Search

Tham Vấn Phật Pháp 4

30 tháng 1 năm 2021

Câu Hỏi

Câu 1: “Nếu gặp Phật ở bên ngoài, hãy “giết” Ngài”. Theo con hiểu thì Phật là ở trong tâm ( Phật Tánh ) nên khi gặp Phật ở ngoài tất là ta đang tách biệt Phật và mình. Xin Thầy khai thị cho chúng con được thấu hiểu ạ.

Câu 2: Dạ thưa thầy. Khi chúng ta làm công quả, làm từ thiện là xuất phát từ cái tâm từ bi của mình. Mình thấy mình quan tâm mình chia sẻ khó khăn với cộng đồng với tập thể. Thì, tại sao lại nói rằng ta làm thì ta có phước, còn không làm thì không có phước. Có làm có hưởng, không làm không hưởng. Như vậy có phải làm xuất phát từ cái tâm từ bi không hay làm vì lợi ích cá nhân. Xin Thầy khai thị giúp con, làm thế nào để chúng ta làm từ thiện không vướng vào phước, không chấp vào phước, mà phải làm từ thiện xuất phát từ cái tâm từ bi của mình. Con xin Thầy khai thị ạ. Con cảm ơn Thầy.

Câu 3: Con thấy nhiều người tu muốn được thanh tịnh và không bị ảnh hưởng môi trường xung quanh cản đường tu bằng cách ở trên núi hay nơi ít người ở. Và có người lại lựa chọn tu bằng cách cống hiến xã hội, giúp đỡ nhiều người, càng nhưng dễ bị dính nghiệp do sân si từ môi trường xung quanh tác động. Vậy thì việc lựa chọn tu nơi yên tĩnh như trên có phải là đang trốn tránh nghiệp hiện tại và tiền kiếp hay không? Và vẫn phải trả kiếp sau cho dù hiện tại ta tu nhưng chưa chắc đã hóa giải.

Câu 4: Dạ thưa Thầy 🙏Con vốn xuất thân từ một gia đình theo tín ngưỡng Phật Giáo, cho nên lúc nào tự trong tâm, cũng như trong trí luôn có Phật ngự trị .Ngay từ thuở còn tấm bé, cứ mỗi lần có chuyện gì, dù lớn hay nhỏ xảy ra bất an thì miệng con đã buột ra hai tiếng: Lạy Phật 🙏. Trong suốt chiều dài của cuộc sống, phải bận bịu lo toan cho bản thân và gia đình, con đã không nghĩ đến và dành thời gian cho việc tu tập về Đạo Pháp nhà Phật. Nay có cơ duyên được sự dẫn dắt và truyền đạt tận tình cùa Sư Phụ thì quả thật là một may mắn trong đời . Dạ thưa Thầy ! Từ xưa cho đến nay cứ mỗi khi gặp phải chuyện gì là trong tâm trí Con đều niệm Phật để cầu xin. Và rồi thực tế những nguyện ước đó của con cũng đều được linh ứng. Hay nói cho rõ hơn: Con là một Phật tử rất may mắn. Và thâm tâm con cứ nghĩ rằng con đã nhận được nhiều Phước báu. Con nguyện phải tu tâm, dưỡng tánh, làm việc thiện, diệt trừ Tham sân si, xa lánh thị phi … để đền đáp sự độ trì của Phật đã ban cho. Dạ thưa Thầy ! Đó có phải là suy nghĩ đúng không ạ . Mô Phật 🙏👌

Câu 5: Dạ Thầy cho con hỏi là con bị say xe nặng không thể đi xe khách và một số phương tiện khác, rất bất tiện. Con đã đi chạy chữa nhiều năm không khỏi vậy thì thực tập hơi thở Chánh Niệm Mu A Mu Sa, tiếp năng lượng Từ Bi của Chư Phật có thể cải thiện tình trạng này không?

Câu 6: Thưa Thầy, Khi con đồng tu cùng Thầy, Thầy đọc xong 7 biến chú Thất Bảo Mu A Mu Sa, con cảm thấy trong người con toàn thân giao động, từ trường di chuyển xoay tròn như có luồng lốc xoáy, kiểu không khí chân không ấy. Những lúc như vậy con muốn làm chủ tâm mình nhưng con không định được “thần thức” của con. Và dạo này con thường bị như vậy. Con không hiểu vì sao. Con xin Thầy khai thị cho con ạ. Mô phật!

Trả Lời

15:30 Câu 01. Có câu nói như vầy:

“Nếu gặp Phật ở bên ngoài, hãy “giết” Ngài”.

Theo con hiểu thì Phật là ở trong tâm (Phật Tánh) nên khi gặp Phật ở ngoài tức là ta đang tách biệt Phật và mình. Xin Thầy khai thị cho chúng con được thấu hiểu ạ.

Một câu hỏi chúng ta nghe thấy là biết rằng niềm tin của Phật giáo được chuyển tông từ từ qua văn tự và cách nói dân dụng bình thường. Nghe qua hơi choáng, nhưng thực ra nó rất chân thật bởi ai trong các bạn và Bảo Thành trên con đường học Pháp đọc kinh, đọc sách, nghe giảng hoặc nghe trao đổi vẫn theo sở thích của mình lượm lặt được những câu từ được gọi là kinh hay người ta truyền tụng nó phù hợp với sự suy nghĩ của mình thế là mình thích. Có lẽ đây là một câu hỏi thích thú. Đặt ở phần đầu câu hỏi rằng nếu ở trong đời các bạn và Bảo Thành gặp được Phật thì giết Phật. Câu nói này hay nhưng giả sử Bảo Thành và các bạn có đầy đủ phước báu, tích lũy hằng hà sa kiếp rồi được gặp Phật thực sự thì nỡ lòng nào một con người có phước báu gặp được Bậc Giác Ngộ hiện thân thực sự trong cuộc đời có thể nhìn thấy, gặp được Ngài trong cảnh giới của những thế kỷ trước hiện tại, diện kiến Đức Phật thực sự thì hạnh phúc vô cùng. Sao có thể giết, đúng không các bạn?

Đức Phật lịch sử khi còn tại thế, những chúng sanh nào gặp được Ngài đều khởi lên sự hoan hỷ, đều được Ngài khai thị và đưa tới sự chứng đắc hạnh phúc và bình an, chứng quả A La Hán, thành tựu Phật quả. Tuy nhiên không hẳn mọi chúng sanh thời đó gặp Phật đều đón nhận Phật một cách hoan hỷ đâu. Vẫn có người muốn giết Phật đồng nghĩa với câu hỏi của bạn, nhưng không phải là cách để tu mà họ muốn giết Phật là bởi vị họ ghét Phật, họ muốn hại Phật. Đó chính là người anh em họ Đề Bà Đạt Đa luôn luôn tìm mọi cách để giết Phật. sự việc đó không liên quan gì đến câu hỏi nhưng là một tạo tác thực sự có người muốn giết Phật. Chúng ta nếu là người học đạo, đi theo Phật mà có nhân duyên gặp Phật chắc ai trong chúng ta cũng chạy đến gặp Phật chấp tay để xin một lần được chạm vào tà áo Giác Ngộ của Ngài và rồi tự chuyển hóa nghiệp chướng của chúng ta. Đây là điều tuyệt vời. Bảo Thành và các bạn không đủ phước duyên gặp được Phật thì đừng cưu mang tư tưởng gặp Phật ở ngoài đời phải giết Phật. Bảo Thành sẽ giải thích từ từ, nhưng để nhắc nhở cho hàng Phật tử tại gia chúng ta, khi căn cơ mới đủ phước báu đi vào con đường tầm cầu Đạo Pháp, Đức Phật không còn hiện thân tại thế, nhưng sự khai thị của Ngài nói thật rõ, chẳng vì vậy mà không có Phật. Chúng ta là Phật sẽ thành và mỗi một đối tượng, một chúng sanh chúng ta gặp với nhân duyên phước báu hiện hữu trong kiếp này đều là một vị Phật tương lai, chẳng thể gặp những vị Phật tương lai đó là giết. Chính vì tư tưởng cứ sát, cứ giết, lầm tưởng trong con đường đó mà gây ra khổ đau cho nhau. Đúng ra gặp Phật phải hoan hỷ, phải hạnh phúc đón chào và tiếp nhận.

Từ từ chúng ta nói câu “gặp Phật giết Phật” nó từ đâu nha các bạn. Bạn nói rằng gặp Phật trong tâm mới là quan trọng, đúng. Phật ở bên ngoài, Phật ở bên trong tâm đều bình đẳng như nhau, giống như nhau. Đối với Phật tử tại gia các bạn và Bảo Thành hiện nay phước báu nó mỏng, nó ít mà nghiệp chướng thì dày, nhất định như Ngài Phổ Hiền dạy “Nhất giả lễ kính Chư Phật”, gặp Phật là phải lễ kính, không thể gặp Phật mà đồng nghĩa với câu hỏi vừa rồi lưu truyền trong dân gian để gặp Phật giết Phật bên ngoài, mà chỉ tôn trọng Phật bên trong. Nếu nói theo một ý nghĩa nào đó ta chỉ tôn trọng bên trong chẳng có sự tôn trọng bên ngoài, ta đã nâng tầm tự cao của mình để gạt bỏ cái bên ngoài. Ngài Phổ Hiền là một vị Bồ Tát tượng trưng cho giới hạnh. Ngài dạy điều thứ nhất quan trọng của chúng sanh là phải biết lễ kính Chư Phật, hàm ý rằng chúng ta luôn luôn phải biết lễ kính Chư Phật. Khi gặp một con người, một chúng sanh cũng luôn quán tưởng vị đó là Phật để lễ kính. Khi gặp một tôn tượng của Phật, của Bồ Tát ta cũng còn phải lễ kính, khi gặp một cái ảnh ta cũng còn phải lễ kính Phật. Chính với tâm khiêm tốn lễ kính Chư Phật như vậy sẽ giúp cho chúng ta có tầm nhìn sâu về cuộc đời, nhận xét sâu hơn về ý nghĩa sống để mình có cơ hội nhìn ra tội lỗi nghiệp chướng để sửa.

Cho nên theo như Bảo Thành, cái cách mà gặp Phật bên ngoài giết Phật ta hãy cất vào bên trong, để đó đi, đến khi ta đạt được trình độ cao hơn của Thiền ta mang ra ứng dụng nó phù hợp hơn. Nhưng với hoàn cảnh là Phật tử tại gia gặp Phật giết Phật không hay. Gặp người ngoài đường nói sai một tiếng bị người ta chửi rồi mà còn đánh ta nữa thì chắc sẽ bị u đầu thôi huống hồ chi gặp Phật mà giết Phật. Gặp người giết người còn bị vô tù, gặp Phật giết Phật phạm giới, phạm giới các bạn ơi nếu thực sự có tư tưởng đó. Một trong những tội ngũ nghịch đọa Địa Ngục là làm thân Phật chảy máu. Khi các bạn nghĩ rằng gặp Phật bên ngoài giết Phật là đã làm Phật chảy máu rồi. Tránh câu nói này bởi vì những điều gì lặp lại trong tâm tưởng sẽ trở thành những niệm đóng cứng lại bên trong đó, dần dần chuyển xoay, làm chủ và kéo ta đi theo. Phá ngay tư tưởng này. Phật ở bên trong là đúng, Phật ở bên ngoài cũng là đúng theo Ngài Phổ Hiền. Chỉ cần tâm không có đối đãi trong và ngoài, giữ được sự thăng bằng và tập luyện sống Chánh Niệm, trong hơi thở, Phật ở bên ngoài hay Phật ở bên trong đều đồng với nhau. Và ta đều đón nhận Ngài như mặt trời Trí Tuệ để soi đường cho ta đi, chẳng phân biệt trong ngoài.

Câu “gặp Phật giết Phật, gặp Ma giết Ma” là trong sự tương truyền trong dòng Thiền Lâm Tế. Gặp Phật giết Phật, gặp Ma giết Ma, trong Thiền Định người ta nói như vậy, Chư Tổ dạy như vậy. Thời nay chúng ta đâu còn được gặp một vị Phật nữa cho nên giả sử gặp một vị Phật bên ngoài có nghĩa là gặp những ai tự xưng ta là Phật. Các bạn, thời nay phải suy diễn như vậy cho rõ, ta không có cơ hội đủ phước báu gặp Phật thật sự nhưng ta vẫn có nhân duyên gặp được những con người tự xưng là Phật sống. Không phải gặp những người tự xưng mà giết. Giết ở đây tức là gặp những người tự xưng là Phật, tự diễn mình là Phật, tự khoác lên mình tướng hảo của Phật và tự nói “ta là Phật” chúng ta đừng mê, cắm đầu rượt đuổi theo bám víu, quỳ lạy. Tức là đừng để cái tâm nó phóng theo những âm thanh bên ngoài, những hình tướng bên ngoài, những tướng sắc ở bên ngoài tự xưng, tự vỗ ngực ta là Phật để mà hấp dẫn ta chạy theo. Cho nên nếu ở đời ai tự xưng là Phật chỉ cần với lòng thành kính như Ngài Phổ Hiền dạy tức là con nghe lời Bồ Tát Phổ Hiền đảnh lễ tất cả các Chư Phật. Nhưng đừng vì cái tiếng tự xưng là Phật mà chạy theo.

Không nói xa, hiện tại vẫn có những vị trong đời của chúng ta, trong hiện tại này đây, trên cả thế giới và ở Việt Nam cũng có nhiều người đang tự xưng là Phật. Các bạn đừng chạy theo bởi sự si mê, phải biết dừng lại lễ kính thành tâm nhưng dùng Chánh Kiến, Chánh Tư Duy để suy xét. Bởi Phật đã nói ta không thể cứu được các con thì vị Phật xưng hô kia cũng chẳng cứu. Đức Phật ra đi khi Ngài nhập Niết Bàn chẳng để lại vị giáo chủ nào mà lấy giáo pháp của Ngài là giáo chủ hướng dẫn chúng ta Giác Ngộ. Đặt trên nền tảng Trí Tuệ nghiên cứu kinh điển, học hỏi những điều Phật dạy mới là điều quan trọng. Chứ không chạy, rượt đuổi và nắm bắt những vị tự xưng là thân tướng của Phật hiện tại. Cho nêm gặp Phật giết Phật có nghĩa đừng gặp những vị tự xưng là Phật mà chúng ta rượt đuổi, si mê, quỳ lạy, xưng tán.

Đúng, gặp Phật ở bên trong. Có hai trường hợp, Phật ở bên trong là tâm Phật, tâm Phật thì rất cụ thể đó là tâm Từ − Bi − Hỷ − Xả, Trí Tuệ bình đẳng. Đó gọi là tâm Phật. Gặp được vị Phật là gặp được một con người sống bằng Từ − Bi − Hỷ − Xả, bình đẳng Tánh Trí và Trí Tuệ. Đó gọi là Phật. Ta phải tìm gặp nhân cách đó và phải chuyển hóa thành hành vi cụ thể của tư tưởng, hành động, lời nói khởi lên từ tâm Từ − Bi − Hỷ − Xả, bình đẳng Tánh Trí và Trí Tuệ thì đó là Phật. Nên gặp vị Phật đó, không những trong tâm ta, mà gặp vị Phật đó ở bên ngoài. Có những sự sống thực sự được khởi nguồn từ tâm Từ − Bi − Hỷ − Xả, bình đẳng Tánh Trí thì đó là Phật, nên gặp vị Phật đó. Nhưng có một chiều hướng khác, gặp Phật ở bên trong rất nguy hiểm là gặp Phật ảo tưởng của Tưởng thức. Nhiều người chạy theo ông Phật ở bên ngoài rồi, họ xưng là Phật thì mình quỳ lạy van xin. Rồi lại có một ông Phật bên trong cũng không được chạy theo giữa. Chữ “giết” ở đây tức là không chạy theo, đừng bám víu, đừng chấp vào. Có một ông Phật ở bên trong tức là ông Phật của ảo giác, ông Phật của loạn thần, ông Phật của cái tưởng do sự ham muốn, chấp thủ như ảo ảnh xuất hiện trong tâm thức. Nhưng ông Phật đó chúng ta đừng chạy theo.

Nhà Phật là Trí Tuệ, Phật dạy hãy tự là ốc đảo riêng của mình, đứng dậy mà đi, hãy tự cầm đuốc soi đường mà đi. Phật tới là nương vào sự khai thị của Ngài để học chứ không phải bám vào Ngài và nói Ngài phải cứu ta. Nhưng ở đời ngày nay có nhiều người giàu sự ảo tưởng bởi sự cuồng ngạo, hoặc là đam mê, hoặc là bị đau khổ, hoặc là bị trầm cảm, loạn thần, sử dụng các chất kích thích, hoặc là thần kinh yếu, hoặc là bị xâm hại, bị đọa đày, bị sức ép của cuộc sống, căng thẳng, yếu đuối, bị xâm hại, bị mất đi tiền bạc, của cải hoặc bị thất tình. Nhiều trạng thái cảm xúc như vậy dồn nén và muốn tự cứu mình bằng cách tạo ra một con người tưởng tượng bên trong. Do Tưởng thức mà nó được những cảm xúc kia tác động vào nó sẽ tự động kích hoạt tạo nên những hình ảnh của Phật trong tâm tưởng. Cho nên có nhiều vị có Chư Phật gá vào, giáng vào. Người ta hay dùng hai chữ “giáng vào”, mẹ Quan Âm giáng vào, Phật giáng vào, rồi nói ta là Phật, là Bồ Tát, sinh ra để mà dạy dỗ, hướng dẫn cho mọi người. Đó chính là ông Phật bên trong do ảo tưởng tạo ra. Và đôi khi chúng ta cũng bám víu, ôm ấp ông Phật ở bên trong như vậy. Cho nên chúng ta đi dần vào hoang tưởng, chẳng còn theo kim chỉ nam giáo lý của Phật tu tập để có Trí Tuệ. Nhưng đắm mình ở trong ông Phật ảo tưởng của ảo giác và ông Phật ở bên ngoài quỳ lạy van xin hoặc là ban bố, tha tội cho người khác. Thì hai vị Phật bên trong và bên ngoài theo dạng thể đó ta tránh rượt đuổi, ôm ấp mà đi theo. Chỉ đi theo ông Phật bên trong và ông Phật bên ngoài là ông Phật có tâm Từ − Bi − Hỷ − Xả, bình đẳng Tánh Trí và Trí Tuệ. Ông Phật đó chính là sự Trí Tuệ của ta và sự Trí Tuệ của người cũng như của chúng sanh.       

31:58 Câu 02. Dạ thưa thầy, khi chúng ta làm công quả, làm từ thiện là xuất phát từ tâm Từ Bi của mình, mình thấy mình quan tâm mình chia sẻ khó khăn với cộng đồng với tập thể. Thì tại sao lại nói rằng ta làm thì ta có phước, còn không làm thì không có phước, có làm có hưởng, không làm không hưởng. Như vậy có phải làm xuất phát từ tâm Từ Bi không hay làm vì lợi ích cá nhân. Xin Thầy khai thị giúp con, làm thế nào để chúng ta làm từ thiện không vướng vào phước, không chấp vào phước, mà phải làm từ thiện xuất phát từ tâm Từ Bi của mình? Con xin Thầy khai thị ạ.

Trong cuộc sống và ở đời ta muốn bước một bước lên tới trời cho nên chúng ta mới đi sâu quá và các Bậc Tôn Túc cũng giảng. Rồi chúng ta chưa ở trình đó đã vội vàng gọi là bố thí Ba La Mật tức là không thấy người ta bố thí, không thấy người thí và cũng không thấy vật thí, đi tới trạng thái tâm như vậy vô sở đắc, vô chứng đắc tức là nói cao hơn rồi. Xét lại phần mình, cần xét lại ta, ta là Phật tử tại gia bận rộn lắm. Ta làm bù đầu ngược xuôi và trong cuộc sống dạy cho chúng ta cố gắng học để có kiến thức để có được những điều ta mong muốn. Bất cứ một việc gì chúng ta làm cũng đều phải nhìn thấy hành động làm việc đó phải tạo thành kết quả. Lúc đầu Đức Phật dạy và mãi mãi Đức Phật dạy cho chúng sanh phải thấy được đau khổ thì mới nhìn ra được Niết Bàn. Chứ Phật không phủ nhận không đau khổ, không Niết Bàn, đó là những Bậc cao lắm rồi, ta không nói tới. Phải thấy được sự chuyển hóa đau khổ là đạt được Niết Bàn. Phải thấy được ăn là no bụng, uống là hết khát nước, phải thấy được làm việc này kết quả như thế nào. Lợp mái nhà phải thấy kết quả không bị mưa nó dột vào, làm nhà cho nó kín có cửa đàng hoàng biết rằng nó ấm áp. Rửa chén thật sạch biết rằng ăn cơm sẽ ngon.

Phải biết, phải thấy các bạn ơi. Các bạn làm việc công quả ở trong chùa phải thấy được rằng việc công quả này phải có động lực từ tâm Từ Bi và hạnh làm công quả để tạo phước. Ta phải thấy được kết quả, công quả là có phước, chưa đi tới trình độ mà chúng ta làm công quả mà không thấy phước báu. Người đã làm công quả mà không thấy phước báu thì càng phải thấy ta không làm công quả và càng phải thấy không có chỗ nào để làm công quả, đó là trình độ cao của những Bậc đi vào Thiền Định vô sở chứng, vô chứng đắc rồi. Còn chúng ta, ta phải thấy được giá trị rằng Phật dạy làm việc thiện có phước báu, làm việc ác tai họa. Hàng Phật tử tại gia của chúng ta phải phân biệt được làm thiện được phước, làm ác gây họa. Các bạn làm việc công quả ở trong chùa hoặc làm việc gọi là tình nguyện giúp đỡ xã hội đều phải thấy được hành động đó phải xuất khởi từ tâm Từ Bi, có những tư tưởng Từ Bi, lời nói ái ngữ dễ thương đưa đến hành động tình nguyện, phụng hiến cho xã hội hoặc là công quả ở trong chùa, ở ngoài. Phải thấy được như vậy để ta cẩn trọng rằng rõ ràng phải có phương pháp làm sao cho có được kết quả là phước báu. Nếu các bạn làm với tâm tưởng Từ Bi, ái ngữ, ngôn ngữ dễ thương, hành vi thật là đẹp thì sự công quả đó mới tạo thành phước. Cũng hành động trong nhà chùa nấu cơm mà tâm tưởng đố kỵ, bon chen, “ui, người đó mà làm gì, tôi mới giỏi nè”, rồi hiềm khích, chê bai, phân rẽ nhóm này, nhóm kia. Cũng là hành vi nấu cơm, rửa chén, ở trong nhà bếp nấu nướng phục vụ, nhưng tư tưởng không phải là công quả, mà tư tưởng bon chen, dèm pha thì không được phước.

Cho nên chúng ta phải thấy thật rõ, cũng hành động đó được gọi là, nhưng phải đi từ cái tâm như thế nào mới có kết quả là phước. Không thì hành động gọi là công quả nhưng lại tạo ra họa. Bạn thấy tất cả các nhà bếp trong chùa tai họa nhiều lắm, bởi nhiều Phật tử tới làm công quả Ma cũ bắt nạt Ma mới, tức là người tới trước thì không thích người tới sau. Cho nên bắt đầu chỉ trỏ sai khiến thế là xì xầm, xì xầm, càm ràm, càm ràm. Cũng nghĩa cử, cũng hành động phụ nhà bếp nhưng tạo ra nghiệp. Phải nhận định thật rõ tôi làm công quả sẽ tạo ra phước và với sự tạo ra phước đó tâm thái phải sắp xếp như thế nào, phải hành động như thế nào. Do đó, khi một hành động phụ giúp trong nhà bếp, hoặc trồng cây, hoặc giúp đỡ nhà chùa, làm bất cứ một việc to, việc nhỏ gì để tạo ra phước cần phải đồng bộ với tâm Từ − Bi − Hỷ − Xả và đồng bộ với ngôn ngữ ái, dễ thương, đồng bộ với những hành vi tốt đẹp.

Vô nhà chùa mình rửa chén phải nhẹ nhàng và mỉm cười đón nhận mọi người, tư tưởng tốt. Cũng là rửa chén đó, nhưng mà rửa đập bụp một cái, cũng là chặt rau mà chặt chặt chặt cho tiếng nó to lên như là chặt vào người khác, thì chúng ta không tạo được phước mà tạo ra nghiệp. Đừng nghĩ cứ làm việc, hành động trong chùa là tạo phước, không. Làm như nào mới tạo thành phước? Phải nắm thật là vững Thân − Khẩu − Ý đều phải khởi nguồn bằng Từ − Bi − Hỷ − Xả và nhận rõ lời nói, hành động, suy nghĩ như thế nào để tạo được phước để ta cẩn trọng. Còn không các bạn cứ nghĩ rằng tướng, hành động đó tạo ra phước rồi lại than “trời ơi, tôi không hiểu sao từ hồi tôi đi làm công quả mà tai họa tới quá?” Hỏi ra mới biết tại vì vô trong đó làm công quả rồi bắt đầu chanh chua, bắt đầu phân biệt, bắt đầu chia rẽ, bắt đầu tạo nhóm, bắt đầu chống kình, họa tới rõ ràng. Còn có người tới không có làm gì trong nhà bếp hết, chỉ đứng đó mỉm cười rồi như Ngài Phổ Hiền tùy hỷ cúng dường. Tùy hỷ là thấy mọi người làm công quả niệm Phật hồi hướng, hít thở Chánh Niệm chúc phúc cho những người đó. Vậy mà họ tạo ra thật là nhiều phước dù chẳng làm gì, chỉ tùy hỷ những người đang làm công quả mà hồi hướng cúng dường Chánh Niệm hơi thở. Còn những người làm lăng xăng mà tâm bất tịnh chẳng tạo ra được phước.

Trong kinh Pháp Cú, tâm của chúng ta làm chủ mọi tạo tác. Với tâm ý thanh tịnh, thì nói lên hay hành động sẽ tạo ra phước như hình liền với bóng. Còn với tâm ý bất tịnh, nói lên hay hành động sẽ tạo ra tai họa bởi nghiệp mà như con vật kéo theo xe, tức là kéo theo cả một xe nặng. Cho nên vấn đề làm công quả phải từ tâm ý thanh tịnh, hiểu tâm ý thanh tịnh tạo ra phước, tâm ý bất tịnh tạo ra nghiệp và tai họa. Để chúng ta cẩn trọng khi làm công quả. Cho nên những cách nói của bạn đó là cách nói đổ thừa, của những người đi làm công quả mà chẳng giữ tâm ý thanh tịnh, hoặc là có tâm phân biệt, nói rằng đi làm công quả mà muốn có phước, họ cứ dèm pha, chê bai thôi. Ta là Phật tử phước báu ít, nhất định phải thấy được mục tiêu rõ trong những bước đầu học Phật, là ta công quả bằng tâm ý thanh tịnh sẽ tạo được phước, và nắm vững kỹ năng tạo ra phước cho ta. Làm cho đúng ta được phước, làm sai ta được họa cũng cùng một hành động. Làm đúng tâm ý thanh tịnh, hành động đó tâm ý thanh tịnh tạo thành phước. Hành động đó tâm ý bất tịnh tạo thành họa. Nắm vững và rõ quy trình kỹ năng này để thực tập. Rồi nếu có dư phước thì ta hồi hướng cho người khác, hồi hướng cho chúng sanh. Còn không ít nhất ta cũng hưởng được phước báu đó. Cần phải có cái nhìn thật rõ để tự sách tấn mình làm công quả bằng tâm ý thanh tịnh.

42:25 Câu 03. Con thấy nhiều người tu muốn được thanh tịnh và không bị ảnh hưởng môi trường xung quanh cản đường tu bằng cách ở trên núi hay nơi ít người ở. Và có người lại lựa chọn tu bằng cách cống hiến xã hội, giúp đỡ nhiều người nhưng dễ bị dính nghiệp do sân si từ môi trường xung quanh tác động. Vậy thì việc lựa chọn tu nơi yên tĩnh như trên có phải là đang trốn tránh nghiệp hiện tại và tiền kiếp hay không? Và vẫn phải trả kiếp sau cho dù hiện tại ta tu nhưng chưa chắc đã hóa giải đúng không ạ?

Chúng ta là người không học tạc tượng, cũng không học làm họa sĩ, nhưng gặp chuyện gì cũng đục đẽo, muốn biến thành hình hài theo như ý tưởng của mình. Gặp gì cũng muốn vẽ, thêm màu, thêm sắc, thêm tướng để có được bức tranh theo ý muốn. Và chúng ta không phải là ảo thuật gia nhưng gặp chuyện gì ở trên đời cũng muốn biến hóa để cho người ta nhìn y như điều mình muốn thấy. Trong kinh Đức Phật dạy, tất cả các nghiệp ác mà chúng ta tạo ra khi nó trổ quả chẳng thể trốn được, chẳng thể trốn lên trên trời mà nghiệp không tới, chẳng thể chui xuống dưới lòng đất sâu mà nghiệp nó không tới, chẳng thể chui vào hang động, rừng sâu, núi thẳm mà có thể tránh được. Khi nó đã trổ quả rồi ở đâu nghiệp cũng tới và khi tới ta phải đón nhận. Bằng chứng là Thế Tôn thành Phật rồi mà Ngài bị nhức đầu, Ngài quán chiếu trong một kiếp Ngài còn nhỏ, lúc đó Ngài đi trên bãi biển đá vào đầu xương cá thôi, mà tạo nghiệp gây ra nhức đầu. Phật đó khi nghiệp nó trổ Ngài hoan hỷ đón nhận huống hồ chi mà chúng ta nói những người tu ở trong rừng, trong núi là trốn nghiệp. Nghiệp tới thì ở thành phố, trong chùa, trong rừng, trong núi, ở đâu cũng không có trốn được. Phải hiểu như thế để chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng có thể trốn được những nghiệp do những hành động bất thiện, những hành động ác của chúng ta. Không trốn được đâu các bạn ơi. Nó tới rồi trời trốn cũng không được, đây là câu nói phải suy nghĩ để chúng ta thấu hiểu chẳng thể trốn được nghiệp.

Nói đến vấn đề có những chư vị hoặc những Phật tử nhân duyên phước báu của họ cần phải trong rừng sâu, núi thẳm, xa lìa xã hội để dễ tập trung. Chẳng phải như vậy mà họ trốn tránh nghiệp đâu. Chẳng qua họ muốn có một môi trường phù hợp với khả năng của họ, với phước báu, nhân duyên của họ để họ sách tấn bản thân tiến tu. Thời Đức Phật ngày xưa, Ngài cũng từng ở rừng một mình và ở dưới cội Bồ Đề. Ngài cũng ở một mình, chẳng phải Ngài ngồi ở đó là trốn nghiệp. Khi chúng ta vào một nơi thanh tịnh, thanh vắng để tọa thiền, tĩnh tâm tu luyện là để cho chúng ta có độ tập trung cao độ. Nơi đó chẳng phải là nơi trốn nghiệp, chạy trốn nghiệp quả. Có người phải nhờ môi trường và hoàn cảnh để tu, có người môi trường, hoàn cảnh đó không thể tu được. Bởi vậy Phật mới dạy trong kinh về hạng người biết sống một mình.

Do đó, ở đời đừng nghĩ rằng những người ở trong rừng, sơn lâm là trốn nghiệp thì kiếp sau phải trả. Nghiệp của ai người đó trả, khi nó trổ rồi không trổ kiếp này thì trổ kiếp sau. Cũng như hạt giống ta gieo xuống đất đúng thời, đúng vụ, đúng mưa, đúng nắng, đúng điều kiện môi trường hợp lý, khí hậu phù hợp nó sẽ trổ. Nghiệp quả của chúng ta ai ai cũng mang theo đầy ở trong lòng, đầy ở trong kiếp này. Nếu nghiệp quả đó, hạt giống đó (hạt giống xấu) ta tránh tạo ra môi trường phù hợp để nó trổ mầm mà ta tạo điều kiện cho hạt giống tốt nó mọc lên thì tuyệt vời. Ta có mầm ác và mầm thiện có sẵn ở trong lòng, ác nhiều hơn thiện. Cho nên chúng ta phải luôn luôn tìm cho mình một môi trường phù hợp để phát triển mầm mống thiện. Một số người, một số chư vị thấy rằng sơn lâm, rừng núi, am cốc, tránh xa xã hội là một môi trường phù hợp để họ gieo trồng những chủng tử thiện của họ. Chúng ta tùy hỷ cúng dường, tùy theo căn cơ của họ mà tán thán công hạnh, vui với người biết tầm nơi tu tập, ta có phước đấy. Họ tu ở trong đó mà ta tán thán họ, ta tùy duyên với họ ta tạo được phước. Người ta tu mà ta có phước các bạn ơi. Còn người ta tu trong rừng ta nói: “Ôi, bày đặt tu ở trong rừng, thể hiện ta đây ở trên rừng, trên núi”. Ta nghĩ như vậy thì ta tạo nghiệp ác, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Cho nên đừng vội chỉ trích, đừng vội phán xét, học theo Ngài Phổ Hiền tùy hủy mà cúng dường. Thấy người lên núi cao, thấy người vào rừng sâu, thấy người rời xa xã hội, cuộc đời họ tu để môi trường mà họ lìa xa đó, họ tiếp xúc với một môi trường mới để ươm mầm mống thiện cho họ ta tùy hỷ, tán thán ta được phước dù ta không tu, chê bai ta tạo nghiệp, gặp họa.

Thời xưa Đức Phật thường khuyên các đệ tử rằng các con hãy vô trong rừng chọn một gốc cây mà tu. Nếu mà nói tu trong rừng, trong núi mà trốn tránh nghiệp thì Đức Phật có phải dạy cho đệ tử trốn tránh nghiệp không? Không, Đức Phật dạy chuyển nghiệp. Ta có thể hiểu thật rõ hơn những người vào rừng, vào núi, vào cốc, vào am, lìa bỏ cuộc đời, tách rời mọi sinh hoạt xã hội là những người đang đi tìm một chỗ phù hợp để nghiên cứu lời Phật dạy, chuyển nghiệp chứ không phải trốn nghiệp. Còn những vị tu ở thành phố, gặp biết bao nhiêu thử thách, nghiệp chướng nó tới, chướng ngại nó tới gọi là trả nghiệp. Nếu họ không tạo ra nghiệp, chẳng phải là trả nghiệp. Dù dòng đời nó có ngược xuôi, ngang trái, nó có ác cỡ nào đi nữa, mà tâm ta tịch tĩnh an vui thì dòng đời ngược xuôi, xuôi ác đó chẳng thể làm thay đổi ta. Một viên kim cương thả xuống hầm phân, tự thể kim cương chẳng thể bị phân nó nhiễm vào. Giữa dòng đời lẫn lộn những chuyện buồn vui, ngang trái, bất thiện nghiệp, ta có tâm trong sáng, ta ở đó thì sự sáng của tâm thức thiện lành của ta chẳng thể bị nhiễm vào những chuyện kia, nghiệp nhiều đời cũng chẳng thể tới với chúng ta bởi vì ta không tạo điều khiển cho những mầm mống ác trỗi dậy trong ta.

Cho nên tùy cơ, tùy phước báu, tùy nhân duyên có người ở rừng sâu mới tu, có người ở thành phố mà tu chứng đắc đó là nhân duyên phước báu của họ, luôn luôn có sự khác biệt, chẳng ai giống ai. Ta hãy tán thán công hạnh của tất cả mọi người dù tu ở thành phố hay tu ở trong rừng, dù gặp thử thách, gặp ngang trái cũng là công hạnh riêng của họ, đều là những đức hạnh, phẩm hạnh riêng của họ. Và những mật hạnh riêng của họ sẽ tạo ra phước báu cho họ và tạo ra phước báu cho ta nếu ta biết tùy hỷ công đức, tán thán họ. Cho nên, chẳng phải không rời bỏ xã hội, không lìa xa thì mới gọi là không trốn nghiệp. đó chỉ là cách nói trong dân gian bởi vì con người thường hay nói ngược. Các bạn nhớ điều chỉnh lại suy nghĩ này để thực hiện theo Ngài Phổ Hiền biết tán thán công hạnh của tất cả những Bậc tu. Dù là nhập thế để tu hay là lìa thế gian để tu đều là mật hạnh riêng của mỗi người. Nghiệp trổ quả chẳng thể trốn, khác biệt là ở những môi trường đó họ dễ gieo mầm mống thiện. Có người trong xã hội lộn xộn, thành phố ồn ào dễ gieo mầm thiện bởi chính trong sự ồn ào đó, sự ngang trái đó họ nhìn rõ một phần đời sống của họ còn có kho tàng phước báu là điều tốt đẹp. Như trong thế giới nhị nguyên có cái ác, nhờ cái ác, nhờ cái lộn xộn, nhờ ngang trái, nhờ thị phi mà nhìn thấy cái đẹp. Cho nên có khổ thì có diệt khổ, tức là có khổ là có Niết Bàn. Có phiền não họ nhận ra được là điều tốt, họ nương vào môi trường đó để phát triển sự tu của họ.

53:07 Câu 04. Dạ thưa Thầy! Con vốn xuất thân từ một gia đình theo tín ngưỡng Phật Giáo, cho nên lúc nào tự trong tâm, cũng như trong trí luôn có Phật ngự trị. Ngay từ thuở còn tấm bé, cứ mỗi lần có chuyện gì, dù lớn hay nhỏ xảy ra bất an thì miệng con đã buột ra hai tiếng “Lạy Phật” hoặc là “Mô Phật”. Trong suốt chiều dài của cuộc sống, phải bận bịu lo toan cho bản thân và gia đình, con đã không nghĩ đến và dành thời gian cho việc tu tập về Đạo Pháp nhà Phật. Nay có cơ duyên được sự dẫn dắt và truyền đạt tận tình của Sư Phụ thì quả thật là một may mắn trong đời.

Dạ thưa Thầy! Từ xưa cho đến nay cứ mỗi khi gặp phải chuyện gì là trong tâm trí Con đều niệm Phật để cầu xin. Và rồi thực tế những nguyện ước đó của con cũng đều được linh ứng. Hay nói cho rõ hơn con là một Phật tử rất may mắn. Và thâm tâm con cứ nghĩ rằng con đã nhận được nhiều Phước báu. Con nguyện phải tu tâm, dưỡng tánh, làm việc thiện, diệt trừ Tham Sân Si, xa lánh thị phi, để đền đáp sự độ trì của Phật đã ban cho. Dạ đó có phải là suy nghĩ đúng không ạ?             

Đức Phật là Đấng Tỉnh Giác, là Đấng đã thức tỉnh rồi. Chúng ta theo Phật luôn luôn phải biết “lạy Phật”, “mô Phật”, “A Di Đà Phật”. Khi chúng ta phát ra âm “lạy Phật” hoặc “mô Phật” chúng ta phải hiểu Phật là Tỉnh Giác. Dịch cho nó dễ trong môi trường tương tác của người Phật tử thì chúng ta thấy nhiều khi gặp một chuyện gì đó mình tự nói bản thân mình “bình tĩnh, bình tĩnh”. Đó là cách tâm lý học phải không cô? Mình nhắc nhở mình bình tĩnh ví dụ như gặp một chuyện lộn xộn trong thời chiến tranh đó, bom nó nổ, đánh nhau thì mình phải tự trấn an mình, mình nói “bình tĩnh, bình tĩnh”. Hoặc là những người lớn trong gia đình nói: “Các con à, bình tĩnh nha các con, bình tĩnh”. Và khi gặp những người lộn xộn trong đời ngoài sự nhắc nhở của người trên cha mẹ, ông bà chúng ta cũng lặp lại theo lời dạy của người trên bình tĩnh để trấn an mình. Và đôi khi trong nhóm bạn chơi hoặc những người dưới như con cháu của chúng ta gặp chuyện ta cũng thường làm giống như cô nhắc nhở con cháu của mình “Con ơi, bình tĩnh lại, bình tĩnh lại”. Điều đó là tốt, Phật nhìn thấu tâm lý của con người, Phật là bác sĩ tâm lý quán chiếu nhân duyên thấy cho nên Phật dạy niệm Phật. Niệm Phật tức là bình tĩnh, bình tĩnh. Niệm Phật tức là lạy Phật, mô Phật tức là bình tĩnh lại, bình tĩnh lại. Mình dịch đơn giản cho dễ hiểu đi, Phật là Đấng Tỉnh Giác, Giác Ngộ. Phật là Giác Ngộ, Giác Ngộ tức là Tỉnh Thức, Tỉnh Giác rồi. Mà dịch cho nó nhẹ xuống bởi ta là Phật tử mà, niệm Phật là hãy bình tĩnh.

Niệm Phật là một phương pháp tâm linh học giữ cho tâm trí, tâm của ta, trí tuệ của ta, thân của ta có được sự bình tĩnh để từ đó nhìn thấu hiện tượng đang xảy ra và tìm cách giải quyết tối ưu. Cho nên niệm Phật hay lạy Phật trong bất cứ một tình huống gì là một sự tự giữ cho mình bình tĩnh, bình tĩnh. Phương pháp tâm linh tuyệt diệu mà Đức Phật dạy niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Cho nên khi gặp cùng đường bí lối ta niệm Pháp là thấy được con đường đi, khi gặp chuyện khó khăn ta niệm Phật là bình tĩnh trở lại để đối đầu. Và rồi cuộc đời đã trôi qua, biết bao nhiêu thăng trầm, nhục vinh, có mất, lui tới tạo ra một bức tranh được đúc kết bằng kinh nghiệm thực tế. Cô đã nhìn rõ được điều đó, nay trong hoàn cảnh nhân duyên có được trong kiếp này, ở tuổi này cô dành toàn bộ tâm huyết của mình nương theo sự Giác Ngộ của Phật, lạy Phật, mô Phật để đi sâu lên một bước nữa để không thể chỉ dừng ở chỗ là hãy bình tĩnh mà còn bình tĩnh trong sự sáng suốt Từ − Bi − Hỷ − Xả để bước tới tòa sen của mình ngay trong những ngày tháng còn đang sống. Cho nên cô cố gắng tu tập, chúng ta đồng tu nương vào kinh điển, sự giáo huấn của các Bậc xuất gia hoặc nghiên cứu do tự thân để chúng ta tự lên lớp, đừng dừng ở chỗ lạy Phật, mô Phật như thời xưa. Thời xưa mình bận rộn, hoàn cảnh không cho phép mình đầu tư vào nay đã tới thời ta cần phải đầu tư trong sự bình tĩnh lạy Phật, niệm Phật, mô Phật để đi tới một bước nữa để thành tựu cao hơn. Cho nên Bảo Thành sách tấn cô hãy cố gắng tinh tấn để đừng dừng ở lớp đó mà lên lớp cao hơn. Phật luôn sẵn sàng đồng hành với ta một cách từ từ, từng chút, từng chút. Đây là lúc cô lên lớp rồi, chúc mừng cô, tán thán công hạnh của cô.

1:00:16 Câu 5. Dạ Thầy cho con hỏi là con bị say xe nặng không thể đi xe khách và một số phương tiện khác, rất bất tiện. Con đã đi chạy chữa nhiều năm không khỏi vậy thì thực tập hơi thở Chánh Niệm Mu A Mu Sa tiếp năng lượng Từ Bi của Chư Phật có thể cải thiện tình trạng này không?

Nếu bạn là người dễ bị say xe, say sóng, đó là não bộ của bạn nó khác với mọi người. Ngày nay người ta đã dùng các phương pháp như thuốc để mình uống vào, họ chế ra dạng như kẹo nữa để ngậm vô rồi đi xe nó chống say hoặc là đi thuyền nó chống say. Cái đó hữu hiệu lắm, ngày nay chúng ta hay dùng. Đó cũng là một phần kiến thức của loài người được gọi là trí tuệ sáng chế ra bởi vì họ nghiên cứu cơ thể não bộ của chúng ta. Và những chất trong thuốc đó giúp cho thần kinh não bộ có thể cân bằng trên những chuyến đi bằng xe hoặc dưới sông nước mà bạn hay bị say.

Nếu như bạn vừa nói là bạn đã đi bác sĩ chữa rồi sử dụng các loại thuốc đó rồi mà nó không hết. Nếu thực sự là như vậy và trong vấn đề tu tập Thiền Mật có thể giúp cho thăng bằng và vượt qua hay không? Bảo Thành xin trả lời là được. Bởi vì khi chúng ta tu Thiền Mật Thất Bảo Huyền Môn, ngoài luồng khí vận hành trong Chánh Niệm hơi thở vào ra các bạn tập cho đúng, thì khi hơi thở vào đi sâu xuống vùng Luân Xa số 1 kích hoạt năng lượng tự thể. Theo y học cổ truyền của Đông phương chúng ta, cơ thể chúng ta có những huyệt đạo và có năng lượng ở trong đó. Các bạn nhớ hồi xưa trúng gió ta cạo gió, ta giác cạo nó hết bệnh. Những phương pháp cổ truyền nó hơi thô nhưng mà nó hữu dụng. Nhất định người Việt chúng ta không ít thì nhiều đã một lần trong đời cạo gió, giác cạo hoặc là giựt gió. Những phương pháp đó là để lấy khí độc nó nhiễm vào máu và kích hoạt kinh mạch vận chuyển tích cực hơn để đẩy lùi đi bệnh đó giúp cho ta khỏe. Như những phương thức thoa bóp, đánh thức các huyệt đạo thì Thiền Mật song tu giúp cho luồng khí trầm xuống Đan điền Khí hải, Luân Xa số 1 kích hoạt năng lượng. Đồng thời với đón nhận tha lực Phật điển từ mật chú Mu A Mu Sa, kích hoạt đồng bộ giúp cho thân của chúng ta từ từ lấy lại sự thăng bằng và vượt qua được những chướng ngại về thân trong những sinh hoạt của cuộc sống. Thắp sáng sự tịch tĩnh, sự bình tĩnh để ta có được sự kiên nhẫn, suy nghĩ sáng suốt trước mọi hành động để đi tới sự quyết định mang lại lợi lạc hơn cho bản thân và cho cộng đồng xã hội và gia đình.

Trả lời ngắn gọn, tu tập Thiền Mật song tu đúng mức bạn sẽ dồi dào năng lượng và chuyển hóa được phần đó. Chúc cho bạn tinh tấn thường xuyên và một ngày nào đó sẽ nhận lại được phản hồi của bạn là bạn đã vượt qua.              

1:04:50 Câu 6: Thưa Thầy, Khi con đồng tu cùng Thầy, Thầy đọc xong 7 biến chú Thất Bảo Mu A Mu Sa, con cảm thấy trong người con toàn thân dao động, từ trường di chuyển xoay tròn như có luồng lốc xoáy, kiểu không khí chân không ấy. Những lúc như vậy con muốn làm chủ tâm mình nhưng con không định được “thần thức” của con. Và dạo này con thường bị như vậy. Con không hiểu vì sao. Con xin Thầy khai thị cho con ạ.

  • Con hỏi đến thần thức có nghĩa là sao con? Theo như định nghĩa, suy nghĩ của con không làm chủ được thần thức là sao con? Ý của con có phải là tâm của con chưa đồng hành với cảm xúc đó qua năng lượng đó đúng không? Nhưng mà con dùng chữ “thần thức” đúng không?
  • Dạ.

Các bạn, trong Thiền Mật song tu là chúng ta thiền với năng lượng tự thể của thân và với tha lực Phật điển giao thoa lẫn lộn một cách hài hòa, phù hợp. Và trong đó, lấy tâm biết thấy trụ vào hơi thở để tập làm quen với sự chuyển động đó. Các bạn có khi nào học lái xe chưa? Nhất định Bảo Thi đã từng và chắc chắn là đã biết lái xe rồi. Người Việt Nam chúng ta giao thông nhiều phải biết lái xe Honda, ít nhất là như vậy. Những bước đầu học lái xe Honda bỡ ngỡ, chưa làm chủ được tốc độ, chưa làm chủ được tay ga nếu lái xe tay ga, chưa làm chủ được sang số nếu lái xe số. Chưa làm chủ được đèn đỏ, đèn xanh, đèn vàng, luống cuống, sợ hãi rồi lái xe chập choạng, nghiêng ngã. Nhưng bạn tập riết, tập riết bây giờ bạn chẳng cần phải nhớ đường, ngồi lên xe nó vận hành tự nhiên, lái xe là chạy một mạch từ chỗ này tới chỗ khác. Năng lượng của tự thân và tha lực Phật điển phối hợp tự động chạy trên giao lộ tự nhiên của thân. Cũng như bạn ngồi lên trên xe lửa thì bạn chỉ cần nhẹ nhàng, thư thái xe lửa sẽ chạy. Bạn nhìn ra cửa sổ bạn thấy xe chạy nhưng bạn ngồi thì bạn ngồi, bạn đâu có chạy đâu. cảm giác mà chúng ta thấy năng lượng chạy ở trong thân của ta chỉ cần giữ được Tánh Thấy Biết nhìn. Đừng thò tay ra ngoài khi xe lửa chạy, đừng thò tay ra ngoài khi đi xe coi chừng bị những vật khác nó chạy ngang qua đụng vào tay chân. Cho nên luồng chân khí, các bạn nhớ khi luyện khí công và tất cả các phương pháp dân gian để thúc đẩy năng lượng tự thể, phát hiện ra đó để rồi huân tu, điều khiển chúng cho có sức khỏe.

Khi tu Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn ai cũng phát hiện ra luồng năng lượng của tha lực Phật điển và của tự thân giao thoa, chuyển động giúp cho sức khỏe. Bạn không cần làm gì cả, mà chỉ cần hòa mình vào đó. Như đi nghe nhạc giao hưởng đã có người cầm nhịp cho cả ban nhạc giao hưởng cùng khởi lên với những nhạc cụ khác biệt tạo thành những nốt nhạc khác biệt nhưng nó giao hưởng với nhau, giao thoa với nhau. Bạn đừng muốn nhảy vào làm nhạc trưởng, chóng mặt đó bởi vì bạn chưa biết về nhạc. Nhưng bạn có thể trở thành người lắng nghe những âm thanh hài hòa của những nhạc công, của những nhạc khí khác nhau, nhạc cụ khác nhau hòa hợp thành những giao hưởng âm thanh tuyệt vời. Đi nghe nhạc giao hưởng là phải biết thưởng thức. Chúng ta đã có một nhạc trưởng vi diệu là Đức Phật và có nhạc công là tự lực và tha lực phối hợp với nhạc cụ của hơi thở Chánh Niệm và Thấy Biết, ta đã trở thành một người đi nghe nhạc giao hưởng. Tức là lắng lòng xuống mà nghe âm thanh của tự lực và tha lực nơi nhạc công của Chánh Niệm Thấy Biết phối khí, phối âm và nhạc trưởng là Đức Phật đánh nhịp cho nó chuyển động với tâm ý hiểu rõ và thấu. Khi nghe nhạc, bạn có khi nào lắc lư theo âm thanh của nhạc không? Có mà. Âm thanh và năng lượng của âm thanh tạo thành sự rung chấn, chuyển động của cơ thể. Tất cả các tế bào trong cơ thể đều chuyển động, tế bào nào không chuyển động nó sẽ bị đào thải, chết đi. Cho nên sự rung chấn trong cơ thể, sự chuyển động trong cơ thể giúp cho ta khỏe. Cơ thể của bạn đã được chuyển động bằng năng lượng, hãy để nó tự nhiên, chỉ cần giữ tâm lắng nghe sự giao hưởng, giao thoa của tự lực năng lượng của bản thân, tha lực của Chư Phật và để nhạc công của Chánh Niệm hơi thở và Thấy Biết nhịp nhàng phối khí. Ta chỉ là người đến dự buổi nhạc này. Với cách nhìn như vậy, Bảo Thi sẽ tận hưởng được những giây phút tự tại và an nhiên trong những buổi tu tập sắp tới.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts