đói, họ khổ, họ đau, họ buồn làm cho chúng ta nhớ, thương về họ, Và rồi chúng ta sẽ đi tới đúng chỗ nơi các chùa, chiền, am, thất, tiếp cận với các thầy mà ta có nhân duyên, các bậc thầy có đạo đức, đức hạnh, để nương vào tiếng kinh, tiếng kệ, tiếng chuông, mõ, nơi thanh tịnh của tâm và đời sống giới hạnh ở trong các khuôn khổ của nhà chùa để mà luôn luôn thức niệm thân tâm trong giới đức, những vị đó sẽ hợp nhất với tinh thần của đức Phật để hồi hướng những lời dạy của chư phật tới cho những hương linh, dù rằng những hương linh đó đã không còn ở trong trạng thái như vậy mà đã tái sanh rồi nhưng vẫn tốt. Bởi dù tái sanh về cảnh nào đi nữa, sự hồi hướng trong năng lượng thanh tịnh, khai thị của lời phật thì một phần người thân của chúng ta sẽ lãnh nhận được, còn sáu phần dành cho những ai dâng sớ cầu siêu, cầu an đều lãnh nhận. Điều đó trong kinh Địa tạng phẩm số 7 nói thật rõ ràng nếu chúng ta cầu siêu cho ai đó, thì chỉ một phần hương linh đó được lãnh nhận, còn 6 phần thuộc về ta cho nên khi mơ thấy như vậy ta đi cầu siêu là ta đã lãnh nhận được phước báu trong sự tỉnh thức. Bởi vì một lần nữa thương về người quá cố, mà được nghe lại lời kinh để chúng ta nhận rõ được đời sống này cần có ý thức rằng cần thay đổi hành động, hành vi, lời nói, suy nghĩ để chúng ta không phạm vào những lỗi lầm tạo nghiệp chướng để ngày cuối ta ra đi trong sự nhẹ nhàng. Đó là ý nghĩa đầu. Phân tích cho sâu hơn, đó không phải là một hiện tượng thực. Rằng là những người thân của chúng ta chưa siêu thoát mà thần thức hương linh còn lưu luyến hoặc bị giữ lại trong trần gian này và tìm cách tiếp xúc với chúng ta để nhờ chúng ta cầu kinh, cúng kiếng. Hiểu như lúc đầu câu hỏi tức là không sợ, nhưng đã tìm đúng chỗ là quý thầy, quý sư cô, nhà chùa, nơi các thiền viện để nương vào đức hạnh của các ngài cầu siêu đó là đúng, tích cực nhưng vẫn có xu hướng tiêu cực là: khi chúng ta mơ thấy như vậy liền chạy theo bởi sợ mà, sợ người thân của chúng ta khổ. Rồi không tìm đúng chỗ, không hiểu đúng giáo lý, chạy theo những lời diễn giải mông lung không đúng để tìm thầy pháp hoặc dùng những phương pháp cúng kiếng, phạm vào giới sát sanh nhưng không phóng sanh hoặc là những điều mê tín dị đoan thì người mà đã tái sanh rồi không những không hưởng được sự cúng dường qua kinh kệ mà ta cầu siêu cho họ, một phần phước báu chẳng nhận được mà 6 phần sợ hãi, tổn phước ta lại phải lãnh nhận bởi ta đã nương nhờ vào chỗ sai, chỗ mê tín dị đoan. Cho nên nếu các bạn mơ thấy điều đó. Bảo Thành nhắc lại, đây không phải là sự khẳng định người thân vẫn còn, chỉ là giấc mơ, bởi dữ liệu qua tình thương, qua thông tin ta tiếp cận với người đó, qua kinh sách, qua báo chí, qua tất cả những gì ta tiếp cận nói về sự chết. Bởi trên đời có thật nhiều những cuốn sách, cuốn kinh, lời nói, lời giảng nói về địa ngục, sự chết, ngạ quỷ, mà khi ta nghe được nó tiếp thu, nó hình thành thông tin, dữ liệu để tái tạo trong giấc mơ. Bảo Thành sẽ đi sâu vào nó sau khi quyết định xong vấn đề này. Có nghĩa là khi mơ ta nên chọn tới với các bậc thầy có đức hạnh để cầu siêu, ta hưởng được phước báu đó 6 phần để sống tỉnh thức, đừng đi tìm những mê tín dị đoan tổn phước nghe các bạn. Bây giờ đi sâu vào lời của Đức Phật dạy, khi mỗi một người, mỗi một chúng sanh chết đi thì theo thiện nghiệp mà tái sanh ngay, nếu người đó có nhiều thiện nghiệp, hoặc theo ác nghiệp tái sanh ngay nếu người đó ác nghiệp là cực ác. Cực ác và cực thiện tái sanh ngay tại chỗ, còn ở dạng chút chút thiện, chút chút ác, chưa tái sanh ngay, đây là lời diễn giải trong kinh A Hàm, đặt ra con số 49 ngày, như con số ước định của loài người để cho thân nhân, người còn sống có cơ hội dành chút thời gian làm lễ cầu siêu trong 7 thất, trước là hồi hướng cho vong linh đó, trong cuộc sống đã nghe kinh hoặc chưa nghe kinh, nhưng khi mất đi vẫn còn có cơ hội gặp tới người thân đọc kinh và thông tuệ cùng với lời kinh của các bậc có giới đức, để hương linh đó có cơ hội nghe tiếp. Dù vẫn biết rằng khi ta mất thân phương tiện, thần thức vẫn có cơ hội nghe để đi đến sự hiểu biết và rồi tự giải thoát mình khỏi những ràng buộc của ác nghiệp. Và trong sự cầu siêu như thế 49 ngày đó, các chư tổ đặt ra như vậy, chứ chư Phật không nói về điều đó, nhưng các bậc tổ thường đặt ra làm lợi ích cho người thân còn sống bởi hầu hết sau 3 ngày chôn ta hay quên, cho nên trong 3 ngày chết đó kéo dài 49 ngày để cho người còn sống, thân nhân có cơ hội canh tân, sửa đổi, sám hối và nhắc nhở mình con người như cát bụi, tới rồi đi, sống là sống, chết là trở về với bụi đất, nên cần phải quán chiếu với sự chết để sống cho đúng với giới hạnh. Cho nên con số 49 là con số được tròn theo con số may mắn nhất của nền Hán học bởi chúng ta ảnh hưởng của Phật học Trung Hoa, dù là Phật học của nước nào đi nữa thì chỉ là con số tượng trưng theo ý nghĩa loài người cảm nhận rằng là tốt đẹp, không có gì xấu, không có gì tốt, không có gì sai, không có gì đúng, mà chỉ là còn số ước định theo những nền văn hóa Phật học của từng quốc gia, cho nên ta quen, rồi từ quen theo nghi thức 49 ngày tuần thất. Trở lại vấn đề theo như kinh Đức Phật nói tái sanh ngay tại chỗ dù là ác nghiệp hay thiện nghiệp, dù là ít thiện nghiệp hay ít ác nghiệp thì cũng tái sanh. Chư tổ lập ra như vậy để ta tu, trở lại vấn đề nói cho thật rõ ta nên hiểu như thế nào? Nên hiểu như vậy, nếu bạn mơ thấy những giấc mơ như vậy, chắc chắn các bạn đã nghe qua kinh sách nói về chết, chắc chắn các bạn đã đọc qua những thông tin, những dữ liệu, và rồi đã tiếp cận một cách nào đó trong cuộc sống, nó đưa vào trong não bộ, và khi các bạn còn có niềm tin vào tôn giáo, với những thông tin đó cộng hưởng thêm tình thương nhớ về cha, về mẹ, về người thân, cho nên niềm thương nhớ đó, nỗi niềm đó tác động vào trong não bộ, cái thức của ta mà có thông tin dữ liệu về sự chết, về sự tái sanh, về địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, về những cảnh giới đó, nó liền hợp tác với niềm thương nhớ, hai luồng, một là bộ nhớ, hai là niềm thương nhớ, phối hợp với nhau nó sẽ tạo ra những giấc mơ như vậy trong đời sống, người nào có tình thương nhiều với cha mẹ, với người thân và có nhiều thông tin về những cảnh giới tái sanh thì thường có những giấc mơ như vậy. Nói theo 2 góc độ, góc độ tốt là những giấc mơ đó đưa chúng ta tăng trưởng kiến thức, sự tu tập nương nhờ vào các bậc giới đức để mà thành tựu phước báu, cái thứ 2 sẽ nguy hại nếu chúng ta rơi vào mê tín dị đoan, đi bói toán, đi lên đồng, lên cốt để hỏi về hiện tượng, người ta sẽ vẽ vời, thứ nhất là sẽ tốn tiền, tốn sức, tốn thời gian mà tổn phước báu, cho nên nếu các bạn có giấc mơ như vậy các bạn phải hiểu đây là những thông tin dữ liệu ta đã lượm lặt, đã đọc, đã học, đã nghe về cảnh giới tái sanh cộng hưởng thêm với tình thương của ta, tình thương lớn của ta đối với người thân phối hợp tạo thành giấc mơ, chỉ là giấc mơ cho nên trong Kinh Bát nhã đức Phật dạy: “Viễn ly điên đảo mộng tưởng”, nếu như chúng ta chưa viễn ly được điên đảo mộng tưởng này như tâm của vị bồ tát, thì ta nương vào niềm tin để đi tới với chùa, gặp các bậc tôn túc, các sư cô có giới hạnh để cầu siêu. Điều đó tốt, nhưng chớ có đi tới các thầy pháp, hoặc các thầy bói toán giải mã giấc mơ hù dọa cho sợ rồi tạo thành những sự cúng kiếng không phù hợp chân lý ta sẽ tổn phước. Hy vọng cách giải thích ngắn gọn như vậy các bạn sẽ nắm được.

Câu 2: Thưa Thầy cho con hỏi là khi đi phóng sanh cá, do phải thả gấp cá xuống nước để không bị ngộp nên con không kịp quy y cho các chúng sanh đó thì như vậy có được không ạ ? Việc quy y có thể đọc sau khi đã thả xong có được không ạ ? Con xin Thầy khai thị cho con ạ

Khi chúng ta chia tay với ai đó, trong một hoàn cảnh vội vội vàng vàng chưa nói lời chia tay rồi chúng ta đi về nhưng mà phương tiện hiện đại ta viết lá thư hoặc ta nhắn tin, ta gọi, đó là phương tiện mà, không chia tay ngay lúc đó, bởi vì nhiều lý do nhưng ta vẫn còn phương tiện là phone, nhắn tin, là gọi điện thoại, rồi email, gửi thư, điều đó được mà. Những con người yêu thương nhau, những con người kính trọng nhau, ngay lúc đó ta nói hoặc không mà ta vẫn gửi tới, vẫn ấm lòng kẻ đã ra đi. Phóng sanh, các chúng sanh được ta phóng sanh rất hoan hỷ bởi được giải thoát khỏi sự chết, nói về chúng sanh đó, nếu chúng ta là người con phật, ta quy y để nhắc nhở chúng sanh rằng được sống viên mãn với thọ mạng hãy nhớ đến Phật là bậc thầy cao cả, hãy nhớ đến giáo pháp của ngài là con đường giải thoát, hãy nhớ đến tăng thân là nơi chúng ta có nương vào để tu cho nên ta quy y là nhắc nhở loài chúng sanh đó hãy nương vào Phật, Pháp, Tăng. Ngay lúc các bạn phóng sanh, như ý của câu hỏi rằng sợ bị chết, ngộp oxy ta vội vàng phóng sanh mà không kịp quy y, tức là không kịp có một lời chia tay, nhắn nhủ lúc đặt để chúng sanh đó trở về với dòng sông để sống hoặc thả lên bầu trời. Không sao, nhắn tin lại, gọi điện thoại lại, email, như bạn vừa hỏi, sau đó chúng ta ngưỡng lên Tam Bảo, hướng tâm tới chúng sanh đó quy y cho chúng đều được hết, nếu như chúng ta nói lời chia tay khi mới chia tay, khi bắt đầu chia tay là tốt đẹp, nếu không kịp bởi vì lý do gì ta nói sau, nhắn tin, gửi thư chúng sanh phóng sanh. Nếu không kịp, vì một lý do nào đó không kịp quy y cho chúng sanh đó, ta quy y sau cũng được, điều này đều tạo được phước báu, trước sau cũng được bởi tất cả chúng sanh được ta phóng sanh với tâm thực hiện hạnh phóng sanh theo như lời phật dạy thì ta đã được phước rồi, còn nếu ta quên nhắc nhở quy y cho chúng sanh đó rồi sau này nhắc nhở lại đều đồng một phước báu bởi ta đã có tâm phóng sanh.

Câu 3: Dạ thưa Thầy con nghe nói là khi chết thì nên thiêu để mình không còn luyến tiếc thân để dễ siêu sinh như vậy đúng k ạ? Con xin Thầy khai thị. Mô Phật

Từ ngàn xưa rồi, con người chết có nhiều cách, thứ nhất là chôn bởi theo niềm tin, có những tôn giáo người ta tin rằng, sau khi chết một thời gian nào đó sẽ sống lại với thân xác đó, vì niềm tin đó người ta không bao giờ hỏa thiêu, người ta chôn để khi có cơ hội sống lại, đó là một cách chôn. Trong Phật giáo, chết cũng chôn bởi theo truyền thống, truyền thống niềm tin đó hoặc truyền thống của phong thủy thì chết rồi muốn chôn vào mộ huyệt cho tốt đẹp, nơi những phong thủy tốt để phát. Sau này con cháu phát lộc, phát tài, thành danh, những chuyện này trải dài theo lịch sử của những người Á Đông của chúng ta từng hay chôn, bởi vì ông bà, cha mẹ, người thân mà chết, chôn xuống đúng chỗ con cháu, hậu duệ sau này sẽ phát, đó là một niềm tin, ta gọi là niềm tin nhưng có một cách nữa là hỏa thiêu, rồi thêm một cách nữa là thủy táng như người Ấn Độ, chết rồi thả trên dòng sông Hằng, cách nữa là Điểu táng, tức là như người Tây Tạng ở trên ngọn núi cao chót vót Hi Mã Lạp Sơn chẳng có đất để chôn, phương tiện môi trường ở đó giá băng nhưng có nhiều loài chim kền kền ăn thịt cho nên từ đó hình thành một cách Điểu táng tức là lóc thịt ra thả cho chim ăn. Cũng có những con người dân tộc khi cha mẹ, ông bà chết không chôn, không thủy táng, không điểu táng mà để trên cây, các bạn đọc biết rồi, mang hòm hoặc mang xác phơi lên trên cây. Thật là nhiều những phương pháp để đưa người chết ra đi, chôn, thiêu, thả nước, lóc thịt, cho lên cây, thả xuống động, đủ mọi hạng, nhưng chúng ta theo phật, học theo gương của đức Phật với một truyền thống Ấn Độ cổ xưa thường thiêu. Hỏa thiêu, thứ nhất, là giữ cho môi trường trong sạch, để không làm dơ bẩn môi trường, ảnh hưởng đến môi trường, dĩ nhiên thuở xưa thiêu vẫn còn hơi đơn thuần thiên nhiên, khói bốc mù mịt, nhưng bây giờ thiêu có quy trình máy móc tốt lắm, cho nên tất cả những phương pháp chôn đều tùy thuộc vào niềm tin nhưng hỏa thiêu với mục đích là giữ sạch môi trường, gọn nhẹ, để cho người sống lỡ mà chôn vào đâu rồi phải bôn ba xứ người, không trở về, không áy náy, và chỉ có thể thờ trên di ảnh hoặc tên tuổi, tượng, hình của người thân đã khuất. Mà chúng ta thường thiêu rồi vẫn để một phần tro cốt ở lại đó để thờ ở nhà, ký ở trong chùa, để có chỗ mình về nhớ về tổ tiên, một phần như vậy là cũng đã đủ, trở lại vấn đề rằng có phải chăng hỏa thiêu là để siêu thoát không còn lưu luyến xác phàm hay không? Điều đó không đúng, dù bạn chôn họ cũng chẳng ở dưới mộ huyệt đó, dù bạn lóc thịt ra cho chim ăn cũng không ở trong bụng chim, thả trên sông cũng chẳng nằm trên dòng sông, chết bờ, chết bụi, chết đường, chết xá, chết sông, chết núi, chết đụng xe, chết bờ rào, chết ao, chết chỗ nào thì thần thức của người đó cũng chẳng ở đó. Người ta sẽ tái sanh rồi, cho nên dù chết dưới mọi hình thức nào, thiêu chôn như thế nào, thì người kia cũng đi tái sanh theo nghiệp, chẳng phải hỏa thiêu để dễ tái sanh không lưu luyến như trường hợp câu hỏi lúc nãy lúc đầu đã trả lời, cho nên trả lời rằng hỏa thiêu để khỏi lưu luyến, dễ tái sanh, điều đó không đúng theo tinh thần của đức Phật, bởi chết theo nghiệp mà đi chẳng lưu luyến xác phàm này nữa, nên chúng ta tùy theo hoàn cảnh môi trường, tùy theo niềm tin, vùng miền, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán và dòng tộc của nhà mình như thế nào ? ta làm như vậy. Bởi vì đó chỉ là một nghi lễ mà thôi, không quan trọng, phần tâm là người thân khi mất đi sẽ nương vào chánh pháp của như lai, thiện nghiệp của họ mà tái sanh, thiện nghiệp nhiều tái sanh về cảnh lành, thiện nghiệp giảm đi tái sanh về cảnh thấp hơn, thấp hơn, thấp hơn, cho nên khi sống mỗi người chúng ta phải nhắc nhở cha mẹ, ông bà, người thân còn đang sống, tích lũy thiện nghiệp, phước báu, để khi thọ mạng viên chung, đến thời phải chết, thì tái sanh theo thiện nghiệp nhiều hơn để lên cảnh giới thiện lành nhiều hơn

Câu 4: A Di Đà Phật …Thầy cho con hỏi, làm một việc thiện nào đó thì mình luôn phải hồi hướng phải không ạ. Con xin cảm ơn Thầy.

Chúng ta nói đến người bình dân nghen các bạn, phật tử bình thường thôi, đừng nói đến trình độ giáo lý cao siêu, như khi làm từ thiện mà không thấy đối tượng ta làm từ thiện, khi làm từ thiện mà ta không thấy ta làm từ thiện, không thấy việc ta làm từ thiện. Đó là cách nói cao, người Phật tử để rèn luyện, để học, để thực tập cho mình một thói quen, làm một việc gì phải biết việc đó gọi là tánh biết, làm thiện biết thiện và thấy được kết quả của việc thiện đó để tự sách tấn mình, cho đến khi nào mình cao rồi thì mình không cần, chỉ là như một tâm thiện khởi lên hành động đó mà thôi, nhưng hiện tại Bảo Thành và các bạn khi làm việc thiện ta phải biết được đối tượng ta làm việc thiện là gì? và việc thiện ta làm là gì? Và rồi hồi hướng, hồi hướng là nhân lúc này, tôi thấy một đối tượng hoặc một mục đích tôi làm từ thiện có kết quả tốt, tôi mang phước báu từ thiện này không cất vào trong kho tàng phước báu của tôi, tôi hồi hướng cho mọi loài chúng sanh, cùng hoan hỷ, tùy hỷ tôi hồi hướng, tùy hỷ tôi cúng dường để sự việc từ thiện đem lại lợi lạc cho tôi, hoan hỷ cho tôi và đem lại hoan hỷ cho tất cả. Cho nên đúng khi làm từ thiện ta nên hồi hướng, bởi đây là ý nghĩa cao cả để chuyển hóa tâm cống cao, ngã mạn, ích kỷ của chính mình mà làm cho lòng của mình bao dung, rộng lớn hơn, chia đều cho mọi chúng sanh, nếu có những điều ta làm tạo thành phước báu. Cho nên các bạn nếu có làm từ thiện, xin hãy hồi hướng cho tất cả chúng sanh đồng thành phật đạo. Nếu bạn quên hồi hướng trong khi làm từ thiện, sau đó bạn có thể hồi hướng, nếu quên luôn, sau này nhớ lại bạn vẫn có thể tiếp tục hồi hướng, không nhất thiết rằng phải ngay lúc đó, ở bất cứ lúc, thời điểm nào, các bạn nhớ, bạn hiểu được luôn luôn hồi hướng khi làm từ thiện bởi nó là một bài học tốt đẹp và luôn luôn nhắc nhở chúng ta nghĩ tới muôn loài chúng sanh và nghĩ tới bản thân của mình.

Câu 5: A Di Đà phật! đầu năm, con là phật tử tại gia, con thờ phật, con tự cúng đầu năm cúng thí thực và phóng sinh theo sách chỉ dẫn có được không ạ?

Phong tục của người Việt Nam, ngày đầu năm nhớ đến ông bà, cha mẹ, nhớ đến chư hương linh, như theo niềm tin của từng vùng, thì cúng cô hồn, thí thực tức là cho những linh hồn chưa có siêu, nhớ đến người sống, nhớ đến người đã mất đó là nghĩa cử thanh cao tốt đẹp, cúng tức là nhớ tới, chẳng phải vì ta cúng cơm, cúng đồ ăn mà người đó hưởng, nhưng người ta hưởng được tâm đức mà ta nghĩ tới, cùng đức hạnh ta thực hành trong đời sống qua lời kinh, tiếng kệ của chư Phật. Cho nên, chúng ta nhớ nghi thức là các chư Tổ lập ra để cho Phật tử chúng ta đi theo, nếu bạn thực hành theo một nghi thức của sách vở, của các bậc tôn túc, trưởng lão trong Phật giáo hình thành, thì luôn luôn ở trong khuôn mẫu lời dạy của Phật, nghi thức đó đáng được tán dương và sách tấn, để các bạn nương theo những nghi thức đó, nhưng các bạn đừng đi theo nghi thức của dân gian, nằm trong tín ngưỡng dân gian sai lời của Phật thì nó không hay nếu bạn là Phật tử. Do vậy mà Bảo Thành khuyên các bạn nên tới các nhà sách hoặc đến các chùa để thỉnh những cuốn kinh về nghi thức cúng kiếng theo tinh thần của Phật để mang lời Phật ứng dụng rất là hay, nhưng ngược lại để có một điều kiện thanh cao hơn trong cuộc đời, nhớ về cội nguồn, ông bà, cha mẹ, nhớ về những hương linh đã mất, dù là ta biết hay không biết, có nhiều cách ứng xử khác biệt trong lễ cúng kiếng đó, nếu bạn hoàn toàn không biết những nghi thức kia, chỉ cần tâm bạn thành, làm việc thiện, sắm sửa những phẩm vật cao quý, đơn sơ với lòng thành kính, chân thành bạn có thể có để dâng lên, dâng cúng lên cho những vị đó với tâm thành và chỉ hướng về với Phật, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Hồng danh chư phật, và chỉ nói theo văn ngữ bình dân của các bạn: thưa cha mẹ ông bà, thưa chư vị hương linh, ngày cuối năm con niệm Phật, con nhớ đến Phật, con nhớ đến Pháp, con nhớ đến Tăng, có chút phẩm vật xin dâng lên cúng, nguyện cầu cho tất cả ông bà, cha mẹ, cửu huyền thất tổ, chư vị hương linh tái sanh cảnh nào, ở bất chỗ đâu cũng đều có phước báu tiếp cận được Phật, Pháp và Tăng, đó là điều tốt. Trả lời ngắn gọn trong câu hỏi này là: được. Nếu bạn theo những kinh sách của nhà Phật, chư tôn túc hướng dẫn thì rất tốt, chớ theo những cách cúng kiếng của dân gian bởi vì thường lồng vào những nghi thức của dân gian không đúng theo tinh thần nhà Phật, nếu bạn là Phật tử ta nên chọn kinh sách của nhà Phật.

Câu 6: Dạ thưa Thầy khi mình phát nguyện, hay hẹn thề làm một việc gì đó mà mình không làm được. Vậy có bị quả báo không ạ? Con xin Thầy khai thị. Con xin cảm ơn Thầy ạ!

Mô phật, câu hỏi này có 2 phần, phát nguyện và hẹn thề, ta nói câu của người dân mình trước nha rồi phát nguyện sau. Phát nguyện là tôn giáo, hẹn thề, là của con người với con người. Hẹn non thề biển, khi chúng ta hẹn thề với ai mà ta không thực hiện được ta không tạo ra quả báo, ta chỉ mất cơ hội để giữ chữ tín với người đó, mất đi tín tâm với nhau trong tình bạn. Ví dụ đơn giản, ta hẹn chút đi uống café, tới giờ ta không tới, hẹn mà không tới, ta không tạo quả báo với người bạn của ta, mà ta đã mất niềm tin, mất cơ hội để cho tình bạn khăng khít hơn, thân hơn, một lần bất tín, vạn lần bất tin. Không còn tin nữa, cho nên khi hẹn thề dưới bất cứ một góc độ nào trong cuộc sống, bạn với bạn, với cha mẹ, với người yêu, với con cái, với những đối tượng ta tương tác trong làm ăn mà ta không thực hiện được, không tạo ra quả báo để bị ảnh hưởng, mà ta mất đi cơ hội tăng trưởng niềm tin vào với nhau. Nhưng tạo ra một phần nghiệp, nghiệp đó có thể đồng nghĩa với nghiệp của giới thứ 4 “nói dối”. Nói mà không làm là nói dối, thì ta tạo ra nghiệp cho ta, tùy theo mức hẹn đó làm gì? thì nghiệp nói dối đó nhẹ hoặc là nặng, ít hay là nhiều, cho nên khi hẹn thề với ai mà không giữ lời hẹn, Bảo Thành nói lại là, ta mất thứ nhất là mất đi cơ hội tăng trưởng niềm tin trong mối quan hệ, thứ hai là tạo ra nghiệp nói dối, nghiệp thứ 4, tùy theo cách hẹn thề như thế nào, nói như nào mà không thực hành, thì nó ra nghiệp thứ 4 nặng hoặc nhẹ, to hoặc nhỏ, đó là câu hẹn thề. Còn câu hỏi nếu ta phát nguyện mà không làm có tạo ra quả báo hay không? Khi chúng ta phát nguyện là để cho chúng ta sống tốt đẹp hơn phải không các bạn? Như phát nguyện giải thoát theo Phật, theo Phật để học giải thoát gọi là chí nguyện, hoặc phát nguyện làm một việc tốt, phát nguyện thường thường là phát nguyện để tu, phát nguyện phóng sanh, phát nguyện làm những việc tốt, khi chúng ta phát nguyện làm những việc tốt mà chúng ta không làm, y như câu hỏi hẹn hò mà không thực hiện, ta mất đi cơ hội thành tựu phước báu cho chúng ta. Ta mất đi cơ hội phát nguyện mà không làm, mất đi cơ hội thay đổi tâm của mình, chuyển hóa bất thiện nghiệp của mình, tăng trưởng phước báu của mình, các bạn thấy không? Và rồi, chúng ta phạm vào lỗi nói dối bản thân, đâu phải phát nguyện với Phật là Phật chứng minh, không làm Phật phạt, Bồ tát phạt? Không có. Khi phát nguyện là tự thân phát nguyện, tự quy y, tự phát nguyện, thì ta có lỗi với bản thân, ta tạo ra nghiệp của bản thân là ta tự nói dối bản thân của mình, nghiệp đó không tốt bởi trên đời không ai ngu mà đi lừa gạt chính bản thân, nói dối bản thân, làm cho mình không còn tin tưởng vào mình nữa. Cho nên khi phát nguyện mà các bạn không thực hành được là bạn đang lừa gạt bản thân, nói dối bản thân và làm cho mình mất cơ hội thực hiện những điều cao đẹp mình đã phát nguyện. Chỉ có vậy chứ không tạo ra quả báo để chúng ta chịu, nhưng tạo ra nghiệp nói dối với bản thân mình và mất đi cơ hội tăng trưởng phước báu. Cám ơn câu hỏi, mô Phật.

Câu 7: Cho phép con hỏi thêm, nếu ăn ngũ vị tân thì tụng niệm Kinh không được chứng phải không ạ? A Di Đà Phật. Con xin cảm ơn Thầy ạ.

Mô Phật, trước khi trả lời, Bảo Thành xin chia sẻ như vầy, tất cả cách trả lời của Bảo Thành ngắn gọn, không muốn diễn giải quá dài, và cách giải thích thật gọn, bình dân dễ hiểu, không phải bao trùm hàm nghĩa cao siêu trong kinh điển, nhưng đúng, các bạn hãy lấy đó như thước đo để suy nghĩ nghe các bạn. Ngũ tân, tất cả những ngũ tân, các loại rau đó, củ đó, nặng mùi, cho nên các bậc tổ ngày xưa khi sống chung mới khuyên rằng chúng ta đừng ăn ngũ tân khi tu, nhất là những hàng xuất gia, bởi vì nó nặng mùi, phương pháp ngày xưa đánh răng chưa chắc đã được như vầy đâu, ngày xưa nhiều khi lấy cái cau chà chà chút xíu hoặc súc miệng, uống trà, chứ nhiều khi cả năm trời, cả đời người chưa có đánh răng. Mà khi ăn những thức đó vô nó nặng mùi, khi giao tiếp khó nghe. Ý nghĩa thứ hai, là trong ngũ tân nó có chất tăng trưởng lòng tham dục, có chất tố kích thích tham dục, khó kềm chế. Cho nên người tu mà cứ dùng những thứ kích thích tham dục, khó tu, tâm bất tịnh sẽ đưa đến tâm bất tịnh. Các chư tổ đặt ra điều đó, nói đúng hơn là không phải chỉ có ngũ tân đâu, tức là tránh ăn những thứ có chất tố kích thích tham dục, để tâm được thanh tịnh, thân được thanh tịnh, chẳng phải vì bạn ăn cái đó mà lời của bạn cầu, đọc kinh, Phật không nghe, chư thần tiên, bồ tát không nghe hoặc không có hữu dụng, bởi vì kinh ta đọc là đọc lời Phật dạy để ta hiểu mà ứng dụng vào, để thực hành cho tốt, không phải Phật nói kinh đó ta đọc lại cho Phật nghe đêm này qua đêm kia, Phật chỉ chứng minh mà thôi, chứng minh rằng lời Phật dạy nay có đệ tử nó đọc, và đệ tử nó đọc để hiểu, để thực hành, Phật hoan hỷ là bởi vì ta đã thực hành và hy vọng rằng sự thực hành của ta mang đến sự lợi lạc cho ta, cho nên bạn ăn cái gì thì bạn đọc kinh cũng được hết, bởi vì khi bạn ăn cái gì và đọc kinh với một mục đích rằng là tăng thêm kiến thức, trí tuệ, Phật học để ứng dụng vào đời sống của mình, cho nên chẳng phải ăn ngũ tân mà bạn tụng kinh không có hữu hiệu bởi kinh đọc là để khai mở trí tuệ, đặc biệt hơn nữa là thời đức Phật, bên Ấn Độ người ta ăn Cà ri, ăn những thứ nặng mùi dữ lắm. Mà khi đức Phật đi khất thực, rồi về thọ thực với mục đích gieo duyên để tạo phước cho chúng sanh, người ta cúng gì, ngài nhận thứ đó bằng tâm thanh tịnh, cho nên tất cả mọi thứ cúng dường cho Phật, Phật đều đón nhận. Dĩ nhiên trong đó có cả ngũ tân cũng không sao bởi tâm ngài tuyệt đối thanh tịnh. Trả lời, nếu bạn tụng kinh mà bạn đã ăn những thứ đã có ngũ tân như Tổ căn dặn, chẳng phải vì vậy mà lời kinh không có công hiệu, bạn có ăn hay không có ăn, khi bạn tụng kinh, bạn tu tập đều có công hiệu ở chỗ rằng, tụng kinh và tu tập là để bạn tăng trưởng kiến thức Phật học để ứng dụng vào đời sống, phước báu. Tụng kinh để hiểu và hành đó tăng trưởng thật là nhiều, chẳng thể lệ thuộc vào các thứ bạn ăn và nói rằng ăn những thứ đó ma quỷ nó tới đều là những cái, cách dạy tâm lý thôi, nó mang tính hù dọa để chúng ta đừng làm những điều sai, như thuở nhỏ ta lớn lên ra đường đó, cha mẹ thường nói: “đi, không có được đi đêm nha con, về sớm sớm, đi đêm có ngày gặp ma đó con à” và cứ hù dọa như thế. Khi còn trẻ ta đâu biết là gì, lời mà dặn mà có lý nhiều thì nghe không hiểu, nên ông bà, cha mẹ nói đừng đi đêm có ma đó con về sớm sớm, ngáo ộp nó bắt con. Mình sợ, mình không dám đi đêm nhiều, sau lớn lên mình thấy rằng, chữ ma đó là gì, đi đêm dễ gặp nguy hiểm và chướng ngại. Cha mẹ khuyên gọi đó là ma, chúng ta cũng vậy, ngũ tân là các cách chư Tổ dạy chúng ta ăn uống những thứ đừng có chứa những chất hóa học, tăng trưởng tham dục, nặng mùi trong giao tiếp, mang ý nghĩa đó mà thôi. Chứ không phải ý nghĩa ăn, đọc kinh không có linh, thờ Phật không có linh. Đọc, tụng kinh, nhắc lại là để tăng trưởng kiến thức Phật học của Phật dạy để ứng dụng vào đời sống, cho nên không ảnh hưởng dưới bất cứ một hình thức gì, các bạn ăn nhưng khi ăn chỉ quán rằng, ăn cái này như dược liệu để sống, giữ tâm thanh tịnh, tăng trưởng phước báu, qua sự hiểu biết kinh kệ, ứng dụng vào đời sống. Mô Phật.

Câu 8: A Di Đà phật, con hàng ngày tụng kinh mà con chưa biết cách hồi hướng. Con xin thầy chỉ dẫn ạ, khi bắt đầu vào tụng kinh thì phải đọc như thế nào ạ? con xin tri ân cong Đức thầy ạ!

Mô Phật, cách hồi hướng đối với Bảo Thành chỉ là một lời tâm tình, chân thành, chí kính đối với Phật để Phật chứng minh, Bồ tát, thánh hiền tăng chứng minh, thì Bảo Thành chỉ hồi hướng đơn giản, tại vì cũng tránh những văn tự dài. Nhưng mà theo kinh của nhà Phật thì ta đọc bài hồi hướng,

 Nguyện đem công đức này
 Hướng về khắp tất cả
 Đệ tử và chúng sanh
 Đồng trọn thành Phật đạo 

Đó là cách hồi hướng trong nhà Phật. Nhưng mà Bảo Thành thì thích tâm tình nhiều hơn cho nên khi hồi hướng chỉ nói đơn giản như vầy: “Thưa Phật, con xin hồi hướng công đức này tới tất cả mọi loài chúng sanh”. Đủ, bởi đó là lời tâm tình hồi hướng, là lời tâm tình, chân thật, rất thật, nói lên cái thổn thức nghĩ tới những chúng sanh khác, nếu chúng ta theo văn bản kinh kệ, tụng thì cần thống nhất, trong cuốn kinh nhà Phật có bài hồi hướng đó, nhưng nếu ta chỉ ở nhà, tụng niệm kinh sách, hoặc làm một việc gì đó mà muốn hồi hướng hãy nói lên những ngôn từ chân thật nhất mà trong tâm, trong trái tim của các bạn khởi lên, câu của Bảo Thành thường hay nói: “Thưa Phật, con xin hồi hướng nghĩa cử này, hoặc giờ thiền định này, hoặc công việc từ thiện này, hoặc giờ tụng kinh này, nếu con tạo ra chút phước báu nào, nếu tạo nên chút phước báu, con xin hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh”. Đó là cách hồi hướng của Bảo Thành, còn nếu bạn muốn hồi hướng theo đúng kinh sách, trong chùa thì thường đọc bài

 Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đồng trọn thành Phật đạo

Câu 9: Thưa thầy ! Cho con hỏi ạ ? Dạ Thưa phật, Phật ngài biết rõ chúng con, nhưng chúng con chỉ biết ngài qua tượng phật, pháp phật và phước lớn chúng con được gặp những bậc thầy hoá thân của phật. Cho con hỏi là chúng con có thể nhìn thấy được phật thật sự không ạ?

Mô Phật, dễ mà, chúng ta thực sự có cơ hội nhìn thấy Phật thực sự, ai cũng có cơ hội nhìn thấy Phật hết, không phải Phật chết là hết, nhưng mà nhìn thấy Phật như thế nào? Thời xưa, người có phước báu lớn mới nhìn thấy được Phật, nhìn thấy được Phật bằng thân xác như người, tức là pháp thân của ngài hiện hóa trong thân người, chỉ có người có phước báu 2560 mấy năm trước, cũng bậc đệ tử và một số người trong vùng miền đó mà thôi. Phước báu đó ngày nay không còn, chẳng phải là ta không có cơ hội gặp được Phật nữa. Ta vẫn có cơ hội gặp được Phật, bởi Phật không phải là độc tôn, vẫn có những vị Phật nữa sẽ ra đời, và ai đó tích lũy đầy đủ phước báu vẫn có cơ hội gặp được Phật, một câu trả lời thật ngắn gọn, trong Bảo Thành và các bạn vẫn gặp được Phật thật sự nhưng không phải trong ảo tưởng, qua tôn tượng, qua hình ảnh, cúng bái, lễ nghi, những cách đó là gặp trong tưởng thức, gặp trong hình tướng, pháp tướng, tượng pháp, thì cái gặp đó là gặp để ta quy về lời dạy của Phật. Nhưng thực sự chúng ta sẽ gặp được Phật nếu chúng ta tu và ứng dụng được Pháp của Phật, khi chúng ta ứng dụng được giáo pháp của Phật thực sự vào đời sống của chúng ta, chẳng khác gì như chúng ta mang dòng máu của cha mẹ có DNA của cha mẹ, dù cha mẹ không còn ở đây, nhưng trong ta vẫn có cha mẹ, bởi dòng máu có ta có mang DNA, mang di truyền của cha mẹ, cho nên khi các bạn ứng dụng và khế nhập dòng DNA, tức là giáo pháp của Phật vào trong tâm thức và đời sống, thì trong đời sống của các bạn là hiện thân của Phật, bởi giáo pháp của Phật luôn được các bạn thực hành miên mật trong cuộc đời, đây là cách mà chúng ta nhìn thấy Phật thực sự trong đời sống qua thực hiện giáo pháp, chẳng phải qua giấc mơ, qua ảo tưởng, qua tượng pháp, qua hình ảnh mà qua sự ứng dụng giáo pháp của Phật vào đời sống. Các bạn và Bảo Thành có cơ hội thể nhập vào DNA, tức là giáo pháp của Phật vào trong ta, như dòng máu vẫn còn cưu mang hình ảnh của ông bà, bởi ta là con cháu của cha mẹ, ông bà mang dòng máu của ông bà, và ta nếu mang dòng giáo pháp của Phật luân lưu trong đời sống của mình, ta sẽ nhìn thấy Phật trong chính cuộc sống của chúng ta. Mô Phật.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts